Ổn định và không ổn định ở nước Việt Nam cộng sản,
cơ chế lãnh chúa và loại trừ

 

Nguyễn Khoa

 

Đảng cộng sản cầm quyền tại Việt Nam hiện nay thường xuyên nói là cần thiết phải có sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế xã hội, và cho tới nay họ làm khá tốt điều đó. Lý do này cũng thường xuyên được đưa ra để biện minh cho việc Đảng đàn áp, nặng là bỏ tù, nhẹ là cho ra rìa xã hội, những tiếng nói chỉ trích.

 

Chính trị Việt Nam rất ổn định, theo nghĩa là không có biểu tình thường xuyên trên đường phố, không có các tranh cãi chính trị kéo dài, dẫn tới các bế tắc chẳng hạn như lập chính phủ, đưa ra chính sách,… ở các quốc gia dân chủ.

 

Nhưng liệu sự ổn định chính trị có đảm bảo sự ổn định xã hội hay không?

 

Ổn định chính trị dựa trên hệ thống các lãnh chúa địa phương

 

Đảng Cộng sản Việt Nam, cho tới nay là đảng chính trị Việt Nam duy nhất xây dựng được hệ thống chân rết bao trùm toàn bộ đất nước.

 

Hệ thống này được xây dựng từ khi đảng này mới thành lập, qua cả hai cuộc chiến tranh lớn, 2 cuộc chiến Đông Dương. Thấy rõ nhất là sự thành lập một chính phủ trong bóng tối trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, hay còn gọi là chiến tranh Việt Nam. Tại toàn bộ các địa phương nằm dưới quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Đảng Cộng sản Việt Nam đều có một hệ thống đảng bộ và chính quyền, có nơi họ đủ mạnh tới mức có thể thu thuế, bắt lính. Có nơi họ tạo nên cả một hệ thống hành chánh riêng của mình.

 

Hệ thống chính phủ trong bóng tối này dựa vào những người địa phương là chủ yếu, đôi khi có những nhân vật từ trung ương (tức là từ miền Bắc), được bổ sung vào, nhưng người địa phương là quan trọng hơn, và nắm tình hình địa phương của họ rất chặt chẽ, cả những vấn đề tâm lý, xã hội, phong tục,... và hoạt động rất hữu hiệu. Có thể nói không ngoa là hệ thống này hữu hiệu hơn các viên chức hành chánh của Việt Nam Cộng hòa rất nhiều.

 

Sự so sánh này là một vấn đề rất lý thú, tại sao các viên chức hành chánh Việt Nam Cộng hòa, dựa trên cả nền khoa học về hành chánh theo kiểu phương Tây, lại thất bại trước các viên bí thư tỉnh ủy bí mật của Đảng Cộng sản (thật ra thì trường Quốc gia hành chánh tại Sài Gòn chỉ đào tạo được người vào giai đoạn cuối)? Có thể lý do quan trọng là việc sử dụng chủ nghĩa dân tộc rất có hiệu quả của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành công trong việc làm cho dân chúng miền Nam Việt Nam nghĩ rằng Việt Nam Cộng hòa là “ngụy”, nhưng bên cạnh đó, việc thông hiểu địa phương, kể cả những hủ tục, có lẽ cũng đóng vai trò quan trọng, chính phủ trong bóng tối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong chiến tranh gần dân hơn, họ là một cơ cấu từ dưới lên. Hay có thể nói cách khác là thực tế xã hội Việt Nam là một thách thức với những lý tưởng ngoại lai?

 

Sự thách thức này có vẻ cũng vẫn tồn tại đến tận hôm nay.

 

Đã có lúc Việt Nam Cộng hòa khá thành công trong việc triệt hạ chính phủ trong bóng tối này, qua chiến dịch Phượng Hoàng, nhưng có lẽ chiến dịch này cũng dựa trên nguồn tài chánh từ Mỹ nên nó đã không được tiếp tục, trong bối cảnh chung của màn hạ trong cuộc chiến Việt Nam.

 

Việc thông hiểu và nắm giữ chặt chẽ địa phương tiếp tục sau chiến tranh cho đến nay, các vùng được cho là “trắng”, tức là bị đánh sập cơ sở chi bộ, như Gò Công, Long Xuyên,… được xây dựng trở lại nhanh chóng.

 

Các biến động ngoài tầm tay các lãnh chúa

 

Các viên chức cộng sản địa phương đang thực sự quản lý đất nước chính là khoảng 200 ủy viên trung ương, một loại quốc hội de facto, hiện nay.

 

Trong số 200 vị này, có những vị nắm các bộ hay cơ quan trung ương, và các vị trí này thường là sự thương lượng để thỏa mãn sự cân bằng địa phương. Việc thương lượng này ngày càng quan trọng từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa làm ăn buôn bán, để nhằm vào các bộ nhiều lợi lộc như y tế, vận tải, và sau này cả bộ giáo dục, chưa kể hai bộ nhiều lợi lộc nhất là công an và quốc phòng, với nguồn đất đai rẻ mạt, và những ưu đãi chính sách.

 

Hiện thực của một nền kinh tế quốc gia bình thường có những đòi hỏi khác hơn so với một quốc gia áp dụng kinh tế bao cấp. Những vấn đề khác bắt đầu xuất hiện mà các viên bí thư tỉnh ủy không am tường, đó là những vấn đề về an sinh, môi trường,… có tầm mức quốc gia, thậm chí liên quốc gia. Ngoài ra, các viên lãnh chúa được chia chác các bộ nhiều lợi lộc cũng không thể cố vấn cho chính phủ những chính sách có tầm nhìn xa.

 

Có thể đưa ra những sự kiện để minh chứng cho việc các lãnh chúa đã bất lực ra sao trong những năm vừa qua.

 

Chính phủ trung ương và các viên chức địa phương đã thất bại trong cả chính sách môi trường và thực thi các luật lệ môi trường. Hậu quả là đã xảy ra vụ ô nhiễm Formosa vào năm 2016 làm cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung, dẫn đến những cuộc biểu tình lớn có khi đến 10 ngàn người.

 

Trong cuộc biểu tình chống luật đặc khu vào mùa hè năm 2018, có xảy ra việc đốt trụ sở hành chính và đồn công an ở tỉnh Bình Thuận. Đây chính là sự tức giận của dân chúng vùng Bình Thuận (Tuy Phong), vì khu vực này bị ô nhiễm do các nhà máy điện chạy than, phá hủy khu vực nuôi tôm và đánh cá lớn nhất Việt Nam.

 

Nhưng rõ ràng nhất, chính là việc chạy loạn của hơn 1 triệu công nhân để trốn đại dịch covid vừa qua, trong đó các lãnh chúa địa phương đã không biết làm cách nào để chống dịch, mỗi nơi một phách, gây điêu đứng cho hàng triệu người trong một thời gian dài.

 

Với chính sách bán sức lao động rẻ mạt, cộng với đất đai, sau hơn 20 năm công nghiệp hóa, tầng lớp nông dân bỏ quê lên thành làm thợ, không thể sống nỗi qua hơn 1 tháng đóng cửa. Số tiền thu được từ việc bán, cho thuê đất làm khu công nghiệp, chạy vào túi các đại gia như Vingroup, thay vì đi vào ngân sách quốc gia để tái phân phối, giúp đỡ cho những người dễ tổn thương nhất là công nhân, nông dân, buôn bán nhỏ ở thành thị.

 

Giữa đại dịch, lại xảy ra sự kiện công ty Việt Á, móc ngoặc với các lãnh chúa địa phương, và có thể là cả lãnh chúa trung ương (bộ quốc phòng?) để bán bộ xét nghiệm covid dỏm, với giá rất mắc. Có thể nói đây là một vụ nhũng lạm có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

 

Nguyên nhân của sự thất bại của các lãnh chúa cộng sản, nằm chính ở cơ cấu làm cho các lãnh chúa thắng trong cuộc chiến tranh, đó là cơ cấu từ dưới lên, nhưng không thông qua việc tuyển chọn công bằng, mà là do các phe cánh. Trong bối cảnh không có chiến tranh, việc lựa chọn người đi sau của các lãnh chúa thường nhắm vào những người thân tín ít có khả năng hơn người đi trước, tạo nên một sự suy thoái di truyền trầm trọng. Hệ thống đại học Việt Nam, dù tệ nhưng cũng có đào tạo một số nhân lực nào đó, nhưng những thành phần này không đi vào được hệ thống các lãnh chúa như thế.

 

Hệ thống tư pháp vốn nằm dưới cái bóng của Đảng, càng bị suy thoái nặng nề hơn vì bị bắt buộc phải tìm người trong hệ thống lãnh chúa. Có thể bây giờ tình trạng có khá hơn một chút, nhưng cách đây hơn 10 năm, ngay tại thành phố lớn nhất nước là Sài Gòn, rất đông các thẩm phán cấp quận vừa làm việc, vừa đi học bổ túc văn hóa.

 

Đây chính là cơ chế loại trừ của xã hội toàn trị, bắt đầu là hệ thống lý lịch trong tuyển sinh đại học sau năm 1975, với khoảng 14 đối tượng khác nhau. Hiện nay không còn hệ thống đối tượng này nữa, nhưng sự loại trừ có tính chất thể chế vẫn tồn tại. Những thành phần giỏi không có thế lực lãnh chúa bị loại trừ, rất đông người bỏ chạy ra nước ngoài, hoặc tệ hơn, những người phản kháng và chỉ trích thì bị bỏ tù. Cơ chế loại trừ này không hẳn là độc tôn của mô hình cộng sản, mà nó có thể dính tới các xã hội “truyền thống” phi dân chủ, mà Việt Nam là một.

 

Cơ chế lãnh chúa, rất hiển nhiên, tạo điều kiện cho sự nhũng lạm vô phương cứu chữa.

 

Tầng lớp lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có lẽ cũng ý thức được tình trạng suy thoái di truyền của hệ thống lãnh chúa, nên trong những năm gần đây họ đưa ra hai chủ trương là thi tuyển công chức, và luân chuyển cán bộ. Chủ trương đầu được thực hiện đầu voi đuôi chuột, đánh trống bỏ dùi. Chủ trương thứ hai thường chỉ để làm công cụ cho việc đấu đá nội bộ, ví dụ rõ ràng nhất là tại hội nghị trung ương trước đại hội đảng 12, việc luân chuyển cán bộ đã tạo thuận lợi cho ông Nguyễn Phú Trọng loại bỏ ông Nguyễn Tấn Dũng.

 

Để kết luận tôi tạm lấy lịch sử của cuộc chiến tranh lạnh. Trong cuộc đối đầu phương Tây và khối Liên Xô cộng sản, các điệp vụ gián điệp, các cuộc chiến tranh ủy nhiệm hay đem đến phần thắng cho phe cộng sản, nhưng họ chỉ thắng những trận đánh mà không thắng được cuộc chiến tranh vì cơ cấu xã hội chính trị xã hội của họ lạc hậu.

 

Nay nước Việt Nam “cộng sản” vẫn đang giữ vững “ổn định chính trị”, nhưng liệu với cơ chế lãnh chúa và loại trừ, họ có thể giữ vững ổn định và phát triển xã hội?

 

 

 

 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 28-12-21