Câu chuyện đầu năm: Nguy cơ khủng hoảng môi trường
Nguyễn Quang Dy
Trước thềm năm mới 2020, Việt Nam đứng trước các cơ hội và thách thức
khó lường. Muốn “biến nguy thành cơ”, Việt Nam phải đổi mới thể chế và
điều chỉnh tư duy chiến lược để tìm cách hoát hiểm. Đối đầu Việt-Trung
trên Biển Đông đe dọa chủ quyền quốc gia, và các đập thủy điện trên sông
Mekong đe dọa sự sống còn của đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó,
nguy cơ khủng hoảng môi trường sống đang đe dọa tương lai Viêt Nam.
Phần nổi của tảng băng chìm
“Rạng Đông chưa qua, Sông Đà đã tới” là một câu vè mới của người Hà Nội
năm 2019, sau sự cố cháy nhà máy Rạng Đông (28/8/2019) và vụ nước bẩn
Sông Đà (10/2019). Vụ cháy nhà máy Rạng Đông đã phát tán ra môi trường
27,2 kg thủy ngân, gây ô nhiễm một góc thành phố. Tuy chưa thể đánh giá
chính xác thiệt hại về lâu dài, nhưng vụ cháy này chỉ là “phần nổi của
tảng băng chìm”, vì nguy cơ xảy ra sự cố như Rạng Đông còn khá nhiều.
Vụ cháy Rạng Đông chưa kịp lắng xuống thì vụ nước bẩn Sông Đà lại nổi
lên, làm dư luận bức xúc trước nguy cơ ô nhiễm nguồn “nước sạch”. Nhưng
cách thức thành phố xử lý nguồn “nước bẩn” như sông Tô Lịch làm dư luận
bất bình. Nói cách khác, câu chuyện “nước sạch” hay “nước bẩn” chỉ là
“phần nổi của tảng băng chìm”. Các nhóm lợi ích thân hữu đứng sau thao
túng chính sách mới là nguy cơ lớn hơn, như những thế lực khó kiểm soát.
Chỉ trong vòng hơn một tháng, người Hà Nội phải liên tiếp gánh chịu hậu
quả của hai sự cố môi trường là cháy nhà máy Rạng Đông gây ô nhiễm không
khí, và đổ dầu thải vào nguồn nước Sông Đà gây ô nhiễm nước sinh hoạt.
Hình ảnh người dân Hà Nội xếp hàng lấy nước như thời bao cấp bỗng hiện
về ám ảnh cộng đồng. Nhưng điều đáng nói là phản ứng quá chậm của chính
quyền trước nguy cơ ô nhiễm môi trường làm khủng hoảng lòng tin.
Liệu vụ Rạng Đông hay Sông Đà có phải là “chuyện nhỏ” sẽ bị lãng quên
(như “new normal”), trong khi “chuyện lớn” như Formosa từng gây ra thảm
họa môi trường biển Miền Trung (năm 2016) nay cũng bị “chìm xuồng”. Phải
chăng tư duy “đặc thù” (exceptionalism)
và “tiệm tiến” (gradualism)
vẫn là rào cản làm chậm đổi mới, vì Viêt Nam vẫn kiên trì theo “định
hướng XHCN” (mà người ta gọi là
quả bom nhiệt hạch lớn nhất thế kỷ 19).
Trung Tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), do Trung Quốc đầu tư 95%,
gồm 4 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá, với tổng công suất 5.600MW.
Các ống xả khói và bụi từ bãi xỉ than của nhà máy bị gió biển thổi tới
khu dân cư làm ô nhiễm cả một vùng. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (khánh
thành 9/2019) có bãi xỉ than cao hàng chục mét, với hàng chục triệu tấn
tro xỉ than được chôn lấp, rất gần khu dân cư và cách quốc lộ 1 hơn 1
km.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, mỗi năm một nhà máy điện than
xả ra môi trường nhiều loại khí độc hại bao gồm (trung bình) 14.100 tấn
SO2, 10.300 tấn NO, 500 tấn hạt PM, và 77 kg thủy ngân. SO2 tạo ra hạt
axit trong không khí, có hại cho sức khỏe. Cụm nhiệt điện Vĩnh Tân cũng
như dự án thép Formosa hay bauxite Tây Nguyên (Tân Rai & Nhân Cơ) là
những “quả bom nổ chậm” đe dọa gây ô nhiễm môi trường với quy mô lớn và
lâu dài.
Đó không chỉ là hiểm họa đe dọa cuộc sống người Việt trong tương lai mà
đã trở thành hiện thực đe dọa tính mạng người Việt trong hiện tại. Nếu
hôm qua người ta không quan tâm đúng mức và có biện pháp khắc phục kịp
thời và hiệu quả trước những cảnh báo về ô nhiễm môi trường, thì hôm nay
phải trả giá đắt cho những sai lầm và chậm chễ. Đó là quy luật nhân quả
trong mối tương quan giữa con người và môi trường, dẫn đến thảm họa.
Cảnh báo của các nhà khoa học
Gần đây, có 2 nguồn thường được trích dẫn về tình trạng ô nhiễm môi
trường. Một là dự báo chất lượng không khí Hà Nội và khu vực phía Bắc
của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) cùng với Viện
Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) của Áo. Hai là báo cáo của
đại học Harvard về khí thải tăng lên tại các nhà máy điện chạy than ở
Đông Nam Á (Rising Coal-Fired
Power Plant Emissions in Southeast Asia).
Theo nghiên cứu của VAST và IIASA (năm 2015), nguồn lớn nhất thải ra bụi
mịn PM2.5 gây ô nhiễm không khí Hà Nội là từ các phương tiện giao thông
đường bộ (25%), nguồn thứ hai là nhiệt điện và công nghiệp (20%), nguồn
thứ ba là đun nấu và sử dụng sinh khối (15%), nguồn thứ tư là khí thải
ammonia trong chăn nuôi và phân bón (15%), nguồn thứ năm là phụ phẩm
nông nghiệp (7%). Theo báo cáo này, chỉ 1/3 mức ô nhiễm PM2.5 trong
không khí Hà Nội là đến từ phạm vi thành phố, và 2/3 còn lại đến từ các
tỉnh lân cận.
Theo dự báo của VAST và IASA (10/2018), nguồn bụi mịn PM2.5 lớn nhất gây
ô nhiễm không khí Hà Nội nay đến từ các nhà máy nhiệt điện chạy than (ở
phía Đông). Nguồn thải thứ hai là từ các phương tiện giao thông đường
bộ. Nguồn thải thứ ba là từ các công trình xây dựng. Theo AirVisual
(14/12/2019),
chỉ số AQI có
bụi mịn PM 2.5 tại Hà Nội là 359, đạt mức ô nhiễm cao nhất thế giới. Cả
tuần trước đó, chỉ số AQI liên tục ở mức trên 200 (nhóm
200-300 là mức “rất ô nhiễm”, và trên 300 là mức “nguy hại”, không nên
ra đường).
Theo báo cáo của Harvard, “Nếu không có gì thay đổi, khí thải từ đốt
than tại Đông Nam Á sẽ tăng gấp ba lần,
nhất là ở Indonesia và Việt Nam”.
Ước tính các nhà máy điện than đã gây ra 4.252 cái chết sớm ở Việt Nam
(năm 2011) và tăng lên 19.223 (năm 2030). Trong khi đó, Vital Strategies
(có trụ sở tại Mỹ), đã phân tích hơn 500.000 bài báo và các bài đăng
trên mạng xã hội về ô nhiễm môi trường tại 11 nước thuộc khu vực Nam Á
và Ðông Nam Á, cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí tại các nước này
chủ yếu vẫn là do phương tiện giao thông. Riêng xe máy đóng góp 29%
nguồn thải NO, 90% CO, và 37,7% nguồn thải bụi.
Bụi hay hợp chất trong bụi được gọi là PM (particulate matter) trong đó
có bụi mịn PM10 và PM 2.5, bao gồm sulfate, nitrat, amoniac, natri
clorua, carbon đen, bụi khoáng và nước. Gần đây, tại Việt Nam xuất hiện
bụi siêu mịn PM1.0 (dưới 1µm) và bụi nano PM0.1 (dưới 0.1 µm). Theo một
nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Nghiên cứu Ung thư
Quốc tế (IARC), nếu mật độ PM10 trong không khí tăng thêm 10 µg/m3 thì
tỷ lệ ung thư tăng 22%, và nếu mật độ PM2.5 tăng thêm 10 µg/m3 thì tỷ lệ
ung thư tăng 36%.
Bụi mịn PM2.5 và PM10 thường đi vào qua đường hô hấp khi con người hít
thở. PM2.5 đặc biệt nguy
hiểm hơn vì chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các nang phổi, tĩnh
mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu. PM2.5 là nguyên nhân gây ra
nhiễm độc máu. Theo Cơ quan bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA), hạt bụi PM2.5 có
chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA
gây đột biến gen. EPA ước tính có đến 4,3 triệu người chết mỗi năm do
các bệnh liên quan đến ô nhiễm do bụi mịn PM2.5 và PM10.
Theo công bố của hội thảo “Ô nhiễm không khí - Mối đe dọa sức khỏe cộng
đồng” (năm 2017), lượng bụi PM2.5 trung bình (2016) ở TP HCM là 28,23
µg/m3, gấp ba lần tiêu chuẩn của WHO, trong khi tại Hà Nội chỉ số này
lên tới 50,5 µg/m3, gấp năm lần so với tiêu chuẩn của WHO, và cao gấp
đôi so với quy chuẩn Việt Nam. Hiện nay, ô nhiễm không khí ở Hà Nội chỉ
đứng sau New Delhi (là 124 µg/m3) nơi có mức ô nhiễm đứng đầu thế giới.
Theo AirVisual (13/12/2019) Hà Nội đứng đầu 10 thành phố ô nhiễm nhất
thế giới với chỉ số AQI ở mức “nâu” (316). Cá biệt tại Tây Hồ chỉ số AQI
lên tới 405. Đây là đợt ô
nhiễm không khí
“khủng khiếp nhất tại Hà Nội từ trước đến nay”.
Theo PAMAir, ô nhiễm nghiêm trọng ở khắp miền Bắc Việt Nam,
với ngưỡng “tím” (trên 200).
Theo các chuyên gia dự báo, hiện
tượng nghịch nhiệt sẽ còn tiếp tục đến 3/2020. (Vietnamnet, 14-15/12/2019).
Nhiệt điện và ô nhiễm môi trường
Theo Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) công suất nhiệt điện sẽ là 55.000
MW vào năm 2030, giảm so với kế hoạch ban đầu là 75.000 MW. Nhưng công
suất lắp đặt của nhiệt điện ở Việt Nam tăng mạnh, từ 13 GW (2015) lên
18,5 GW (2018). Tính trung bình cả năm, điện than có thể trở thành nguồn
đóng góp tăng nhanh nhất nồng độ PM2.5 ở Hà Nội. Đến năm 2030, ngành
nhiệt điện có thể đóng góp 20% mức ô nhiễm PM2.5 tại Hà Nội.
Theo Zing (3/2018), ông Trần Văn Lượng (cục Kỹ thuật An toàn và Môi
trường Công nghiệp, Bộ Công thương) cho biết trong bối cảnh hiện nay,
thủy điện đã đạt tới hạn, điện hạt nhân tạm dừng, các năng lượng tái tạo
(điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) chi phí đầu tư lớn và phụ
thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, vì chiếm diện tích lớn, chi phí cho
hệ thống truyền tải tăng và trong hệ thống cần nguồn chạy nền để đáp ứng
ổn định điện.
Theo ông Myllyvirta (GreenPeace), “Giảm ô nhiễm được bao nhiêu thì điện
than làm ô nhiễm bấy nhiêu”. Mức tăng từ 5 đến 12 microgram/m3 là rất
lớn (gần 20%) so với mức tăng trung bình của một ngành. Nếu mức độ ô
nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, phải
tìm cách cải thiện chất lượng không khí. Nhưng tiêu chuẩn phát
thải của Việt Nam còn cách xa so với tiêu chuẩn tốt nhất (best practice)
của quốc tế. Các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam được phép phát thải gấp
5-10 lần so với các nước đang theo tiêu chuẩn tốt nhất.
Báo cáo Chất lượng Không khí năm 2018 của GreenID cho biết nồng độ PM2.5
trung bình của Hà Nội năm 2018 ở mức 40,1 microgram/m3, gấp 4 lần khuyến
nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 10 microgram/m3. Nồng độ PM2.5
vượt xa giới hạn cho phép trong quy chuẩn trung bình của Việt Nam là 25
microgram/m3. Ông Trần Đình Sinh (GreenID) cho biết lượng bụi mịn PM2.5,
SOx và NOx hiện nay tăng gấp 6 lần so với năm 2016, và 80% số đó đến từ
điện than. Theo ông, cần công khai minh bạch thông tin cho công chúng
biết.
Smog (smoke+fog) là khí thải do ô nhiễm gặp sương mù, dưới bức xạ mặt
trời gây ra những phản ứng quang hóa tạo thành các “hạt
thứ cấp”
(secondary particle) và
khí độc mới có hại cho cơ thể như nitrogen dioxide (NO2). Khi smog cộng
hưởng với thời tiết xấu và địa hình sẽ còn nguy hiểm hơn. Thảm họa môi
trường ở London cuối năm 1952 khi “Great Smog” kéo dài nhiều ngày làm
8.000-12000 người chết. Nhưng sát thủ trực tiếp là các khí độc như
nitrogen dioxide và hạt PM2.5. Theo Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) số
người chết sớm (premature death) do ô nhiễm không khí ở 40 nước Châu Âu
là 432.000 (năm 2012).
Theo New York Times (2013), 40% hạt mịn PM2.5 là do điện than gây ra ô
nhiễm không khí, làm 360.000 người Trung Quốc chết sớm. Theo National
Science Review (2016), điện than tại Trung Quốc đã tạo ra các chất phóng
xạ và kim loại nặng (như arsen, chì, thủy ngân, crom). Năm 2015, Trung
Quốc có 4,3 triệu bệnh nhân ung thư mới, gồm 730.000 trường hợp ung thư
phổi. Khoa học đã chứng minh có mối liên hệ chặt chẽ giữa điện than và
hạt PM2.5 với ung thư. Hạt
PM2.5 siêu nhỏ có thể thấm qua màng phổi, gây ung thư phổi.
Trước áp lực của quốc tế và trong nước, ông Tập Cận Bình đã phải ra lệnh
ngừng phát triển điện than ở Trung Quốc. Từ 2013 đến 2017, Trung Quốc đã
đóng cửa nhiều nhà máy điện than, nên đã giảm được 35% lượng bụi mịn
PM2.5 tại Bắc Kinh, từ 89,5
microgram/m³ xuống còn 58 microgram/m³. Nhưng
điều đáng nói là Trung Quốc lại chuyển công nghệ điện than lạc hậu sang
Việt Nam. Theo Global Energy Monitor, Việt Nam nay xếp thứ 3 trong số
các nước đứng đầu về sản lượng điện than, nhưng vẫn xây thêm nhà máy
điện than mới.
Gần đây, Hà Nội có nhiều sương mù (smog), do ảnh hưởng bởi 8 nhà máy
điện than (từ 600 đến 2300 MW) chủ yếu ở Quảng Ninh và Hải Phòng. Và Sài
Gòn cũng bị ảnh hưởng bởi 4 nhà máy điện than Vĩnh Tân (ở Bình Thuận).
Điện than sinh ra nhiều khí độc như sulphur dioxide (SO2), nếu hit phải
sẽ khó thở và dễ bị các bệnh phổi. Khí Sulphur dioxide được thải ra sẽ
phản ứng với VOC tạo ra hạt mịn PM2.5 trực tiếp (carbon đen) và gián
tiếp (Sulphur dioxide chuyển thành dạng hạt). Điện than là nguồn cung
cấp hạt PM2.5 lớn nhất, và là tác nhân giết người nhiều nhất qua ô nhiễm
không khí, vì vậy làm nhiều dự án điện than là tự sát.
Hà Nội không vội được đâu
Nhưng giảm điện than trong quy hoạch điện quốc gia rất khó, vì lợi ích
nhóm còn mạnh và Trung Quốc muốn đẩy công nghệ điện than lạc hậu sang
Việt Nam, trong khi chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo còn cao. Vì
vậy, EVN và Bộ Công Thương “vẫn kiên quyết ôm chặt điện than, viện đủ lý
lẽ để từ chối năng lượng tái tạo”, bất chấp
Nghị
quyết 120/NQ-CP, và “nhắm mắt trước xu hướng chung trên thế giới,
kể cả Trung Quốc”.
Họ đề
nghị Thủ tướng “chỉ đạo
một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than”.
Vì vậy, hợp tác với Mỹ để triển khai các dự án điện khí (LNG) là giải
pháp khả thi, góp phần làm giảm thâm hụt thương mại với Mỹ, giúp Việt
Nam giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Muốn giảm thiểu ô nhiễm không khí,
phải kiểm soát được các nguồn phát thải PM2.5 như các nhà máy điện than,
các phương tiện giao thông đường bộ, và các dự án xây dựng gây ô nhiễm…
Không chỉ kiểm soát để giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm, mà còn phải
bảo vệ và bổ xung cho quỹ cây xanh như “lá phổi” của thành phố, và phải
xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường với các quy chuẩn của
“thành phố xanh” và “GDP xanh”.
Nhưng năm 2014, Hà Nội đã chặt hạ 500 cây xanh trên đường Nguyễn Trãi để
phục vụ cho dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung
Quốc thi công. Dự án đó bị đội vốn và chậm tiến độ đến nay vẫn chưa
xong, trở thành một vết nhơ của Hà Nội. Năm 2015, Hà Nội lại lên phương
án “chặt hạ và thay thế 6700 cây xanh”, gây ra một làn sóng phản đối
mạnh mẽ làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế, nên buộc phải dừng
lại.
Trước sức ép dư luận, Sở Xây Dựng Hà Nội đã bị thanh tra và kỷ luật để
“rút kinh nghiệm”, nhưng họ đã chặt hàng ngàn cây xanh, làm tổn thương
“lá phổi” của thủ đô. Đằng sau quyết định thiển cận đó chắc có bàn tay
của các nhóm lợi ích “ăn không từ một cái gì”. Sau khi ăn xong vỉa hè,
họ định ăn tiếp cây xanh. Không chỉ cây xanh Hà Nội mà các vườn quốc gia
cần được bảo tồn (như Sơn Trà, Bà Nà, Tam Đảo) cũng đang bị các nhóm lợi
ích xâm hại để xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, trong cơn sốt bất
động sản.
Kết quả là Hà Nội không còn là một địa chỉ “đáng sống”. Thành phố quá
nhiều rác thải và bụi, giao thông thường bị ách tắc do hạ tầng quá tải.
Nay đường phố Hà Nội có nơi xuống cấp như đường nông thôn với nhiều “ổ
gà” và “sống trâu”, những nắp cống tụt xuống như những cạm bẫy. Nhưng
“lá phổi” Hà Nội còn bị tổn thương và bất lực trước ô nhiễm môi trường.
Có nhà văn nói “Hà Nội đẹp quá, người ta phá đến thế mà vẫn đẹp”, nhưng
có nhà báo lại nói “Hà Nội đang bị quả báo”, phải trả giá sớm cho lòng
tham và dân trí thấp.
Nếu bạn sống ở Hà Nội trong những ngày tháng này, chắc sẽ được cảnh báo
là “không nên ra ngoài đường” vì chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) thường
xuyên tới mức đỏ (dưới 200) và tím (trên
200). Ngồi trong nhà nhìn qua cửa kính, người ta thấy bầu trời mù mịt,
không nhìn rõ các tòa nhà vì sương mù dày đặc, có chứa bụi mịn PM2.5 và
PM10. Thật khủng khiếp khi ô nhiễm không khí đang lặng lẽ giết dần người
Việt như “đẳng tử”, nhưng điều đáng buồn là người Hà Nội dường như không
sợ chết, chắc vì Hà Nội không vội
được đâu!
Ngày 18/12, Chủ tịch Hà Nội họp với các Sở Ban Ngành, và ngày 19/12, Bộ
trưởng TN-MT họp bàn giải pháp cấp bách về ô nhiễm môi trường. Theo báo
Thanh Niên (20/12/2019) vấn đề cấp bách nhưng giải pháp nhạt nhòa, và
báo nhấn mạnh “cả năm qua, người dân ở các đô thị lớn như Hà Nội và tp
Hồ Chí Minh gánh chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí kéo dài nhưng phải đến
tận tháng cuối năm, một vài cơ quan mới tổ chức họp tìm giải pháp”. Đó
là phản ứng “quá ít và quá chậm” (too little too late) trước nguy cơ
khủng hoảng môi trường.
Mấy lời cuối
Greta Thunberg là một hiện tượng về sự trỗi dậy của “quyền lực vi mô”
(micro power) và sự suy tàn của quyền lực vĩ mô mà Moses Naim đã đề cập
(The End of Power, 2013).
Thunberg đại diện cho thế hệ trẻ đang làm cho thế giới biến chuyển khó
lường, từ Algeria đến Hongkong, và nhiều nơi khác. Thunberg dám lên án
và lên lớp các nguyên thủ quốc gia tại diễn đàn LHQ về môi trường
(23/9/2019), vừa được Time bình chọn là “nhân vật của năm”.
Trên thế giới, nguy cơ khủng
hoảng môi trường do biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn.
Thunberg có 3 thế mạnh cơ bản so với nhiều người khác. Một là cô sinh
trưởng tại Bắc Âu có nhiều
ưu việt. Hai là cô được hàng triệu người trên thế giới ủng hộ vì dũng
cảm lên tiếng bảo vệ môi trường. Ba là cô còn rất trẻ trong khi lãnh đạo
các nước đã già. Nếu xảy ra thảm họa môi trường thì tất cả sẽ bình đằng
trước cái chết, nhưng chắc Thunberg sống lâu hơn. Nếu loài khủng long đã
bị diệt chủng vì “thiên tai” thì loài người có thể bị diệt chủng vì
“nhân họa”, nên họ cần được cảnh tỉnh để chung sức đối phó với thảm họa
môi trường.
Trong khủng hoảng Biển Đông năm 2019, Việt Nam đã cứng rắn hơn, nhưng
năm 2020 với tư cách Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội
đồng Bảo an LHQ, Việt Nam cần có lập trường rõ ràng hơn để quốc tế ủng
hộ. Trước nguy cơ làm nhiều đập thủy điện trên sông Mekong đe dọa sự
sống còn của đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam cần xem xét lại kế hoạch
PV Power đầu tư (38%) vào dự án thủy điện Luang Prabang. Đây là một sai
lầm lớn như “tự bắn vào chân mình”, vì rủi ro động đất ở Bắc Lào rất
lớn, Việt Nam sẽ mất uy tín và mắc kẹt vì lập trường thiếu nhất quán, và
Trung Quốc sẽ lợi dụng để phân hóa.
Nhân ngày lễ Christmas, chắc Thiên chúa rất buồn khi biết nhân viên ý tế
bệnh viện mang tên Saint Paul đã gian lận cắt đôi que thử HIV và Viêm
gan B để lừa gạt bệnh nhân. Trong khi các quan chức cấp cao và đại gia
“tham nhũng vĩ mô”, thao túng vụ mua bán AVG để chiếm đoạt hơn bảy ngàn
tỷ đồng, thì bệnh viện Saint Paul “tham nhũng vặt” để chiếm đoạt vài
chục triệu đồng. Trong khi các quan chức Y tế và VN Pharma nhập thuốc
ung thư giả bán cho bệnh nhân, thì các quan chức giáo dục gian lận để
thao túng kết quả thi cử. Thể chế có những lỗ hổng để họ tham nhũng toàn
diện và triệt để, “ăn của đân không từ một cái gì”.
Thể chế đang ưu tiên kiểm soát chặt chẽ người dân bằng các nguồn lực và
công nghệ cao (như “hệ thống tín nhiệm xã hội” tại Trung Quốc), nhưng
không kiểm soát được quyền lực của các nhóm lợi ích thân hữu và minh
bạch hóa để chống tham nhũng. Nay thể chế có những lỗ hổng và sơ hở để
các nhóm lợi ích thân hữu lũng đoạn, làm nạn buôn bán ma túy bùng phát
và tội phạm hoành hành. Nếu không cải tổ thể chế thì không thể kiểm soát
được quyền lực và không bảo vệ được môi trường sống đang đứng trước nguy
cơ khủng hoảng.
Tham Khảo
1.
Burden of Disease from Rising Coal-Fired Power Plant Emissions in
Southeast Asia,
Harvard University & Greenpeace International,
January 2017.
2.
Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam,
Dự án VAST & IIASA, 10/2018.
3. Trung Quốc đổ hàng tỷ đô vào
nhiệt điện than ở Việt Nam, Dân Trí, 23/01/2019.
4.
Did
Vietnam Just Doom the Mekong?
Tom Fawthrop, Diplomat,
November 26, 2019
5.
Thủy điện Luang Prabang trên vùng động đất Bắc Lào và thảm họa vỡ đập
dây chuyền,
Ngô Thế Vinh, Người Việt, November 25, 2019
6.
Khí thải điện than đang tác động mạnh tới ô nhiễm ở Hà Nội? Zing,
18/12/2019.
7. Bụi mịn Hà Nội ở đâu ra, làm
sao để dân không phải hít bụi mịn nữa? Phạm Duy Hiển, VOV, 26/12/2019.
8.
Không
khí Hà Nội ở ngưỡng rất có hại ngày thứ 7 liên tiếp,
Vietnamnet, 14/12/2019
9.
Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới, Bộ Y tế ra khuyến cáo đặc biệt,
Vietnamnet,
15/12/2019
10.
Ô
nhiễm không khí đã trở nên cấp bách! Thanh Niên, 20/12/2019
11.
Bộ
Công thương, điện than và Nghị quyết 120/NQ-CP, Nguyễn Ngọc
Trân, VietTimes, 28/12/2019
NQD. 31/12/2019
Tác giả gủi cho viet-studies ngày 31-12-19
|