Caitoday
Nghi án’ vũ khí: Từ ‘25% lại quả’ đến vụ McDermott Will & Emery
Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today News -Ngay trước thềm khai mạc Hội nghị thượng đỉnh
kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, Việt Nam vào ngày
10/11/2017, đài VOA đã tung ra một phát hiện mới về các chiến dịch vận
động hành lang có dấu hiệu khuất tất của chính quyền Việt Nam ngay tại
Hoa Kỳ.
Theo đó, chi nhánh tại Mỹ của Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) chi
khoảng 40 nghìn đôla (hơn 900 triệu đồng) một tháng cho nỗ lực vận động
về quốc phòng và vũ khí tại Washington.
Theo nội dung của bản hợp đồng ký hai tháng trước chuyến thăm Việt Nam
của Tổng thống Mỹ Donald Trump mà VOA Việt Ngữ có trong tay, VTA Telecom
Corporation, chi nhánh tại Hoa Kỳ của Viettel, đã thuê công ty McDermott
Will & Emery vận động nhánh hành pháp và lập pháp của Hoa Kỳ về “các vấn
đề liên quan tới an ninh quốc gia và quốc phòng của Việt Nam”.
“McDermott tìm cách tận dụng quyết định gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ về
việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ giao
thương quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”, văn bản ký hôm 6/9 có đoạn.
Hợp đồng kéo dài tới cuối tháng Hai năm 2018 cho biết McDermott có kế
hoạch gặp gỡ và vận động các thành viên quốc hội cũng như các quan chức
quốc phòng, thương mại và ngoại giao Hoa Kỳ.
Phát hiện của đài VOA là rất đáng chú ý, vì cho thấy một gương mặt hoàn
toàn khác của một số doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang Việt Nam có
hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.
Bởi theo tài liệu đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ, VTA Telecom Corporation chỉ
là một doanh nghiệp kinh doanh thuần túy với chức năng “hỗ trợ việc sản
xuất thiết bị và các dịch vụ viễn thông của Viettel”, vốn được coi là
“nhà cung cấp viễn thông lớn nhất ở Việt Nam”, “sản xuất cả thiết bị dân
sự và quân sự”.
Nhưng với hoạt động VTA Telecom Corporation thuê công ty McDermott Will
& Emery, Viettel đã lộ ra như một “doanh nghiệp bình phong” của Bộ Quốc
phòng Việt Nam.
“Doanh nghiệp bình phong” là một thuật ngữ đặc trưng của ngành tình báo
Việt Nam, đặc biệt được sử dụng trong khối các đơn vị thuộc Tổng cục 5
(Tổng cục tình báo – Bộ Công an), và Tổng cục 2 (Tổng cục tình báo – Bộ
Quốc phòng).
Vào đầu năm 2017, một tập đoàn kinh tế tư nhân có tên là Sun Group với
tổng giám đốc là ông Phan Văn Anh Vũ đã bị một nguồn nặc danh tung lên
mạng xã hội một số tài liệu, tố cáo Sun Group là “doanh nghiệp bình
phong” của Tổng cục 5 Bộ Công an, còn ông Phan Văn Anh Vũ là một sỹ quan
tình báo công an và thường mang súng ngắn đi “làm ăn”.
Nhưng vì sao lại có chuyện Bộ Quốc phòng Việt Nam phải tìm cách vận động
người Mỹ cả trên phương diện vận động hành lang để có được hợp đồng mua
bán vũ khí?
Vào tháng Năm 2016, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama đã bất
ngờ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam
– một món quà quá lớn đối với Hà Nội trong tình trạng chính thể Việt Nam
vẫn đều đặn gia tăng các vụ đàn áp nhân quyền.
Tuy nhiên, tuyên bố là một việc, còn thực tế có triển khai dỡ bỏ hay
không là một việc khác. Bởi sau tuyên bố của Hành pháp Obama, công việc
còn lại tùy thuộc vào Quốc hội Mỹ, trong đó có Ủy ban Quân vụ do Thượng
nghị sĩ John McCain phụ trách.
Từ cuối năm 2016 đến nay, một số nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng về vấn đề Mỹ
bán vụ khí sát thương cho Việt Nam và yêu cầu Quốc hội Mỹ phải duyệt xét
từng món hàng vũ khí chứ không thể bán đại trà cho Việt Nam, đồng thời
việc duyệt xét này phải căn cứ vào một cơ sở quan trọng là việc có cải
thiện nhân quyền hay không của chính quyền Việt Nam.
Đã một năm rưỡi trôi qua kể từ khi Obama tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí sát
thương cho Việt Nam, nhưng một thực tế trần trụi đến giờ là Việt Nam có
vẻ đã chưa mua được một lô hàng vũ khí đáng kể nào từ Mỹ, trong lúc các
vụ bắt bớ người hoạt động nhân quyền tại Việt Nam đã tăng lên khủng
khiếp trong năm 2017. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2017, đã có đến 25 nhà
hoạt động bị công an bắt giam và bị cáo buộc những điều luật vừa mơ hồ
vừa nặng nề như điều 88 (tuyên truyền chống nhà nước), điều 79 (lật đổ
chính quyền)…
Trong khi đó, vào tháng Tám năm 2017, đài VOA lại dẫn lại một phát hiện
độc đáo trong bài viết có tựa đề “Quan chức Việt Nam đòi Mỹ ‘lại quả’ từ
các hợp đồng mua vũ khí”.
Theo đó, một hãng tin tình báo quốc phòng của Anh đã tiết lộ rằng các
quan chức chính phủ Việt Nam yêu cầu các đối tác của Mỹ trả 25% hoa hồng
cho các thương vụ mua bán vũ khí.
Thông tin của Shephard Media trích dẫn một nguồn tin quốc phòng của Mỹ
cho biết các giới chức quốc phòng Việt Nam thông báo cho phái đoàn của
Mỹ ở Hà Nội rằng các thương vụ mua bán vũ khí phải được “lại quả” 1/4
của tổng giá trị. Cũng theo nguồn tin này, cuộc họp đã “đột ngột dừng
lại” sau khi phía Việt Nam đưa ra yêu cầu đó. Nguồn tin quốc phòng Mỹ
cho Shephard Media biết thông tin này tại một Hội nghị và triển lãm
phòng thủ hàng hải IMDEX được tổ chức ở Singapore tháng 5/2017…
Còn giờ đây, vụ VTA Telecom Corporation thuê công ty McDermott Will &
Emery để vận động mua vũ khí cho Việt Nam có thể trở thành một bê bối
không nhỏ về việc Hà Nội đã quen dùng tiền để chi phối một số cơ quan
Mỹ, kể cả CSIS (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở ở
Hoa Kỳ) liên quan đến quan điểm về Biển Đông. |