Tại sao Tập Cận
Bình lại bắn vào chân mình?
Nguyễn Quang Dy
Trong mấy bài trước cùng chủ đề này, tôi đã nhận xét: Mỹ và Trung Quốc
sẽ “vừa đánh vừa đàm” (như một quy luật). Những gì vừa diễn ra càng
khẳng định quy luật đó. Đàm phán thương mại Mỹ-Trung chỉ là phần nổi của
tảng băng chìm, sau 2 tháng đã đổ vỡ. Trump đã quyết định (từ
trưa10/5/2019) sẽ tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% trên 200 tỷ (có thể
cả 325 tỷ) hàng từ Trung Quốc. Cũng như lần trước, Trump đã làm thật chứ
không chỉ dọa. Lập trường cứng rắn của Trump đối với Trung Quốc vẫn được
đa số người Mỹ đồng thuận.
Mục
tiêu chính
Tuy về chính trị, Trump phải cân nhắc các yếu tố liên quan đến triển
vọng tranh cử (11/2020), nhưng về chiến lược, Trump quyết đấu với Trung
Quốc bằng chiến tranh thương mại (cụ thể là bằng thuế quan). Nói cách
khác, quan hệ Mỹ-Trung đã chuyển từ hợp tác chiến lược sang đối đầu
chiến lược, như một đặc thù của quan hệ quốc tế trong thế kỷ 21. Vì vậy,
sách lược “vừa đánh vừa đàm” phải phục vụ mục tiêu chính trị và chiến
lược nói trên.
Cũng như Trump, Tập Cận Bình có hai mục tiêu chính là chính trị (phải
củng cố địa vị lãnh đạo của mình
như “Hoàng đế Trung Hoa”) và chiến lược (phải vượt Mỹ để cầm đầu thế
giới) bằng kế hoạch “Made in China 2025” và “Vành đai & Con đường”. Tuy
về chính trị, Mỹ và Trung Quốc có thể nhân nhượng và thỏa hiệp (sách
lược đàm phán), nhưng về chiến lược hai bên không thể nhân nhượng và
thỏa hiệp (về thể chế và tầm nhìn chiến lược).
Đó chính là điều khác biệt giữa Obama (vẫn muốn hợp tác với Trung Quốc)
và Trump (nay chủ trương đối đầu với Trung Quốc). Điều đáng lưu ý là chủ
trương cứng rắn với Trung Quốc của Trump được sự ủng hộ không chỉ của
đảng Cộng Hòa mà cả đảng Dân Chủ, không chỉ trong chính quyền, mà cả
trong Quốc Hội. Đây là một xu thế khó đảo ngược. Dù Trump mất chức thì
Tổng thống mới vẫn phải cứng rắn với Trung Quốc. Trong Nhà Trắng, người
cầm đầu đoàn đàm phán với Trung Quốc vẫn là Robert Lighthizer (với
Lighthizerism).
Bước
ngoặt mới
Sau hơn hai tháng đàm phán, Mỹ và Trung Quốc đã không đạt được thỏa
thuận như nhiều người mơ tưởng, mà đang đứng trước một bước ngoặt mới
(hiệp 3) của cuộc chiến tranh thương mại (hay một cuộc chiến tranh lạnh
về kinh tế). Tập Cận Bình muốn đàm phán để hoãn binh và chờ một cơ hội
mới, hy vọng Trump bị phế truất bởi báo cáo điều tra của Robert Muellers
hay một ứng cử viên sáng giá nổi lên có thể thắng Trump (như Joe Biden).
Đó là mong muốn của những người có ảo tưởng (wishful thinking) tại Bắc
Kinh. Nhưng khi mong muốn đó không biến thành hiện thực, nó sẽ tạo ra
một sự hẫng hụt, làm hỏng quá trình đàm phán (vào giờ chót). Điều đó đã
xảy ra tại Hà Nội khi Trump đàm phán với Kim đến lúc sắp ký kết thì Kim
đổi ý (backtracking) hy vọng báo cáo của Muellers và lời khai của Cohen
buộc Trump phải nhân nhượng. Điều đó vừa lặp lại tại Washington khi Tập
đổi ý, hy vọng Joe Biden tuyên bố ra tranh cử sẽ buộc Trump phải nhân
nhượng.
Theo Michael Pillsbury
(Hudson Institute), đàm phán thương mại đổ vỡ là dấu hiệu phái cứng rắn
(hard-liners) đã thắng thế tại Bắc Kinh, buộc Tập Cận Bình không được
nhân nhượng với Trump. Pillsbury nói rằng tin tức từ bắc Kinh cho biết
“đây là một phần của chủ trương cứng rắn của Bắc Kinh muốn thuyết phục
Tập phải thay đổi chính sách và cứng rắn hơn”. Tuy khó biết được điều đó
có đúng hay không, nhưng Trump đã tỏ ra cứng rắn. Lưu Hạc và Lighthizer
tuy hẹn gặp lại, nhưng rõ ràng “đàm” đã phải nhường bước cho “đánh”.
Hệ
lụy khó lường
Ngay hôm sau (11/5/2019), Trump tweeted: “Tôi cho rằng Trung Quốc cảm
thấy bị đánh đau quá trong đàm phán nên họ có thể chờ đến bầu cử lần
sau, năm 2020, xem có may mắn không và phe Dân Chủ có thắng không”. Ông
nhấn mạnh: “Trung Quốc không nên tái đàm phán với Mỹ vào phút chót” và
cảnh báo Trump chắc sẽ thắng cử. Lúc đó muốn đạt được một thỏa thuận với
Mỹ, Bắc Kinh sẽ phải trả giá đắt hơn nhiều, nên nhân nhượng ngay bây
giờ.
Trump đã lệnh cho Lighthizer tăng thuế nhập khẩu lên 25% của 5.700 danh
mục sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc (trị giá $ 200 tỷ) từ 12 giờ trưa
(Eastern time) 10/5/2019.
Trong khi Tập không muốn luật hóa các thỏa thuận mà Mỹ đòi hỏi nhằm đảm
bảo Trung Quốc sau này không vi phạm, thì Trump cũng không muốn ký vào
một bản thỏa thuận yếu (weak deal) vì không phát huy được lợi thế của Mỹ
về thuế quan. Khi Tập đứng trước áp lực của phái cứng rắn không muốn
nhân nhượng Mỹ (nhất là đòi Trung Quốc phải thay đổi luật pháp) thì việc
đàm phán sẽ đổ vỡ là điều tất nhiên, không có gì bất ngờ.
Kết cục là hai siêu cường lớn nhất về kinh tế đã quay lại cuộc chiến
thương mại mà mới tuần trước tưởng như sắp kết thúc. Không biết các cố
vấn của Trump có thực sự ngạc nhiên vì Bắc Kinh đổi ý hay không, và Lưu
Hạc có thực sự thất vọng và chịu trách nhiệm vì đàm phán đổ vỡ hay
không, nhưng chắc Trump không để Bắc Kinh thoát khỏi thế cờ vây chừng
nào họ không từ bỏ những việc làm gây bất ổn cho Mỹ (destabilizing
practices).
Thế cờ vây của Mỹ
Trung Quốc đã dự đoán sai về chính trị Mỹ (hy vọng báo cáo điều tra của
Muellers và triển vọng Joe Biden ra tranh cử sẽ làm Trump suy yếu) và
đánh giá nhầm về kinh tế vĩ mô của Mỹ (có dấu hiệu suy yếu nên Trump
phải bắt Fed giảm lãi suất). Trên thực tế, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng cao
(3,2%) và thất nghiệp đạt mức thấp kỷ lục (3,6%). Kinh tế Mỹ không bị
trì trệ như Bắc Kinh đã dự đoán (nên đã đổi ý vào phút chót). Theo các
chuyên gia kinh tế, việc tăng thuế quan không làm cho nền kinh tế Mỹ bị
tổn thương nhiều (trong ngắn hạn). (Thương
chiến Mỹ Trung: Khúc quanh mới và tác động, Phạm Đỗ Chí, BBC,
May 12, 2019).
Trong khi đó, tình hình nội bộ của Trung Quốc bất ổn, tăng trưởng chỉ
còn khoảng 6%, thị trường chứng khoán sụt 25% (2018), dự trữ ngoại hối
giảm từ $4.000 tỷ xuống còn $2.600 tỷ (10/2018) và phục hồi lên mức
$3.100 tỷ, hối suất đồng yuan giảm 6-8%. Thất nghiệp cao vào lúc này là
vấn đề chính trị số một của Tập. Bắc Kinh chỉ còn cách đầu tư ra ngoài,
nhất là các nước láng giềng vì lý do địa chính trị. Nhưng Bắc Kinh sẽ
không còn đủ vốn cho kế hoạch đầy tham vọng, nên sáng kiến “Vành đai &
Con đường” có thể bị phá sản.
Thế cờ vây của Mỹ được áp dụng tại Biển Đông khi các chiến hạm của Mỹ và
đồng minh tập trận và tuần tra “FONOP” thường xuyên hơn. Tuy Trung Quốc
có thể bắt nạt được các nước láng giềng nhỏ yếu trong ASEAN, nhưng phải
đối mặt với một liên minh chiến lược mới là “Tứ cường” (Quad) gồm
Mỹ-Nhật, Ấn-Úc. (Trump
Renews Trade War as China Talks End Without a Deal,
Alan Rappeport &
Ana Swanson, NYT, May 10, 2019). Già néo
đứt dây
Theo Reuters (10/5/2019), căn cứ vào 6 nguồn thạo tin khác nhau (trong
đó có 3 nguồn từ phía Mỹ) Trung Quốc đã “lật kèo” hầu hết các cam kết mà
họ đã đưa ra trong quá trình đàm phán, và chính điều này đã làm Trump
nổi giận. Trong 7 chương của dự thảo, Trung Quốc đã xóa bỏ các cam kết
sẽ thay đổi luật pháp của mình để giải quyết những đòi hỏi cốt lõi của
Mỹ là những ngòi nổ dẫn đến chiến tranh thương mại (như đánh cắp sở hữu
trí tuệ và bí mật thương mại; ép buộc các công ty Mỹ ở Trung Quốc phải
chuyển giao công nghệ; cạnh tranh không lành mạnh; hạn chế việc tiếp cận
thị trường tài chính Trung Quốc; thao túng tiền tệ). Robert Lighthizer và Steven Mnuchin đã bị sốc
trước sự thay đổi lập trường của phía Trung Quốc. Ngay những người bạn
cũ của Bắc Kinh (như Henry Kissinger và Henry Paulson) cũng lo ngại và
lên tiếng chỉ trích. Theo CNN (9/5/2019) Trung Quốc một lần nữa lại đánh
giá sai về Trump, khi họ bắt bí vào giờ chót với hy vọng Wasington phải
chấp nhận thỏa thuận với Bắc Kinh. Tập Cận Bình đã rơi vào cái bẫy do
chính mình dựng lên. Cả hai bên đều không muốn để cho dân chúng thấy
mình đã nhượng bộ đối thủ, nên Trung Quốc và Mỹ đã khóa tay khóa chân
nhau, cùng đẩy nhau tới bờ vực của cuộc chiến tranh thương mại.
Hầu hết các phân tích đều cho rằng nếu chiến tranh thương mại kéo dài,
Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn Washington. Khi thương mại bị gián đoạn
trong cuộc chiến này, “Trung Quốc sẽ bị tổn thương nhiều hơn bảy lần so
với Mỹ”. Ngay khi Mỹ cũng chịu tổn thất thì Trung Quốc vẫn là bên bị tổn
thương kinh tế nhiều hơn do phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu và gánh nợ
ngày càng tăng của họ. Nói cách khác, kinh tế Mỹ không yếu như một số
người ở Bắc Kinh lầm tưởng, trong khi sách lược bắt bí Mỹ vào giờ chót
làm Trump nổi giận.
Cơ hội của Việt Nam
Các chuyên gia cho rằng các quốc gia mới nổi ở khu vực (như Việt Nam) sẽ
được lợi nhiều nhất khi các công ty của Mỹ có thương hiệu lớn (như
Adidas, Nike, Apple, Brooks Running) buộc phải rời Trung Quốc để chuyển
sang nước khác. Tháng 2/2019, HSBC đã xếp hạng Việt Nam nằm trong số các
thị trường châu Á hưởng lợi lớn nhất từ nhiều kịch bản của chiến tranh
thương mại. Theo Natixis Research, Việt Nam có mức lương cạnh tranh nhất
so với Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc (ngoài kỹ năng lao động
tốt và chi phí thấp).
Brooks Running (của Warren Buffett) vừa công bố sẽ chuyển khoảng 8.000
việc làm của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này sẽ khiến Việt Nam
chiếm 65% sản lượng của Brooks Running trong khi Trung Quốc chỉ còn
khoảng 10%. Một đại diện của công ty JLL tại Việt Nam cho biết vài năm
trở lại đây, các công ty có mặt tại Trung Quốc đã bắt đầu để mắt và rục
rịch chuyển sang Việt Nam. Cách đây khoảng 6 tháng, các công ty đó còn
đang thăm dò, nhưng nay họ đã khá chắc chắn rằng Việt Nam là một lựa
chọn tốt. (Tác
động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đến Việt Nam?
New
Straits times, May 12, 2019).
Việc Mỹ áp thuế 25% lên hàng hóa từ Trung Quốc sẽ
làm tăng nhanh tốc độ dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam
Á, một hiện tượng đã diễn ra từ mấy năm qua trong ngành dệt may và điện
tử. Đặc biệt đối với Việt Nam, trong số 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu,
có 8 mặt hàng cùng loại với đối thủ Trung Quốc đang bị Mỹ đánh thuế. Đây
là mối lợi bất ngờ cho Việt Nam, thu hút được hàng loạt đầu tư trực tiếp
nước ngoài (FDI) trong đó có những tên tuổi lớn như Samsung. Một số nước
khác cũng đang hy vọng trong trung hạn, như nhận xét của Tony Cripps
(CEO của HSBC tại Singapore): “Chuyển đổi một chuỗi sản xuất quy mô
cần có thời gian. Nếu căng thẳng tiếp tục, Thái Lan hay Malaysia cũng sẽ
được quan tâm”. (Chiến
tranh thương mại Mỹ Trung Vừa đánh vừa đàm,
VOA, May 10, 2019).
Rủi ro của Việt Nam
Theo các chuyên gia, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đối với Việt Nam là
“con dao hai lưỡi” (a
sword that cuts both ways), làm
Việt Nam “vừa được vừa mất” (a winner and loser). Investors
Services đã nghiên cứu 23 nước ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và thấy
có 4 nước được lợi từ chiến tranh thương mại là Malaysia, Đài Loan,
Thailand và Viêt Nam; Đồng thời thấy có 4 nước dễ bị thiệt hại là Hong
Kong, Mông Cổ, Singapore và Việt Nam.
Trong khi lợi lộc là ngắn hạn thì chiến tranh thương mại kéo dài có thể
làm suy yếu thương mại toàn cầu. Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thương
mại nên cần chuẩn bị cho tình huống xấu. Về lâu dài, Việt Nam cần cải
cách thể chế sâu rộng. Theo Christian de Guzman (phó chủ tịch Moody’s
Investors Services tại Singapore), “Với triển vọng bất ổn về tăng trưởng
và thương mại, cũng như điều kiện tài chính eo hẹp hơn, việc suy giảm
đầu tư sẽ làm thương mại sụt giảm, đặc biệt là Hong Kong, Singapore, Đài
Loan, Việt Nam, và Mông Cổ”.
(For
Vietnam Trade War a Sword That Cuts Both Ways, Ha Nguyen, VOA,
April 11, 2019).
Theo các chuyên gia, phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài cũng làm
cho Việt Nam dễ bị tổn thương trước sự thay đổi của xu hướng thương mại
toàn cầu. Họ khuyên Việt Nam cải cách kinh tế thực sự, và có tầm nhìn
lâu dài đối với những cản trở làm cho đất nước dễ bị tổn thương trước
các xung đột thương mại. Họ lo ngại rằng chính phủ quan tâm quá ít đến
cải cách mà chú trọng quá nhiều đến ký kết các hiệp định thương mại và
bình ổn tiền tệ, chỉ tập trung nhiều vào các giải pháp tình huống để duy
trì ổn định vĩ mô và tăng xuất khẩu trong ngắn hạn, mà bỏ qua cải cách
kinh tế triệt để nhằm tái tạo khả năng tăng trưởng bền vững.
Lời cuối Trong cuộc
họp Trump-Kim tại Hà Nội (27-28/2/2019), dự thảo thỏa thuận đã sẵn sàng
để hai bên ký vào trưa ngày 28/2. Nhưng Trump đã nổi giận bay về Mỹ ngay
trưa hôm đó, sau cuộc họp báo ngắn. Theo tin giờ chót, Bắc Kinh đã
khuyên Kim nên cứng rắn đối với Trump, vì cho rằng lúc đó Trump đang bối
rối do cả đêm mất ngủ để theo dõi diễn biến buổi họp Quốc Hội kết tội
mình sau lời khai gây sốc của luật sư Cohen, hy vọng Trump sẽ cần một
thỏa thuận với Kim với bất cứ giá nào. Nhưng Trump đã tức giận bỏ về, để
Kim nuối tiếc vì đánh mất một cơ hội hiếm có làm Mỹ bỏ cấm vận, và Nam
Hàn giúp phục hồi kinh tế.
Nhưng đến nay, các quan chức Mỹ vẫn chưa thực sự hiểu tính cách và phong
cách đàm phán thất thường của Trump. Tuy Tập Cận Bình đã thay đổi cam
kết sau khi xem lại dự thảo văn bản, nhưng phó thủ tướng Lưu Hạc chắc
phải chịu trách nhiệm một phần về sự đổ vỡ đó. Có lẽ Tập đã đánh giá sai
khả năng có thể gây sức ép đối với Trump. Bắc Kinh chắc bị bất ngờ khi
Trump hành động mạnh mẽ, quyết liệt, không cho hai bên tiếp tục đàm
phán, khiến sách lược câu giờ của Tập hoàn toàn mất tác dụng. Giữa Mỹ và
Trung Quốc dường như không có sự tin cậy lẫn nhau về các vấn đề gay cấn
như cạnh tranh về công nghệ, gián điệp, Đài Loan, và Biển Đông. Có thể
nói dù có đạt được thỏa thuận hay không, giới tinh hoa Mỹ đã đồng thuận
coi Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược.
(As China Trade Talks Stall Xi
Faces a Dilemma: Fold Or Double Down?
Chris Buckley
&
Steven Lee Myers, NYT, May 9, 2019).
NQD. 13/5/2019.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 13-5-19) |