Chính Phủ Kiến Tạo
Và Nhà Mồ Cho các “Công Bộc Cấp
Cao”
Quách Hạo Nhiên
1. Chính phủ kiến
tạo và vụ ông Nhạ
Từ khi nhậm chính thức nhậm chức Thủ tướng Chính phủ đến nay, ông Phúc
ít nhiều cũng để lại “dấu ấn” cá nhân với các phát ngôn cùng quan điểm
xây dựng một “Chính phủ kiến tạo
và phục vụ”. Công tâm và khách quan mà nói, cho đến thời điểm này
ông Phúc và ê kip của mình không phải chỉ giỏi nói miệng mà không làm.
Nghĩa là bên cạnh việc (thông qua hệ thống truyền thông) tạo dựng hình
ảnh cho mình thì sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành Chính
phủ của ông Phúc với phương châm trên là điều mà mọi người có thể cảm
nhận được. Tuy vậy, “đường dài
mới biết ngựa hay” và thời gian chắc chắn sẽ có câu trả lời chính
xác nhất cho mọi lời hứa hẹn và thế thốt. Bởi nói cho cùng, những lời
hứa hẹn và thề thốt vốn là một “chiêu thức” tối quan trọng mà bất cứ một
cá nhân nào cũng đều biết lấy ra để sử dụng nhằm gầy dựng niềm tin với
những đối tượng mà họ muốn chinh phục hoặc dối lừa. Một gã trai dù sang
hay hèn nếu muốn chinh phục trái tim cô gái xinh đẹp đương nhiên sẽ luôn
miệng bảo rằng “cuộc đời này anh
chỉ sẽ yêu mình em”. Thậm chí không ít gã còn liều lĩnh ngước mặt
lên trời trong một đêm trăng sáng và thề độc:
“em hãy tin tưởng ở anh, đời này, kiếp này anh hứa chỉ “kiến tạo và phục
vụ” duy nhất mình em thôi, nếu anh nuốt lời thì ông hay Trời sai Thiên
Lôi nhằm vào đầu... thằng khác mà bổ xuống!”
Ví von như thế để vui vẻ một tí. Chứ thật ra những chuyện yêu đương trai
gái nhăng nhít của người đời dù sao vẫn không thể so sánh với những
chuyện ở chốn quan trường nhất là những chuyện thuộc về “quốc gia đại
sự”. Vì “quốc gia đại sự” là những chuyện vốn dĩ cần sự nghiêm túc và
không nên mang ra để đùa cợt nhất là đùa với nhân dân. Chuyện lùm xùm
liên quan đến ông Phùng Xuân Nhạ - “tổng tư lệnh” ngành Giáo dục những
ngày gần đây là một chuyện như vậy.
Trong cái nhìn như vậy, có thể nói không hiểu sao, cho đến thời điểm này
“Chính phủ kiến tạo và phục vụ”
của ông Phúc vẫn hoàn toàn im hơi lặng tiếng mặc cho GS Nguyễn Tiến Dũng
- người đã cùng các cộng sự nghiên cứu, tìm hiểu và tố cáo sự “ngụy khoa
học” của ông Nhạ - mòn mỏi trông chờ và nghe ngóng. Dĩ nhiên ở đây chúng
ta vẫn không loại trừ khả năng biết đâu ông Phúc vẫn đang có những sự
“chỉ đạo ngầm” vụ việc trên? Nghĩa là không phải ông Phúc không làm
nhưng là làm “trong vòng bí mật” và không cho truyền thông báo chí chính
thống đưa tin. Nhưng cho dù có như thế đi nữa thì vẫn là cách làm không
đúng với bản chất của một “Chính
phủ kiến tạo và phục vụ” mà ông Phúc đang quyết tâm xây dựng, nhất
là trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay.
Ngoài ra, về nguyên tắc cả ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
đào tạo, ông Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông đều
là thành viên trong “Chính phủ
kiến tạo và phục vụ” của ông Phúc. Vậy nên, một sự việc quan trọng,
có tác động và ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của toàn xã hội như thế
nhưng cho đến nay vẫn không một ai trong Chính phủ lên tiếng phản hồi và
mặc cho dư luận truyền thông phi chính thống đồn thổi, dè bỉu, mai mỉa
càng không thể xem là cách xử lý khôn ngoan của người đứng đầu Chính phủ
được.
Thử hỏi tại sao cả hệ thống báo chí chính thống ngày này qua ngày nọ
thay phiên nhau đưa tin, bình luận về vụ ông Phúc yêu cầu tổng ra soát
lại chuyện phong GS và PGS năm nay nhưng tuyệt nhiên không đá động gì
đến chuyện của ông Nhạ? Hay nói chính xác hơn, báo chí truyền thông tuy
cũng có đá động bằng hai bài viết, một trên chuyên mục
“Góc nhìn” [1] của Vnexpress
và một trên báo Người lao động
[2] nhưng bài trên Vnexpress thì vừa hèn kém (viết và biên tập một bài
viết với tính chất và lấy nhan đề
“Phản biện” mà như thế thì kể ra cũng không nên viết và đăng làm
gì). Còn bài trên báo Người lao
động thì mới đăng chẳng bao lâu đã bị rút xuống! Tại sao như vậy? Có
ý kiến cho rằng chuyện liên quan đến ông Nhạ chỉ thuần túy là chuyện
“nghiên cứu khoa học” của một cá nhân, không phải là chuyện chính trị
nhạy cảm. Nếu đã tư duy như thế thì hà cớ gì lại rút bài báo kia xuống?
Ông Nhạ ngoài tư cách Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ông vẫn là
một công dân trong tư cách của một nhà giáo, nhà “khoa học”. Vậy thì
những vấn đề mà GS Nguyễn Tiến Dũng cùng các cộng sự phanh phui và tố
cáo trước hết phải được xử lý trong tư cách ông Nhạ là một “nhà khoa
học” bình đẳng với những nhà khoa học khác về phương diện luật pháp và
đạo đức khoa học, báo chí truyền thông nếu có lên tiếng phản ánh cũng là
chuyện hết sức bình thường có gì mà phải ngăn cản?
Một “Chính phủ kiến tạo và phục
vụ” trước hết phải là một Chính phủ minh bạch. Đó là điều kiện cần.
Còn điều kiện đủ là anh muốn “kiến tạo” nhất định phải có trí tuệ và sự
hiểu biết; và muốn “phục vụ” thì cần phải trung thực và bản lĩnh. Vậy
nên, vụ này nếu ông Phúc và Chính phủ của mình vẫn kiên quyết im lặng,
không đã động gì thì cũng đồng nghĩa với sự đồng lõa, sự tiếp tay cho
những chuyện tiêu cực và “trái đạo” ngang nhiên hoành hành và thách thức
dư luận xã hội. Ông Phúc đang tập trung và nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh
tế, chăm lo cho đời sống vật chất của người dân là điều đáng trân trọng
cần được ghi nhận nhưng xin ông nên nhớ cho một vấn đề quan trọng: chúng
ta “không thể nào có một nền kinh
tế tăng trưởng lành mạnh dựa trên một nền văn hóa suy đồi.” [3].
2. Nhà mồ cho “công
bộc cấp cao”
Đã thành thói quen, những năm gần đây sau mỗi kỳ nghỉ Tết nguyên đán cổ
truyền của dân tộc thì các cơ quan truyền thông nước nhà gần như ngay
lập tức lăn xả để đưa tin và phản ánh các kỳ lễ hội
“văn minh hay là dã man” của
đồng bào ta (nhất là đồng bào ở các tỉnh phía Bắc). Nhìn chung, sau
nhiều lần lên án, phê phán, chấn chỉnh... có vẻ như mức độ hỗn loạn của
các lễ hội năm nay phần nào cũng đã giảm bớt hơn so với các năm trước.
Tuy nhiên, sự cuồng tín và mê muội của cả “quan” lẫn dân thì vẫn “giữ ở
mức ổn định” nếu không muốn nói còn có phần trầm trọng hơn. Bằng chứng
là, về phía các “quan” vẫn có không ít kẻ bất chấp lệnh của ông Nguyễn
Xuân Phúc lén lúc nhang đèn đến chốn “linh thiêng” “sám hối” và mặc cả
với các vị thần linh. Còn về phía dân chúng thì thật là bi hài kịch làm
sao khi hàng trăm, hàng ngàn người (không biết có phải do các “thế lực
thù địch” giật dây và xúi giục hay không) đã sì sụp dâng hoa quả vái lạy
một con cá chép dưới kinh hay một con rắn nước trên một nấm mồ hoang vô
chủ.
Những sự việc trên cho chúng ta thấy điều gì? Dù ai đó có lý giải hay
phê phán sự mê muội và cuồng tín của đồng bào ta hiện nay thế nào đi nữa
thì chắc chắn cũng không thể phủ nhận một điều dân ta nhìn chung từ
“quan” cho đến dân những năm gần đây đang ngày một bấn loạn, hoang mang
và mất phương hướng trước mọi vấn đề của cuộc sống hiện tại. Nói cách
khác, đó chính là biểu hiện cụ thể và sống động nhất về sự mất niềm tin
của bản thân mỗi người cũng như sự đảo lộn những thang bậc giá trị trong
xã hội. Đương nhiên sự mất niềm tin này trước hết nói cho cùng là do sự
thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh của mỗi cá nhân. Nhưng bên cạnh đó, cần
phải thừa nhận rằng, về mặt khách quan, sự mất niềm tin của người dân
hôm nay còn do sự tác động và ảnh hưởng, cộng hưởng mạnh mẽ từ phía
chính quyền Nhà nước. Vì nói cho cùng xã hội và đất nước này lâu nay
được dẫn dắt và lãnh chỉ đạo (toàn diện và sâu sắc) của duy nhất “Đảng
ta” mà thôi.
Và như thế, nghịch lý trên cũng là một bằng chứng cho thấy những lời
khẩu dụ và tuyên truyền về sự đồng lòng, thống nhất giữa
“ý đảng lòng dân” lâu nay
thật ra chỉ là những lời mà cả Đảng ta và dân chúng dùng để tự lừa dối
trong sự nhẫn nại và chịu đựng lẫn nhau. Giống như tất cả đang cùng lừa
dối và chịu đựng nhau liên quan đến cái dự án xây dựng cái nhà mồ cho
các “công bộc cấp cao” của dân rộng 120 ha với kinh phí 1.400 tỉ đã được
Chính phủ của ông Phúc phê duyệt.
Trước Tết nguyên đán năm nay, khi thông tin trên đến với người dân,
người đầu tiên lên tiếng bàn về dự án này không ai khác hơn là Tiến sĩ
Nguyễn Thị Hậu. Có lẽ với chuyên môn “khảo cổ” cùng kinh nghiệm “nhìn”
ra các “cổ vật” bị vùi sâu trong lòng đất cùng những lớp bụi thời gian
của mình; với bút pháp nhẹ nhàng nhưng không kém phần quyết liệt rất
quen thuộc, TS Nguyễn Thị Hậu đã đặt ra câu hỏi:
“Xây nghĩa trang, vì ai?”
[4]. Thiển nghĩ câu hỏi nhẹ nhàng cùng bài viết ngắn gọn ấy ngoài tính
chất phản biện ra thì phải chăng trong tận cùng sâu thẳm nó còn ẩn chứa
một sự chịu đựng đầy đau đớn của các “ông chủ bà chủ” trước việc “nói
một đằng làm một nẻo” của các “công bộc” đang ngày đêm “phụng sự” nhân
dân? Thôi thì mọi vấn đề TS Nguyễn Thị Hậu đã nói hết cả rồi. Vậy nên,
căn cứ vào tình hình thực tiễn về niềm tin của dân chúng trong mùa lễ
hội “văn minh hay là dã man”
năm nay, người viết bài này xin được mạo muội bổ sung thêm một ý vào bài
viết của TS Nguyễn Thị Hậu như sau: các “công bộc cấp cao” của dân hãy
tự tin và dũng cảm triển khai xây dựng cái nhà mồ ấy đi nếu như các vị
thấy cần thiết phải “ở cùng nhau” để “cùng chung tay” xây dựng cái
“thiên đường XHCN” sau khi đã về “bên kia thế giới”. Tuy vậy, chỉ xin
lưu ý các vị là dân chúng hôm nay (vì bấn loạn và mất phương hướng) có
thể dễ dàng “phong thánh” và quỳ lạy con cá chép hoặc con rắn nước nhưng
họ có thực sự tôn kính các vị hay không khi đứng trước cái nhà mồ kỳ vĩ
trong tương lai theo tôi, là vấn đề không thể tùy tiện đưa ra kết luận
cuối cùng được. Vấn đề này có lẽ, rất cần được nghiêm túc đặt ra và nên
giao cho GS Phùng Xuân Nhạ chủ trì xây dựng thành một đề tài “ngâm cứu”
khoa học cấp quốc gia là tốt nhất!?
3. Thay lời kết
Dư âm ngày Tết cổ truyền có lẽ vẫn còn đang phảng phất trong tâm trí
nhiều người. Với lại, “tháng
giêng là tháng ăn chơi”, vậy nên, để kết lại bài này trong không khí
“Mừng Đảng vinh quang, mừng Xuân
Mậu Tuất” chúng ta hãy cùng nhau đọc chậm và thưởng thức lại ca từ
trong bài hát “Đảng đã cho ta mùa
Xuân” của nhạc sĩ Phạm Tuyên vậy:
“Đảng đã cho ta một mùa xuân đầу ước vọng
Q.H.N
-------------
Chú thích nguồn:
[1]: “Phản biện”. Xem tại:
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/phan-bien-3714931.html
[2]: Bài viết của tác giả Lưu Nhi Dũ đăng trên báo điện tử Người lao
động nhưng sau đó đã bị rút xuống, hiện bài này có thể đọc trên
Viet-studies của GS Trần Hữu Dũng.
[3]: Ý kiến của Giáo sư Hoàng Tụy.
[4]: “Xây nghĩa trang, vì ai?”.
Xem tại:
http://nguoidothi.net.vn/xay-nghia-trang-vi-ai-12544.html
[5]: Lời bài hát “Đảng đã cho ta
mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
|