NHÌN VỀ “VÙNG ĐẤT
MỚI”
Nguyễn Thị Hậu
Từ lâu chúng ta đã
quen thuộc với thuật ngữ “Tân thế giới” - vùng đất mới - được sử dụng để
chỉ châu Mỹ. Vào thời điểm thế kỷ 16 châu Mỹ hoàn toàn mới đối với người
châu Âu, bởi vì lúc đó người ta chỉ biết thế giới bao gồm châu Âu, châu
Á và châu Phi (gọi chung là Cựu thế giới).
Thuật
ngữ này sau đó phổ biến cùng “chủ nghĩa thực dân cũ”
xâm chiếm
lục địa châu Mỹ.
Tuy nhiên hiện nay thuật ngữ "Tân thế giới" thường sử dụng trong bối
cảnh lịch sử chuyến đi của Christopher Columbus hồi cuối thế kỷ 15, vì
chúng ta đã biết rằng Châu Mỹ là vùng đất đã có con người và những nền
văn minh từ rất lâu trước khi người châu Âu đến và khám phá ra nó.
Như vậy “tân thế giới” là châu Mỹ “được người châu Âu lần đầu biết tới”
chứ không phải là vùng đất hoang “mới được con người đặt chân tới”. Sự
thay đổi nội hàm cho thấy một nhận thức quan trọng: mỗi vùng đất đều có
quá trình lịch sử bởi những thế hệ cộng đồng dân cư trong bối cảnh địa
lý - sinh thái riêng biệt. Việc những cộng đồng cư dân đến sau có đóng
góp tích cực làm thay đổi, phát triển một vùng đất cũng không thể phủ
nhận quá khứ của nó. Nhận thức này chính là khởi đầu sự tôn trọng cư dân
và văn hóa bản địa, bảo vệ và bảo tồn sự đa dạng sinh thái và văn hóa
truyền thống.
Thành tựu của nhiều khoa học nghiên cứu về châu Mỹ, nhất là các ngành xã
hội nhân văn, sự trưởng thành của ý thức về Nhân quyền của cộng đồng dân
cư bản địa đã có tác động lớn đến sự thay đổi nhận thức của xã hội nói
chung và đặc biệt của chính quyền nhiều quốc gia. Từ nhận thức quan
trọng này nhiều chính sách, luật lệ đã được hình thành nhằm bảo vệ, bảo
tồn và phát triển cộng đồng cư dân và văn hóa bản địa.
***
Nam bộ nói chung và vùng đất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn
thường được gọi là “vùng đất mới”, “vùng đất có 300 năm lịch sử”. Nói
đến nơi này vai trò của người Việt được đề cao “lưu dân người Việt đến
khai phá vùng đất mới…”. Không thể phủ nhận vai trò đó trong giai đoạn
từ thế kỷ 17, 18 trở đi nhưng khoa học lịch sử và khảo cổ học cũng đã
cho biết, từ trước khi lưu dân người Việt có mặt, nơi này từng có 1000
năm trước công nguyên với những cộng đồng dân cư thời tiền sử của văn
hóa khảo cổ Đồng Nai rồi đến nền văn minh Óc Eo của vương quốc Phù Nam
từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7. Do đó Nam bộ là nơi người Việt từ miền Trung,
miền Bắc “mới biết đến” trong quá trình di dân qua nhiều thời kỳ từ cuối
thế kỷ 17 đến nửa sau thế kỷ 20.
Tâm thức “vùng đất mới” của lưu dân đối với Nam bộ ngoài sự nhận biết
một khu vực địa lý địa hình khá khác biệt so với miền Bắc, miền Trung ,
còn bắt nguồn từ tâm thế “đi mở đất” thời các chúa Nguyễn. Người Việt
vào Nam di cư tự do hay có tổ chức của chính quyền thì luôn được sự “bảo
trợ”, có khi bằng quân sự nhưng chủ yếu bằng chính trị theo phương thức
“dân đi trước nhà nước theo sau” thiết lập hành chính quản lý dân cư,
như vào năm 1611 thành lập Phủ Phú Yên của Chúa Nguyễn Hoàng và 1698 lập
Phủ Gia Định của Chúa Nguyễn Phúc Chu.
Là vùng đất khá hoang vu nhưng vẫn có một số tộc người cư trú dọc lưu
vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và trên những giồng, gò cao ở đồng bằng
sông Cửu Long. Người Việt, người Hoa đã có những đóng góp rất lớn để
biến nơi này thành vùng đất trù phú vào bậc nhất nước ta nhưng sự “va
chạm văn hóa” giữa các tộc người cũng ít xảy ra mà ngược lại là sự hòa
hợp và biến đổi văn hóa lối sống cho phù hợp với “phong thổ” mới. Người
đến sau đã chịu khó tìm hiểu, thích nghi và tôn trọng phong tục lối sống
của người bản địa, nhờ đó mà văn hóa của các cộng đồng dân cư tuy có sự
biến đổi mà vẫn giữ nhiều nét truyền thống.
***
Ở phạm vi nhỏ hơn về không gian và ngắn hơn về thời gian, khu vực Thủ
Thiêm – TPHCM trong quá
trình “đô thị hóa” cũng là một trường hợp tương tự. Để quy hoạch và xây
dựng một trung tâm mới ở đây đã phải gần như giải tỏa “trắng” ruộng
vườn, xóm làng, đình chùa, nhà thờ… hiện hữu gần hai trăm năm. Thủ Thiêm
của thế kỷ 21 đâu phải là vùng đất hoang vu như Nam bộ hơn 300 năm
trước? Vì sao “hiện đại hóa” một vùng có lịch sử lại như việc xóa bỏ một
bàn cờ để bày lại ván khác? Vì sao các nhà đầu tư lại đòi hỏi “vùng đất
trống trơn” để xây dựng mà không phải là một vùng đất có lịch sử có dân
cư lâu đời để tạo ra một đô thị hiện đại lưu giữ truyền thống văn hóa?
Phải chăng vì Thủ Thiêm là một “vùng đất mới” khi nhìn từ trung tâm
thành phố qua bên kia sông Sài Gòn bạt ngàn dừa nước và kênh rạch chi
chít? Nó khác biệt so với đô thị nhà cao phố chật bên này sông. Nó lạ
lẫm nên cần xóa bỏ không thương tiếc từ những di tích quá khứ của cộng
đồng dân cư Thủ Thiêm đến cả cộng đồng ấy cũng bị phân tán và di chuyển
đi nơi khác. Một lớp dân cư khác sẽ đến sống ở nơi đây và chỉ biết rằng
đây là “vùng đất mới”!
Khi nhà quản lý ở tâm thế “người đi chinh phục vùng đất mới” thì dễ dàng
phá hủy những gì khác lạ để xây dựng những thứ quen thuộc “của mình”.
Xóa bỏ sự đa dạng văn hóa nói chung và kinh tế, xã hội nói riêng chính
là con đường ngắn nhất đi đến triệt tiêu một nền văn hóa.
Sài Gòn ngày
18.11.2017 |