Thay đổi tư duy và hệ quy chiếu
để phát triển
Nguyễn Quang Dy
Gần đây cụm từ “diễn biến khó lường” được nhắc tới nhiều trong các lĩnh
vực quan hệ quốc tế cũng như chính trị quốc gia. Không chỉ người dân mà
giới nghiên cứu cũng dễ nhầm lẫn và phân hóa, làm cho việc dự báo càng
khó hơn. Trong khi thông tin quá nhiều và quá nhanh thì năng lực lý giải
và hóa giải các thách thức mới còn quá yếu và quá chậm.
***
Có ba nguyên nhân chính. Một là trong “thế giới phẳng” còn gồ ghề, sự
bất cập ngày càng lớn (bigger
gaps) và các biến số lấn át hằng số. Trong khi công nghệ mới và bối
cảnh mới làm chu kỳ, tần suất, tính chất các sự kiện biến đổi chóng mặt
(như đoàn tầu siêu tốc) thì việc thay đổi tư duy và hệ quy chiếu của
người Việt quá chậm (như chiếc xe bò).
Hai là internet và mạng xã hội (như Facebook,
YouTube, Twitter, TikTok) là những biến số đang làm đảo lộn trật tự
truyền thông. Theo Yuval Harari, khi thế giới bước vào giai đoạn “hậu sự
thật” (post truth), thì hiện
tượng “tin vịt” (fake news)
và “nửa sự thật” (half truth)
ngày càng nhiều trên thế giới mạng, làm người ta càng dễ ngộ nhận và
nhầm lẫn.
Ba là tại các nước chuyển đổi (transitional)
như Việt Nam, trong khi cổ vũ cho “chuyển đổi số” và “kinh tế trí thức”,
nhiều người vẫn bám vào chủ nghĩa đặc thù (exceptionalism)
và tiệm tiến (gradualism) để
trì hoãn quá trình đổi mới. Trong khi đó, thay đổi tư duy và hệ quy
chiếu là điều kiện tiên quyết để tháo gỡ các nút thắt cổ chai (bottlenecks).
Câu chuyện thứ nhất: Việt Nam đổi
mới thế nào
Việt Nam đã đổi mới “vòng một” thành công từ năm 1986, chuyển đổi nền
kinh tế “tập trung” (centralized)
và “bao cấp” (subsidized)
thành kinh tế thị trường, nhưng còn bất cập vì vẫn giữ cái đuôi “định
hướng xã hội chủ nghĩa”.
Nay động lực đổi mới đã hết đà, cần phải đổi mới “vòng hai”, không chỉ
về kinh tế mà còn về thể chế chính trị.
Báo cáo “Việt Nam 2035” do Bộ KHĐT và World Bank soạn thảo (2016) là kế
hoạch đổi mới toàn diện gồm bốn trụ cột, trong đó có thể chế chính trị.
Nhưng đến nay kế hoạch đó vẫn chưa triển khai, các rào cản (constrainsts)
và nút thắt (bottlenecks)
chưa được tháo gỡ. Đổi mới kinh tế tuy khó, nhưng không khó bằng đổi mới
hệ thống chính trị.
Tại sao đổi mới “vòng một” thành công? Lý do chính là rất quyết liệt do
tình thế cấp bách như đứng trước vực thẳm, không có lựa chọn nào khác.
Khẩu hiệu lúc đó là “đổi mới hay là chết” và “hãy tự cứu mình trước khi
trời cứu”. Năm 1986, Việt Nam phải chống Trung Quốc, nhưng không thể dựa
được vào Liên Xô-Đông Âu, đang bị suy sụp.
Câu chuyện thứ hai: Thay đổi cách
quản trị
Trong nhiều thập niên của thế kỷ 20, lý thuyết “quản trị sự thay đổi” (change
management) của John Kotter đã được giảng dạy trong hầu hết các
trường quản trị kinh doanh ở Mỹ và nhiều nước khác. Nay nó vẫn còn hữu
ích, nhưng không đủ. Thế kỷ 21 biến động khó lường, đòi hỏi phải đổi mới
tư duy và hệ quy chiếu để đối phó với thách thức mới.
Trong cuốn sách “Tương lai của Quản trị” (The
Future of Management, 2007) Gary Hamel (Harvard
Business School) lập luận rằng cách quản trị cũ đã chết (management
is dead), cần phải “thay đổi quản trị” (management
change). Khác với John Kotter đề xuất “quản trị sự thay đổi”, Gary
Hamel đề xuất “thay đổi quản trị” (triệt để hơn).
Gần đây, tranh cử tổng thống Mỹ (2020) và bạo loạn 6/1 tại Capitol đã
làm bộc lộ những lỗ hổng và phân hóa khó lường trong xã hội Mỹ. Đại dịch
Corona và cuộc chiến tranh Ukraine làm bộc lộ những bất cập và góc khuất
về tư duy và hệ quy chiếu. Vì vậy, các nước muốn đối phó với các thách
thức mới, phải thay đổi tư duy và hệ quy chiếu.
Câu chuyện thứ ba: Nhiệm vụ bất
khả thi
Trong một lần trao đổi với các chuyên gia tư vấn về đổi mới quản trị
doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng (2008), tôi đã đề xuất phải “thay
đổi tư duy và hệ quy chiếu” (mindset
change and paradigm shift) như điều kiện tiên quyết. Một chuyên gia
nước ngoài nói điều đó đúng nhưng “bất khả thi” (mission
impossible) vì “đó là việc của chúa trời!”
Tôi suy nghĩ mãi về điều đó: Họ chỉ đúng một phần: Việc thay đổi tư duy
và hệ quy chiếu đúng là khó như lên trời thuyết phục Ngọc Hoàng. Các
chuyên gia nước ngoài như lính đánh thuê chuyên nghiệp, có thể giúp mình
nhưng không làm thay mình được. Đổi mới thể chế không phải chuyện sống
còn của họ, nhưng là chuyện sống còn của mình.
Lần trước, khủng hoảng tài chính tuy có tác động đến Việt Nam, nhưng còn
hạn chế vì kinh tế Việt Nam
lúc đó chưa thực sự hội nhập và chưa phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu
như bây giờ. Lần này, khủng hoảng hay suy thoái kinh tế sau đại dịch,
với sự đứt gẫy chuỗi cung ứng, sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam nhiều
hơn, với hệ lụy khó lường.
Câu chuyện thứ tư: Quản trị sự
bất cập
Gần đây, có chuyên gia tư vấn đã đề xuất một khóa học mới về “quản trị
sự bất cập” (gaps management).
Khác với môn “quản trị khủng hoảng” (crisis
management) và “quản trị sự hỗn loạn” (chaos
management), “quản trị sự bất cập” nhằm tìm sự “đồng thuận về tầm
nhìn” (shared vision), dựa
trên thay đổi tư duy (mindset
change) và hệ quay chiếu (paradigm
shift). Điều đó không chỉ cần cho doanh nghiệp mà còn cần cho các
quốc gia.
Triết gia Eric Hoffer (1902-1983)
từng nói, “những người có học thường được trang bị kiến thức để
sống trong một thế giới không còn tồn tại”.
Trong diễn văn khai giảng
Harvard (2009) bà chủ tịch
Drew Gilpin Faust đã nhấn mạnh rằng “phải làm đảo lộn các định
kiến, làm cho giới trẻ lạc hướng và giúp họ tìm cách định hướng lại
mình”. (to unsettle presumptions,
to disorient young people and to help them find ways to reorient
themselves).
Peter Drucker đã cảnh báo (2009), nếu không
đổi mới, “ba mươi năm nữa các trường đại học lớn sẽ trở thành phế
tích...Chúng ta đã bắt đầu triển khai các bài giảng và lớp học bên ngoài
khuôn viên đại học qua vệ tinh hay video hai chiều với chi phí thấp”. (Thirty
years from now the big university campuses will be relics... We are
beginning to deliver more lectures and classes off campus via satellite
or two-way video at a fraction of the cost).
Câu chuyện thứ năm: Người Việt
mới
Trong một bài viết gần đây (Người
Việt Mới, Lê Kiên
Thành, 13/1/2022) tác giả đề cập đến một vấn đề nhức nhối hiện
nay. Việt Nam tuy đã thống nhất (1976) nhưng vẫn bị
phân hóa thành Bắc-Nam, hay
“bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc”. Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói,
“kết cục năm 1975 làm hàng triệu người vui và hàng triệu người buồn”.
Tuy Mỹ và Việt Nam đã trở thành
“đối tác toàn diện” (thực chất là chiến lược), nhưng người Việt vẫn chưa
chịu hòa giải với nhau. Nay trong cùng “bên thắng cuộc”, người Việt lại
phân hóa thành “người Việt mới” và “người Việt cũ”. Một đất nước tuy đã
thoát khỏi chiến tranh và nội chiến, nhưng muốn phát triển, phải hòa
giải và hòa hợp dân tộc.
Nay xã hội Việt Nam phân hóa
thành thiểu số đặc quyền đặc lợi (người Việt Mới), gồm các nhóm lợi ích
thân hữu nhiều tài sản (the haves),
và đa số nghèo vì bị bần cùng hóa (người Việt cũ) không có tài sản (the
haves not) bị gạt ra ngoải lề. Nói cách khác, “người Việt mới” đang
khống chế đoàn tàu quốc gia và
bẻ ghi chạy theo hướng khác.
Câu chuyện thứ sáu: Chuyến tàu
cuối cùng
Gần đây, tôi có dự một seminar mà khách mời là giáo sư Trần Văn Thọ (Waseda
University). Ông Thọ giới thiệu một cuốn sách mới về sự phát triển
thần kỳ của Nhật. Các chuyên gia kinh tế và quan chức Việt Nam đều biết
bài học của Nhật và hiểu rằng Việt Nam có thể học hỏi để phát triển theo
mô hình đó, nhưng Việt Nam “không chịu phát triển”.
Năm 2022 là năm bước ngoặt đối với Việt Nam cũng như thế giới. Nếu không
kịp thời đổi mới tư duy và hệ quy chiếu để thoát hiểm và “biến nguy
thành cơ”, Việt Nam có thể lỡ nốt chuyến tàu hội nhập của “kỷ nguyên
công nghệ số”. Đó có thể là chuyến tàu cuối cùng. Tâm trạng thỏa mãn và
an toàn (comfort zone) là một
cái bẫy cản trở phát triển.
Trong khi bảo tồn văn hóa truyền thống, Việt Nam cần thay đổi tư duy và
hệ quy chiếu theo hướng phi truyền thống (unconventional).
Sau đại dịch và khủng hoảng Ukraine, thế giới phẳng còn gồ ghề sẽ biến
đổi khó lường, đòi hỏi các nước không chỉ ứng dụng công nghệ mới mà còn
phải liên kết với nhau để đối phó với các thách thức bất thường.
Câu chuyện thứ bảy: Phần nổi của
tảng băng chìm
Phát biểu
tại Đại hội Đảng XII (22/1/2016), cựu Bộ trưởng MPI Bùi Quang Vinh nói:
“Một hệ thống chính trị phù hợp với nền
kinh tế kế hoạch hoá trước đây, nay không còn phù hợp với nền kinh tế
thị trường, thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho phát triển. Vì vậy,
việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với nền kinh tế là một yêu cầu
hết sức cấp bách”.
Việt Nam tuy đổi mới “vòng một” thành công, nhưng vẫn “kiên trì định
hướng XHCN”, nên chưa thể đổi mới “vòng hai”, để cải tổ hệ thống chính
trị. Việt Nam tuy có cơ hội để phát triển, nhưng vẫn có nguy cơ tụt hậu
so với các nước khu vực. Bình luận về “định hướng XHCN”, ông Bùi Quang
Vinh có lần đã nói thẳng: “CNXH có đâu mà đi tìm!”
Theo số liệu chính thức (2016 đến nay) cả nước có 87.000 cán bộ, đảng
viên bị kỷ luật (cách chức, khai trừ Đảng, khởi tố), trong đó có 2 ủy
viên Bộ Chính Trị, 21 ủy viên/cựu ủy viên TƯ Đảng, và 23 tướng lĩnh. Đó
là con số báo động. Nhưng các đại án như Việt Á, Cục Lãnh sự, Tân Hoàng
Minh, FLC và AIC, chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
***
Trong bối cảnh hiện nay, Hội nghị TƯ 6 (10/2022) là một dịp tốt để Việt
Nam sắp xếp lại nhân sự lãnh đạo, cũng như tháo gỡ những nút thắt cho
phát triển, trong đó đổi mới tư duy và hệ quy chiếu là điều kiện tiên
quyết. Từ nay đến trước Đại hội XIV (dự kiến vào tháng 1/2026) là “giai
đoạn bản lề” để Việt Nam đổi mới “vòng hai” trước khi quá muộn.
NQD. 22/9/2022 |