Việt Nam phải làm gì tại ngã ba đường

Nguyễn Quang Dy

 

Sau nhiều thập kỷ bị lôi cuốn vào chiến tranh cách mạng liên miên, Việt Nam đến nay vẫn lẩn quẩn tại ngã ba đường ý thức hệ, trong khi trật tự thế giới đã thay đổi. Sau mấy thập kỷ cải cách kinh tế, Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước láng giềng. Trong khi những động lực đổi mới kinh tế đã hết đà, Việt Nam vẫn chưa cải tổ thể chế để tạo ra những động lực mới. Lợi ích nhóm và lỗi hệ thống đang làm triệt tiêu thành quả cải cách và cản trở xu thế đổi mới. Nhưng nếu không cải tổ thể chế kịp thời để tháo gỡ nút thắt chính, mọi cố gắng cải cách kinh tế và chống tham nhũng có thể là “quá ít và quá muộn” (too little too late).

Nhìn lại chính sách Trung Quốc

Người ta đã nói nhiều về hiện tượng Trung Quốc trỗi dậy như người khổng lồ tỉnh giấc hay quái vật “Frankenstein” (lời Richard Nixon) đang muốn thay đổi trật tự thế giới cũ (do Mỹ cầm đầu). Người ta cũng bàn nhiều về nguyên nhân Trung Quốc trỗi dậy gây bất ổn như hiện nay, không chỉ do nội lực Trung Quốc mà còn do chính sách Trung quốc của Mỹ đã nuôi dưỡng và cổ vũ nó lớn mạnh, để nay trở thành “mối đe dọa lớn nhất” đối với Mỹ (nhận định của NDS). Không chỉ ông Henry Kissinger (là kiến trúc sư của chính sách Trung Quốc) mà cả một thế hệ các chính khách và học giả Mỹ đã chủ trương “can dự xây dựng” (constructive engagement) với Trung Quốc suốt mấy thập kỷ, cho đến gần đây mới bắt đầu tỉnh ngộ.

Theo Michael Pillsbury (một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc),Từ mấy thập kỷ nay, chính phủ Mỹ đã thoải mái trao cho Trung Quốc thông tin nhạy cảm, công nghệ, kinh nghiệm quân sự, thông tin tình báo, và tư vấn chuyên môn. Thật vậy, có quá nhiều thứ đã được trao trong thời gian quá lâu…nên không thể tính toán đầy đủ. Và những gì chúng ta không cho thì người Trung Quốc đã lấy trộm”... Pillsbury từng tin rằng “Viện trợ Mỹ cho Trung Quốc yếu đuối mà lãnh đạo của họ cũng suy nghĩ như chúng ta, sẽ giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc dân chủ và hòa bình, không có tham vọng…” Nhưng nay Pillsbury coi sai lầm này của Mỹ là “một thất bại về tình báo nguy hiểm và quan trọng nhất có tính hệ thống trong lịch sử nước Mỹ”. (The Hundred Year Marathon, Michael Pillsbury, MacMillan, 2015).

Tuy Mỹ không muốn thấy một Trung Quốc như vậy, nhưng người Mỹ đã vô hình trung góp phần quan trọng tạo ra con quái vật Frankenstein. Người ta có thể lý giải hiện tượng đó bằng “hệ quả không định trước” (unintended consequence), nhưng không thể phủ nhận sự thật là người Mỹ đã ngộ nhận và nhầm lẫn về người Trung Quốc, mặc dù Mỹ có nhiều viện nghiên cứu (think tanks) đẳng cấp thế giới. Người Mỹ không hẳn bị người Trung Quốc lừa gạt, mà chính người Mỹ đã tự lừa gạt mình. Có những nghịch lý và ngộ nhận làm nhiều người Mỹ “vô minh” vì tầm nhìn của họ bị che khuất (blind vision). Một số người tỉnh táo nhận ra nguy cơ và cảnh báo, nhưng đáng tiếc chính quyền không lắng nghe họ. Khi John Kennedy muốn đưa quân vào Việt Nam để can thiệp, George Ball (thứ trưởng ngoại giao) đã can ngăn và cảnh báo, nhưng họ không lắng nghe, nên đã mù quáng tham chiến, dẫn đến thảm họa.

Năm 1965, Mỹ đổ bộ quân vào Đà Nẵng để đánh Việt Cộng và ngăn chặn Trung Quốc (theo “thuyết Domino”). Sau hơn năm thập kỷ, tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng không phải để đánh Việt Cộng, mà để ngăn chặn Trung Quốc. Kẻ thù và đồng minh thay đổi, nhưng lợi ích quốc gia không thay đổi. Việt Nam mời Trump đến họp cấp cao APEC Đà Nẵng và thăm Việt Nam, cũng như đón USS Carl Vinson là để răn đe Trung Quốc. Lịch sử là một trò chơi dễ làm những ai vô minh bị ngộ nhận. Muốn điều chỉnh chiến lược và có tầm nhìn mới, phải điều chỉnh hệ quy chiếu và hệ điều hành. Thật là vô lý khi hai đối tác (hay đối thủ) trong một ván cờ được vận hành bởi hệ quy chiếu và hệ điều hành khác hẳn nhau. 

Trong khi người Trung Quốc tư duy chiến lược theo binh pháp Tôn Tử thì chắc người Mỹ tư duy chiến lược theo binh pháp của Clausewitz, mà McNamara và các đồng sự là học trò xuất sắc (nhưng đã thất bại ở Việt Nam). Có những nghịch lý và bất cập làm người ta ngộ nhận về đối phương, nhầm lẫn về mục đích và phương tiện (như trong chiến tranh Việt Nam). Đó là “một cuộc chiến sai lầm, chống một kẻ thù sai, tại một địa điểm sai, vào một thời điểm sai, vì những mục đích sai” (a wrong war against a wrong enemy, in a wrong place, at a wrong time, for wrong purposes). Mỹ đã lặp lại sai lầm đó tại Iraq và Afganistan…

Mỹ điều chỉnh chiến lược

Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng nhất tại Biển Đông và là tâm điểm trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ (NDS). Biên giới phía Bắc Việt Nam giáp Trung Quốc và toàn bộ bờ biển tiếp giáp Biển Đông. Nhưng quan trọng hơn cả vị trí địa lý là vì tinh thần dân tộc của người Việt Nam trong suốt lịch sử lâu dài chống ngoại xâm vì độc lập và chủ quyền đất nước. Nhưng chính vị trí địa chính trị đã làm Việt Nam mắc kẹt giữa các cường quốc, buộc phải đu dây để cân bằng quan hệ giữa các nước lớn. Trung Quốc gây sức ép càng mạnh thì Việt Nam càng xích lại gần Mỹ để “tái cân bằng” (rebalance) và để “tìm đối trọng” (hedging).

Gần đây, quan hệ “đối tác toàn diện” Viêt-Mỹ có xu hướng trở thành “đối tác chiến lược toàn diện” (như với Nga, với Trung Quốc, với Nhật, với Ấn Độ…). Tuy Trung Quốc không muốn Việt Nam xích lại quá gần Mỹ, và Việt Nam cũng không muốn làm mất lòng người láng giềng khổng lồ (vì phụ thuộc quá nhiều vào họ), nhưng xu hướng “thoát Trung” ngày càng mạnh trong dân chúng và chính quyền. Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi dân chúng dù muốn “thoát Trung” thì kinh tế và chính trị Việt Nam vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc.  

Hơn bốn thập kỷ sau chiến tranh, quan hệ Viêt-Mỹ vẫn còn phức tạp. Tâm trạng người Việt đối với Mỹ là “vừa yêu vừa ghét” (love-hate) tuy nay “yêu nhiều hơn ghét”. Trong khi đó tâm trạng người Việt đối với Trung Quốc là “ghét nhiều hơn yêu” (do nhiều lý do về lịch sử và văn hóa). Tâm trạng chống Mỹ và “chống diễn biến hòa bình” tuy còn khá nặng, nhưng chủ yếu là trong tuyên truyền của chính quyền. Trên thực tế, ngày càng nhiều người Việt thích Mỹ (như cho con đi học Mỹ hay định cư tại Mỹ) kể cả các quan chức “chống Mỹ”.

Ngoài ra, tâm trạng sợ Mỹ bỏ rơi vẫn còn ám ảnh giới cầm quyền vì lo ngại Mỹ-Trung có thể “đi đêm” thỏa hiệp sau lưng (như sợ Trump đánh đổi lợi ích tại Biển Đông lấy lợi ích tại Bắc Triều Tiên). Tuy một số chuyên gia cho rằng khả năng Việt Nam bị Mỹ bỏ rơi là rất thấp vì bối cảnh hiện nay khác trước, nhưng tâm trạng bất an và lo ngại vẫn là một rào cản tâm lý khi hai nước cần nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”.  

Người ta cho rằng Peter Navarro có vai trò quan trọng đằng sau quyết định của Trump tăng thuế thép (25%) và nhôm (10%) chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, bất chấp phản đối của nhiều người, trong đó có cố vấn chủ chốt của Trump về kinh tế là Gary Cohn (vừa từ chức). Navarro là cố vấn chủ chốt của Trump về thương mại, có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, và là tác giả cuốn sách “Chết do Trung Quốc” (Death by China, Peter Navarro, Prentice Hall, 2011). Gần đây, Peter Navarro được Trump sủng ái nâng cấp cao hơn vì hợp với Tổng thống. Navarro đã thuyết phục được Trump đánh thuế cao và áp dụng một số chế tài chống Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, và ngăn chặn các công ty Trung Quốc mua lại các công ty của Mỹ. Đối với Việt Nam, quyết định tăng thuế tuy bất lợi về thương mại nhưng có lợi về chiến lược.

Nhiều người lo ngại quyết định của Trump thay ngoại trưởng Rex Tillerson bằng Mike Pompeo (cựu giám đốc CIA) có thể ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ tại Biển Đông. Đúng là Tillerson có kinh nghiệm đối phó với Trung Quốc (và Nga), có quan điểm cứng rắn tại Biển Đông, liên quan đến lợi ích dầu khí của ExxonMobil (như dự án Cá Voi Xanh). Nhưng vai trò ngoại trưởng của Tillerson (và Bộ Ngoại Giao) trong chính quyền Trump khá yếu (gần như bị vô hiệu hóa). Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu vì Tillerson không hợp với Trump, nên vai trò yếu hơn so với bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Đó là một đặc điểm của chính quyền Trump mà một số chính khách (như thủ tướng Nhật Abe) đã nắm bắt và vận dụng hiệu quả.

Tuy Jim Mattis (và Bộ Quốc phòng) có vai trò lớn hơn, nhưng tới đây vai trò của ngoại trưởng Mike Pompeo (và Bộ Ngoại Giao) chắc sẽ tăng lên. Chính quyền Trump nay đã công bố NDS và tầm nhìn Indo-Pacific, nên muốn triển khai chiến lược mới tất nhiên cần đến vai trò của Bộ Ngoại Giao. Về vấn đề Triều Tiên, nếu khả năng đàm phán trực tiếp Mỹ-Triều trở thành hiện thực, và vai trò Nam Hàn tăng lên, thì vai trò Trung Quốc chắc sẽ giảm đi, nên thái độ của Mỹ tại Biển Đông có thể cứng rắn hơn. Những căng thẳng và nguy hiểm vì đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên giống trò chơi “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship) hay một ván cờ “gambit”. Nhưng ai đã từng nghiên cứu về chiến tranh hạt nhân chắc đều hiểu những hạn chế và quy luật của nó, nhất là sau vụ khủng hoảng tên lửa Cuba (10/1962).

Khi những nghịch lý và ngộ nhận về Bắc Triều Tiên dần được giải mã, chắc người ta sẽ thấy đàm phán Mỹ-Triều là kết cục tất yếu để tìm một giải pháp nhằm tháo gỡ bế tắc hiện nay, sau khi các bên đã xuất những con bài cuối cùng trước khi ngã giá (nếu không muốn “già néo đứt dây”). Bị ám ảnh bởi cơn ác mộng Bắc Triều Tiên nên nhiều người khó hình dung một ngày nào đó Donald Trump (the “stable genius”) sẽ trực tiếp gặp Kim Jong-un (the “little rocket man”). Phát ngôn gây sốc của Trump tuy đầy kịch tính, nhưng sớm muộn rồi Washington cũng phải đàm phán với Bình Nhưỡng. Tuy vấn đề Triều Tiên vẫn còn nan giải, nhưng Biển Đông là thùng thuốc súng còn nguy hiểm hơn bán đảo Triều Tiên hay biển Đông Hải, vì Biển Đông mới là tâm điểm của ván cờ sinh tử Mỹ-Trung trong thế kỷ 21 này.  

Tư tưởng Tập Cận Bình

Tại Đại hội Đảng lần thứ 19 “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” đã được xác quyết và ghi vào điều lệ Đảng. Đó là một cột mốc lớn trong lịch sử để Trung Quốc bước vào “kỷ nguyên mới”, nhằm thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” bằng chiến lược “Một vành đai, Một con đường” với những đại dự án có quy mô còn lớn hơn cả Kế hoạch Marshall của Mỹ trước đây. Trong bối cảnh nước Mỹ lâm vào khủng hoảng chính trị bởi hiện tượng Trumpism (ít nhất trong ba năm tới), Trung Quốc chắc sẽ nắm bắt cơ hội trời cho này để quyết tâm vượt Mỹ, tranh giành vai trò lãnh đạo thế giới. 

Người Trung Quốc coi trọng lịch sử, không phải chỉ vì tự hào mà còn muốn lợi dụng lịch sử làm bệ đỡ để “trở về tương lai” (back to the future). Tập Cận Bình cũng muốn làm “Trung Quốc vĩ đại trở lại” (chẳng khác gì Trump). Nhưng điều trớ trêu là những gì mà ông Trump đang làm để giúp “nước Mỹ vĩ đại trở lại” (America great again) thì hóa ra chỉ làm lợi cho Trung Quốc vĩ đại trở lại (China great again). Chỉ mấy tháng sau Đại hội 19, Quốc hội Trung Quốc đã sửa đổi Hiến pháp (11/3/2018), bỏ điều khoản hạn chế Chủ tịch nước Trung Quốc không được làm quá hai nhiệm kỳ, đi ngược lại với xu hướng dân chủ hóa trên thế giới.

Điều đó khẳng định xu hướng độc tài theo “chủ nghĩa tân độc đoán” (Neo-authoritarianism) mà Vương Hỗ Ninh đề xướng, nay tái sinh thành “chủ nghĩa tân bảo thủ” (Neo-conservatism), đã trở thành tư tưởng chủ lưu của Trung Quốc. Trong lịch sử, hiện tượng “cách mạng thụt lùi” đã từng xảy ra tại Iran (năm 1978), nay đang diễn ra tại Trung Quốc. Hai sự kiên đó tuy khác nhau về hình thức (tôn giáo) nhưng giống nhau về bản chất (cực đoan). Sau khi Tập Cận Bình quyết thay đổi luật chơi (quốc gia) do Đặng Tiểu Bình đặt ra để trở thành nhà độc tài (như “hoàng đế Trung Hoa”), chắc Tập cũng sẽ quyết thay đổi luật chơi (quốc tế). 

Trong trò chơi quyền lực mới (new “game of thrones”) giữa con đại bàng Mỹ (đang suy yếu) và con rồng Trung Quốc (đang trỗi dậy) liệu họ có bị sa vào bẫy Thucydides (như Graham Allison suy đoán)? Chiến tranh không nhất thiết xảy ra nếu Trung Quốc “không đánh mà thắng”. Những gì diễn ra tại Biển Đông trong mấy năm qua cho thấy Trung Quốc hầu như đã thắng hiệp đầu mà không cần đánh, vì họ vận dụng “Tam chủng chiến pháp” (three warfare doctrine) như một kiểu “chiến tranh không thông thường” (unconventional warfare). Đó là cuộc đấu trí và đấu lực trong “vùng xám” (grey zones) mà Trung Quốc có lợi thế, bằng cách “thay đổi thực địa” (changing facts on the ground) như “tầm ăn dâu”, để biến thành “chuyện đã rồi” (fait accompli) mà không gây ra xung đột trực tiếp với Mỹ. Tóm lại, Trung Quốc đã ứng dụng linh hoạt binh pháp Tôn Tử (không đánh mà thắng) như cách đánh “cờ vây” (“Wei Qi” game).

Nếu muốn lý giải “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, có lẽ phải hiểu tư duy chiến lược của Vương Hỗ Ninh (Wang Huning). Vương là tác giả của ba chủ thuyết gần đây của Trung Quốc: “thuyết ba đại diện” (thời Giang Trạch Dân), “quan điểm phát triển khoa học” (thời Hồ Cẩm Đào), “giấc mộng Trung Hoa” và “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” (thời Tập Cận Bình). Nếu muốn lý giải những diễn biến trong cải cách kinh tế của Trung Quốc gần đây (và sắp tới), phải hiểu tư duy kinh tế của Lưu Hạc (Liu He). Việc đưa Vương Hỗ Nình vào thường vụ BCT và Lưu Hạc vào BCT càng khẳng định vai trò của hai bộ óc chiến lược đang cố vấn chính sách cho Tập Cận Bình.

Tuy tư duy về phát triển của Vương Hỗ Ninh đã phát huy tác dụng trong giai đoạn phát triển “hậu Thiên An Môn” nhưng không có gì đảm bảo tư tưởng của Vương Hỗ Ninh và chính sách của Lưu Hạc sẽ thành công trong giai đoạn tới (còn nhiều ẩn số). Những người theo “chủ nghĩa Tân Độc đoán” lập luận rằng ổn định chính trị sẽ cung cấp cấu trúc cho phát triển kinh tế, rằng “không có trật tự xã hội thì không thể có tự do và dân chủ”. Theo Vương Hỗ Ninh, “sự thống nhất của ban lãnh đạo là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của đất nước”, còn dân chủ và tự do cá nhân “sẽ đến muộn hơn khi hội đủ các điều kiện thích hợp”.

Giai đoạn phát triển kinh tế “Hậu Thiên An Môn” với mô hình phát triển mà David Shambaugh gọi là “authoritarian resilience” được người Mỹ đánh giá cao và ủng hộ, nay đã qua rồi. Những yếu tố thuận lợi ban đầu đã hết, nay bài toán phát triển kinh tế Trung Quốc khó khăn hơn nhiều. Tuy Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ và giàu có về vật chất, nhưng tinh thần còn lạc hậu. Dòng người và dòng tiền từ Trung Quốc tiếp tục chảy ra ngoài (tới Mỹ và phương Tây). Đó là hệ quả của nghịch lý phát triển nóng không đồng bộ. Tuy chưa ai có thể dự báo được chắc chắn về tương lai của Trung Quốc, nhưng theo David Shambaugh Tập Cận Bình càng cố gắng làm khác Gorbachew thì kết cục Trung Quốc càng nhanh giống Liên Xô. 

Sự phát triển của Trung Quốc tuy thần kỳ nhưng ẩn chứa nhiều nghịch lý (như gót chân A-sin).  Tập Cận Bình không chỉ muốn làm khác Gorbachew mà còn làm khác Đặng Tiểu Bình (cả về đối nội và đối ngoại). Trong khi Đặng chấm dứt nền độc tài kiểu Mao, thì nay Tập quay lại với nền độc tài kiểu Mao để “tái tạo Trung Quốc” (Rejuvenation of the Chinese Nation). Về kinh tế, Tập muốn dựa vào doanh nghiệp nhà nước chứ không dựa vào tư nhân. Nếu những năm đầu thập niên 1990, phương Tây lo ngại Nhật “mua cả thế giới” thì nay Trung Quốc đang “mua cả thế giới”. Tập còn muốn “Tàu hóa” cả thế giới (cinicization of the world) và thay đổi trật tự thế giới theo ý mình, lấy Trung Quốc làm trung tâm (để thay thế Mỹ).

Mấy thập kỷ qua, phương Tây đã ảo tưởng tin rằng Trung Quốc giàu có thì sẽ dân chủ hóa, nên đã hỗ trợ và giang tay chào đón Trung Quốc hòa nhập vào cộng đồng thế giới (vào WTO năm 2001). Người Mỹ, người Nhật và Tây Âu phải chịu trách nhiệm về sự trỗi dậy bất ổn và bất trị của Trung Quốc hiện nay. Tuy một số nước vẫn chạy theo Trung Quốc hoặc có chính sách hai mặt vì lợi ích kinh tế, nhưng hầu hết các nước phương Tây đã vỡ mộng và tỉnh ngộ về bản chất Trung Quốc. Gần đây, các quan chức an ninh Mỹ đã cảnh báo rằng các viện Khổng tử là các “ổ gián điệp trá hình”. Một số nước (như Mỹ và Úc) đã áp dụng các biện pháp cứng rắn để đối phó, như một làn sóng phản ứng (backlash). (40 years after opening up, China is going backward, Tetsushi Takahashi, Nikkei Asian Review, March 20, 2018).

Tầm nhìn khu vực Indo-Pacific

Một năm tuy quá ít để thay đổi trật tự thế giới, nhưng quá đủ để Mỹ-Trung điều chính chiến lược, tác động đến cục diện thế giới, nhất là khu vực Biển Đông. Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 19 (và “hậu Đại hội”) là một bước ngoặt lớn không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với thế giới,  đặc biệt là đối với Mỹ. Không phải ngẫu nhiên khi Trump đến thăm Việt Nam dự họp cấp cao APEC Đà Nẵng (10/11/2017) đã tuyên bố tầm nhìn Indo-Pacific và nhấn mạnh vai trò của “bộ tứ” (Quad) gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc. Tổng thống Donald Trump và chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thỏa thuận về Kế hoạch Hành Động Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Việt (2018-2020). Bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis đã đến thăm Việt Nam (24-26/1/2018) sau khi công bố chiến lược quốc phòng (NDS) coi Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất”. Sau đó USS Carl Vinson đã đến Đà Nẵng (5-9/3/2018) trong một chuyến thăm lịch sử đầy ý nghĩa.

Hiện nay, Viêt Nam là tâm điểm (epicenter) trong chiến lược quốc phòng của Mỹ và an ninh khu vực, với tầm nhìn mới “Indo-Pacific”. Chiến lược mới này đã thổi sức sống mới vào khuôn khổ đối thoại an ninh của “bộ tứ” (gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc). Việt Nam chủ trương đa dạng hóa quan hệ quốc tế và tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, không chỉ với Mỹ mà còn với Nhật, Ấn, Úc (và các nước khác). Theo các chuyên gia của viện Brookings, Viêt Nam đang tăng cường quan hệ với các nước thuộc “bộ tứ” trong bối cảnh các nước ASEAN đang bị chia rẽ về lập trường đối với sự trỗi dậy đầy bất an của Trung Quốc và những hoạt động lấn chiếm Biển Đông. (As US aircraft carrier departs Vietnam what are the implications for regional security? Jonathan Stromseth & Hunter Marston, Brookings, March 9, 2018). 

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nhât-Việt đã được khẳng định và mở rộng sau chuyến thăm Nhật chính thức của TBT Nguyễn Phú Trọng (9/2015) và chuyến thăm Việt Nam chính thức của Nhật Hoàng Akihito (3/2017). Trong chuyến thăm Nhật của thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc (4-8/6/2017), hai bên đã ký Tuyên bố Chung về việc làm sâu sắc hơn Đối tác Chiến lược Sâu rộng Việt-Nhật, và nêu bật vấn đề hợp tác an ninh quốc phòng ngay ở phần đầu. Theo giáo sư Carl Thayer, “đây là một tín hiệu đáng chú ý”. Nhật cam kết hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam nâng cao năng lực chấp pháp trên biển bằng cách cung cấp tàu tuần tra (6 chiếc năm 2014 và 6 chiếc năm 2017) và huấn luyện hải quân, sau khi tàu khu trục IZUMO thăm Cam Ranh (5/2017). Theo tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, trong năm 2018 Nhật dự kiến sẽ chuyển giao cho Việt Nam hai vệ tinh hiện đại và máy bay săn ngầm (anti-submarine and surveillance aircraft). Hiện nay Nhật vẫn là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, trong khi kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 30 tỷ USD (năm 2016) và dự kiến sẽ tăng gấp đôi (năm 2020).

Ngoài việc mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Nhật, quan hệ hợp tác quốc phòng với Ấn Độ đã được tăng cường khi thủ tướng Narendra Modi đến thăm Việt Nam (năm 2016) nhằm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam là tâm điểm trong chiến lược “hướng đông” của Ấn Độ (từ “Look East” nay thành “Act East”). Ấn Độ đã hứa cho Việt Nam vay 500 triệu USD để mua sắm thiết bị nhằm nâng cấp năng lực quốc phòng. Ấn Độ cũng đã giúp huấn luyện thủy thủ tàu ngầm Kilo cho Hải quân Việt Nam. Trong năm 2017, Việt Nam đã gia hạn quyền thăm dò dầu khí cho công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ (OLV) tiếp tục khoan thăm dò dầu khí (tại lô 128). Tiếp theo chuyến thăm Ấn Độ của thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc (24-26/1/2018) chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đi thăm Ấn Độ (2-4/3/2018).

Trong khi tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược với Mỹ, Viêt Nam đang chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với các nước khác, đặc biệt là Nhật Bản và Ấn Độ có thái độ nghi ngại Trung Quốc đang mở rộng thế lực không những tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương mà còn tại Ấn Độ Dương. Theo chuyên gia Joshure Kurlantzick (CFR), trong chuyến thăm Ấn Độ vừa qua, chủ tịch nước Trần Đại Quang và thủ tướng Narendra Modi đã trao đổi về tầm quan trọng của việc hai bên tiếp tục hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông (giữa OVL với PVN, và có thể với cả bên thứ ba) “dù Trung Quốc có nói gì chăng nữa” (no matter what China says). Ấn Độ có thể tiếp tục cho Việt Nam vay thêm tiền để mua sắm nhiều hơn vũ khí Ấn Độ. Hai bên cũng khẳng định cam kết ủng hộ tự do hàng hải tại Biển Đông. 

Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với các nước khác (ngoài Mỹ) để làm đối trọng với Trung Quốc, vì lãnh đạo Hà Nội lo ngại về chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á và cam kết duy trì lâu dài lực lượng của Mỹ tại Biển Đông (long-term sustainability of the U.S. posture in the South China Sea). Ngoài ra, thái độ thất thường khó đoán của Trump và chính sách thương mại bảo thủ (như bỏ rơi TPP và đánh thuế cao) làm cho Hà Nội bất an. Để lấp lỗ hổng đó, Hà Nội phải tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với một số nước khác, như Nhật Bản và Ấn Độ, vì cho rằng Ấn Độ muốn có vai trò an ninh lâu dài tại Đông Nam Á và sẵn sàng triển khai sức mạnh tại Biển Đông. Vì vậy, theo chuyên gia Joshure Kurlantzick, “Ấn Độ là đối tác lớn lý tưởng đối với Việt Nam” (an ideal major partner for Vietnam), và trên thực tế “Việt Nam đang là tâm điểm trong chiến lược hướng đông của Ấn Độ” (Vietnam is now at the heart of India’s Look East strategic policy).  (Vietnam and India Cement an Increasingly Vital Relationship in Southeast Asia, Joshua Kurlantzick, CFR, March 9, 2018). 

Tiếp theo các chuyến thăm cấp cao tới Nhật và Ấn Độ gần đây, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm Australia (14-18/3/2018) để nâng cấp đối tác chiến lược. Theo Carl Thayer, “Đây là cột mốc lớn thứ ba trong quan hệ song phương… là thời điểm chín muồi để hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược”, nhân chuyến thăm Canberra của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để kỷ niệm 45 năm lập quan hệ song phương và nhân dịp họp thượng đỉnh ASEAN- Australia. Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Australia sẽ dẫn tới trao đổi thường xuyên hơn giữa lãnh đạo cấp cao, giúp giải quyết tốt hơn nhiều thách thức về phát triển kinh tế, các vấn đề xuyên quốc gia, hòa bình và an ninh ở khu vực cũng như trên thế giới. Tuy lập trường của Australia về Biển Đông còn bị ràng buộc nhiều bởi lợi ích kinh tế với Trung Quốc, nhưng việc Australia trở thành đối tác chiến lược của Viêt Nam là một tín hiệu mới, đóng góp tích cực vào “tầm nhìn Indo-Pacific tự do và rộng mở”, dựa trên “bộ tứ” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc).      

Trong khi tăng cường quan hệ với các nước nói trên, Việt Nam luôn ý thức rằng Trung Quốc có thể gây khó dễ cho Việt Nam về kinh tế, vì Trung Quốc là nước láng giềng khổng lồ và là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm gần 30% nhập khẩu và hơn 10% xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi cùng các nước thành viên khác thúc đẩy ký kết hiệp định CPTPP (hay còn gọi là TPP11) mà không có Mỹ, Việt Nam vẫn đang tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác trong “bộ tứ” tại “khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở”. Đó là cách “đặt cược” (hedging) cho trước mắt cũng như cho tương lai, hy vọng một ngày nào đó Mỹ sẽ quay lại với TPP (như gần đây, 25 thượng nghị sỹ đảng Công Hòa đã lên tiếng kêu gọi Trump làm như vậy). 

Nghịch lý đồng thuận ASEAN

Có lần một phó thủ tướng Thailand nói (đại ý) Thailand phát triển nhanh (trong thập kỷ 1980-1990) vì đã tranh thủ được Nhật đang mạnh, nên sẵn sàng đầu tư vào Thailand, trong khi Việt Nam lúc đó chưa sẵn sàng. Khi Việt Nam sẵn sàng hợp tác thì đáng tiếc là kinh tế Nhật lại bị ốm yếu (sau khủng hoảng tài chính 1997). Nhận xét đó đã vô hình trung phản ảnh một thực tế là trong lịch sử, Việt Nam thường “nhỡ tàu” nên đã bỏ qua nhiều cơ hội. Sau 1975 khi ASEAN muốn mời Việt Nam vào ASEAN thì lúc đó Việt Nam còn làm cao. Khi Mỹ sẵn sàng bình thường hóa với Việt Nam (năm 1978) thì Việt Nam lại chưa sẵn sàng. Khi Việt Nam đánh Campuchea (12/1978) và Trung Quốc đánh Việt Nam (2/1979), phương Tây cấm vận để cô lập Việt Nam, thì ASEAN cũng quay lưng lại với Viêt Nam. 

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, ASEAN là một mô hình thành công về chủ nghĩa khu vực (regionalism) tại Đông Nam Á, có thể so sánh với “ngôi nhà chung” Châu Âu (EU). ASEAN được xây dựng trên tư tưởng “ZOPFAN” (Zone of Peace, Freedom and Neutrality) với nguyên tắc “đồng thuận” được sùng bái (như “Cult of Consensus”). Đồng thuận được đánh đồng với “nhất trí” (unanimity) như một “điều kiện tiên quyết” cho hành động (prerequisite for action). Dù nguyên tắc đồng thuận nay được mô tả “đồng thuận trong đa dạng” (consensus in diversity) thì nó cũng trở thành “gót chân A-sin” của ASEAN, vì bất cứ nước thành viên nào cũng có thể phủ quyết làm vô hiệu hóa ASEAN. Các cường quốc khác (như Trung Quốc) chỉ cần hối lộ và xúi giục một nước thành viên nào đó (như Campuchea) là đủ tạo ra khủng hoảng, làm vô hiệu hóa tiếng nói và vai trò của ASEAN tại khu vực nhạy cảm này.

Nguyên tắc đồng thuận nhằm duy trì ổn định khu vực đang đứng trước thách thức mới, làm ASEAN trở thành nạn nhân của cái bẫy thể chế (institutionalization trap), không sẵn sàng đối phó với những thách thức mới của thế kỷ 21. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng, đe dọa trật tự thế giới và khu vực. Nếu ASEAN không muốn bị vô hiệu hóa và bị con rồng phương Bắc “bắt cóc” (hijacked), thì cách tốt nhất để duy trì vai trò khu vực và phát huy mô hình “độc đáo” của mình (nay đã bị lỗi thời), là phải triệt để cải tổ thể chế ASEAN và xem xét lại hệ quy chiếu và nguyên lý điều hành của ASEAN. 

Mỗi khi Trung Quốc gây sức ép mạnh để ngăn cản ASEAN ra nghị quyết làm cản trở ý muốn của Trung Quốc là đàm phán song phương thay vì đàm phán đa phương, thì kết cục là ASEAN bị vô hiệu hóa và hầu như tê liệt trước cái bóng đen của con rồng Trung Quốc mà không dám hành xử như một tổ chức độc lập vì hội nhập khu vực. Trung Quốc đang chia để trị khu vực, nhưng điều làm người ta ngạc nhiên là ASEAN đang trở thành cái khiên để che đỡ cho Trung Quốc chống lại Mỹ và các đồng minh chủ chốt của Mỹ tại khu vực. Biển Đông là nơi mà tranh chấp chủ quyền đang trở thành điểm nóng về địa chính trị trong thế kỷ 21, nơi mà cạnh tranh Mỹ-Trung về các lợi ích cốt lõi dễ bùng nổ nhất. Nếu chiến tranh thế giới thứ ba xảy ra thì có lẽ nó dễ xảy ra nhất tại Biển Đông (như “cái bẫy Thucydides”).

Dưới thời Tổng thống Duterte, Manila đã ngả theo Trung Quốc vì động cơ kinh tế. Manila không chỉ theo đuôi lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông mà còn chống lại lập trường của Mỹ và các nước đồng minh. Nếu ASEAN muốn độc lập và có ý nghĩa (relevant) như một nhân tố ổn định để đóng góp vào trật tự khu vực (chứ không phải để làm tay sai cho Trung Quốc), thì phải từ bỏ sự “sùng bái đồng thuận”. Các nước độc lập trong ASEAN như Indonesia, Việt Nam, Singapore, cần đi đầu để tháo gỡ vấn đề này bằng sự “hợp tác tối thiểu” (minilateral cooperation) trong vấn đề an ninh khu vực.

Muốn cứu vãn tình thế hiện nay ASEAN phải mạnh dạn thay “chủ nghĩa đa phương đã đổ vỡ” (broken multilateralism) bằng “chủ nghĩa tối thiểu năng động” (dynamic minilateralism) tới khi nào ASEAN chấn chỉnh được thể chế của mình. Mỹ và đồng minh không nhất thiết phải thuyết phục tất cả các nước ASEAN mà chỉ cần hợp tác với một số nước SEAN năng động. Để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, ASEAN cần liên kết với “bộ tứ” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc). Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Australia vừa diễn ra tại Sydney (March 18, 2018), Việt Nam và Australia đã nâng quan hệ lên “đối tác chiến lược” trong khi Indonesia mời Australia tham gia ASEAN như một thành viên mới (ASEAN-11). Điều này chứng tỏ xu hướng tìm giải pháp để cứu vãn tình thế hiện nay nhằm ngăn chặn đà suy thoái đang làm ASEAN mất vai trò (a downward spiral of irrelevance). (ASEAN Could Be Hijacked by China. Here’s How to Fix It, Richard Javad Heydarian, National Interest, March 15, 2018).  

Nghịch lý chống tham nhũng

Trong khi ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình chống tham nhũng triệt để (với khẩu hiệu “đả hổ diệt ruồi”) thì ở Việt Nam trong gần một năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bắt đầu chống tham nhũng quyết liệt hơn với câu nói nay thành nổi tiếng là “lò đã cháy lên rồi thì củi khô hay củi tươi cho vào cũng cháy hết”. Có lẽ vì vậy mà báo chí gọi ông Nguyễn Phú Trọng là “người đốt lò vĩ đại”.  Trong khi ở Trung Quốc ông Tập Cận Bình bắt hổ Bạc Hy Lai (và gần đây là bắt Tôn Chính Tài) thỉ ở Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng cũng bắt hổ Đinh La Thăng. Trong khi ông Tập Cận Bình có ông Vương Kỳ Sơn là cánh tay phải, thì nay ông Nguyễn Phú Trọng cũng có ông Trần Quốc Vượng là cánh tay phải (tuy ông Vượng khác ông Vương). Nay chống tham nhũng trước mắt được lòng dân và củng cố được quyền lực, nhưng muốn có hiệu quả lâu dài, phải cải tổ thể chế mới kiểm soát được quyền lực.

Vừa qua, cuộc chiến chống tham nhũng đã chĩa mũi nhọn vào PVN (như một đại án). Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng đồng sự đã biến thành củi tươi bị ném ngay vào lò từ trước Tết, nhưng vẫn chưa phải hồi kết, để sau Tết sẽ xử tiếp (cho có “tính nhân văn”). Tuy nhiên, một hệ quả là PVN gần như bị tê liệt, trong khi Việt Nam cần khai thác tiếp dầu khí để bổ xung cho ngân sách đang bị thiếu hụt trầm trọng, thậm chí có nguy cơ “sụp đổ tài khóa quốc gia” (lời thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc). Đồng thời, hệ quả của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin đã dẫn đến khủng hoảng trong quan hệ Viêt-Đức, làm tổn thương triển vọng ký hiệp định tự do thương mại EVFTA (được cho là quan trọng chỉ sau TPP).

Để chống tham nhũng và củng cố quyền lực, TBT Nguyễn Phú Trọng đã quyết định tham gia Đảng ủy Công An Trung ương (tạo ra một tiền lệ mới), với mục đích được hiểu ngầm là để cải tổ bộ máy của Bộ Công An (từ lâu đã chịu nhiều ảnh hưởng của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng). Vụ bắt “Vũ Nhôm” là một đòn cân não nhắm vào Tổng cục 5, và vụ bắt tướng Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50, dính líu đến đường dây đánh bạc trực tuyến) là một đòn đau nhắm vào Tổng cục Cảnh sát. Việc cải tổ PVN và Bộ Công An là cần thiết vì một số cá nhân và đơn vị đã “tự diễn biến” và tham nhũng, nhưng cái giá phải trả là an ninh năng lượng và an ninh quốc gia có thể bị ảnh hưởng nếu phương án cải tổ không đủ nhanh và đủ hiệu quả. Đó là nghịch lý chống tham nhũng. Một khi quyền lực không được kiểm soát thì các nhóm lợi ích sẽ thao túng thể chế để trục lợi. Muốn kiểm soát được tham nhũng phải kiểm soát được quyền lực, và muốn kiểm soát được quyền lực phải cải tổ thể thế đồng bộ.

Vụ Mobilefone mua AVG là một vụ đại án đã được điều tra từ lâu làm dư luận xôn xao, nhưng nay mới được lôi ra xử lý công khai và rốt ráo. Vụ án này trở nên đầy kịch tính khi Bộ chủ quản TTTT đã có những phản ứng quyết liệt một cách vụng về như “lậy ông tôi ở bụi này” khi bộ gửi công văn phản bác lại kết quả điều tra của Thanh tra Chính phủ (nay được Ban Bí thư chỉ đạo). Sau khi đạo diễn cho Mobifone và AVG hủy hợp đồng giao dịch mà dư luận gọi là “nuốt không trôi phải nhè ra” hay “hủy hôn để chạy tang”, và nộp lại tài sản tham nhũng để “khắc phục hậu quả” dù “muộn còn hơn không”, họ hy vọng được giảm nhẹ tội mà ông Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: “Đây là vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm…”. 

Đó là mấy vụ đại án đang được xử lý rốt ráo trước hội nghị TW7. Nhiều củi to đang bị ném vào lò: Đinh La Thăng và cộng sự trong vụ PVN, Nguyễn Thanh Hóa và cộng sự trong vụ đánh bạc trực tuyến (dính líu đến C50 và tổng cục cảnh sát), Trương Minh Tuấn và cộng sự trong vụ Mobifone mua AVG. Còn vụ “Vũ Nhôm” vẫn treo lơ lửng như một quả bom nổ chậm (hay củi khô dự trữ khi cần). Các nhóm lợi ích dưới mọi hình thức, dù là củi khô hay tươi, đã bị phát hiện cho vào lò hay chưa bị lộ, đều là củi mục đang báo hại cho đất nước. Vì vậy, chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt của TBT Nguyễn Phú Trọng được lòng dân, tuy dư luận vẫn còn lo ngại không biết nó có bị dập khuân theo bài bản của Bắc Kinh hay không.

Như một quy luật bất thành văn, những gì diễn ra tại Việt Nam hầu như lặp lại những gì diễn ra tại Trung Quốc. Điều đó không chỉ do văn hóa của hai nước có chung nguồn gốc, mà còn do ý thức hệ và thể chế chính trị của hai nước giống nhau. Người Việt nổi tiếng vì tinh thần dân tộc chống ngoại xâm trong suốt lịch sử nhiều thế kỷ, nhưng nay ý thức “thoát trung” vì lợi ích dân tộc đang bị hạn chế (tuy vẫn cháy âm ỷ). Một phần có thể do dân trí thấp nhưng một phần khác chắc do “hội chứng Stokholm” là hệ quả của một thời gian dài sống chung với nỗi lo sợ trong tâm thức và bị kiểm soát bởi cái vòng kim cô của não trạng Thành Đô.

Trong khi Trung Quốc chống tham nhũng triệt để, thì Việt Nam cũng chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, với những đại án làm nhiều kẻ giật mình lo sợ (tuy vẫn chưa động đến mấy mãnh hổ). Vì vậy chống tham nhũng ở Viêt Nam đầy nghịch lý và có thể phải trả giá, nếu không cải tổ thể chế để kiểm soát được quyền lực. Trong khi Trung Quốc triển khai “Tam chủng Chiến pháp” (chiến tranh tâm lý, pháp lý, truyền thông) thì Việt Nam hầu như chưa có đối sách. Công tác truyền thông ngày càng yếu kém, vì giao cho những kẻ bất tài, thất đức chỉ lo “đục nước béo cò” (như Trương Minh Tuấn). An ninh mạng của Việt Nam cũng yếu kém, nên tin tặc đã từng tấn công chiếm được mạng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất (29/7/2016). Chắc lúc đó ông cục trưởng cục C50 Nguyễn Thanh Hóa còn bận bảo kê đánh bạc online.

Thay lời kết

Trong khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ thì Việt Nam suy yếu, tụt hậu so với các láng giềng. Sự phát triển bất đối xứng tiềm ẩn nguy cơ phụ thuộc (và “Bắc thuộc”). Đến nay, chuyển đổi cơ cấu kinh tế vẫn ỳ ạch, công nghiệp hóa vẫn chậm, thương mại với Trung Quốc vẫn nhập siêu lớn, nợ công vẫn cao, ngân sách vẫn thâm hụt (thu không đủ chi), thậm chí có nguy cơ “sụp đổ tài khóa quốc gia”. Năm 2017, Việt Nam tuy đạt các chỉ tiêu kinh tế cơ bản, nhưng vẫn chưa triển khai cải cách thể chế (như khuyến nghị của “Báo cáo Việt Nam 2035”). Nếu không cải tổ thể chế đồng bộ thì không tạo ra được động lực mới để phát triển tiếp.

Khi ông Phan Văn Khải mất, nhiều người tỏ lòng thương tiếc là có lý do. Ông Khải là một thủ tướng kỹ trị, đã có công thúc đẩy cải cách kinh tế phát triển đúng hướng, vừa tăng trưởng cao vừa ổn định vĩ mô, nên đã vượt qua được hệ quả khủng hoảng tài chính (1997), kiến tạo được nền móng vững vàng cho kinh tế thị trường thực sự chuyển mình và khởi sắc. Nhưng chưa đến mười năm sau, những thành quả đó đã bị tan hoang bởi vấn nạn tham nhũng tràn lan (massive corruption) và điều hành yếu kém (poor governance). Nếu người kế nhiệm tiếp tục điều hành đúng hướng thì chắc bức tranh kinh tế không bi đát như hiện nay.

Các “quả đấm thép” (tập đoàn kinh tế) tưởng là trụ cột của kinh tế thị trường định hướng XHCN đã lần lượt phá sản, vì các nhóm lợi ích “tư bản đỏ” tranh nhau thao túng làm giàu nhanh. Con tàu Việt Nam đã bị họ “bắt cóc” (hijacked) đi chệch hướng và trật đường ray cải cách. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam tuy vẫn khá cao, nhưng càng phát triển Việt Nam càng tụt hậu, vì phần lớn của cải xã hội chạy vào túi các nhóm lợi ích thân hữu. Họ “ăn của dân không từ một cái gì” (lời bà Nguyễn Thị Doan). Khi tài nguyên cạn kiệt, viện trợ nước ngoài sắp hết, họ tận thu bằng nhiều cách khác (như tăng giá điện, xăng dầu, phí BOT).

Cũng giống Trung Quốc, khi môi trường sống ngày càng ô nhiễm và bất an (cả vật chất và tinh thần) thì dòng người (và dòng tiền) chạy khỏi Việt Nam càng tăng (như bỏ phiếu bằng chân). Theo IOM, mỗi năm có khoảng 100.000 người di cư khỏi Việt Nam. Chống tham nhũng càng quyết liệt thì số người di cư ngày càng nhiều. Theo Epoch Times (30/12/2016) 85% người nhà quan chức cao cấp Trung Quốc đã định cư và mua nhà ở nước ngoài. Theo Wikileaks (6/1/2017) 65% quan chức cao cấp Việt Nam đã chuẩn bị điều kiện để ra nước ngoài. Hội nghị TW7 là cơ hội cuối cùng để Việt Nam đổi mới thể chế trước khi quá muộn.   

 

Tham khảo

1. The Hundred Year Marathon, Michael Pillsbury, MacMillan, 2015

2. A World in Disarray: American Foreign Policy and the Crisis of the Old Order, Richard Haass, Penguin, January 10, 2017

3. The Paradox of Xi’s Power, Minxin Pei, Project Syndicate, October 27, 2017.

4. Wang Huning’s Neo-Authoritarian Dream, Jude Blanchettte blog, October 20, 2017

5. China’s New World Order?, Ramesh Thakur, Project Syndicate, November 10, 2017

6. The Red Emperor, Roderick MacFarquhar, New York Review of Books, January 18, 2018

7. Donald Trump and the Decline of US Soft Power, Joseph Nye, Project Syndicate, Feb 6, 2018

8. China vs America: Managing the Next Clash of Civilizations, Graham Allison, Foreign Affairs, September-October 2017

9. As US aircraft carrier departs Vietnam what are the implications for regional security? Jonathan Stromseth & Hunter Marston, Brookings, March 9, 2018). 

10. Vietnam and India Cement an Increasingly Vital Relationship in Southeast Asia, Joshure Kurlantzick, CFR, March 9, 2018).   

11. ASEAN Could Be Hijacked by China. Here’s How to Fix It, Richard Javad Heydarian,  National Interest, March 15, 2018

12. 40 years after opening up, China is going backward, Tetsushi Takahashi, Nikkei Asian Review, March 20, 2018

NQD.  21/3/2018

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 21-3-18