Giải mã khủng hoảng
truyền thông Mỹ: một góc nhìn khác
Nguyễn Quang Dy
Không có một quốc gia nào trên thế giới có tần suất khủng hoảng truyền
thông nhiều như Mỹ. Khủng hoảng truyền thông như cơm bữa làm người Mỹ
cũng quen như “chuyện bình thường” (new normal). Đó là một đặc thù kiểu
Mỹ không thể lẫn, làm cho nước Mỹ hấp dẫn và mạnh. Tu Chính Án Thứ Nhất
(First Amendment) về tự do báo chí là một trụ cột của sức mạnh Mỹ (đang
bị Trump thách thức). Đối với nhiều người, thật khó phân biệt khi nào
khủng hoảng truyền thông biến thành khủng hoảng chính trị, hay khủng
hoảng hiến pháp. Có lẽ bóng ma Watergate không bao giờ chết, và Tu Chính
Án Thứ 25 là một răn đe đối với bất kỳ tổng thống nào không muốn làm
theo luật chơi. Đó là nghịch lý của hệ thống chính trị đã làm cho nước
Mỹ trở thành độc đáo (exceptionalism), nhưng cũng dễ tổn thương.
Những quả bom
truyền thông
Tuần qua có hai sự kiện truyền thông lớn làm rung động chính quyền
Trump, trong khi cuộc điều tra của Robert Mueller vẫn như “thanh gươm
Damocles” đang treo lơ lửng trên đầu tổng thống Trump. Thứ nhất là bài
báo nặc danh (anonymous op-ed) đăng trên New York Times (5/8/2018) mà
tác giả là “một quan chức cao cấp của chính quyền” (a senior
administration official) cùng một nhóm phản kháng ngầm chống đối Trump.
Tuy hiện tượng “rò rỉ thông tin” (leaking) là chuyện thường xuyên trong
Nhà Trắng, nhưng sự kiện đầy kịch tính này đang làm cho Nhà Trắng đau
đầu đối phó, như phải dập một đám cháy lớn. Tuy các quan chức hàng đầu
Nhà trắng đã lên tiếng phủ nhận, và Trump đã yêu cầu Bô trưởng Tư pháp
phải điều tra, nhưng sau một tuần vẫn chưa biết ai là thủ phạm.
Sự kiện thứ hai là cuốn sách mới của nhà báo
Bob Woodward (“Fear: Trump in the White House,
Simon & Schuster”, September 11, 2018)
như một quả bom truyền thông. Cuốn sách này được công bố chỉ một ngày
sau sự kiện bài báo nặc danh trên New York Times. Sự trùng hợp về thời
điểm, cũng như nội dung câu chuyện được kể làm cho đám cháy và quả bom
này tai hại hơn nhiều đối với Trump (khi cuộc bầu cử giữa kỳ đang tới
gần). Cách đây không lâu, có mấy sự kiện truyền thông khác cũng làm dư
luận xôn xao. Đó là cuốn sách của nhà báo Michael Wolff (“Fire and
Fury”, Holt, January 5, 2018), và cuốn sách của
Omarosa
Manigault là một trợ lý Nhà Trắng bị sa
thải,
(“Unhinged: An Insider's Account of the
Trump’s White House”,
Simon & Schuster, August 14, 2018).
Nhưng so với hai sự kiện truyền thông đó, quả bom Woodward có sức công
phá lớn hơn nhiều, như một quả “bom tấn”.
Bob Woodward là một nhà báo kỳ cựu của Washington Post, không phải là
một tác giả bình thường mà là một tên tuổi lớn của báo chí Mỹ mà các
tổng thống đều biết tiếng (và ngại). Ông là tác giả của 18 cuốn sách
viết về các đời tổng thống Mỹ, từ thời Richard Nixon (và bi kịch
Watergate), trong đó có 12 cuốn được xếp hạng “bán chạy nhất toàn quốc”
(number one national best seller). Woodward giành được 2 giải Pulitzer
(một thành tích hiếm có đối với các nhà báo). Woodward nổi tiếng không
phải chỉ vì viết nhiều về chuyện cung đình, mà còn do uy tín và chất
lượng. Woodwar rất thận trọng kiểm tra lại các nguồn được trích dẫn, và
trong cuốn sách mới ông đã trích dẫn một cách gián tiếp (mà ông gọi là
“deep background”).
Tuy hãy còn quá sớm để đánh giá hệ quả của các sự kiện truyền thông nói
trên, nhưng có thể hình dung nước Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng
truyền thông, gắn liền với một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, đụng
chạm những vấn đề cơ bản của thể chế chính trị. Có lẽ đây là vấn đề toàn
cầu chứ không riêng nước Mỹ, nhưng nó được bộc lộ rõ hơn ở Mỹ. Những giá
trị cơ bản của dân chủ tự do (liberal democracy) và tự do ngôn luận
(freedom of speech) đang bị thách thức. Không phải ngẫu nhiên mà Trump
tỏ ra thù địch với báo chí, thường gọi báo chí là “tin vịt” (fake news)
và gọi các nhà báo là “kẻ thù của nhân dân” (enemy of the people). Không
phải chỉ tự do ngôn luận, mà “chính trị bản sắc” (identity politics)
cũng bị thách thức, phản ánh xu hướng bảo thủ mới (neo-conservatism) và
dân túy (populism).
Một nước Mỹ bị chia
rẽ
Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới (11/2018) có ý nghĩa quan
trọng. Thứ nhất, nó định vị lại tâm trạng và thái độ của cử tri Mỹ đối
với Trump mà họ đã bỏ phiếu ủng hộ cách đây gần hai năm, và dự báo xu
hướng chính trị hai năm tới khi cử tri Mỹ bầu lại Tổng thống. Thứ hai,
nó xác lập lại cán cân chính trị giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong
Quốc hội. Trump dễ sa vàò một cuộc khủng hoảng chính trị và hiến pháp,
nếu phe Dân chủ chiếm được đa số, và điều tra của Robert Mueller khẳng
định sự dích líu của Trump với người Nga trong tranh cử năm 2016, mở ra
khả năng phế truất (theo “25th amendment”).
Ngày 16/8/2018, có 343 tờ báo khắp nước Mỹ đã hưởng ứng lời kêu gọi của
báo Boston Globe, cùng đăng xã luận để phản đối “cuộc chiến tranh bẩn
thỉu” (dirty war) của Trump chống lại tự do báo chí. Tuy có rất nhiều
báo tham gia, trong đó có những báo lớn như New York Times, nhưng cũng
còn nhiều báo khác không tham gia (như Wall Street Journal). Không phải
chỉ nước Mỹ bị chia rẽ mà báo chí Mỹ cũng đang bị phân hóa. Có lẽ đó là
hệ quả không định trước của bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2016 như một
sự kiện chính trị chia rẽ nước Mỹ chưa từng có, làm nhiều người gọi nước
Mỹ là “the Divided States of America”.
Trong bài xã luận với tiêu đề “Tự do báo chí
cần các bạn”, báo New York Times viết rằng nếu gọi sự thật mà mình không
thích là “tin vịt” (fake news) “là nguy hiểm cho dòng chảy của dân chủ”
(dangerous to the lifeblood of democracy), và gọi báo chí là “kẻ thù của
nhân dân” là nguy hiểm cho các nhà báo. Khi gặp riêng Tổng thống Trump
(tháng 7/2018), ông AG. Sulzberger (Chủ báo New York Times) đã nói “ngôn
từ của tổng thống đang góp phần làm tăng nguy cơ đối với các nhà báo và
dẫn đến bạo lực”. Tuy Trump
nổi tiếng hay nói dối, nhưng ông cũng hay dùng những từ ngữ thô thiển để
thóa mạ những người mà ông không thích, thậm chí cả phụ nữ như
Omarosa Manigault, là “hạ đẳng”
(lowlife) và “đồ chó” (dog).
Theo kết quả khảo sát dư luận của đại học Quinnipiac University, trong
khi “51% cử tri đảng Cộng hòa cho rằng báo chí là “kẻ thù của nhân dân”,
thì 65% cử chi nói chung cho rằng báo chí là một phần quan trọng của nền
dân chủ. Một khảo sát khác trong tháng này cũng có kết quả tương tự: 48%
cử tri đảng Cộng hòa cho rằng báo chí là “kẻ thù của nhân dân Mỹ”, và
28% bất đồng. Trong khi đó, 23% những người ủng hộ đảng Cộng hòa (và 1/8
người Mỹ nói chung) cho rằng Trump nên đóng cửa CNN, Washington Post và
New York Times.
Đổi mới tư duy và
hệ quy chiếu
Đó là vắn tắt mấy nét (hơi tiêu cực) về bức tranh chính trị nội bộ của
Mỹ vào thời điểm này, trong khi bức tranh kinh tế và chính trị quốc tế
của chính quyền Trump có vẻ sáng sủa và tích cực hơn, nhất là về triển
vọng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đang bước vào giai đoạn hai (từ
6/9/2018). Thành tích đối ngoại của Trump (với Triều Tiên chẳng hạn)
cũng không thể phủ nhận. Trong số các tổng thống Mỹ còn sống, chỉ có
Trump dám đối đầu với Trung Quốc. Nhưng các thực tế đó có thể bị hình
ảnh tiêu cực trong nước làm lu mờ và méo mó. Đó là những khác biệt dễ
nhầm lẫn, cũng như tính cách bất thường, khó đoán của Trump.
Vì vậy, đánh giá về Trump là một việc khó, dễ ngộ nhận và nhầm lẫn. Gần
đây, quan điểm đánh giá về Trump có sự phân hóa theo hướng hơi vũ đoán
(như “thầy bói sờ voi”). Một số người chỉ trích Trump thậm tệ (bất chấp
những thành tích khó phủ nhận), trong khi một số khác khen ông hết lời
(bất chấp những bê bối cũng khó phủ nhận). Không phải chỉ có Trump (hay
Trumpism) có vấn đề, mà cả những người ủng hộ hay phản đối Trump cũng
vậy, vì thế giới này không chỉ có sự thật, mà còn nửa sự thật
(half-truth), hay “hậu sự thật” (post-truth).
Muốn hiểu và lý giải được những biến đổi chính trị đang diễn ra tại Mỹ
và trên thế giới với những ẩn số và biến số khó lường (giống như biến
đổi khí hậu hiện nay), người ta cần đổi mới tư duy và hệ quy chiếu
(paradigm). Nếu muốn hướng tới thế giới công nghệ 4.0 mà vẫn bám giữ vào
hằng số tư tưởng 0.4 của thế giới cũ, người ta sẽ tiếp tục mắc kẹt vào
tư duy nguyên trạng (status quo mindset) của trật tự thế giới cũ (như tù
binh của quá khứ), và lạc trong ma trận của trật tự thế giới mới vẫn
chưa định hình, nên càng dễ ngộ nhận và nhầm lẫn. Không chỉ Mỹ và trật
tự thế giới đang bị đảo điên, mà tư duy con người đang bị khủng hoảng.
NQD. 11/9/2018
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 11-9-18 |