RFA

24-10-17

 

Nỗi đau của người lao động hậu 'tái cấu trúc' ngành dầu khí

 

L.D.Phương

 

Từ bài viết có tựa đề “Thanh hay Thăng?” của nhà báo Huy Đức được đăng trên Facebook; tôi xin được nêu lên đây câu chuyện buồn của tập thể nhân viên lái xe và bảo vệ thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam (gọi tắt là PVGas) để minh hoạ thêm về những mất mát đau đớn của PVC.

 

Tôi là người công tác trong ngành dầu khí tính đến nay đã được 34 năm, trong đó có 29 năm phục vụ lái xe cho PVGas nên ít nhiều cũng biết được một số biến cố trong ngành dầu khí. Những năm bác Thăng làm Chủ tịch PVN có nhiều kẻ vui và hạnh phúc tột độ song lại cũng có rất nhiều số phận phải long đong, đau khổ mà điển hình là số phận của 74 lái xe và 69 công nhân bảo vệ thuộc PVGas.

 

Cơ chế đã tạo ra cho kẻ có chức, có quyền định đoạt số phận của người khác vì vậy mới có cớ sự là một Tổng Giám đốc Tổng Công ty vừa về nhận công tác được 4 tháng đang trên đà phát triển sau một đêm ác mộng do không nghe lời đã nhận được tờ giấy A4”trảm” chuyển đi nơi khác cũng là chuyện thường.

 

Lợi dụng chính sách tái cấu trúc của Đảng đối với các doanh nghiệp Nhà nước, bác Thăng đã chỉ đạo PVN và các Tổng công ty thành viên triển khai quyết liệt công tác tái cấu trúc trong ngành dầu khí mà sản phẩm là thành lập ra vô số công ty con (thường gọi là công ty sân sau). Điều đặc biệt là không chỉ tái cấu trúc các công ty làm ăn thua lỗ kéo dài gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Nhà nước như Vinaline, PVC… mà còn tái cấu trúc cả những đơn vị làm ăn có hiệu quả nhất có hệ thống tổ chức quản lý điều hành tiên tiến nhất như PVGas.

 

Kết quả là những đứa con được nhào nặn ra đời, đơn cử như Công ty cổ phần Vận tải Taxi dầu khí sau đổi tên thành Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Cửu Long (gọi tắt là Công ty Cửu Long) trong đó PVGas góp vốn 20% và được quyền cử cán bộ sang làm Chủ tịch, HĐQT, Kế toán trưởng v.v…; Công ty cổ phần Bảo vệ dầu khí (gọi tắt là PVS) do PVN góp cổ phần 51% còn lại 49% là của các lãnh đạo trong công ty.

 

Các công ty con ra đời nhưng chưa biết lấy gì nuôi nó nên bác Thăng đã chỉ đạo đưa toàn bộ lái xe của các Tổng công ty thành viên trong tập đoàn qua Công ty Cửu Long; còn các bảo vệ thì đưa qua PVS. Phương tiện xe cộ được định giá và chuyển về Công ty Cửu Long. Một điều khó hiểu là hầu hết các đơn vị thành viên trong tập đoàn dầu khí đều phản đối việc đưa lái xe sang Công ty Cửu Long và bảo vệ sang PVS nhưng cuối cùng chỉ có 3 đơn vị là PVGas, Đạm & Hoá chất Phú Mỹ và Lọc dầu Bình Sơn thực hiện! Trong đó, PVGas có 15 Cty thành viên nhưng chỉ có 7 công ty thực hiện chủ trương đưa anh em lái xe sang Công ty Cửu Long và đưa bảo vệ sang PVS. Còn lại 8 công ty thành viên không đồng ý thực hiện chủ trương này. Ngày 01/6/2011 là ngày quyết định chuyển giao công nhân lái xe và công nhân bảo vệ sang Công ty Cửu Long và PVS. Hầu hết lao động bị chuyển giao đều có từ 5 năm công tác trở lên, trong đó trên 50% có thâm niên công tác trên 20 năm; gần 100% lao động đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn với PVGas.

 

Quả thật 143 con người của PVGas gồm 74 lái xe và 69 bảo vệ ra đi khỏi PVGas mang theo tâm trạng đau khổ dù anh em phản ứng rất dữ dội, đã làm đơn gửi khắp nơi nhưng cũng không thay đổi được tình thế. Khi thấu hiểu được nỗi thất vọng của anh em, PVGas an ủi động viên bằng cách bảo lưu toàn bộ thu nhập trong vòng 3 năm, tính từ ngày 01/6/2011 đến 30/5/2014.

 

Dù phải công tác trong môi trường không biết tương lai sẽ ra sao nhưng anh em vẫn động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ và tiếp tục gửi đơn kêu cứu đến PVGas, PVN và lên cả Bộ Công Thương với nguyện vọng là xin được về lại PVGas. Sau 3 năm chuyển giao trên danh nghĩa là người làm thuê cho PVGas anh em đã hiểu được điều kiện và hoàn cảnh của đơn vị nơi mà mình đang giao số phận mà không biết tương lai sẽ về đâu! Lại một lần nữa các lá đơn được gửi đi và rồi lãnh đạo PVN và PVGas lại tiếp tục bảo lưu chế độ cho anh em thêm 3 năm nữa, tính từ ngày 01/6/2014 đến 30/5/2017 nhưng lần này chỉ được hưởng 75% trên tổng thu nhập, 25% còn lại dùng để bù cho số lái xe, bảo vệ do Công ty Cửu Long và PVS tuyển dụng sau này!

 

Đến thời điểm 2015 do tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty Cửu Long gặp khó khăn, hoạt động kinh doanh không hiệu quả nên PVGas quyết định thoái vốn vào giữa quý II/2015 và rút cán bộ lãnh đạo về; thời điểm này PVN cũng thoái vốn khỏi PVS. Như vậy là đã rõ, qua 5 năm thực hiện tái cấu trúc do PVN chỉ đạo là một thất bại gây thiệt hại không nhỏ cho PVGas và cả PVN và làm cho 143 con người lao động bị đẩy ra khỏi PVGas rơi vào nỗi thất vọng!

 

Đến nay mặc dù nghị quyết về thực hiện tái cấu trúc của PVN không còn phù hợp nữa, nhưng PVGas vẫn chưa xem xét để đưa anh em được về lại với cội nguồn, nơi mà họ thực sự là những người con đã qua bao năm tháng đồng hành cùng nhau trải qua bao thăng trầm xây dựng ngành công nghiệp khí phát triển được như ngày hôm nay. Nếu PVGas chối bỏ nguyện vọng tha thiết và chính đáng của anh em công nhân lái xe và bảo vệ thì chúng tôi coi đó là nỗi đau cuộc đời và oán hận cho cách hành xử bất nhất của lãnh đạo PVGas!

 

Đương thời, cố Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hạp và cựu Tổng giám đốc Vũ Đình Chiến từng tuyên bố trước Đại hội Đảng bộ và Đại hội CNVC Tổng công ty rằng sẽ không bỏ rơi ai cả, sẽ cùng chung sức xây dựng PVGas thành một đơn vị mạnh về mọi mặt, trở thành con chim đầu đàn của ngành dầu khí sánh ngang với các nước có ngành công nghiệp khí phát triển. Sự quyết tâm và mơ ước đó đã trở thành hiện thực, PVGas hiện tại đang mang trên mình một thương hiệu lớn, một tập thể lãnh đạo là những người trẻ tuổi tài năng, tâm huyết, đoàn kết, đời sống tinh thần vật chất của người lao động được nâng cao v.v… cũng nhờ những khối óc năng động này.

 

Thực chất chủ trương tái cấu trúc của PVN là gì? Các công ty con được lập ra mang lại lợi ích cho ai? Các khoản lời lỗ đã có cơ quan nào thống kê chưa? Đẩy người lao động từ người làm chủ sang kẻ làm thuê, bóc lột người lao động bằng hình thức ký với chủ lao động cao, còn trả lương cho người lao động thấp chưa được 50% thực tế có phải là việc làm đúng đắn?

 

Vậy mà cho đến nay vẫn chưa có cơ quan có thẩm quyền nào làm rõ những việc này! Công nhân lái xe thuộc Công ty Đạm & Hoá chất Phú Mỹ chuyển qua Công ty Cửu Long đến nay đã được trở lại là người lao động của Công ty Đạm & Hoá chất Phú Mỹ kể từ năm 2015. Còn với 143 công nhân lái xe và bảo vệ của PVGas thì sao? Đến thời điểm hiện tại có 4 lái xe và 5 bảo vệ đã nghỉ hưu. Cả cuộc đời họ cống hiến cho PVGas nhưng ra về không được một lời động viên, chia sẻ! Chúng tôi đang ngày đêm trông chờ sự cảm thông chia sẻ và những tấm lòng trắc ẩn của lãnh đạo PVGas cùng tiếng nói của các cơ quan đoàn thể trong Tổng công ty ủng hộ, kiến nghị đưa những người con bất hạnh được trở về lại PVGas, phù hợp với nguyện vọng và đạo lý để anh em thật sự yên tâm công tác.

 

Kể từ 01/8/2016 số phận của tập thể công nhân lái xe chúng tôi lại bước sang trang mới, lại tiếp tục mang tâm trạng lo âu không biết tương lai rồi sẽ đi về đâu? Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Đông Dương (gọi tắt là Công ty Đông Dương) có cổ phần của PVTran đã mua lại toàn bộ phương tiện xe cộ từ Công ty Cửu Long và chuyển toàn bộ anh em lái xe qua Công ty Đông Dương, chúng tôi lại tiếp tục là người làm thuê cho PVGas theo Hợp đồng 119 đã ký kết trước đó với Công ty Cửu Long. Đây là một cú sốc rất lớn về cách hành xử của các cấp lãnh đạo PVN và PVGas, coi số phận những người lao động chúng tôi như những trái bóng muốn đá đi đâu cũng được. Tôi cho rằng câu chuyện trên đây là hậu PVN trong đó bác Thăng có một phần trách nhiệm.

 

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do