Ông Bí Thư Tỉnh Ủy
Nguyễn Minh Nhị
Tôi biết hoặc có tiếp xúc 8 đời bí thư Tỉnh ủy An giang (từ 1961 -
2006), nhưng chỉ có một người, khi đương chức tôi không có tình cảm lắm,
thậm chí bị rầy oan về bệnh viện Phú Tân và có lần ông nghe “quân sư”
nào mà cho rằng tôi phủ định người tiền nhiệm lúc tôi làm phó bí thư
Huyện ủy Phú Tân. Và dư luận cán bộ cũng có thì thầm cho rằng ông không
“bén” lắm rồi đặt cho cái tên là “bí thư Thần nông”. Tôi cũng nằm trong
số người “dư luận” đó. Đến khi gặp “trắc trở” và càng về sau tôi càng
thấy ở ông một phẩm chất của người cộng sản – nông dân. Đó là đồng chí
Lê Việt Thắng, tên thật tên Lê Văn Nhung. Ông đang là Phó bí thư khu ủy
khu 8, khi tái lập tỉnh An Giang, giải thể khu, Trung ương đưa ông về
làm Bí thư tỉnh ủy An Giang, Đại hội IV của Đảng năm 1976 ông đắc cử ủy
viên trung ương chánh thức. Bây giờ nghĩ lại ông làm bí thư tỉnh ủy suốt
10 năm của thời kỳ bao cấp; trong cái “cơ chế thép” của thời đó nếu ông
không như vậy thì mới là lạ. Nhưng cái đáng quý ở ông mà nhiều người
lãnh đạo không có, dù cho ở cơ chế cũ - mới gì cũng vậy, đó là sự trong
sạch, trong sáng, vô tư, vì lợi ích cách mạng. Còn “bí thư Thần nông”
lại là vinh dự lớn vì thời ông làm bí thư Tỉnh ủy, An Giang luôn luôn là
tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích, năng suất và sản lượng lúa Thần nông.
Hôm đến thăm ông bị bệnh tai biến mạch máu não nằm liệt giường tại nhà
riêng, tôi kề tai ông báo cáo: “Lúa trúng lắm chú Tư ơi!”. Ông khó khăn
trả lời nhắc lại có vẻ xúc động. Tôi thương và quí ông vô cùng.
Quê ông ở Mỹ Tho - Tiền Giang, một mình lên An Giang công tác đến khi về
hưu cũng về mình không. Vậy mà lúc Văn phòng Tỉnh ủy lo xây dựng nhà cho
ông ở quê để chuẩn bị về hưu cũng có dư luận này nọ, hôm tôi đến thăm
ông, nhìn ngôi nhà cấp 4 của ông mà
ngẩn ngơ. Hình như người Việt có cái thói "nói xấu dần lân":
người mới nói người cũ, đời nay nói đời xưa, phe nầy nói phe kia, đang
sống hoặc làm ăn chung đụng thì để ý theo dõi nhau để nói xấu, hạ bệ
nhau. Trong sạch như ông mà còn bị dư luận thì hèn chi không ít người
chả thèm trong sạch để mà làm gì, tất nhiên phải che giấu.
Hồi tôi làm phó Ban tổ chức Tỉnh ủy, có 4 lần tôi đề xuất được ông lắng
nghe và chuẩn thuận nên nhớ hoài: Lần thứ nhứt là vụ kiện tụng đòi nhà
giữa ông Nguyễn Văn Nỡ (Tám Nỡ) là gia đình có công được Huân chương
kháng chiến hạng nhất, là người thuê nhà tư sản Nhan Thiệu Tống (Ban
Tống) hơn 30 năm, năm 1968 tòa án chế độ cũ xử vụ kiện của con Ban Tống
đòi nhà, ông được kiện vì luật hồi đó có "quyền lưu cư thâm niên" mà tòa
án ta nay xử luật ta ông thua. Sau khi nghe tôi báo cáo và nhấn mạnh:
“Đây không phải là trách nhiệm của tôi, nhưng tôi xin hoàn toàn chịu
trách nhiệm về sự chính xác của sự việc”. Ông trầm ngâm rồi nói: “Nếu
đồng chí nói vậy tôi sẽ chỉ đạo xử lại”. Đúng là ông nói ông làm ngay.
Lần thứ hai là vụ xử cán bộ huyện Phú Tân
mua hàng do tàu Plats của Liên Xô móc nối bán lậu phân bón (viện
trợ cho Campuchia) để phục vụ cho nông dân sản xuất, trong khi ta đang
thiếu phân trầm trọng. Anh em làm sai, nhưng tôi không đồng tình cách
làm của một số cơ quan chức năng tỉnh và chủ trương của Huyện ủy, khi lộ
và bị cấp trên truy thì đem cá nhân ra thí mạng, mà người bị thí mạng là
anh Ba Điệt bạn kháng chiến và cũng là cán bộ dưới quyền tôi một thời
nên tôi biết là người rất trung thực, thẳng thắng. Họ định đem anh ra
làm “vật tế thần” để có công chống tiêu cực, ông Tám Thu cán bộ chấp
pháp công an tỉnh làm việc với anh như với tên tội phạm, bị anh phản ứng
không có tiền lệ - nông dân mà, đừng chê họ dốt mà đè. Ông cũng nghe và
thu xếp êm luôn. Hai lần sau là đề bạt cán bộ và giới thiệu đại biểu
HĐND tỉnh, một người là trung úy - bác sĩ chế độ cũ làm giám đốc bệnh
viện huyện Tân Châu và một cán bộ ngành tỉnh ứng cử HĐND tỉnh, cả hai
đều chưa phải đảng viên, là những người tốt
nhưng lý lịch thì cũng có
một vài điểm “không vô cửa” của bảo vệ chính trị, tất nhiên là
khó rồi, nhưng sau khi nghe tôi báo cáo và "xin lấy sinh mạng chính trị
của tôi để bảo đảm" cho đề xuất này thì ông chấp thuận ngay. Những cán
bộ ấy đến giờ này vẫn tốt, vẫn phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân thuộc
loại cốt cán. Đó là điều làm cho tôi hạnh phúc và càng quí mến đồng chí
Bí thư Tỉnh ủy của mình, bởi ông lo vun quén cho sự nghiệp trồng người
cho cách mạng chớ không vun quén cho gốc rễ dưới chân mình. Còn xử lý
công việc có liên quan đến nội chính, bây giờ đổi mới hơn 20 năm mà chưa
thấy có vụ việc nào giải quyết ráo rẽ như ông. Ông đã nêu tấm gương "học
và làm theo" đạo đức Bác Hồ một cách thật sự và có thực chất hơn bây giờ
nhiều.
Cuối tháng 12 năm 1976, anh Tư Đào mua nhà để ở, vì cha mẹ già không nơi
nương tựa do chạy giặc liên miên suốt hai mùa kháng chiến, ở đậu Nhà in
tỉnh chật chội, nóng bức, vợ tôi lại mới vừa sanh Minh Tú về ở với ba
má, anh chị nên càng chật chội hơn. Chị Năm Kiểm đi dọ nhà và bàn việc
mua nhà, ngã giá. Anh Tư và tôi góp tiền truy lảnh lương mới mua nổi,
cho dù phải mua nhà cây tạm bợ, nơi hẻo lánh bùn lầy chỉ có đường mòn.
Nơi đây còn là cánh đồng bỏ hóa, cỏ cây rậm rạp, lưa thưa vài ba cái nhà
mà theo Chánh Tháo – bạn của tôi nói: Trước năm 1975 trời
xế chiều là cảnh sát còn không dám bén mảng. Mặc dù lúc nầy nhà
cửa nhà nước tịch thu quản lý cũng còn nhiều, chưa phân hết cho cán bộ,
nhưng vì ba tôi không muốn và chúng tôi cũng muốn tự lo. Lúc anh Tư Đào
về làm chánh văn phòng Tỉnh ủy, một hôm ông đến thăm và không hài lòng,
kêu anh em tôi ra mặt tiền ở. Ý ông ngại vấn đề an ninh, sự thật thì
chúng tôi cũng sợ, mấy đêm đầu mới về, tôi và anh tôi thay phiên nhau
thức gác mới yên tâm và quen dần.
Ông quan tâm lo cho cán bộ một cách trong sáng, chân tình. Mô hình "Ban
Bảo vệ sức khỏe cán bộ của tỉnh" tương đối hoàn chỉnh ra đời đầu tiên ở
An Giang những năm 1985 được toàn quốc rút kinh nghiệm là từ sự đề xuất
của bác sĩ Lư Đình và tôi, thông qua Ban tổ chức Tỉnh ủy, nhưng ông là
người quyết định.
N.M.N
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 7-2-21 |