Phát triển Hợp Tác Xã qua góc nhìn Khai Sáng

 

Nguyễn Trọng Khánh

I. Tổng quan về Khai sáng và phong trào Khai sáng

Khai sáng là gì? Tại sao khai sáng lại liên quan tới vấn đề phát triển Hợp tác xã (HTX)? Sự soi chiếu này có kệch cỡm hay kỳ cục không? Để trả lời những câu hỏi trên, chúng ta cần điểm lại những khái niệm cơ bản về khái sáng và quá trình phát triển HTX tại Việt Nam. Đầu tiên hãy cùng tìm hiểu về khái niệm khai sáng và quá trình phát triển của phong trào khai sáng.

Theo I. Kant người mà trong một chừng mực nào đó có thể coi là “cha đẻ“ của khái niệm khai sáng thì khai sáng là: sự thoát ly của con người ra khỏi tình trạng vị thành niên do chính con người gây ra [1].  Hoặc, khai sáng là ra khỏi trạng thái vị thành niên hay trạng thái chưa trưởng thành do tự mình chuốc lấy [2]. Tình trạng vị thành niên hay chưa trưởng thành ở đây không nói về khía cạnh sinh học hay độ tuổi, mà ở đây là về tư duy, một người nhiều tuổi vẫn có thể ở trong trạng thái chưa trưởng thành do tự mình chuốc lấy như thường. Tình trạng vị thành niên này theo I.Kant là do tự mình chuốc lấy chứ không phải do khách quan, không phải là do thiếu trí tuệ, đầu óc, mà là do thiếu sự dũng cảm, quyết đoán trong việc sử dụng trí tuệ, đầu óc của mình một các độc lập mà không cần tới sự hướng dẫn của người khác. Do vậy trưởng thành là vượt qua sự lười biếng, vượt qua sự thiếu dũng cảm để sử dụng trí tuệ của mình một các độc lập. Hay đó chính là quá trình phản biện, sử dụng tư duy phản biện đối với chính mình và các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Vậy làm thế nào để chứng minh rằng tôi đang sử dụng trí tuệ của mình, hay tôi đang phản biện, cũng theo I.Kant chỉ có cách là anh phải công khai hoá nó ra, có nghĩa là anh phải truyền tải được ý kiến của mình tới những người khác, tới cộng đồng với tư cách là một con người độc lập, một học giả để đưa ra phê phán, phản biện của mình trên cơ sở lập luận rõ ràng, cụ thể, đàng hoàng và công khai. Khi tất cả mọi người công khai hoá ý kiến của mình, phản biện chính mình, phản biện các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống thì khai sáng sẽ tự khắc diễn ra, và con người qua đó sẽ trưởng thành lên. Để có thể tạo ra được môi trường công khai hoá như vậy, cũng theo I.Kant cần phải có tự do ngôn luận, tự do báo chí để người dân có một môi trường tốt hơn để trưởng thành. Có thể nói, khai sáng/trưởng thành là quá trình mà con người tự phản biện mình, phản biện các vấn đề trong cuộc sống để tiến bộ hơn.

Có thể nói, phong trào khai sáng ở Châu Âu (diễn ra chính vào thế kỷ 17 và 18) đã tạo nên những biến chuyển lịch sử hình thành sự phát triển như hiện tại của các nước phương Tây, phong trào này có những đặc điểm như: “Thứ nhất là viện dẫn hay nương tựa vào lý trí chính mình, như Kant nói lý trí là cơ quan thẩm quyền phổ quát để xác định đúng sai, không dựa vào quyền uy kinh thánh hay bậc giáo phụ, vua chúa mà chính đầu óc con người là nguồn ánh sáng tự nhiên, nó là cơ quan tối hậu có thẩm quyền để xác định đúng sai.

Thứ hai là muốn vậy thì con người không chỉ hiểu chính mình mà còn hiểu xung quanh, bởi ánh sáng là ánh sáng phổ quát. Ánh sáng là ngọn đèn để đọc sách do chính mình viết ra. Thậm chí, toàn bộ giới tự nhiên cũng là một cuốn sách, là văn bản, nếu anh là nhà tín ngưỡng thì nó là do thượng đế sáng tạo nên, còn nếu anh không tín ngưỡng thì giới tự nhiên là cuốn sách vĩ đại, là văn bản có nhiều bí mật thì cần phải đọc, vì thế mới ra đời khoa học tự nhiên. Từ đó, con người mới nhận ra rằng tất cả đều là văn bản, cần phải giải mã, cần phải đọc cho nên có sự khao khát hiểu biết, sự dũng cảm vô lượng trong sự tìm tòi, không có gì không mang ra tìm tòi, khám phá. Khi Galileo dùng kính viễn học nhìn lên bầu trời cũng là lúc ông đang đọc văn bản, xem thử văn bản của vũ trụ viết cái gì…

Thứ ba là vấn đề tôn giáo tín ngưỡng. Chúng ta đừng quên rằng châu Âu thời bấy giờ vẫn còn rất nặng nề, phức tạp về tôn giáo. Tôn giáo là nơi duy trì văn minh, văn hóa, xã hội đồng thời cũng gây ra nhiều ách tắc trong tư tưởng. Thế là bắt đầu có phong trào cải cách tôn giáo ở châu Âu, một cuộc xáo trộn ghê gớm. Vấn đề tôn giáo là vũ khí tinh thần của thời đại, và thái độ của khai sáng là đạt tới độ khoan dung tôn giáo. Bao lâu anh vẫn giáo điều, vẫn tin vào một chuyện không cho người khác tin cái khác thì không thể gọi là khai minh. Đặc điểm của khai sáng bên cạnh lý trí và khoa học tự nhiên là khoan dung tôn giáo.

Thứ tư, quan hệ giữa người và người bấy lâu nay là căn cứ vào ý chí của bậc quân vương, luật pháp do hoàng đế ban ra. Bây giờ thì không! Luật pháp là phải dựa vào luật tự nhiên, những gì luật tự nhiên có thì áp dụng vào cuộc sống con người, gọi là “pháp quyền tự nhiên”. Nghĩa là luật pháp có chỗ dựa khách quan mà không còn dựa vào ý chí tùy tiện của ông vua. Cho nên, trong luân lý và trong pháp lý dựa vào pháp quyền tự nhiên, đó cũng là một biến đổi ghê gớm. Tất cả những quan niệm hôm nay về nhà nước pháp quyền là dựa vào thành tựu này của thế kỷ 17 ở châu Âu, thay cho luật pháp tùy tiện của vua chúa bằng luật tự nhiên.

Thứ năm, về mặt xã hội, đời sống từng cá thể thì chủ trương thực sự khai phóng để con người có quyền tự do hành động theo ý của mình. Lần đầu tiên “tự do hành động” trở thành khái niệm của thời đại. Ngày nay với chúng ta thì khái niệm này nó thường quá còn ngày xưa thì vô cùng mới mẻ vì trước đó hành động cái gì cũng phải trong khuôn khổ của thần quyền, pháp quyền bỗng nhiên được giải phóng hoàn toàn.

Thứ sáu, về giáo dục thì sao? Hoàn toàn là một nền giáo dục mới mẻ, một quan niệm sư phạm hoàn toàn mới đó là quan niệm tự do tư tưởng, từ đó mới có thể xây dựng được thế hệ học giả hoàn toàn mới mà như Kant nói là “ngòi bút là thần linh của pháp quyền” và tính công khai. Muốn vậy phải có tự do báo chí và ngôn luận! Không có tự do báo chí và tự do ngôn luận thì đừng có nói nền giáo dục mới, đừng có nói tới tính công khai. Đây cũng là thời kỳ đầu tiên mà báo chí tự do ra đời. Đi kèm với tự do báo chí và tự do ngôn luận sẽ là bảo đảm các dân quyền và nhân quyền thể hiện qua cách mạng Pháp và nhất là cách mạng Mỹ. Phải thừa nhận nhân quyền và dân quyền là phổ quát chứ không phải là dân quyền và nhân quyền hạn hẹp trong chế độ mà nó có giá trị tự thân phải được thừa nhận khắp nơi vì tất cả đều là con người, chứ không phân biệt người Pháp, người Mỹ, người Đức... Mà đã là con người nói chung thì đều được sống theo luật tự nhiên và hưởng những nhân quyền, dân quyền phổ quát. Tư tương này hoàn toàn mới mẻ và là cơ sở hình thành nhà nước hiện đại. Quan niệm về nhà nước hiện đại là sản phẩm của thời đại khai minh này, nó thay đổi hoàn toàn tính và chất chức năng của nhà nước. Thay vì tính chất là “thiên định” (trời quy định) thì nay là do dân bầu lên; thay vì chức năng là cai trị thì chức năng là phục vụ cho cộng đồng, là lợi ích chung, phúc lợi xã hội… Nếu không có phong trào khai sáng, có lẽ, chúng ta còn sống trong chế độ thế quyền rất kinh hoàng.

Tính chất chung của thời kỳ khai sáng này là lạc quan về tương lai, lạc quan về lịch sử, lạc quan về năng lực của con người… tóm lại là lạc quan về sự tiến bộ vô tận của nhân loại. Có thể còn hạn chế này, hạn chế kia nhưng đó chỉ là nhất thời thôi rồi ta sẽ vượt qua và đi lên. Bao trùm 2 thế kỷ này (17, 18) là một niềm lạc quan, hào hứng hướng về tương lai của loài người. Họ tin vào những vấn đề của con người dù khó khăn đến mấy cũng sẽ dần dần được giải quyết. Những văn bản của tự nhiên khó đến mấy, bí hiểm đến mấy dần dần sẽ được giải mã qua con đường khoa học.“ [3]

Xin mượn những tổng kết của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn về những đặc điểm của phong trào Khai sáng để tạm kết cho phần này. Để trao đổi về Khai sáng và phong trào Khai sáng thì còn quá nhiều điều để bàn, người viết chỉ xin giới thiệu sơ qua những điểm quan trọng để có cái nhìn rõ hơn về chủ đề mà chúng ta đang nói tới.

II. Quá trình phát triển HTX ở Việt Nam

Quá trình phát triển HTX ở Việt Nam có thể chia làm các giai đoạn chính là trước "Đổi mới", sau “Đổi mới“ tới nay.

Trước đổi mới, HTX ở Việt Nam phát triển dựa trên sự chỉ đạo thành lập từ chính quyền chứ không xuất phát từ nhu cầu thực sự của người dân. Các HTX thời kỳ này vận hành theo cơ chế chung là kế hoạch hoá tập trung, bao cấp. Mô hình HTX ở thời kỳ này đã tạo ra những hệ quả không nhỏ như: “Tệ nạn tham ô, lãng phí và hư hao tiền vốn ở các HTX tăng lên mức nghiêm trọng.[4]“ hay “Cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, phong trào hợp tác hoá nông nghiệp lâm vào tình trạng bế tắc, những khuyết điểm, yếu kém của mô hình hợp tác hoá kiểu cũ ngày càng bộc lộ rõ, tác động tiêu cực về tâm lý và xã hội trong nông thôn, người lao động không gắn bó với ruộng đất.[5]

Nguyên nhân thất bại của mô hình HTX trong giai đoạn này, theo chủ quan của người viết, là do một số nguyên nhân: i. cơ chế phân chia lợi ích giữa các thành viên trong HTX, theo cơ chế cũ các xã viên sẽ được chia lợi nhuận theo kiểu cào bằng, chứ không dựa vào năng lực hay năng xuất để quyết định, có nghĩa anh làm ít hay làm nhiều đều được hưởng một khoản như nhau; ii. HTX không được thành lập dựa trên cơ sở tự nguyện của người dân, do đó người dân không có động lực thực sự để thúc đẩy phát triển sản xuất. Bộ máy quản lý, giám sát không phải do dân bầu nên dẫn tới sự quan liêu, tham ô tài sản chung gây thiệt hại cho HTX.

Sau “Đổi mới“ cho tới nay, nhìn nhận sự thất bại của mô hình HTX kiểu cũ Chính phủ đã ban hành những cơ chế, chính sách để thay đổi và thúc đẩy sự phát triển HTX theo mô hình HTX kiểu mới điển hình là việc ban hành luật HTX đầu tiên vào năm 1996, sau đó là hai lần sửa đổi bổ sung luật HTX vào các năm 2003 và 2012. Bên cạnh đó Chính phủ cũng chủ trương triển khai và chỉ đạo triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển HTX có thể nói tới chủ trương khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về khu vực nông nghiệp nông thôn, liên kết HTX và doanh nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị phát triển ngành hàng gắn với HTX, hay chủ trương chuyển đổi tất cả các HTX trên cả nước theo luật HTX, ra chỉ tiêu tăng trưởng về số lượng các HTX trong giai đoạn 2016 - 2020.v.v. Sự thay đổi này cũng đã tạo ra được những thay đổi trong quá trình phát triển HTX tại Việt Nam. Mặc dù vậy, thực tế phát triển HTX vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Thực tế cho thấy đa phần các HTX chuyển đổi theo luật HTX 2012 chỉ là chuyển đổi theo hình thức, chuyển đổi cơ cấu hoạt động cho phù hợp chứ về bản chất thì không thay đổi. Phần lớn các lãnh đạo HTX hoặc thành viên HTX khi được hỏi về mục đích thành lập HTX hay lý do gia nhập HTX là gì đều đưa ra câu trả lời: Không biết![6]. Trên thực tế, người nông dân không thực sự hiểu bản chất, vai trò của HTX, người dân vẫn chưa thực sự đặt ra câu hỏi cho mình về việc thành lập hay gia nhập HTX, về vai trò cũng như lợi ích của việc phát triển mô hình HTX tác động như thế nào tới đời sống của họ. Họ thành lập hoặc tham gia HTX vẫn chủ yếu do địa phương vận động thành lập để đảm bảo một số chỉ tiêu về kinh tế - văn hoá – xã hội được đặt ra. Thậm chí có những lãnh đạo HTX thừa nhận việc thành lập HTX chỉ để mang lại lợi nhuận cho ban lãnh đạo, chứ không quan tâm tới nhu cầu thực sự của người dân, không quan tâm tới việc cải thiện chất lượng dịch vụ, hay sự phát triển của HTX. Chính vì vậy, HTX trên thực tế chỉ tăng về số lượng chứ không tăng về chất lượng, các HTX chưa thực sự phát huy đúng vai trò của mình, không có đủ khả năng cạnh tranh, đàm phán với các doanh nghiệp, không có khả năng tự chủ trong hoạt động kinh doanh, những điều này đều xuất phát từ nguyên nhân cơ bản là: người dân không hiểu những việc mình đang làm mà chỉ theo sự hô hào, chỉ đạo của người khác.

III. Phát triển HTX và Khai sáng

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Vậy Khai sáng và phát triển HTX liên quan gì tới nhau?

Như đã nói ở trên quá trình khai sáng tạo ra những con người có khả năng sử dụng trí tuệ của mình một các độc lập mà không phụ thuộc vào sự chỉ đạo nào khác. Kết quả của nó là những công dân có khả năng tự chủ, trưởng thành. Có thể nói, phát triển HTX hiện nay rất cần một sự thức tỉnh, một quá trình khai sáng đối với các chủ thể của HTX là người nông dân, và đối với các bên liên quan khác trong quá trình phát triển HTX. Người nông dân cần được khơi gợi tính tự chủ, phản biện, chủ động trong các hoạt động của mình, đặc biệt là trong việc xây dựng và phát triển HTX, người dân cần phải chuẩn bị các kiến thức, kinh nghiệm, hay phương pháp để làm chủ các hoạt động của mình, không để tình trạng không hiểu rõ mình đang làm gì, không hiểu rõ mục đích các hoạt động mình đang làm là gì, để dẫn tới tình trạng các HTX đi vào hoạt động những bế tắc như hiện nay. Người dân cần xây dựng vị thế cho mình, cho HTX của mình với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của các thành viên, hoạt động như doanh nghiệp, có khả năng đàm phán với các đối tác trên thị trường một cách sòng phẳng, trở thành đối tác với doanh nghiệp, có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp chứ không phải chỉ mãi là đơn vị gia công cho doanh nghiệp, chịu sự chỉ đạo của doanh nghiệp, mãi mãi chỉ làm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp chứ không chủ động thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi công nghệ hay nắm bắt nhu cầu của khách hàng để chủ động thay đổi. Trong một hội nghị tổng về hoạt động của HTX vừa qua, có một tập đoàn lớn đã nói rằng: HTX và người nông dân chỉ tập trung sản xuất còn lại ban giám đốc, đường lối, chỉ đạo để doanh nghiệp lo. Như vậy, người dân vẫn chỉ là những đối tượng chờ đợi chỉ đạo, và bảo sao làm vậy. Như trâu cày cho doanh nghiệp. Chúng ta cần những người nông dân chủ động, tự chủ thay đổi, làm chủ hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của mình chứ không mãi phụ thuộc vào sự chỉ đạo của người khác. Nếu thực sự tạo được một sự thức tỉnh đối với những người nông dân, có thể thông qua những hình thức giáo dục chính quy hoặc phi chính quy nhằm tạo tiền đề bước đầu, thì mới hy vọng có sự phát triển bền vững đối với mô hình HTX. Nếu không, tất cả các chính sách được ban hành, hay mọi nỗ lực kết nối thị trường, doanh nghiệp đều trở nên kém hiệu quả. Hãy tưởng tượng chúng ta cố gắng xây một toà nhà cao nhưng lại xây từ nóc.

Chúng ta cần phải xây dựng nền móng vững chắc, ở đây là sự tự chủ, chủ động của người nông dân, sau đó mới tính đến các vấn đề khác. Như chí sĩ Phan Châu Trinh đã nói: Khai dân trí, Chấn dân khí, rồi mới Hậu dân sinh.

Hay như nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn đã mượn lời Hannah Arendt, một nữ triết gia, một chiến sĩ hàng đầu về mặt trận tự do dân chủ nhân quyền lẽ phải, khai phóng của thế kỷ 20, đó là lời kêu gọi: “Tất cả hãy chuẩn bị để xây dựng cho được những người cử tri trưởng thành, họ sẽ quyết định vận mệnh của họ, của xã hội cũng như của nhân loại.”[7] 

Thì ở đây chúng ta cần phải xây dựng được những thành viên của HTX là những người trưởng thành về mặt tư duy theo nghĩa của phong trào Khai sáng. Nếu người dân không được chuẩn bị tốt thì cũng giống như một chung cư cũ được khoác chiếc áo mới bằng những hình bích họa, mà trên thực tế kết cấu của toà nhà, cột kèo hay tường nhà đã cũ, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

 

Nguyễn Trọng Khánh, 1/2018

 

Tài liệu tham khảo

 

-        Bài nói chuyện về “Khai sáng và Trưởng thành” của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn. Nguồn sachhay.org

-        Trả lời câu hỏi: “Khai sáng là gì?” Dịch giả Thái Kim Lan, đăng ngày 28/03/2012. Talawas

-        Khai sáng và Tiến bộ, nhìn từ góc độ Triết sử phương Tây I, II - Thái Kim Lan, đăng trên tạp chí Thời đại mới số 3 tháng 11 năm 2004 và số 7 tháng 3 năm 2006.

-        Trả lời câu hỏi: “Khai sáng là gì?” Dịch giả Lê Tuấn Huy, đăng trên blog Tinh thần khai minh ngày 26/6/2015

-        Cẩm nang hướng dẫn đào tạo cán bộ chủ chốt HTX, Socencoop

-        Luận chứng Pháp luật & Chính sách để phát triển HTX ở Việt Nam – Aid-Coop

-         



[1] Theo bản dịch của dịch giả Thái Kim Lan đăng trên Talawas ngày 28/3/2012

[2] Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn trong buổi nói chuyện về “Khai sáng và Trưởng thành”. Nguồn sachhay.org

[3] Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn trong buổi nói chuyện về “Khai sáng và Trưởng thành”. Nguồn sachhay.org 

[4] Cẩm nang hướng dẫn đào tạo cán bộ chủ chốt HTX, Socencoop 

[5] Cẩm nang hướng dẫn đào tạo cán bộ chủ chốt HTX, Socencoop

[6] Thực tế khảo sát của người viết

[7] Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn trong buổi nói chuyện về “Khai sáng và Trưởng thành”. Nguồn sachhay.org




Tác giả gửi cho viet-studies ngày 22-1-18