Câu chuyện TPP
& EVFTA: Họa
vô đơn chí
Nguyễn Quang Dy
Kết thúc năm 2017,
Việt Nam vẫn trong vòng xoáy của các sự
kiện bất
thường và hệ quả bất định mà nguyên nhân vừa do khách quan vừa do chủ
quan, vừa do thiên tai vừa do nhân họa. Nhưng có một nghịch lý đáng buồn
là rủi ro đang ập đến cùng lúc như “họa vô đơn chí”. Trong khi Việt Nam
ngày càng cô đơn, sức lực cạn kiệt, phải đối phó với nhiều thách thức,
thì tay phải và tay trái vẫn choảng nhau, thậm chí tự bắn vào chân mình.
Các sự
kiện bất
thường
Ngay sau khi Donald
Trump trở thành tổng thống Mỹ, giấc mộng TPP đã tan thành mây khói. Để
cứu vãn TPP tồn tại như một hiệp định “vịt què” (vì “méo mó có hơn
không”), 11 thành viên còn lại đã cố gắng duy trì khuôn khổ TPP-11 (hay
CPTPP). Họ vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó ông Trump có thể quay lại
TPP (hoặc 4 năm nữa ông ấy có thể thất cử). Nhưng câu chuyện TPP-11
cũng không
thuận buồm xuôi gió khi thủ tướng Canada (Trudeau) vì bất đồng đã bỏ họp
TPP-11 bên lề APEC Đà Nẵng, suýt nữa làm hỏng cuộc chơi. Dù câu chuyện
TPP-11 có thành công, thì giá trị kinh tế đối với Việt Nam cũng không
lớn lắm.
Với số phận không may của TPP (và nay là TPP-11), Việt Nam chỉ còn hy
vọng vào hiệp định EVFTA (với EU). EVFTA cũng là hiệp định tự do thương
mại “thế hệ mới”, có phạm vi cam kết sâu rộng và cao nhất từ trước tới
nay đối với Việt Nam. Đàm phán EVFTA đã chính thức kết thúc từ 1/12/2015
và văn bản hiệp định đã được công bố (1/2/2016). Hiện nay, các nước
thành viên EVFTA đang rà soát lại văn bản hiệp định trước khi ký kết. Dự
kiến EVFTA sẽ có hiệu lực từ năm 2018, nếu tất cả 28 nước thành viên đều
đồng thuận.
Nhưng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin (như phía Đức thông báo) đã
làm cho quan hệ Viêt-Đức bất ngờ rơi vào khủng hoảng. Chính phủ Đức đã
quyết định tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, và sẽ
áp dụng các biện pháp mạnh hơn nếu chính phủ Việt Nam không đáp ứng các
yêu cầu của họ. Không loại trừ khả năng chính phủ Đức phủ quyết EVFTA
nếu hai bên vẫn không hòa giải được về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (cũng
như về vấn đề nhân quyền). Điều đó có nghĩa là hy vọng vào EVFTA cũng
như TPP như cái phao cứu sinh cho triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ trở
thành “xôi hỏng bỏng không”.
Nếu ông Trump bỏ
rơi TPP vì “America first”, thì ông Trudeau cũng suýt nữa làm hỏng
TPP-11 vì “Canada First”. Nhưng còn lãnh đạo Việt Nam đang tự đánh mất
EVFTA vì lý do gì? Tại sao phải đánh đổi EVFTA lấy “con ruồi” Trịnh Xuân
Thanh? Trong khi các nước liên quan đều bị thua thiệt vì những sự
kiện bất
thường, thì chỉ có Trung Quốc là “ngư ông đắc lợi”. Dù vô tình hay hữu
ý, thì đó là hệ quả vô cùng tai hại do tầm nhìn thiển cận.
Bức tranh toàn cảnh
bất ổn
Những sự
kiện bất
thường kể trên xảy ra trong bối cảnh bức tranh kinh tế-tài chính của
Việt Nam đầy bất ổn, ngân sách thu không đủ chi, nợ công đã vượt trần
cho phép. Có lẽ vì vậy mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thừa nhận tại
một hội nghị cuối năm 2016: “Nợ công sát trần cho phép và nếu tính
đủ thì có thể đã vượt trần” (là 65% GDP). Tại một hội nghị tổng kết
ngành tài chính đầu năm 2017, ông Phúc còn cảnh báo, “nếu không chấm
dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia không thể tránh
khỏi” (TTXVN, 6/1/2017).
Theo chuyên gia kinh tế Lê Ðăng Doanh, nếu tính đủ các khoản nợ của các
bộ ngành, địa phương, và doanh nghiệp nhà nước, thì nợ công của Việt Nam
lên đến 220 tỷ USD (bằng 110-120% GDP). Nhưng ông Vũ Quang Việt (chuyên
gia thống kê của LHQ) cho rằng nếu tính theo cách tính của LHQ thì nợ
công của Việt Nam lên đến 300 tỷ USD (bằng 150% GDP). Hàng năm
Việt Nam phải trả nợ đến hạn
khoảng 20 tỷ USD (năm 2015) và 12 tỷ USD (năm 2016), nên nhiều khi phải
vay nợ mới để trả nợ cũ (hay còn gọi là “đảo nợ”).
Trong khi
nguồn viện trợ ODA bắt đầu cạn (từ năm 2017), thì nguồn kiều hối cũng
giảm dần. Nếu trong năm tài khóa 2016 nguồn ODA của Nhật cam kết dành
cho Việt Nam là 187,1 tỷ yên, (giải ngân 175,6 tỷ yên) thì năm tài khóa
2017, nguồn ODA của Nhật chỉ còn 130 tỷ yên (gần 1,2 tỷ USD). Nếu nguồn
kiều hối năm 2015 là 13,5 tỷ USD thì năm 2016 chỉ còn 9 tỷ USD (giảm
33%). Theo dự báo của “Pew Research Center” (Mỹ), căn cứ vào số liệu 6
tháng đầu năm 2017, kiều hối từ Mỹ về Việt Nam năm 2017 chỉ khoảng 5,4
tỷ USD.
Theo Tổng cục Thống kê,
dự toán thu ngân
sách (năm 2016) khoảng 47,08 tỷ USD, trong khi chi khoảng 57,08 tỷ USD
(thâm hụt 10 tỷ USD). Các nguồn thu nội địa chiếm khoảng 30,65 tỷ USD,
trong khi xuất nhập khẩu chiếm khoảng 5,89 tỷ USD, dầu thô chiếm khoảng
1,55 tỷ USD.
Triển vọng nguồn thu từ dầu khí đang cạn kiệt và vô vọng, sau khi Việt
Nam yêu cầu Repsol phải ngừng khoan tại lô 136-03 (24/7/2017) do Trung
Quốc đe dọa tấn công Trường Sa, và sau đó ExxonMobil đã hoãn triển khai
mỏ khí Cá voi Xanh (10/11/2017).
Theo
nguồn Bộ Nội vụ, ngân sách nhà
nước đang phải nuôi một bộ máy hành chính khổng lồ, khoảng 2,8
triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu và
các đối tượng khác hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước, thì con
số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số. Nếu cộng toàn bộ số
người hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách thì theo chuyên gia kinh tế
Phạm Chi Lan con số này lên tới 11 triệu người. Không có ngân sách nào
nuôi nổi một bộ máy ăn lương lớn đến như vậy. Theo Viện Nghiên cứu Kinh
tế và Chính sách (VERP), kinh
phí cho quỹ lương là 71,000 tỷ VNĐ (bằng 1,7% GDP).
Để so sánh, nước Mỹ có diện tích gấp khoảng 30 lần và dân số gấp khoảng
4 lần nước ta, nhưng số công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Trung Quốc
lớn như vậy, nhưng số công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số (của
ta là 8,3% dân số). Trong khi 160 người dân Mỹ nuôi một công chức, thì
40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức. Đó là chưa kể người dân
Việt Nam phải gánh chịu tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, tham
nhũng của một bộ phận “không nhỏ” trong số 2,8 triệu công chức, bên cạnh
tình trạng kém hiệu quả của đầu tư công và dịch vụ công. Hệ quả là người
dân và doanh nghiệp phải chịu gánh nặng chi phí ngày càng cao, như giá
xăng dầu và giá điện (mới tăng 6%), phí cầu đường (với 88 trạm BOT) và
nhiều thứ chi phí, “đóng góp” khác theo “sáng kiến” tận thu của các cơ
quan nhà nước.
Câu chuyện thép và nhôm
Trong khi “quả bom Formosa” chưa được tháo gỡ thì đến 4/2017, cả nước
lại ồn ào về một siêu dự án khác là khu
liên hợp
thép Hoa Sen Cà Ná
- Ninh Thuận
với tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD được tỉnh
Ninh Thuận
và Tập đoàn Hoa Sen
đề xuất triển khai, và được bộ trưởng bộ Công thương ủng hộ. Người ta
vẫn còn nhớ câu nói nổi tiếng của ông Lê Phước Vũ: “ngu
gì không làm thép”, và của bộ trưởng Trần Tuấn Anh, “không
sợ trách nhiệm nếu thép Cà ná xảy ra hệ lụy”. (Ai
cũng biết ông Lê Phước Vũ là anh
em cọc chèo với ông Trần Tuấn Anh).
Đến
nay câu chuyện thật như đùa này hầu như đã trôi vào quên lãng.
Nhưng lúc
đó nếu chính phủ hay ngân hàng (đang
chết dở vì nợ xấu) cứ bảo lãnh cho Tập đoàn Tôn Hoa Sen vay vốn nước
ngoài (chắc sẽ vay
của
Trung Quốc) để huy động đủ 10 tỷ USD
như cam kết đầu tư vào siêu dự án này, thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra.
Chỉ biết rằng, nếu triển khai dự án này thì chắc chắn nhà thầu và thiết
bị, công nghệ vẫn là của Trung Quốc (như dự án Formosa).
Cũng may, trước sự phản đối quyết liệt của dư
luận, vì
“Hoa
Sen” có triển vọng trở thành một
“Formosa thứ hai”, ngày 15/4/2017 thủ tướng đã yêu cầu
tạm dừng dự án khu liên hợp thép Hoa
Sen Cà Ná để làm rõ một số vấn đề liên quan tới
môi trường, công nghệ và thiết bị. Công bằng mà nói, quyết định “tạm
dừng” dự án thép Hoa Sen Cà Ná và dự án
điện hạt nhân tại Ninh Thuận
đã tránh cho đất nước này một thảm họa. Nếu họ sản xuất thép thật, thì
sẽ hủy hoại
nốt
môi trường (do ô nhiễm). Nếu họ sản
xuất thép giả thì sẽ hủy hoại môi trường kinh doanh (do gian lận thương
mại để tái xuất thép thừa ế
của
Trung Quốc).
Đến nay thì câu chuyện về các siêu dự án thép (cũng như nhiệt điện chạy
than và bauxite) đã lộ rõ những góc khuất liên quan đến thỏa thuận bất
minh với đối tác Trung Quốc. Họ có thể biến Việt Nam thành bãi rác vì
thiết bị, công nghệ lạc hậu của họ thải ra, hoặc thành sân sau để họ tái
xuất hàng hóa ế thừa sang Mỹ và Tây Âu nhằm tránh thuế. Theo bộ Thương
mại Mỹ, “90%
sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc”.
Gần đây Bộ Công thương Việt Nam cũng thừa nhận “có
34 mẫu hàng thép của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ trùng với mẫu hàng thép
mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc”. Theo ông Lê Đăng Doanh, không
chỉ có thép, mà tất cả các sản phẩm từ Trung Quốc đều có giá rẻ “bất
thường”.
Theo Reuters, một đại diện của Cộng đồng Châu Âu nói rằng họ đã phát
hiện thép Trung Quốc đang được vận chuyển theo đường vòng đi qua Việt
Nam để tránh thuế. Ngày 5/12/2017 Bộ Thương Mại Mỹ đã quyết định đánh
thuế nặng các sản phẩm thép của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, sau
khi phát hiện nguồn thép này đi vòng qua Việt Nam sang Mỹ nhằm tránh
thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Bộ Thương Mại Mỹ đã bắt đầu
đánh thuế hơn 500% mặt
hàng thép cuộn nguội và hơn 200% mặt hàng thép không gỉ với
nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Như vậy, thép cuộn nguội Việt
Nam sẽ chịu mức thuế 531%, trong khi thép không gỉ sẽ chịu mức thuế
238%. Đây là mức thuế được cho là “cao hơn mức cần thiết” để chặn các
sản phẩm thép gian lận vào thị trường Mỹ. Theo ông Lê Đăng Doanh, đây là
điều “rất đáng tiếc” và chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ ngành
thép Việt Nam (US
hits Vietnam with massive duties over Chinese steel, Jethro
Mullen, CNN, December 6, 2017).
Câu chuyện không phải chỉ có thép mà còn cả nhôm (và một số mặt hàng
khác) mà Trung Quốc đang lợi dụng Việt Nam làm sân sau để họ tái xuất
sang Mỹ và Tây Âu nhằm tránh thuế. Đây là cuộc “chiến tranh du kích” mà
Việt Nam là bên chịu thiệt hại kép, vì nhiều doanh nghiệp Việt “khôn nhà
dại chợ”, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, còn các doanh nghiệp làm ăn
đàng hoàng thì bị vạ lây. Câu chuyện này không phải bây giờ mới bắt đầu,
mà trong vòng ba năm gần đây, hàng loạt sản phẩm của Việt Nam đã liên
tục bị các nước trong và ngoài khu vực ASEAN kiện vì trốn thuế chống bán
phá giá, trong đó có những sản phẩm Viêt Nam chưa sản xuất được. Cách
đây ba năm, Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu
(OLAF) đã từng sang Việt nam làm việc với VSA do nghi ngờ sản phẩm tôn
mạ từ Việt Nam xuất sang EU có dấu hiệu gian lận nguồn gốc xuất sứ. Cụ
thể, OLAF đã nghi ngờ sản phẩm tôn mạ được xuất đi từ Việt Nam là của
các doanh nghiệp Trung Quốc đứng đằng sau.
Cuối năm 2016, báo Wall
Street Journal có bài phóng sự điều tra về 500.000 tấn nhôm nguyên liệu
(để sản xuất nhôm) đã được chuyển từ San José Iturbide (Mexico) đến Bà
Rịa-Vũng Tàu (Việt Nam). Theo điều tra của WSJ, ông chủ của kho nhôm này
có thể là Liu Zhongtian, một tỷ phú Trung
Quốc
(chủ tịch Công ty nhôm China Zhongwang
Holdings). Hành trình vận chuyển kho nhôm khổng lồ này từ sa mạc Mexico
tới Việt Nam trùng hợp với sự gia tăng xuất khẩu kim loại này vào Việt
Nam từ hai nước Trung Quốc và Mỹ. Ứớc tính kho nhôm khổng lồ này chiếm
tới 14% tổng lượng hàng tồn kho nhôm trên toàn thế giới. Kể từ năm 2015,
khoảng 1,7 triệu tấn nhôm ép trị giá 5 tỷ USD đã
được nhập cảng Việt Nam từ Mexico, Trung Quốc và Mỹ. Theo Tuổi Trẻ
(14/12/2016), “Việt
Nam trở thành kho nhôm của thế giới”.
Nếu kho nhôm khổng lồ nói trên được
bán ra thị trường thì sẽ tác động
lớn
đến giá nhôm toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam
có thể bị vạ lây nếu
Mỹ
khởi kiện.
Nhiều
người biết công ty
“Global Vietnam Aluminum Co VN” chỉ là
công
cụ để nhập thép/nhôm
vào Việt Nam nhằm tái xuất sang Mỹ với nhãn hiệu “made in VN”. Theo
Vietnamnet (3/5/2017) Bộ Công thương đã có
công văn gửi bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, UBND tình Bà Rịa-Vũng
Tàu liên quan đến việc kiểm tra kho nhôm khổng lồ nghi có nguồn gốc từ
Trung Quốc. Nhưng đó chỉ là một động
tác vuốt đuôi chiếu lệ
vì
đã “quá muộn” (too little too late).
Trong
câu chuyện dài nhiều tập về thép và nhôm, Trung Quốc vẫn là “ngư ông đắc
lợi”, trong khi Việt Nam thiệt đơn thiệt kép và mất cả chủ quyền, chỉ để
cho một vài nhóm làm giàu bất minh.
Lối thoát nào cho Việt nam
Để tránh hàng rào thuế
quan của Mỹ (cũng như Tây Âu, Nhật, ASEAN), các doanh nghiệp Trung Quốc
tất nhiên sẽ tìm cách tuồn thép và nhôm (cũng như các mặt hàng khác như
may mặc, giày dép, điện tử) qua nước thứ ba như Việt nam. Có lẽ Việt Nam
là địa chỉ lý tưởng (như entrepot) vì gần, luật lệ lỏng lẻo, lại được Mỹ
ưu đãi thuế quan. Nhưng nếu Việt Nam tiếp tay cho Trung Quốc tái xuất
hàng hóa nhằm tránh thuế, thì sẽ là tai họa. Nếu họ thu thập đủ chứng cứ
Việt Nam xuất khẩu thép và nhôm của Trung Quốc, Mỹ và các nước khác có
thể phạt Việt Nam và loại ra khỏi cuộc chơi (TPP hoặc EVFTA).
Như vậy, câu chuyện TPP (hay TPP-11) và
EVFTA mà Việt Nam đang theo đuổi sẽ trở thành vô nghĩa. Theo một số chuyên gia,
Việt Nam cần ưu tiên ngăn chặn các hiện tượng đó trong mấy ngành mà Việt
Nam có lợi thế so sánh (như may mặc, giày dép) để khuyến khích các doanh
nghiệp nước ngoài chuyển cả phân khúc sản xuất các sản phẩm trung gian
vào Việt Nam, nâng cao năng lực các ngành phụ trợ và vị thế của Việt Nam
trong chuỗi cung ứng toàn cầu (global supply chain). Đối với ngành thép
và nhôm, Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc về xuất khẩu,
thì phải ngăn chặn họ chuyển các thiết bị, công nghệ cũ và bẩn vào Việt
Nam làm ô nhiễm môi trường, tiêu hao năng lượng, như dự án Formosa (hay
Hoa Sen). Trước mắt, hãy để Mỹ áp thuế
cao cho thép xuất khẩu của Việt Nam cũng như của Trung Quốc vì không
tránh được, nhưng về lâu dài có thể giúp Việt Nam thoát được vấn nạn nói
trên. Vì Trung Quốc là một đối tác có nhiều lợi thế, nên muốn “thoát
Trung” nội lực phải đủ mạnh. Một số chuyên gia cho
rằng các BOT về nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện chạy bằng than, còn
nguy hiểm hơn cả BOT về cầu đường. “Quy hoạch Điện VII” (với 18 nhà máy
nhiệt điện) sẽ đặt Việt Nam trước nguy cơ khủng hoảng kép, vừa hủy hoại
môi trường và sức khỏe (do ô nhiễm), vừa hao tổn nguồn vốn đầu tư do giá
than tăng làm mất hàng tỷ USD mỗi năm (vì phải nhập than), và làm mất
lòng
tin
của dân (vì quy hoạch sai mà vẫn cứ
làm). Trong khi các nước khác, kể cả Trung Quốc, đã bỏ nhiệt điện chạy
bằng than, thì Việt Nam lại đâm đầu vào làm, chỉ vì mối lợi chi phí đầu
tư thấp trước mắt mà quên mất hiểm họa về lâu dài. Thực tế đã chứng minh
rút cục chi phí đầu tư điện chạy than không thấp, nhất là khi chọn nhà
thầu Trung Quốc với thiết bị, công nghệ lạc hậu. Việt Nam đang trở thành
cái rốn ô nhiễm môi trường của thế giới, do
nhập
công nghệ cũ mà nước khác thải ra. Môi trường còn thì quốc gia còn, môi
trường chết thì quốc gia cũng hết. Các quan chức và người giàu có thể
chạy sang nước khác sinh sống, nhưng còn người dân chạy đâu? Thế giới
đang chuyển sang dùng các nguồn năng lượng tái tạo (như điện mặt trời,
gió, sóng, địa nhiệt) với chi phí đầu tư ngày càng giảm nhờ phát triển
công nghệ. Việt Nam cần chấm dứt ngay đầu tư bất chấp hệ quả môi trường,
và chuyển mạnh sang phát triển các nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam
có tài nguyên dồi dào với hàng trăm dự án của Mỹ, Nhật, Châu Âu đang
đăng ký tham gia.
Thay lời kết Nguyên nhân chính
dẫn đến các
rủi ro
vĩ mô như “họa vô đơn chí” là do thể
chế lỗi thời, chỉ có lợi cho các nhóm lợi ích thân hữu đang tìm cách vơ
vét đến tận cùng những nguồn lực đang cạn kiệt. Có người nhận xét rằng
Việt Nam đang vuốt ve khu vực tư nhân, nhưng “trên rải thảm, dưới rải
đinh”, trong khi các quan chức và doanh nghiệp nhà nước đang chạy đua
nước rút như “những chuyến tàu vét trước khi hạ cánh” (hay “hoàng hôn
nhiệm kỳ”). Ngành
giáo dục và y tế cũng không ngoại lệ:
Vụ bê bối về công ty dược Pharma càng chứng tỏ họ
“ăn
của dân không từ một cái gì”.
Quy định 102-QĐ/TW (15/11/2017) về xử lý kỷ luật đảng viên vi
phạm, cũng như Nghị quyết Hội nghị TW 4 về “27 biểu hiện tự diễn biến,
tự chuyển hóa” (10/2016) không thay đổi được thực trạng nói trên. Tham
nhũng như con bạch tuộc có nhiều vòi. Bắt được Trịnh Xuân Thanh này thì
còn nhiều Trịnh Xuân Thanh khác. Xử được Đinh La Thăng này thì còn Đinh
La Thăng khác.
Nếu
không đổi mới thể chế để kiểm soát quyền lực
tha hóa,
thì chống tham nhũng cũng giống
như
trò
“hàn
xoong hàn nồi” và “bắt
cóc bỏ đĩa”.
NQD 12-12-17
T ác giả gửi cho viet-studies ngày 12-12-17 |