Đăng trên báo Thanh Niên
từ ngày 20/12/2012 đến 26/12/2012
Phạm Ngọc Thảo - Oanh liệt trong thầm lặng
Hoàng
Hải Vân
1. Những giọt nước
mắt của ông Mười Hương
20/12/2012 3:20
“Trong lịch sử
tình báo ta, câu chuyện ly kỳ như Phạm Ngọc Thảo là
hãn hữu, nếu bỏ qua không nghiên cứu đến nơi đến
chốn là thiếu trách nhiệm đối với công cuộc tích tụ
kho tàng tình báo Việt Nam” (Lời tướng Nguyễn Đức
Trí (Sáu Trí), nguyên Thủ trưởng Cơ quan tình báo
Miền)
Tấm hình
đăng kèm theo đây do nhà báo Chin Kah Chong của hãng
tin Pan-Asia Newspaper Alliance (PANA News) của Nhật
Bản chụp Phạm Ngọc Thảo mang lon đại tá quân đội Sài
Gòn lúc chỉ huy cuộc đảo chính ngày 19.2.1965 lật đổ
chính quyền Nguyễn Khánh. Ông Chin đã gửi tặng tấm
hình cho chúng tôi trong dịp sang lại Việt Nam cách
đây không lâu. Ông bảo ông đã hai lần gặp Phạm Ngọc
Thảo, ông kể lại không khí của cuộc đảo chính mà ông
trực tiếp chứng kiến hồi đó, nhưng ông không lý giải
được về hoạt động của vị đại tá này dù ông rất
ngưỡng mộ.
Cho đến
nay, Phạm Ngọc Thảo vẫn còn là một bí ẩn khó có thể
giải mã. Không phải vì xung quanh ông vẫn còn những
bí mật quân sự, cũng không phải xung quanh ông có
những điều “nhạy cảm” khó nói. Khó giải mã là do
tầng tầng lớp lớp những biến cố lịch sử, những quan
hệ, sự thiên biến vạn hóa của chiến lược, chiến
thuật, kỹ thuật, nghệ thuật chiến tranh tồn tại trên
chiến trường, trên chính trường và trong cuộc sống
nhưng nằm ngoài sách vở và các bản tổng kết.
Sau khi bộ
phim nổi tiếng Ván bài lật ngửa bắt đầu
công chiếu từ năm 1982, khi biết nhân vật Nguyễn
Thành Luân được nhà văn Trần Bạch Đằng xây dựng dựa
trên nguyên mẫu là Phạm Ngọc Thảo, những giai thoại
về Phạm Ngọc Thảo dần dần lưu truyền rộng rãi trong
dân chúng. Nhà văn - nhà cách mạng Trần Bạch Đằng
từng là Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định trong
kháng chiến chống Mỹ, là một trong số rất ít người
biết rất rõ Phạm Ngọc Thảo, nhưng Ván bài lật
ngửa vốn là một cuốn tiểu thuyết được dựng
thành phim, tất nhiên Nguyễn Thành Luân dù mang dáng
dấp Phạm Ngọc Thảo nhưng vẫn là một nhân vật hư cấu.
Lúc ấy ngôi mộ của Phạm Ngọc Thảo vẫn chỉ là một nấm
mồ vô danh.
Mãi đến
ngày 30.8.1995, đại tá QĐND Việt Nam, liệt sĩ Phạm
Ngọc Thảo mới được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực
lượng vũ trang nhân dân. Lý do của sự chậm trễ này
chưa bao giờ được công bố chính thức.
Sau năm
1987, báo chí trong nước có viết một số bài về Phạm
Ngọc Thảo, nội dung còn sơ lược, chủ yếu dựa vào lý
lịch và bản thành tích được công bố. Trong khi ở
nước ngoài, nhiều người từng ở “phía bên kia” quen
biết Phạm Ngọc Thảo cũng viết về ông, bên cạnh việc
thuật lại các góc độ khác nhau những sự kiện mà họ
chứng kiến là những phỏng đoán, nhất là sự phỏng
đoán xung quanh 2 vấn đề mà họ không giải thích
được: Vì sao mãi tới 12 năm sau ngày hòa bình Nhà
nước Việt Nam mới chính thức công nhận Phạm Ngọc
Thảo là “người của mình”? Nếu Phạm Ngọc Thảo là tình
báo “Việt cộng” thì khi cuộc đảo chính tháng 2.1965
thất bại, ông hoàn toàn có thể chạy ra căn cứ một
cách an toàn, nhưng vì sao ông không đi mà ở lại tại
một xứ đạo để cuối cùng phải chết một cách bi thảm?
Đại tá quân đội Sài
Gòn Phạm Ngọc Thảo chỉ huy cuộc đảo chính ngày
19.2.1965
lật đổ chính quyền Nguyễn Khánh - Ảnh: Chin Kah Chong
Không thể
đem những lý lẽ thông thường để luận giải cuộc đời
bi tráng của người anh hùng phi thường này. Giữa một
rừng gươm giáo hiểm ác, ông như một nghệ sĩ xiếc đi
trên dây, bên phải thì địch muốn giết, bên trái thì
ta cũng muốn giết. Ông hiên ngang lật ngửa ván bài
và “chơi” tới tận cùng. Địch coi ông là tên “Việt
cộng” nằm vùng nguy hiểm, ông không ngại, thậm chí
còn viết báo công khai ca ngợi tinh thần vì dân vì
nước của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chống
Pháp. Ngại nhất là ta, bởi vì ngay tại Sở Chỉ huy
của kháng chiến cũng chỉ vài người được biết ông là
người của ta, nên khi ông thả hàng ngàn tù chính
trị, cơ quan chỉ huy kháng chiến cấp dưới lập tức
kết luận ông là tên tỉnh trưởng mị dân nguy hiểm
nhất cần phải trừ khử. Ông đã nhiều lần thoát chết,
không phải do sự nương tay của ta, mà do may mắn.
Sinh thời
cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt bao giờ cũng rơm rớm nước
mắt mỗi khi nhắc đến Phạm Ngọc Thảo. Ông bảo Phạm
Ngọc Thảo do đích thân ông Lê Duẩn giao nhiệm vụ ở
lại miền Nam làm tình báo chiến lược, không phải để
cung cấp tin tức, mà đi sâu vào hàng ngũ cao cấp của
chính quyền Sài Gòn nhằm xoay chuyển thời cuộc,
chuẩn bị cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Đối với
ông Võ Văn Kiệt, Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo kiệt
xuất, là người anh hùng hội đủ nhân, trí, dũng. Ông
vẫn tiếc là không cứu được Phạm Ngọc Thảo mặc dù ông
đã làm hết cách.
Còn ông
Mười Hương thì vừa nói đến Phạm Ngọc Thảo đã khóc
như một đứa trẻ. Lần đầu gặp ông, khi chúng tôi hỏi
vì sao Phạm Ngọc Thảo được công nhận liệt sĩ và
phong anh hùng chậm như vậy, ông nức nở: “Phong anh
hùng 10 lần cho Phạm Ngọc Thảo cũng xứng đáng, nhưng
chưa thể được, vì vợ con Thảo đang ở Mỹ. Khi chiếu
phim Ván bài lật ngửa, tôi gọi cho ông Trần
Độ (lúc ấy làm Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ T.Ư - TN)
bảo hãy cấm cái phim đó đi, đừng làm hại vợ con Phạm
Ngọc Thảo”. Ông Phạm Xuân Ẩn từng nói với chúng tôi
rằng, sau khi Phạm Ngọc Thảo bị giết chết, chính
quyền Nguyễn Văn Thiệu đã đề nghị chính quyền Mỹ
trục xuất vợ con ông Thảo, lúc đó ở Mỹ có một cuộc
vận động bảo vệ vợ con ông Thảo, ngay cả những nhà
báo Mỹ chống cộng cũng phản đối sự trục xuất này, vì
vậy mà vợ con ông Thảo vẫn bình an vô sự cho đến bây
giờ.
Sự lo xa
của ông Mười Hương là tình nghĩa rất đáng trân
trọng. Giọt nước mắt của ông đủ để giải thích lý do
vì sao Phạm Ngọc Thảo chậm được thừa nhận một cách
công khai. Quốc gia đại sự không bao giờ bỏ sót cái
tình, và suy cho cùng cũng vì cái tình mà có quốc
gia đại sự.
Hiệp định
Genève được ký kết, Phạm Ngọc Thảo được đích thân Bí
thư Xứ ủy Lê Duẩn chỉ định ở lại miền Nam với nhiệm
vụ chiến lược là thâm nhập vào hàng ngũ cao cấp của
chính quyền Sài Gòn để “phục vụ cho mục tiêu thống
nhất đất nước”. Ông Lê Duẩn giới thiệu Phạm Ngọc
Thảo với ông Mai Chí Thọ, lúc ấy là người phụ trách
Ban Đặc tình Xứ ủy (sau này là đại tướng, Bộ trưởng
Bộ Nội vụ). Hai người khác trong Ban cùng có mặt là
ông Mười Hương và ông Cao Đăng Chiếm (sau này là
thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ).
Tuy ở lại
hoạt động ở miền Nam nhưng ông Mai Chí Thọ là người
lừng lẫy nên có quá nhiều người biết, ông Cao Đăng
Chiếm cũng vậy, Đảng không cho phép vào sống ở Sài
Gòn, chỉ có ông Mười Hương là có thể vào Sài Gòn
sống hợp pháp vì ông là cán bộ từ ngoài Bắc vào,
không ai biết. Do đó, ông Mười Hương đã bàn bạc cụ
thể với Phạm Ngọc Thảo về đường hướng, phương thức
hoạt động và trực tiếp liên lạc với Phạm Ngọc Thảo
ngay tại Sài Gòn. Ông Mười Hương trở thành “người
chỉ huy” Phạm Ngọc Thảo trong thời kỳ đầu, tuy nhiên
thời gian này rất ngắn, vì sau đó ông Mười Hương bị
chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ở Huế.
2.
Gia thế
21/12/2012 3:55
Vì sao con cái một gia
đình “đại địa chủ”, đồng thời là “dân Tây” và là Công giáo
toàn tòng, lại “đồng loạt” đi tham gia kháng chiến, không
chỉ tham gia kháng chiến mà còn đem hết gia sản ra ủng hộ
kháng chiến?
Phạm Ngọc Thảo xuất
thân từ một gia đình trí thức giàu có ở Vĩnh Long, theo đạo
Công giáo toàn tòng. Thân sinh của ông là cụ Adrian Phạm
Ngọc Thuần, một kỹ sư trắc địa và là một điền chủ giàu có
nổi tiếng Nam bộ, mang quốc tịch Pháp. Anh chị em ông cũng
có quốc tịch Pháp nên sang Pháp du học, đều trở thành bác
sĩ, kỹ sư, luật sư.
Dù học ở Pháp, dù
là “dân Tây”, dù có cuộc sống giàu sang nhưng anh chị em
Phạm Ngọc Thảo đều hướng về đất nước, đều khát khao giành
độc lập cho Tổ quốc. Anh ruột ông, luật sư Gaston Phạm Ngọc
Thuần tham gia Thanh Niên Tiền phong chống Pháp cùng bác sĩ
Phạm Ngọc Thạch từ năm 1943, sau đó tham gia khởi nghĩa
giành chính quyền và làm đến chức Phó chủ tịch Ủy ban Hành
chính kháng chiến Nam bộ, sau năm 1954 tập kết ra Bắc, làm
Đại sứ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại CHDC Đức. Một
người anh khác, ông Lucien Phạm Ngọc Hùng cũng từ Pháp về
nước tham gia kháng chiến, sau này là Ủy viên Hội đồng Chính
phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…
Phạm Ngọc Thảo trên tạp chí
Life
Phạm Ngọc Thảo sinh
ngày 14.2.1922, sau khi đỗ tú tài ở Sài Gòn, do Đại chiến
thế giới 2 nổ ra, ông không sang Pháp mà ra Hà Nội học, tốt
nghiệp bằng kỹ sư công chánh năm 1942 và về làm việc tại Sài
Gòn từ năm 1943. Theo chân người anh, ông tham gia Cách mạng
tháng Tám năm 1945 ngay từ những ngày đầu và khi Pháp quay
lại xâm chiếm Nam bộ, ông tuyên bố hủy bỏ quốc tịch Pháp,
lên đường cầm súng đi kháng chiến.
Vì sao con cái một
gia đình “đại địa chủ” (theo nhiều tài liệu thì gia đình
Phạm Ngọc Thảo có tới hơn 4.000 mẫu đất và hàng ngàn bất
động sản ở Nam bộ), đồng thời là “dân Tây” và là Công giáo
toàn tòng, lại “đồng loạt” tham gia kháng chiến, không chỉ
tham gia kháng chiến mà còn đem hết gia sản ra ủng hộ kháng
chiến?
Sự “đồng loạt” hiếm
có đó là từ chính nghĩa của cách mạng, là từ truyền thống
yêu nước của gia đình, xuất phát từ người ông của Phạm Ngọc
Thảo. Ông nội của Phạm Ngọc Thảo là cụ Phạm Ngọc Lành (cụ
Lành có thể có nhiều tên khác), là một thương gia lớn ở Nam
bộ thời Pháp thuộc. Sau này cho con cháu gia nhập quốc tịch
Pháp để “tự vệ”, song cụ Lành sinh thời không những không
dính dáng gì với người Pháp mà còn tích cực ủng hộ, hậu
thuẫn cho các phong trào yêu nước chống Pháp từ trước khi có
cách mạng. Ngay cả phong trào Cần Vương ở tận miền Trung
cũng được cụ Lành gửi tiền của hậu thuẫn. Nhiều bậc tiền bối
của cách mạng ở Nam bộ đã dựa vào gia đình này để nhen nhóm
phong trào và khi cách mạng nổ ra, gia đình này đã nhẹ nhàng
đem hết gia sản và con cái ra cống hiến.
Thực ra, khi đất
nước bị chia cắt thì một gia đình bị phân hóa cũng là bình
thường, mặt khác, sau này anh em ông Ngô Đình Diệm đã trọng
dụng Phạm Ngọc Thảo, không chỉ vì ông Thảo có tài năng, có
tư cách. Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến chắc
chắn không “mù”, họ biết rất rõ những người anh của Phạm
Ngọc Thảo đang ở “phía bên kia”. Sau khi lên cầm quyền ở
miền Nam, Ngô Đình Diệm thực hiện khẩu hiệu “phản đế, bài
phong” để xây dựng chế độ quốc gia “cạnh tranh” với những
người cộng sản, nhưng điều mỉa mai là hầu hết các tướng
lãnh, sĩ quan và quan chức cao cấp chính quyền của họ đều là
sản phẩm do người Pháp để lại. Anh em họ Ngô rất cần có
những trí thức từng tham gia chống Pháp ở bên cạnh mình và
rất cần sự hậu thuẫn của những gia đình có truyền thống yêu
nước như gia đình Phạm Ngọc Thảo để làm nền móng cho chế độ.
Phạm Ngọc Thảo và cấp trên của ông không bao giờ đánh giá
thấp anh em Ngô Đình Diệm, nếu đánh giá thấp đối phương thì
không thể có được “ván bài lật ngửa” ngoạn mục như chúng ta
đã biết. Nhưng đó là chuyện sau này.
Năm 1946, ông được
cử đi học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây. Sau khi tốt
nghiệp khóa 1 trường này, ông lập tức trở về miền Nam chiến
đấu và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của kháng chiến:
Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn phó, Trưởng phòng Mật vụ Nam bộ
(chức vụ tương đương Trung đoàn trưởng). Năm 1949, Phạm Ngọc
Thảo kết hôn với bà Phạm Thị Nhiệm, cũng là một trí thức
tham gia kháng chiến (bà Nhiệm là em gái Giáo sư Phạm Thiều
lúc đó là Giám đốc Nha Giáo dục phổ thông Nam bộ, sau khi
tập kết ra Bắc làm Đại sứ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại một
số nước Đông Âu).
Năm 1946 cũng là
năm ông Lê Duẩn được Trung ương cử vào Nam làm Bí thư Xứ ủy
Nam bộ. Khi quân Pháp đổ bộ vào miền Nam, giữa sự vây ráp
ráo riết của địch, chính Phạm Ngọc Thảo là người trực tiếp
hộ vệ đưa ông Lê Duẩn từ Phú Yên, nơi đóng trụ sở Ủy ban
Hành chính kháng chiến miền Nam Việt Nam về chiến trường Nam
bộ để lãnh đạo kháng chiến. Bản lĩnh, tài năng, mưu trí và
phẩm chất của Phạm Ngọc Thảo trên chiến trường đã chinh phục
niềm tin của vị Bí thư Xứ ủy. Cuộc hạnh ngộ này ảnh hưởng
quyết định đến sứ mệnh sau này của ông. Dùng một trí thức
con nhà Công giáo đại địa chủ làm tiểu đoàn trưởng, trung
đoàn trưởng, thậm chí làm tướng cũng không có vấn đề gì,
nhưng làm Trưởng phòng Mật vụ của cả Nam bộ kháng chiến thì,
trừ ông Lê Duẩn, không ai dám và điều này thì quả thật, ông
Lê Duẩn có con mắt anh hùng đoán giữa trần ai. Trong những
lúc nói chuyện với chúng tôi, ông Võ Văn Kiệt trước sau đều
khâm phục tầm nhìn chiến lược và sự trông xa thấy rộng của
ông Lê Duẩn và ông cũng nhớ lại: “Không ít anh em cũng lo
ngại về cách dùng người như vậy của anh Ba”.
Điều đáng chú ý là
những nhân vật như Trần Văn Đôn, Nguyễn Khánh, Lê Văn Kim…
cũng có vào chiến khu tham gia kháng chiến trong thời gian
đầu và họ đều được Phạm Ngọc Thảo huấn luyện về chiến tranh
du kích, nhưng họ đã quay lưng theo Pháp và trở thành những
tướng lãnh quân đội Sài Gòn. “Những người quen cũ” đó sau
này vừa nể phục Phạm Ngọc Thảo vừa coi ông là một đối thủ
đáng gờm.
3. Lật ngửa bài để
tàng hình
22/12/2012 2:49
Phạm Ngọc Thảo
tất nhiên không thể giấu cái lý lịch kháng chiến ai
cũng biết của ông, nhưng ông không “hồi chánh” để
“trở về với chính nghĩa quốc gia” như một số người,
vì làm như vậy là biến thành một “thây ma”, là tự vô
hiệu hóa vai trò của mình.
“Phục vụ
cho mục tiêu thống nhất đất nước” là làm nhiệm vụ cụ
thể gì, không ai rõ chi tiết. Ông Mai Chí Thọ xác
nhận việc ông Lê Duẩn giới thiệu Phạm Ngọc Thảo cho
ông để bố trí ở lại miền Nam hoạt động, nhưng ông
bảo ông chỉ nhận được chỉ thị về nhiệm vụ của ông
đối với Phạm Ngọc Thảo thôi, còn ông Lê Duẩn chỉ thị
cho Phạm Ngọc Thảo làm những việc gì thì ông không
được thông báo.
Còn ông Võ
Văn Kiệt, ban đầu không liên quan đến Phạm Ngọc
Thảo, ông chỉ biết ông Lê Duẩn đã trọng dụng ông
Thảo như thế nào mà thôi. Nhưng sau Hiệp định
Genève, có một thời gian ông Lê Duẩn vào sống ngay
trong thành phố Sài Gòn, ông Kiệt có nhiệm vụ tổ
chức nơi ăn ở và bảo vệ an toàn, ông dần dần hiểu
được những việc mà ông Lê Duẩn giao cho Phạm Ngọc
Thảo. Khi làm Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định,
ông Võ Văn Kiệt mới “liên quan” đến Phạm Ngọc Thảo.
Ban đầu ông định cử ông Mười Nho, Trưởng ban Đặc
tình Đặc khu ủy, liên lạc với Phạm Ngọc Thảo, nhưng
xét thấy ông Mười Nho đã từng bị lộ tung tích, nên
kế hoạch bị hủy bỏ. Ông Kiệt gặp ông Thảo nhiều lần,
từ sau cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm đến sau
cuộc đảo chính 19.2.1965.
Theo ông Võ
Văn Kiệt, nhiệm vụ mà ông Lê Duẩn giao cho ông Thảo
là tìm cách thâm nhập càng sâu càng tốt vào bộ máy
chính quyền Sài Gòn và tùy cơ ứng biến; ông Thảo
không phải là một điệp viên, không có trách nhiệm
báo cáo bất cứ chuyện gì với bất kỳ ai, khi có việc
cần thiết có thể trao đổi với người lãnh đạo nào mà
ông Thảo thấy đủ tin tưởng, nếu không thấy cần thiết
thì không trao đổi. Ông Thảo hoạt động độc lập, tự
do hành động, không bị bất cứ một chế định nào. Việc
ông Kiệt gặp ông Thảo là do chính ông Thảo chủ động
cho người thân liên lạc để bàn bạc giải pháp, ông
Kiệt không có “chỉ thị” ông Thảo phải gặp ông.
Sau khi
thống nhất đường hướng, phương thức hoạt động với
ông Mười Hương, Phạm Ngọc Thảo vào Sài Gòn, bắt đầu
tàng hình bằng một “ván bài lật ngửa”.
Theo ông
Mười Hương, nếu không thừa nhận anh em Ngô Đình Diệm
là những người yêu nước theo cách của họ, nếu không
thừa nhận họ là những người có tinh thần dân tộc,
muốn xây dựng một chế độ quốc gia không cộng sản,
thì Phạm Ngọc Thảo khó mà dám “ngửa bài”. Ông Mười
Hương cho rằng, thực tế Ngô Đình Diệm luôn mơ ước có
những trí thức yêu nước có tầm cỡ bên cạnh mình, như
cụ Hồ có những người như ông Hoàng Minh Giám bên
cạnh. Cần biết Ngô Đình Diệm nổi tiếng chống cộng,
nhưng Ngô Đình Diệm trong thâm tâm bao giờ cũng nể
phục cụ Hồ và chưa bao giờ dám xúc phạm đến cụ Hồ.
Phạm Ngọc
Thảo tất nhiên không thể giấu cái lý lịch kháng
chiến ai cũng biết của ông, nhưng ông không “hồi
chánh” để “trở về với chính nghĩa quốc gia” như một
số người, vì làm như vậy là biến thành một “thây
ma”, là tự vô hiệu hóa vai trò của mình. Ngược lại,
ông không những chủ động công khai cái lý lịch kháng
chiến đó mà còn công khai tự hào về quãng đường mình
đã theo Việt Minh chống Pháp. Để tiếp cận với gia
đình họ Ngô, nguồn gốc trí thức Công giáo đã đành là
một lợi thế, nhưng chưa đủ. Ông đã khôn ngoan biến
cái lý lịch kháng chiến thành một lợi thế thứ hai,
lợi hại hơn.
Khi về Sài
Gòn, sau khi thu xếp nơi ăn chốn ở cho gia đình, ông
không vội tiếp cận với gia đình họ Ngô mà ung dung
đi dạy học. Vợ ông cũng vậy. Nhưng Sài Gòn lúc đó
rất rối ren. Chính quyền một mặt phải đối phó với
lực lượng của các giáo phái và các lực lượng thân
Pháp, một mặt ráo riết lùng bắt những cán bộ Việt
Minh không đi tập kết nhưng không “hồi chánh” để trừ
hậu họa. Phạm Ngọc Thảo không “hồi chánh” nên tất
nhiên không có giấy tờ “hồi chánh”, ông bị an ninh
quân đội nhiều lần truy bắt, phải rất khôn ngoan ông
mới trốn thoát.
Phạm Ngọc Thảo nói chuyện với các chức sắc Cao Đài -
Ảnh: LIFE
Không thể
ung dung ở Sài Gòn được nữa, ông về Vĩnh Long theo
dự định ban đầu. Theo kế hoạch, việc đầu tiên ông
làm là đến thăm Giám mục Ngô Đình Thục, anh ruột Ngô
Đình Diệm, Ngô Đình Nhu. Đức cha Thục rất thân thiết
với gia đình Phạm Ngọc Thảo, từng là người làm lễ
rửa tội cho ông và coi ông như con nuôi. Trong kháng
chiến chống Pháp, Phạm Ngọc Thảo từng mời Đức cha
vào chiến khu để thông qua vị giám mục này mà tranh
thủ đồng bào Công giáo ủng hộ kháng chiến. Lần này
Phạm Ngọc Thảo đến thăm với sự lễ phép của một tín
đồ ngoan đạo khiến vị giám mục vô cùng cảm động. Ngô
Đình Thục đã bảo lãnh cho Phạm Ngọc Thảo vào dạy tại
một trường trung học. Sau đó cũng từ sự giới thiệu
của Đức cha Thục, Phạm Ngọc Thảo quay lại Sài Gòn
làm việc tại Viện Hối đoái do ông Huỳnh Văn Lang,
một học trò cũ của Đức cha Thục, làm Giám đốc. Trở
lại Sài Gòn lần này ông hoàn toàn không bị an ninh
quân đội làm khó dễ, vì ai mà dám động đến người của
Đức cha!
Sau khi Ngô
Đình Diệm phế truất Bảo Đại, lên làm Tổng thống,
Giám mục Ngô Đình Thục liền tiến cử ông Thảo với Ngô
Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, bảo đây là một nhân tài cần
được trọng dụng. Gia đình họ Ngô anh nói em nghe,
rất có khuôn phép, nên đương nhiên Ngô Đình Diệm,
Ngô Đình Nhu chấp nhận sự tiến cử này. Tuy nhiên, do
chưa thấy ông Thảo có tài năng gì đặc biệt, nên họ
cũng chỉ bố trí cho ông những chức vụ khiêm tốn: đại
úy đồng hóa, Tỉnh đoàn trưởng Bảo an…
Mối quan hệ
với Huỳnh Văn Lang tạo thêm cho Phạm Ngọc Thảo một
lợi thế: viết báo để thể hiện mình. Năm 1957, ông
Huỳnh Văn Lang khi ấy là Giám đốc Viện Hối đoái và
là Bí thư liên kỳ Nam Bắc Việt Nam của Đảng Cần Lao,
đã cho xuất bản Tạp chí Bách Khoa. Phạm Ngọc Thảo
được mời làm một thành viên sáng lập và tham gia Ban
Biên tập tạp chí. Tờ Bách Khoa qua nhiều thăng trầm
nhưng vẫn tồn tại cho đến năm 1975. Phạm Ngọc Thảo
có mặt từ số báo đầu tiên và chỉ tính riêng trong
năm 1957-1958, ông đã cho đăng liên tục và dồn dập
hàng loạt bài trên tạp chí này, tập trung đề tài về
quân sự: “Thế nào là một quân đội mạnh?” (BK số
1-1957); “Đánh giặc mà không giết người” (BK số 2);
“Góp ý kiến về thiên Mưu công trong binh pháp Tôn
Tử” (BK số 3); “Một số ý kiến về lãnh đạo tinh thần
một đơn vị quân đội” (BK số 4); “Vấn đề kinh tế tự
túc trong quân đội” (BK số 5-6)…; “Lực lượng quân sự
cơ động và lực lượng địa phương” (BK số 13); “Quân
đội và nhân dân” (BK số 14); “Quân đội bình định đem
lại bình an hay oán hận” (BK số 16); “Quan niệm về
quân sự hiện đại” (BK số 17)... Những bài báo đó thể
hiện tác giả của chúng có kiến thức uyên bác của một
nhà chiến lược quân sự và thực tiễn sinh động của
một nhà cầm quân, nhưng lại gây sốc: công khai ca
ngợi chiến công chống ngoại xâm và hành động vì dân
vì nước của quân đội nhân dân VN trong kháng chiến
chống Pháp, lên án những hành vi phi nghĩa của quân
đội phản nhân dân.
4. Luận về
quân tử - tiểu nhân
23/12/2012
3:50
Phạm Ngọc Thảo
(phải) lúc làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa - Ảnh: LIFE
Những bài báo “gây sốc” của Phạm Ngọc Thảo
đã tạo một tiếng vang lớn. Chúng được giới
quân sự, chính trị ở Sài Gòn cũng như các
chuyên gia CIA và tình báo nước ngoài rất
quan tâm. Họ “soi” rất kỹ để biết Phạm Ngọc
Thảo là ai. Ngay cả cấp trên của ông Thảo
cũng hồi hộp lo lắng về nước cờ cao nhưng
liều lĩnh của ông.
Nước cờ cao này sẽ khiến cho những kẻ chống
cộng tầm thường nghĩ ông là cộng sản nằm
vùng, dù bọn họ là số đông, nhưng ông không
quan tâm, họ không phải là đối tượng để ông
gửi thông điệp. Thông điệp mà Phạm Ngọc Thảo
muốn gửi tới là Ngô Đình Nhu và bộ tham mưu
cao cờ của ông Nhu, đặc biệt là Trần Kim
Tuyến.
Quả
nhiên những bài báo đó không lọt khỏi “mắt
xanh” của Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến.
Đây chính là thứ mà họ Ngô cần. Muốn xây
dựng một quân đội thực sự là “quân đội quốc
gia” thì không thể không dựa trên lý luận
quân sự được trình bày trong những bài báo
của Phạm Ngọc Thảo. Thông điệp mà Phạm Ngọc
Thảo gửi tới phù hợp với đường lối chiến
lược của anh em họ Ngô: Muốn chiến thắng
cộng sản, muốn xây dựng một quân đội, một
chế độ độc lập thì phải làm theo cách của
Việt Minh. Lịch sử “Đệ nhất cộng hòa” sau
này cho thấy, họ Ngô tuy nhận viện trợ của
Mỹ nhưng không nghe lời Mỹ, không để người
Mỹ can thiệp quá sâu vào chế độ, vì vậy mà
bị Mỹ đạo diễn lật đổ.
Và
Phạm Ngọc Thảo bắt đầu được trọng dụng. Ông
gia nhập đảng Cần Lao và được đưa vào Ban
Tuyên huấn đảng này, được thăng quân hàm
thiếu tá, rút về làm việc tại Sở Nghiên cứu
chính trị - xã hội (cơ quan mật vụ Phủ Tổng
thống) do Trần Kim Tuyến làm giám đốc, văn
phòng ông nằm ở cánh trái Phủ Tổng thống,
bên cạnh Văn phòng cố vấn Ngô Đình Nhu.
Việc Phạm Ngọc Thảo được trọng dụng khiến
cho không ít nhân vật cao cấp trong chính
quyền tức tối. Tướng Mai Hữu Xuân, Giám đốc
An ninh quân đội, không những nghi ngờ mà
còn quả quyết cho rằng Phạm Ngọc Thảo chính
là cộng sản, rằng “cộng sản đang lũng đoạn
Phủ Tổng thống”. Sau này ông ta nói với các
thuộc cấp: “Mỗi lần vào Dinh Độc lập, tôi
thấy cánh trái của dinh ửng lên đỏ loét”.
Những báo cáo về Phạm Ngọc Thảo của các cơ
quan an ninh, cảnh sát đều bị bỏ ngoài tai.
Ông Diệm, ông Nhu có cái lý của mình, hạng
như Mai Hữu Xuân thì biết gì!
Tuy
nhiên, trong khi Ngô Đình Diệm hoàn toàn tin
tưởng Phạm Ngọc Thảo, thì Ngô Đình Nhu vốn
là một con cáo già về chính trị, nên dù
trọng dụng ông song chưa phải là hoàn toàn
tin tưởng. Một lần, ông Nhu rủ ông Thảo đi
chơi bằng ca nô trên sông Cửu Long, ông Nhu
đột ngột hỏi: “Nhiều cán bộ Việt Minh sau
Hiệp định Genève về làm việc cho quốc gia,
họ chỉ cho quốc gia bắt được nhiều cán bộ
cộng sản nằm vùng quan trọng. Anh Thảo về
làm việc cho quốc gia được một thời gian
rồi, sao chưa thấy anh Thảo chỉ bắt được
ai?”. Câu hỏi thật hắc búa, nhưng Phạm Ngọc
Thảo không hề lúng túng. Ông bình thản nói:
“Trước đây đi kháng chiến tôi hợp tác với
người cộng sản dưới ngọn cờ Việt Minh đánh
Tây để giải phóng Tổ quốc. Nay đất nước chia
đôi, miền Bắc giao cho cộng sản, miền Nam
giao cho quốc gia. Tổng thống và anh Nhu là
người quốc gia yêu nước, muốn kiến thiết lại
xứ sở sau bao nhiêu năm bị chiến tranh tàn
phá, nên tôi đem hết sức lực làm việc cho
tổng thống. Tôi nghĩ tổng thống và anh Nhu
là những người quân tử, dùng người theo cách
của người quân tử. Nếu tôi chỉ cho chính
quyền bắt những đồng đội cũ của tôi, thì tôi
là kẻ tiểu nhân đáng khinh bỉ. Liệu những
người quân tử như tổng thống và anh có thể
trọng dụng được kẻ tiểu nhân đáng khinh bỉ
như vậy không?”. Ngô Đình Nhu đuối lý nhưng
rất thích câu trả lời đó, bảo chỉ hỏi đùa
vậy thôi và xin lỗi ông Thảo.
Tại
các cuộc họp của đảng Cần Lao, trong khi
những người khác chỉ nói theo, không ai dám
làm trái ý Ngô Đình Nhu thì Phạm Ngọc Thảo
lại rất thẳng thắn. Sự thẳng thắn đó làm Ngô
Đình Nhu rất hài lòng. Một lần ra hành lang
cuộc họp, Ngô Đình Nhu nói với những người
thân cận về Phạm Ngọc Thảo: “Thằng này đúng
là thằng dân tộc chủ nghĩa đậm chất Nam bộ”,
lời nhận xét đó được một cơ sở của ta nghe
được và nói lại với ông Mười Hương.
Phạm Ngọc Thảo còn phản đối những hành vi vô
nhân đạo trong chính sách tố cộng của Ngô
Đình Diệm. Họ Ngô đề cao chính sách thân dân
mà hành xử thì lê máy chém sát hại người yêu
nước. Ông nói với Đức cha Thục rằng việc
chống cộng kiểu này là thua cộng sản, rằng
chống cộng càng tàn bạo bao nhiêu càng khiến
cho dân chúng thấy Việt Minh nhân ái hơn bấy
nhiêu. Ngô Đình Thục tán đồng ý kiến này và
thuật lại với Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm
thấy có lý. Đó là một trong những lý do Phạm
Ngọc Thảo được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Kiến
Hòa (Bến Tre) vào đầu năm 1961, nơi đang
diễn ra cuộc Đồng khởi lịch sử. Lúc này ông
được thăng hàm trung tá. Nhiều người cho
rằng vì họ Ngô còn nghi kỵ Phạm Ngọc Thảo
nên mới đưa ông đến Kiến Hòa là để thử thách
lòng trung thành, nhưng theo chúng tôi thì
không thể như vậy, không người cầm quyền nào
đem sự thành bại của chế độ ra mà thử thách
thuộc hạ. Ngô Đình Diệm muốn Phạm Ngọc Thảo
áp dụng chính sách “thân dân” của ông ngay
trong vùng nước sôi lửa bỏng.
Về
làm tỉnh trưởng một thời gian, ông Thảo thả
hơn 2.000 tù chính trị, trong đó có ông Võ
Viết Thanh (sau này là Chủ tịch UBND
TP.HCM), nói là thực hiện chính sách thân
dân của Ngô Tổng thống, bất chấp những lời
tố cáo ông liên tục gửi về Sài Gòn. Theo tài
liệu ghi chép lại của ông Sáu Trí, Trưởng ty
Công an Kiến Hòa lúc đó đã báo cáo với thiếu
tướng Nguyễn Văn Là, Tổng giám đốc Công an
cảnh sát như sau: “Ông tỉnh trưởng này khả
nghi quá. Những cuộc hành quân bố ráp của
ngành an ninh trong vùng cộng sản mới chiếm
đã bắt nhiều người đem về để rà soát tìm
những tên đầu sỏ nhằm tiêu diệt lực lượng
cộng sản từ cơ sở, nhưng chúng tôi chưa kịp
thẩm vấn ai, chưa kịp làm gì thì ổng cho thả
gần như 99%. Không cơ quan an ninh nào muốn
làm việc nữa. Nếu hành quân đem về buổi
chiều, ổng bảo đem số người bị bắt vào dinh
ổng nghỉ tạm, mấy bà già và phụ nữ lớn tuổi
ổng đem lên lầu ở, số còn lại ở bên dưới.
Ban đêm nấu cháo gà đãi, sáng ra ông cho tập
hợp lại, đến nói chuyện chính trị, tuyên
truyền chính sách thân dân của Ngô Tổng
thống, xong rồi cho thả về hết, có người còn
được cấp tiền xe…”. Thiếu tướng Là cắt
ngang, ngao ngán: “Tổng thống khen Phạm Ngọc
Thảo hết lời, bảo tỉnh trưởng các tỉnh toàn
quốc đến Kiến Hòa học cách làm của trung tá
Thảo”.
5.
Bị cách mạng ám sát
24/12/2012 0:15
Ông Thảo chụp trái lựu đạn đang xì
khói, lúng túng không biết xử lý làm
sao. Nếu liệng ra bên ngoài thì chết
dân, liệng bên phải bên trái thì
chết dàn thiếu nhi nhà thờ...
Hành động của Phạm Ngọc Thảo tại Bến
Tre như thả tù chính trị và khôn
khéo lái các cuộc hành quân tảo
thanh vào chỗ không người đã góp
phần quan trọng vào việc bảo tồn lực
lượng cách mạng, tạo điều kiện mở
rộng cuộc Đồng khởi ở miền Nam.
Nhưng đó là nhận định sau này, khi
đã biết Phạm Ngọc Thảo là người của
ta. Còn lúc đó, nhận định của Tỉnh
ủy Bến Tre thì hoàn toàn ngược lại.
Chúng tôi đã gặp một trong hai người
trực tiếp ném lựu đạn giết Phạm Ngọc
Thảo. Đó là ông Đặng Quốc Tuấn (Sáu
Tuấn), sau này là Tỉnh ủy viên, Bí
thư Tỉnh đoàn, rồi làm Giám đốc Đài
phát thanh - truyền hình tỉnh Bến
Tre cho đến khi về hưu. Người kia là
ông Ngô Văn Thiều đã qua đời.
Hôm đó là ngày Quốc khánh VNCH
26.10.1961, một cuộc mít tinh lớn
biểu dương lực lượng được tổ chức
tại Quảng trường An Hội, ngay đầu
cầu Bến Tre 1 chợ Vườn Hoa bây giờ.
Người giao nhiệm vụ là ông Hai
Trung, Tỉnh ủy viên phụ trách Thị
ủy. Nhiệm vụ ông Hai Trung giao trực
tiếp cho ông Thiều, đã thoát ly,
cùng 5 trái lựu đạn, 3 trái nội hóa,
2 trái MK2 của Mỹ. Ông Thiều giao
nhiệm vụ lại cho ông Sáu Tuấn, lúc
đó 17 tuổi, đang học đệ tam (lớp
10). Mỗi ông cầm 1 trái lựu đạn MK2,
3 trái kia để ở nhà ông Thiều. Ông
Thiều đứng tại vị trí ngay trụ sở
Báo Đồng Khởi bây giờ, còn ông Sáu
Tuấn đứng cách 10 m. Theo hợp đồng,
ông Thiều ném trước, ông Sáu Tuấn
ném tiếp theo, ném xong chạy về tập
kết tại nhà ông Thiều ở thị xã.
Ông Sáu Tuấn kể: “Sau khi ông Thảo
đọc diễn văn, lúc đó khoảng 8 giờ
30, tới phần diễu hành. Tất cả quan
khách đứng lên nhìn ra phía diễu
hành. Ông Thiều liệng 1 trái, lựu
đạn rơi cách ông Thảo 1,5 m, không
thấy nổ, tôi liệng tiếp 1 trái cách
ông Thảo 5 m rồi bỏ chạy, cũng không
nổ luôn. Lúc đó bọn tôi bỏ chạy
không để ý, sau giải phóng chị Nhiệm
vợ ông Thảo về Bến Tre gặp chúng tôi
có nói lại mới biết lúc đó ông Thảo
chụp trái lựu đạn đang xì khói, lúng
túng không biết xử lý làm sao. Nếu
liệng ra bên ngoài thì chết dân,
liệng bên phải bên trái thì chết dàn
thiếu nhi nhà thờ. Đang không biết
làm sao thì thấy khói dần dần mỏng
ra, ổng biết lựu đạn lép, nên nắm
chặt luôn. Tôi chưa biết ông Thiều
bị bắt tại chỗ, nên chạy về nhà ông
Thiều định lấy tiếp 3 trái còn lại.
Rủi cho tôi, tại nhà ông Thiều đã có
mật báo dẫn người lên ém, tôi đến
bọn chúng giữ lại, chưa bắt ngay.
Chúng vô nhà xét, lấy 3 trái lựu đạn
và chiếc cặp da đi học tôi để ở nhà
ông Thiều, vì cái cặp da có dấu cây
súng trước đây tôi để trong cặp, nên
tôi bị bắt, bị đánh tại chỗ. Tôi và
ông Thiều bị giam riêng. Do không
lường trước là bị bắt nên chưa thống
nhất cách khai, vì vậy mỗi người nói
một phách. 20 ngày sau, khi giam
chung mới thống nhất lại
Phạm Ngọc Thảo lúc làm tỉnh trưởng
Kiến Hoà (Ảnh báo Life)
Sau khi bị bắt 1 tuần, ông Thảo có
gặp hai ông. Lần đó, một cố vấn Mỹ
thẩm vấn, ông Thảo làm phiên dịch.
Hỏi: “Tại sao là học sinh mà đi ám
sát tỉnh trưởng ngay tại ngày quốc
khánh? Có phải cộng sản giao việc
không? Ai là người giao việc?”. Trả
lời: “Do chính quyền độc ác, đàn áp
ức hiếp giết hại dân. Chúng tôi học
tập gương của Phạm Hồng Thái, Nguyễn
Thái Học đứng lên đấu tranh, không
liên quan gì tới cộng sản, không có
ai giao việc cả”. Ông Thảo dịch như
thế nào ông Sáu Tuấn không biết. Ông
Thảo chỉ nói với hai ông: “Các em
còn nhỏ, phải lo chuyện học hành,
chính trị là chuyện của người lớn,
sau này lớn lên muốn làm gì thì
làm”. Lần thứ hai, ông Thảo đến hỏi
thăm trước khi đưa về Chí Hòa.
Tháng 3 năm sau, Tòa án quân sự đặc
biệt mở phiên tòa xử hai ông theo
luật 10/59, một đại tá tên Khoa làm
công tố. Do có sự vận động của phong
trào yêu nước ở Sài Gòn, nên luật sư
Trịnh Đình Thảo đến bào chữa cho hai
ông. Tuy nhiên, hai ông tự cãi là
chính. Hai ông tố cáo sự tàn bạo của
chế độ và dõng dạc nói: “Tụi tôi
không phải là Việt cộng, nhưng nếu
như được Việt cộng tổ chức làm như
vậy tụi tôi cũng tham gia”. Hai ông
còn lên án phiên tòa vi phạm luật
quốc tế, xử vị thành niên chưa tới
18 tuổi, đại tá Khoa rút gươm lệnh
ra nói lớn: “18 tuổi là luật cộng
sản, Việt Nam cộng hòa xử 13 tuổi”.
Do những gì cần cãi hai ông đã tự
cãi rồi, nên luật sư Trịnh Đình Thảo
chỉ đề nghị khoan hồng.
Ông Đặng Quốc Tuấn (Ảnh Nguyễn Khoa
Chiến)
Hai ông bị kết án mỗi người 20 năm
tù, đưa về Chí Hòa, sau đó đưa ra
Côn Đảo, chung một chuyến với những
người tù nổi tiếng Lê Quang Vịnh, Lê
Hồng Tư. Ngoài Côn Đảo, hai ông đấu
tranh, chống chào cờ, được kết nạp
Đảng trong tù. Năm 1965, sau khi ông
Thảo bị sát hại, bỗng nhiên hai ông
được đưa về Chí Hòa, lúc ấy anh em
trong tù nhận định hai khả năng,
hoặc là được thả hoặc tăng án lên tử
hình. Lúc đó 2 ông đã chống chào cờ
rồi, về Chí Hòa chúng chỉ yêu cầu
hai ông chào cờ, nhưng hai ông dứt
khoát không chịu, mà chống chào cờ
là tự nhận là cộng sản, nên dù ông
Thảo có là cộng sản đi chăng nữa thì
tội của hai ông cũng không nhẹ đi
được, do đó sau 20 ngày chúng đưa
trở lại Côn Đảo. Ông Thiều được thả
năm 1973, thoát ly lên chiến khu,
sau giải phóng làm cán bộ Ban Tổ
chức Thành ủy TP.HCM, qua đời năm
1984 vì bệnh. Còn ông Sáu Tuấn đến
ngày giải phóng mới về.
Chúng tôi hỏi ông Sáu Tuấn: “Có phải
2 trái lựu đạn không nổ là do tổ
chức bố trí để ám sát giả?”. Trả
lời: “Không có chuyện đó. Ám sát ông
Thảo là làm thiệt. Lựu đạn thối, có
khả năng là có nội gián của địch
trong công binh xưởng lúc kiểm tra
lựu đạn. Sau này ta đã bắt được một
ông. Làm cho lựu đạn không nổ rất
đơn giản, chỉ cần nhúng sáp đèn cầy
vào tim cháy chậm, khi giật lửa cháy
lên khiến cho sáp chảy ra bít ngòi
nổ”. Hỏi: “Tại sao Tỉnh ủy phải
quyết giết ông Thảo?”. Trả lời: “Mãi
sau này mới biết ông Thảo có công
lớn, chứ theo nhận định của Tỉnh ủy
lúc đó thì khi phong trào Đồng khởi
đang lên mà ông Thảo lại thả tù,
người mới bắt thì đối xử tử tế, gom
vào sân vận động giải thích rồi cho
về hết, làm nhụt ý chí chiến đấu của
quần chúng. Đó là tên tỉnh trưởng mỵ
dân rất nguy hiểm, cần phải trừ
khử”.
Vì giết ông Thảo mà ông Sáu Tuấn ở
tù 14 năm, 17 tuổi vào tù, ra tù 31
tuổi. Bà Phạm Thị Nhiệm thỉnh thoảng
về nước đến Bến Tre thăm lại những
kỷ niệm xưa, đều thăm ông Sáu Tuấn,
bà nói: “Ngày xưa anh Thảo vẫn nhắc
đến tụi mày”. Các con ông Thảo cũng
có về. Ông Tuấn nói con ông Thảo một
đứa sinh ở Bến Tre, một đứa khác vừa
rồi về cưới vợ, nghe đâu ở An Giang.
6.
Suýt làm Thủ tướng Việt Nam cộng
hòa
25/12/2012 4:05
“Cái ông Phạm Ngọc Thảo này
rất lạ. Hồi đó nhiều người
nghĩ ổng là cộng sản, nhưng
lạ là không ai làm gì được
ổng. Ổng nói nhỏ nhẹ và rất
thuyết phục, ai cũng nghe.
Năm 1965, tôi mà không ngăn
cản thì ổng đã làm Thủ tướng
rồi” - lời ông Nguyễn Cao Kỳ
nói với Thanh Niên.
Năm 1962, sau khi thôi làm
Tỉnh trưởng Kiến Hòa, sang
Mỹ học một khóa quân sự cao
cấp, Phạm Ngọc Thảo được bổ
nhiệm làm Thanh tra Ấp chiến
lược, trực thuộc Phủ Tổng
thống. Thời gian này mối
quan hệ giữa ông với ông
Trần Kim Tuyến và Huỳnh Văn
Lang càng thân thiết. Với
sức thuyết phục mạnh mẽ của
một nhà quân sự vừa có trình
độ, vừa chân thành vốn có,
ông được nhiều sĩ quan có
tinh thần dân tộc ngưỡng mộ.
Phạm Ngọc Thảo (giữa) chỉ
huy đảo chánh
(Ảnh báo LIFE)
Trong những năm 1962 - 1963,
giữa lúc phong trào Đồng
khởi lan rộng ở nông thôn,
chính trường miền Nam Việt
Nam trở nên rối ren. Gia
đình họ Ngô vừa cai trị độc
tài, vừa muốn thoát khỏi sự
can thiệp của người Mỹ, tình
hình này khiến cho phong
trào đấu tranh của quần
chúng ở đô thị dâng cao.
Người Mỹ thì muốn gạt bỏ gia
đình họ Ngô để thay vào đó
giới lãnh đạo thân Mỹ nhằm
biến miền Nam thực sự là một
tiền đồn chống cộng. Biết
trước sau gì gia đình họ Ngô
cũng bị người Mỹ lật đổ để
dựng lên một chính quyền
nguy hiểm hơn, Phạm Ngọc
Thảo cùng với Trần Kim Tuyến
và Huỳnh Văn Lang lên một kế
hoạch đảo chính với mục tiêu
“cải sửa” chế độ nhằm vô
hiệu hóa ý đồ của người Mỹ.
Theo kế hoạch này, lực lượng
đảo chính sẽ vẫn giữ Ngô
Đình Diệm làm tổng thống,
chỉ buộc Ngô Đình Nhu ra
nước ngoài. Tuy nhiên, kế
hoạch bị lộ, Trần Kim Tuyến
bị đưa đi làm lãnh sự ở Ai
Cập. Ngô Đình Nhu không tin
Phạm Ngọc Thảo tham gia kế
hoạch này, thứ nhất là ông
Nhu không tin ông Thảo phản
bội, thứ hai là ông Thảo
“không có quân”. Thực ra lúc
đó ông Thảo đã được nhiều sĩ
quan chỉ huy ở Quân đoàn 3,
Quân đoàn 4, một số đơn vị
biệt động quân, bảo an hậu
thuẫn. Cuộc đảo chính không
thành chủ yếu do thành phần
đảo chính không phải là
những người mà người Mỹ có
thể nắm được.
Và như chúng ta đã biết,
ngày 1.11.1963, một nhóm
tướng lĩnh do Mỹ bật đèn
xanh, đã tiến hành đảo chính
lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.
Anh em ông Diệm, ông Nhu bị
chết thảm. “Hội đồng quân
nhân cách mạng” (HĐQNCM) do
tướng Dương Văn Minh đứng
đầu lên cầm quyền. Phạm Ngọc
Thảo dù không chủ động tham
gia cuộc đảo chính này, vẫn
được HĐQNCM cử làm tùy viên
báo chí, sau đó được cử sang
Mỹ tu nghiệp. HĐQNCM cầm
quyền được 2 tháng, đã bị
tướng Nguyễn Khánh và tướng
Trần Thiện Khiêm 2 lần
“chỉnh lý”, thâu tóm mọi
quyền lực.
Lên cầm quyền, Nguyễn Khánh
rút Phạm Ngọc Thảo về nước,
cử làm giám đốc báo chí,
phát ngôn viên chính phủ,
lúc này ông đã được thăng
đại tá. Mâu thuẫn giữa các
tướng lĩnh trong giới cầm
quyền ngày càng gay gắt,
Nguyễn Khánh tiếp tục loại
Trần Thiện Khiêm, đưa ông
tướng này đi làm đại sứ tại
Mỹ. Phạm Ngọc Thảo cũng được
đưa sang Mỹ làm tùy viên văn
hóa, quân sự vào đầu tháng
10.1964. Ông đưa luôn vợ con
sang (họ định cư ở Mỹ cho
đến ngày nay). Tuy nhiên,
sau đó do nghi ngờ Phạm Ngọc
Thảo, nên cuối năm 1964,
Nguyễn Khánh ra lệnh triệu
hồi Phạm Ngọc Thảo về nước,
với ý đồ sẽ bắt ông tại sân
bay Tân Sơn Nhất. Phạm Ngọc
Thảo đã khôn khéo không về
đúng giờ bay dự định nên
thoát. Có mặt ở Sài Gòn, ông
bí mật móc nối tổ chức lực
lượng, kéo tướng Lâm Văn
Phát và hàng chục sĩ quan
khác tiến hành cuộc đảo
chính ngày 19.2.1965.
Điều kỳ lạ là lúc đó Phạm
Ngọc Thảo, tuy là đại tá
nhưng không cầm quân và đang
bị Nguyễn Khánh truy bắt,
lại có thể tổ chức và chỉ
huy một lực lượng không dưới
một sư đoàn làm binh biến
(gồm các đơn vị thiết giáp
với 45 xe tăng và thiết
giáp, các đơn vị địa phương
quân, lực lượng của Trường
bộ binh Thủ Đức và chủ lực
là trung đoàn 46 thuộc Sư
đoàn 25 bộ binh). Cuộc binh
biến do tướng Lâm Văn Phát
cầm đầu về danh nghĩa, còn
thực tế do Phạm Ngọc Thảo tổ
chức và chỉ huy, sau này
người ta gọi ông là “Tư lệnh
hành quân 19.2”.
Chỉ trong 1 ngày, lực lượng
đảo chính đã chiếm Bộ Tổng
tham mưu, Bộ Tư lệnh biệt
khu thủ đô (trại Lê Văn
Duyệt), Đài phát thanh Sài
Gòn, bến Bạch Đằng và sân
bay Tân Sơn Nhất. Đáng tiếc
là do một số sơ sót trong
hợp đồng tác chiến, Nguyễn
Khánh đã được Tư lệnh Không
quân lúc đó là Nguyễn Cao Kỳ
cứu thoát.
Chúng tôi có dịp gặp ông
Nguyễn Cao Kỳ năm 2008. Hỏi
về sự kiện này, ông Nguyễn
Cao Kỳ nói: “Cái ông Phạm
Ngọc Thảo này rất lạ. Hồi đó
nhiều người nghĩ ổng là cộng
sản, nhưng lạ là không ai
làm gì được ổng. Ổng nói nhỏ
nhẹ và rất thuyết phục, ai
cũng nghe. Năm 1965, tôi mà
không ngăn cản thì ổng đã
làm Thủ tướng rồi”. Ngẫm
nghĩ một hồi, ông Kỳ nhớ
lại: “Cuộc đảo chính diễn ra
bất ngờ đến mức tôi không
kịp mặc áo, chỉ mặc may ô
chui hàng rào thép gai ra
lấy máy bay chạy về Biên
Hòa. Sau đó ông Thảo lên
Biên Hòa gặp tôi, cùng đi có
một đại tá Mỹ. Ổng thuyết
phục tôi ủng hộ quân đảo
chính. Nói thật là tôi không
ưa gì Nguyễn Khánh, nhưng
quân đội đánh nhau tôi không
đồng ý. Tôi bảo các anh phải
cho quân về ngay doanh trại,
đến 5 giờ chiều mà không rút
quân tôi sẽ cho máy bay ném
bom”. Đó là lý do khiến cuộc
đảo chính thất bại.
Tuy nhiên, Nguyễn Khánh cũng
bị loại. Nguyễn Văn Thiệu,
Nguyễn Cao Kỳ và một số
tướng lãnh được sự hậu thuẫn
của người Mỹ đã lựa gió phất
cờ, họp Hội đồng tướng lãnh
buộc Nguyễn Khánh từ chức và
trục xuất ông này ra nước
ngoài với danh nghĩa là “đại
sứ lưu động”, cử tướng
Nguyễn Chánh Thi làm chỉ huy
chống đảo chính, ra lệnh cho
Phạm Ngọc Thảo, Lâm Văn Phát
cùng 13 sĩ quan “đầu sỏ”
tham gia đảo chính trong
vòng 24 giờ phải ra trình
diện. Phạm Ngọc Thảo, tướng
Lâm Văn Phát, trung tá Lê
Hoàng Thao (Trung đoàn
trưởng Trung đoàn 46) bỏ
trốn.
Tháng 6.1965, Hội đồng tướng
lĩnh giải tán chính phủ dân
sự của Phan Huy Quát, đưa
tướng Nguyễn Văn Thiệu làm
Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo
quốc gia (tương đương quốc
trưởng), tướng Nguyễn Cao Kỳ
làm Chủ tịch Ủy ban hành
pháp trung ương (tương đương
thủ tướng). Chính quyền
Thiệu - Kỳ lập tòa án quân
sự để xử những người tham
gia đảo chính. Phạm Ngọc
Thảo bị kết án tử hình vắng
mặt, chúng treo giải thưởng
3 triệu đồng cho ai bắt được
ông.
Lúc này tuy ông phải lẩn
tránh sự truy bắt của chính
quyền, nhưng vẫn còn nắm
được 1 tiểu đoàn. Ông liên
lạc với ông Võ Văn Kiệt. Ông
Kiệt gặp ông và gợi ý ông ra
chiến khu cho an toàn, có
thể dẫn theo tiểu đoàn này
với danh nghĩa binh biến ly
khai. Tuy nhiên, ông cho
biết ông vẫn còn có khả năng
tổ chức đảo chính để ngăn
chặn chính quyền quân phiệt
rước quân viễn chinh Mỹ vào
gây tội ác. Ông Võ Văn Kiệt
đồng ý.
Phạm Ngọc Thảo tiếp tục hoạt
động bí mật ở Sài Gòn, cho
xuất bản tờ “Việt Tiến” để
tập hợp lực lượng. Ông được
các giám mục, linh mục, giáo
dân Công giáo cùng nhiều bạn
bè trong và ngoài quân đội
giúp đỡ, bảo vệ.
Còn Nguyễn Văn Thiệu, sau
khi lên nắm chính quyền,
thấy rõ Phạm Ngọc Thảo là
mối đe dọa nguy hiểm đến vị
trí quyền lực của mình, nên
quyết tìm mọi cách tiêu diệt
ông để trừ hậu họa
7. Cái chết bi thảm và
sứ mệnh hoàn hảo
26/12/2012 0:25
“Tôi biết chắc những
người có dụng ý loại
trừ Thảo không muốn
chuyện bắt bớ kéo
dài kéo theo nhiều
chuyện lôi thôi. Bởi
họ không thể không
biết đại tá Phạm
Ngọc Thảo rất được
cảm tình và sự che
chở của nhiều chức
sắc cao cấp Công
giáo” - linh mục
Nguyễn Quang Lãm.
Chúng tôi hỏi ông
Nguyễn Cao Kỳ: “Ai
đã giết Phạm Ngọc
Thảo?”. Ông Kỳ: “Sau
lần tiếp xúc ở Biên
Hòa, tôi không gặp
Phạm Ngọc Thảo nữa
và không quan tâm
đến chuyện của ông
ấy”. Hỏi: “Hồi đó
mọi người đều nói
tướng Nguyễn Ngọc
Loan tự tay giết
chết Phạm Ngọc Thảo.
Mà tướng Loan từng
là người thân cận
của ông?”. Ông Kỳ:
“Tôi không biết ông
Loan có giết ông
Thảo hay không,
nhưng mọi quyết định
đều do ông Thiệu”.
“Mọi quyết định đều
do ông Thiệu”, ông
Kỳ nói đúng. Nhưng
ông Kỳ nói ông không
quan tâm đến ông
Thảo thì chưa chắc
đúng.
Linh mục Nguyễn
Quang Lãm, chủ bút
Báo Xây Dựng, là
người có tình cảm
đặc biệt đối với
Phạm Ngọc Thảo. Ông
không những che chở,
giữ liên lạc và làm
tất cả những gì có
thể làm được để giúp
Phạm Ngọc Thảo mọi
lúc mọi nơi, mà còn
đăng công khai trên
báo chí những điều
tốt đẹp nhất về Phạm
Ngọc Thảo, dù ai có
nói ông Thảo là cộng
sản ông cũng mặc kệ.
Sau khi ông Thảo bị
giết hại, Báo Xây
Dựng của cha Lãm đã
đăng loạt bài điều
tra 40 kỳ về cái
chết của ông. Chưa
hết, gần 10 năm sau,
vào năm 1974, cha
Lãm còn viết một
loạt bài nhiều kỳ
đăng trên Báo Hòa
Bình, lại đề cập đến
việc ai đã giết Phạm
Ngọc Thảo, ai đã bán
đứng Phạm Ngọc Thảo.
Theo cha Lãm thì:
“Đại tá Phạm Ngọc
Thảo là người can
đảm, một kẻ dám làm
một cái gì, một
người có những tư
tưởng lạ, những tư
tưởng lớn về chuyện
Đất Nước”. Ông nghĩ
vậy và ông nghĩ rằng
ông Nguyễn Cao Kỳ
cũng có thể nghĩ như
ông, vì ông biết ông
Kỳ rất muốn gặp Phạm
Ngọc Thảo sau cuộc
đảo chính. Cha Lãm
muốn đưa ông Thảo
đến trại Phi Long
(căn cứ không quân)
gặp Nguyễn Cao Kỳ,
nhưng vì mỗi lần gặp
ông Kỳ cứ nhắc đi
nhắc lại “Anh ta
đâu?” một cách sốt
sắng, nên vị linh
mục đâm ra cảnh
giác: “Nhỡ ra tướng
Kỳ nổi hứng hay nổi
đóa giữ Phạm Ngọc
Thảo lại nộp cho cơ
quan an ninh thì
sao?”. Vì vậy, thay
vì đưa ông Thảo đến,
cha Lãm đến gặp ông
Kỳ đề nghị đưa ông
Kỳ đến gặp ông Thảo
tại một địa điểm bí
mật với điều kiện:
đi một mình, không
cho cận vệ đi kèm,
không dắt súng lục,
không nhấc điện
thoại gọi về nhà dù
chỉ bảo “Hôm nay
không về ăn cơm
nhà”. Hôm đó ông Kỳ
“OK” nhưng bảo “đang
bận hôm nay không đi
được”. Cha Lãm thuật
lại chuyện này với
Phạm Ngọc Thảo,
nhưng ông Thảo bảo
cha không cần thận
trọng như thế, rằng
ông có thể đến trại
Phi Long gặp ông Kỳ
được, rằng “mời ông
ta ra chỉ cho thấy
mình yếu bóng vía và
không tin cậy ông
ta”. Hai hôm sau,
cha Lãm tới nơi ông
Thảo lánh nạn (tại
một cao ốc trên
đường Ngô Đức Kế) để
đưa ông Thảo vào
trại Phi Long thì
ông Thảo đã rời khỏi
chỗ này rồi, do bị
lộ, an ninh đến lục
xét. Một tuần sau,
cha Lãm mới hết lo
lắng khi ông Thảo
nhắn cha lên Biên
Hòa và cho biết mình
đang ở chỗ xứ cha
Cường. Vị linh mục
kể lại chuyện này
kèm theo những lời
trìu mến: “Chỉ tội ở
đó không có điện
thoại để con người
làm cách mạng đó móc
nối liên lạc với các
đồng chí và lúc buồn
buồn có thể nói được
dăm ba câu với một
vài người đẹp”.
Nhưng 3 tuần sau,
ngày 17.7.1965, cha
Lãm nhận được điện
thoại của một ký giả
làm cho một hãng
thông tấn ngoại quốc
báo tin ông Thảo đã
bị giết rồi.
Tài liệu chính thức
của ta hiện nay đều
nói về cái chết của
Phạm Ngọc Thảo: Ông
bị an ninh chính
quyền Sài Gòn bắt
đem đi thủ tiêu vào
ngày 15.7 nhưng ông
chỉ bị thương nặng,
được các linh mục và
nữ tu đem về một tu
viện chăm sóc, sau
đó nhà cầm quyền
truy lùng tung tích
và bắt ông đưa về cơ
quan an ninh quân
đội vào ngày 16.7.
Tại đây, Nguyễn Ngọc
Loan và thuộc hạ đã
tra tấn và bóp hạ bộ
ông cho đến chết
ngay trong đêm hôm
đó. Báo chí và dư
luận ở Sài Gòn trước
giải phóng cũng nói
như vậy. Chính cha
Lãm đã trực tiếp gặp
Nguyễn Ngọc Loan để
hỏi cho ra nhẽ.
Tướng Loan chối, bảo
rằng không có chuyện
đó, rằng ông Thảo
chết là do bị thương
quá nặng, thậm chí
ông ta còn nói mình
không liên quan đến
chuyện bắt bớ ông
Thảo. Vị linh mục
nói ông đã đem lời
tướng Loan kể lại
cho đàn em và bạn bè
Phạm Ngọc Thảo,
nhưng không ai tin,
“người ta sẵn sàng
tin là tướng Loan
nói thật, nhưng đó
là sự thật ghi trên
các phúc trình, báo
cáo, biên bản của
bác sĩ”.
Phạm Ngọc Thảo bị
ám sát
(Ảnh Tư liệu)
Cha Lãm còn cho hay,
Phạm Ngọc Thảo
thường thay đổi chỗ
ở với những hành
tung lạ lùng, có khi
ông ở ngay gần bót
cảnh sát, ở chỗ nào
ông cũng cho cha Lãm
biết. Cuối cùng, khi
những nơi khác không
an toàn, ông về xứ
Đa Minh của cha
Cường ở Thủ Đức, rồi
đến trú tại tu viện
Phước Sơn. Tại đây,
cha Lãm cũng làm hết
sức mình để ông được
an toàn nhất. Ông
được các linh mục
hết lòng bảo vệ, tuy
nhiên, theo cha Lãm
thì chính lòng tốt
và sự thiệt thà của
các linh mục bảo vệ
ông đã khiến ông bị
lộ. Khi ông bị thủ
tiêu không chết,
được các linh mục
đưa về giáo xứ Đa
Minh cứu chữa, bọn
chúng cũng lần theo
các linh mục để truy
tìm ông.
Cha Lãm cho biết
thêm, khi bọn chúng
cấp tốc đưa Phạm
Ngọc Thảo về Bộ Tư
lệnh Quân đoàn 3
trong tình trạng bị
thương rất nặng, một
chiếc trực thăng
H-34 chở ông thẳng
về Bộ Tổng tham mưu,
tại đây người của
Nguyễn Ngọc Loan đã
chờ sẵn, lúc đó là 7
giờ tối 16.7. Trên
quốc lộ 4, những
người thân của Phạm
Ngọc Thảo cũng rú ga
xe chạy đến Mỹ Tho
và Cần Thơ gặp 2 vị
giám mục, đã có
những cú điện thoại
gọi về trong đêm cho
trung tướng Thiệu,
nhưng ngay trong đêm
ông Thảo đã chết
rồi. Vị linh mục còn
viết tiếp: “Tôi biết
chắc những người có
dụng ý loại trừ Thảo
không muốn chuyện
bắt bớ kéo dài kéo
theo nhiều chuyện
lôi thôi. Bởi họ
không thể không biết
đại tá Phạm Ngọc
Thảo rất được cảm
tình và sự che chở
của nhiều chức sắc
cao cấp Công giáo.
Nếu Phạm Ngọc Thảo
bị giải về Sài Gòn,
chờ ngày ra tòa lãnh
án thì tất nhiên sẽ
có nhiều tiếng nói
can thiệp, nhiều áp
lực ngay cả do phía
tòa đại sứ Mỹ. Vì
vậy biện pháp áp
dụng là thủ tiêu
ngay”.
Điều chắc chắn là
Nguyễn Văn Thiệu
không tin ông Thảo
là cộng sản, ông ta
biết các vị chức sắc
Công giáo cùng nhiều
sĩ quan thuộc quyền
ông ta cũng không
tin ông Thảo là cộng
sản. Bởi vậy mà Phạm
Ngọc Thảo phải chết,
vì ông là một đối
thủ đáng gờm của
người cầm quyền. Một
người được giới chức
sắc Công giáo hậu
thuẫn, được giới
quân sự nể phục, một
người tay không mà
tổ chức một cuộc
binh biến khiến cho
Nguyễn Khánh đang
nắm trong tay cả một
quân đội phải chạy
tóe khói, người ấy
không đáng gờm sao
được! Nếu Nguyễn Văn
Thiệu, nếu các vị
giám mục, linh mục
tin Phạm Ngọc Thảo
là cộng sản thì chưa
chắc ông đã bị thủ
tiêu. Những nhà tình
báo lừng lẫy như Vũ
Ngọc Nhạ, Lê Hữu
Thúy, Nguyễn Tài…
cũng như nhiều cán
bộ cách mạng cấp cao
bị bắt, giới cầm
quyền biết chắc các
vị là cộng sản, các
vị bị đày ra Côn
Đảo, nhưng các vị có
bị thủ tiêu đâu.
Phạm Ngọc Thảo chết
khi mới 43 tuổi.
Cuộc đời ông kết
thúc bi thảm, nhưng
sứ mệnh ông thực
hiện là hoàn hảo. Sự
hoàn hảo không phải
trên vỏ bọc mà ở
hành động vì nước vì
dân không che giấu,
ở cuộc sống chính
trực và tấm lòng
chân thành. Cho đến
bây giờ, khi biết
ông là người của
cách mạng, những bạn
bè và những người
quen biết ông từng ở
phía bên kia vẫn yêu
mến, vẫn ngưỡng mộ
ông.
Hoàng Hải
Vân
|