NGHĨ VỀ TRẦN NHÂN TÔNG VÀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH “LUẬT ĐOÀN KẾT DÂN TỘC”
Ngô Tự Lập
Trần Nhân Tông (1258 –1308) rất gần với hình mẫu nhà lãnh đạo lý tưởng của Platon. Không chỉ là một vị minh quân, một vị anh hùng trong chiến tranh và nhà kiến tạo trong hòa bình, Trần Nhân Tông còn là sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là một trong những đại diện xuất sắc nhất của truyền thống tư tưởng Việt Nam mà trong một bài viết «Cội nguồn ngôn ngữ học của đặc điểm tư duy người Việt” chúng tôi đã định danh bằng thuật ngữ «Thực tiễn luận cộng đồng”. Ở Trần Nhân Tông, truyền thống ấy có thể gọi là “Thực tiễn luận Thiền tông”, một hệ thống triết lý được Trần Nhân Tông trình bày đặc biệt súc tích trong Cư trần lạc đạo: sống giữa phàm trần mà vui với đạo, thuận theo hoàn cảnh mà làm, tìm giác ngộ ở chính tâm mình. Việc nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của ông cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Tuy nhiên, đó là chủ đề của một nghiên cứu lớn hơn. Trong bài báo này, chúng tôi chỉ đề cập đến một vấn đề không mới, nhưng cũng chưa được xử lý một cách thích đáng, và vì thế đang trở thành một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển đất nước: vấn đề đại đoàn kết dân tộc. Xin nhắc lại một vài quyết định của Trần Nhân Tông mà ai cũng biết: Trần Nhân Tông vừa lên ngôi thì Hốt Tất Liệt đã phái sứ bộ do Sài Thung cầm đầu đến nước ta gây sự. Trước nguy cơ xâm lược của ngoại bang, Trần Nhân Tông đã buộc phải trực tiếp lãnh đạo không phải một mà hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Là người am tường giới luật của nhà Phật, cách làm của Trần Nhân Tông thật độc đáo, vô cùng hiếm hoi không chỉ trong lịch sử Việt Nam, mà cả trong lịch sử thế giới: nhà vua tổ chức “trưng cầu quân ý” (Hội nghị Bình Than) và “trưng cầu dân ý” (Hội nghị Diên Hồng). Có thể nói, bằng cách đó, ông giải quyết được một vấn đề mang tính nguyên tắc: cuộc kháng chiến vệ quốc là thuận theo ý của quân dân, theo đó, nhà vua chấp nhận hy sinh mạng sống trăm người để cứu lấy mạng sống muôn người. Tuy nhiên, có một mục đích khác không kém phần quan trọng, đó là củng cố tinh thần, tạo dựng sự đoàn kết toàn dân. Chúng ta có thể khẳng định điều này một cách chắc chắn nếu liên hệ với hàng loạt biện pháp khác như dân xá cho dân chúng, điều động và thăng chức cho các tướng, tha tội cho Trần Khánh Dư, củng cố quan hệ hữu hảo với Chiêm Thành… Chính khối đoàn kết toàn dân là điều kiện quyết định đối với hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Trần Nhân Tông cũng thể hiện không kém phần độc đáo trong sự nghiệp kiến thiết đất nước thời bình. Sau khi đánh đuổi ngoại xâm, Trần Nhân Tông không chỉ đưa ra những quyết sách an dân thông thường như giảm tô thuế và tạp dịch, ban thưởng cho người có công, ban hành lệnh đại xá…, mà còn có những quyết định vô cùng hiếm gặp ở những nhà lãnh đạo khác. Một trong những quyết định đó là ra lệnh đốt tất cả các giấy tờ liên quan đến những người từng phản bội. Bằng cách xóa bỏ những tội lỗi của một số thần dân trong quá khứ, giúp họ hòa nhập vào một tương lai chung của dân tộc, Trần Nhân Tông đưa ra một thông điệp vĩ đại của lòng khoan dung. Đã rất nhiều đêm tôi nghĩ về thông điệp đó. Sau một thời gian ngắn ngủi tương đối yên ổn, hiện nay đất nước ta lại phải đối mặt với vô số hiểm họa. Hiểm họa xâm lăng của ngoài bang chưa thể nói là đã được loại trừ, nhưng hiểm họa nhân tâm có lẽ còn đáng lo ngại hơn. Trong xây dựng, có lẽ còn hơn cả trong chiến tranh, chúng ta cần phải có những chiến lược, sách lược tỉnh táo và thông minh cả trong đối nội lẫn đối ngoại. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với những chiến công hiển hách, trong đó có những chiến công của Trần Nhân Tông, dạy chúng ta rằng sự phát triển và thịnh vượng của đất nước trong mọi lĩnh vực, như kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị, xã hội và quốc phòng chỉ có thể có được nếu dựa trên một nền tảng sâu xa, vững chắc, đó là sự đoàn kết của toàn dân tộc. Vì thế, tôi nghĩ đã đến lúc Quốc hội phải nhanh chóng ban hành Luật Đoàn kết dân tộc. Tại sao phải ban hành Luật đoàn kết dân tộc trong khi chúng ta đã có một số chính sách ít nhiều liên quan đến vấn đề này? Chúng ta cần Luật Đoàn kết dân tộc do tính chính danh của nó. Mặc dù Quốc hội ở đâu cũng do một hay một vài chính đảng cụ thể chiếm đa số, tiếng nói của Quốc hội, thể hiện qua Hiến pháp và Luật, vẫn được coi là tiếng nói của người dân, là ý chí của dân tộc, chứ không phải là tiếng nói của một đảng hay một phe phái cụ thể. Các chính đảng có thể cầm quyền dài hay ngắn, nhưng giá trị của Luật, với tư cách là ý chí của dân tộc, không phụ thuộc vào độ dài thời gian cầm quyền của các chính đảng. Cũng cần phải lưu ý rằng Luật Đoàn kết dân tộc không phải là nhằm thu hút Việt Kiều. Luật Đoàn kết dân tộc cần thiết ngay cả khi không có Việt Kiều. Luật Đoàn kết dân tộc cũng không phải là một sách lược vụ lợi ngắn hạn, mà phải là ý chí đoàn kết lâu dài và cao thượng của dân tộc. Nếu không thể hiện được tinh thần và các giá trị cao thượng mà mọi người Việt Nam đều chấp nhận và trân trọng, thì chính sách không thể đoàn kết được người dân, dù ở trong nước hay ngoài nước, thậm chí ngay cả những người đang tham gia bộ máy cầm quyền. Mặc dù được gọi tên bằng những cách khác nhau, Luật Đoàn kết dân tộc chính là cách mà cha ông ta nhiều lần sử dụng như là kế sâu rễ bền gốc, là nền tảng của sức mạnh quốc gia. Luật Đoàn kết dân tộc phải như thế nào? Tất nhiên, việc xây dựng luật phải do một tập thể bao gồm các chuyên gia và những nhà hoạch định chính sách có thẩm quyền thực hiện, nhưng chắc chắn nó phải được xác lập trên nguyên tắc nền tảng: Thượng tôn lợi ích dân tộc. Nói cách khác, phải đặt lợi ích dân tộc lên trên mọi lợi ích nhóm, phe phái, giai cấp, tôn giáo, ý thức… Trên cơ sở nguyên tắc cơ bản này, Luật sẽ quy định quyền và nghĩa vụ của mọi người Việt Nam (dĩ nhiên cần phải định nghĩa) trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Luật cũng sẽ mở đường cho việc đánh giá công bằng mọi đóng góp của mọi cá nhân trong mọi lĩnh vực, từ văn hóa, nghệ thuật, khoa học đến kinh tế và quân sự, ngay cả trong trường hợp các cá nhân có quan điểm đối địch lẫn nhau, trong quá khứ cũng như tương lai. Bởi vì, nói cho cùng, tất cả những con người ấy đều là người Việt, và tất cả những gì đã diễn ra đều là lịch sử Việt Nam. Với một quan điểm thực sự cao thượng và thượng tôn lợi ích dân tộc như vậy, Luật đoàn kết dân tộc đương nhiên cũng sẽ là luật hòa giải dân tộc. Cũng xin nói rằng việc tôn vinh công lao của những người khác chính kiến, thậm chí của người từng kẻ thù, không có gì là quá mới mẻ hay mâu thuẫn, mà là truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Sĩ Nhiếp, viên quan cai trị do Trung Quốc phái đến, chẳng hạn, thậm chí được tôn vinh là “Nam Bang học tổ”. Gần đây, nhiều nhân vật lịch sử như Alexandre de Rhodes, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… cũng đã được đánh giá lại. Trong lịch sử hiện đại, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước đây, cũng như Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay, đã tiếp nhận và trọng dụng nhiều quan chức, hàng binh của chế độ cũ. Chúng ta cũng đã hòa giải và kết bạn với Pháp, Nhật, Mỹ và cả Trung Quốc. Trong số những người có công với nước, tôi muốn nhắc đến trường hợp các quân nhân của quân đội Sài Gòn đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. Rất nhiều người, trong đó có cá nhân tôi, tin rằng chúng ta nên sớm tôn vinh họ như những liệt sĩ quên mình vì nước. Cũng xin nhắc lại: gần đây, chúng ta cũng hoan nghênh nhiệt liệt sự trở về và góp sức xây dựng đất nước của cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, tướng Nguyễn Cao Kỳ, một trong những người chỉ huy cao nhất của những người lính ấy. Cá nhân tôi nghĩ rằng do nhiều lý do lịch sử, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội để có một Luật đoàn kết dân tộc ngay sau năm 1975. Mặc dù đáng tiếc, chúng ta cũng không thể thay đổi quá khứ. Nhưng bắt đầu bây giờ cũng vẫn là một yêu cầu cấp bách. Tôi thức sự tin rằng nếu được quốc hội thông qua, Luật đoàn kết dân tộc sẽ là khởi đầu cho một mùa xuân mới của đất nước trong đoàn kết và thịnh vượng. Ngô Tự Lập
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 26-1-17 |