Việt Nam tại ngã ba
đường: Thập diện Mai phục
Nguyễn Quang Dy
Tuy không biết ai dịch tên bộ phim “Thập diện Mai phục” (2004) của
Trương Nghệ Mưu thành “House of Flying Daggers”, nhưng cái tên phim đó
có vẻ hợp với thực trạng Việt Nam lúc này. Đất nước tại ngã ba đường, có
quá nhiều rủi ro nguy hiểm, không chỉ có thiên tai mà còn nhân họa,
không chỉ có thù trong mà còn giặc ngoài, rất dễ bị bắc thuộc.
Tai họa đến hẹn lại
lên
Như
đến hẹn
lại lên, mỗi
năm khi
đến mùa bão lụt,
cả nước lại rộ lên bức xúc trước những tai họa kinh hoàng, gây tổn thất
nặng nề về người và của. Nhưng khi mùa bão lụt qua đi, người ta lại
chóng quên, để rồi đến năm sau tai họa lại ập đến lớn hơn. Trong khi các
quan chức mải mê thu hồi vốn vì “tư duy nhiệm kỳ”, thì người dân vẫn
quen sống tạm bợ (như thời chiến). Trong khi các tượng đài hàng ngàn tỷ
tại Sơn La, Lai Châu làm cạn kiệt ngân sách, thì các biệt phủ trăm tỷ
tại Yên Bái góp phần làm người dân càng thêm nghèo đói.
Tuy thiên tai vẫn xảy ra tại nhiều nước (do biến đổi khí hậu) nhưng nhân
họa tại Việt Nam nổi cộm hơn (do lòng tham và ngu dốt). Người ta hồn
nhiên tàn phá rừng đầu nguồn đến cạn kiệt, và đổ xô đầu tư vào quá nhiều
dự án thủy điện, làm thay đổi môi trường. Đến mùa bão lụt, người ta lại
hồn nhiên xả lũ “đúng quy trình” và để cho đê vỡ “theo kế hoạch”. Không
chỉ phá rừng đầu nguồn, người ta còn hồn nhiên định chặt hết cây xanh
tại Hà Nội.
Không phải ngẫu nhiên mà viện Gallup (năm 2012) đã xếp hạng Việt Nam là
một trong những nước vô cảm nhất thế giới. Người Việt không những hồn
nhiên đầu độc lẫn nhau bằng thực phẩm bẩn, mà còn vô tư hủy hoại môi
trường sống của mình và đồng loại, như phá rừng, gây ngập lụt bằng thủy
điện, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước bằng nhiệt điện (như Vĩnh Tân)
bằng khai thác bauxite (như Nhân Cơ), và siêu dự án thép (Formosa).
Tài nguyên và lòng
tin cạn kiệt
Nước Việt Nam nổi tiếng về “rừng vàng biển bạc”, người Việt nổi tiếng
thông minh, cần cù, giàu lòng yêu nước. Nhưng tại sao đất nước vẫn tụt
hậu? Trong khi rừng vàng bị phá gần hết, biển bạc ô nhiễm nặng, tài
nguyên thiên nhiên cạn kiệt, ngân sách quốc gia gần trống rỗng, thu
không đủ chi, phải tận thu ngân sách, thì lòng tin của người dân cũng
cạn kiệt. Cả quan lẫn dân đổ xô “tìm đường cứu nước” bằng cách chạy ra
nước ngoài.
Có những cái chết bất ngờ (đột tử) nhưng cũng có những cái chết từ từ
(đẳng tử). Người dân chết do tai nạn giao thông (mỗi ngày trung bình 22
người), do lũ quét và sạt lở kinh hoàng (như tại Sơn La, Yên Bái, Hòa
Bình), do xả lũ “đúng quy trình” (tại “khúc ruột miền Trung”), do hạn
hán và ngập mặn (tại đồng bằng Nam Bộ), do bệnh tật hiểm nghèo (như ung
thư), do dịch bệnh nguy hiểm (như sốt xuất huyết), do ngộ độc thực phẩm
hay tai nạn y tế vì nhầm thuốc và thuốc giả (như vụ Pharma), do bạo lực
đường phố, học đường, và ngay tại các lễ hội truyền thống. Từ lừa đảo,
trộm chó, trộm bò, đến cướp ngân hàng, đang làm xã hội bất an. Rủi ro,
nguy hiểm luôn rình rập người dân, mọi nơi, mọi lúc, như “Thập diện Mai
phục”.
Tuy có nhiều nguyên nhân, nhưng thực trạng giáo dục khủng hoảng, văn hóa
suy đồi, môi trường sống không an toàn, đang gây tâm lý bất an trong
cộng đồng (cả dân lẫn quan). Chất lượng giáo dục thấp nên năm 2016 có
225.000 sinh viên có bằng cử nhân hay thạc sỹ bị thất nghiệp (theo Dân
Trí, 2016). Do khủng hoảng giáo dục, nên các gia đình nghèo khó ở nông
thôn cũng như các gia đình khá giả ở thành phố đều tìm mọi cách để chạy
cho con vào “trường quốc tế” (như Vinschool) hay đi học nước ngoài (như
chạy loạn).
Bức tranh vẫn ảm
đạm
Tuy chiến dịch chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, nhưng có vẻ chững
lại (tại TƯ 6), như có dấu hiệu thỏa thuận ngầm giữa các phe phái. Thế
và lực của phe Tổng Bí thư tuy đã mạnh lên đáng kể, nhưng dường như vẫn
chưa đủ sức áp đảo đối phương. Cuộc chiến giữa các phe phái tuy căng
thẳng nhưng vẫn chưa đến hồi kết (phải chờ TƯ 7). Tuy sức ép đòi đổi mới
thể chế chính trị ngày càng mạnh, nhưng hồ sơ nhân quyền ngày một xấu.
Theo các chuyên gia
kinh tế, chỉ số kinh tế của Việt Nam (năm 2017) tuy có dấu hiệu cải
thiện (tăng trưởng quý 4 sẽ là 7,12%), nhưng không bền vững (lạm phát
quý 4 sẽ vượt mức 4%) và bức tranh tài chính vẫn ảm đạm. Tình hình thâm
hụt ngân sách và nợ công vẫn nan giải, thu không đủ chi, dự trữ ngoại
hối chỉ đủ trả nợ nước ngoài đến hạn.
Tỷ lệ bội chi ngân sách khoảng 6% GDP, gấp đôi mức an toàn theo tiêu
chuẩn quốc tế (là 3%). Dư nợ Chính phủ
(năm 2015) là $94,3
tỷ (chiếm 61% GDP), trong khi nợ nước ngoài là $39,6 tỷ.
Theo chuyên gia Vũ
Quang Việt,
nếu tính cả nợ mà các doanh nghiệp nhà nước đã vay thì tổng số nợ công
của Việt Nam (năm 2016) khoảng $431 tỷ (chiếm 210% GDP).
Trong
khi đó, các chủ trương lớn của “chính phủ kiến tạo” như đổi mới thể chế
và “nhất thể hóa” bộ máy cồng kềnh tốn kém, cũng như cổ phần hóa và
chuyển đổi cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (bị thua lỗ), vẫn đang dậm chân
tại chỗ và trì trệ như những khẩu hiệu suông. Nếu bán các doanh nghiệp
hàng đầu, thì nguy cơ sẽ bị các doanh nghiệp Trung Quốc thôn tính.
Phải đổi mới vòng
hai
Về đối ngoại, Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về kinh tế và
chính trị, nhưng quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ lại bấp bênh (vì Trump
thắng cử, bỏ rơi TPP). Quan hệ đối tác chiến lược với Đức lâm vào khủng
hoảng (sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh). Quan hệ đối tác chiến lược với
Nhật ngày càng quan trọng (nhưng chưa thật vững chắc). ASEAN càng bị
phân hóa và suy yếu (do Trung Quốc thao túng), Việt Nam càng cô đơn.
Về an ninh quốc phòng, nguy cơ Việt Nam bị Trung Quốc bắt nạt, có thể
mất nốt chủ quyền tại Biển Đông ngày càng lớn, sau khi Trung Quốc dọa
tấn công các vị trí của Việt Nam tại Trường Sa, buộc Repsol (Tây Ban
Nha) phải rút khỏi mỏ dầu “Cá Rồng Đỏ” (lô 136/03). Nếu Trung Quốc tiến
thêm một bước nữa, buộc OVL (Ấn Độ) rút lui khỏi dự án thăm dò dầu khí
(tại lô 128), và buộc ExxonMobil (Mỹ) không được hợp tác với Việt Nam để
khai thác mỏ khí “Cá Voi Xanh” (lô 118), thì Biển Đông sẽ thành cái ao
của Trung Quốc.
Đất nước bị các phe nhóm tranh giành quyền lực và lợi ích, “ăn không từ
cái gì”, gây tụt hậu và chia rẽ ngày càng nghiêm trọng, làm dân chúng
mất hết lòng tin, phải “bỏ phiếu bằng chân”. Nếu không đổi mới thể chế
và dân chủ hóa thì người Việt không thể hòa giải, và Việt Nam dễ trở
thành miếng mồi ngon cho bắc thuộc lần nữa. Người Việt đang đứng trước
ngã ba lịch sử, với “thập diện mai phục”, nên phải tỉnh ngộ để đổi mới
vòng hai.
NQD. 16/10/2017
|