Không thể nhìn Sài Gòn bằng tâm thế “lấy Hà Nội là trung tâm”
Tường thuật buổi nói chuyện ngày 14-4-2018 của
TS. Nguyễn Thị Hậu “Sài Gòn –
nhìn từ một người giao hòa Nam – Bắc”
do Tia Sáng tổ chức
trong khuôn khổ chuỗi hoạt động thường kỳ đưa khoa học và nghệ thuật đến
công chúng. Sài Gòn, vẫn được cho là “vùng đất mới”, được khai phá bởi những lưu dân từ phía Bắc vào. Dường như đó mới là cái nhìn một cách quá vội vã, của “kẻ khác” – từ bên ngoài, về không gian văn hóa đa dạng này. Và cái nhìn đó đã dẫn tới nhiều hệ lụy trong phát triển, bảo tồn văn hóa Sài Gòn, có thể gây ra những đổ vỡ, đứt gãy đáng tiếc. Trong buổi nói chuyện “Sài Gòn – nhìn từ một
người ‘giao hòa Nam – Bắc’ ” vào ngày 14/4, TS. Nguyễn Thị Hậu, người
“sống với” Sài Gòn, hiểu và nhìn Sài Gòn đa chiều, từ sự “phân thân"
nhiều góc độ - nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội – một người sống,
chứng kiến bao thăng trầm ở Sài Gòn ngót nửa thế kỷ - và một người “giao
hòa Nam – Bắc”, đã phân tích về những “định kiến” trong quan điểm phát
triển Sài Gòn. Định kiến đầu tiên về Sài Gòn, là coi đây có niên đại
muộn, và thường bị “nhìn từ phía trung tâm ở Hà Nội”. Tâm lý này thường
thấy trong giới quản lý và thậm chí phổ biến ngay cả ở những người
nghiên cứu lịch sử văn hóa xã hội. Thứ hai, Sài gòn luôn bị coi, bị gắn
vai trò lớn nhất là kinh tế. Thứ ba, trong khoảng vài chục năm gần đây,
người Nhập cư vào Sài gòn quá nhiều, rất nhanh. Tầng lớp cư dân mới này
không thể đặt mình vào tâm thức của người Sài Gòn đã sinh sống lâu ở
đây, và càng không thể đặt mình vào tâm thức của người Sài Gòn đã đi
khỏi Sài Gòn từ lâu nên khó lòng hiểu được những giá trị văn hóa, những
di sản của Sài Gòn. Ba định kiến đó khiến cho những di sản bị thay
mới, bị phá bỏ một cách tiêu cực, nhanh chóng hơn bao giờ hết. Bởi vì
chỉ nhìn Sài Gòn là “muộn”, là “mới” thì sẽ dẫn tới tâm lý lướt qua,
không thừa nhận những giá trị đã tồn tại lâu bền. Đồng thời, khi đặt
nặng vai trò kinh tế của Sài Gòn, thì tất cả những yếu tố khác chỉ là
thứ yếu. Ví dụ gần đây nhất là khu vực Thủ Thiêm, vì chỉ được coi là
vùng đất mới, nên rất nhanh chóng, những xóm làng có hàng trăm năm lịch
sử bị dẹp đi để xây dựng khu đô thị mới mà không cần thời gian nghiên
cứu, thẩm định giá trị văn hóa. Đồng tình với TS Nguyễn Thị Hậu,
chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
cảnh báo, Sài Gòn có thể sẽ trở thành một "thành phố không còn ký ức"
nếu không gìn giữ di sản kịp thời. Bà nói: “Bây giờ người Sài Gòn có
tiếc những cái cũ không? tiếc nhiều chứ! đã có một thời gian nhiều người
bạn tôi ở Sài Gòn kêu trời lên, rằng giờ Sài Gòn chẳng lẽ là một thành
phố không có ký ức nữa hay sao? Khi mà đem đập phá hết một lô những ngôi
nhà cũ, những chỗ rất đẹp, hoặc ngay cả đổi tên những con đường một cách
vội vã. Nhưng tôi muốn thật rằng, có muốn phá đi, và thay bằng những cái
mới vào như vậy cũng không áp đặt được đâu”. Theo bà, không thể coi đây
là vùng đất mới về văn hóa, lịch sử, mà chỉ có thể coi tính “mới”, vùng
đất mới - vì đây là vùng đất “sẽ đang tiếp tục mở ra, sẽ phát triển
tiếp, chứ không phải là không có cái gì để mà giữ cho nó”. Bà nhấn mạnh:
“không nên chỉ coi Sài Gòn là một trung tâm kinh tế để mà coi kinh tế là
số một. Mặc dù tôi là chuyên gia kinh tế nhưng không bao giờ tôi coi
kinh tế là số một. Mà văn hóa mới là cội rễ, cội nguồn. Nếu vì kinh tế
mà hi sinh văn hóa, chặt bỏ quá khứ thì đó là một sự thiển cận”. Trước những thực trạng đó, TS. Nguyễn Thị Hậu cho
rằng, chính quyền có quyết định quan trọng trong việc ứng xử sao cho
phát triển được Sài Gòn một cách hài hòa với bảo tồn những giá trị văn
hóa, không đánh đổi vội vã để khiến nơi đây bị đứt gãy một cách đột
ngột. “Khi mà chính quyền không có ý thức bảo vệ di sản, vẫn coi đây là
vùng đất mới thì khó lòng có thể bảo vệ được, đặc biệt là đằng sau họ
lại là những nhà đầu tư luôn muốn phát triển Sài Gòn vì lợi ích kinh
tế”, bà nói.
Một số ý kiến trao đổi Khi bước vào buổi nói chuyện, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên giải thích ngay chữ "giao hòa Nam Bắc" là từ mượn của cố GS Trần Quốc Vượng. Khái niệm này còn được gọi là đan xen văn hóa, hỗn dung văn hóa, giao hòa văn hóa, và cuối cùng, được sử dụng một cách phổ biến bởi giới nghiên cứu lịch sử là "tiếp biến văn hóa". TS. Nguyễn Thị Hậu chia sẻ, buổi nói chuyện này "chỉ là trải nghiệm cá nhân. Cũng không phải với tư cách người nghiên cứu văn hóa, mà là những cảm nhận của người bên trong". Đặc biệt là bà tránh sự so sánh, bởi vì văn hóa mỗi nơi có một đặc điểm khác nhau. Và bởi vì sự phân biệt, kỳ thị, so sánh văn hóa Bắc Nam vẫn luôn tồn tại, khiến người ta xa cách và không thể hiểu về văn hóa của nhau. Bà trình bày trong hơn một giờ đồng hồ, về những nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn, thông qua cảm nhận cá nhân - đã được chia làm các thời kỳ khác nhau: + Thời kỳ đầu tiên với những ấn tượng về Sài Gòn của một người mới trở về từ miền Bắc, chông chênh và "đôi lúc cảm thấy cô đơn trong xã hội Sài Gòn lúc đó đang bị chia rẽ về mặt chính trị, còn mình thì lại có cảm giác bị cô lập, rất nhớ về Hà Nội". + Thời kỳ thứ hai, tìm và hiểu về Sài Gòn, trong 20 - 30 năm, dưới góc độ nghề nghiệp khai quật khảo cổ, làm bảo tàng nên rất hiểu về lịch sử văn hóa phía Nam, rất hiểu về Sài Gòn, và bắt đầu có sự phản biện những quan điểm chưa thực sự "thấu hiểu" và nhìn Sài Gòn như nó vốn có. Bà cũng nói về sự đa dạng văn hóa, tính mở và khoan dung trong đặc điểm văn hóa Sài Gòn. Rằng: "người trong đó không có khái niệm “người Sài Gòn xịn/ gốc” như ở Hà Nội vẫn nghĩ. Có lẽ, những người vào Sài Gòn, đa dạng nguồn gốc, tầng lớp, khi vào đó sẽ thương yêu nhau, chấp nhận nhau, chứ không xa lánh, vì như thế không thể tồn tại. Ở Sài Gòn, bạn không cần thay đổi tiếng nói, không cần phải cố tỏ ra là người Sài Gòn".
Về "tính
cách" của Sài Gòn, "bên ngoài sự lạnh lùng của một đô thị lớn, thì Sài
gòn có những khoảng lặng, những người Sài Gòn vẫn nghe Bolero, bởi vì có
sự cô đơn, có lẽ cũng vì cơ tầng văn hóa của những người lưu dân". TS Nguyễn Thị Hậu tổng kết: "Số phận SG thăng trầm. Sài Gòn như một người đàn ông từng trải, lịch lãm nhưng chân tình, đa cảm, trượng nghĩa, bao dung. Có thể nói đây là những tính cách khá “dương tính”, “hướng ngoại”, như nhiều nghiên cứu nhà văn hóa phân tích".
Họa sỹ Lê Thiết Cương bổ sung
thêm phân tích của anh về "tính cách người đàn ông Hà Nội", một "ông có
chất âm, không phải là nơi sinh ra văn nhân tài tử, nhưng nó dưỡng được
văn nhân tài tử, là một cục nam chân hút tinh hoa về phía mình". Nhà văn Thái Kế Toại nhấn mạnh rằng giao thoa văn hóa Nam Bắc ở Sài Gòn không phải khi nào cũng "xuôi chèo mát mái". Đó là tình trạng sau giải phóng, khá căng thẳng và có sự đổ vỡ quan hệ Nam Bắc do sự khác biệt quan điểm chính trị. Nhưng sau này, cũng may là với sự phát triển của kinh tế xã hội, thì sự căng thẳng đó nhạt dần đi, và bây giờ thì dấu ấn của nó cũng không còn nhiều nữa.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
bổ sung thêm "tại thời điểm lịch sử đó, sự khác biệt là có, bởi vì [đất
nước] bị chia cắt, [Bắc Nam] là hai vùng lãnh thổ, hai chính quyền, hai
đời sống văn hóa khác nhau. Thậm chí, trước đây chúng ta phủ nhận nhiều
giá trị, nhưng nay thì đã có sự thay đổi, ví dụ như nói là Việt Nam cộng
hòa, quân đội của VNCH chứ không phải là “ngụy”. Tuy nhiên chúng ta
không bàn sâu về khía cạnh chính trị trên vùng đất này, mà chúng ta bàn
sâu dưới khía cạnh lịch sử, văn hóa. Chúng ta đang bàn tản mạn dưới khía
cạnh cá nhân, như là mỗi chúng ta đều có một Sài Gòn, một Hà Nội trong
lòng vậy. Nếu như ngoài này là khép, là đóng thì trong kia là mở, ngoài
này là thâm trầm sâu sắc, thì trong kia là phóng khoáng, hào hiệp". Anh Lê Quang Bình, điều phối viên Understanding Vietnam Forum nhìn nhận dưới khía cạnh phát triển xã hội "Có phải mối quan hệ giữa con người với cảnh quan tự nhiên đang nhẹ đi hay không? Nên người ta chặt cây dễ hơn, phá hủy di sản dễ hơn? [Tương tự] với Hà Nội, khi người Hà Nội liên kết, liên hệ mình với cảnh quan nhiều hơn, thì đó có phải là cơ hội giữ gìn di sản tốt hơn không? Có thể thấy ví dụ qua phong trào bảo vệ 6700 cây xanh ở Hà Nội chẳng hạn".
Anh đã "suy nghĩ rất nhiều đến sức ép
phát triển, đến sự đánh đổi của chúng ta cho phát triển và tin rằng chỉ
có thể bảo vệ được Hà Nội khi chúng ta yêu Hà Nội. Chỉ bảo vệ Sài Gòn
được khi yêu Sài Gòn." Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "những biến thiên lịch sử của nước mình làm cho phân biệt vùng miền nhiều, làm chúng ta trở nên xa cách nhau nhiều hơn. Cả sau thống nhất đất nước cũng vậy, mình chưa làm tốt việc hòa nhập, hòa giải trở lại. Mình rất hăng hái hòa nhập với thế giới bên ngoài, nhưng bên trong thì mình lại không chịu. Cho đến bây giờ vẫn còn nhiều cái chúng ta chưa chịu hòa nhập với nhau, không hòa giải được bên trong, cái đó nó rất đau, nó làm chúng ta cứ cách xa nhau và nhiều khi phải có sự so sánh này khác. Đáng nhẽ ra, trong cả một chặng đường rất dài hàng nghìn năm, chỉ có 20 năm chia cắt đất nước đâu phải là quá dài, nhưng thực sự đau là 40 năm sau chiến tranh, chúng ta không xóa được những khoảng cách của 20 năm trong nội bộ dân tộc mình. Đó là cái trở nên đau và là trách nhiệm của rất nhiều người, trước hết là với những người có trách nhiệm quản lý, rất tiếc là chúng ta đã không chìa tay ra được, như là cách tiếp cận của ông Võ Văn Kiệt. Nhưng mà thôi, bây giờ cuộc sống cũng ngày càng khác đi rồi". Bà nói về tính "mở" của Sài Gòn và Hà Nội: " khó mô tả được hết tính cách của con người. Nhưng mà sự cởi mở, chân thành, phóng khoáng, sẵn sàng tiếp nhận, kể cả sự phê phán, một cách không thành kiến, thì người Sài Gòn hơn hẳn so với những người ở phía Bắc hay Hà Nội. Người Sài Gòn có sự tự hào chứ, nhưng không phải tự hào đến mức ngạo mạn đến mức coi thường nơi khác, trong tự hào vẫn sẵn sàng chia sẻ, lắng nghe và tiếp nhận những cái hay cái mới ở những nơi khác đưa về. Người Sài Gòn rất mở lòng với những người ở tất cả các nơi khác đến, Sài Gòn luôn mở rộng cánh tay để đón mình vào, chứ không đẩy người mới đến xa ra và kỳ thị mình là một người gây khó cho Sài Gòn.
Còn người Hà Nội cũng có cách mở của mình.
Chúng ta cũng nhớ rằng, vào thời Pháp, Hà Nội chỉ có 200.000 dân, còn
bây giờ cả chục triệu rồi. Nhưng Hà Nội vốn dĩ chỉ có 200.000 thôi, số
người đó đi Nam một phần sau năm 1954, di cư nơi khác một phần. Số còn
lại có còn bao nhiêu đâu, nói như vậy có nghĩa là Hà Nội rất mở, tiếp
nhận rất nhiều người ở các nơi khác về đây sinh sống. Nhưng tại sao Hà
Nội không có tiếng “mở” như Sài Gòn, có lẽ là đặc điểm văn hóa khác
nhau, người Hà Nội đôi khi thích sự nhẹ nhàng, kín đáo hơn." Một độc giả bày tỏ "công việc chị đang làm có giá trị rất lớn, thì chị có nghĩ liệu bao giờ có nhiều người hơn, đi tìm lại quá khứ, và sẽ tìm lại được gì trong 20 năm nữa?" TS. Nguyễn Thị Hậu: "Không phải bây giờ chỉ có một mình chị đi tìm đâu. Mà các bạn trẻ ở sài Gòn vẫn đang tiếp tục đi tìm quá khứ. Ví dụ, gần đây có trưng bày gần đây nhất là trưng bày dinh Norodom cho đến dinh thống nhất, do các bạn trẻ cùng tham gia làm - phần lớn trong đó là các bạn nhập cư mới tới Sài Gòn, đi tiên phong là các kiến trúc sư, sau đó là các nhà bảo tồn sát cánh cùng."
Tuy nhiên
TS Nguyễn Thị Hậu hơi bi quan về tương lai của di sản ở đây sau 20 năm
nữa. Bởi vì, tuy đấu tranh để gìn giữ rất nhiều, nhưng văn hóa vẫn chỉ
được coi là thứ yếu. Chính vì vậy, bà sẽ tiếp tục viết về văn hóa Sài
Gòn, không chỉ với tư cách nhà nghiên cứu, mà viết tản văn, viết bằng
tình yêu. Sài Gòn, để dễ chạm vào tình cảm của những người yêu Sài
Gòn.
GS. Trần Ngọc Vương
vẫn giữ quan điểm Sài Gòn và Nam Bộ là vùng đất mới, mới được khai phá
bởi nhà Nguyễn.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
bày tỏ quan điểm: " 'Mới' là từ góc độ của miền Bắc, người Bắc nhìn vào,
chứ không phải là mới thực sự, mà trước đó đã có cư dân sống. Xưa nay
chúng ta chỉ nghĩ nó mới có 300 năm thôi, còn trước đó là các quốc gia
khác như Phù Nam, Chân Lạp."
TS Lê Thị Minh Lý,
Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát
huy giá trị di sản lo lắng "Sài Gòn đúng là một thành phố có rất nhiều
giá trị văn hóa, nhưng thực sự là chúng ta chưa nhận diện đúng và có
chính sach đúng. Ví dụ, Sài Gòn chưa có kết quả kiểm kê văn hóa phi vật
thể, đúng là không bao giờ có thể kiểm kê hết di sản văn hóa phi vật thể
được, nhưng ít nhất là chúng ta cũng cần nghiên cứu và nhìn ra được có
gì đang cần phải bảo tồn khẩn cấp chứ".
PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh
tiếc và buồn vì sự phân biệt văn hóa vùng miền giữa Nam và Bắc "tại sao
lại có tâm lý đó? có cách nào xóa đi không? vì lý do gì mà chúng ta lại
kỳ thị một cách buồn bã đến vậy?"
Bà Phạm Chi Lan chia sẻ:
"Tôi rất thích tản văn của chị Hậu viết, vì giúp tôi hiểu hơn về Sài
Gòn, nhưng tôi còn cảm nhận được cái hay hơn nữa là nó tác động với
nhiều người Sài Gòn đi ra ngoài, họ rất thích đọc những gì Hậu viết, vì
khi đó họ thấy yêu, gắn bó với Sài Gòn hơn nhiều. Qua đó, người ta thấy
được, cuộc sống ở trong nước đang trong dòng chảy của nó, nhưng những
giá trị của Sài Gòn vẫn còn ở đấy, vẫn còn được người dân Sài Gòn cũng
như người dân trong nước giữ gìn, cố gắng bảo vệ nó. Ngay cả cái tên Sài
Gòn cũng vậy, người dân vẫn gọi là Sài Gòn nhiều, đó cũng là một cách mà
chúng ta nhớ tới mảnh đất như vậy." |