Vụ xử ông Phạm Ngọc Thu
(Biện lý Tòa Án Sơ thẩm Biên Hòa)
về tội liên lạc với người em ruột
là cựu Đại tá Phạm Ngọc Thảo

 

Phiếu trình số 20587/TCSQG/S1/A/TK ngày 23/5/1965 do Tổng Giám Đốc CSQG, Trung tá Phạm Văn Liễu, trình lên Thủ tướng Chánh phủ VNCH có nội dung tóm gọn như sau:

 

“Hồi 17 giờ ngày 22/5/1965, Nha tôi đã tiếp xúc với Ông Phạm Ngọc Thu, Biện lý Tòa án Sơ thẩm Biên Hòa tại Văn phòng Ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp trước sự hiện diện của Ông Tổng trưởng.

 

“Trong tờ tự thuật, Ông Thu đã thú nhận sau ngày 19/2/65 (ngày một số Tướng Tá Saigon làm đảo chánh định lật đổ Tướng Nguyễn Khánh nhưng không thành công), thỉnh thoảng ông có đến thăm Ông Phạm Ngọc Thảo tại nhà trong hẽm đường Hùng Vương, Saigon”

 

Nhận xét và đề nghị của Tổng Nha CSQG:

 

“Nha tôi nhận thấy Ông Thu là một Thẩm phán có người em thứ 9 là cựu Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã bị Tòa Án Mặt Trận Vùng 3 Chiến Thuật xử khuyết tịch tử hình, tịch thu tài sản và tước đoạt công binh quyền ngày 7/5/65 mà ông vẫn thường xuyên liên lạc.

 

“Em thứ 7 của Ông Thu là Phạm Ngọc Hùng lại dính líu vào âm mưu khuynh đão Chánh phủ bất thành.

 

“Để cuộc điều tra được tiến hành thuận lợi và có kết quả, Nha tôi kính đề nghị Thủ tướng chỉ thị cho Bộ Tư pháp tạm ngưng chức Ông Phạm Ngọc Thu và đồng thời cho phép Nha tôi câu lưu đương sự

 

                                                         “Ấn ký: Trung tá Phạm Văn Liễu”

 

************

 

Ngày 29/5/65, công văn số 685-TTP/ĐL/M, Đổng Lý Văn Phòng Phủ Thủ Tướng đã phúc đáp phiếu trình trên:

 

“Thủ tướng đã duyệt lãm quý phiếu trình thượng dẫn và chấp thuận đề nghị của quý Ban.“Văn phòng tôi đã gửi công văn yêu cầu Bộ Tư Pháp ra lệnh tạm ngưng chức Ông Phạm Ngọc Thu (bản sao kèm).”

 

                                                          “Ký tên:  LÊ ĐỨC HỢI

 

**********

 

Ngày 2/6/65, Tổng Trưởng Tư Pháp triệu tập một Hội nghị các Thẩm pháp cao cấp tại Bộ Tư Pháp để thảo luận về vấn đề đặc quyền tài phán qui định trong quy chế các Thẩm phán.

 

Hiện diện trong Hội nghị gồm có: Chánh Nhứt Tòa Phá Án, Chưởng Lý Tòa Phá Án, Chủ tịch Tham chính Viện, Chưởng lý Tòa Thượng Thẩm Saigon, Chánh Nhứt Tòa Thượng thẩm Saigon, Phó Chưởng Lý Tòa Thượng Thẩm Saigon, Chánh Án Tòa Án Hành Chánh, Chánh Án Tòa Sơ Thẩm Saigon, Giám Đốc Nha Nhân Viên và Kế Toán tại Bộ Tư Pháp.

 

Biên bản gồm 4 trang A4, mỗi trang đều có chữ ký của 9 vị Thẩm Phán cao cấp.

 

Biên bản gồm có một số nội dung chủ yếu như sau:

 

1- Lý do của việc dành cho các Thẩm Phán đặc quyền tài phán:

 

       Điều 40 và kế tiếp của Dụ số 3 ngày 29/3/1954 liên quan đến đặc quyền tài phán của các Thẩn Phán, chỉ là một hậu quả tất yếu của nguyên tắc phân quyền giữa lập pháp,hành pháp và tư pháp, một nguyên tắc căn bản làm nền tảng cho mọi chế độ tự do dân chủ………

 

       Sở dĩ các điều luật nói trên đã dành cho các Thẩm Phán có đặc quyền tài phán là cốt để bảo đãm cho các Thẩm phán sự độc lập cần thiết để thi hành nhiệm vụ vì các Thẩm Phán có được độc lập và có được tự do quyết định theo lương tâm mình trong khi xử đoán, không bị áp lực nào bên ngoài chi phối thì mới có thể bảo đãm được tính cách công bình và vô tư của nền tư pháp, và các quyền lợi chính đáng của mọi người dân…

 

     Vì vậy nguyên tắc phân quyền và nguyên tắc độc lập của các Thẩm Phán đã được xác nhận trong Hiến chương Lâm Thời ngày 20/10/1964.

 

    Thủ tục đặc biệt này nhằm mục đích bảo đãm cho nền công lý được vô tư, chớ không phải bênh vực riêng cho Thẩm Phán. Trái lại, các Thẩm Phán bị can bị thiệt thòi thì đúng hơn vì không thể hưởng lưỡng cấp tài phán và bị đưa ra trước các Thẩm phán cao cấp hơn, thường có khuynh hướng nghiêm khắc hơn khi xét xử.

 

    Biệt lệ này còn có hai lý do nữa: một là bảo vệ danh dự và uy tín của Thẩm Phán Đoàn, bảo đãm cho Thẩm Phán chống những thủ tục phiền nhiễu mà Thẩm Phán có thể phải chịu đựng vì bị ghen ghét bởi chức vị, hai lá tránh sự việc vì giữ những chức vị có uy tín mà Thẩm Phán có thể không bị trừng phạt một cách xứng đáng.

 

2 - Xuất xứ của các điều 40 và kế tiếp của Dụ số 3 ngày 23/9/1954 qui định đặc quyều tài phán cho các Thẩm Phán

 

    Đặc quyền tài phán của Thẩm Phán đã có tự lâu……, vì xuất xứ của các điều 40 và kế tiếp của Dụ số 3 ngày 29/3/1954 chính là các điều 479 và kế tiếp của Bộ Hình Sự Tố Tụng ban hàn năm 1808 và hiện vẫn còn áp dụng tại Việt Nam.

   ………………………, hiện nay các nước dân chủ trên thế giới, các Thẩm Phán đều được hưởng quyền đó cả.

 

3 - Đặc quyền tài phán có được áp dụng cho các tội phạm chính trị không?

 

     Điều 40 và Dụ số 3 ngày 29/3/1954 không dùng danh từ “khinh tội hay trọng tội về thường luật “mà lại dung danh từ “khinh tội hay trọng tội”, như vậy nghĩa là điều ấy không phân biệt các tội trong và các tội chính trị. Nói một cách khác, tất cả các tội phạm, dù là về thường luật hay về chính trị, đều được bao gồm trong điều 40.

 

........

 

4- Thủ tục áp dụng trong việc điều tra sơ khởi và tru

   

   Chiếu theo các điều 40 và kế tiếp Dụ só 3 nói trên, cuộc điều tra sơ khởi không có tánh cách công khai và không thể giao cho Nha Tổng Giám Đốc Cảnh Sát phụ trách. Cuộc điều tra sơ khởi này có tính cách mật và phải chính Ông Chưởng Lý Giám Đốc Sở Tư Pháp mở cuộc điều tra nầy hay ủy cho một vị Thẩm Phán cấp trên bị can làm công việc điều tra. Sau khi làm công việc điều tra tiên thẩm,Ông Chưởng Lý sẽ gửi báo cáo lên Ông Tổng Trưởng Bộ Tư Pháp để Ông Tổng trưởng quyết định có nên truy tố Thẩm Phán bị cáo không. Trước khi đưa ra xét xử, trong trường hợp bị truy tố, chỉ có Ô Chánh Nhứt Tòa Thượng thẩm và vị Thẩm phán được ủy quyền thẩm cứu mới có quyền hạ trát đòi hay ra lệnh dẫn giải, nhưng chỉ riêng Ông Chánh Nhứt mới có quyền hạ trát tống giam.

 

    Trên đây là quan điểm của Hội nghị về việc áp dụng các diều luật qui định đặc quyền tài phán cho các Thẩm Phán, quan điểm này xét ra phù hợp với tinh thần và văn từ của điều 40 và kế tiếp của Dụ só 3 ngày 29/3/1954

 

                                                                Làm tại Saigon ngày 2 tháng 6 năm 1965

                                                                     Chữ ký của 9 vị thẩm Phán

 

***********

 

·         Ngày 9/6/1965, Tổng Trưởng Bộ Tư Pháp Lữ Văn Vi có gửi công văn số 502 BTP/NV.1 đến Thủ Tướng Chánh Phủ với nội dung tóm gọn như sau:

 

         “Bộ tôi trân trọng kính trình THỦ TƯỚNG rõ:

 

    “Nhân vụ Ông Phạm Ngọc Thu, Biện Lý Tòa Sơ Thẩm Biên Hòa bị Nha Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia diều tra vì lý do tình nghi có dính líu vào vụ âm mưu đảo chánh ngày 20/5/1965, Bộ tôi có triệu tập một cuộc hội nghị các  Thẩm Phán cao cấp tại Saigon đẻ thảo luận về vấn đề đặc quyền tài phán qui định trong quy chế các Thẩm Phán (điều 40 và kế tiếp của Dụ số 3 ngày 29/3/1954)”

 

    “Ngày 2/6/1965, chín Thẩm Phán cao cấp đã nhóm họp tại Bộ Tư Pháp và sau một cuộc thảo luận kỹ càng và tỉ mỉ, đã trình quan điểm sau đây: Điều 40 và Dụ số 3 ngày 29/3/1954 không phân biệt các tội thường và các tội chánh trị và đặc quyền tài phán phải có một phạm vi áp dụng tổng quát tức là phải  được áp dụng trong tất cả mọi trường hợp Thẩm Phán bị điều tra hay xét xử, dù tội thường hay tội chánh trị và trong hay ngoài chức vụ.”

“………”

 

“Quan điểm trên đây xét có phần xác đáng đối với cuộc điều tra sơ khởi vì trong khi chưa có bằng cớ chắc chắn về sự phạm pháp, nếu giao cho Nha Cảnh Sát phụ trách cuộc điều tra một cách công khai thì sau này nếu không tìm ra đủ yếu tố để buộc tội thì sẽ làm mất uy tín của Thẩm Phán.”

 

“Vậy để bảo đãm danh dự cho các Thẩm phán, Bộ tôi thiết tưởng nên áp dụng điều 40, Dụ số 3 ngày 29/3/1954 trong việc điều tra sơ khởi các Thẩm Phán bị tình nghi phạm pháp và về trường hợp riêng của Ông Phạm Ngọc Thu thì giao ngay cho Ông Chưởng Lý Tòa Thượng Thẩm Saigon, Giám Đốc Sở Tư Pháp Nam Phần mở cuộc điều tra mật sau khi liên lạc với Nha Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia: nếu tìm đủ chứng cớ về sự phạm pháp thì sẽ truy tố và ngưng chức đương sự.”

 

“Bộ tôi xin gửi kèm theo đây biên bản cuộc Hội nghị ngày 2/6/1965 nói trên của các Thẩm Phán cao cấp tại Saigon để Thủ Tướng tiện quyết định và ban chỉ thị cho Bộ tôi và Nha Tổng Giám Đốc Cảnh Sát thi hành.”

                      

********

 

·       Nhận được công văn trên của Bộ Tư Pháp, Văn Phòng Phủ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đã lập phiếu trình lên Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (phiếu trình ngày 8/7/ 1965 do Đổng Lý Văn Phòng biên soạn ). Phiếu trình nêu quan điểm của ba cơ quan: Tổng Cảnh Sát Quốc Gia, Bộ Tư Pháp và Văn Phòng Phủ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương.

 

1- Tổng Cảnh Sát Quốc Gia:  

 

       Ô. Phạm Ngọc Thu đẵ liên lạc thường xuyên với người em ruột thứ 9 là cựu Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã bị Tòa Án Mặt Trận Vùng 3 Chiến Thuật xử tử hình, và người em thứ 7 là Phạm Ngọc Hùng có dính liu vào âm mưu đảo chánh ngày 20/5/1965.

 

      Tổng Cảnh Sát Quốc Gia đề nghị ngưng chức Ô. Phạm Ngọc Thu và cho phép Tổng Nha câu lưu đương sự để điều tra.”

 

2-  Bộ Tư Pháp

 

       Bộ dẫn chứng điều 40, Dụ số 3 ngày 29/5/1954 về việc điều tra sơ khởi các thẩm phán bị tình nghi phạm pháp để yêu cầu áp dụng đặc quyền tài phán trong trường hợp của Ô. Biện lý Phạm Ngọc Thu: giao Ô.Thu cho Chưởng lý Tòa Thượng thẩm Saigon mở cuộc điều tra mật, sau khi liên lạc với Tổng Cảnh Sát Quốc Gia, nếu tìm đủ yếu tố về sự phạm pháp, sẽ truy tố và ngưng chức đương sự.

 

3- Ý kiến của Văn Phòng

 

      Bộ Tư Pháp đã dẫn chứng một điều luật và xin áp dụng đặc quyền tài phán cho các Thẩm phán để gỡ thể diện cho Ô. Biện lý Thu. Nếu theo giải pháp này thì không thể tống giam ngay Ô. Thu, vì về mặt Hình chưa có yếu tố nào có thể kết luận đương sự đã phạm pháp.

 

     Kính trình Thủ Tướng Chủ Tịch thẩm định. Thiết nghĩ có thể áp dụng đúng luật lệ, nhưng định một thời hạn và CSCA tiếp tục canh chừng.”

 

* Bên lề phiếu trình trên, có bút phê của Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch UB HP TƯ: Tiếp tục điều tra-trong khi chờ đợi, thuyên chuyển đương sự đi xa vùng 3.

    

Ý kiến của Tướng Kỳ truyền đạt đến Bộ Tư Pháp, Bộ này có công văn cho biết Biện lý Thu dã xin nghỉ phép 6 tháng không lương nên ý kiến trên chưa thực hiện được.

 

 

**********

Cho đến ngày 5/10/1965, Tổng Ủy Viên Bộ Tư Pháp có công văn số 262-BTP/VP/M gửi Thiếu Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, nội dung tóm gọn như sau:

 

“Kính thưa Thiếu Tướng Chủ Tịch,

 

Tuân hành lệnh của Thiếu Tướng, Bộ tôi đã giao cho Ông Chưởng Lý, Giám Đốc Sở Tư Pháp Nam Phần điều tra vụ Ông Phạm Ngọc Thu, Biện Lý Tòa Sơ Thẩm Biên Hòa, bị tình nghi dính líu vào vụ âm mưu đảo chánh ngày 20/5/1965. Kết quả như sau:

 

   Ông Thu thừa nhận có gặp Thảo hai lần, có nói chuyện qua loa với nhau. Lần cuối hai anh em gặp nhau, độ 3 tuần lễ trước ngày 20/5/!965.

 

   Tài liệu do Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia thâu thập, cũng như cuộc điều tra của Ông chưởng lý Tòa Thượng thẩm không đem lại yếu tố chứng minh rằng Ông Phạm Ngọc Thu có nhúng tay vào âm mưu đảo chánh ngày 20/5/1965. Chỉ có bằng chứng là Ông Phạm Ngọc Thu gặp Phạm Ngọc Thảo hai lần nhưng không báo cho nhà chức trách bắt. Tuy nhiên, về loại tội phạm này, pháp chế hiện hành như pháp chế áp dụng ở Pháp, cũng gạt ra ngoài vòng  đồng lõa những người thân thuộc đên hàng thứ tư…

 

     Trong ý niệm duy trì truyền thồng nhân nghĩa trong gia đình Việt Nam và bảo toàn nên văn minh của dân tộc, Bộ tôi dự định xếp hồ sơ Phạm Ngọc Thu vì trường hợp đặc miễn.”

 

**************

 

Ngày 21/10//1965, công văn số 1312-UBHF/ĐL/M do Trương Ngọc Giàu (không để chức tước và không con dấu, đơn vi gửi đi bị bôi đen)  có nội dung như sau:

                                         Kính gửi: Ông Đổng Lý Văn Phòng

                                                             Bộ Tư Pháp- Saigon.

 

  “Trân trọng tin quý Bộ rõ: Thiếu Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đã duyệt lãm văn thư dẫn chiếu và chấp thuận cho xếp hồ sơ điều tra Ông Phạm Ngọc Thu.

 

             Kính tư để quý Bộ thi hành.

 

    Bản sao kính gởi: Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia

 

 

                                                                     A N H   T R Ầ N

                                                             (cựu sinh viên Trường Luật Saigon)

 

 

 

8-1-13