Khai Bút Đầu
Năm:
Quách Hạo Nhiên
Mở đầu
Trí thức là tầng lớp “có chữ”, có hiểu biết sâu, rộng về một hay vài
lĩnh vực nào đó. Học giả Cao Huy Thuần gọi thành phần trí thức là “lương
tâm của thời đại”. Bởi vai trò của trí thức là dẫn dắt, khai mở cho các
tầng lớp khác bằng nhận thức, tư tưởng, phát minh, phát kiến của mình
nhằm thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng văn minh, tiến bộ, lành mạnh…
“Đa nhân cách” trước hết là vấn đề thuộc về tâm lý phổ biến của con
người nhất là trong xã hội hiện đại khi phải chống chọi và ứng phó nhằm
thích nghi với những tình huống khác nhau của cuộc sống. Chính do phải
luôn tìm cách đối phó và thích nghi đã làm cho nhân cách của con người
bị “rối loạn” từ đó chuyển thành bệnh lý. Người bị rối loạn nặng là
những bệnh nhân tâm thần buộc phải điều trị và cách ly.
Quan sát những gì đang diễn ra trong xã hội Việt Nam hôm nay, đặc biệt
là khi mạng xã hội bùng nổ có thể thấy những thang bậc giá trị văn hóa
đang ngày một bị đảo lộn và băng hoại. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng
dường như có một nguyên nội tại, cốt tử nhất từ phía tầng lớp trí thức
trong xã hội lại hiếm khi được để cập và mổ xẻ nghiêm túc. Bởi như đã
nói ở trên, với vai trò dẫn dắt và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội nên khi
các thang bậc giá trị của xã hội bị đảo lộn thì chắc chắn trí thức không
thể vô can, nếu không muốn nói là tội đồ cần phải lên án trước tiên.
Ở phương diện nghề nghiệp, thành phần trí thức trong xã hội thường tập
trung ở các lĩnh vực liên quan đến các “nhà” như: nhà giáo, nhà văn, nhà
báo, nhà văn hóa, nhà chính trị… Sẽ có người tự ái và không hài lòng
nhưng phải nói rằng thành phần các “nhà” này ở xã hội Việt Nam hôm nay
đang rơi vào vòng xoáy của sự sa đọa với những biểu hiện và đặc điểm
như: xu thời, trí trá, hèn kém, nước đôi, ba phải… Nói khác đi, có thể
gọi đây là cách/lối sống muôn mặt, giả tạo, lá mặt lá trái, gió bề nào
che bề đó của một bộ phận rất đông trong tầng lớp trí thức nước nhà hôm
nay.
Dấu hiệu, thời
điểm, giai đoạn khởi phát
Dẫu vậy, cũng phải khẳng định rằng cái mốc từ sau 1945 đến nay những
biểu hiện trên mới ngày một khởi phát, hiển hiện ngày một rõ ràng và
trầm trọng hơn.
Trong
“Bút pháp của ham muốn”, từ
góc nhìn phân tâm học, nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy đã có những phát hiện
độc đáo khi nghiên cứu trường hợp thơ Chế Lan Viên. Theo ông, thơ Chế
Lan Viên là những biểu hiện của một tâm hồn nghệ sĩ - một trí thức đa
nhân cách trước những biến thiên của thời cuộc. Nếu như trước 1945, Chế
Lan Viên tự nhân mình là cái “tháp bayon 4 mặt” buộc phải “giấu đi 3”
trong tư cách người nghệ sĩ thực thụ thì sau 1945, sự “rối loạn” nhân
cách (đa nhân cách) của Chế Lan Viên gần như là một phản ứng mang tính
bản năng nhằm thích nghi với tư tưởng, nhận thức, chủ trương và đường
lối cách mạng do ĐCS lãnh đạo trong bối cảnh chiến tranh loạn lạc. Và
không chỉ riêng Chế Lan Viên đa phần những tài năng trước 1945 đều như
vậy. Nghĩa là tất cả đều phải “nói lại” cho “hợp thời” để trước hết được
tồn tại và thụ hưởng bổng lộc.
Đó cũng là lý do sau 1945 các nghệ sĩ trên sản xuất thơ văn nghệ thuật
rất nhiều nhưng oái oăm thay độc giả hôm nay nhìn chung chỉ nhớ đến
những gì họ viết ra trong khoảng từ 1930 đến 1945. Riêng Chế Lan Viên,
trong cùng thời điểm nhưng ban ngày thì làm thơ ca ngợi Đảng, ca ngợi
cách mạng nhưng đêm đến thì làm thơ cho chính mình trong nỗi ăn năn, sám
hối, kiểu: “Ai? Tôi”! -
Mậu Thân 2000 người xuống
đường…”.
Đây có thể xem là những chỉ dấu đầu tiên cho thấy sự trượt dài của tầng
lớp trí thức nước nhà thời hiện đại. Đỉnh điểm cho sự trượt dài này là
cả một thế hệ tuy cùng chiến tuyến nhưng đã trở mặt chĩa ngòi bút quyết
chiến nhau trong vụ án mang tên “Nhân văn giai phẩm”. Trước người “anh
cả” Tố Hữu, những “cái tôi” lừng lẫy, cao chót vót tựa đỉnh Hy Mã Lạp
Sơn như Xuân Diệu, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Huy Cận… đã
phải cúi đầu thần phục nhằm chứng minh sự trung thành của bản thân để
được trọng dụng, vinh danh.
Từ sau năm 1975, tuy đất nước được thống nhất, giang sơn thu về một mối
nhưng nhìn chung cả dân tộc vẫn vẫy vùng trong vũng lầy của sự nghèo đói
cả về vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt giai đoạn từ 1975 đến 1986 gần
như là kiệt quệ.
Ở giác độ văn hóa, nhìn sâu vào bên trong có thể nói, một trong những
nguyên nhân lớn nhất đưa đến sự kiệt quệ của đất nước giai đoạn này là
do sự khủng hoảng của tầng lớp trí thức thuộc 2 phe khi nước nhà vừa
thống nhất. Hay nói khác đi, việc “hòa hợp”, “hòa giải” dân tộc đã không
được “bên thắng cuộc” thực thi như đã hứa hẹn (vấn đề này thậm chí vẫn
kéo dài đến tận hôm nay).
Những người trí
thức thuộc chế độ cũ miền Nam phần vì “sốc văn hóa” (khi tiếp xúc với
các “trí thức” miền Bắc XHCN vào tiếp quản và lãnh đạo toàn diện) phần
vì tự trọng nên đã tự kết liễu hoặc buộc phải bỏ xứ ra đi. Tô Thùy Yên
sau hơn 10 năm học tập “cải tạo” đã ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong,
kiểm nghiệm lại đời mình sao quá xót xa trong cơn “thương hải tang
điền”: “Ta về như bóng ma hờn
tủi/ Lục lại thời gian kiếm chính mình/ Ta nhặt mà thương từng phế liệu/
Như từng hài cốt sắp vô danh”.
Từ 1986 đến 2000, đây là giai đoạn mở cửa và từng bước hội nhập (sau khi
đã bừng tỉnh trước những đòi hỏi bức thiết về sự tồn vong của dân tộc do
những sai lầm trong điều hành đất nước nhất là về kinh tế và ngoại
giao…), đất nước về cơ bản có khởi sắc hơn về đời sống vật chất nhưng về
tinh thần thì những dấu hiệu của sự suy đồi ngày một rõ nét hơn.
“Bần cùng sinh đạo tặc, phú quý sinh lễ nghĩa”. Các du học sinh (nghe
nói rất ít người học hành nghiêm túc mà chủ yếu là buôn lậu, chạy mánh)
từ khối CNXH anh em Đông Âu nhất là Liên Xô sau khi trở về đã rất tinh
mắt nhận ra thời cơ làm giàu trong bối cảnh nhập nhèm, tranh tối tranh
sáng của đất nước vừa bước qua thời cơm độn khoai sắn. Kẻ lanh mắt chiếm
lĩnh trận địa văn hóa, giáo dục, nghệ thuật bằng vỏ bọc Tiến sĩ “sau một
đêm” ngủ dậy; kẻ nhanh nhảu nhìn ra những kẽ hở của hệ thống pháp luật
liên quan đến vấn đề hàng hóa nhập cảnh ở các hải cảng, cửa khẩu và
nguồn tài nguyên khoáng sản, đất đai…
Đất nước từ đây được vận hành và hoàn toàn bị chi phối tuyệt đối bởi
tầng lớp trí thức – con người mới XHCN (chủ yếu ở phía Bắc). Tuy vậy,
cũng phải nói rằng trong hai thành phần trên thì thành phần trí thức đã
nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa văn hóa, giáo dục, nghệ thuật là kinh
khủng và kinh tởm nhất. Bởi văn hóa, giáo dục, nghệ thuật là nền tảng,
là tâm hồn của xã hội và dân tộc, đất nước. Chính thành phần này chứ
không phải ai khác đã thao túng và làm cho đạo đức văn hóa nước nhà ngày
một trở nên suy đồi vàng thau lẫn lộn dẫn đến hệ lụy như hôm nay. Bằng
chứng cụ thể và rõ ràng nhất là những lần họ “đổi mới căn bản và toàn
diện nền giáo dục” nước nhà và việc họ sản xuất, nhân bản ra hàng lô
hàng lốc các Thạc sĩ, Tiến sĩ…ở các “lò ấp” trên khắp cả nước nhưng vẫn
cao giọng rao giảng đạo đức.
Như một hệ lụy tất yếu, từ 2000 đến nay, dưới sự bùng nổ của công nghệ
truyền thông và mạng xã hội, bộ mặt văn hóa – tâm hồn của dân tộc đã
phơi bày một cách trần trụi. Nếu như trước đây, có người sau một đêm
thành Tiến sĩ thì bây giờ sau một giờ một kẻ ất ơ bán hàng đa cấp cũng
có thể thành nhà văn, nhà báo, nhà từ thiện, nhà nghệ sĩ...; một anh nhà
văn, nhà báo quèn cũng thành nhà văn hóa, nhà diễn thuyết, nhà dân chủ…
có khả năng dẫn dắt chi phối cả xã hội với những danh xưng đúng mốt:
facebooker, youtuber…
Thật lạ lùng và xót xa, xã hội gì mà bạn bè, anh em, đồng nghiệp, đồng
chỉ có khi chỉ vì một lời bình, một cái bấm like…cũng sẵn sàng trở mặt,
lao vào nhau, xem nhau như kẻ thù không đội trời chung!
Nguyên nhân và một
vài biểu hiện cụ thể
Có ba nguyên nhân chính gây nên sự rối loạn nhân cách của tầng lớp trí
thức Việt Nam hôm nay:
Một là, xuất phát điểm và nền tảng văn hóa xã hội của dân tộc thấp. Là
một nước thuần nông và nghèo đói người Việt gần như quanh năm chỉ lo cày
cấy và chống giặc ngoại xâm. Cả dân tộc, vì thế, không có truyền thống
văn hóa, tư tưởng gì có thể mang đi “xuất khẩu” trái lại còn bị ảnh
hưởng, lệ thuộc nặng nề từ ngoại bang phương Bắc.
Hai là, sự “đứt gãy văn hóa” do những biến cố lịch sử dân tộc mấy nghìn
năm chiến tranh loạn lạc liên miên. “Thắng làm vua làm giặc” – như một
thói quen tất yếu trong truyền thống phương Đông, “bên thắng cuộc” bao
giờ cũng vậy việc đầu tiên sau khi đã nắm trọn quyền hành là truy tầm,
thanh trừng những mầm mống còn sót lại của kẻ thù; sau nữa là “đốt sách,
chôn nho” vừa để diệt trừ hậu họa vừa để thỏa mãn thói kiêu ngạo của kẻ
thắng trận. Hậu quả là, những giá trị của triều đại cũ mất đi trong khi
các giá trị mới chưa kịp định hình, sự đứt gãy cứ liên tục như thế làm
cho con người và xã hội lạc lõng, ngơ ngác không biết bấu víu vào đâu.
Ba là, trong một xã hội chuyên chế, độc tôn có thể thấy từ sau khi đất
nước thống nhất đến nay, Việt Nam không sản sinh ra được những cá nhân
có tầm ảnh hưởng sâu rộng, nói như Trần Hữu Dũng đây là “thời vắng những
nhà văn hóa lớn” có thể dẫn dắt, khai mở cho đám đông dân chúng.
Một dân tộc không có tư tưởng, suốt chiều dài lịch sử hết lo chuyện
miếng ăn lại quay cuồng trong các cuộc chiến trước hết là một bất lợi
nếu không nói là một định mệnh đầy bi kịch. Để yên ổn và thoát khỏi bi
kịch điều tất yếu là phải tìm cách “ẩn mình”, “biến hình”, ngụy tạo nhằm
đối phó và thích nghi. Thế nên, sự đa nhân cách của người Việt hôm nay
phải chăng là một vấn đề thuộc về căn tính dân tộc có tính lịch sử?
Dẫu vậy, lịch sử đã nhiều lần sang trang, thời đại hôm nay đã khác, lẽ
ra, người Việt đã có thể cải thiện hình ảnh và tự giải thoát cho chính
mình nếu như biết nắm bắt cơ hội trong thế giới mở. Nhưng tiếc thay,
trong một xã hội chuyên chế, sự độc đoán, độc tài về tư tưởng, một lần
nữa đã đóng sập mọi cánh cửa để cho cả dân tộc có thể sánh vai cùng các
cường quốc năm châu ở phương diện tư tưởng, văn hóa, giáo dục, nghệ
thuật… - những yếu tố quan trọng làm nên phẩm cách dân tộc, phẩm cách
quốc gia…
Người Việt hôm nay không những không thoát ra được cái vòng luẩn quẩn
mấy ngàn năm mà ngày một bị rối loạn thêm hơn. Vì để được tồn tại tất cả
gần như buộc phải tiếp tục “hóa trang”, “hóa thân”, “nhập vai” để che
giấu con người thật, nhân cách thật của mình một cách thuần thục và tinh
vi hơn.
Hẵn chúng ta đã nghe những câu nói có tính khái quát về những vấn đề
liên quan đến đời sống, xã hội và con người hôm nay như: “thằng đó đảng
viên mà tốt”, “công an nhưng chơi được”, “quan chức, lãnh đạo mà tử tế”,
“nhà văn mà không hèn”, “nhà báo mà không làm tiền”, “khen cho nó chết”,
“cái gì không mua được bằng tiên sẽ mua bằng số tiền lớn hơn”, “nghèo
thì nó ghét, đói rét nó khinh, thông minh nó tìm cách tiêu diệt”… Ngôn
ngữ là tư duy, những câu nói ngắn nhưng phản ánh rất rõ tâm thế của một
xã hội mà ở đó những người trí thức với vai trò dẫn dắt đã thật sự đánh
mất chính mình; cho thấy sự hoang mang, bấn loạn và mất niềm tin của con
người trong xã hội.
Ở phương diện khác, văn chương nghệ thuật vốn không có biên giới; có
người nói văn chương nghệ thuật số phận con người, là tâm hồn dân tộc…
Nhưng có lẽ chỉ ở Việt Nam là có “văn nghệ công an”, “văn nghệ quân
đội”… cùng những cuộc thi với chủ đề “người lính”, người công an nhân
dân... Chẳng lẽ tâm hồn và số phận dân tộc Việt Nam chỉ gói gọn trong
các chủ đề ấy? Chắc chắn là không phải vậy. Nhưng từ hiện tượng này và
nhìn rộng ra nhiều lĩnh vực khác nữa, cho thấy người trí thức trong xã
hội Việt Nam hôm nay đang ở vào tình thế, tình huống rất ngặt nghèo: nếu
muốn tiến thân thì phải chấp nhận biến hình, thỏa hiệp thậm chí bán rẻ
nhân cách.
Là nhà văn, nhà báo nhưng đồng thời còn là một đảng viên, một sĩ quan,
một quân nhân với lời thề tuyệt đối trung thành với Đảng thế thì anh sẽ
phản ánh, phản biện như thế nào trước những bất công xã hội mà bản thân
anh trong tư cách một con người đã nhận thấy rất rõ cái nguyên nhân cốt
tử của nó? Nếu không có dũng khí và lòng tự trọng chỉ còn một cách duy
nhất là phải tiếp tục làm “tháp Bayon 4 mặt”; tiếp tục “diễn” thôi.
Nhưng “diễn” như thế nào? Nếu diễn nhạt anh sẽ không có đất sống, không
có lợi cũng chẳng có danh; ngược lại chỉ cần diễn tốt một hoặc tất cả
các vai mặc nhiên và chắc chắn anh là kẻ trí trá, lọc lừa, gian dối
(trước hết là với chính bản thân mình).
Là một trí thức – “lương tâm thời đại” quan trọng và trước hết anh phải
là người chính trực, cương trực, tự trọng cả trong suy nghĩ và lời nói,
hành động. Người trí thức không thể bù khú, tụm năm tụm ba với bạn bè ở
quán cóc vỉa hè thì hùng hổ, lớn tiếng mắng chửi, coi khinh quan chức
lãnh đạo trong bộ máy công quyền nhưng khi gặp họ trong cuộc họp thì
khép nép, bợ đỡ, luồn cúi xin chụp ảnh để làm kỷ niệm (thực ra là để
tiếp tục khoe, lòe người khác “tao mới ngồi với ông Chủ tịch…” ); không
phải lên mạng xã hội đóng vai nhà dân chủ với tư tưởng cấp tiến giả vờ
công kích những chủ trương chính sách sai lầm của nhà cầm quyền nhằm lấy
lòng đám đông chúng nhưng mặt khác lại âm thầm, lén lút “đi đêm” với
thành phần biến chất để thao túng, lũng đoạn tất cả.
Là Giáo sư, Tiến sĩ, nhà giáo anh không được vừa lớn giọng bảo ngành
giáo dục phải thay đổi quy trình, nâng chuẩn đầu ra trong đào tạo nhưng
lại nhận phong bì để thông qua các công trình, luận án mà bản thân anh
biết là kém chất lượng, không đạt yêu cầu.
Là nhà báo anh không thể vừa là cây bút chủ lực trong việc tuyên truyền
trên báo chính thống về những câu chuyện tử tế nhưng đồng thời lại một
facebooker, một Klos vừa tạo ra sự khủng hoảng để sau đó nhận giải cứu
truyền thông bất chấp đạo đức nghề nghiệp; không thể trên báo chính
thống thì anh ngoan ngoãn lấy lòng lãnh đạo nhưng lên mạng xã hội thì
anh như con ngựa chứng dẫn dắt đám đông bằng những chiêu trò, câu chữ
õng ẹo, rẻ tiền; hoặc khi đương chức với vai trò lãnh đạo anh đã gạt
phăng những bài viết chân thực, ruột gan của đồng nghiệp và cấp dưới
nhưng khi về hưu thì lại huênh hoang tự nhận mình đã từng phải khổ sở
bảo vệ, thanh minh cho họ với cấp trên…
Là nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ sĩ anh
“không thể quay lưng với đồng bào
để nhận huân chương của nhà nước; không được phản bội nhân dân để hưởng
bổng lộc triều đình” (Bùi Chí Vinh) rồi cao ngạo, rao giảng về sứ
mệnh nọ kia của người nghệ sĩ hay văn chương nghệ thuật…
Đến đây, có thể nói sự lạc hậu, trì trệ và suy đồi về đạo đức văn hóa ở
xã hội Việt Nam hôm nay âu cũng là một lẽ tất yếu. Bởi chân thành mà
nói, hiện tại Việt Nam không có một tầng lớp trí thức đặc biệt là trí
thức tinh hoa đúng nghĩa.
Thay lời kết
Trong các báo cáo mang tính tổng kết về văn hóa xã hội Việt Nam thời
gian qua, không ít người (nhà nghiên cứu, nhà cầm quyền…) cho rằng mạng
xã hội (trước đó là “mặt trái của kinh tế thị trường”) là nguyên nhân
chính gây ra sự loạn chuẩn hay xuống cấp về đạo đức văn hóa của đất
nước. Kết luận này không phải không có những hạt nhân hợp lý của nó
nhưng nếu chỉ như thế thì không những rất phiến diện mà còn dễ dãi. Đặc
biệt nó mang nặng tính đổ lỗi, đổ thừa cho những yếu tố “bên ngoài” hơn
là dũng cảm nhìn nhận, suy xét đến các “yếu tố bên trong” nhất là vấn đề
thuộc về tinh thần và thái độ của tầng lớp trí thức trong xã hội –
một trong những nguyên sâu xa và cốt tử nhất.
Mạng xã hội, suy cho cùng chỉ là phương tiện góp phần thúc đẩy và phơi
bày tất cả những ngỏ ngách trong tâm hồn của dân tộc này một cách mau
lẹ, nhanh chóng và trần trụi hơn mà thôi. Cái tâm hồn của một dân tộc có
bề dày lịch sử mấy ngàn năm nhưng vẫn chưa chịu trưởng thành với những
biểu hiện như: cảm tính, xốc nổi, chia rẽ, sân hận, chỉ thấy những mối
lợi trước mắt mà không suy nghĩ đến hệ lụy lâu dài…Vì thế mà thường
xuyên bị ngoại bang lợi dụng, bắt nạt, cai trị…
Người
xưa nói, “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” huống hồ là một kẻ sĩ,
một trí thức có điều kiện và cơ hội hơn các thành phần khác. Thế nên,
thiển nghĩ, muốn thay đổi hiện trạng này, điều quan trọng nhất mà tầng
lớp trí thức nước nhà hôm nay cần phải ưu tiên thực hiện đó là phải biết
xấu hổ với chính bản thân mình; phải biết xấu hổ trước sự rệu rã, băng
hoại đạo đức xã hội mà chính mình đã và đang vô tình hay cố ý góp phần
bằng vô số các vai diễn khác nhau trên sân khấu cuộc đời để kiếm lợi,
kiếm danh. Bằng ngược lại, nếu không thức tỉnh, không biết xấu hổ cũng
đồng nghĩa với việc chà đạp lên cái “lương tâm thời đại”. Nhưng nếu như
thế thì chắc chắn đó thái độ và hành vi của những kẻ vô liêm sỉ.
CT, Rằm tháng giêng
năm Tân Sửu (25/02/2021)
Q.H.N
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 25-2-21 |