Bản gốc của tác giả

 

Vai trò doanh nghiệp tư nhân và mô hình nông nghiệp
công nghệ cao ở Đồng bằng Cửu Long

 

Nguyễn Minh Nhị

 

 

Từ những năm đầu Thế kỷ 21, thế giới hay dùng khái niệm nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), điển hình là những mô hình canh tác của Ixraen, các nước Âu- Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngày 04-5-2017, Thủ tướng Chánh phủ có Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư (4.0). Nhiều người, nhiều đoàn Việt Nam đã đến Ixren và các nước tham quan, học tập; có địa phương ban hành chỉ thị hẳn hoi về chủ trương phát triển NNCNC. Ngôn từ “Cách mạng công nghiệp lần 4”, “công nghiệp 4.0”, “NNCNC” xuất hiện ngày càng dày hơn trên truyền thông và các văn bản Nhà nước. Có nhiều người hy vọng áp dụng “sản xuất CNC” sẽ khắc phục được mọi trì trệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, không còn tái diễn tình cảnh “giải cứu nông sản”. Khi tuyên truyền về “NNCNC” thường kèm với hình ảnh “nhà màng”, “nhà lưới”, “dưa lưới”, “tưới nhỏ giọt - tiết kiệm nước”... Vậy NNĐBCL đang gặp “trục trặc” gì mà phải “giải cứu” bằng áp dụng công nghệ cao như vậy?.

Hơn 40 năm qua, nông dân - NNĐBCL đã hơn một lần phải “giải cứu” đó là vào năm 1986, sau Đại hội VI Đảng CSVN, gọi là “Đổi mới” hay nói như tinh thần bài nầy là “giải cứu cơ chế”, thuộc phạm trù “quan hệ sản xuất”. Sự thật của nó là do ta “tự trói mình” trong cơ chế “kế hoạch hóa - tập trung - quan liêu - bao cấp”, khiến một vùng vốn từng là vựa lúa xứ Đông Dương thời thuộc Pháp, trở thành thiếu ăn, dân đói, xã hội đứng trước nguy cơ nên phải tự cắt bỏ dây trói, tự giải cứu, sản xuất lưu thông trở lại bình thường như trước 1.975 nên tốc độ tặng trưởng thần kỳ trong giai đoạn 1.986 – 1996, và không chỉ trong nông nghiệp. Nhờ “giải cứu cơ chế”, ruộng đất trở lại nông dân với “quyền sử dụng lâu dài”, quyền chủ động sản xuất, tự do bán sản phẩm, tiếp cận vốn ngân hàng; cùng với các “Chương trình Khuyến nông”, “Nông dân sản xuất giỏi”, áp dụng giống mới v.v..., đã từng bước thực hiện đến thập niên đầu Thế kỷ 21 sản xuất  gần như cơ bản cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học và sinh học hóa. Một sự tương tác rất rõ giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất.

 Khi hai Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên của Chánh phủ được bắt đầu triển khai từ năm 1.988, đến năm 1995  thì Tổng sản lượng lúa tại 13 tỉnh thành ĐBCL đã tăng vọt lên, đạt gần 13 triệu tấn, năm 2015 lên 25,7 triệu, chiếm 57,11 % cả nước. Trước tình cảnh đau đầu vì lúa ế, có người than: “Thà đói hơn ăn no mà không tiêu” là ngữ cảnh nầy. Con cá Ba sa, cá Tra cũng từng xuất khẩu thu về gần 2 tỷ USĐ hàng năm nhưng số phận cũng “phập phều” như cây lúa. Trái cây, rau, dưa, củ, quả... cũng là thế mạnh của đồng bằng nhưng cũng hay phải bỏ không thu hoạch hoặc cho bò ăn. Việc sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật độc hại được nhập khẩu khó kiểm soát từ Trung quốc và việc sử dụng thuốc bừa bải, gây bịnh ung thư ngày càng nhiều, gây mất niềm tin an toàn thực phẩm... trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Vườn rau mi – ni của gia đình đã trở thành “biểu tượng” của niềm tin chất lượng thực phẩm sạch bị mất. Vậy vấn đề ở đây không đơn thuần thuộc về năng lực của lực lượng sản xuất mà là chất lượng làm chủ sản xuất, bao gồm cơ chế - thể chế và văn hóa kinh doanh, thuộc phạm trù quan hệ sản xuất. Cho dù có quan hệ tác động qua lại, thúc đẩy nhau cùng phát triển, nhưng nếu lấy lực lượng sản xuất thay cho quan hệ sản xuất là không ổn, vì theo định nghĩa phổ thông hiện nay thì “Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, còn gọi là công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững”. Vậy NNCNC thuộc phạm trù lực lượng sản xuất – văn minh kinh tế, nhiều nước tiên tiến và một số nơi ở ta đã làm, không có gì mới lạ và nó hoàn toàn không thay được vai trò của quan hệ sản xuất đang bức bách hiện nay.

Chúng ta rất quan tâm xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông – thủy – hải sản. Năm 1995 ta vào ASEAN, năm 2006 được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo Bộ Công thương, cho đến 8-9-2.017, VN đã ký 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước hoặc các tổ chức thương mại đa phương, là một trong những nước ký nhiều Hiệp định FTA nhất. Nhưng cho đến nay nông sản của ta tiêu thụ - xuất khẩu vẫn còn quá khó khăn, điệp khúc “trúng mùa rớt giá”, khi có giá không có hàng hoặc hàng bị trả về cảng nhà lặng lẻ? Đến đây cũng thấy trở lại vấn đề tổ chức sản xuất – tiêu thụ sản phẩm -  là quan hệ sản xuất, thuộc về chủ quan nên không làm cho các FTA được ký có chất lượng cao hơn cái giá của bản thân ta có. Vì: “Có bột mới gột nên hồ”!

Thấy rõ vai trò doanh nghiệp đối với nông dân, Thủ tướng Chánh phủ có Quyết định 80/2002/QĐ - TTg  ngày 24-6-2002 về khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; ở An giang có “Đề án Tổ chức lại sản xuất” với nội dung “Liên kết bốn nhà” cũng vào thời điểm đó, nhưng do mới mẻ, chưa xác lập thiết chế - cơ chế vận hành mô hình ấy nên chưa đi đến thành công như mong đợi. NNCNC là cốt lõi của nông nghiệp hiện đại, là cái bên trong chiếc thuyền chớ không phải là chiếc thuyền (thiết chế) đưa nông sản đi dự hội chợ. Ở các nước thị trường tự do, có văn minh kinh tế, họ không nói nhưng sự liên kết của họ là tự nhiên, tôn trọng đầy đủ các qui luật kinh tế thị trường, làm tăng chuổi giá trị sản xuất, tạo được niềm tin và ổn định thị trường, kể cả thị trường ngoài nước. Ở ta, thị  trường còn nhiều nét “đặc thù” nên hội nhập thị trường thế giới rất khó khăn mà ngành ngoại thương đang nổ lực vận động để được công nhận “Việt Nam có kinh tế thị trường đầy đủ”; ngay như với thị trường Trung Quốc, so với ta có nhiều tương đồng, nếu không nói rất giống nhau về thể chế - cơ chế và cung cách vận hành mà còn chưa thông suốt và cũng không ổn định nữa là. Vậy tại sao? 

Mổi giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội bao giờ cũng có nhân vật – thành phần trung tâm chi phối. Trong chế độ phong kiến, có một thời gian dài thành phần địa chủ có vai trò nhất định, trong cách mạng dân tộc - dân chủ có vai trò công-nông-trí thức, trong kinh tế thị trường có vai trò tư sản dân tộc. Nhà nước quản lý kinh tế bằng pháp luật và chế tài luật pháp chớ không trực tiếp làm kinh tế như ta lâu nay. Ta đang làm kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế nhưng thành phần doanh nghiệp tư nhân đang thiếu và rất yếu nên hội nhập rất khó khăn, hệ thống chánh trị nhà nước quá đông, tưởng mạnh nhưng thật ra là quá yếu so yêu cầu. Cụ thể như: Luật đất đai 2.003 phải có đến 700 văn bản pháp qui hướng dẫn mà nông dân và doanh nghiệp vẫn còn lướng vướng, chưa  an tâm; luật đất đai 2013 nầy cũng đang tồn tại những vấn đề cốt lõi về “sở hữu” và quyền định đoạt giá trị  đất của chủ sử dụng theo cơ chế thị trường; Bộ Công thương đi tiên phong trong 2 năm đã cắt giảm và đơn giản hóa tới 306 thủ tục (trong đó cắt giảm 64 thủ tục, đơn giản hóa 242 thủ tục) trong tổng số 891 thủ tục hiện có của Bộ tại thời điểm hai năm 2016 – 2017, vậy mà sản xuất và thị trường vẫn chưa chuyển động đáng kể; còn bao nhiêu Bộ - ngành khác tồn tại bao nhiêu rào cản tương tự như hai bộ vừa nêu bao lâu nay đã trở thành “xiềng xích” của thị trường vẫn chưa được tháo gở, chưa báo cáo lên nên Thủ tướng và Chủ nhiệm Văn phòng Chánh phủ liên tục đôn đốc, nhắc nhở nhưng vẫn thấy êm ru!

 Hệ thống Chánh trị - Nhà nước đông, nhiều tầng nấc đến mức chồng chéo chức năng, dẫm đạp nhiệm vụ lẫn nhau, kém hiệu lực -   hiệu quả; chưa từng giảm được tổ chức – biên chế bộ máy như từng có nghị quyết ở cấp cao nhất;  ngân sách không kham nổi chi thường xuyên đồng nghĩa với làm tăng “giá thành dịch vụ hành chánh công” vào hàng cao nhất so các nước. Không có giá thành hàng hóa nào cao, kể cả giá thành dịch vụ hành chánh công mà không làm cho sản xuất kém tính cạnh tranh. Ngay như cơ sở hạ tầng giao thông – Logistics kém cũng đã làm cho giá thành và chất lượng nông sản của ta không cạnh tranh nổi với Thái Lan là rõ nhất như hiện nay. Tất cả như góp vào, làm cho thị trường không được tự do như các nước khác. Trong khi đó ta hội nhập vào thị trường tự do nên thua là cái chắc. Nông nghiệp công nghệ cao tự nó không giải quyết được toàn bộ vấn đề giá thành, không làm tăng tính cạnh tranh và niềm tin xã hội – khách hàng đối với chất lượng cao của nó, đặc biệt là không giải quyết được những bất cập thường có trong toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh nói chung.

Nông nghiệp công nghệ cao phải do doanh nghiệp tư nhân trực tiếp  tổ chức sản xuất hoặc hướng dẫn chủ trang trại, nông dân các HTX làm theo qui trình kỷ thuật cụ thể, có hợp đồng pháp lý hẳn hoi. Nông dân không thể “tự sản tự tiêu” với sản lượng lớn theo kiểu mùa vụ, hoặc giao thương với “lái lạ” nhiều may rủi như lâu nay. Nhà nước chỉ tạo hành lang pháp lý, chế tài luật pháp; tổ chức nghiên cứu – ứng dụng khoa học công nghệ có trọng tâm – trọng điểm; xây dựng hạ tầng giao thông – Logistics thông thoáng; xây dựng nền giáo dục theo hướng thực dụng hơn, văn hóa hơn; dùng quyền năng của Nhà nước trừng trị gian thương và cán bộ tham nhũng để cho thị trường được trong sạch vững mạnh là đủ sức cạnh tranh. Mặt khác phải bỏ cách nhìn chăm chăm vào xuất khẩu như lâu nay để đi nhập nông sản Thái, Mỹ, Tàu, Tây...về ăn. Đó mới là cứu cánh kinh tế nói chung, cho nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trong tình hình hiện nay.

 

                               Long Xuyên, ngày 22-7-2018.

                                      Nguyễn Minh Nhị