Cái Tâm Của Một Sử Gia
– Nhân Mười Năm Ngày Mất Đặng Phong

 Nguyễn Minh


Đặng Phong, 2008
(Ảnh do Trần Hữu Dũng chụp)

Trong lúc vô tình xem thông tin trên mạng, chợt nhớ từ khi giáo sư Đặng Phong qua đời, đến nay đã mười năm. Tháng tám năm nay là đúng mười năm.

Tôi vốn chỉ thích ở ẩn đọc sách, không ưa quảng giao, hơn nữa lại rời Việt Nam từ lâu, nên không có duyên gặp gỡ Đặng Phong, chỉ biết ông qua trước tác. Những dòng tôi viết dưới đây chỉ là cảm nhận của một người đọc tác phẩm ông, xem như một nén hương lòng, tưởng nhớ một nhà học giả chân chính.

Dĩ nhiên tôi không có tư cách chi, nhưng giả dụ có, và được trao quyền chọn ra hai sử gia Việt Nam tiêu biểu nhất trong khoảng nửa cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, tôi sẽ chọn Hà Văn Tấn và Đặng Phong, mặc dù Đặng Phong chỉ giới hạn mình trong phạm vi kinh tế sử.

Có người nhận xét tác phẩm Đặng Phong là “history of the economy”, không phải “economic history”, hàm ý rằng ở Đặng Phong không có một chiều sâu kinh tế học. Có lẽ với người ấy, kinh tế phải là những lý thuyết cao kỳ, với những mô hình kinh tế lượng (kinh toán học) tháp ngà.

Nếu quan niệm như trên, bạn không nên tìm đến Đặng Phong, bởi với Đặng Phong, kinh tế là đời, và từng giọt nước cũng quan trọng như cả dòng sông. Đặng Phong viết: “Một giọt nước không phải là dòng sông. Đúng. Nhưng cũng chưa thấy có cái gì được gọi là dòng sông mà không có nước.”[1]Sử của Đặng Phong là lịch sử của những giọt nước, là bức tranh lớn ghép nên từ những mảnh khảm đa dạng, muôn màu.

Việc Đặng Phong là sử gia hơn là kinh tế gia khiến ông gần gũi với tôi. Lịch sử kinh tế vốn khô khan, lịch sử tư duy kinh tế lại càng khô, thế mà ông viết đề tài nào cũng khiến tôi đọc say sưa như tiểu thuyết. Tài là vậy!

Nhưng cái tài của Đặng Phong, nhiều người đã đề cập, thiết tưởng không cần nhắc nữa. Ở đây, tôi muốn nói nhiều đến cái tâm.

Thế nào là một sử gia có tâm? Theo tôi, đó là một người không đứng về bất kỳ phe phái nào, chỉ lấy sự thật làm gốc, và luôn luôn giữ tinh thần khách quan hết mức có thể. Tiêu chuẩn này nghe qua đơn giản, thật ra rất khó đáp ứng, hiếm ai đáp ứng được hết.

Muốn giữ cái tâm trong một xã hội như xã hội Việt Nam, đôi khi phải có dũng khí.

Đặng Phong đã có dũng khí, khi trong bộ sách để đời Lịch sử kinh tế Việt Nam, ông trước sau như một, chỉ gọi Hồ Chí Minh là “ông”, không hề có một chữ “Bác”, cũng không một chữ “Người”. Ngô Đình Diệm là “ông”, Hồ Chí Minh cũng là “ông”, bởi đứng trước lịch sử, mọi nhân vật đều bình đẳng.

Tùy theo bối cảnh, một điều rất bình thường có thể trở nên phi thường. Chữ “ông” mà Đặng Phong dành cho Hồ Chí Minh là một chữ phi thường, bởi ngoài Đặng Phong, còn sử gia “xã nghĩa” nào khác dám “hỗn” như vậy?

Tương tự, để tôn trọng sự thật lịch sử, khi nhắc tới sự kiện cải cách ruộng đất, thay vì nhận xét kiểu như “sai lầm đáng tiếc”, Đặng Phong nói thẳng là “tàn ác”[2]. Ngay tại Việt Nam, trong một công trình nhà nước, mà dám nói đến như vậy, thật là đã đi đến cùng cực của giới hạn.

Với “phía bên kia”, tức Việt Nam Cộng Hòa, Đặng Phong tỏ thái độ khách quan, công bình. Nếu như các bộ “kinh tế quốc sử” khác, chẳng hạn 45 Năm Kinh Tế Việt Nam (1945-1990)[3] do Đào Văn Tập chủ biên, chỉ dành cho miền Nam lèo tèo vài trang ở cuối mỗi chương, thì Đặng Phong viết về Việt Nam Cộng Hòa đến 250 trang. Ngoài ra, ông còn viết hẳn, in riêng một quyển về kinh tế Việt Nam Cộng Hòa[4]. Tuy ông không khẳng định rõ ràng, nhưng sự thật do ông trình bày tự nó đủ nói lên tất cả, rằng kinh tế miền Nam ưu việt hơn miền Bắc về nhiều điểm. Kinh tế gia miền Nam ngày nay nhiều người còn sống, song buồn thay, tôi chưa thấy ai viết được một tác phẩm kinh tế sử Việt Nam Cộng Hòa công phu, đầy đủ như công trình của “Việt cộng” Đặng Phong[5].

Hiển nhiên, cũng có những chuyện Đặng Phong không thể nói ra. Khi gặp những chuyện ấy, hoặc ông im lặng chứ không bẻ cong ngòi bút, hoặc tốt hơn nữa, là tìm cách “lách” để nói cho được. Viết tức là lách. Tôi nhớ trong một lần trả lời phỏng vấn, Đặng Phong nói ông có “cách của mình” để lách thành công.

Thí dụ, Đặng Phong không thể chỉ trích Lê Duẩn. Ông vẫn khen, nhưng qua cách trình bày của ông, người đọc nhận rõ tư tưởng Lê Duẩn, chẳng hạn tư tưởng “làm chủ tập thể”, thật sự chỉ rỗng tuếch, giống như những “bông hoa điếc”, tức là tuy đẹp mà vô tích sự. Thêm vào đó, những lúc cần chê Lê Duẩn, ông mượn lời của những “cây đa cây đề” như Võ Nguyên Giáp[6].

Khi gặp những thông tin “nhạy cảm”, như vụ nổi dậy chống chính quyền ở Quảng Ngãi vào năm 1950[7], hay vụ xử bắn bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long)[8], Đặng Phong không thể đề cập trong nội dung chính của sách. Ông lách bằng cách đưa chúng vào mục “biên niên sự kiện”, nằm ở phụ lục cuối sách. Kiểm duyệt không đọc tới đấy, độc giả chắc cũng ít người đọc tới đấy. Tôi cho rằng Đặng Phong “nhét” các thông tin trên vào đấy chỉ để khỏi thẹn với lòng mình, và để giữ vẹn cái tâm của một “thái sử công”.

Thời buổi ngày nay, mấy ai còn được như ông?

Khi Đặng Phong qua đời, tôi từng nghĩ vậy là Việt Nam chẳng còn một sử gia kinh tế chân chính nào nữa.

Mười năm qua đi, tình hình vẫn thế.

Nghĩa là chẳng có ai cả!

 

Nguyễn Minh

Adelaide, tháng 6, 2020

 



[2] Đặng Phong 2005, Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945-2000, Tập II: 1955-1975, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr.86.

[3] Đào Văn Tập 1990 (chủ biên), 45 Năm Kinh Tế Việt Nam (1945-1990), Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.

[4] Đặng Phong 2004, Kinh Tế Miền Nam Việt Nam Thời Kỳ 1955-1975, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.

[5] Một thuận lợi của Đặng Phong là ông thực hiện một công trình nhà nước, nên có cơ hội phỏng vấn, thu thập thông tin trực tiếp từ những nhân vật cộm cán trong chính quyền Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó, ông cũng chủ động tiếp cận các nhà hoạch định chính sách Việt Nam Cộng Hòa, chẳng hạn giáo sư Vũ Quốc Thúc, đồng tác giả kế hoạch kinh tế hậu chiến Thúc-Lilienthal.

[6] Đặng Phong 2008, Tư Duy Kinh Tế Việt Nam: Chặng Đường Gian Nan Và Ngoạn Mục 1975-1989, Nhà Xuất Bản Tri Thức, Hà Nội, tr. 83.

[7] Đặng Phong 2002, Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945-2000, Tập 1: 1945-1954, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr.603.

[8] Đặng Phong 2002, Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam 1945-2000, Tập 1: 1945-1954, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr.610.

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 10-6-20