Chúng tôi là đoàn quân bại trận

Thomas Polgar

Bản dịch "We Were a Defeated Army" (Blog 27-1-2013)

Bản dịch của Châu Quang đã đăng 3 kỳ trên Đàn Chim Việt (6, 8, 11/6/2018), gộp lại đây cho dễ đọc

 

Thomas Polgar là trưởng nhiệm sở CIA cuối cùng tại miền Nam Việt Nam trước khi chế độ VNCH sụp đổ. Trong những đại sứ quán “nhạy cảm” của Hoa Kỳ, trưởng nhiệm sở CIA là nhân vật quyền lực thứ nhì, sau đại sứ.

Polgar sinh năm 1922 tại Hungary trong một gia đình Do Thái, gia đình ông chạy sang Mỹ để tránh Đức Quốc Xã. Ông nhập tịch Mỹ lúc 22 tuổi và gia nhập CIA lúc 25 tuổi, sau khi tốt nghiệp cử nhân. Trước khi đến Việt Nam, ông chỉ phục vụ tại các nhiệm sở ở châu Âu và Nam Mỹ. Ông mất tại Florida năm 2014, thọ 92 tuổi.

 

Từ Buenos Aires đến Sài Gòn

Lý do tôi đến Sài Gòn là vì người được chỉ định làm trưởng nhiệm sở CIA kế nhiệm cho Ted Shackley, đã ở Sài Gòn hơn ba năm, là anh chàng Joe Smith.

Vào thời điểm đó, Smith đang là trưởng nhiệm sở ở Tokyo, một trong những vị trí danh giá nhất của CIA, sau khi đã làm phó vùng đặc trách Viễn Đông. Trưởng vùng đặc trách Viễn Đông bấy giờ do Bill Colby nắm. (Colby cũng từng có nhiệm kỳ tại Việt Nam và sau này làm Giám Đốc CIA).

Smith là một lựa chọn rất hợp lý. Giấy tờ chọn lựa này đã được ký tên, đóng dấu và trao tay. Smith sẽ tiếp nối công việc của Shakley.

Bất ngờ, cha của Smith qua đời. Tang gia bối rối, phải có người lo tang lễ với đủ thứ công việc lỉnh kỉnh. Không có ai khác để gánh vác ngoài Smith. Vì vậy, Smith xin nghỉ hưu để lo chuyện gia đình. Chuyện kế nhiệm cho Shackley, dù đã được lập kế hoạch trong hai năm, coi như vứt đi. Đáng lý ra, Smith là một lựa chọn rất hợp lý nếu nói về kinh nghiệm ở châu Á, kinh nghiệm tại Viễn Đông.

Thật tình, nếu nói một cách chính xác thì tôi cũng không phải là một bóng mờ. Tại thời điểm đó tôi đã quen giám đốc CIA Richard Helms khoảng 25 năm, tôi làm dưới quyền ông ở Berlin, tôi là trưởng nhiệm sở tại Đức, một chỗ ưng ý dưới cặp mắt của cả cựu Giám đốc Alan Dulles lẫn đương kim Giám đốc Helms. Tôi ăn lương cấp GS-17 (của hàng ngũ công chức liên bang), một cấp khá cao.

Thực ra, có rất nhiều điểm tương đồng giữa loại hoạt động mà tôi đã gặp khi làm trưởng ban sưu tra khu vực Nam Mỹ và tình huống mà chúng ta đang đối mặt ở Việt Nam. Và có lẽ quan trọng nhất, tôi là phụ tá đặc biệt trong bốn năm cho một anh trung tướng có tên là Lucien Truscott, là người phụ trách nhiều công việc nhưng việc chính là điều phối công tác tình báo. Trong tư cách đó, tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm làm việc với giới nhà binh Hoa Kỳ. Công việc này nhiêu khê hơn câu chuyện không tặc. (Trước đó, Polgar nổi tiếng qua chuyện giải quyết vụ cướp máy bay ở Chilê bằng cách đích thân bước lên máy bay điều đình với bọn không tặc). Tôi đang làm trưởng nhiệm sở ở Buenos Aires thì nghe tin mình đã được chọn làm trưởng nhiệm sở ở Sài Gòn.

Tôi nói tiếng Tây Ban Nha. Tôi nói tiếng Đức. Tôi nói tiếng Pháp (ngoài tiếng Hungary). Chẳng có thứ tiếng châu Á nào. Đó là một bất lợi lớn nhưng đó là tình trạng chung của CIA, bởi vì tôi nghĩ rằng trên bậc lương cấp GS-12, tương đương với cấp thiếu tá quân đội, CIA bấy giờ không ai biết tiếng Việt.

Những vụn vặt đầu tiên

Ngay khi tôi đến Sài Gòn, tôi đã cố gắng tiếp xúc với những người Việt ngoài những người Việt mà tôi phải gặp trong công việc trách nhiệm hằng ngày. Tôi đã cố gắng gặp những người như người đứng đầu luật sư đoàn, người đứng đầu hãng hàng không, người đứng đầu một công ty dược phẩm, bác sĩ, nha sĩ… để tôi có thể cảm nhận một chút về xã hội miền Nam. Đó là một công việc khó khăn. Đôi khi tôi phải làm việc 11, 12, 14 tiếng một ngày.

Sau này nhìn lại chắc là ngu ngốc, nhưng lúc đó tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta đã thực hiện những gì chúng ta cam kết ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng chừng nào Nixon còn làm tổng thống, Bắc Việt sẽ cư xử một cách chừng mực, cộng trừ đi một chút.

Tôi không bao giờ mong đợi sẽ có ngừng bắn hoàn toàn như chúng ta đã gặp ở châu Âu ngày 8 tháng 5 năm 1945 (sau Thế Chiến 2). Tôi chưa bao giờ mong đợi như vậy. Chuyện đó cũng chẳng bao giờ xảy ra. Nhưng quả thực chúng ta đã có một thời gian dài, cụ thể là trong suốt năm 1973 và nửa đầu năm 1974, một thời kỳ mà chúng ta thường gọi là “ít máu lửa hơn”. Nói cách khác, chúng ta đã có một tình huống không hẳn là ngưng bắn, nhưng không có hoạt động quân sự lớn; và mức độ bạo lực, phá hoại, ám sát, phục kích vân vân, nằm trong vòng mà chúng ta gọi là “giới hạn chấp nhận được”. Đó là một mức độ bạo lực mà cả hai bên có thể chịu đựng vô thời hạn, không tạo bất kỳ thay đổi tình hình chính trị nào.

Tôi nghĩ rằng nếu miền Bắc hành xử theo đúng nghĩa vụ của họ ghi trong Hiệp định Paris thì sẽ không có vấn đề gì. Ngay cả sự hiện diện của quân đội Bắc Việt ở miền Nam cũng không phải là vấn đề. Quân đội mà họ được phép để lại tại miền Nam vừa trải qua cuộc tổng tấn công vào dịp lễ Phục sinh mùa xuân năm 1972 (VNCH gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa) và khi bạn nhìn thẳng vào vấn đề, bạn sẽ thấy họ chẳng tạo được thắng lợi nào. Tóm lại, họ có mặt ở đó, nhưng chẳng đi tới đâu. Ý tôi muốn nói là họ có một ít rừng, họ có một ít núi, nhưng tại thời điểm đó chính phủ Nam Việt Nam kiểm soát ít nhất 95% dân số, chính phủ này kiểm soát tất cả các khu vực sản xuất kinh tế của đất nước. Vì thế cho nên chuyện có một số binh sĩ Bắc Việt sống trên vùng cao nguyên chung với hổ và rắn cũng không làm ai bận tâm. Ý tôi muốn nói chắc chắn là họ không có bất cứ một tí mơ tưởng nào để lập một thủ đô tạm thời.

Vấn đề lúc bấy giờ là Việt Nam chỉ đơn giản là một phần của một vấn đề toàn cầu mà Hoa Kỳ đang đối phó một cách liên tục. Việt Nam là một trò ảo thuật mà Nixon muốn sử dụng trong mối quan hệ giữa ông ta với người Nga và quan hệ giữa ông ta với Trung Quốc và quan hệ giữa ông ta với cử tri Mỹ.

Đối với người Việt Nam, tất nhiên, vấn đề Việt Nam 100 phần trăm là sự tồn tại của họ. Họ không thể nghĩ về bất cứ chuyện gì khác. Đây cũng chính là vấn đề chúng ta gặp phải với người Cuba ngày nay. Chúng ta nghĩ về Cuba có thể năm phút mỗi tháng, còn người Cuba nghĩ về mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ vào mọi lúc. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng người Mỹ và người Việt Nam có cách tiếp cận về kết thúc chiến tranh theo cùng quan điểm, ngay cả gần giống quan điểm cũng chẳng có.

Nixon và Thiệu

Trọng tâm của Hiệp định Paris là cam kết của chúng ta rằng những tổn thất mà người miền Nam gặp phải sau khi ngừng bắn sẽ được thay thế trên cơ sở một đổi một. Chúng ta cũng có một lực lượng không quân lớn ở Thái Lan với mục đích rõ ràng là sẽ hành động như một lực lượng trả đũa, nếu cần.

Thật vậy, tôi đã có mặt ở San Clemente (Tòa Bạch Ốc miền Tây của Nixon ở California) lúc Tổng thống Nixon nói với Tổng thống Thiệu vào tháng 4 năm 1973 rằng nếu Bắc Việt vi phạm trọng tâm của Hiệp định Paris, sự trả đũa của chúng ta sẽ là ngay lập tức và tàn bạo. Tôi không có lý do gì để nghi ngờ điều đó. Và người Bắc Việt cũng vậy.

Khi chúng tôi ở San Clemente năm 1973, nhân dịp Tổng thống Thiệu được mời đến thăm Nixon, phía Hoa Kỳ có Chánh Văn Phòng của tổng thống (tương đương với Bộ trưởng Phủ tổng thống của VNCH hoặc Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của CSVN) và một vài người khác. Ngoài ra còn có Đại sứ Bunker mang theo theo hai người, một trong hai người này là tôi. Đây là lần đầu tiên tôi được giới thiệu với Erlichman (Cố Vấn Đối Nội của Tổng thống), Haldeman (Chánh Văn Phòng), Ziegler (Phát Ngôn Viên) nói chung là cái đám bậu xậu dễ chịu đó. Tôi không hề ngờ rằng tất cả cái đám này sẽ bị sa thải trong một hai năm sau đó, và cuối cùng Nixon cũng từ chức. Tôi không hiểu tại sao. Ý tôi muốn nói là họ đang ở trong đỉnh cao của sự nghiệp.

Thế rồi sau đó, bước sang tuần đầu tiên của tháng Tư, tôi không hiểu tại sao mọi thứ trở nên tồi tệ giống như đã xảy ra. Nixon vừa được tái đắc cử với đa số phiếu lớn lao đây mà. Có hôm Kissinger nói với tôi khi chúng tôi ăn sáng riêng với nhau, ông ta gọi Haldeman là “một tên tội phạm”. Nhưng vì Kissinger hay lăng mạ người khác mà chẳng ai làm gì được, nhất là khi lăng mạ người nào mà ông ta biết rõ. Kissinger có thể gọi ai đó là một tên tội phạm chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt, chẳng hạn như người đó làm xáo trộn thứ tự chỗ ngồi trong một bữa ăn tối, vì thế, tôi không để ý những chuyện như vậy.

Trước khi đi Việt Nam vào năm 1972, tôi đến gặp Bộ trưởng Quốc phòng và nói, “Thưa bộ trưởng, ông biết tôi đến gặp ông vì tôi đang ở một thời điểm rất quan trọng trong sự nghiệp của tôi. Tôi mới chạm tuổi 50, tôi đủ điều kiện để nghỉ hưu, tôi có ba đứa con phải lo cho xong đại học. Tôi không thể đưa gia đình đến Việt Nam. Ông thấy tình hình ở đó sẽ diễn biến ra sao? ” “Ồ,” bộ trưởng nói, “anh sẽ không gặp vấn đề gì cả.” Ông nói tiếp: “Việt Nam sẽ giống như Đức. Chúng ta sẽ để lại ở đó một lực lượng trong 40 năm.”

Lúc đó là tháng Giêng năm 1972. Chắc chắn, chúng ta sẽ giảm số quân ở đó, nhưng quân đội Mỹ chắc chắn vào thời điểm đó hoạt động với giả định rằng sẽ để lại một lực lượng từ 60 đến 100 nghìn người. Giống như Hàn Quốc hay giống như Đức.

Và trên thực tế Việt Nam là nơi duy nhất mà quân đội Mỹ rút ra sau khi vào. Ở Hàn Quốc, chúng ta ở lại. Ở Đức, chúng ta ở lại.

Chiến tranh và truyền thông

Chưa bao giờ công chúng Mỹ hiểu được bản chất của cuộc chiến ở Việt Nam. Bản chất đó chắc chắn không bao giờ được các phương tiện truyền thông Mỹ làm rõ.

Ở Việt Nam tôi thấy có sự khác biệt rất rõ ràng của từng phóng viên báo chí. Và tôi thấy những gì họ định làm.

Bob Shaplen là một người bạn tốt của tôi. Và những gì anh cố gắng làm bên Việt Nam thì ở bên Mỹ đã bị các biên tập viên của anh đảo ngược. Tôi có dịp xem một số bản nháp đã được những nhà báo từ Sài Gòn gửi đi và rồi tôi đã nhận thấy sự khác biệt giữa những gì họ đã viết và những gì đã được in ra. Riêng Shaplen, theo tôi, đã cố gắng tìm sự cân bằng. Có lần anh ấy nói với tôi trong khi vẫn còn làm cho tờ The New Yorker, rằng trong suốt một năm tờ báo không hề in một bài nào của anh. Các biên tập viên giải thích với anh rằng các bài của anh có lợi cho miền Nam Việt Nam nên không thể in. Đó là khoảng 1973-1974. Tôi biết anh ta và tờ The New Yorker sau đó đã chia tay.

Một số nhà báo khác có trải nghiệm khá cay đắng hơn. Điều tương tự cũng xảy ra với một phóng viên của tạp chí Time, anh này cảm thấy rằng một số khía cạnh của tình hình miền Nam Việt Nam không được in ra ở Mỹ. Có lần tờ Time chỉ thị cho người của họ viết một câu chuyện về vấn đề đào ngũ của quân đội miền Nam Việt Nam. Chắc chắn là quân đội miền Nam Việt Nam có vấn đề đào ngũ. Phóng viên đến gặp tôi để được giúp đỡ. Tôi nói, “Vâng, tôi sẽ cung cấp cho bạn các sự kiện. Nhưng tôi còn làm hơn thế nữa. Tôi cũng sẽ cung cấp cho bạn những sự kiện mà chúng tôi biết về vấn đề đào ngũ trong quân đội Bắc Việt”. Anh ta nói, “Ồ, thật tuyệt vời.” Vậy mà, khi câu chuyện xuất hiện, Time chỉ nói về phần đào ngũ của quân đội miền Nam Việt Nam.

Phía bên truyền hình thậm chí còn tệ hơn theo cái nghĩa là bạn kể cho họ cả nửa giờ nhưng họ chỉ sử dụng trong một phút rưỡi.

Vì vậy, trong số những nhà báo ở Việt Nam, có người tốt và có người xấu. Tuy nhiên, khi nói đến người không trung thực thì phải kể Frances Fitzgerald. Tôi quen cha cô ấy rất thân. Cha cô trước đây là sếp của tôi nên cô ấy và tôi có gặp nhau vài lần. Cô ấy đáng chú ý nếu nói về mặt phụ nữ. Nhưng về mặt nhà báo, cô là một người khác, nếu tin tức nào không phù hợp, cô sẽ không đăng.

Tản mạn về chiến tranh và con người

Ý kiến cá nhân của tôi đã chuyển biến trong thời gian tôi can dự ở Việt Nam, đó là chúng ta phải đặt mình vào vị trí của một bác sĩ đối mặt với một bệnh nhân có nhiều chỗ ngứa và nhiều vết thương trên cơ thể, và nếu bạn chỉ điều trị hết chỗ ngứa này đến chỗ ngứa khác, từng vết thương này sang vết thương khác, bạn sẽ không giải quyết được vấn đề nguyên nhân nào đã gây ra. Và thực tế là vấn đề ở miền Nam Việt Nam là bộ máy chiến tranh nằm ở Hà Nội, nhưng chúng ta chưa bao giờ giải quyết vấn đề bộ máy chiến tranh ở Hà Nội.

Để tôi kể cho bạn một chuyện. Vào ngày 3 hoặc 4 tây tháng 5 năm 1972, lực lượng Nam Việt Nam chiếm Quảng Trị, vốn là thị xã duy nhất lọt vào tay miền Bắc trong cuộc tổng tấn công Phục Sinh năm 1972.

Quân miền Nam đã tái chiếm và ngày hôm sau tôi dự buổi tiếp tân tại Đại sứ quán Nhật Bản mừng sinh nhật Nhật Hoàng. Một trong những vị khách mời là người trước đây là Trưởng đoàn Ba Lan trong ICC (Ủy ban Kiểm soát Đình chiến Việt Nam theo Hiệp định Genève 1954) — xin đừng nhầm với ICCS (Ủy ban Quốc tế về Kiểm soát và Giám sát Đình chiến Việt Nam theo Hiệp định Paris 1973) sau này. Anh chàng Ba Lan này hóa ra là một người hoạt động tình báo rất giàu kinh nghiệm và hiểu biết nhiều về tình hình thế giới. Anh cũng từng là giám đốc của hãng hàng không Ba Lan.

Dịp này, tôi nói, “Anh nghĩ thế nào về Quảng Trị?” Anh ta trả lời, “Thực tình, tin này ấn tượng nhưng không ăn thua gì.” Tôi nói, “Sao anh lại nói vậy?” Anh trả lời, “Nó không ăn thua gì vì miền Nam Việt Nam sẽ thua trận tại Washington.” Anh ta nói câu đó vào tháng 5 năm 1972.

Thật dễ để biết ý định của Bắc Việt vì Bắc Việt không giữ bí mật ý định của họ. Họ tiếp tục cho cán bộ của mình học tập đến tận chi tiết đáng kinh ngạc về những gì họ định làm. Và nó hơi giống Hitler với cuốn Mein Kampf (tự thuật của Hitler nói về tư tưởng chính trị và kế hoạch tương lai cho nước Đức). Họ cứ tiếp tục nói gì họ sẽ làm nhưng chúng ta vẫn tiếp tục không tin. Và đơn giản là chính sách quốc gia của chúng ta không đáp ứng với tin tức tình báo mà chúng ta thu thập.

Lấy ví dụ, chúng tôi bắt đầu nhận được báo cáo của Hà Nội vào mùa thu năm 1974 nói rằng giờ thì Nixon không còn làm tổng thống nữa, cuộc chơi đã đổi khác, cho nên cần phải làm vài trắc nghiệm trong lĩnh vực quân sự.

Tôi xem tin này rất quan trọng. Bắt đầu từ tháng 10 năm 1974, tôi còn nhớ, khi chúng tôi nhận được kế hoạch cho năm 1975 của họ, tôi đã lái xe đến Biên Hòa để nói chuyện với trưởng nhóm cấp cơ sở của tôi trong khu vực bắt được tài liệu đặc biệt này. Chúng tôi đi đến kết luận rằng ngôn từ trong tài liệu này rất giống với chỉ thị 90 của COSVN (Trung ương cục miền Nam, Cục R), là loại chỉ thị đã từng xuất hiện một vài tháng, trước khi có cuộc tổng tấn công năm 1972.

Một ngày nọ, tôi có dịp hỏi Kissinger những gì ông nghĩ về ngành tình báo của chúng ta. Không nói riêng Việt Nam, mà nói chung. Ông ta vẫn nhận được hàng núi thông tin tình báo trên toàn thế giới của CIA vào thời điểm đó. Ông nghĩ gì về giá trị của nó? Ông ta suy nghĩ một lúc rồi nói, “À, khi nó hỗ trợ chính sách của tôi, nó rất hữu ích.” Tôi nghĩ bụng, trọng tâm của vấn đề chính là đây đây. Đó là chính sách của Mỹ không được xây dựng để đáp lại những gì mà thông tin tình báo cho thấy. Chúng ta xây dựng chính sách trước, rồi sau đó chúng ta cố gắng tìm ra thông tin tình báo để hỗ trợ chính sách.

Ba cơ quan chính thu thập thông tin tình báo tại Việt Nam là Tình báo của Tùy viên Quốc phòng (DAO-DIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và CIA. Trong thực tế có rất ít mâu thuẫn giữa ba nơi. Không có những chuyện trái cẳng ngỗng giữa những tin được thu thập. Chưa bao giờ xảy ra tình huống mà DAO-DIA nói điều gì đó hoàn toàn khác với mọi người. Chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với (Đại tá) Bill LeGro, giám đốc tình báo cho DAO trong suốt thời gian sau Hiệp định Paris. Chẳng có vấn đề nào cả.

Vấn đề là chính sách của Mỹ dựa trên giả thuyết rằng Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc. Các lực lượng quân sự của Mỹ đã bị loại và cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, Tổng thống Ford cũng không dám mạo hiểm đánh mất cơ hội đắc cử tổng thống của ông bằng cách đưa lực lượng Mỹ trở lại Việt Nam. (Nhưng cuối cùng Ford cũng thất bại trước Jimmy Carter.)

Ngay từ năm 1974, chúng ta đã không cung cấp đồ tiếp liệu kịp thời cho Nam Việt Nam. Chúng ta đã không làm đúng với nghĩa vụ của mình. Bấy giờ tôi đã báo cáo rằng bất cứ khi nào người miền Nam mất niềm tin vào sự ủng hộ của Mỹ, họ sẽ sụp đổ. Tôi còn nhấn mạnh rằng niềm tin – hay là tinh thần – quan trọng hơn là mức viện trợ tiếp liệu thực sự.

Người Việt Nam có thể nhận ra một vài điều xảy ra lúc đó. Ý tôi là một cú đấm khủng khiếp đối với Việt Nam, mà tôi nghĩ hầu hết mọi người sẽ không nghĩ đến, đó là cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973 khi quá nhiều những món trước đây định giao cho Việt Nam lại được chuyển cho Israel. Và chuyện như vậy đã làm hỏng toàn bộ quy trình lập kế hoạch của Bộ Quốc phòng.

Năm điều đã xảy ra vào năm 1973 mà Việt Nam chẳng liên quan gì nhưng đã gây ảnh hưởng rất nặng nề. Đầu tiên là Chiến tranh Ả rập-Israel đã lái sự chú ý và các nguồn cung cấp quân cụ quan trọng của Bộ Quốc phòng sang hướng khác ngoài Việt Nam. Lệnh cấm vận dầu hỏa sau đó và giá dầu thô tăng cao đã gây ra tác động mạnh nhất cho nền kinh tế Nam Việt Nam. Áp lực mới nổi lên của nước ngoài dẫn đến phản ứng tâm lý mạnh mẽ của người Mỹ chống lại chuyện chính phủ tiếp tục thực hiện những cam kết tốn kém ở nước ngoài. Vụ quân đội Chile đảo chính lật đổ Tổng thống Salvador Allende đã làm phe ​​tự do và phe cánh tả bực bội thêm, sự thất vọng của họ được trút lên đầu miền Nam Việt Nam. Quốc hội ngày càng phẫn nộ với những tiết lộ liên quan đến Watergate cho nên đã trừng phạt Nixon bất kỳ chỗ nào có thể, trong đó có các lĩnh vực liên quan đến Việt Nam.

Tôi nghĩ ông Thiệu biết rất rõ rằng nếu không có Mỹ, ông ta không thể sống sót. Tôi quen rất thân Hoàng Đức Nhã, cháu ông. Nhã đặc biệt ở chỗ là người duy nhất trong đám cận thần của tổng thống học ở Hoa Kỳ về. Và Nhã hiểu chuyện đó rõ hơn nữa.

Là người đã trải qua bốn năm đại học ở Mỹ, anh ta hiểu rõ tính chất trồi sụt bất thường của tình hình chính trị Mỹ, những chuyện thăng trầm do những áp lực thuần túy trong nội bộ nước Mỹ gây ra, các áp lực này không liên quan gì tới yếu tố nước ngoài nhưng lại tác động đến quan hệ đối ngoại. Vì vậy, Nhã biết nhiều hơn những người khác đang nắm quyền lực ở Việt Nam về cách vận hành của Quốc hội Mỹ. Xét cho cùng, làm thế nào mà một người như Thiệu hiểu rõ cách vận hành của Quốc hội Mỹ khi ông làm việc với quốc hội Việt Nam, một quốc hội luôn luôn biết vâng lời?

Khi Phước Long mất vào đầu năm 1975, điều đó không quan trọng về mặt quân sự, nhưng rất quan trọng về mặt biểu tượng. Đó là biểu tượng của việc Mỹ từ chối thực hiện “sự trả đũa ồ ạt và tàn bạo” mà Nixon đã hứa với Thiệu. Miền Bắc đang trắc nghiệm để thăm dò tình hình và tình hình thì ngày càng trở nên thuận lợi hơn, cho nên họ tiếp tục ngày càng lấn sâu hơn

Các nhà lập pháp

Sau đó là phái đoàn Quốc hội đến. Tôi nghĩ cách hành xử của (hai dân biểu) Fraser và Abzug trong phái đoàn không thể chấp nhận được. Abzug bước vào phòng họp sau khi đến và hỏi, “Ai trong các bạn là Polgar?” Sau khi tôi tự xác nhận, bà nói, “À, tôi đã được cảnh báo là phải cẩn thận khi gặp ông.”

Bấy giờ có một sinh viên miền Nam đang ngồi tù, cuộc tranh đấu của anh ấy gây tí tiếng vang ở Hoa Kỳ. Bà Abzug đòi phỏng vấn anh ta, dù trước đó bà đã hô hoán rằng anh ta đã chết, chính quyền miền Nam đã giết anh ta.

Tôi trả lời: “Không, người miền Nam Việt Nam không làm chuyện đó. Họ có thể tìm ra bất cứ ai đang ngồi tù.” Bà nói: “Nếu thế thì tìm người này.”

Chúng tôi đã tìm ra anh ta đang ở tù mãi tận Tuy Hòa thuộc Quân đoàn 3. (Polgar nhầm, Tuy Hòa thuộc QĐ 2, có lẽ do gõ nhầm khi chuyển văn nói thành văn viết?) Chỗ đó hơi xa, không thể đi bằng xe mà phải dùng trực thăng. Bà nói thời gian duy nhất còn lại mà bà có thể gặp anh sinh viên là sáng Chủ nhật, một bất tiện cho mọi người, nhưng cũng không sao. Chúng tôi thu xếp trực thăng, thu xếp thủ tục ra vào nhà tù. Cho tới khi mọi thứ xong xuôi đâu vào đấy, bà ta lại bảo, “À này, tôi không còn quan tâm đến chuyện này nữa”. Rút cục, bà chẳng bao giờ đi gặp anh ta.

Dân biểu Millicent Fenwick cũng có mặt trong phái đoàn và mặc dù không có cảm tình với chiến tranh Việt Nam, bà vẫn giả vờ gật gù lẳng nghe các buổi thuyết trình, nhưng Abzug thì quá quắt, Frazer cũng vậy.

Lấy ví dụ, khi Tổng thống Thiệu mời phái đoàn dùng cơm tối, hai người đó không xuất hiện. Họ chẳng thông báo hủy hoặc cho biết bằng cách này cách khác, nhất định không ló mặt. Họ đã có mặt tại buổi tiếp đón của thủ tướng, diễn ra trước bữa cơm tối của tổng thống. Đêm đầu tiên họ tới Sài Gòn, Đại sứ mời cơm tối cả đoàn. Mọi người đều tới ngoài Abzug. Bữa đó tôi rất thất vọng vì tôi đã thu xếp để ngồi cạnh bà!

Ban Mê Thuộc và kế tiếp

Theo tôi, không ai nghĩ rằng cuộc tấn công Ban Mê Thuộc sẽ xảy ra vào ngày 5 tháng 3, nhưng người nào có đầu óc tỉnh táo cũng nghĩ Bắc Việt sẽ mở một cuộc tấn công lớn ở Cao nguyên (bây giờ gọi là Tây nguyên).

Chúng tôi có trong tay sơ đồ trên giấy tờ của cuộc tấn công, mô tả cách họ cắt những đường lộ, chuyện đó đã xảy ra, cách họ di chuyển những đơn vị cấp sư đoàn, chuyện đó đã xảy ra, nhưng cuối cùng thì Washington không tin. Lý do Washington không tin là bởi vì — mà thôi, tôi không tiện nói ra những nguồn và phương pháp mà tôi không được phép tiết lộ — nhưng đại khái nói chung là tình báo ở Washington không chấp nhận những ước tính xuất phát từ Việt Nam do cả hai bộ phận DAO và CIA thu thập, rằng sẽ có một cuộc tấn công lớn vào năm 1975. Họ nhất định không tin.

Có nhiều người cho chúng tôi biết chuyện gì đang xảy ra tại Cao nguyên. Tất cả đều đồng ý sẽ có tấn công lớn. Chúng tôi có nhiều nguồn tin nói rằng cuộc tấn công sẽ khởi sự ở Cao nguyên. Nhưng Washington vẫn không tin.

Phía Nam Việt Nam cũng không tự mình nghĩ ra một chiến lược nào khác, ngoài chuyện đưa một trung đoàn ra chỗ này, một trung đoàn ra chỗ nọ để bảo vệ. Còn trung đoàn được tăng cường cho Ban Mê Thuộc thì không đủ sức để đối phó với tình hình. Quá xui cho họ.

Các lực lượng này thì tốt cho nhiệm vụ duy trì an ninh cho địa phương và là một lực lượng trừ bị tốt khi ta ở thế tiến công. Nhưng nếu nói một cách khá chính xác thì những lực lượng này không được huấn luyện hoặc trang bị để chống lại các đơn vị chính quy có xe bọc thép yểm trợ.

Sau khi Ban Mê Thuộc thất thủ, Thiệu họp với tướng Phạm Văn Phú ở Cam Ranh và ra lệnh rút quân ở Cao nguyên. Tôi nhớ cuộc họp diễn ra vào ngày thứ Sáu.

Phú cho thi hành lệnh vào thứ Bảy. Tôi nhận được tin này vào sáng thứ Bảy. Tôi đi tìm Charles Timmes (Thiếu tướng, một trong những phụ tá cao cấp của Polgar) đang ở JGS – Bộ Tổng tham mưu VNCH, và nói với ông, “Tôi chẳng biết cái quái gì đang xảy ra.”

Tôi yêu cầu một phụ tá cao cấp khác đi gặp tướng Đặng Văn Quang, cố vấn an ninh quốc gia của Thiệu để hỏi xem chuyện gì đang xảy ra ở Quân đoàn 2. Quang trả lời, “Ông biết đó, tình hình không tốt. Có vẻ như chúng tôi không thể mở lại các đường giao thông, chúng tôi lo ngại trước tình hình, chúng tôi phải chuyển quân loanh quanh, nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra ở Quân đoàn 2.”

Dường như Quang không biết gì về chuyện Phú đang lui quân.

Timmes không tìm ra tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng, và nói chung, không khí hôm thứ Bảy đó giống như mọi thứ Bảy khác. Nhưng Timmes có gặp tướng Trần Đình Thọ, trưởng phòng hành quân (Phòng 3) để hỏi về tình hình tại Quân đoàn 2. Tướng Thọ nói, “Không có gì xảy ra ngoài những chuyện các ông đã biết”.

Bộ Tổng tham mưu dường như cũng chẳng biết Phú đang lui quân. Tôi tìm người của tôi ở Pleiku. Một người đang lang thang đâu không biết, một người đang khám răng. Tôi bèn gọi cho Moncrieff Spear, Tổng lãnh sự ở Quân đoàn 2, và nói, “Tốt hơn hết là anh nên đưa nhân viên của anh ra khỏi Pleiku.” Ông ta trả lời, “Anh điên rồi.” Ông ta đang ngồi ở Nha Trang. Tôi nói, “Không, tôi có lý do để tin rằng chuyện đó xảy ra.” Ông ta nói, “Bộ anh ra lệnh cho tôi di tản khỏi Plieiku hả?” Tôi trả lời, “Anh biết là tôi không có quyền đó, nhưng tôi có thể kết luận rằng di tản là một hành động khôn ngoan.”

Điểm tôi muốn nêu ra ở đây là những gì mà tướng Phú đã làm váo sáng hôm đó, cho dù trước đây ông ta có những công trạng gì đi nữa, là một hành động hoàn toàn thiếu phối hợp.

Thậm chí tướng Phú cũng không nói cho Tổng Lãnh Sự biết, một chuyện mà lẽ ra ông ấy có nghĩa vụ phải làm, bởi vì Tổng Lãnh Sự là đại diện chính của Mỹ tại Quân đoàn 2.

Tướng Quang cũng không biết. Ý tôi là nếu sáng đó có chuyện gì quan trọng xảy ra thì Quang cũng tỏ ra bận rộn, nhưng không, ông ấy vẫn tỏ ra bình thường như một sáng thứ Bảy bình yên. Còn tướng Thọ, trưởng phòng hành quân cũng không biết.

Theo suy luận của tôi, Phú đã khởi động một chuỗi hành động do hiểu lầm ý định của Tổng thống Thiệu, và Phú không biết tí gì rằng thực hiện một cuộc rút lui như vậy trong thực tế rất là khó khăn biết chừng nào. Sự thực là không hề có cái gọi là di tản tốt đẹp. Mỗi lần di tản trước sau gì cũng trở thành một thảm họa lớn lao.

Thế rồi Bắc Việt nắm bắt được cuộc di tản của Phú. Xe tăng miền Bắc xoay xở đến được một con đường ven quốc lộ ở Phú Bổn và chờ sẵn đoàn quân rút lui. Thế là cuộc tàn sát xảy ra.

Trước khi có cuộc họp ở Cam Ranh, tôi đã chính thức thông báo cho Washington biết rằng cuộc chiến đã chấm dứt. Tôi còn nhớ đã nói chuyện này với một trong những người tôi hay tiếp xúc, tôi xin miễn nêu tên, một người mà tôi vẫn tin cậy. Ông ta nói với tôi miền Nam không thể chịu đựng trước sự kiện mất Ban Mê Thuộc và kế tiếp sẽ mất Cao nguyên, mà ông nghĩ là hậu quả không tránh khỏi của chuyện mất Ban Mê Thuộc. Ông ta thuộc hàng tướng lãnh.

Tại thời điểm đó, không có chuyện gì xảy ra tại Quân đoàn 1.

Thế rồi tai họa đổ xuống. Thiệu quyết định rút cả Thủy quân lục chiến lẫn Nhảy dù khỏi Quân đoàn 1. Quyết định này phá hoại bất kỳ kế hoạch kháng cự nào mà tướng Ngô Quang Trưởng có được. Và rồi sư đoàn Thủy quân lục chiến thua trận và không còn dùng được nữa bởi vì lúc đầu họ nhận lệnh rút nhưng sau đó lại có lệnh quay đầu lại, trở lại chỗ cũ, một động tác quân sự bất khả thi. Trong thực tế, sư đoàn Thủy quân lục chiến mất đi một số quân cụ một phần vì không thể nào thu hồi quân cụ giữa dòng người tỵ nạn đang chảy siết.

Dĩ nhiên, đến nước này thì Thiệu chơi vơi trên đại dương và đi tìm ống thở. Nhưng cho dù ông ấy có làm gì đi chăng nữa cũng chẳng tạo khác biệt. Trò chơi đã chấm dứt.

Tôi tin chắc rằng ngay khi mà người Việt Nam có cảm tưởng chúng ta sắp bỏ chạy, mọi thứ sẽ sụp đổ. Tôi hoàn toàn đồng ý với Đại sứ Martin ở điểm đó.

Martin rời Việt Nam cùng với phái đoàn Quốc hội vừa đến Việt Nam vì họ có sẵn máy bay, ông ấy có thể quá giang miễn phí. Ông tin rằng mình có thể vận động với một số dân biểu, muốn trở về Mỹ để điều trần trước Quốc hội.

Theo tôi biết thì trong thời gian Martin ở Washington, người ta phát hiện ông mắc một loại bệnh cần phải mổ, do đó, chuyến về Việt Nam bị dời lại. Khi biết người ta không muốn làm ồn ào về chuyện ông phải mổ, ông trở về quê nhà ở North Carolina. Ngay cả Bộ Ngoại giao cũng không tìm ra ông, hơn nữa, ông thuộc loại người thích giữ bí mật. Martin trở lại Việt Nam vào cuối tháng 3, trước khi mất Đà Nẵng và tai nạn máy bay C5A.

Trẻ mồ côi và máy bay rơi

Khi người ta gửi các trẻ mồ côi ra khỏi Việt Nam trên chiếc C5A thì đó là một đề nghị thuần túy đánh động tâm lý quần chúng.

Bác sĩ Phan Quang Đán, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng y tế cảm thấy cần phải làm một cái gì đó cho đám trẻ mồ côi. Đại sứ Martin và vài cố vấn cảm thấy nếu đưa số trẻ này đến Mỹ theo số lượng lớn sẽ đánh động dư luận quần chúng, một câu chuyện đầy ắp tình người.

Cùng lúc đó, văn phòng tùy viên quốc phòng DAO có nhiều nữ nhân viên trong tư thế sẵn sàng di tản, nhưng do thủ tục hành chính, họ chưa khởi hành được vì chính phủ Mỹ chưa phát lệnh di tản chính thức.

Ai phải chi cho tiền máy bay đưa họ ra khỏi Việt Nam? Chính phủ Mỹ đúng không? Nếu vậy thì tôi nghĩ ta có thể cho các nữ nhân viên này đi chiếc máy bay quân sự đang trống bụng sau khi bốc hàng hóa xuống, và chỉ đinh họ là những người tháp tùng các trẻ mồ côi, luôn tiện giải quyết luôn chuyện tiền bạc phải kết toán như thế nào.

Có nhiều người vì nhiều lý do khác nhau đã lạm dụng số chỗ ngồi trên chiếc máy bay to lớn này. Vợ tôi cũng ra khỏi Việt Nam với tư cách tháp tùng trẻ mồ côi, nhưng bà ấy đi với Cathay Pacific, một hãng hàng không dân sự, cùng ngày với chiếc C5A rơi.

Lúc bấy giờ CIA chúng tôi có hai bác sĩ, khi máy bay rơi, họ phụ đưa các trẻ vào bệnh viện Seventh Day Adventist ở Sài Gòn (bệnh viện do một giáo phái Tin Lành điều hành). Một trong hai bác sĩ của tôi đầu óc còn tỉnh táo, có mang theo máy ảnh, chụp được rất nhiều ảnh trông rất tang thương.

Tôi cho đại sứ xem ảnh, ông ta suy nghĩ thật lâu để xem có nên công bố số ảnh này hay không. Cuối cùng, ông kết luận rằng những hình ảnh khủng khiếp này, tất cả đều rõ ràng, màu sắc sinh động cho thấy những cơ thể méo mó của phụ nữ và trẻ con, thay vì khơi động lòng thương xót của quần chúng, sẽ tạo ra kết quả ngược lại, làm quần chúng mất tinh thần. Đó chính xác là những gì đã xảy ra tại DAO bấy giờ. Các ảnh này không được phổ biến.

Đằng sau hậu trường

Vài ngày trước khi Thiệu từ chức, một sĩ quan Hungary cao cấp trong Ủy ban ICCS gặp tôi và nói, “Này này, anh phải thực tế, anh phải biết là các anh đã thua rồi.” Tôi trả lời, “OK, tôi thú nhận chúng tôi đã thua.” Rồi ông nói, “Thua trận bắt buộc dẫn đến hậu quả chính trị.” Tôi nói, “Tôi đồng ý với anh.” Ông nói, “Hậu quả chính trị hiển nhiên sẽ là cay đắng, nhưng cái phe mà tôi đại diện cũng không muốn…” — ông ta bỏ lửng phe mà ông đại diện là phe nào — “làm nhục Hoa Kỳ một cách không cần thiết. Có thể làm cái gì đó để không thay đổi kết quả chiến tranh, vì chiến tranh đã chấm dứt, mà là để tạo một kết thúc lẽ ra không nên dẫn đến…” — một lần nữa ông nhắc lại — “làm nhục Hoa Kỳ một cách không cần thiết.”

Tôi mới hỏi: “Anh có ý kiến gì không?” “Thật ra thì,” ông nói, “anh biết đoàn (Hungary) chúng tôi ở Tân Sân Nhất hay nói chuyện với các đồng nghiệp Bắc Việt. Chúng tôi cũng có người ở Hà Nội. Chúng tôi đoán có thể làm một cái gì đó dựa theo những đường nét sau đây. Thiệu phải từ chức. Hoa Kỳ phải hứa không can thiệp công chuyện của Nam Việt Nam ngoài chuyện duy trì một đại sứ quán bình thường. Phía Nam Việt Nam thì phải có một chính quyền gồm những người mà Bắc Việt có thể chấp nhận. Đó là những nét chính.”

Tôi nói, “Vâng, thế thì cám ơn anh. Dĩ nhiên tôi sẽ báo cáo những gì chúng ta vừa trao đổi. Tôi sẽ bàn với đại sứ để sau đó chuyển về Washington, và rồi sẽ nói lại với anh sau. Trong khi chờ đợi câu trả lời từ Washington, anh làm ơn nói chuyện lại với các bạn anh để tìm hiểu một số người nào mà họ xem là có thể chấp nhận được trong chính phủ hộ tôi được không?”

Vài ngày sau đó, Thiệu từ chức. Tôi trở lại gặp ông bạn Hungary và nói, “Thấy chưa, tôi đã thực hiện điểm đầu tiên của anh. Chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát (từ Washington). Anh có đề nghị nào về những cái tên chưa?” Ông trả lời, “À, có chứ, nhưng tôi không rành tiếng Việt lắm, cho nên tôi đã ghi ra.” Ông móc cuốn sổ tay ra và đọc cho tôi một số tên, tất cả đều quen thuộc với tôi.

Xong tôi nói, “Tốt lắm, tất nhiên tôi sẽ tiếp tục báo cáo rồi sẽ cho anh biết sau.” Nhưng ông ta nói, “Các đồng nghiệp của tôi muốn nói thêm như thế này nữa, họ nói với tôi rằng khi họ nói các anh phải quyết định nhanh nhanh thì điều đó có nghĩa là trong vòng vài ngày, không phải vài tuần.”

Tôi xin dừng lại ở đây để nói thêm rằng ông đại sứ rất siêu lòng về giải pháp này. Ông nghĩ rằng đây là chuyện mà chúng ta có thể làm được. Nhưng chúng tôi gặp phải phản ứng rất tiêu cực của Kissinger. Kissinger chẳng muốn điều đình gì cả.

Thế rồi chúng tôi gặp lại nhau ngày 26 hoặc 27 gì đó. Lần này, ông nói, “Thôi, tôi nghĩ bây giờ đã quá trễ.” Nói cách khác, khoảnh khắc mà họ xem là thuận lợi để có một thỏa hiệp nào đó đã vuột khỏi tầm tay.

Lý do tôi kể ra chuyện này là vì tôi muốn nói những lời mạnh mẽ nhất có thể được, rằng chúng ta chưa hề có một thỏa hiệp nào và chúng ta chưa hề làm những gì mà phía bên kia muốn chúng ta làm, còn chuyện Thiệu từ chức là hoàn toàn vì những lý do khác, nhưng tôi cứ làm bộ với họ rằng chúng ta có can dự vào chuyện này.

Họ muốn tránh làm nhục Hoa Kỳ một cách không cần thiết, nhưng cuộc thu xếp không thành theo cái nghĩa là người Hungary không còn cảm thấy họ có thể đóng góp một cái gì đó để mang lại giải pháp.

Thiệu từ chức

Ngày Thiệu từ chức là thứ Hai, 21 tháng Tư. Ông đại sứ không nói với Thiệu về chuyện từ chức, nhưng tính đến ngày 19 tháng Tư, khi đại sứ nói chuyện với tổng thống, rõ ràng là Thiệu đã mất tin tưởng với tất cả mọi người, và cũng rõ ràng là mọi người đều thấy Thiệu là trở ngại cho bất kỳ một thu xếp nào, bất kỳ một ngưng bắn dễ chịu nào, nói tóm lại là nếu còn Thiệu thì chẳng làm được bất kỳ chuyện gì.

Một hôm, ông đại sứ gọi tôi vào văn phòng, cho biết ông vừa đi gặp Tổng thống Hương và Hương cho biết không thoải mái khi Thiệu vẫn còn ở Việt Nam. Hương nghĩ rằng sự có mặt của Thiệu làm loãng đi quyền lực của Hương và Hương coi như bị tê liệt, bao lâu mà Thiệu vẫn còn đó. Hương khẩn thiết quay sang Đại sứ Martin bởi vì chỉ có Hoa Kỳ mới ở vào vị trí có thể làm gì đó để giải quyết chuyện này. Hương còn nói đưa Thiệu ra khỏi Việt Nam cần phải làm trong vòng tuyệt đối bí mật.

Thật vậy, Đại sứ Martin, một khi nghe đến tuyệt đối bí mật, nếu suy luận một cách hợp lý, thì ông bèn nghĩ ngay đến CIA. Ông kể câu chuyện của Hương và hỏi tôi: “Liệu anh có làm được không?”

Tôi trả lời, “Vâng, tôi làm được, thưa Đại sứ, nhưng với một số điều kiện. Ông cứ để yên mình tôi làm. Ông giao nhiệm vụ cho tôi thì cứ để tôi làm, đừng làm theo kiểu một nhóm, ông chịu không?” Hôm đó phải là ngày 24.

Mọi chuyện xảy ra dồn dập sau ngày đó. Tôi biết chỗ để tìm ra chiếc máy bay thích hợp. Tôi sử dụng Tướng Timmes làm đầu mối liên lạc chính (với chỗ có máy bay).

Bấy giờ Thiệu đang ở căn biệt thự bên trong bộ Tổng tham mưu. Các tướng lãnh Việt Nam đều có biệt thư trong khu vực gần Tân Sơn Nhất này.

Chúng tôi đồng ý với một kế hoạch hành động. Có một vài chuyện cần phải lo lắng. Lo lắng về công luận. Lo lắng phe quân đội bất tuân kỷ luật có thể xen vào, một số sĩ quan trung cấp muốn lấy tiếng trong lịch sử (như đã từng xảy ra đảo chánh và dội bom). Lo lắng về các trạm kiểm soát của cảnh sát trên đường vào Tân Sơn Nhất, các trạm này đã có sẵn, chẳng liên quan gì đến chuyện Thiệu ra đi.

Vì thế, chúng tôi phải bịa ra một câu chuyện, giả vờ đi dự một buổi liên hoan ở Bộ Tổng tham mưu. Chúng tôi dùng các xe màu đen bốn cửa thông thường của Mỹ, trong đó có xe đại sứ, xe tôi, xe phụ tá của tôi, vừa đủ để chở từ 10 đến 12 người, cọng thêm các tài xế, cọng thêm Timmes, cọng thêm tôi, cọng thêm hành lý.

Chúng tôi dặn mỗi người chỉ được mang một kiện hành lý và hẹn gặp nhau tại biệt thự của Thủ tướng, là tướng Khiêm. Lý do chọn nhà của Khiêm thứ nhất nhà này rộng nhất, thứ hai ít gây chú ý hơn nhà của Thiệu.

Chúng tôi cũng đồng ý sẽ bay tới Đài Loan, nơi Thiệu có ông anh làm đại sứ, ông này sẽ thu xếp với nhà chức trách Đài Loan để cho mọi người nhập cảnh. Hơn nữa, Thủ tướng Khiêm trước đây đã từng làm đại sứ ở đó nên ông cũng có những quen biết riêng.

Khi chọn Đài Loan làm điểm đến, tôi cũng chịu ảnh hưởng bởi khả năng của chiếc DC-6. Đài Loan là điểm xa nhất mà loại máy bay này đến được mà không cần tiếp nhiên liệu.

Về phía tài xế thì tôi chọn những người mà tôi nghĩ là hay nhất, đáng tin cậy nhất, và có tinh thần cao nhất. Dĩ nhiên, tôi không muốn dùng tài xế người Việt trong trường hợp này.

Một trong những tài xế là Frank Snepp (ngạch Phân tích gia CIA, sau 75 viết cuôn Decent Interval, cũng thuật lại những ngày cuối cùng mất miền Nam.) Timmes ngồi ghế hành khách vì cấp bậc anh ta không cho phép anh lái xe và ngạch trật của tôi cũng vậy.

Tiếp theo là tìm một cấp đại tá cảnh sát Việt Nam được biệt phái từ quân đội sang, tôi muốn có “một người nào có quyền ra lệnh” để lỡ gặp những người canh gác có thắc mắc, hỏi han làm khó.

Thật ra tôi nghĩ chắc chẳng có ai làm khó khi thấy bốn chiếc xe Mỹ do bốn người Mỹ lái, họ sẽ nhận ra xe của đại sứ Mỹ đi họp.

Chắc chắn sẽ không có vấn đề gì nhưng tôi vẫn muốn có ông đại tá quân đội biệt phái sang cảnh sát để phòng hờ trường hợp có quá đông người trên các xe.

Chúng tôi không rõ Thiệu sẽ mang theo người nào. Chúng tôi biết đích thân Thiệu sẽ đi, Khiêm cũng vậy, nhưng không biết số người còn lại gồm những ai.

Do đó, chúng tôi mang theo một số giấy tờ đã ký sẵn nhưng tên thì để trống, để Timmes sẽ điền vào bằng tay. Chúng tôi sẽ đưa những giấy tờ này cho trưởng phi cơ và dặn, “Khi nào bạn đến Đài Loan, chúng tôi sẽ thông báo cho giới chức quân sự Mỹ, bạn phải xin nói chuyện với giới chức quân sự Mỹ cao cấp nhất ở đó, và trao cho người đó bao thư này, trong đó có tất cả giấy tờ về hành khách.”

Cùng khi ấy, một chiếc xe khác đưa ông đại sứ đến thẳng máy bay vì ông muốn từ giã Thiệu. Trước đó, tôi nói với ông, “Tôi không muốn ông đi cùng xe với tôi loanh quanh khắp thành phố, như vậy sẽ tạo thêm rủi ro.” Chúng tôi đổi xe với nhau, ông ấy dùng xe tôi, tôi dùng xe ông.

Mọi việc diễn ra đúng y bon như đồng hồ Thụy Sĩ, giống như mọi chuyện thường xảy ra khi chúng tôi làm một mình. Chúng tôi đưa mọi người đến máy bay an toàn, đưa họ cùng hành lý lên máy bay, và máy bay cất cánh.

Tôi đi cùng xe với Thủ tướng. Nếu tôi không lầm, tướng Timmes đi với Thiệu. Không khí rất êm ả, không nghe tiếng khóc. Bà con họ đã đi hết rồi.

Thật ra tôi ngạc nhiên. Tôi ngạc nhiên bởi vì trong số tất cả những người thân cận với Thiệu, người duy nhất mà ông muốn mang theo lên máy bay là cựu Thủ tướng Khiêm. Cái này hơi buồn cười bởi vì trong những năm trước đó, các quán cà phê ở Sài Gòn đồn rằng có sự kèn cựa giữa Thiệu và Khiêm, người này sẽ đẩy người kia đi, đại loại như vậy. Thật vậy, tôi không hề muốn kể công bởi vì thực sự tôi có quan hệ tốt với Thủ tướng, tôi luôn luôn đánh giá ông là người trung thành với Thiệu.

Đêm hôm đó có tất cả 14 người đi trên phi cơ, toàn là đàn ông.

Bữa đó tôi lo lo, lỡ có chuyện gì không vui xảy ra nếu có người biết được Thiệu có mặt trong đoàn xe. Nhưng tôi lại nghĩ thế nào dân Việt Nam cũng phân biệt được giữa một đoàn xe trông có vẻ quan trọng của tòa đại sứ Mỹ khác với cách di chuyển thường lệ của Thiệu trong thành phố bằng chiếc Mercedes cũ.

Lúc đó trời tối và tôi nghĩ khó có chuyện xen vào công việc của bốn chiếc xe Mỹ. Chiếc dẫn đầu là chiếc Chevrolet Caprice bọc thép của đại sứ, trong xe có tôi, có ông đại tá cảnh sát bên cạnh. Vấn đề lớn nhất của tôi là rủi cảnh sát chận lại hỏi giấy tờ và chiếu đèn sáng vào bên trong thì họ sẽ nhận ra Thiệu và Khiêm.

Nhưng trong thực tế, khi bốn chiếc xe trông có vẻ quan trọng tiến gần sát trạm kiểm soát của cảnh sát, mọi người đứng nghiêm và chào tay; và đó là điều tôi mong đợi.

Thực ra, kinh nghiêm về thứ tâm lý này tôi đã học được sau lần đưa một nhân vật quan trọng đào thoát khỏi Đông Berlin trên một chiếc xe loại lớn như vậy, chúng tôi tính toán rằng khi lính gác Soviet thấy một chiếc xe loại này, họ sẽ chào tay. Và họ chào thật.

Số vàng để lại

Đêm hôm đó, Thiệu không mang theo một tí vàng nào. Chuyện đó (người ta nói Thiệu mang vàng đi) là chuyện ba láp. Đương nhiên là ông không mang. Không một ai có đầu óc tỉnh táo mà lại bỏ vàng trong va li kêu leng keng như vậy, trời ạ. Tôi quen một người Việt mang vàng đi và tôi biết số vàng này được nén chặt và bọc lại trong lớp quần áo có giây thun hoặc băng keo cột lại. Chẳng ai muốn thứ này kêu lục cục trong túi hành lý.

Sự thực là kho dự trữ vàng của miền Nam nằm yên tại chỗ và vẫn còn đó khi đạo quân miền Bắc vào. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam quản lý số vàng đó, được định giá từ 18 đến 20 triệu đô la. Cái giá đó là tính theo giá một ounce vàng là 35 đô la. Nhưng khi Nixon đánh tụt giá đồng đô la vào năm 1971 thì 75 đô la mới mua được một ounce. Như vậy ta có thể nói số vàng dự trữ tại thời điểm tháng Tư 75 là gấp ba hoặc bốn lần con số nói khi trước.

Thời kỳ đó, uy tín về giao dịch tài chính quốc tế của Nam Việt Nam hầu như là con số không, (rất khó vay mượn ai) giữa lúc Quốc hội Mỹ rề rà trong chuyện viện trợ, nếu không muốn nói là bác bỏ cho xong.

Như thường lệ, mỗi khi cần có ý kiến táo bạo, thì Đại sứ Martin có ngay. Ông đề nghị Nam Việt Nam gửi số vàng này cho cơ quan Dự Trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED-tương đương Ngân hàng Trung ương Mỹ) dùng đó làm thế chấp để mua chịu vũ khí. Thiệu chấp nhận ý kiến này.

Khi đó, hãng máy bay chở hàng Basel Air, công ty con của hãng hàng không Thụy Sĩ Swiss Air, tình cờ có một máy bay ở Sài Gòn. Chính phủ Việt Nam nói với Basel Air, “Chúng tôi định gửi số vàng này sang cơ quan Dự Trữ Liên bang Hoa Kỳ, các bạn có thể chở theo kiểu hàng hóa thương mại thông thường được không?” Phía Thụy Sĩ suy nghĩ một hai ngày rồi nói không. Lý do là bảo hiểm, họ nói họ không có cách chi mua được bảo hiểm để có thể chở 70 triệu đô la vàng ra khỏi Sài Gòn.

Chính phủ Việt Nam bèn quay sang Không quân Mỹ. Câu chuyện được mang ra bàn ở Hội đồng An ninh Quốc gia. Không quân Mỹ dễ dàng chở một tấn rưỡi vàng này đi chỗ khác, nhưng không thể mua bảo hiểm khi chở trên một máy bay quân sự, chấm hết.

Cục than nóng này mới chuyền sang tay các luật gia của Bộ Ngoại giao. Suốt thời gian đó, số vàng nằm yên tại Ngân hàng Quốc gia ở Sài Gòn. Làm sao mua bảo hiểm cho chuyến hàng nếu dùng máy bay quân sự? Đề tài này giúp các vị luật gia của Bộ Ngoại giao có việc làm trong suốt mấy ngày.

Trong khi đó, Thiệu từ chức, miền Nam có nhóm lãnh đạo mới. Ông Hương hôm trước nói gửi đi, hôm sau lại nói không gửi. Cuối cùng ông nghe theo Bộ trưởng Kinh tế Nguyễn Văn Hảo, bạn của Denny Ellerman (tiến sĩ, tùy viên kinh tế tại tòa đại sứ). Hảo kết luận rằng cách hay nhất là để số vàng lại bởi vì tình hình bây giờ khác với tình hình lúc Martin đề nghị; hơn nữa, nếu có nhận thêm được viện trợ quân sự của Mỹ nhờ số vàng này thì số viện trợ đó cũng không đến kịp lúc để giúp giải quyết vấn đề, và uy tín của miền Nam sẽ khá hơn nếu giữ số vàng lại trong nước.

Rút cục số vàng vẫn nằm lại Sài Gòn, Thiệu không mang đi chút nào và trong hành lý ông ta cũng không có vàng. (Các nhà sử học sau này có nhiệm vụ “làm rõ” xem số vàng đó cuối cùng rơi vào tay ai, đã được chia chác như thế nào giữa những người trong “bên thắng cuộc”).

Đêm giã từ

Trời tối đen như mực khi chúng tôi ra đến thân máy bay. Chiếc phi cơ chỉ bật những đèn nhỏ. Các chiếc xe của chúng tôi cũng bật đèn nhỏ để tiến đến phi cơ chứ không bật đèn lớn. Đó là một chiếc cánh quạt DC-6, loại cánh quạt cuối cùng của Mỹ. Máy bay đã từng được sử dụng cho những dịp vui chơi, tôi đã từng đi trên đó cho nên tôi biết nó hiện hữu.

Khi Đại sứ Ellsworth Bunker (trước Martin, báo chí Việt Nam đặt cho biệt danh Ông Già Tủ Lạnh) làm đám cưới với bà Carol Lace, đại sứ ở Nepal, thì Bunker lúc đó ở lớp tuổi 70; trong một dịp gặp Tổng thống Johnson, Bunker than, “Thưa tổng thống, tôi sắp gặp một vấn đề. Tôi không muốn bỏ chức đại sứ ở Sài Gòn, còn Carol thuộc ngạch FSO (ngoại giao chuyên nghiệp) được bổ nhiệm làm đại sứ, một chuyện rất hiếm cho phụ nữ, Carol không muốn bỏ qua cơ hội này. Tổng thống có kế gì giúp chúng tôi không?”

Tổng thống Johnson trả lời, “Lạy Chúa tôi, nếu một người ở độ tuổi ông vẫn còn muốn gần gủi thường xuyên với một bà vợ mới thì tôi sẽ tìm cho ông một chiếc máy bay.” Thế là Johnson moi ở đâu ra chiếc máy bay này và giao cho Bunker, và Bunker dùng nó để bay đi Katmandu.

Có lần ông bảo tôi đi theo. Máy bay rất đẹp, bên trong trang trí đầy đủ, nhưng bay rất chậm, cánh quạt mà. Chiếc đó là của Không quân và khi hai vợ chồng đại sứ không còn ở Nepal nữa, máy bay đưa về đậu tại Thái Lan để các quan lớn Không quân dùng.

Tôi nhớ đến nó và bảo, “Đúng là chiếc mà chúng ta sẽ dùng vì nếu dùng máy bay phản lực sẽ tạo nhiều hỗn loạn.”

Buổi tiếp tân quan trọng cuối cùng mà tôi đến dự là cái đêm hôm đó. Nó được tổ chức tại tư thất của đại sứ Ba Lan, nhân tiện để ra mắt tân trưởng phòng Chính trị của đại sứ quán Ba Lan cho giới ngoại giao có mặt ở Sài Gòn. Mọi người đều đến, tất cả đại sứ còn ở lại Sài Gòn đều có mặt.

Người trưởng phòng mới nhận nhiệm sở nói rằng ông ta nóng lòng muốn gặp tôi, dĩ nhiên là tình hình bây giờ đã khác trước. Ông ta muốn biết quan điểm của tôi về tình hình, chúng tôi hẹn nhau ăn trưa một tuần nữa, tức là ngày 1 tháng 5. Ông ta nói trước tiên ông phải giải quyết vài chuyện và một tuần nữa sẽ ăn trưa với tôi. Câu chuyện dừng lại ở đó, dù tôi vẫn hoàn toàn mong đợi đến ngày 1 tháng 5 có dịp gặp người bạn đồng nghiệp Ba Lan, ngoài những chuyện khác.

Đại sứ Martin không thích đi dự mấy cái màn tiếp tân này, nhưng tối hôm đó, trước tình trạng thành phố lên cơn sốt và nhiều chuyện khác, ông nói, “Tôi cũng sẽ đi dự buổi tiếp tân, nhưng chúng ta sẽ đi riêng,” do đó, chúng tôi đổi xe với nhau ở phi trường.

Trước khi dự tiếp tân, tôi ghé văn phòng để gửi một công điện (về Washington) — tôi viết ra trước và đọc qua máy vô tuyến, sau khi nói mật mã mà tôi và nhân viên của tôi ở đầu kia đã thỏa thuận. Đại khái đó là cái ngày mà tôi tiễn Thiệu ra khỏi Việt Nam.

Ngày ra đi

Vào cái ngày tôi rời Sài Gòn, tôi rất chán đời đến độ gần như muốn ngã quỵ.

Màn cuối của vở kịch mở ra vào thứ Hai. Dương Văn Minh lên nhậm chức đêm hôm đó, và ngay khi ông dứt bài diễn văn nhậm chức, Sài Gòn đổ trận mưa to. Nước mưa tuôn xối xả. Hơi sớm vì chúng tôi chưa bước vào mùa mưa.

Thế rồi xảy ra vụ máy bay cải tiến (máy bay A-37 trước đây dùng để huấn luyện, sau được thêm vài bộ phận để biến thành máy bay tác chiến.) Như các bạn biết đấy, đó là những máy bay Mỹ có gắn thêm hai bình xăng phụ 50 ga-lông, lái bởi các phi công do Bắc Việt không chế, họ bỏ bom xuống Tân Sơn Nhất (nhóm Nguyễn Thành Trung.) Lúc đó, chúng tôi vẫn còn ở trong văn phòng, dù khi ấy vào khoảng 7 giờ. Chúng tôi vẫn còn ở văn phòng vì thứ nhất, giờ đó ở Sài Gòn chẳng có nhiều chuyện phải làm, thứ hai vì giờ giấc 12 tiếng khác nhau giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, buổi tối ở Sài Gòn là buổi sáng ở Washington. Do đó, chúng tôi muốn gửi tối đa các thông tin cho Washington trước khi bên đó người ta bắt đầu làm việc.

Trở lại chuyện chúng tôi đang ở văn phòng thì nghe tiếng nổ, tôi bèn chui xuống gầm bàn, tôi còn nhớ rõ cái bàn mà tôi chui xuống là ở trong phòng của trưởng ban báo cáo. Nhân viên trong ban có nhiệm vụ soạn các báo cáo tình báo trước khi chuyển đi bằng máy điện báo. Chúng tôi rất hãnh diện về các báo cáo này bởi vì mặc dù trong tình hình dầu sôi lửa bỏng, chúng tôi vẫn biên tập, chỉnh sửa báo cáo rất chính xác theo tiếng Anh, giống như dân làm báo giỏi.

Nhìn xung quanh, tôi thấy nhiều báo cáo viên cũng chui xuống gầm bàn như tôi, và một hình ảnh mà tôi không bao giờ quên, đó là có một nữ báo cáo viên xinh xắn, dù ở dưới gầm bàn, cũng cố với tay lấy chiếc máy đánh chữ xuồng để gõ tiếp, nội dung như sau, “Nơi nhận: Washington. Nơi gửi: Sài Gòn. Báo cáo tình hình lúc 19 giờ địa phương. Nhiều tiếng nổ không rõ xuất xứ rung chuyển khu trung tâm thành phố. Mặc dù vẫn còn nổ chung quanh chúng tôi, không ai biết chuyện gì xảy ra.”

Chẳng mấy lúc, mọi chuyện đã rõ, chúng tôi xem đó là cách trả lời của Bắc Việt cho bài diễn văn nhậm chức của Minh.

Ông ta nói sẽ tiếp tục chiến đấu và nói toàn những chuyện ngu xuẩn mà trước đó một tháng ông không hề nói. Theo tôi, đây là cách minh họa thực tế của Peter Principle (Nguyên lý Peter, nguyên lý này cho rằng một người có thể xuất chúng trong một ngành nghề nào đó, có thể leo tên tột đình, nhưng nếu cứ tưởng người đó giỏi, đưa sang làm ngành nghề khác cũng xuất sắc thì người đó làm hỏng bét. Ý muốn nói Minh tốt về quân sự nhưng dốt về chính trị.) Người leo lên đỉnh cao của sự bất tài.

Dù có vụ bỏ bom, mọi chuyện ở Sài Gòn vẫn chạy tốt vào thời điểm đó. Quả là một nghịch lý theo cái nghĩa từ suốt tuần qua, mọi việc đều chạy đều. Điện lực tốt, điện thoại tốt, nguồn cung cấp thực phẩm cũng OK, có lẽ ngoại trừ thiếu một chút xà-lách.

Tối đó tôi đi ngủ trễ nhưng độ bốn rưỡi lại thức giấc bởi những tiếng nổ nữa. Nghe như tiếng đạn đại bác đang tới. Tôi gọi cho nhân viên trực của tôi ở tòa đại sứ. Ta cần phân biệt nhân viên trực tại đó. Có nhân viên trực của tòa đại sứ ngoài lính gác của Thủy quân lục chiến, và có nhân viên trực của CIA. Theo truyền thống, nhất là tại Sài Gòn, CIA chúng tôi có hai nhân viên trực lúc nào cũng phải có mặt ở tòa đại sứ. Không chỉ khi nào cần mới có mặt, mà luôn luôn ở bên trong tòa nhà.

Tôi nghĩ hợp lý nhất là gọi người trực của tôi. Tôi hỏi, “Cho tôi biết những gì anh biết.” Anh trả lời không biết gì nhiều vào lúc này, chỉ biết là có pháo kích vào Tân Sơn Nhất. Một Thủy quân lục chiến đã lên trên sân thượng và từ đó báo cáo thấy nhiều đốm cháy, anh ta đã hỏi bạn đồng ngũ ở DAO (nằm gần Tân Sơn Nhất) nhưng trời vẫn còn tối, họ chẳng biết gì dứt khoát. Nhưng điểm đầu tiên được biết là có thiệt hại đáng kể và có hai Thủy quân lục chiến chết.

Tôi nói, “Thôi được, tôi thấy có vẻ khá nặng đấy. Cũng may là có anh trực ở đây.” Hóa ra anh ta trưởng ban tài vụ của tôi. Tôi bèn ra lệnh, “Hãy làm sẵn các bao thư khởi hành.”

Bao thư khởi hành là những phong bì trong đó có để sẵn những dặn dò hoặc một số điện thoại của tòa đại sứ hay cơ quan khác của Mỹ ở Đông Á. Mỗi bao thư còn có nhét 1.500 đô la Mỹ và một số loại tiền nước khác mà chúng tôi có trong tay. Mục đích phát cho nhân viên các bao thư này để khi họ ra được bên ngoài và bị mất liên lạc, họ cũng có thể tự xoay sở đến được nơi nào đó an toàn.

“Anh bắt đầu chuẩn bị bao thư là vừa,” tôi nói, và cho anh biết tôi sẽ tới tòa đại sứ.

Tôi là người đầu tiên tới nơi. Bấy giờ Thủy quân lục chiến đã có thêm thông tin từ DAO. Dựa vào đó, tôi nghĩ cần huy động mọi người. Tôi gọi ông đại sứ và nói, “Tôi rất có lỗi đã gọi ông vào lúc sáng sớm như thế này — có lẽ ông chỉ mới ngủ được hơn ba tiếng — tôi rất có lỗi đã gọi ông nhưng tôi nghĩ ông phải đến.” Ông trả lời sẽ đến.

Tòa đại sứ có thủ tục là nếu ai gọi cho mình thì mình phải gọi tiếp cho bốn người khác và cứ thế mà tiếp tục. Chúng tôi cho áp dụng thủ tục này.

Đại sứ trông rất hốc hác sáng sớm hôm đó. Hốc hác theo nghĩa đen hẳn hòi. Ông ta bị viêm phế quản khá nặng, và đến khi đưa ông ra được chiến hạm, bác sĩ cho biết ông bị viêm phổi. Giọng ông khàn khàn, nói năng rất khó. Ông có thể thì thầm, nhưng cũng khó nghe. Nhưng ông tỉnh táo 100 phần trăm, có điều là nói không được.

Khi Kissinger gọi, ông khó làm Kissinger hiểu được, nhất là đường dây điện thoại cũng không tốt, vì thế ông cứ thì thầm để tôi lập lại cho Kissinger. Nhưng ông cũng không nghe rõ những gì Kissinger nói.

Ngày hôm đó bắt đầu như vậy, và tình trạng này kéo dài suốt ngày.

Thế rồi ông đại sứ đòi ra Tân Sân Nhứt, bởi vì cái tính của ông là như vậy. Dù ông có vài ông tướng Không quân ở đó, nhưng khi họ báo cáo với ông là máy bay có thể đáp, ông vẫn không tin. Ông muốn thấy tận mắt.

Trời đã sáng tỏ, các phi công của Hạm đội 7 đã sẵn sàng, các trực thăng đã bơm đầy xăng, mọi thứ đã lên dàn phóng.

Rồi buổi sáng hôm đó, khoảng 8 giờ 30 hoặc sớm hơn một chút, chúng tôi nhận lệnh sẽ không di tản. Lệnh bảo chỉ giảm số nhân viên tòa đại sứ, sẽ giữ lại tòa đại sứ ở Sài Gòn với số nhân viên là 180 người, trong đó có 50 người của CIA, nhưng nhóm 50 người đó phải phụ trách công tác thông tin liên lạc cho tòa đại sứ. Còn các trưởng phòng khác trong tòa đại sứ — từ kinh tế, có 8 người, chính trị, có 16 người, y tế, tài chính, hành chính — sẽ nhận lệnh từ Washington, có thể là lệnh của Kissinger, thông qua đại sứ.

Tôi chưa hề nhìn thấy lệnh này trên giấy tờ mà chỉ qua lời của Đại sứ vào buổi sáng hôm ấy.

50 người của CIA phải lo vấn đề thông tin liên lạc của tòa đại sứ. Tôi trở về văn phòng, triệu tập các phụ tá cao cấp.

Vào lúc này, nhân viên CIA của tôi có tại hàng khoảng trên 200 một chút. Tôi nói, “Các bạn, chúng ta giảm xuống còn 50 người nhưng phải phụ trách công chuyện thông tin liên lạc cho tòa đại sứ nhiều hơn trước. Bây giờ thử tính xem 50 người đó là ai. Người đầu tiên là tôi.”

Chuyện này không đơn giản vì không giống như bên Hải quân, nhân viên CIA không thể đổi vai cho nhau. Mỗi người có một chuyên ngành riêng. Người thì báo cáo, người thì hoạt động bên ngoài, người thì phân tích, tôi cũng cần người biết nhiều ngôn ngữ.

Cần phải giữ những người nói được tiếng Việt. Cần phải giữ vài người biết tiếng Ba Lan để giao thiệp với họ trong ủy ban ICCS. Không có vấn đề với tiếng Hungary vì không có ai ngoài tôi ra biết tiếng này. Tôi mất vài tiếng đồng hồ vòng quanh giải quyết chuyện này.

Tôi cũng phải xem người nào sắp mãn nhiệm kỳ, bởi vì nếu ngày mãn nhiệm là đầu tháng 5 thì không lý do gì giữ họ lại. Hoặc ngay khi họ có chương trình trở về Mỹ vào tháng 7, tôi cũng không giữ. Tôi cũng xét đến hoàn cảnh gia đình của họ, vì biết đâu chúng tôi sẽ rơi vào tình huống xấu, giống như hồi 1954 ở Hà Nội, chúng tôi có lãnh sự quán ở đó, nhưng mất liên lạc với họ, dù họ không bị giữ làm con tin. Họ coi như bị giam lỏng bên trong lãnh sự quán nhưng chẳng có ai bận tâm giải cứu họ.

Lệnh tòa đại sứ ở lại cũng được chuyển cho hạm đội đang ở ngoài khơi. Tư lệnh bấy giờ là Đô đốc Noel Geyler. Ông ta đâu phải là dân chính trị chuyên nghiệp, vì thế, ông nói, “Thôi thì bây giờ tòa đại sứ ở lại, chúng ta có thể cho phi công đi ngủ trở lại.” Xăng được hút ra khỏi máy bay vì đó là quy định của tàu khi có máy bay đậu. Thế là máy bay được đem bỏ trở lại dưới hầm tàu.

Bấy giờ là 9 giờ sáng hoặc trễ hơn một tí. Cuối cùng có lệnh lúc 11 giờ 30 là tất cả chúng tôi phải di tản.

Tôi không rõ lệnh này đến ông đô đốc lúc mấy giờ, nhưng Đại sứ Martin nhận được lúc 11 giờ 30. Brent Scowcroft (cố vấn An ninh Quốc gia) chắc đã thông báo cho Bộ Quốc phòng, nhưng giờ đó bên Mỹ là buổi tối, có lẽ người nhận thông báo không có mặt để thi hành.

Tôi không biết khi nào thì ông đô đốc nhận được lệnh, nhưng sau đó, khi tôi gặp ông trên tàu, tôi hỏi, “Chuyện gì xảy ra vậy?” Ông trả lời, “Chẳng có chuyện gì. Ngay khi nhận lệnh di tản, tôi đã ra lệnh bơm xăng các máy bay, tôi dựng đầu các phi công dậy, nhưng rồi lại có lệnh phải đưa một lực lượng Thủy quân lục chiến đến giữ an ninh cho cuộc di tản. Anh biết đấy, số binh sĩ này đâu có đủ trên chiếc tàu có trực thăng, chúng tôi phải đi thu góp Thủy quân lục chiến từ các chiến hạm xung quanh, tập trung họ lại trên chiếc tàu có trực thăng. Tất cả như vậy phải mất thời gian.”

Giờ đây, nếu có ai hỏi tôi có ngạc nhiên về những gì xảy ra hay không, tôi sẽ trả lời tôi chẳng có gì ngạc nhiên. Tôi vẫn luôn nghi ngờ về năng lực của quân đội Mỹ có thể phản ứng thật mau lẹ trong trường hợp có chuyện khẩn cấp xảy ra. Quân đội Mỹ có lối tổ chức rất quan liêu. Lẽ ra trước đó 24 tiếng, khi biết tình hình Sài Gòn đang xảy ra như vậy, người ta phải thu xếp để các Thủy quân lục chiến ở gần các trực thăng, thay vì phân tán đi các tàu khác nằm trên biển mênh mông.

Náo loạn, bát nháo

Thế rồi một chuyện có thể không tiên liệu trước đã xảy ra. Một khi tin tức được loan truyền khắp Sài Gòn rằng người Mỹ sẽ ra đi, người ta đùng đùng đổ về những con đường chung quanh tòa đại sứ, giao thông tắc nghẽn trong khu vực. Ở những khu vực khác còn đi được, chung quanh tòa đại sứ thì không hề. Do đó, kế hoạch dùng từng đoàn xe buýt xuất phát từ tòa đại sứ chở người di tản ra DAO coi như rất khó thực hiện, bởi vì chỉ cần hé cổng vửa đủ cho xe buýt lọt ra, cả tòa đại sứ sẽ bị tràn ngập.

Trước buổi sáng hôm ấy nhiều ngày, chúng tôi đã bắt đầu hủy hồ sơ, tài liệu, hủy một cách có hệ thống.

CIA chúng tôi có quy luật hay, đó là bất cứ tài liệu gì có ở thực địa cũng phải có một bản sao nằm ở Mỹ. Mỗi khi có nhiệm sở CIA nào mất một tài liệu gì đó, thì chỉ là chuyện nhỏ. Do đó, chúng tôi có thể hủy tất cả. Thật vậy, trong những giờ còn lại mà chúng tôi ở đó, chúng tôi đã rà soát tất cả các tài liệu để có thể hủy một cách có phương pháp, những tài liệu nào mà có thể gợi ý rằng người Việt này nọ đã từng giao thiệp gần gũi với chúng tôi. Tôi có một anh bạn vẽ bức tranh tặng tôi và có ký tên trên đó, những loại như vậy cũng chắc chắn bị hủy. Người Việt Nam có thói quen tặng những tấm lắc kỷ niệm khi chúng tôi đến thăm họ. Những tấm ấy cũng dứt khoát phải hủy.

Về cây me trong sân tòa đại sứ hay được nhiều người nói đến, trong tất cả các buổi họp tại tòa đại sứ mà tôi có dự, tôi chẳng bao giờ nghe bàn về chuyện chặt hạ nó. Nhưng tôi vẫn giữ nhiều cảm xúc về nó bởi vì nhờ có nó mới đánh giá được đẳng cấp trong tòa đại sứ.

Xung quanh tàng cây me có một khoảng trống để đậu xe. Nếu xe anh đậu ngoài bóng mát của cây, xe anh bên trong sẽ nóng như lò lửa. Xe của đại sứ được đậu trong bóng mát, nếu xe anh cũng đậu trong bóng mát thì chứng tỏ anh cũng thuộc cấp cao.

Đương nhiên tôi vẫn nhớ đến cây me đó vì nó có một chức năng giá trị. Nhưng nếu nói một cách nghiêm chỉnh, có liên quan đến di tản, tôi chưa hề nghe ai nói gì về cây me đó. Nhưng cũng dĩ nhiên là nếu cần đáp một chiếc trực thăng xuống bãi đậu xe của tòa đại sứ, chặt hạ một cái cây cản đường cũng hợp lý thôi, khỏi cần mang ra bàn cãi. (Câu chuyện cây me cũng được nhắc tới trong một bộ phim tài liệu về những ngày cuối cùng của Mỹ tại miền Nam Việt Nam.)

Một khi ông đại sứ đã rời khỏi Việt Nam, vào sáng hôm sau, tôi không có lý do gì để ở lại đó, và nhân viên của tôi cũng không thể ra đi nếu tôi còn ở lại. Người phó của tôi nhất định không đi, bao lâu mà tôi còn đó. Rút cục tôi quyết định gửi người đi theo thứ tự không cần thiết ở một mức độ nào đó.

Khi tôi nói không cần thiết không có nghĩa là tôi hạ thấp giá trị người đó mà vì công việc của người đó đã chấm dứt so với công việc của người khác. Thực ra, tại thời điểm đó, tôi có thể gửi hầu hết các báo cáo viên về Mỹ vì họ chẳng còn gì để báo cáo. Tôi cũng có thể gửi những người chịu trách nhiệm tại các Quân đoàn 1, 2 và 3. Họ chẳng còn gì để chịu trách nhiệm. Nhưng tôi có thể giữ những người trách nhiệm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (Quân đoàn 4) vì tôi chưa nắm vững tình hình ở đó. Tôi có thể gửi nhân viên hành chính. Tôi không cần nhân viên phòng nhân sự nữa. Đó là cách tôi giải quyết xem ai đi và khi nào đi. Mọi chuyện diễn ra trôi chảy. Chúng tôi chả bao giờ lo xảy ra chuyện tòa đại sứ bị đánh chiếm, hoàn toàn không.

Có lẽ vấn đề lớn cuối cùng mà tôi và nhân viên tôi lo lắng là làm thế nào đưa một số người Việt vào bên trong tòa đại sứ.

Bấy giờ, tòa đại sứ bị bao vây, theo nghĩa đen, bởi cả chục ngàn người, đông đến độ muốn tiến gần đến cổng cũng đã là khó. Nhưng chúng tôi vẫn còn một số người bên ngoài mà chúng tôi hết sức muốn đưa vào bên trong để di tản, ví dụ trưởng phòng thông tin tình báo, tư lệnh phó cảnh sát, trong thực tế là một vị trí cảnh sát lo về chính trị. Chúng tôi còn phải lo cho vợ và các con của một trung tướng tâm lý chiến, chúng tôi có Bộ trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn, chúng tôi có trưởng ban nghi lễ và gia đình, tất cả còn bên ngoài tòa đại sứ. Làm thế nào giúp họ di tản bây giờ?

Tôi liên lạc được với họ. Tướng Đôn xoay sở leo lên được một trực thăng đáp xuống sân thượng một khu chung cư mà lẽ ra không được đáp, đây cũng là một câu chuyện riêng biệt. Lúc bấy giờ tôi hỏi xem có ai tình nguyện đi sau cùng hay không, có hai anh chàng khá lực lưỡng và quyết chí đưa tay lên, và nhờ họ ra đứng gần hàng rào mà chúng tôi cũng nhấc bổng lên được vào bên trong một số người mà chúng tôi muốn đưa đi.

Thấy có vài sĩ quan quân đội trong đám đông, chúng tôi đặt điều kiện với họ nếu giúp tìm ra được trong đám đông những người mà chúng tôi muốn đưa đi thì chúng tôi sẽ đưa họ đi theo, và họ đã làm được.

Suốt ngày hôm đó chúng tôi cũng điều đình với một số nhân viên cảnh sát. Nếu họ trà trộn bà con họ vào nhóm chúng tôi và đưa được cả đám lên xe buýt hoặc lên máy bay thì họ và bà con của họ cũng được đi luôn. Các cuộc thu xếp có vẻ rất thành công. Dàn xếp với cảnh sát thì thân thiện hơn vì chúng tôi quen và tin họ, và họ cũng tin chúng tôi. Có điều hơi buồn cười là cái hôm cuối cùng đó, các đoàn xe của chúng tôi được hộ tống bởi một số xe mô-tô của phủ tổng thống, và họ đã hộ tống được nhiều người đến các địa điểm tập họp khác nhau.

Trong sân của tòa đại sứ, chúng tôi cho các xe hơi đậu quay mũi xe vào giữa sân, để máy nổ và bật đèn lên hết cho đến khi hết xăng hoặc hết bình điện.

Rồi chúng tôi có lệnh phải ra đi, cuối cùng người ta nói với ông đại sứ, “Ông phải có mặt trên chiếc này.” Lúc đầu thì người ta nói máy bay sẽ đáp xuống bãi đậu xe, chúng tôi bèn chạy xuống tầng dưới. Sau đó họ nói kế hoạch đã thay đổi và cho biết, “Không, máy bay sẽ đáp trên nóc.”

Tôi không thuộc thành phần có liên hệ gia đình với người Việt. Tôi không có nhiều cảm xúc với đất nước này giống như một số đồng nghiệp của tôi, họ yêu Việt Nam thực sự. Nhưng sau cùng, nhìn thấy cái kết, tôi nghĩ chúng ta đã làm một việc tệ hại cho người dân ở đó, lẽ ra họ đã có cuộc sống khá hơn nếu ngay từ đầu chúng ta đừng bao giờ đến đó.

Trời khá tối khi chúng tôi lên đường. Hướng Tân Sân Nhứt tôi thấy có vài đám cháy, nhưng nói chung, thành phố có hình ảnh ban đêm quen thuộc bình thường. Đèn đường vẫn sáng, đèn giao thông vẫn chạy. Quả là kỳ quái, có vẻ bất thường với một đất nước đang sống những ngày cuối cùng. Tôi không muốn nói chỉ có một đêm, mà tất cả những đêm trong mấy tuần cuối cùng tại Sài Gòn. Có vẻ như không đúng với thực tế bởi vì mọi thứ đều có vẻ bình thường. Không giống cuộc vây hãm dài ngày ở Warsaw (quân đội Ba Lan chống quân xâm lăng Đức Quốc Xã từ 1 tháng 9 đến 1 tháng 10 năm 1939 mới đầu hàng.) Chỉ mới một ngày trước khi thành phố sụp đổ, ta vẫn có thể đi ăn nhà hàng, thưởng thức món ăn ngon và rượu vang ngon.

Không ai bắn theo máy bay chúng tôi trên đường ra. Đó là một câu chuyện khác. Người Bắc Việt là dân khôn ngoan. Không giống như người Hồi giáo Shia, người Bắc Việt là dân khôn ngoan. Họ không bao giờ muốn gây ra chuyện gì có thể tạo một cái cớ để người Mỹ can thiệp trở lại. Nếu họ giết đại sứ thì có thể là đi quá đà, ngay cả Quốc hội cũng sẽ nổi giận.

Cách tiếp đón chúng tôi trên chiến hạm Blue Ridge cho thấy cách hành xử tồi tệ nhất của dân nhà binh. Tôi nghĩ người duy nhất không bị soát người là ông đại sứ. Họ soát người và đồ đạc chúng tôi mang theo. Vào thời bình, ngạch trật của tôi cao hơn viên đô đốc chỉ huy chiếc tàu này.

Dù vậy, chẳng có ai phản đối. Chúng tôi mệt mỏi. Chúng tôi khá dễ bảo. Chúng tôi là đoàn quân bại trận.

Người dịch: Châu Quang