“Giải Cứu” Đồng Bằng Sông Cửu Long:
Quách Hạo Nhiên
---
Phần II
Đồng Bằng Sông Cửu Long Cần Được Tiếp Cận Trên Tinh Thần
1. Tham vấn, xây
dựng chính sách không phải chuyện…sáng tác thơ, văn
Cần phải khẳng định rằng, để “giải cứu” ĐBSCL trong thời gian tới, về
mặt nhận thức, quan điểm “Thuận Thiên” của các nhà khoa học là không
sai. Tuy vậy, điều quan trọng là cần hiểu như thế nào về “thuận thiên”?
“Thuận thiên” có phải chỉ thuần thích nghi, thích ứng với vấn đề hạn hán
và xâm nhập mặn trong vấn đề chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo thứ tự
ưu tiên, thủy hải sản, cây ăn quả và cuối cùng là cây lúa?
Ngoài
ra, về phương diện tuyên truyền, thiển nghĩ cần có cách giải thích cụ
thể và tường minh hơn. Bà con nông dân là đối tượng chính trong mọi
chính sách và giải pháp nhằm xây dựng và phát triển ĐBSCL trong thời
gian tới. Và cái họ cần và mong muốn là sắp tới đây Nhà nước hỗ trợ cho
họ như thế nào về các chính sách liên quan đến nguồn lực tài chính; nhà
khoa học giúp họ ra sao về mặt kỹ thuật và ứng dụng công nghệ (con/cây
giống chịu hạn mặn...); các nhà đầu tư có hỗ trợ và cam kết về đầu ra
sản phẩm trên tinh thần cùng có lợi hay không…? Đây mới là vấn đề họ
không quan tâm chứ không phải sự hô hào “Thuận Thiên” một cách chung
chung, cảm tính. Vì tham vấn và xây dựng chính sách quốc gia mang tầm vĩ
mô chứ không phải chuyện sáng tác thơ ca, tiểu thuyết.
Chúng
ta nói nhiều về “thuận thiên” trong các buổi hội thảo, hội nghị và trên
các phương tiện truyền thông nhưng người dân không hiểu và nhất là thể
sống được bằng những mô hình chuyển đổi trong thực tế, phải tha hương
cầu thực thì có phải là vô nghĩa, vô bổ và nguy hại ắm không?
2. Giữ gìn, bảo vệ,
bảo tồn nguồn nước ngọt và hệ sinh thái nước ngọt ở ĐBSCL nên là ưu tiên
hàng đầu trong quan điểm “Thuận Thiên”
Nền tảng quan trọng làm nên cấu trúc và đặc trưng của vùng ĐBSCL là
nguồn tài nguyên đất (phù sa) và hệ sinh thái nước ngọt với vô số sông
ngòi, kinh rạch. Tiếp theo mới là hệ sinh thái nước mặn, nước lợ (một số
địa phương cố vị trí địa lý giáp biển). Đây chính là điều kiện về tự
nhiên góp phần làm nên thế mạnh về kinh tế nông nghiệp của ĐBSCL lâu
nay; là lý do khi nhắc đến ĐBSCL chúng ta hay nói đây là “vựa lúa”, “vựa
lương thực” của cả nước.
Biến đổi khí hậu toàn cầu cùng với việc xây quá nhiều đập thủy điện ở
thượng nguồn sông Mê Kông (sự “nghịch thiên”) là hai nguyên nhân chính
gây nên hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Người viết bài này, đã từng nói
cả hai vấn đề này hiện tại khó mà thay đổi. Vậy nên, chuyện phải tự cứu
lấy mình là điều không ai bàn cãi.
Nhưng vấn đề là làm sao để tự cứu? Từ thực tế về đặc trưng kinh tế, văn
hóa, xã hội cũng như những gì đã và đang xảy ra ở ĐBSCL thời gian qua,
tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất khi nói về “thuận thiên” là phải làm
sao giữ gìn, bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng mà vùng đất này đã
có, hiện có. Và như trên đã nói, đất phù sa và nguồn tài nguyên nước
ngọt là vốn quý của ĐBSCL. Nhưng vốn quý này không những đang ngày một
giảm sút, có nguy cơ cạn kiệt mà còn bị chính chúng thời gian qua “vừa
xài vừa phá” nên đã bị ô nhiễm nặng. Có hai nguyên nhân chính gây ra sự
ô nhiễm này là:
Một là,
tư duy và thói quen sản xuất nông nghiệp của người dân (lạm dụng phân
thuốc hóa học trong việc trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng
thủy sản trên ruộng đồng và sông rạch…) đã và đang hủy hoại môi trường
đất, nước và toàn bộ hệ sinh thái nước ngọt ở ĐBSCL.
Trong một báo cáo cách đây 3 năm, World Bank khẳng định có đến 50-60%
nông dân trồng lúa ở Việt Nam đã sử dụng thuốc trừ sâu với tỷ lệ vượt
quá mức đề nghị; 38 - 70% nông dân các tỉnh phía Nam đang sử dụng thuốc
trừ sâu với tỷ lệ vượt quá mức khuyến cáo; khoảng 20% nông dân đang sử
dụng thuốc trừ sâu vi phạm các quy định hiện hành, sử dụng thuốc trừ sâu
bất hợp pháp nhập khẩu, cấm hoặc thậm chí giả mạo.
Ngoài ra, các nhà khoa học của tổ chức này đã gọi những khu vực tại
ĐBSCL mà các sinh vật bản địa không còn sinh sống nổi là những “vùng đất
chết”. [1]
Trong khi đó, từ đầu năm 2020 cho đến ngày 15/6, Tổng cục Hải quan công
bố Việt Nam đã nhập khẩu 308 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu sản
xuất mặt hàng này. [2]
Các báo cáo và công bố trên phù hợp với thực trạng hệ sinh thái nước
ngọt ở ĐBSCL hiện nay gần như bị hủy diệt. Chẳng ai có thể ngờ được
ĐBSCL hôm nay không còn những con tôm, tép, cua, cá đồng…- những sản vật
đã đi vào thơ ca, hò vè với một niềm tự hào của người dân nơi đây.
Hai là,
mỗi tỉnh thành ở ĐBSCL gần như đều có các khu công nghiệp nhưng việc xử
lý nước thải đảm bảo quy chuẩn trước khi xả xuống hai con sông Hậu, sông
Tiền gần như là con số 0 tròn trĩnh.
Từ đây, có thể thấy, trước khi tính đến chuyện chuyển đổi cơ cấu nông
nghiệp để thích nghi với hạn hán và xâm nhập mặn thì vấn đề tối quan
trọng là phải bảo vệ, bảo tồn nguồn tài nguyên nước ngọt hệ sinh thái
nước ngọt của toàn vùng là vấn đề rất cấp thiết. Bởi nguồn tài nguyên
nước ngọt đã khan hiếm mà còn bị ô nhiễm thì việc đầu tư nuôi trồng thủy
hải sản, cây ăn quả chắc chắn khó mà thành công như mong muốn. Một khi
hai con sông tiền và sông Hậu khô cạn và ô nhiễm thì còn đâu chợ nổi Cái
Răng cùng hệ sinh thái vườn tược để phát triển du lịch miệt vườn, sông
nước đây…?
Thế nên, “Thuận Thiên” trước hết phải được tiếp cận ở ý thức giữ gìn,
tiết kiệm, không hoang phí các nguồn tài nguyên và sản vật đặc trưng; là
sự bảo vệ, bảo tồn những gì còn sót lại cùng với đó “hồi sức”, hồi phục
lại những gì mà thời gian qua chúng ta đã vô tình hay cố ý xâm hại, bức
tử…
Nói khác đi, “Thuận Thiên” trước hết là tinh thần “CỘNG SINH”, “HÒA
GIẢI” VỚI TỰ NHIÊN. Tuy vậy, cũng không nên lãng mạn hóa vấn đề này bởi
lịch sử phát triển của con người còn là lịch sử phát triển của tri thức
với những phát minh, phát kiến nhằm chinh phục tự nhiên. Vì thế, trong
chừng mực nào đó chúng ta vẫn có thể thể can thiệp vào tự nhiên với một
biên độ cho phép vì “xưa nay nhân
định thắng thiên cũng thường”.
3. Thay lời kết
Ở phương diện lịch sử và văn hóa, ĐBSCL trước đây là xứ
“ma thiêng nước độc”, “dưới sông
sấu lội trên bờ cọp um”, “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh tợ bánh canh”…nhưng
cha ông ta cũng đã từng bước thích nghi và chinh phục.
Vậy nên, nếu chỉ thuần túy quan niệm “thuận thiên” là “chuyển đổi cơ cấu
nông nghiệp”, là giảm trồng lúa để chuyển sang nuôi tôm, thủy sản thích
nghi với hạn mặn thì vẫn là tư duy
“khai thác” để phát triển.
Nếu như thế thì không cần ai khuyên bảo vì người dân ĐBSCL bao đời
nay không phải đã tự thích nghi rồi sao?
Trồng lúa không giàu, họ đào ao, đóng bè nuôi cá ba sa; nuôi cá ba sa
thất bại họ chuyển sang trồng dưa hấu, thanh long, khoai lang, hành tím,
mía đường; các cư dân ở ven biển từ lâu cũng đã chung sống với con tôm,
con cua…Nhưng do phải “tự bơi” là chính nên những năm gần đây có hơn 1,3
triệu người phải bỏ xứ tha phương câu thực. “Đất lành chim đậu”, trước
đây, miền Tây dễ sống, giờ khó sống, khó ở nên họ phải tìm đường mưu
sinh. Nói cho cùng đây cũng là quy luật, là sự “thuận thiên” đó thôi.
Nói tóm lại, về nhận thức, việc tiếp cận ĐBSCL trước hết bằng quan điểm
và góc nhìn BẢO TỒN ĐỂ PHÁT TRIỂN trong đó xem việc giữ gìn và bảo vệ
nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nước ngọt là ưu tiên hàng đầu; là nền
tảng quan trọng để triển khai các giải pháp tương thích khác chắc chắn
sẽ hạn chế những cách làm mang tính hình thức, phong trào, đối phó
(tưởng là “thuận thiên” nhưng có khi lại rất “nghịch thiên”).
---
Nguồn tham khảo:
[1]: Nguyễn Trọng Bình -
“Cứu con cua đồng”.
https://vnexpress.net/cuu-con-cua-dong-4131092.html
[2]: Thanh Lam, Hoàng Phương -
“Vòng xoáy thuốc trừ sâu trên
những cánh đồng”.
https://vnexpress.net/vong-xoay-thuoc-tru-sau-tren-nhung-canh-dong-4122794.html
|