Xin Lỗi Con, Phạm Thị Trà My!

 

Nguyễn Thị Hậu

 

Trong khi quốc hội đang bàn về “tăng hay giảm giờ làm việc”, về “thế nào là người tài và sử dụng người tài”... thì mấy chục công dân VN chết vì lạnh và vì ngạt thở trong một xe container đông lạnh, trên đường vượt biên vào nước Anh tìm việc làm.

 

Đây không phải là lần đầu tiên công dân VN gặp tai nạn thê thảm như vậy! Đây chắc chắn chưa phải là lần cuối cùng, người Việt vượt biên hoặc ra đi bất hợp pháp để tìm đường sống.

 

Có thể trách họ vì sao không lập nghiệp ở quê hương với số tiền vay được đến gần một tỷ đồng, nhưng không thể trách họ ra đi vì hy vọng có việc làm thu nhập tốt để sống và phụ giúp gia đình.

 

Có thể trách họ còn trẻ tuổi sao không tìm kiếm cơ hội ngay trên quê hương, sao lại ra đi với nhiều khả năng phải làm việc bất hợp pháp, nhưng đời sống công nhân ở các khu công nghiệp trong nước là “tấm gương” đen tối vì liên tục tăng ca, vì lương thấp ăn uống kham khổ, ốm đau không dám đi khám chữa bệnh, vì những cặp vợ chồng công nhân có con phải gửi về quê cho ông bà nuôi hoặc gửi vào những nhà trẻ luôn có nguy cơ con bị bạo hành...

 

Có thể không tán thành sự liều mạng bất chấp hiểm nguy, chấp nhận phạm pháp để ra đi của họ, nhưng vì sao những người trẻ tuổi phải ra đi như thế, lẽ nào người lớn, bậc cha mẹ, chính quyền các cấp... không có trách nhiệm?!

 

Vài năm trước dấy lên dư luận chê trách các cô gái miền Tây lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc Các cô gái có lỗi gì khi mà trong gia đình, những người cha người mẹ vẫn đành lòng để cho con em mình nhắm mắt đưa chân theo những người đàn ông coi “vợ” như một món hàng? Nhiều làng xóm ở phía Bắc vắng bóng phụ nữ, chỉ có người già và những người đàn ông quanh quẩn với đám trẻ trong ngôi nhà khá khang trang được xây dựng từ đồng tiền của người vợ đi lao động xuất khẩu hoặc đi làm osin ở xứ người gửi về. Những đồng tiền đẫm nước mắt nhớ thương gia đình, nhục nhằn nơi đất khách. Tất cả họ, những người ra đi dù hợp pháp hay bất hợp pháp, đều nhằm bán sức lao động, với hy vọng bán được giá cao! Thậm chí, công việc càng nguy hiểm càng có khả năng thu nhập cao.

 

Sức lao động – loại “tài nguyên” luôn được trưng ra để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài – chính là tuổi trẻ của đất nước, nhưng là tuổi trẻ chỉ có sức lực mà thiếu tri thức, kỹ năng, thiếu những hiểu biết cơ bản để có thể chọn lựa cho mình một con đường sống. Và họ đã chọn con đường tưởng như có thể nhiều kiếm tiển nhưng cũng nguy hiểm nhất: ra đi theo những đường dây “buôn người”. Chỉ trong vài tháng gần đây đã xảy ra sự việc 152 "du khách" Việt mất tích ở Đài Loan mà thực chất là một đường dây buôn người qua Đài... Thông tin 9 người mất tích sau khi dễ dàng “đi nhờ” chuyên cơ của bà Chủ tịch Quốc hội làm ta có quyền nghi ngờ đó là một đường dây buôn người chuyên nghiệp qua Hàn... Và nay là sự việc có những người Việt trong số 39 người chết ngạt trong container ở Anh. Chưa kể bao nhiêu người qua Lào, Thái Lan lao động chui, các cô gái qua Singapore, qua Malaisia “làm gái”... đã cho thấy mạng lưới rộng khắp đường dây buôn người có tổ chức, có thâm niên đang hoạt động rất táo bạo và tinh vi trên phạm vi quốc tế... Thực trạng này các địa phương có người ra đi đều biết rõ, các bộ, ngành quản lý liên quan cũng không thể không hay biết. Nhưng dường như tất cả đều vô can!

 

Cô gái Phạm Thị Trà My ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh –  người mà gia đình cho là đã ở trên chiếc xe container định mệnh – đã nhắn về cho cha mẹ những lời đứt ruột đứt gan “con xin lỗi bố mẹ, con đường đi nước ngoài không thành, con chết vì không thở được, con thương bố mẹ nhiều, mẹ ơi con xin lỗi mẹ...”. Trà My xin lỗi cha mẹ vì cô đã không thể giúp cha mẹ trả khoản nợ gần 30 ngàn bảng Anh gia đình đã vay mượn để cô có thể ra đi? Cô xin lỗi cha mẹ vì mong muốn, hy vọng của gia đình đã không thành hiện thực?

 

Người dân Anh đã thắp nến tưởng niệm, chia sẻ với những người xấu số đã chết trên đất Anh. Còn chúng ta vẫn đang chờ đợi sự lên tiếng của nhà nước trước sự việc bi thảm này. Chúng ta cứ chờ đợi như thế bao nhiêu năm nay, và những dòng người vẫn tiếp tục liều mạng ra đi...

 

Chính phủ và quốc hội nợ nhân dân một lời xin lỗi vì những thảm cảnh đã xảy ra.

 

Là một người mẹ, cô xin lỗi con, Phạm Thị Trà My, vì chúng ta đã không thể làm gì khác...

 

Sài Gòn 26.10.2019

Nguyễn Thị Hậu

 

 

Tác giả gửi cho viet-studies  ngày 26-10-19