Nghịch lý Cá Voi
Xanh: Thấy cây mà không thấy rừng
Nguyễn Quang Dy
Khủng hoảng Biển Đông lần 2 tại Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) vẫn tiếp
diễn. Tàu HD-8 vẫn khảo sát trái phép vùng biển ngoài khơi Nam Trung Bộ
(cách bờ khoảng 180km), trong khi các tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn quấy
rối hoạt động của mỏ Lan Tây-Lan Đỏ (lô 06-01) gây sức ép với Việt Nam
và Rosneft. Ngày 3/9/2019, tàu cần cẩu Lam Kình của Trung Quốc đã tiến
vào vùng biển gần mỏ Cá Voi Xanh (lô 118) cách đảo Lý Sơn gần 50 km,
cách bờ biển Quảng Nam gần 90 km. Theo South China Morning Post
(25/9/2019) Trung Quốc đã cho dàn khoan HD-982 tới Biển Đông, có thể
tiến vào vùng biển Việt Nam bất cứ lúc nào.
Trong khi đó dự án Cá Voi Xanh (lô 118) vẫn chậm tiến độ. Gần đây có tin
đồn ExxonMobill định rút khỏi dự án này. Câu chuyện Cá Voi Xanh tuy còn
chưa rõ, nhưng cửa sổ cơ hội cho Việt Nam dường như đang khép lại. Trước
đây, Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, nay lịch sử có thể lặp lại, nếu
người ta chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”. Bài này phân tích một số
nghịch lý có thể gây trở ngại cho dự án chiến lược Cá Voi Xanh, dẫn đến
hệ quả khó lường, nếu Việt Nam thiếu quyết đoán, hành động quá yếu và
quá chậm (too little too late).
Các
tin đồn nửa sự thật
Theo David Hutt (Asia Times, 13/9/2019), blogger Huy Đức cho biết
“ExxonMobil đã thông báo với chính phủ Việt Nam (28/8/2019) là họ định
bán lại 64% cổ phần dự án Cá Voi Xanh” (dự kiến sẽ khai thác khí từ năm
2023). Trong khi đó, các quan chức dầu khí Việt Nam đều cho rằng Trung
Quốc đang thách thức và gây sức ép với Việt Nam. Theo Yuval Harari,
chúng ta đang sống trong thời kỳ “hậu sự thật”, nên tin đồn này là “nửa
sự thật”.
Theo Tim Daiss (chuyên gia dầu khí) Bắc Kinh muốn ép Hà Nội không được
hợp tác với ExxonMobil tại dự án Cá Voi Xanh, nhằm đẩy Mỹ ra khỏi Biển
Đông. Nếu Cá Voi Xanh bị đình trệ, các dự án điện khí không tiến triển,
Việt Nam buộc phải tiếp tục làm điện than, sẽ phải phụ thuộc vào Trung
Quốc về an ninh năng lượng. (Will
Beijing Kick ExxonMobil Out Of The South China Sea? (Part 2),
Tim Daiss,
CD Media, September 4, 2019).
Theo Carl Thayer (chuyên gia về Việt Nam), “sau Bãi Tư Chính sẽ đến lượt
Cá Voi Xanh”. Mỏ Cá Voi Xanh có trữ lượng khí khoảng 150 tỷ m3, gấp 3
lần mỏ Lan Tây-Lan Đỏ ở Nam Côn Sơn. Trung Quốc theo đuổi chính sách hai
mặt: Một mặt họ quấy rối các dự án dầu khí (như với Repsol, Rosneft,
ExxonMobil). Mặt khác họ gây sức ép buộc Việt Nam phải khai thác chung
với Trung Quốc. Nếu họ không thấy có “tiến bộ” trong việc quấy rối các
dự án với Rosneft (gần bãi Tư Chính), họ có thể quấy rối dự án Cá Voi
Xanh (với ExxonMobil).
Tuy gây sức ép với Việt Nam và các đối tác là chủ trương nhất quán của
Trung Quốc, nhưng trong trường hợp này không phải dễ vì Cá Voi Xanh khác
với Cá Rồng Đỏ và Lan Đỏ. Thứ nhất, Cá Voi Xanh nằm ngoài “đường chín
đoạn”. Thứ hai, ExxonMobil không phải là Repsol, và Trung Quốc không bắt
nạt được Mỹ. Tuy họ không ép được Mỹ hay Nga phải bỏ cuộc (như Tây Ban
Nha), nhưng “yếu tố Trung Quốc” có thể tạo ra “hiệu ứng kép” làm phức
tạp thêm vấn đề “cơ chế” như thủ tục phê duyệt và giá cả (đấy là chưa kể
lợi ích nhóm).
Trung Quốc còn có thể tác động vào nội bộ Việt Nam, làm chậm tiến độ dự
án, để phân hóa Việt Nam với Mỹ. Tuy Trung Quốc không dại gì gây căng
thẳng quá mức để xảy ra xung đột, nhưng vẫn tiếp tục ép Việt Nam,
Malaysia và Philippines, để chứng tỏ rằng các nước này không thể làm
được gì để chống lại Trung Quốc, và họ cũng không thể dựa vào sự hỗ trợ
của Mỹ hay cộng đồng quốc tế. Carl Thayer cho rằng tình trạng mập mờ của
dự án Cá Voi Xanh chắc sẽ rõ ràng hơn khi Tổng Bí thư-Chủ tịch Nuớc
Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ (dự kiến vào cuối tháng 10/2019), và cho
rằng các quan chức cao cấp của PVN sẽ đi cùng đoàn.
Trước tin đồn ExxonMobil có thể bỏ cuộc, ngày 12/9/2019 người phát ngôn
Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định “Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã
có thông tin cho biết những dự án dầu khí ở miền trung, bao gồm các dự
án trên biển và trên bờ được tổ hợp nhà thầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam,
Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí và ExxonMobil triển khai theo kế
hoạch”. PVN cũng thông báo “Các dự án dầu khí ở miền Trung Việt Nam (gồm
các dự án trên biển và trên bờ) được ExxonMobil, PVN và PVEP triển khai
theo kế hoạch”.
Lý giải câu chuyện Cá Voi Xanh
Trong khi Việt Nam lên án Trung Quốc cho tàu
thăm dò HD-8 và các tàu hải cảnh vũ trang xâm phạm vùng đặc quyền kinh
tế của Việt Nam gần bãi Tư Chính thì ngày 18/09/2019 người phát ngôn Bộ
Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng lên án Việt Nam khai thác dầu khí tại
khu vực bãi Tư Chính là xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Tuyên bố
ngang ngược đó của Bắc Kinh làm dư luận bất bình và các chuyên gia quốc
tế phản ứng mạnh.
Theo các chuyên gia Mỹ, đã đến lúc phải thay đổi cục diện tranh chấp
hiện nay tại Biển Đông, vì mỗi khi Trung Quốc dùng sức mạnh cưỡng chế
thì các nước khu vực phải rút lui. Theo giáo sư Ryan Martinson (học
viện hải quân Mỹ), chính quyền Trump cần xúc tiến: (1) Lên án Bắc
Kinh đã ép các nước khác phải tuân theo yêu sách bất hợp lý của họ; (2)
Cấm các tàu Trung Quốc tiếp cận các hải cảng của Mỹ, và tiến hành
khảo sát các vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ; (3) Chia sẻ thông tin
về những gì đang diễn ra tại Biển Đông. (Vietnam
power crunch threatens future economy,
John Reed, Financial Times,
Sept 22, 2019).
Trung Quốc dùng tàu hải cảnh vũ trang và dân quân biển xâm phạm vùng EEZ
của Việt Nam để ép Hà Nội (và các đối tác) vào chân tường. Nhưng nếu
ExxonMobil định rút khỏi dự án Cá Voi Xanh vì sức ép của Trung Quốc, thì
chính phủ Mỹ chắc phải biết và lên tiếng. Nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại
giao Mỹ vẫn tuyên bố (ngày 22/8/2019): “Các công ty Mỹ đứng đầu về thăm
dò và khai thác dầu khí, gồm ngoài khơi Biển Đông…Mỹ cực lực phản đối
các nỗ lực của Trung Quốc đe dọa hoặc cưỡng bức các nước đối tác phải
thôi hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc, nếu không họ sẽ
quấy rối các hoạt động hợp tác dầu khí”.
Trong khi các tin đồn lan nhanh thì có mấy cách lý giải khác (ngoài sức
ép của Trung Quốc). Ví dụ, ExxonMobil đang tính lại giá trị thương mại
của dự án, trong bối cảnh họ phải cắt lỗ và bỏ một số dự án (như ở Bắc
Âu và Úc). Có những lý do buộc họ phải xem lại có nên bỏ Cá Voi Xanh
không, nếu có quá nhiều carbon dioxide trong mỏ khí, làm giảm khả năng
sử dụng khí được khai thác, vì không thân thiện môi trường. Có thể
ExxonMobil không muốn rút, nhưng dùng những lý do trên để ép chính phủ
Việt Nam đẩy nhanh tiến độ.
Theo Bill Hayton (Chatham House) nếu tin đồn trên là thật, thì chắc vì
lý do thương mại (từ phía ExxonMobil), chứ không phải vì lý do chính trị
(do sức ép của Bắc Kinh). Có thể trụ sở chính Exxon Mobil muốn thoái
vốn, nhưng trụ sở khu vực muốn bán khí với giá cao hơn. Mấy năm qua,
ExxonMobil đã thương thuyết với Việt Nam về giá bán khí của Cá Voi Xanh,
nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Tuy mỏ Cá Voi Xanh nằm ngoài “đường
chín đoạn”, nhưng Trung Quốc không muốn
ExxonMobil hút khí cùng một nguồn lớn mà họ đã thăm dò gần đó (năm
2014). Ngoài dầu khí, Trung Quốc và các nước Đông nam Á vẫn đang tranh
chấp chủ quyền ở Biển Đông, mang ý nghĩa quốc tế. Điểm cốt lõi là các
quốc gia có tôn trọng hiệp ước mà họ đã ký, hay muốn sử dụng vũ lực để
đạt được. Đó chính là hòn đá tảng cho trật tự thế giới dựa trên luật lệ.
(Has
China’s presence in the South China Sea exacerbated tensions with its
smaller neighbours?
Bill Hayton, Friends of
Europe, September 3,
2019).
Theo Greg Poling (AMTI Director/CSSI) Việt Nam phải đứng vững trước sức
ép của Trung Quốc. Cũng như Cá Rồng Đỏ (với Repsol) và Lan Đỏ (với
Rosneft) tại Nam Côn Sơn, Cá Voi Xanh (với ExxonMobil) còn quan trọng
hơn đối với an ninh năng lượng của Việt Nam cũng như chủ quyền tại Biển
Đông. Nhưng nó thực sự không phụ thuộc vào Hà Nội, nếu ExxonMobil thấy
đầu tư của họ quá rủi ro (có nhiều khả năng là như vậy). Trước sức ép mà
Repsol, Rosneft hay ExxonMobil phải đối mặt, nếu họ định thoái vốn thì
Việt Nam không thể làm gì được. Mục tiêu của Trung Quốc là phải tiến tới
kiểm soát hầu như toàn bộ Biển Đông. Điều đó đồng nghĩa với việc bất kỳ
hoạt động dầu khí nào, ở bất kỳ nơi nào trong khu vực này, cần phải được
Trung Quốc cho phép, hoặc phải hợp tác với các công ty của Trung Quốc.
Theo Bennett Murray (DPA bureau chief) việc gắn khai thác dầu khí với
quan hệ giữa các nước lớn là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp tục khai thác
dầu khí trong “đường chín đoạn”. Tuy Trung Quốc muốn ép Việt Nam thôi
liên doanh với Rosneft, nhưng Nga vẫn lặng lẽ hỗ trợ Việt Nam. Tại
Bankok bên lề hội nghị ngoại trưởng ASEAN (2/8/2019) khi ngoại trưởng
Trung Quốc (Vương Nghị) yêu cầu ngoại trưởng Nga (Sergei Lavrov) dừng
các hoạt động hợp tác dầu khí với Việt Nam tại bãi Tư Chính, ngoại
trưởng Nga đã khéo léo từ chối. (Vietnams
Strange Ally in Its Fight With China,
Bennett Murray, Foreign Policy, August 1, 2019).
Nghịch
lý Cá Voi Xanh
Theo thông báo (năm 2017) tổng đầu tư cho dự án Cá Voi Xanh vào khoảng
10 tỷ USD và sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 20 tỷ USD. PVN và
ExxonMobil Việt Nam đã ký thỏa thuận khung Hợp đồng Bán khí Cá Voi Xanh,
theo đó dự án này sẽ cung cấp khí cho 4 nhà máy điện khí với tổng công
suất 3.000 MW (2 nhà máy đặt tại khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, và
2 Nhà máy đặt tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi). Mỏ
Cá Voi Xanh lớn gấp 3 lần mỏ khí Lan Tây-Lan Đỏ (là mỏ khí lớn nhất hiện
nay ở Nam Côn Sơn), và quan trọng hơn nhiều so với mỏ Cá Rồng Đỏ về giá
trị kinh tế cũng như giá trị chiến lược.
PVN đề nghị chính phủ chấp thuận cơ chế giá điện khí của dự án nhằm bao
tiêu hết sản lượng khí đã cam kết với nhà thầu Exxon Mobil…Trong khi Bộ
Kế hoạch - Đầu tư cho rằng mức giá bán điện của dự án này khá cao so với
giá bán điện bình quân hiện nay, Bộ Tài chính đề nghị PVN phân tích,
đánh giá về tính cạnh tranh giá điện của dự án này với các dự án điện
khác. Tập đoàn Điện lực EVN đề nghị phân
tích và xem xét lại phương án tài chính được PVN kiến nghị vì phương án
này có nguy cơ gặp nhiều khó khăn, sẽ kéo dài quá trình thương thảo, gây
ảnh hưởng đến tiến độ của dự án này và chuỗi dự án Cá Voi Xanh…
Trong khi ExxonMobil có trách nhiệm khai thác đưa khí vào bờ, PVN có
trách nhiệm tìm kiếm nguồn tài chính, đàm phán giá điện với EVN, và làm
nhà máy điện khí. Theo PVN (9/9/2019), để làm được việc đó, cần được
chính phủ phê duyệt. Theo ông Phạm Xuân Cảnh (PVN board member) một số
dự án dầu khí như Cá Voi Xanh vướng cơ chế nên chậm, hiệu quả không còn
như trước. “Các dự án Cá Voi Xanh, Lô B như nồi cơm của PVN, nồi cơm của
tăng trưởng GDP và thu ngân sách. Nhưng vướng cơ chế nọ kia nên bị chậm
trễ hết rồi”. Theo ông
Nguyễn Lê Minh (chuyên gia dầu khí) việc ExxonMobil định rút khỏi Cá Voi
Xanh là có thật, nhưng để gây sức ép với chính phủ Việt Nam nhằm rút
ngắn tiến độ, đi vào khai thác thương mại, chứ không phải do sức ép từ
Trung Quốc…ExxonMobil muốn chính phủ Việt Nam thúc đẩy nhanh việc phê
duyệt giá bán điện của PVN và EVN. (Cá
Voi Xanh: ExxonMobil muốn gây sức ép lên chính phủ Việt Nam, BBC,
September 11, 2019).
Tuy việc bán điện của phía Việt Nam không liên quan đến lợi ích kinh tế
của ExxonMobil, nhưng nếu không được phê duyệt sớm thì có thể làm chậm
tiến độ dự án. Theo ông Minh, bản chất của dự án Cá Voi Xanh hoàn toàn
khác với dự án Cá Rồng Đỏ. Trong khi Cá Rồng Đỏ (lô 07-03) nằm ở khu Nam
Côn Sơn, cách bờ 550km, không thuộc vùng EEZ nhưng vẫn thuộc thềm lục
địa của Việt Nam, Cá Voi Xanh (lô 118) chỉ cách bờ có 88km, nằm sâu
trong vùng EEZ của Việt Nam, và nằm bên ngoài “Đường Chín Đoạn” của
Trung Quốc.
Theo ông Minh, nếu ExxonMobil định rút, chắc không phải do sức ép của
Trung Quốc. Sau này, nếu ExxonMobil rút và chính phủ Việt Nam muốn thay
bằng Rosneft thì vấn đề lại khác, vì Nga và Trung Quốc có nhiều ràng
buộc kinh tế và chính trị. Hiện nay Rosneft là tập đoàn dầu khí lớn nhất
của Nga và Trung Quốc có 9% cổ phần trong Rosneft nên chắc họ có lợi ích
chung. Có tin đồn ExxonMobil định bán lại cổ phần Cá Voi Xanh cho
Rosneft.
Đến nay, PVN xác nhận có việc ExxonMobil đang gây sức ép lên chính phủ
Việt Nam để rút ngắn quy trình phê duyệt, nhằm giúp dự án kịp tiến độ.
Hiện nay hợp đồng dầu khí (PSC) của ExxonMobil tại dự án Cá Voi Xanh có
thời hạn 20 năm (2009 - 2029), nhưng 10 năm đã trôi qua kể từ khi ký
kết, nay dự án mới dừng ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật (FEED), còn lâu
mới có thể đi vào khai thác thương mại. Điều này chắc làm ExxonMobil lo
ngại.
Năm ngoái, lãnh đạo PVN cho biết tình hình biển Đông tiếp tục có những
diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò dầu khí cũng như kêu
gọi nước ngoài đầu tư vào thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của tập đoàn
PVN. Nhưng hiện nay ExxonMobil và PVN đều từ chối bình luận chính thức
về các tin đồn liên quan đến Cá Voi Xanh, tuy chắc họ đang rất sốt ruột.
Ngày 10/9/2019, trong khi đại diện PVN nói rằng “hiện chúng tôi vẫn đang
triển khai dự án Cá Voi Xanh và sẽ không đưa ra ý kiến đối với những
nguồn tin không chính thống”, thì người phụ trách truyền thông của
ExxonMobil cũng nói rằng “Chúng tôi không bình luận về các tin đồn về
thị trường hoặc đồn đoán về việc kinh doanh của chúng tôi”.
Thấy
cây mà không thấy rừng
Theo Tim Daiss, có ba lý do Cá Voi Xanh không nằm trong tầm ngắm của
Trung Quốc. Thứ nhất, ExxonMobil là một đại công ty của Mỹ được chính
quyền Mỹ hỗ trợ. Trung Quốc có thể ép Repsol phải rút nhưng không thể ép
được ExxonMobil. Thứ hai, Cá Voi Xanh nằm ngoài “đường lưỡi bò”, nên
Trung Quốc không có lý để gây sức ép. Thứ ba, chắc Trung Quốc không muốn
đụng đến một đại công ty của Mỹ trong thị trường dầu khí toàn cầu, vì
Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu khí để duy trì nền
kinh tế. (All
the reasons ExxonMobil may leave Vietnam, Tim Daiss, Asia
Times, September 17, 2019).
Carl Thayer cho rằng dư luận trên mạng xã hội về Cá Voi Xanh chỉ là “tin
đồn” vì ExxonMobil chưa thông báo chính thức. Có mấy khả năng về các tin
đồn. Thứ nhất, tin đồn đó có thể sai. Thứ hai, Trung Quốc có thể âm thầm
gây sức ép với Hà Nội và ExxonMobil dừng thăm dò dầu khí như một phần
của xung đột lợi ích với Mỹ. Thứ ba, ExxonMobil có thể rút khỏi Việt Nam
vì lý do liên quan đến kế hoạch tái cấu trúc toàn cầu. Thứ tư,
ExxonMobil và Việt Nam không nhất trí về giá bán khí của dự án. Thứ năm,
gồm lý do hai, ba và bốn cộng lại.
Theo đánh giá của ông Minh, khả năng ExxonMobil có rút hay không và Việt
Nam có giữ được hay không “hiện nay là 50/50”, phụ thuộc vào chuyến thăm
Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư- Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng (dự kiến vào
cuối tháng 10/2019). Trong khi nhiều người vẫn còn hoang mang chưa biết
số phận của Cá Voi Xanh thế nào, lãnh đạo cấp cao của PVN hy vọng chuyến
đi Mỹ lần này của ông Trọng sẽ tháo gỡ được ách tắc để triển khai dự án
đúng tiến độ, vì Cá Voi Xanh rất quan trọng, không chỉ đối với vận mệnh
của PVN mà còn đối với ngân sách nhà nước, an ninh năng lượng, và chủ
quyền quốc gia tại Biển Đông.
Theo các chuyên gia, vấn đề bây giờ là song song với việc chỉnh sửa Luật
Dầu khí, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ tối đa PVN để phê duyệt dự án Cá
Voi Xanh. Hiên nay, PVN vẫn là ngọn cờ đầu của nền kinh tế Việt Nam, tuy
giá dầu giảm nhưng vẫn đóng góp 10% cho ngân sách quốc gia. Việc triển
khai dự án Cá Voi Xanh không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách
(20 tỷ đô la trong vòng 20 năm) mà còn giúp bảo đảm an ninh năng lượng.
Việc triển khai dự án này còn đảm bảo cam kết cho các nhà đầu tư nước
ngoài yên tâm về môi trường đầu tư ổn định và phát triển bền vững trong
tầm nhìn dài hạn tại Biển Đông.
Vì vậy, mấu chốt vấn đề là Việt Nam cần sửa Luật Dầu khí đã lỗi thời,
không phù hợp với luật quốc tế nên không thu hút được các tập đoàn lớn
nước ngoài. Nhưng từ nay đến khi sửa được, nhanh nhất cũng phải mất 6
tháng. Muốn nhanh hơn phải trình lên Bộ Chính trị. Nhưng nếu không đảm
bảo được tiến độ, ExxonMobil có thể rút. Ngày 2/10/2018, Trung ương 8
khóa XII đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền
vững kinh tế biển, trong đó quan trọng nhất vẫn là thăm dò/khai thác dầu
khí (mà PVN là trọng tâm).
Trong một thời gian dài, PVN đã phát triển thành một thế lực rất mạnh
nên khó kiểm soát, để nhóm lợi ích thân hữu thao túng ngành dầu khí. Gần
đây, một số không nhỏ lãnh đạo PVN đã bị bắt và truy tố vì tội tham
nhũng và lạm dụng quyền lực. Điều đó dẫn đến hai hệ quả tất yếu. Một là
hệ quả tích cực khi nạn tham nhũng và nhóm lợi ích bước đầu được kiểm
soát. Hai là hệ quả tiêu cực làm cho bộ máy lãnh đạo điều hành PVN bị
suy yếu và bất lực, có thể bị các bộ ngành khác lấn át, nên làm ách tắc
việc triển khai dự án Cá Voi Xanh.
Trong lúc nguy cơ mất Bãi Tư Chính đang tới gần, thì dự án Cá Voi Xanh
và không gian sinh tồn của Việt Nam ở Biển Đông cũng bị đe dọa, nếu Việt
Nam không kịp thời nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược để làm
đối trọng với Trung Quốc. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, nhiều người vẫn
coi lợi ích thương mại lớn hơn lợi ích chiến lược như “thấy cây mà không
thấy rừng” do thiếu tầm nhìn chiến lược. Để tháo gỡ kịp thời ách tắc về
cơ chế và giải cứu Cá Voi Xanh, lúc này Việt Nam cần xác định rõ ưu tiên
chiến lược là gì.
Thay lời kết
Theo hình ảnh vệ tinh, trong khi tại eo biển Đài Loan không thấy có dấu
hiệu Trung Quốc chuẩn bị lực lượng để tấn công, thì bên kia biên giới
Việt-Trung, họ đang tập trung lực lượng lớn tại căn cứ rộng tới 50 arces
và 8 acres, cách biên giới 10 km (tọa độ 24° 24’ N, 106° 42’ E). Có hai
nguyên nhân Trung Quốc chuẩn bị lực lượng trên đất liền để tấn công Việt
Nam. Một là để Lục Quân Trung Quốc cũng có vai trò không kém Hải Quân và
Không Quân. Hai là để ép Việt Nam phải từ bỏ 17 vị trí trên các đảo tại
Biển Đông. (Advice
for Our Vietnamese Friends on China,
David Archibald,
American Thinker, September 27, 2019).
Các chuyên gia nói, mỏ Cá Voi Xanh còn quan trọng hơn cả tầu ngầm Kilo
về giá trị răn đe chiến lược. Nếu ExsonMobil rút, dù vì bất cứ lý do gì
thì tác hại vẫn như nhau. Trong khi Trung Quốc sẵn sàng làm bất cứ điều
gì để ép ExxonMobil phải rút, thì Việt Nam đáng lẽ phải làm bất cứ điều
gì để giữ chân ExxonMobil. Nếu để thương lượng giá khí và điện kéo dài,
và giải quyết các thủ tục quá lâu làm chậm tiến độ, nên ExxonMobil nản
lòng phải rút, thì chẳng khác gì tiếp tay cho Trung Quốc. Nếu định qua
đó lấy lại mỏ Cá Voi Xanh để tự mình khai thác thì càng ngây thơ, chẳng
khác gì “tự bắn vào chân mình” khi cần thoát hiểm.
Theo các chuyên gia, lúc này mọi phát ngôn và hành động yếu ớt của Việt
Nam về Biển Đông chỉ càng khuyến khích Trung Quốc cứng rắn hơn. Việt Nam
càng nhân nhượng, thì Trung Quốc càng lấn tới. Điều đó làm nản lòng
người Việt trong nước cũng như
ngoài nước, và làm cho dư luận quốc tế thất vọng không muốn quan tâm đến
Việt Nam. Vị thế của Việt Nam trên thế giới càng cô đơn thì hệ quả đối
với Việt Nam càng nguy hiểm. Vì vậy, Việt Nam cần quốc tế hóa các
tranh chấp ở Biển Đông và khởi kiện Trung Quốc trước khi quá muộn.
Tham khảo
1.
Vietnam’s Strange Ally in It’s Fight With China, Bennett
Murray, Foreign Policy, August 1, 2019).
2.
Has China’s presence in the South China Sea exacerbated tensions with
its smaller neighbours?
Bill Hayton, Friends of
Europe,
September 3, 2019
3.
Will Beijing Kick ExxonMobil Out Of The South China Sea? (Part 2),
Tim Daiss, CD Media, September 4,
2019
4.
Cá Voi Xanh: ExxonMobil muốn gây sức ép lên
chính phủ Việt Nam, BBC, September
11, 2019
5.
Chinese pressure may drive ExxonMobil from Vietnam, David
Hutt, Asia Times, September 13, 2019
6.
All
the reasons ExxonMobil may leave Vietnam, Tim Daiss, Asia
Times, September 17, 2019
7. Vietnam power crunch threatens
future economy, John Reed, Financial Times, September
22, 2019).
8.
Advice for Our Vietnamese Friends on China,
David Archibald,
American Thinker, September 27, 2019.
NQD. 04/10/2019
|