ĐÔI ĐIỀU VỀ CÔNG TÁC TUYÊN – GIÁO CỦA ĐẢNG

Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo

 

Nguyễn Minh Đào

    

 

 

Tháng 10 năm 1986 tôi làm bí thư Thị ủy Châu Đốc, được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu vào Ban thường vụ Tỉnh ủy nhận quyết định điều động về tỉnh làm trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Sau đó, Ban Khoa giáo và Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng hợp nhất  Ban Tuyên huấn thành Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Tôi không qua đào tạo cơ bản về lý luận chánh trị, nhận nhiệm vụ này tôi không khỏi băng khoăn, nhưng không thể từ chối.

     Còn nhớ, Đại hội lần thứ VI của Đảng tháng 12 năm 1986 đề ra đường lối đổi mới, khi cùng đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh dự đại hội về, tôi phấn khởi bắt tay hoạch định chương trình hành động đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng tỉnh nhà, với quyết tâm làm được điều gì đó góp phần đưa công tác tư tưởng tỉnh nhà chuyển biến theo kịp xu thế đổi mới của đất nước.

     Những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, tình hình quốc tế diển biến phức tạp. Các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội trầm trọng tìm lối thoát bằng những con đường với những tên gọi “cải tổ”, “cải cách”, “đổi mới”… không ai giống ai. Hệ quả cuối cùng là sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, cái giá phải trả cho chuỗi sai lầm chết người trong đường lối, chánh sách cầm quyền.

     Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới, song trên từng lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, bước đi và cách làm như thế nào có hiệu quả, không chệch hướng, tất cả còn ở phía trước! Trong khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới tan rã ảnh hưởng không ít tinh thần – tư tưởng cán bộ, đảng viên và quần chúng nước ta, niềm tin sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đất nước giãm sút, nghĩ rằng Liên Xô là thành trì cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới còn sụp đổ, rồi đây sẽ tác động dây chuyền đến Việt Nam sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian! 

     Công tác tư tưởng của Đảng nói chung, Đảng bộ An Giang nói riêng những năm tháng ấy đầy khó khăn, thách thức! Phải nói gì, làm gì để giử vững niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin ở tương lai dân tộc đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ, đòi hỏi cơ quan và người làm công tác tư tưởng, cũng như các cấp ủy đảng và người lãnh đạo từ trung ương đến địa phương phải tìm cho ra lời giải… Và, lời giải ấy đã biểu hiện trong đường lối, chánh sách của Đảng và Nhà nước, từng bước tháo gở khó khăn thách thức, đưa đất nước phát triễn như ngày nay.

     Đã qua rồi những tháng năm sóng gió ấy, mới thấy bản lĩnh lãnh đạo tuyệt vời của Đảng và sức chiến đấu kỳ vĩ của Dân tộc ta. Ngày nay, vị thế Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế, sự ổn định chính trị - xã hội, cùng chánh sách đối ngoại rộng mở, sự thân thiện của người Việt Nam và thắng lợi trong “cuộc chiến” chống dịch Covid 19 được bạn bè thế giới mến mộ, hướng đến Việt Nam là một đất nước đáng sống.

     Giáo dục là một trong hai chức năng chủ yếu ngành Tuyên giáo của Đảng. Dân ta có câu “Dạy con dạy thuở còn thơ…”. Cha mẹ muốn con nên người phải chăm lo dạy con ngay từ thuở còn thơ. Đó là chuyện gia đình, suy rộng ra đối với một dân tộc cũng vậy, muốn dân tộc cường thịnh phải lấy giáo dục làm đầu, ngay từ khi con người còn thơ ấu. Đảng và Nhà nước ta nhận rõ điều đó, nên xem giáo dục là quốc sách. Thế nhưng, thực trạng nền giáo dục nước nhà có nhiều điều để nói.  

     Ngày nay, đời sống xã hội ta bất an, tội ác lộng hành, đạo đức suy đồi, những giá trị truyền thống gia đình Việt Nam bị hủy hoại, tệ tham nhũng, lãng phí đang là căn bệnh mãn tính làm nghèo đất nước…! Tất cả phải chăng bắt nguồn từ lổ hỏng “trồng người” của ngành giáo dục! Các trường phổ thông ngày nay đều treo khẩu hiệu nơi trang trọng “Tiên học lể, hậu học văn”. Khẩu hiệu nầy tôi thấy ở trường học từ thời tôi học vở lòng, nhưng không biết các thầy cô giáo ngày nay dạy học trò chử “lể” thế nào, chứ ngày xưa các thầy cô giáo dạy học trò chử “lể” rất cụ thể, như: Ở nhà phải vâng lời cha mẹ, ông bà, đi phải thưa, về phải trình, gọi dạ bảo vâng, ra đường gặp người lớn tuổi hay đám ma phải nhường đường, giở nón cuối đầu; với bạn trang lứa không được xưng hô mầy tao, mi tớ, không được gây gổ, đánh lộn v.v…

     Tôi nghĩ, đó là tinh hoa của nền giáo dục nước nhà ngày xưa nhưng ta phủ nhận, xem đó là “phong kiến”, là “cổ hủ”… Trong thời gian dài nhiều thập niên qua, nền giáo dục nước nhà từ nhà trường, gia đình và xã hội buông lõng giáo dục làm người, gây ảnh hưởng xấu, nếu không muốn nói làm hỏng một bộ phận thế hệ con người ngày nay! Có lần tôi nghe một vị đại biểu phát biểu trong Quốc hội rằng: “…Tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong bệnh viện, các vụ thảm án giết nhiều người và còn nhiều những câu chuyện động trời khác…, cử tri lo lắng và tâm tư rằng:“Ước gì đời sống kinh tế vật chất được như hiện nay, còn đạo đức xã hội lại được như ngày xưa”.

     Và, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh trong một bài tham luận về giáo dục rằng:  “Đã đến lúc phải rung lên hồi chuông báo động về vấn đề giáo dục nhân cách. Trên thế giới, triết lý giáo dục phổ biến là dạy và học để làm người. Chỉ khi biết “làm người”, nghĩa là có nhân tính, thì mới có thể có cái khác, còn nếu không gây tai họa cho xã hội hoặc chẳng làm được gì cả…”

                                                                        N.M.Đ

 

Tác giả gởi cho viet-studies  ngày 3-8-20