Đoàn tầu Việt Nam
và định vị quốc gia
Nguyễn Quang Dy
Trong bài này, tôi mượn hình tượng “đoàn tàu Việt Nam” để dễ hình dung
và chia sẻ, với những ẩn ức và ám ảnh trong tâm thức người Việt. Đã lâu
tôi không đi tầu, nhưng những kỷ niệm khó quên về tầu hỏa vẫn còn đọng
lại từ thời niên thiếu và thời chiến tranh. Nay tôi ngại đi tầu không
phải chỉ vì nó chạy quá chậm, mà còn vì những ám ảnh trong tâm thức.
Đoàn
tầu Việt Nam đang ở đâu
Mỗi lần nghe bài hát “tầu anh qua núi” tôi lại thấy buồn, tuy bài hát đó
có giai điệu vui. Tôi nhớ có lần (cuối thập niên 1980), đã theo một đoàn
làm phim Úc đi từ Bắc vào Nam để quay phim tài liệu về tầu hỏa. Tôi vẫn
nhớ hình ảnh tuyệt đẹp khi đầu tầu hơi nước hú còi và phun khói trắng
hòa vào mây trời trước khi đoàn tàu trườn mình vượt đèo Hải Vân.
Từ đó đến nay, “đoàn tàu Việt Nam” hầu như không có gì thay đổi. Vẫn là
những đầu tàu cũ kỹ ỳ ạch kéo những chiếc toa cũ kỹ lầm lũi chạy trên
tuyến đường sắt chật hẹp (1,100m). Vẫn là cái barrier chắn đường thời
trước để chặn dòng chảy đường bộ cho “tầu anh qua phố”, làm du khách
nước ngoài ngỡ ngàng thích thú như xem bộ phim “Oriental Express”.
Hình tượng đó vẫn ám ảnh tâm thức về một đất nước giàu đẹp nhưng “không
chịu phát triển”, như hoài niệm về câu truyện cho trẻ em thời trước là
“Mít Đặc và Biết Tuốt” (tại bến “lần sau tầu chạy”). Trong khi “chính
phủ kiến tạo” nói nhiều về công nghệ 4.0, thì hệ tư duy (mindset) và hệ
quy chiếu (paradigm) của người Việt vẫn dừng lại ở ngã ba đường.
Từ cuối thập niên 1990, tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai đã có mấy toa
“tàu Victoria” chủ yếu để phục vụ khách nước ngoài của khách sạn
Victoria ở Sapa. Tại sao họ làm được một đoàn tầu tử tế cho khách hàng
của họ, mà ngành đường sắt Việt Nam sau mấy thập kỷ vẫn chưa làm được
những toa tầu tử tế như vậy cho người Việt mình? Thật là vô lý!
Hơn bốn thập kỷ sau chiến tranh, Việt Nam tuy nhiều tài nguyên, nhưng
khai thác đến cạn kiệt mà vẫn chưa công nghiệp hóa và hiện đại hóa, vẫn
tụt hậu so với nước láng giềng. Bộ GTVT thừa nhận Việt Nam chưa làm được
cao tốc Bắc-Nam, mà “chỉ có Trung Quốc làm được”, bất chấp bài học đau
đớn về dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông.
Ám ảnh về “đoàn tàu Việt Nam” là hệ quả của mấy thập kỷ cải cách kinh tế
thị trường (nhưng què quặt) vì “định hướng XHCN” (đã lỗi thời). Đó là
một thể chế bất cập được duy trì quá lâu làm triệt tiêu các nguồn lực
tích cực dựa trên hệ giá trị cốt lõi của dân tộc, nhưng hậu thuẫn cho
các nguồn lực tiêu cực dựa trên lợi ích nhóm “thân hữu” (cronyism).
Thể chế đó đã sinh ra “một bầy sâu” (theo lời ông Trương Tấn Sang) đang
đua nhau đục khoét và “ăn của dân không từ một cái gì” (theo lời bà
Nguyễn Thị Doan). Chiến dịch chống tham nhũng của TBT-CTN Nguyễn Phú
Trọng tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ, được đa số người dân ủng
hộ, nhưng khó thành công nếu không giải quyết tận gốc.
Cái gốc đó là thể chế (như cái vỏ) đã lỗi thời, kìm hãm sự phát triển
nguồn lực dân tộc (là cái lõi), cản trở dòng chảy của lịch sử. Các quốc
gia hưng thịnh hay suy vong đều do các nguyên nhân nội tại. Sẽ là sai
lầm và bi kịch nếu vẫn cố bám giữ “chủ nghĩa đặc thù” (exceptionalism)
để bào chữa cho sự trì trệ bằng tư duy “tiệm tiến” (gradualism). Sau ba
thập kỷ, động lực đổi mới (vòng một) đã hết đà, phải đổi mới (vòng hai)
trước khi quá muộn.
Tại
sao phải định vị quốc gia
Muốn phát triển, các doanh nghiệp thường phải “định vị” (positioning)
trên thị trường. Các quốc gia cũng phải định vị (hoặc tái định vị) nước
mình, nhất là khi bàn cờ quốc tế biến đổi. Mấy năm qua, trật tự thế giới
đã bị đảo lộn đến chóng mặt và khó lường. Nếu không định vị lại và điều
chỉnh chiến lược, Việt Nam dễ bị mắc kẹt vào thế “lưỡng nan” (Catch 22).
Hãy thử so sánh Việt Nam với nước láng giềng Thái Lan (trong ASEAN). Năm
2012, thu nhập đổ đầu người (per
capita) của Việt Nam là US$ 1.373, bằng Thái Lan năm 1981 (tụt hậu
30 năm). Theo dự đoán của IMF, đến năm 2019,
thu nhập
per capita của Việt Nam sẽ là
US$ 2.473, bằng Thái Lan năm 1985 (tụt hậu 34 năm). Việt Nam đã từng
tuyên bố đến năm 2020 sẽ là một nước công nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa
công nghiệp hóa, năng suất lao động vào loại thấp nhất khu vực.
Hàn Quốc là một nước Đông Á, cũng bị thuộc địa, chiến tranh, và chia cắt
Bắc-Nam, nhưng sau ba thập kỷ (1960-1990) đã vươn lên thành cường quốc.
GDP per capita của Hàn quốc
(năm 1960) là US$ 155, trong khi của Việt Nam (năm 1981) là US$ 251.
Nhưng sau 30 năm, GDP của Hàn Quốc tăng 34 lần, trong khi GDP của Việt
Nam tăng có 4,25 lần (bằng 1/8 Hàn quốc).
Hàn Quốc là một nước độc tài, nhưng để trở thành cường quốc, họ phải
chuyển sang thể chế dân chủ (theo quy luật tất yếu). Tuy cùng vạch xuất
phát tương tự, nhưng Hàn Quốc nay đã giàu mạnh. Việt Nam tuy thống nhất,
nhưng nay vẫn nghèo nàn, tụt hậu. Việt Nam phải trả giá quá đắt cho sự
ngộ nhận và nhầm lẫn, dẫn đến thất bại trong thời hậu chiến.
Trong bốn thập kỷ thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, tuy 95% người dân mù
chữ, nhưng họ đã xây dựng được đường sắt, đường bộ, cầu cống, cảng biển,
sân bay, thành phố Hà Nội và Sài gòn (như “hòn ngọc Viễn Đông”). Nay với
trình độ công nghệ cao hơn gấp nhiều lần, tuy 95% người dân biết chữ,
nhưng hệ thống đường sắt vẫn kém hơn thời Pháp thuộc.
Hệ thống đường bộ, cầu cống, cảng biển, tuy có mở rộng, nhưng cơi nới và
chắp vá. Đường phố Hà Nội nay mấp mô, lồi lõm, đầy “ổ trâu”, như đường
nông thôn. Các nắp cống đủ kiểu lồi lên, tụt xuống thành những cái bẫy
như “thập diện mai phục’. Vỉa hè năm nào cũng bị đào bới lát lại, để
nhóm lợi ích kiếm chác như cái mỏ lộ thiên. Điều đó cứ hồn nhiên lặp đi
lặp lại như chuyện tất nhiên (hay “new normal”). Lạ thay, chẳng thấy ai
chịu trách nhiệm.
Không phải do thiếu kinh phí hay thiếu công nghệ, mà thể chế độc quyền
đã làm cho ngành giao thông công chính và điện/nước trở thành nhóm lợi
ích “không chịu phát triển” và bị phân liệt (dysfunctional). Hình ảnh
những cột điện với các búi dây điện nhằng nhịt như mạng nhện đã làm Bill
Gates ngỡ ngàng, trong khi đường ống nước Sông Đà vỡ tới 21 lần.
Khi đã ngoài 40 tuổi (giai đoạn trưởng thành) người ta thường không nhầm
lẫn nữa. Theo khoa học tổ chức, bốn thập kỷ là quá đủ để mỗi công ty hay
mỗi quốc gia trưởng thành, với ít nhất ba thế hệ kế tục, đủ thời gian
cho các giá trị cốt lõi của dân tộc định hình. Nhưng ngành giáo dục Việt
Nam vẫn đang bê bối với nạn chạy điểm, làm hỏng cả thế hệ trẻ.
Đã hơn bốn thập kỷ sau chiến tranh, Việt Nam vẫn loay hoay tại ngã ba
đường, vẫn chưa hòa giải dân tộc và chưa thoát khỏi cái bẫy ý thức hệ,
nên quốc gia vẫn chưa trưởng thành (vẫn tiếp tục “nation building”).
Theo quy luật tự nhiên (sinh-lão-bệnh-tử), đã đến lúc Việt Nam phải đổi
mới thể chế toàn diện, như khuyến nghị của “Báo cáo Việt Nam 2035”.
Chiến
tranh lồng ghép
Hiện nay, Trung Quốc đang tiến hành một cuộc
“chiến tranh lồng ghép” (hybrid warfare) là khái niệm mới được Bộ Quốc
phòng Mỹ đề cập đến từ năm 2008. Đó là một cuộc chiến tranh không dùng
quân đội và vũ khí, mà sử dụng những biện pháp “phi vũ trang” để triệt
hạ toàn diện các mục tiêu của đối phương. Theo Wikipedia, “Hybrid
warfare” lồng ghép chiến tranh thông thường với những biện pháp không
thông thường khác như chiến tranh mạng (cyberwarfare),
pháp lý (lawfare), tin vịt (fake
news), và can thiệp vào bầu cử, v.v…
Nói cách khác, đó là binh pháp Tôn Tử (không đánh mà thắng) vận dụng
linh hoạt nhiều biện pháp trong “vùng sám” (grey area), để phá hoại
không gian sinh tồn, cơ sở hạ tầng, và làm biến đổi hệ giá trị cốt lõi
của đối phương. Trung Quốc có thể cho vay dài hạn để lũng đoạn kinh tế.
Việt Jet và Bamboo Airways lấy tiền đâu để mua 110 máy bay Boeing?
Việt Nam phải nhập 60% nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Các nhà thầu
Trung Quốc nắm hơn 90% các gói thầu EPC, chiếm 77/106 các dự án lớn
trọng điểm của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã cho Trung Quốc thuê
300.000 Ha rừng đầu nguồn (thời hạn 50 năm) và thuê cảng nước sâu Vũng
Áng cùng Formosa (thời hạn 70 năm).
Hai nhà máy bauxite Tân Rai và Nhân Cơ lỗ hàng trăm tỷ VNĐ/năm,
và gây hiểm họa môi trường miền Trung.
Theo Kiểm toán Nhà nước (2018), dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà
Đông, vốn đầu tư là 8.770 tỷ VNĐ, đã bị đội vốn lên 18.000 tỷ VNĐ (tăng
205%), dự kiến hoàn thành 6/2014 và chính thức khai thác thương mại
6/2015 (nay chậm tiến độ 4 năm). Nếu thu mỗi ngày 100 triệu VNĐ (theo bộ
GTVT) thì phải mất 10.000 năm mới thu hồi được vốn. Theo NHK, đây là “tuyến
đường tai tiếng nhất thế giới” (vừa chậm, vừa xấu, vừa không an toàn).
Nhưng bộ GTVT vẫn muốn Trung Quốc làm đường Cao tốc Bắc-Nam, một dự án
chiến lược quan trọng hơn cả ba đặc khu. Trung Quốc muốn dùng cái bẫy ý
thức hệ để buộc chặt Việt Nam vào cộng đồng “cùng chung vận mệnh” (chính
trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội, giáo dục). Việt Nam có thể bị xô
đẩy vào vòng Bắc thuộc mới (như ông Nguyễn Cơ Thạch đã cảnh báo), vì vậy
phải tỉnh ngộ để thoát khỏi cái vòng kim cô “16 chữ vàng”.
Theo Minxin Pei, trật tự thời “hậu Thiên An Môn” đã chấm dứt từ năm 2012
khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, và từng bước thay đổi những nguyên tắc
mà Đặng Tiểu Bình đã xác lập. Trung Quốc đã tăng cường “chế độ tư bản
nhà nước” (state capitalism), và triển khai các tham vọng địa chính trị
trên toàn cầu, xô đẩy Mỹ và phương Tây phải chống lại họ. (The
Lasting Tragedy of Tiananmen Square, Minxin Pei, Project Syndicate,
May 31, 2019).
Henry Paulson (cựu bộ trưởng tài chính) kêu gọi Trung Quốc và Mỹ thỏa
thuận về “các dự án hữu hình để xây dựng lòng tin”, là điều quan trọng
lúc này. (America
and China must manage their rivalry or risk disaster,
Economist, May 16, 2019). Nhưng David Dollar (Viện Brookings)
cho rằng cách đây không lâu Mỹ và Trung Quốc đa cố gắng làm giảm căng
thằng bằng cách hứa hẹn mở rộng thương mại, “nhưng nay đã quá muộn để
làm việc đó”.
Theo Hal Brands (Johns Hopkins) và Charles Edel (Sydney), siêu cường nào
muốn thắng trong cuộc chiến sắp tới phải hiểu đúng nguyên nhân của nó. (The
Real Origins of the US-China Cold War, Charles Edel & Hal Brands,
Foreign Policy, June 2, 2019). Stephen Walt (Harvard) lập luận rằng chủ
nghĩa dân tộc là động lực mạnh mẽ và lâu dài trong chính trị quốc tế, để
tăng cường năng lực quốc gia, nhưng phải hiểu được giá trị thực sự và
hạn chế tác hại của nó. (You
Can’t Defeat Nationalism, So Stop Trying, Stephen Walt, Foreign
Policy, June 4, 2019).
Thay
lời kết
“Đoàn tầu Việt Nam” đã bị các nhóm lợi ích thân hữu thao túng
(hijacked), chạy theo hướng có lợi cho họ (như câu chuyện AVG, BOT, Đặc
khu Kinh tế, v.v.). Họ tìm cách lũng đoạn chính quyền để tham nhũng
chính sách (là tham nhũng tệ hại nhất), nên đã bẻ ghi cho đoàn tầu Việt
Nam đi chệch hướng khỏi các mục tiêu dân tộc và dân chủ. Về lâu dài,
chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực của các nhóm lợi ích thân hữu là
mục tiêu hàng đầu.
Muốn định vị quốc gia, phải “kiến tạo” và đổi mới “vòng hai”, với khẩu
hiệu “đổi mới hay là chết” (như lúc đổi mới “vòng một”). Để đổi mới
“vòng hai”, phải đổi mới thể chế toàn diện để thoát khỏi cái “vòng kim
cô” về ý thức hệ đã kìm hãm và làm đất nước tụt hậu. Tại đối thoại
Shangri-La (Singapore, 31/5/2019) thái độ cứng rắn của Mỹ và Trung Quốc
làm mấy nước khu vực lo ngại vì 2 xu thế: (1) Mỹ-Trung vừa đánh vừa đàm,
trước mắt rất khó thỏa thuận; (2) Biển Đông và Đài Loan đang trở thành
tiêu điểm của đối đầu Mỹ-Trung.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thực chất là một cuộc chiến tranh
lạnh kiểu mới, như thế cờ vây của Mỹ với Trung Quốc. Đó là một cơ may
lớn cho Việt Nam, vì nó đang làm Trung Quốc suy thoái. Chỉ khi nào Trung
Quốc suy yếu thì Việt Nam mới có cơ hội thoát khỏi ảnh hưởng của họ, để
đối mới và phục hưng quốc gia. Cơ hội đó đã từng bị tuột mất vào năm
1978 và năm 1990, nay hy vọng không để cơ hội đó bị tuột mất lần nữa.
NQD.
6/5/2019
|