Việt Nam cần thoát khỏi ngã ba đường
Nguyễn Quang Dy
Năm 2014, sự kiện dàn khoan HD-981 đã làm cả nước bị sốc, xô đẩy Biển
Đông vào “khủng hoảng lần đầu” và thúc đẩy Việt Nam phải “đổi mới vòng
hai” để thoát khỏi ngã ba đường. Nhưng 5 năm sau, Biển Đông lại “khủng
hoảng lần hai”, trong khi Việt Nam vẫn chưa “đổi mới vòng hai”. Nói cách
khác, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi ngã ba đường. Nay đã đến lúc Việt Nam
phải điều chỉnh chiến lược và cải tổ thể chế trước khi quá muộn.
Tư bản thân hữu
Đối với những xã hội chuyển đổi (transitional society) như Việt Nam và
Trung Quốc, khi “định hướng XHCN” (socialist orientation) đã trở thành
ảo tưởng, thì “Chủ nghĩa Tư bản Thân hữu” trỗi dậy thành hiện thực. Hệ
quả là tham nhũng tràn lan, khoảng cách thu nhập tăng cao, mâu thuẫn xã
hội càng lớn, như Minxin Pei đề cập trong cuốn “China’s
Crony Capitalism: the Dynamics of Regime Decay” (Minxin Pei, Harvard
University Press, 2016).
Khi quyền lực không được kiểm soát thì các nhóm lợi ích (doanh nghiệp)
sẽ câu kết với các quan chức biến chất (trong chính quyền) thành thế lực
thân hữu, độc quyền trục lợi làm tham nhũng trở thành quốc nạn vì “quyền
lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối” (Lord Acton). Vì vậy, để kiểm
soát quyền lực, nhằm giữ chế độ khỏi suy xụp trước phản ứng ngày càng
mạnh của nhân dân, người ta buộc phải chống tham nhũng (hay “đốt lò”).
Gần đây, báo Phụ Nữ thành phố vừa đăng loạt bài điều tra gây sốc (“Sun
Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo”,
Phụ Nữ, 23/9/2019). Có thể nói, đây là phần nổi của tảng băng chìm về
chủ nghĩa tư bản thân hữu tại Việt Nam. Sự kiện này làm người ta nhớ lại
thời kỳ “đổi mới vòng một” (sau 1986), khi báo Tuổi Trẻ trở thành ngọn
cờ đầu của báo chí cách mạng, với các phóng sự điều tra dũng cảm “nhìn
thẳng vào sự thật”, theo các khẩu hiệu đổi mới như “hãy tự cứu mình
trước khi trời cứu” và “đổi mới hay là chết”.
Phải chăng lịch sử đang lặp lại, và báo Phụ Nữ đang làm vai trò như báo
Tuổi Trẻ trước đây, góp phần thúc đẩy “đổi mới vòng hai”, chống tham
nhũng và kiểm soát quyền lực của các nhóm lợi ích thân hữu đang lũng
đoạn thể chế để trục lợi, xô đẩy đất nước vào “màn chót” của bi kịch
quốc gia. Nhưng đây là một công việc rất khó khăn và đầy nguy hiểm vì
các thế lực thân hữu rất
mạnh, sẽ tìm mọi cách chống lại quyết liệt. Vì vậy, Quy định 205-QĐ/TW
ngày 24/9/2019 về kiểm soát quyền lực là một chủ trương lớn đòi hỏi cả
nước vào cuộc.
Tại các thành phố lớn (như Hà Nội và Sài Gòn) các nhóm lợi ích đua nhau
chiếm “đất vàng, đất bạc” làm dự án bất động sản quá nhiều, mà không đầu
tư để cải tạo hạ tầng, nên thành phố ngày càng quá tải. Xe quá nhiều và
đường ngày càng xấu nên giao thông ách tắc, không khí ô nhiễm nặng, tai
nạn giao thông ngày càng nhiều, tỷ lệ tử vong do giao thông nay còn
nhiều hơn thời chiến do bom đạn. Đường phố thường bị đào bới và san lấp
cẩu thả, xuống cấp nhanh nên mấp mô như đường nông thôn, với những nắp
cống tụt xuống như những cái bẫy rất nguy hiểm. Mỗi khi ra đường, người
dân phải cảnh giác như “thập diện mai phục”.
Nước ta “rừng vàng, biển bạc”. Nhưng “rừng vàng” đang bị hủy hoại vì các
dự án bất động sản (kể cả các vườn quốc gia cần được bảo tồn), và “biển
bạc” bị nhiễm độc vì các dự án lớn gây ô nhiễm môi trường (như Formosa)
hay bị ngoại xâm lấn chiếm (như bãi Tư Chính). Đất nước giầu mạnh là nhờ
cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, vì vậy phải ủng hộ các doanh nghiệp làm
giàu chính đáng. Nhưng tại Việt Nam có một nghịch lý đáng buồn là các
doanh nghiệp thân hữu càng lớn mạnh thì người dân càng nghèo và đất nước
càng tụt hậu.
Nghịch lý Việt Nam
Đó không phải là mô hình XHCN tươi đẹp mà người ta ảo tưởng, cũng không
phải là mô hình TBCN tiến bộ mà người ta kỳ vọng. Đó là chủ nghĩa tư bản
thân hữu (bên trong) được khoác cái áo choàng XHCN (bên ngoài) như một
nghịch lý. Nói cách khác, đó là mô hình “không chịu phát triển” vì không
giống ai, là hệ quả tất yếu của thể chế độc quyền, để các nhóm lợi ích
thân hữu thao túng quyền lực, tham nhũng trục lợi không thể kiểm soát.
Các tập đoàn nhà nước (hay “quả đấm thép”) là trụ cột cho định hướng
XHCN, nay hầu hết đã suy sụp và tan chảy thành các đống đổ nát. Nhiều
lãnh đạo của nghành dầu khí (PVN) hay ngành đóng tàu (Vinashin) và vận
tải biển (Vinalines) hay ngành bưu chính viễn thông (như Mobiphone) đã
bị kỷ luật (hay “bỏ vào lò”) sau nhiều năm thao túng, làm thất thoát và
cạn kiệt tài nguyên quốc gia, vì tranh thủ trục lợi hay thiếu năng lực
quản trị.
Riêng ngành dầu khí (PVN) sau mấy thập kỷ làm mưa làm gió, khai thác gần
cạn kiệt dầu khí tại Biển Đông, và làm thất thoát lớn tài sản quốc gia,
một số lãnh đạo PVN (như Đinh La Thăng) đã bị tù tội. Tuy PVN có vai trò
đầu tàu trong “Chiến lược Phát
triển Bền vũng Kinh tế Biển” (Nghị quyết 36-NQ/TW 2018) nhưng nay
dường như đã bị vô hiệu hóa, và bị các bộ ngành khác lấn át nên không
thể quyết đoán những vấn đề lớn và cấp bách như Cá Voi Xanh.
Nếu tin đồn ExxonMobil định rút khỏi dự án Cá Voi Xanh là thật, dù lý do
thực sự là gì thì kết cục xấu như nhau, với hệ lụy khó lường, như một
nghịch lý. Các chuyên gia (như Bill Hayton) cho rằng nguyên nhân chính
là chưa thỏa thuận được giá cả, và thủ tục xét duyệt chậm làm đối tác
nản lòng, chứ không phải do sức ép của Trung Quốc, vì Cá Voi Xanh (lô
118) nằm ngoài “đường chín đoạn”, và Trung Quốc khó bắt nạt ExxonMobil
như Repsol.
Một số chuyên gia khác cho rằng ExxonMobil sốt ruột, muốn gây sức ép để
thúc đẩy dự án nhân chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư-Chủ tịch Nước
Nguyễn Phú Trọng (dự kiến vào cuối tháng 10/2019). Tuy tin đồn này có
thể đúng hay sai, nhưng thủ tục xét duyệt thường rất chậm, đàm phán giá
cả thường kéo dài, nên không theo tiến độ dự án, làm đối tác nản lòng
muốn rút. Nếu đúng vậy thì đây là một nghịch lý vì người ta “thấy cây mà
không thấy rừng” (see the forest for the trees), hoặc “tự bắn vào chân
mình” khi đang cần thoát hiểm.
Đấy là chưa nói đến khả năng có những khuất tất trong “cơ chế thị
trường” với những điều kiện “bất thành văn”, và không loại trừ bàn tay
vô hình của Bắc Kinh thao túng. Việt Nam càng thiệt hại bao nhiêu thì
Trung Quốc càng đắc lợi bấy nhiêu. Như một định mệnh, Việt Nam vừa phải
chống ngoại xâm, vừa phải chống nội gián. Dù chuyến thăm Mỹ của TBT-CTN
Nguyễn Phú Trọng có bị hoãn vì lý do nào đó, thì Nghi quyết 50-NQ/TW
ngày 20/8/2019 là một chỉ dấu quan trọng về định hướng chiến lược của
Việt Nam trong giai đoạn tới.
Mấy nguy cơ lớn
Thế kỷ 21 là thời kỳ “hậu sự thật” (post truth) với nhiều thách thức mới
như Harari đã cảnh báo trong cuốn “21
bài học cho thế kỷ 21” (Yuval Noah Harari, Spiegel & Grau, 2018).
Loài người đang đứng trước những thách thức sống còn, khi không gian
sinh tồn đang bị đe dọa bởi thiên tai (do biến đổi khí hậu) và nhân họa
(do chính con người gây ra). Tài nguyên thiên nhiên là “rừng vàng biển
bạc” đang bị khai thác đến cạn kiệt do lòng tham vô đáy.
Bài diễn văn về bảo vệ môi trường của cô bé Thụy Điển 16 tuổi Greta
Thunberg tại Liên Hiệp Quốc gây chấn động, là “phần nổi của tảng băng
chìm”, đang được hàng triệu người hưởng ứng. Hiện tượng Greta Thunberg
(về môi trường) hay Joshua Wong (về dân quyền) phản ánh sự chuyển đổi
của quyền lực (power shift) trong đó thể chế quyền lực cũ đang bị thách
thức bởi các nhân tố mới có thể làm đảo lộn cán cân quyền lực như “micro
powers” mà Moises Naim đã đề cập trong cuốn “the
End of Power” (Moises Naim, Basic Books, 2013).
Việt Nam đang đứng trước mấy nguy cơ lớn đối với không gian sinh tồn của
mình ngoài Biển Đông, khi chủ quyền và các mỏ dầu khí lớn gần Bãi Tư
Chính và Cá Voi Xanh đang bị đe dọa. Trong khi đó, những nguy cơ khác
như đám mây đen đang hình thành tại phía Tây Nam, như căn cứ hải quân
Ream ở Koh Kong (cách Phú Quốc gần 40km) và căn cứ quân sự khổng lồ bên
kia biên giới Viêt-Trung (rộng 50 acres, cách biên giới có 10km).
Nguy cơ lớn không chỉ đến từ bên ngoài mà còn tiềm ẩn từ bên trong các
“đặc khu” (như Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong), hay đường cao tốc Bắc-Nam.
Nguy cơ lớn còn nằm trong cơ cấu nền kinh tế và thể chế với các lỗ hổng
an ninh, đang đe dọa không gian sinh tồn của Việt Nam. Nếu không cải tổ
thể chế kịp thời, đất nước không bị mất vào tay ngoại bang, thì cũng dễ
rơi vào tay các thế lực thân hữu đang thao túng thể chế làm công cụ trục
lợi.
Việt Nam như một đoàn tàu đang bị thế lực thân hữu khống chế, chạy theo
hướng khác. Bài học về vụ AVG chứng tỏ người ta có thể làm bất cứ điều
gì vì lợi ích riêng. Vì vậy, để triển khai Nghi quyết 50-NQ/TW và Quy
định 205-QĐ/TW, báo Phụ Nữ đang đi đầu trong cuộc chiến chống các thế
lực thân hữu. Đã đến lúc người Việt cần vượt qua định kiến, để tập hợp
lại thành sức mạnh mới, góp phần cải tổ thể chế đã lỗi thời và thoát
khỏi ngã ba đường, trong đó “dân chủ hóa là con đường nhất định phải
tiếp tục tiến lên” như ông Vũ Ngoạc Hoàng đã kết luận trong
bài “Trao
đổi nhanh về chuyện Biển Đông”
(Viet-studies, 8/9/2019).
NQD. 03/10/2019
|