DCV Online
13 & 21/1/11

 

“Chào mừng” Đại hội đảng XI:
Cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng làng báo

Trềnh A Sáng

  

 1.  Buổi sáng không bình yên của Phạm Đức Hải

 

“Một chiều, anh Ba Đua tê lê phôn cho anh Đức Hải…”


Đã nhiều ngày trôi qua nhưng ông Phạm Đức Hải vẫn còn nguyên cảm giác sởn gai ốc khi nhớ về buổi sáng hôm ấy. Trong sự nghiệp “bỗng dưng làm tổng biên tập” của mình, ông đã không ít lần đối mặt với tình huống éo le, thậm chí nguy nan, nhưng chưa bao giờ sự thể lại đi tới một tầm mức kinh khiếp đến thế.

Đó là buổi sáng ngày 02/11/2010, buổi sáng mà tờ báo Tuổi Trẻ do ông đứng đầu đã có một nội dung khá chấn động. Trên trang nhất là hình ông nghị Nguyễn Minh Thuyết to đùng cùng dòng tít lớn: “Cần thành lập ủy ban điều tra vụ Vinashin”.

Điều tra Vinashin ở đây là điều tra Thủ tướng, tức là một kiểu luận tội Thủ tướng kiểu như đám dân chủ phương Tây!

 

***


Bối cảnh lúc bấy giờ là cuộc họp Quốc hội đang đến hồi nóng bỏng. Phe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dường như đang bị dồn đến chân tường. Uy tín của ông cựu y sĩ quân đội lung lay tận gốc.

Sau khi bác dự án đường sắt cao tốc do phe ông Dũng đệ trình, Quốc hội còn xới tung vụ bauxite Tây Nguyên và vụ đổ vỡ của Vinashin. Một trận bùn đỏ đâu đó tận bên Hungary tưởng đã nhấn chìm tiền đồ của “3D đệ nhị”. 

Ở Thành phố Hồ Chí Minh - thủ đô kinh tế, tài chính, thương mại của cả nước – một hiệu ứng “anti-3D” đã xuất hiện rầm rộ, với đỉnh điểm là Đại hội đảng bộ IX của thành phố.

Tại đây, Nguyễn Thanh Nghị - con trai của ông Nguyễn Tấn Dũng, đang làm lãnh đạo tại một trường đại học địa phương – chỉ được 15/400 phiếu bầu thành ủy viên. Đặc cách ra Bộ Chính Trị để đề cử ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, ông Nghị cũng chỉ được 2/15 phiếu của các thành viên chóp bu. Chống lại người con Thanh Nghị tức là một cách nói “không” với ông bố Tấn Dũng.

Báo chí - phần lớn được ông Trương Tấn Sang tiết lộ những thông tin này - dường như đoan chắc rằng Thủ tướng đã đến hồi mạt vận, nên các bài tường thuật họp quốc hội cũng chăm chắm vào những vấn đề “anti-3D”, vốn được coi là những đề tài ăn khách, hay như nhà báo trong cuộc Hồ Thu Hồng – tức blogger Beo – từng nói đó là “đề tài sang”.

Sang mà bà Beo nói có nghĩa là “sang trọng”, là “ăn khách”; nhưng “sang” cũng có nghĩa là “Tư Sang”, tức là những chuyện này do ông Trương Tấn Sang xì ra để “đánh” ông Nguyễn Tấn Dũng trong một cuộc chiến quyền lực đang đến hồi gay cấn, không thể khoan nhượng, ai cũng muốn tung chiêu độc hạ địch thủ ở đất kinh đô.

Dông dài một tí để thấy rằng cái trang bìa của báo Tuổi Trẻ vào sáng 02/11 là chấn động, nhưng cũng có những cơ sở vững chắc để nó xuất hiện, chứ không phải là chuyện “bỗng dưng nổi giận đùng đùng” như báo Thanh Niên trước đây với cái tít dại dột và bốc đồng (tất nhiên là lịch sử): “Hãy trả tự do cho các nhà báo chân chính”.

 

***


Buổi sáng hôm ấy, sau cuộc chạy bộ, một cú tắm nước ấm và một bữa sáng nhẹ nhàng, Phạm Đức Hải cầm tờ báo Tuổi Trẻ còn thơm mùi mực in lên, lòng thấy vui vui.

Trong sự nghiệp chuyển ngoặt từ cán bộ Đoàn, Đảng, tuyên giáo sang nắm đầu một tờ báo, ông chưa bao giờ thấy được một khí thế hừng hực như thế ngay tại tờ báo do ông làm CEO. Thậm chí có lúc, báo của ông làm rất tốt nhiệm vụ của một anh tuyên huấn và công an, chẳng hạn như với bài “Chuyện không bình thường” do một nhân viên an ninh văn hóa chấp bút và đề tên một độc giả rồi chỉ đạo báo Tuổi Trẻ đăng cách đây chưa lâu.

Giờ thì báo Tuổi Trẻ - dưới bàn tay của ông – đang tạo một ấn tượng ngoạn mục. Lòng ông hân hoan khi nghĩ rằng ấn tượng đó, bản lĩnh đó chắc chắn sẽ được đặt kèm tên ông.

Một cụm từ kiểu “ấn tượng Phạm Đức Hải”, “dấu ấn Phạm Đức Hải” không tệ chút nào. Tuổi Trẻ xưa nay luôn được gắn liền với tên tuổi Kim Hạnh và Lê Văn Nuôi. Lê Hoàng hoàn toàn không làm nên cơm cháo gì. Thế nên, một “ấn tượng Phạm Đức Hải” được thốt lên giữa lòng độc giả và đồng nghiệp là một viễn cảnh đầy cảm xúc.

Nhưng giữa cơn hân hoan, lòng ông cũng có chút gợn sóng. Báo Tuổi Trẻ đang đi một nước cờ mà tính chất mạo hiểm của nó thật là khó lường. Phe Ba Dũng đang xụ xuống, nhưng nếu một mai, ông ấy “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” thì sao?

Chính trị thật khó lường. Năm xưa Nguyễn Việt Tiến đã xộ khám, tưởng chết đến nơi, ấy vậy mà một mai lại đĩnh đạc trở về, kéo theo bao án tù của nhà báo và công an đối thủ. Nguyễn Việt Tiến chỉ là con tép mà có thể làm được vậy thì giờ đây, một Ba Dũng vốn đầy thủ đoạn, nắm trong tay lực lượng công an, lật ngược thế cờ có gì là bất ngờ.

Mường tượng đến đây, ông Hải thấy chột dạ. Một cơn ớn lạnh chạy dọc cột sống, lên đến đỉnh đầu. Cảm giác bất an lúc ban sơ mơ hồ, nhưng càng rõ rệt hơn sau mỗi phút qua đi.
 

***


Giữa lúc ông Hải đang chìm trong mớ xúc cảm lẫn lộn, chợt chuông điện thoại reo lên.

Tiếng chuông quen thuộc hằng ngày, trong buổi sáng hôm ấy, là một thách thức thần kinh thực sự. Linh tính mách bảo ông đó là một cuộc điện đàm chẳng lành. Ông vừa muốn mở máy, lại vừa muốn lờ đi, không dám đối diện với thực tại. Sau mấy chục giây lừng khừng, ông dạn dĩ mở máy. Một số điện thoại lạ và một giọng nói lạ! Nhưng những lời phát ra từ đầu bên kia thì chẳng còn nằm trong hệ quy chiếu lạ quen nữa - đó là một thông báo thảm họa, một lời của tử thần.

Đầu bên kia, một người từ Hà Nội gọi vào, với lời lẽ trịch thượng. “Nguyễn Minh Thuyết là nguyên thủ quốc gia hay sao ông tương hình to tổ bố lên mặt báo thế? Báo Đoàn Thành phố muốn chống chính phủ hả?”, người kia tung ngay cú đấm chết chóc.

Ông Hải tái mặt, hai tay run cầm cập, đứng trân trối một hồi. Cũng may lúc đấy ông đang ở nhà, và một mình. Nếu không, cái bộ dạng của ông – một con người có vóc dáng nho nhã và nổi tiếng điềm đạm – sẽ là một “ấn tượng Phạm Đức Hải” – cùng tên gọi nhưng mang ý nghĩa đối nghịch với cái ấn tượng mà ông mơ hồ hình dung ban nãy - trước mắt các thuộc cấp tại Tuổi Trẻ vốn đang từng ngày thách thức khả năng làm báo của ông sẽ thật là thảm hại.

Sau cú điện thoại “trời giáng” ấy, ông Hải hối hả lên Lầu Xanh – tức tòa soạn Tuổi Trẻ ở ngã tư Phú Nhuận.

Trên đường đi, ông tranh thủ gọi điện cho một loạt thuộc cấp: Dương Thành Truyền, Vũ Văn Bình, Tăng Hữu Phong, Xuân Trung, Thạch Hãn, Đình Triều, Huy Thọ… Ông đang ở giữa một cơn khủng hoảng và ông cần đến những thuộc cấp này, để ông bớt cô đơn, và có thêm những ý kiến nhằm giải quyết khủng hoảng.

Trong số họ, Hữu Phong là cán bộ đoàn vốn quen với hoạt động hô khẩu hiệu, xếp hàng, nghiêm, nghỉ, tuýt còi và Huy Thọ chưa vững vàng lắm về mặt bản lĩnh, thì những người khác là có thể trông cậy được. Thành Truyền, vốn là bậc thầy về tuyên truyền đoàn hội, có thể đưa ra những giải pháp tháo gỡ tốt. Văn Bình dù không dính líu tới nội dung nhưng cũng có nhiều kinh nghiệm. Xuân Trung là một chuyên gia về nội dung. Thạch Hãn dù hơi kiệm lời nhưng đôi khi cũng có ý kiến hay. Đình Triều dầy thâm niên.

Giữa lúc cuộc họp khẩn sắp sửa diễn ra, Phạm Đức Hải nhận được lệnh miệng từ Ban Tuyên giáo Thành ủy triệu tập tất cả các chủ bút các tờ báo thuộc TP.HCM quản lý lên họp.

Có nhắm mắt, bịt tai thì ông Hải cũng biết được cuộc họp đó bàn về vấn đề gì. Có nhắm mắt, bịt tai thì ông cũng không né tránh được nó. Thế là ông giao lại quyền điều hành cuộc họp ở Lầu Xanh cho Thành Truyền, còn mình tức tốc trực chỉ Thành ủy.

 

***


Tại cuộc họp Ban Tuyên giáo Thành ủy, tinh thần lúc này không phải là bàn tới bàn lui, là những chỉ đạo định hướng, mà là mệnh lệnh.

Mệnh lệnh được ban ra là phải chấm dứt chỉ trích Thủ tướng, Chính phủ, chấm dứt phê phán Vinashin, bauxite… Tường thuật họp Quốc hội là phải đa chiều, trong đó nhấn mạnh những thành tựu đạt được của đất nước, những thành tích điều hành chính phủ của Thủ tướng, của các bộ trưởng… Sắp tới, khi Thủ tướng và các bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn, báo chí cũng không được làm đậm những mặt tiêu cực, chưa được để làm hoang mang lòng dân, phải nêu bật các thành tựu để lòng dân phấn chấn hướng tới Đại hội XI…

Ông Hải không ngạc nhiên khi thấy nhiều vị lãnh đạo Thành ủy cũng có mặt chứ không chỉ có các cán bộ tuyên giáo như lâu nay. Đó thực sự là một cuộc họp khẩn để xử lý khủng hoảng. Các đồng nghiệp là chủ bút các tờ báo TP.HCM như Pháp Luật TP.HCM, Người Lao Động, Sài Gòn Tiếp Thị, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn… cũng biết được tinh thần của cuộc họp ấy. Đa phần nhìn ông Hải bằng những cặp mắt ái ngại và chia sẻ.

Họp xong, ông Hải vừa chạy ra xe vừa gọi điện về tòa soạn lệnh “ban tác chiến khẩn cấp” tiếp tục ngồi đấy để ông có thể chỉ đạo kịp thời phương hướng hành động.

Và sự chỉ đạo của ông đã được thực hiện với một trang bìa Tuổi Trẻ xoay 180 độ vào hôm sau – tức ngày 03/11.

Đó là trang bìa với hình ảnh hai ông nghị “pro-3D” to chình ình, không kém hình nghị Thuyết vào ngày hôm trước. Chỉ khác ở chỗ, tít lớn và những lời nói của hai ông nghị này đều ngược lại hoàn toàn – theo chiều hướng bác bỏ ý kiến nghị Thuyết.

Với cú ngoặt 180 độ này, Tuổi Trẻ đã chính thức thay đổi chiến tuyến – từ Tư sang Ba – không phải từ nhân dân sang chính phủ như nhiều người lầm tưởng.

Sáng sớm 03/11, trên blog của mình, bà Beo – một nhân vật thuộc đám “pro-3D” – đã la toáng lên rằng “chưa bao giờ Tuổi Trẻ có một trang bìa hay như thế”. Đó là một lời reo mừng chiến thắng của bà Beo, khi Tuổi Trẻ quy phục Thủ tướng.

Ông Phạm Đức Hải thở hắt ra, chưa hoàn toàn nhẹ nhõm nhưng ít ra cũng đã tháo gỡ được phần nào nguy nan.

Sáng hôm ấy, Lê Đức Dục, Hà Thạch Hãn… lên Facebook buông những lời ai điếu, rằng làm báo thật là buồn, rằng cháu ngoan Bác Hồ…

Các thành viên Tuổi Trẻ, đặc biệt là những con người trẻ tuổi trong sáng, lại hát lên khúc tự giễu mình: “… Rằng Tuổi Trẻ nó thật lập trường, lập trường hơn cả công an”… như thuở xưa, khi Tuổi Trẻ đăng bài “Chuyện không bình thường” với giọng lưỡi sặc mùi công an.

Tuy nhiên, có một điều nằm ngoài dự liệu của ông Hải và sự suy xét của bà Beo – cũng như nhiều người khác – đó là một pha “xử lý kỹ thuật” của Tổng thư ký tòa soạn Xuân Trung.

Trong các bài tới, chúng tôi sẽ đề cập tới các vị Quang Thông ở Thanh Niên, Công Huynh ở Tiền Phong, Tâm Chánh ở Sài Gòn Tiếp Thị và nhiều người khác; chúng tôi cũng sẽ nói về ảo tưởng Hồ Thu Hồng, số phận Nguyễn Anh Tuấn, cuộc cờ của Trần Đăng Tuấn, những nhà báo “giả cầy” Đà Nẵng. Và tất nhiên, chúng tôi sẽ phân tích pha “xử lý kỹ thuật” của Xuân Trung.

Loạt bài chào mừng Đại hội Đảng XI còn tiếp tục với Phần 2 là những màn đấu đá thượng đỉnh, những cuộc thương lượng, thỏa hiệp sau cánh gà: Chiến dịch đả Ba Dũng của Tư Sang; Quả đắng và sự vớt vát cú chót của Năm Chi; Nông Đức Mạnh bị rút phép thông công; Bá Thanh mạt vận; đòn thù của Nguyễn Xuân Phúc…
 

 2. Cú đấm trong bóng đêm



Nhắc lại, buổi sáng ngày 03/11, báo Tuổi Trẻ đã quay ngoắt 180 độ so với ngày hôm trước. Trên trang bìa, họ chạy tít lớn: “Đừng vì Vinashin mà làm rắc rối thêm tình hình”. Bên dưới là hình hai đại biểu Quốc hội, cùng size với hình ông nghị Thuyết của ngày hôm trước. Chỉ khác là những thông điệp của hai ông này đối nhau chan chát với đề nghị của ông Thuyết.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng) khẳng định Vinashin không phá sản. Còn đại biểu – tướng Bế Xuân Trường – Tư lệnh Quân khu 1, Bắc Cạn – thì nói rằng không nên lập ủy ban điều tra vụ Vinashin.

Thủ tướng lật ngược thế cờ ngoạn mục!

Dưới áp lực của những cuộc điện thoại, những lệnh chỉ đạo ngầm và nổi, Tuổi Trẻ buộc phải quay lưng lại với chính mình, đem tới những tràng cười sảng khoái cho đối thủ, những lời than thở của người yêu mến họ và sự chán nản của độc giả.

Trong hoàn cảnh bí bách cuối cùng ấy, thư ký Xuân Trung chỉ có thể với vát được tí chút “chất Tuổi Trẻ”. Đó là việc chú thích rõ ràng chức danh chính quyền và quân đội của hai vị đại biểu “pro-3D”.

Ăn cơm thủ tướng, được thủ tướng hoặc người của thủ tướng bổ nhiệm, thì dù là đại biểu quốc hội – mang tiếng là đại diện cho nhân dân, thì trước hết phải phò thủ tướng. Dạng đại biểu này nhan nhản ở Việt Nam, có lẽ nên gọi là đại biểu nằm vùng, tức là ăn cơm chính quyền, về nằm vùng trong nhân dân để chống lại nhân dân, dù được dân bầu.

Cú ngoặt của Tuổi Trẻ đánh dấu đỉnh điểm của cơn ớn lạnh đang chạy dọc sống lưng làng báo Việt Nam thời kỳ tiền đại hội.

Cơn ớn lạnh này không sôi nổi điên cuồng như thời PMU 18 với các ông Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Việt Chiến phải ra tòa và một loạt nhà báo bị rút phép thông công. Cơn ớn lạnh này âm thầm nhưng dữ dội, như một hồ nước mà bề mặt tĩnh lặng còn bên dưới chấp chứa những đợt sống ngầm quẫy đạp.

Trên thực tế, không có một cuộc bắt bớ rầm rộ với những màn buộc tội trắng trợn như ngày nào, nhưng một cuộc bố ráp – đúng ra phải gọi là khủng bố – đang được tiến hành đối với làng báo chí Việt Nam.

 

***

Buổi tối 13/10, thành phố mang tên Bác ồn ào náo nhiệt và nóng bức như mọi khi. Trước cổng số nhà 82, đường Võ Văn Tần, quận 3, một người đàn ông vừa qua tuổi thanh niên, và đã bắt đầu trở nên đẫy đà do những cuộc ăn nhậu tới bến, dừng xe bước vào. Ông đi vội vã, chỉ nháy mắt đã biến vào phía sau cánh cửa nằm dưới tấm biển “Nhà hàng Nhật Hạ”.

Bên trong, một căn phòng VIP với máy lạnh mở sẵn và hai con người ngồi sẵn đang chờ. Ông đảo mắt liếc qua, mỉm cười và chìa tay chào những con người đã mời ông đến nơi này. Những người kia đon đả, coi ông là thượng khách, hỏi anh ăn gì, dùng gì.

Người đàn ông ấy không ngờ rằng những kẻ vồ vập mình lúc ấy lại đang rắp tâm đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông và bữa nhậu hôm nay cũng là lần cuối cùng ông được ngồi phòng VIP. Chỉ vài mươi phút nữa, phòng VIP sẽ được thay thế bởi phòng tạm giam.

Giữa lúc cuộc nhậu đang đến hồi cao trào, với những lời đường mật đi kèm những lời bóng gió, thì một trong hai người kia nhảy thẳng vào vấn đề. Đó là khoản lót tay 220 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng của người đàn ông đối với công việc làm ăn của tổ chức mà hai người này đại diện.

“Anh cầm tạm, có gì tụi em sẽ bổ sung sau”, người đề nghị vừa nói vừa chìa cọc tiền ra.

Sau một thoáng ngập ngừng, người đàn ông đưa tay hướng về phía những tờ polymer mang hình Bác Hồ đang tươi cười vẫy gọi.

Nhưng cũng chính lúc ấy, nụ cười Bác Hồ vụt tắt, sự vồn vã vụt tắt, thay vào đó là những khuôn mặt lạnh lùng của các đồng chí công an mặc thường phục như từ dưới đất trồi lên. Trong tích tắc, đôi cánh tay người đàn ông nằm gọn trong chiếc còng số 8. Ông bị bắt về tội tống tiền doanh nghiệp.

Tên ông là Phan Hà Bình – tức nhà báo Hà Phan – phó tổng thư ký tòa soạn báo Tiền Phong, tờ báo của tuổi trẻ, của Đoàn thanh niên Cộng sản Việt Nam.

 
***

Những người ngoài cuộc không hiểu sao một nhà báo có phần kỳ cựu như Hà Phan lại dại dột dẫn thân tới chỗ quán xá để nhận khoản tiền lớn như vầy. Đó là băn khoăn chính đáng và dễ hiểu của những người không hiểu ngóc ngách lắt léo của vấn đề.

Sự thực nó nằm ở chỗ, vụ bắt giữ ở nhà hàng Nhật Hạ là kết quả của một kế hoạch được chuẩn bị từ lâu. Nếu như vụ Hà Phan nhận tiền doanh nghiệp là chuyện “bắt tận tay day tận mặt” thì cũng có một sự thực khác: mẻ lưới này đã được những cán bộ an ninh kỳ cựu – dưới sự điều hành của một nhân vật được mệnh danh là “Beria của Việt Nam” – lên kế hoạch từ trước. Vụ bắt giữ tưởng chừng là “tiểu tiết”, “cò con” này là điểm khởi đầu của một kế hoạch phản công ở cấp cao nhất.

Ít ngày sau khi Hà Phan bị bắt, một số nhà báo khác được mời uống trà. Qua các kênh phi chính thức, công an hé lộ khả năng sẽ công bố các đoạn băng ghi âm lời khai của Hà Phan.

Trên blog của mình, blogger Beo – tức Hồ Thu Hồng – Tổng biên tập báo Thể Thao Tp.HCM nhưng đồng thời cũng là kênh phát ngôn không chính thức của công an Việt Nam – đã rêu rao về sự nhục nhã của những người làm báo. Bà bóng gió rằng một khi băng ghi âm lời khai Hà Phan được tung ra thì hàng loạt nhà báo đức cao vọng trọng sẽ trở thành những tấm gương tồi.

Rốt cuộc thì bằng ghi âm không được công an công bố, nhưng vụ việc lại có một diễn tiến hệ trọng khác.

Ngày 9/11, Cơ quan An ninh Điều tra cơ sở phía Nam của Bộ Công An đã gửi trát mời các vị Đoàn Công Huynh, Tổng biên tập báo Tiền Phong (nơi nhà báo Phan Hà Bình công tác), 2 trưởng ban của báo Tiền Phong là Nguyễn Bá Kiên – Trưởng ban Kinh tế và Phùng Công Sưởng – Trưởng ban Thời sự cùng ông Nguyễn Xuân Minh, Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị lên làm việc – thực ra là lên để điều tra và dằn mặt.

Tại cơ quan an ninh, những con người này được tách riêng ra làm việc với những cán bộ điều tra khác nhau. Các nhà báo bị triệu tập rất bất ngờ và ngồi trước họ là những điều tra viên cao cấp từ Bộ Công An, chứ không chỉ là những người ở cơ quan phía Nam này.

Ban đầu, những bằng chứng chống lại ông Huynh – qua lời khai của Hà Phan – được trưng ra. Đó là những lần bổ nhiệm sai của ông với những khoản tiền mờ ám mà ông nhận.

Thế rồi câu chuyện nhanh chóng chuyển hướng.

 
***

“Ai đã cung cấp cho các anh tài liệu vụ Vinashin?”

Giữa căn phòng thẩm cung đặc biệt với máy lạnh mở hết công suất, nhưng ông Đoàn Công Huynh toát mồ hôi. Sau lần áo sơ mi của ông, những giọt nước mằn mặn rơi thánh thót như giọt mưa thu.

Kể từ sau câu hỏi đó, trong vòng nửa tháng liên tục, ngày nào ông Huynh cùng các nhà báo kia cũng phải lên trụ sở cơ quan an ninh để trả lời những chất vấn xoay quanh vụ Vinashin.

Người tra vấn muốn biết ai đã cung cấp cho báo chí thông tin về sự thua lỗ của tập đoàn này mà suốt thời gian qua người ta đã sử dụng để chống lại Thủ tướng Dũng.

Những câu hỏi tua đi tua lại đó cho thấy người hỏi muốn biết thế lực nào đã chống lưng cho báo chí chống lại Thủ tướng Dũng. Thực tế, những người hỏi đã biết đích thị đó là ai, nhưng họ muốn có thêm những lời khai làm bằng chứng để phục vụ cho trận đấu đỉnh cao ở Bộ Chính Trị.

Đến lúc này thì ông Huynh đã biết rõ rằng vụ Hà Phan chỉ là cái cớ, những lần ông bổ nhiệm, cất nhắc sai hoặc những khoản tiền đen mà ông nhận chỉ là cái cớ triệu tập. Thực sự thì người ta muốn điều tra ông về vụ Vinashin.

Một con người cực kỳ nhanh trí, nhạy cảm như ông Huynh – người từng phụ trách mục giải đáp thắc mắc tuổi mới lớn với bút danh Chánh Văn trên báo Hoa Học Trò ngày nào – không mất nhiều thời gian để ngộ ra sự khủng khiếp của vấn đề. Ông thực sự đã trở thành một con tin trong cuộc đọ sức của những gã khổng lồ đang thao túng chính trường Việt Nam.

Khi đã nhận ra sự nhỏ bé mong manh của mình, ông buông xuôi, tuôn ra tất cả những điều mà người hỏi muốn có. Hạ cấp của ông là các trưởng ban Kiên, Sưởng cũng thế.

Lời khai được ghi âm, tức tốc chuyển ra Hà Nội.

 
***

Khi cuộc thẩm tra đối với các ông Huynh, Minh, Kiên, Sưởng đang được tiến hành thì đồng thời phe Ba Dũng cũng tung ra những thông tin úp mở để răn đe báo chí. Đó chính là lời giải thích cho sự quay đầu của Tuổi Trẻ cũng như các tờ báo khác.

Với những thông tin răn đe được tung ra một cách có chủ ý, tổng biên tập của các tờ báo hàng đầu Việt Nam như Phạm Đức Hải của Tuổi Trẻ, Nguyễn Quang Thông của Thanh Niên, Đặng Tâm Chánh của Sài Gòn Tiếp Thị… co rúm lại, không dám ho he điều gì bất lợi cho thủ tướng, cho dù phe Tư Sang vẫn không ngừng bắn tin cho báo chí kèm theo những lời trấn an quyết liệt.

Tuổi Trẻ của ông Hải từ chống Thủ tướng Dũng ra mặt giờ trở thành một tờ báo ba phải, thậm chí làm cái loa tuyên truyền cho ông Dũng.

Tổng biên tập Quang Thông của Thanh Niên vốn là một cán bộ Đoàn thì giữ đường lối trung dung, tăng cường các bài viết về Đảng, về đoàn thanh niên chứ không dám bàn đến những chuyện tiêu cực ở tầm vĩ mô nữa. Thậm chí Thanh Niên còn nêu cao lập trường, hăng hái tố cáo nhân viên ngoại giao Mỹ hành hung công an, tương tự như vụ scandal Tuổi Trẻ viết bài “Chuyện không bình thường” về ông Đại sứ Mỹ Michael Michalak cách đây chưa lâu.

Ở Tuổi Trẻ người ta không còn thấy chất trẻ như cách đây 3-4 năm trở về trước. Ở Thanh Niên người ta cũng không còn thấy sự dấn thân như ngày nào họ từng thể hiện với các vụ Năm Cam, “Hãy trả tự do cho các nhà báo chân chính”… Việc tường thuật họp Quốc hội từ đoạn Thủ tướng Dũng và nội các lên trả lời chất vấn trở về cuối là một màn đồng ca đơn điệu. Những bài viết tiền Đại hội XI và tường thuật Đại hội cũng là những dàn đồng ca đơn điệu, gồm toàn những lời lẽ sáo rỗng như “phát huy tinh thần”, “vươn lên tầm cao”, “bản lĩnh vững vàng”.

Buổi sáng thức dậy, độc giả Việt Nam cầm lên trên tay những tờ báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Hà Nội Mới… đã không tin nổi đó chính là những tờ báo mà họ từng yêu quý.

Nếu như ngày xưa người ta từng nói “Báo Nhân Dân là tờ báo mà không một nhân dân nào đọc” thì ngày nay người ta lại nói “Chỉ cần đọc báo Nhân Dân là đủ” vì mọi tờ báo đều là phiên bản của tờ Nhân Dân. Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Hà Nội Mới, Tiền Phong… đều là báo Nhân Dân cả.

Một tờ báo và một tổng biên tập được Tư Sang chống lưng, thường có những bài viết đầy chất gây gổ như VNN và Nguyễn Anh Tuấn cũng đã đầu hàng. VNN ưu tiên trang mục cho các vụ cướp giết hiếp, còn Tuấn “nát” thì đau đầu với mấy trò hacker và những tố cáo nội bộ.

Từ một vụ bắt giữ “nhỏ lẻ” nơi quán nhậu, các đạo diễn bên phía Ba Dũng đã làm nên một cuộc phản công ngoạn mục, bắt báo chí phải ngoan ngoãn vâng lời, chứ không chua ngoa như ngày trước, và qua đó có thêm bằng chứng chống lại Tư Sang trong cuộc đua quyền lực.

Đó cũng chính là lúc mà Ba Dũng từ thế bị dồn tới bờ vực với các vụ tàu cao tốc, Vinashin, bauxite… đã bật dậy, trở thành ông chủ của cuộc chơi.

 
***

Sau những cú đánh của phe Ba Dũng, bức tranh toàn cảnh báo chí ảm đạm hơn bao giờ hết. Trong cảnh tang thương ấy, ai cũng đau buồn.

Chỉ có bà Hồ Thu Hồng là hoan hỉ!

Ba Dũng thắng trong nỗ lực thâu tóm báo chí, và quan trọng hơn đã thắng Tư Sang trong cuộc chiến quyền lực. Phần tiếp theo sẽ là những khả năng đi hay ở của tổng biên tập các tờ báo lớn Việt Nam – đặc biệt là những người đã làm công cụ cho Tư Sang chống Ba Dũng những ngày qua.

 


Nguồn:

 http://dcvonline.net/modules.php?name=News&file=article&sid=8159

http://dcvonline.net/modules.php?name=News&file=article&sid=8181