Giải mã hiện tượng “suy thoái về tư tưởng chính trị”
của đảng viên cộng sản

 

Nguyễn Hữu Đổng

 

Hội nghị trung ương 4 khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam nêu ra những biểu hiện “suy thoái về tư tưởng chính trị” của đảng viên. Câu hỏi đặt ra là các đảng viên nào suy thoái, và thế nào là suy thoái về tư tưởng chính trị? Tác giả bài viết này có một vài phân tích khoa học về lý luận, thực tiễn để Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng, các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam nhận thức đúng đắn hơn về thực chất, sự tác hại của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam; đồng thời đưa ra giải pháp cơ bản xây dựng con đường phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh thế giới hiện nay.

Suy thoái tư tưởng chính trị là gì?

Để hiểu rõ cụm từ này, cần nhận thức các khái niệm “suy thoái” và “tư tưởng”.

Suy thoái được nhận thức là “suy yếu và sút kém dần, có tính chất kéo dài” [1] của một cá nhân, nhóm như lực lượng (đảng phái) về địa vị (hình thức), tổ chức (nguyên tắc) và hoạt động (nội dung).

Tư tưởng được nhìn nhận là “ý tưởng” hoặc “khái niệm mơ hồ hay tưởng tượng” [2] của một “cá nhân, riêng của một người” [3]. Tư tưởng là muốn nói đến ý tưởng của cá nhân chứ không phải của một tập thể (nhóm), đảng phái chính trị. Khi các đảng viên cùng có quan điểm đi theo ý tưởng của một cá nhân trong hoạt động chính trị, tức là đã hình thành nên “chủ nghĩa” - khái niệm nói về “lý luận cơ bản hướng dẫn mọi mặt hoạt động” [4].

Từ các khái niệm nêu trên có thể nhận thấy rằng, xét về hình thức, ‘suy thoái về tư tưởng chính trị’ là một cụm từ (động từ, danh từ, tính từ) chưa khoa học (thiếu tính học thuật), tức khái niệm đã bị “đánh tráo” [5] khác với nghĩa ban đầu (thực chất) của nó. Tức là, trong thực tế chỉ có ‘tư tưởng chính trị bị suy thoái’, hay ý tưởng chính trị của một cá nhân nào đó ngày càng được nhận thấy rõ là không khoa học, chứ không có suy thoái về tư tưởng chính trị một cách chung chung cho nhiều người. Nói cách khác, chỉ có tư tưởng chính trị của một cá nhân bị suy thoái, từ đó dẫn đến tư tưởng chính trị của các cá nhân khác theo tư tưởng đó bị suy thoái. Nhìn nhận và so sánh với trường hợp thay đổi vị trí của các thuật ngữ trong cụm từ ‘tư tưởng chính trị bị suy thoái’ có thể nhận thấy rằng, nếu đặt khái niệm suy thoái vào đằng trước khái niệm tư tưởng chính trị sẽ làm cụm từ tư tưởng chính trị bị suy thoái biến đổi về nội dung, tức bản chất cụm từ (khái niệm) đã bị đánh tráo. Tương tự trong số 71, nếu đặt chữ số 1 vào phía trước chữ số 7 thì số 71 đã bị tráo thành số mới là 17 - số đã bị tráo thành nhỏ hơn số 71.

Do vậy có thể nhận thấy rằng, suy thoái về tư tưởng chính trị được coi là cụm từ, khái niệm ẩn chứa sự thiếu tính khoa học (chưa đúng đắn) về ý tưởng chính trị của C. Mác mà các đảng cộng sản, trong đó có Đảng cộng sản Việt Nam đã lấy đó làm nền tảng lý luận, tức đi theo chủ nghĩa Mác.

 

Tư tưởng chính trị của Mác về chủ nghĩa cộng sản có khoa học?

 

Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Mác đưa ra ý tưởng về xây dựng chủ nghĩa cộng sản - xã hội không còn hiện tượng “người bóc lột người”, tức thế giới “đại đồng”, bằng phương pháp xóa bỏ dần sở hữu tư nhân (tư hữu). Nhưng trong thực tế cho thấy, thế giới không thể có đại đồng, bởi chính Mác đã chỉ ra rằng: “ở trong thời đại chúng ta, mọi sự vật đều tựa hồ như bao hàm mặt đối lập của nó” [6]. Đối lập được nhìn nhận là sự vật, hiện tượng tồn tại “ở phía đối ngược lại” [7] với sự vật, hiện tượng kia.

Trong thế giới tự nhiên và xã hội, hiện tượng đối lập tồn tại một cách khách quan cả trong “vật thể” (hình thức), “phi vật thể” (nội dung) và “thực thể” (tính chất). Đối lập mang tính vật thể là muốn nói đến “vật chất” (mục tiêu - tương lai), tức sự vật mà con người có thể nhìn thấy được bằng giác quan thường; chẳng hạn, con người có thể nhìn thấy cái cây, lá cờ, hay mục tiêu cần đạt được. Đối lập mang tính phi vật thể là muốn nói đến “phi vật chất” (phương pháp - quá khứ), tức hiện tượng mà con người khó có thể nhìn thấy được bằng giác quan thường; chẳng hạn, con người khó có thể nhìn thấy âm thanh, tiếng nói, ý tưởng hay tư tưởng nào đó của con người. Đối lập mang tính thực thể là muốn nói đến “bản chất” (nguyên tắc - hiện tại) cân bằng giữa vật thể và phi vật thể, tức thực thể là sự vật, hiện tượng mà con người có thể hoặc không có thể nhìn, cảm thấy được bằng giác quan thường; chẳng hạn, con người có thể nhìn thấy “Trời”, nhưng khó có thể nhìn thấy “Chúa” của “Chúa Trời”; hoặc con người có thể nhận thấy mục tiêu (vật chất - tương lai), phương pháp (phi vật chất - quá khứ) của tư tưởng chính trị nào đó, nhưng khó có thể nhận thấy nguyên tắc (hiện tại) - bản chất (thực chất) của tư tưởng đó.

Từ các ý tưởng của Mác và phân tích nêu trên cho thấy rằng, về thực chất, chủ nghĩa cộng sản là tư tưởng có các khiếm khuyết căn bản cả về lý luận và thực tiễn. Đó là, Mác đã chưa phân biệt rõ vị trí, vai trò của lý luận về giá trị quá khứ (phi vật thể - phi vật chất) và lý luận về giá trị tương lai (vật thể - vật chất); chưa xác định rõ vị trí, vai trò “trung gian” (ở giữa) của thực tiễn (thực thể - thực chất) trong mối quan hệ với lý luận quá khứ, tương lai. Sai lầm về xác định vị trí, vai trò giữa lý luận, thực tiễn như vậy trong tư tưởng xây dựng chủ nghĩa cộng sản là do Mác đã chưa luận chứng tư tưởng đó một cách thấu đáo trên cơ sở khoa học công nghệ. Chủ nghĩa cộng sản chỉ là mục tiêu, phương pháp thực hiện mà Mác mới nêu ra ý tưởng ban đầu trong thời kỳ khoa học công nghệ thông tin trên thế giới chưa phát triển, tức là Mác đã chưa chỉ ra được nguyên tắc cân bằng (công bằng) giữa các cá nhân (nhóm) và cộng đồng (nhiều nhóm) của chủ nghĩa cộng sản. Nói cách khác, hiện tượng người bóc lột người, tức hiện tượng nhà tư bản ăn cướp giá trị “sức lao động” tương lai (vật chất) - lao động tạo ra giá trị thặng dư, đã không được Mác luận giải trên cơ sở giá trị sức lao động quá khứ (phi vật chất) - lao động tạo ra giá trị quá khứ, mà chỉ luận giải dựa trên cơ sở giá trị sức lao động hiện tại (thực chất - lao động sống) của con người. Đây không phải là lỗi của Mác, mà là do ý tưởng tốt đẹp của Mác về mục tiêu chủ nghĩa cộng sản, nhưng đã không được luận chứng trên cơ sở khoa học phát triển cao (công nghệ thông tin - hiện tượng phi vật chất). Trong bối cảnh đương thời, Mác chưa thể hình dung được thế nào là vật thể, thực thể và phi vật thể, tức vật chất, thực chất và phi vật chất (ý thức). Các nhà lý luận, thực tiễn chính trị không thể coi Mác như một ông “thánh”; Mác là một nhà khoa học chân chính (có thành công - thất bại), chủ yếu đã để lại cho hậu thế cái cẩm nang là phương pháp luận biện chứng trong việc nghiên cứu thế giới xã hội loài người mà thôi.

Sai lầm trong thực hiện Cách mạng tháng Mười để xây dựng chủ nghĩa xã hội của V.I. Lênin ở nước Nga (1917) cũng là do hạn chế về nhận thức của Lênin trong điều kiện khoa học công nghệ thông tin còn kém phát triển lúc bấy giờ. Về thực chất, Cách mạng tháng Mười ở Nga năm 1917 chỉ là cách mạng bằng bạo lực (vật chất) để “cướp” chính quyền từ tay Nga hoàng vào tay những người công nhân, nông dân nhằm xây dựng xã hội mới theo tư tưởng “duy vật” của Mác. Tuy nhiên, Lênin nhận ra sai lầm này ngay sau ba năm cầm quyền, khi đã từng thẳng thắn thừa nhận rằng, “Sai lầm của chúng ta” [8], và chưa kịp cải cách bộ máy nhà nước của mô hình sai lầm thì ông mất. Các nhà lý luận, thực tiễn chính trị ở hậu thế không nên cố bám vào tư tưởng chính trị đã lỗi thời, và cũng đừng đổ lỗi cho Lênin. Lênin là con người chân thực, nhưng do hạn chế của “bộ não” con người mà ai cũng có lúc như vậy, nên sai lầm là khó tránh khỏi. Điều quan trọng là, các nhà lý luận, thực tiễn chính trị của hậu thế ở Việt Nam hiện nay cần phải biết thành tâm sửa chữa sai lầm như Lênin đã làm.

 

Những tác hại về phát triển theo con đường của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam

 

Con đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản hay mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay là không khoa học. Sai lầm nghiêm trọng của Đảng cộng sản Việt Nam về mô hình này là áp dụng chế độ hay thể chế “chuyên chính” trong xây dựng xã hội tốt đẹp: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Sai lầm trong nhận thức về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình này bắt nguồn chủ yếu từ sự giấu “dốt”, hay do kẻ thù là “nạn mù chữ” [9] (thiếu vắng về văn hóa) của nhiều đảng viên, đặc biệt là các đảng viên có trọng trách của đất nước. Chính sự thiếu vắng văn hóa (ý thức - phi vật thể) của các đảng viên đã dẫn đến tác hại vô cùng lớn cho phát triển đất nước.

Tác hại lớn nhất do thiếu văn hóa là đã dẫn đến sự độc đoán, sử dụng bạo lực bằng kinh tế, chính trị (vật chất, tinh thần - vật thể, thực thể) trong đấu tranh giai cấp, điều hành (quản trị) quốc gia. Việc sử dụng bạo lực trong đấu tranh giai cấp đã dẫn đến thủ tiêu tính nhân đạo, tình hữu ái “đồng loại” trong xã hội Việt Nam của nhiều đảng viên, đặc biệt của các đảng viên có chức trách, như cấm đoán việc tự do lập hội, lập đảng chính trị trong xã hội, sử dụng bạo lực để trấn áp các lực lượng, quan điểm, chính kiến mang tính đối lập. Trong khi sự tồn tại lực lượng, chính kiến đối lập, hay sự “phát triển là một cuộc “đấu tranh” giữa các mặt đối lập” [10] có thể được coi là các hiện tượng khách quan cần thiết để hướng tới sự công bằng, bình đẳng xã hội. Tức các lực lượng, chính kiến đối lập là hiện tượng mang tính phổ biến, có vị trí, vai trò quan trọng trong sự phát triển xã hội. Tác giả bài viết này đã từng được nghe, đọc nhiều về các “câu đối” (đối lập trong ngôn từ) vào mỗi dịp đầu xuân “Tết” đến khi còn tuổi thơ, nhưng từ sau năm 1975, thì ở Việt Nam hầu như không còn thấy bóng dáng những câu đối như vậy nữa.

Sự thiếu vắng văn hóa đã dẫn đến sự khiếm khuyết trong nhận thức của các đảng viên về khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội và nhân văn, như triết học, kinh tế, chính trị, pháp luật, xã hội. Hiện nay các khoa học này có nhiều mặt yếu kém do những người có trọng trách của đất nước đã không biết vận dụng sáng tạo các lý thuyết của các bậc tiền bối vào thực tiễn cuộc sống luôn đòi hỏi phải tìm ra những cái mới. Chẳng hạn, như về triết học, trong thế giới loài người không chỉ tồn tại các phi vật chất (ý thức) và vật chất (đạo đức), mà còn tồn tại thực chất (lao động sống - tinh thần) như đã được phân tích ở trên. Ngay tác giả bài viết này có không ít năm làm nghề “trồng người”, đã nhận thấy rằng, có quá nhiều yếu kém của khoa học xã hội ở Việt Nam, mà biểu hiện trọng tâm ở ngành giáo dục đã bị khủng hoảng trong nhiều năm về định hướng phát triển.

Thiếu vắng văn hóa còn đẻ ra căn bệnh “quan liêu”, dẫn đến “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa” và nạn “hối lộ” (tham nhũng) [11]. Đây được coi là ba kẻ thù ứng với mô hình cấu trúc thể trạng sự sống (tồn tại) của con người, hay thể chế để tồn tại quốc gia: tệ quan liêu gắn với “bộ não” (thể chế văn hóa - tương lai) nằm ở phần “đầu”; tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa gắn với “trái tim” (thể chế chính trị - hiện tại) nằm ở phần “ngực”, “cổ” và “đôi tay”; còn nạn tham nhũng gắn với “dạ dày” (thể chế kinh tế - quá khứ) nằm ở phần “bụng” và “đôi chân”.

Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, kẻ thù quan liêu, “chủ nghĩa giáo điều” [12] ở Việt Nam đã làm cho văn hóa ứng xử, quan hệ giữa người với người ngày càng mất đi sự “tử tế”; chẳng hạn, như biểu hiện ở tình trạng nhiều chính sách, pháp luật không phù hợp với thực tiễn cuộc sống của nhân dân trong cộng đồng quốc gia, nhiều công dân, đặc biệt là công chức, viên chức sống thiếu tình người, vô cảm, vô trách nhiệm với đất nước; biểu hiện ở rừng bị tàn phá, sông, biển bị ô nhiễm, thực phẩm bị nhiễm độc, hay thuốc chữa bệnh bị giả dối, người chữa bệnh thiếu trách nhiệm với bệnh nhân, hiện tượng bạo lực trong bệnh viện, trường học và ngoài xã hội. Kẻ thù “kiêu ngạo”, “háo danh” ở Việt Nam làm cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền ngày càng trở nên độc đoán, chuyên quyền, giả dối trong “bằng cấp”, “chức danh”, hay các “danh hiệu thi đua”; biểu hiện ở tình trạng Đảng “điều hành” thay chức năng của Nhà nước, đứng trên pháp luật, Nhà nước thiếu chủ động, làm thay chức năng của xã hội; thể hiện ở các công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền thực hiện công việc quản lý hành chính hách dịch, theo kiểu “hành là chính”, thiên về “cưỡng chế”, coi thường pháp luật. Kẻ thù tham nhũng, lãng phí đang làm cho đất nước cạn kiệt về tài nguyên, khoáng sản; biểu hiện ở nợ công quá cao, chảy máu “đôla”, “chất xám”, kinh tế tăng trưởng chủ yếu chỉ dựa vào tài nguyên, sức lao động của con người; thể hiện ở lòng tin của nhân dân đối với chế độ tụt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

 

Giải pháp nào cho con đường phát triển bền vững ở Việt Nam?

Từ các phân tích nêu trên cho thấy, chủ nghĩa cộng sản và giai đoạn đầu - chủ nghĩa xã hội - chỉ là ý tưởng của Mác chưa được luận giải một cách khoa học, tức chưa dựa trên cơ sở nhận thức đúng đắn từ nguồn gốc của sự sống nói chung, xã hội loài người nói riêng. Theo tác giả bài viết, con đường phát triển ở Việt Nam cần phải tuân theo quy luật tồn tại (sự sống) của con người; tức con đường phát triển cần phải được xây dựng theo mô hình vận động mang tính đối lập của sự sống như sau: vật thể (vật chất - hình thức, mục tiêu) - thực thể (thực chất - bản chất, nguyên tắc) - phi vật thể (phi vật chất - nội dung, phương pháp). Trong mô hình này, vật thể có thể được nhìn nhận như các mục tiêu - tương lai (số ít) biểu hiện của ánh sáng Mặt Trời; phi vật thể có thể được nhìn nhận như các phương pháp - quá khứ (số nhiều) biểu hiện của bóng tối các hành tinh, vệ tinh, thiên thạch trong Vũ Trụ; còn thực thể có thể được nhìn nhận như nguyên tắc - hiện tại (số 0) biểu hiện sự cân bằng của Trái Đất (Tâm linh) nằm “cân xứng” giữa Mặt Trời và các hành tinh, vệ tinh, thiên thạch trong Vũ Trụ. Thực thể (Trái Đất quay tròn) chính là hiện tại (thực thể) - biểu tượng sự sống của con người.

Điều đó có nghĩa, con đường phát triển của Việt Nam nói riêng, thế giới loài người nói chung đều phải tuân theo mô hình nêu trên, tức cần phải coi trọng thể chế, sự cân bằng (công bằng, bình đẳng) trong xã hội. Chẳng hạn, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, muốn đất nước Việt Nam phát triển, cần phải xác định rõ mục tiêu (mục đích) chung vì đất nước “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” [13], tức “độc lập” - “tự do” - “hạnh phúc” [14], xây dựng thể chế quốc gia (phương pháp) cộng hòa theo quy luật (nguyên tắc) cân bằng bởi pháp quyền để tổ chức thực hiện. Trong mô hình con đường phát triển này, mục tiêu được coi là hiện tượng đối lập “nhân quả” (đầu - cuối); phương pháp thực hiện được coi là đối lập “song hành” (phải - trái); còn nguyên tắc cân bằng trong phát triển được coi là đối lập “trung gian” (ở giữa) con đường.

Nói cách khác, con đường phát triển bền vững ở Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào vấn đề hòa giải, hòa hợp, đoàn kết toàn dân, quy tụ trí tuệ của đội ngũ trí thức chân chính vào việc xác định một cách khoa học, đúng đắn các mục tiêu phát triển đất nước, tức phụ thuộc vào việc hoạch định các chính sách, pháp luật đúng đắn thông qua đảng lãnh đạo (tiên phong) thật sự trong Quốc hội do toàn thể nhân dân lựa chọn; xây dựng các phương pháp phát triển tối ưu, tức đề ra các đường lối, quyết định sáng suốt trong tổ chức thực hiện thông qua đảng cầm quyền có “nghệ thuật” (khéo léo) trong Chính phủ phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân; hình thành các nguyên tắc phát triển cân đối, cân bằng, công bằng, tức thiết lập thể chế quốc gia dân chủ cộng hòa, thượng tôn pháp quyền (pháp luật bảo vệ các quyền lợi của nhân dân), nhằm bảo vệ công lý - quyền con người (nhân quyền) trong quá trình phát triển.

……………..

[1], [3], [4], [7] Viện Ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, tr. 876, 1070, 174, 338.

[2] Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện Ngôn ngữ học, Từ Điển Anh Việt, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh 1993, tr. 830.

[5] Xem: http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenHDong_KhaiNiemDanhTrao.html

[6] C. Mác và Ph. Ăngghen (1993), Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.40.

[8], [9], [11] V.I.Lênin, Toàn tập,  t. 44, Nxb Tiến bộ, M, 1977, tr. 196, 217.

[10] V.I.Lênin, Sđd, t. 29, tr. 379.

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 10, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 201.

[13] BCH Trung ương ĐCSVN, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội - 1989, tr. 50.

[14] http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/hanh-phuc-la-gi.html

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 25-10-17