Vì sao Covid -19 bùng phát tại Đà Nẵng tháng 7/2020

Nguyễn Quang Dy

Với dân số 97 triệu người, liền kề Trung Quốc, Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch Covid-19. Trong hơn ba tháng đến gần cuối tháng bảy, Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, và trong số hơn 450 ca lây nhiễm ở Viêt Nam, không có có ca nào chết. Nhưng thành tích đầy ấn tượng đó đã kết thúc ngày 25/7 khi có ca lây nhiễm mới. Đến 2/8, đã có 142 ca lây nhiễm mới, và có ba ca chết, trong tổng số 586 ca lây nhiễm tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thanh Long (Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế), có khoảng 1,4 triệu du khách đã đến Đà Nẵng trong vòng một tháng (từ ngày 1 đến 29/7). Dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng đã được xác định là virus chủng thứ 6, từ ngoài xâm nhập vào, xuất hiện lần đầu ở Việt Nam từ đầu tháng 7/2020, và đang lan nhanh ra cả nước gồm Hà Nội và Sài Gòn.  

Ông Long nhấn mạnh “dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Đó là lý do khiến Bộ Y tế đã hành động quyết liệt như vậy”. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch bùng phát ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã cử ba đoàn cán bộ tinh nhuệ, có nhiều kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ, truyền nhiễm, và điều trị, do một thứ trưởng đứng đầu, để tăng cường cho Đà Nẵng. Đây là một quyết định ứng phó “chưa từng có tiền lệ”. 

Theo truyền thống, nhiều người Việt tin rằng tháng bảy âm lịch “là tháng cô hồn”. Cuối tháng bảy dương lịch đã có nhiều chỉ dấu báo hiệu điềm không lành cho cuối năm, sau thành công ban đầu đến cuối tháng bảy. Nay Việt Nam lại phải bắt đầu lại “chống dịch như chống giặc”. Nhưng vì sao dịch lại bùng phát ở Đà Nẵng, và tại sao lại vào tháng bảy?

***

Đà Nẵng không chỉ là thành phố lớn nhất Miền Trung, mà còn là một địa bàn chiến lược được các nước lớn (như Mỹ, Nga, Trung Quốc) chú ý. Năm 1965, Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng để bắt đầu cuộc chiến tranh Việt Nam. Năm 2018, tàu sân bay USS Carl Vinson cập bến Đà Nẵng,  không chỉ là hình ảnh tượng trưng mà còn có ý nghĩa chiến lược. 

Để “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam tuy có khả năng vượt trội để truy tìm (tracking)   người lây nhiễm và cách ly (quarantine), nhưng vẫn ẩn tàng nhiều nguy cơ khó lường, đặc biệt là từ Trung Quốc. Sau thành công ban đầu khi Việt Nam kiểm soát được Covid-19, thì nay lại ở thế “thập diện mai phục”, như trong một bộ phim của Trung Quốc.

Trong khi đại dịch đang hoành hành khắp thế giới mà chưa có vac-xin và thuốc đặc trị, Việt Nam đối diện với nhiều rủi ro nếu để dịch bùng phát sớm và lan ra khắp cả nước. Tuy Việt Nam sản xuất và xuất khẩu được các thiết bị phòng dịch như khẩu trang, quần áo bảo hộ, máy trợ thở, nhưng vẫn phải nhập các bộ xét nghiệm đắt tiền với số lượng hạn chế.  

Tuy đường biên giới Việt-Trung dài 5.000km, nhưng không đủ các chốt phòng dịch tại các cửa khẩu. Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết, từ 1/6 đến nay đã bắt giữ 4.360 người vượt biên trái phép. Nhưng đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì hàng ngàn người Trung Quốc đã được các đường dây người Việt dẫn đường vượt biên trái phép vào Việt Nam.

Việc đưa người vượt biên trái phép là “con ngựa thành Troy”, để giúp người Trung Quốc vượt biên vào Việt Nam, rồi lén lút đưa họ đến Đà Nẵng và các nơi khác. Những người Trung Quốc đó có thể gồm tội phạm hình sự (buôn ma túy và cờ bạc) rủi ro về an ninh và dịch bệnh. Một số đường dây người Việt còn ngang nhiên quảng cáo dịch vụ “bao biên”.   

Một lỗ hổng khác là các “đặc khu kinh tế”. Theo Tuổi Trẻ (26/11/2019), Quốc Hội đã thông qua luật xuất nhập cảnh sửa đổi, cho phép người nước ngoài được miễn thị thực nhập cảnh vào các “khu kinh tế đặc biệt” với thời hạn tạm trú 30 ngày. Luật này được thông qua ngày 25/11, với 404 đại biểu tán thành (tương đương 83,64% ), có hiệu lực từ 1/7/2020.

Luật xuất nhập cảnh này sẽ mở rộng cho người nước ngoài được vào “các khu kinh tế ven biển do chính phủ quyết định”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020 về việc miễn thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài (Trung Quốc) được vào các khu kinh tế ven biển như Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang)…

***

Theo các chuyên gia phân tích, việc miễn thị thực đã tạo điều kiện cho Vân Đồn và Phú Quốc trên thực tế trở thành đặc khu cho người Trung Quốc vào mà không cần thông qua “luật đặc khu”. Nói cách khác, quy định mới về miễn thị thực tạo thuận lợi cho người Trung Quốc được “tự do ra vào Vân Đồn và Phú Quốc mà không cần phải xin thị thực”.

Dư luận cho rằng các nhóm lợi ích cuối cùng đã đạt được mục đích của họ, dù phương hại đến lợi ích quốc gia. Nhiều người Trung Quốc đến Vân Đồn không chỉ dừng lại ở đó mà họ còn di chuyển đến các nơi khác ở Việt Nam như Đà Nẵng. Trong khi kiểm soát đường biên giới hai nước rất khó, thì kiểm soát ranh giới các khu kinh tế biển còn khó hơn. 

Vào cuối tháng 7 khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng và lan rộng ra cả nước là lúc nhiều người Trung Quốc xuất hiện tại Đà Nẵng và các nơi khác, trong khi hàng vạn khách du lịch nội địa đổ về Đà Nẵng du lịch với giá rẻ. Gần đây, Bộ Quốc phòng đã cảnh báo rằng nhiều người Trung Quốc đã chiếm nhiều khu đất nhạy cảm ở Đà Nẵng và các nơi khác. Đó là “hiểm họa đúp” về an ninh và dịch bệnh mà người Việt phải đề phòng cảnh giác.  

Việc dịch bùng phát tại Đà Nẵng vào tuần cuối tháng bảy đúng lúc Việt Nam chuẩn bị nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế và đúng lúc du lịch nội địa đang tăng mạnh. Nay Đà Nẵng buộc phải thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố từ 0h ngày 28/7, và phải dừng tổ chức lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng 2020” dự kiến diễn ra từ 31/7 đến 5/8. Nói cách khác, chủ quan mở cửa du lịch quá sớm là một sai lầm mà sớm muộn sẽ phải trả giá đắt.

Theo thống kê, trong tổng số 12.000 người Việt nhập cảnh từ các nước/vùng có dịch để được cách ly theo dõi sức khỏe, thì có 232 người cách ly tại bệnh viện, có 10.900 người cách ly tập trung tại các cơ sở của nhà nước, và 800 người cách ly tại nơi ở của họ. Trong khi chính phủ cố gắng đón người về, thì các đường dây ngầm đưa người Trung Quốc vượt biên vào Việt Nam, gây ra nhiều tai họa khó lường cho đất nước về an ninh và dịch bệnh.

Với hàng ngàn người Trung Quốc gần đây bị phát hiện đang cư trú bất hợp pháp tại Việt Nam, dư luận đang bức xúc yêu cầu Chính quyền phải mở chiến dịch truy quét để nghiêm trị người Trung Quốc nhập cảnh trái phép trước khi trục xuất họ về nước theo “thỏa thuận dẫn độ”. Cần phải xử thật nặng để răn đe những người Việt nào “nối giáo cho giặc”.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn (Thứ trưởng Bộ Công an) cho biết (ngày 25/7), nếu căn cứ vào các vụ việc mà Công an Đà Nẵng và Quảng Nam đã phát hiện và xử lý thì tình hình quản lý nhập cảnh còn lỏng lẻo. Tuy chưa xác định được nguồn lây nhiễm đối với các bệnh nhân dương tính Covid-19 ở Đà Nẵng, nhưng khoảng trống về quản lý đối với người nhập cảnh trái phép là một lỗ hổng an ninh rất nguy hiểm mà nay “mất bò mới lo làm chuồng”.

NQD. 2/8/2020

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 2-8-20