Joseph Nye:
Donald Trump and the Decline of U.S. soft power Người dịch: Huỳnh Hoa
Donald Trump và cuộc suy thoái
quyền lực mềm của Mỹ
Joseph S. Nye (*) Cách
một chính phủ hành xử trong nước, trong các định chế quốc tế và trong
chính sách đối ngoại có thể tác động đến các chính phủ khác thông qua
ảnh hưởng nêu gương của mình. Trong tất cả các lĩnh vực này, ông Trump
đã đảo ngược các chính sách hấp dẫn của Mỹ. Bằng
chứng đã rõ ràng. Quyền tổng thống của Donald Trump đã xói mòn quyền lực
mềm của Mỹ. Trong một cuộc thăm dò dư luận mà viện Gallup thực hiện gần
đây ở 134 quốc gia, chỉ có 30% số người được hỏi ý kiến có cái nhìn ưu
ái về nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Trump; giảm 20 điểm phần trăm so
với thời ông Barack Obama làm tổng thống. Trung tâm nghiên cứu Pew phát
hiện rằng, Trung Quốc, với mức ủng hộ 30%, đã gần ngang ngửa với Mỹ. Và
một bộ chỉ số của Anh quốc, “Soft
Power 30” (Quyền lực mềm 30), cho thấy nước Mỹ đã tụt từ vị trí thứ
nhất năm 2016 xuống vị trí thứ ba vào năm ngoái. Những
người ủng hộ Trump đáp lại rằng quyền lực mềm không phải là chuyện quan
trọng. Giám đốc về ngân sách của Trump, ông Mick Mulvaney, đã công bố
một “ngân sách quyền lực cứng”
(hard power budget) khi cắt giảm khoảng 30% tiền quỹ dành cho bộ
Ngoại giao và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Với những người
thúc đẩy “nước Mỹ trên hết”, phần còn lại của thế giới suy nghĩ gì chỉ
là điều thứ yếu. Họ có đúng không? Quyền
lực mềm dựa trên sự thu hút hơn là cưỡng bức hoặc mua chuộc. Nó hấp dẫn
mọi người hơn là cưỡng bức họ. Ở cấp độ cá nhân, các bậc cha mẹ thông
minh đều biết quyền lực của họ sẽ lớn lao hơn, bền vững hơn nếu họ nêu
cho con cái tấm gương sáng về các giá trị đạo đức hơn là chỉ dựa vào roi
vọt, tiền bạc hoặc cấm đoán. Tương
tự như vậy, các nhà lãnh đạo chính trị từ lâu đã hiểu quyền lực sinh ra
từ khả năng thiết lập nghị trình và quyết định khuôn mẫu của cuộc tranh
luận. Nếu tôi có thể khiến bạn muốn làm điều tôi muốn thì tôi không cần
phải ép bạn làm điều bạn không muốn. Nếu như nước Mỹ đại diện cho các
giá trị mà các nước khác muốn theo đuổi, Mỹ có thể giảm việc sử dụng cây
gậy và củ cà rốt; sức hấp dẫn có thể là cấp số nhân của sức mạnh. Sức
mạnh mềm của một quốc gia sinh ra trước hết từ ba nguồn: văn hóa (lôi
cuốn người khác), các giá trị chính trị như dân chủ và nhân quyền (khi
quốc gia ấy sống theo các giá trị đó) và các chính sách (khi chính sách
được coi là chính đáng bởi vì chúng giới hạn trong một sự khiêm tốn nào
đó, trong nhận thức về lợi ích của người khác). Cách một chính phủ ứng
xử trong nước (chẳng hạn như bảo vệ quyền tự do báo chí), và trong chính
sách đối ngoại (thúc đẩy phát triển và nhân quyền) có thể tác động đến
các nước khác bằng ảnh hưởng từ tấm gương của mình. Trong tất cả các
lĩnh vực này, ông Trump đều đảo ngược chính sách thu hút của Mỹ. Điều
may mắn là nước Mỹ không chỉ có Trump và chính phủ. Không giống như các
tài sản quyền lực cứng (chẳng hạn như lực lượng vũ trang), nhiều cội
nguồn quyền lực mềm tồn tại tách biệt với chính phủ và chỉ đáp ứng một
phần những mục tiêu của chính phủ. Trong một xã hội tự do, chính phủ
không thể kiểm soát văn hóa. Thật vậy, không có chính sách văn hóa chính
thống tự nó đã có thể là một nguồn của sức thu hút. Các bộ phim
Hollywood như phim “The Post”
– thể hiện những người phụ nữ độc lập và tự do báo chí – có thể hấp dẫn
người khác. Tương tự như vậy, hoạt động thiện nguyện của các quỹ từ
thiện của Mỹ hoặc ích lợi của quyền tự do truy vấn ở các đại học Mỹ cũng
có sức thu hút. Sự thật
là các doanh nghiệp, trường đại học, quỹ từ thiện, nhà thờ và các tổ
chức phi chính phủ phát triển quyền lực mềm của riêng họ, và sức mạnh
này có thể củng cố hoặc xung đột với các mục tiêu chính sách đối ngoại
chính thức của chính phủ. Và tất cả những nguồn lực tư nhân của sức mạnh
mềm này đều có khả năng trở nên ngày càng quan trọng trong kỷ nguyên
thông tin toàn cầu. Đó là lý do khiến các chính phủ phải bảo đảm rằng
mọi hành động và chính sách của họ là nhằm tạo ra và củng cố hơn là bào
mòn và hoang phí quyền lực mềm của quốc gia. Các
chính sách đối nội và đối ngoại nào tỏ ra giả nhân giả nghĩa, ngu muội,
bàng quan với quan điểm của người khác, hoặc dựa trên một quan điểm hẹp
hòi về lợi ích quốc gia đều có thể xói mòn quyền lực mềm. Ví dụ, sự sụt
giảm nhanh chóng trong sức hấp dẫn của Mỹ trong các cuộc thăm dò dư luận
thực hiện sau cuộc xâm lăng Iraq năm 2003 là phản ứng với chính phủ Bush
và chính sách của nó hơn là phản ứng với nước Mỹ nói chung. Cuộc
chiến tranh Iraq không phải là chính sách đầu tiên của chính phủ làm cho
nước Mỹ mất sự ủng hộ. Trong thập niên 1970, nhiều người trên khắp thế
giới phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và vị thế toàn cầu của
Mỹ phản ánh sự không ủng hộ chính sách đó. Khi chính sách thay đổi và ký
ức về cuộc chiến phai nhạt dần, nước Mỹ đã khôi phục được phần lớn quyền
lực mềm đã mất. Tương tự như vậy, sau cuộc chiến tranh Iraq, nước Mỹ cố
gắng khôi phục phần lớn sức mạnh mềm ở hầu hết các khu vực trên thế giới
(dù ở Trung Đông họ ít thành công hơn). Những
người hoài nghi vẫn có thể lập luận rằng, sự thăng trầm của quyền lực
mềm của Mỹ không phải là vấn đề quan trọng bởi vì các quốc gia hợp tác
với nhau vì quyền lợi của chính họ. Nhưng lập luận này thiếu một điểm
cốt yếu: hợp tác là vấn đề cấp độ, và cấp độ hợp tác bị tác động bởi sức
hấp dẫn hoặc sự thúc ép. Hơn thế nữa, quyền lực mềm của một quốc gia ảnh
hưởng tới cả những nhân tố phi nhà nước
(non-state) – chẳng hạn như
hỗ trợ hoặc ngăn cản hoạt động chiêu mộ của các tổ chức khủng bố. Trong
thời đại thông tin, thành công không chỉ phụ thuộc vào quân đội nào sẽ
thắng mà còn vào câu chuyện nào sẽ thắng. Một
trong những cội nguồn lớn nhất của quyền lực mềm của Mỹ chính là sự cởi
mở của các tiến trình dân chủ. Cho dù đã có những chính sách sai lầm làm
giảm sức thu hút của nó, nhưng khả năng của nước Mỹ trong việc phê phán
và sửa chữa sai lầm làm cho Mỹ hấp dẫn các nước khác ở cấp độ sâu hơn.
Khi những người biểu tình ở nước ngoài tuần hành chống chiến tranh Việt
Nam, họ thường hát bài “We Shall
Overcome” (Chúng ta sẽ vượt qua) – bài hát chính thức của phong trào
dân quyền Mỹ. Nước Mỹ
cũng gần như chắc chắn sẽ vượt qua. Theo kinh nghiệm quá khứ, luôn có
niềm hy vọng rằng nước Mỹ sẽ phục hồi quyền lực mềm sau thời cầm quyền
của Trump.
(*) Joseph S, Nye: giáo sư Đại
học Harvard; nguyên thứ trưởng bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, chủ tịch Hội đồng
tình báo quốc gia. Ông là tác giả sách “Phải chăng thế kỷ Mỹ đã kết
thúc?”
Bài
cùng tác giả:
Quyền lực bén đe dọa quyền lực mềm như thế nào
(viet-studies, 26/1/2018) |