Việt Nam Thời Báo
Ai là nhân vật đáng gờm nhất chính trường hiện nay? Cát Tường
Trong Bộ Chính trị, nếu xét vẻ bề ngoài thì có lẽ nhân vật tuyên
chiến mạnh mẽ nhất với chuyện tiêu cực trong nội bộ đảng, chính là ông
Trần Quốc Vượng. Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật
đảng viên vi phạm, có thể coi là bước khởi động của luật về hoạt động
Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hôm 22-3-2018, trên cương vị Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng, ông Trần
Quốc Vượng ký ban hành văn bản số 04-HD/UBKTTW, có tên “Hướng dẫn thực
hiện một số Điều trong Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ
Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”. Quy định số 102-QĐ/TW
cũng do ông Trần Quốc Vượng ký ban hành trên cương vị thay mặt Bộ Chính
trị.
Người viết bài này không là đảng viên, nên trước mắt quan tâm đến mỗi
nội dung của văn bản số 04-HD/UBKTTW: đảng viên thiếu trách nhiệm trong
quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp
phạm tội, thì đảng viên đó phải chịu trách nhiệm liên đới.
Câu hỏi đặt ra: ông Đinh La Thăng đã nhận bản án tù về những sai phạm
thời kỳ làm quản lý doanh nghiệp. Từ tháng 1/2006 - 12/2008, ông Đinh La
Thăng là Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia
Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ông Đinh La
Thăng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng; đại biểu Quốc hội Khoá
XI, Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Bí thư Đảng uỷ cơ quan
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Từ tháng 12/2008, ông Đinh La Thăng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư
Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt
Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông Đinh La
Thăng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội Khoá
XIII.
Xem ra nếu truy ngược thời gian như quy định cho phép hồi tố của văn bản
số 04-HD/UBKTTW, thì cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (từ năm 2001 đến năm
2011) sẽ là người “chịu trách nhiệm liên đới” về những hành vi được cho
là phạm tội của ông Đinh La Thăng.
Tương tự, với chuyện được quyền hồi tố của văn bản số 04-HD/UBKTTW, nôm
na là nếu mai đây ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chịu kỷ luật của
Đảng, thì ông Lê Đức Anh – người lâu nay vẫn được coi là cha nuôi qua sự
gửi gắm lúc thân phụ của ông Dũng sắp mất, sẽ có phần chịu trách nhiệm
liên đới.
Còn trước mắt, nếu thanh tra sắp sửa diễn ra ở tỉnh Kiên Giang sẽ cho
kết quả sai phạm với phần trách nhiệm của Bí thư tỉnh Nguyễn Thanh Nghị,
thì ông Nguyễn Tấn Dũng cầm chắc mức ‘án’ từ Bộ Chính trị. Và sau đó như
đã nói ở trên, hệ lụy dắt dây rất có thể sang cả ‘thái thượng hoàng' Lê
Đức Anh…
Năm 2016 là một năm mà báo chí ngập tràn thông tin về câu chuyện “gia
đình trị” trong hệ thống chính quyền. Từ trường hợp Vũ Quang Hải - con
trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - được bổ nhiệm “bất thường”, đến chuyện
cả nhà Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh làm quan. Chưa bao giờ, cụm từ
“con cháu các cụ” được dư luận nhắc đến với nhiều phẫn nộ như thế, chưa
bao giờ người ta nhìn những quan chức xuất thân từ những gia đình danh
giá với nhiều ác cảm đến vậy…
Báo chí đã không kiêng dè khi nhắc đến con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng một người là Bí thư tỉnh Kiên Giang, một người là Trưởng ban
Thanh niên trường học Trung ương Đoàn; ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng
Công thương đương nhiệm - là con trai nguyên Chủ tịch nước Trần Đức
Lương (ông Tuấn Anh thời kỳ làm thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Hiệu
trưởng Đại học Công nghiệp, đã bị thanh tra Bộ Giáo dục kết luận là sai
phạm trong tuyển sinh); ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Đà Nẵng - là con
trai của nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi; con
trai của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là Vũ Quang Hải thì đã trở thành
tâm điểm của dư luận năm vừa rồi…
Liệu có thể áp dụng văn bản số 04-HD/UBKTTW đối với những trường hợp cụ
thể về “con ông cháu cha” nói trên? Sở dĩ lăn tăn như vậy vì Bộ Luật Dân
sự hiện hành có cách hiểu về “trách nhiệm liên đới” khác với nội dung
của văn bản số 04-HD/UBKTTW. Theo đó, căn cứ để xác định “trách nhiệm
liên đới” là nếu nghĩa vụ được xác lập thông qua ý chí của các bên, thì
việc xác định nhĩa vụ đó là liên đới hay không phải căn cứ vào sự thỏa
thuận của các bên trong hợp đồng là căn cứ phát sinh quan hệ nghĩa vụ
đó. Nếu các bên trong hợp đồng không có thỏa thuận khác về tính chất của
nghĩa vụ, thì nghĩa vụ đó luôn được xác định là nghĩa vụ riêng rẽ.
Nói một cách khác, mặc dù có thể ông Nguyễn Thanh Nghị được thăng quan
tiến chức nhanh chóng, vì khi ấy cha của ông đang là Thủ tướng Chính
phủ. Song, lâu nay về cơ cấu nhân sự trong bộ máy quản trị quốc gia lại
thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị. Nay nếu ông Nguyễn Thanh Nghị có sai
phạm, thì về nguyên tắc phải truy cứu trách nhiệm trực tiếp của người
đứng đầu cơ quan chuyên về cơ cấu nhân sự.
Tương tự, nếu xem xét trách nhiệm liên đới của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng, thì dắt dây sẽ là việc liên đới của người đứng đầu Bộ Chính trị
trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Xem ra cái khôn ngoan ở đây của ông Trần Quốc Vượng, là trong hầu hết
các trường hợp truy cứu trách nhiệm liên đới, gần như đều không liên
quan đến cá nhân ông Vượng. Còn cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và đương
kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đều có thể “liên lụy”, một khi công
luận gây áp lực về “quân pháp bất vị thân”.
Cá nhân người viết nghĩ rằng nhân vật đáng gờm nhất chính trường hiện
nay không phải là ông chủ đốt lò, mà là nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát
Nhân dân Tối cao, nhiệm kỳ 2007-2011.
* Bài viết là quan điểm, cách nhìn của tác giả về chính trường Việt nam |