Canh bạc cuối của
Putin tại Ukraine
Nguyễn Quang Dy
Sau 25 năm cầm quyền, Putin đã có công dẫn dắt nước Nga trỗi dậy từ đống
tro tàn của Liên Xô cũ, trở thành một siêu cường quân sự, nhưng chưa đủ
mạnh về kinh tế (GDP chỉ bằng 1/6 Trung Quốc). Putin là một nhà “độc tài
kiểu mới”, tham vọng phục hưng “Nước Nga Thần thánh” của
Pierre Đại đế, và mở rộng “khu
vực ảnh hưởng”. Sau khi chiếm được Crimea (2014) Putin định dùng vũ lực
thâu tóm Ukraine, vì thấy Mỹ đang suy yếu và EU bị phân hóa, trong khi
Nga liên kết được với Trung Quốc. Nhưng tham vọng đó đang thất bại.
Một là Nga không có chính danh, trở thành phi nghĩa. Putin tập trung
190.000 quân dọc biên giới Ukraine để hù dọa và bắt chẹt Kiev phải
nhượng bộ là một chuyện, nhưng tấn công xâm lược một nước láng giềng có
chủ quyền lại là chuyện khác. Nga không thể biện minh khi bất chấp luật
pháp và dư luận quốc tế. Putin đã xô đẩy Mỹ và các nước đồng minh EU (kể
cả Đức, Thụy Sỹ, Phần Lan) tập hợp lực lượng chống Nga và bênh vực
Ukraine (tuy chưa vào NATO). Dù có chiếm được Ukraine, Putin sẽ bị lên
án, cô lập và thua.
Hai là Nga đã để mất thế chủ động, trở thành bị động. Tuy quân Nga mạnh
hơn nhiều và tấn công bất ngờ, nhưng sau một tuần vẫn chưa chiếm được
Kiev, và chưa dựng được một chính phủ bù nhìn thân Nga tại đó. Người
Ukrainian dưới sự lãnh đạo của Lezensky đã kháng cự quyết liệt, làm cho
Mỹ và đồng minh phương Tây phải thay đổi thái độ, tập hợp lực lượng và
gia tăng viện trợ vũ khí, ủng hộ Ukraine chống lại Nga mạnh hơn. Việc
Putin phải chấp nhận đàm phán với Lezensky, dù chưa có kết quả, là một
dấu hiệu thất bại.
Ba là Nga đẩy Mỹ và đồng minh liên kết chặt chẽ hơn. Phương Tây đồng
lòng trừng phạt Nga nặng nề, loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.
Không chỉ Mỹ, Anh, Pháp, mà Đức, Thụy Sỹ và Phần Lan cũng thay đổi lập
trường để trừng phạt Nga, bất chấp sự lệ thuộc vào nguồn dầu khí của
Nga. Lần đầu tiên sau Thế chiến, các nước NATO và EU liên kết chặt chẽ
để đối phó với Nga. Sử gia Yuval Harari nói: “những gì diễn ra ở Ukraine
sẽ quyết định chiều hướng của lịch sử nhân loại” (Yuval
Noah Harari argues that what’s at stake in Ukraine is the direction of
human history, Yuval
Harari, Economist, February 9, 2022).
Bốn là liên kết với Trung Quốc chưa phải một đảm bảo vững chắc. Putin và
Tập đã gặp nhau tại Bắc Kinh trong dịp khai mạc Olympic mùa Đông để ra
tuyên bố chung. Việc liên kết với Trung Quốc để răn đe và hù dọa phương
Tây là một chuyện, nhưng xâm lược Ukraine, một nước có chủ quyền, bất
chấp luật pháp quốc tế, là chuyện khác. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Tập
Cận Bình đã hiểu sai ý đồ của Putin và bị bất ngờ khi Nga xâm lược
Ukriane, làm cho Bắc Kinh bị động và mắc kẹt, phải ứng xử hai mặt (như
bỏ phiếu trắng tại LHQ.
Tuy không rõ Tập Cận Bình có biết trước kế hoạch Nga sẽ xâm lược Ukraine
hay không, nhưng có hai điều chắc chắn. Một là Tập mong quân đội Nga
mạnh hơn sẽ nhanh chóng đè bẹp được Ukraine, và hai là Tập hình dung
phản ứng của cộng đồng quốc tế sẽ yếu. Nhưng những gì đang diễn ra trên
chiến trường Ukraine là cơn ác mộng. Người Ukrainian bằng hành động của
mình đã cho Mỹ, Châu Âu, và Châu Á một bài học về khả năng tự vệ. (Putin’s
War Is Xi’s Worst Nightmare, Craig
Singleton, Foreign Policy, March 4, 2022).
Ẩn số
Trung Quốc
Theo giới phân tích, Bắc Kinh ủng hộ Nga xâm lược Ukraine sẽ có hại cho
tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Trong khi phương Tây bị mất thể diện
về ngoại giao và an ninh vì không ngăn cản được Nga tấn công Ukraine,
thì Trung Quốc cũng không thoát được hệ lụy do cuộc chiến. Trong tuyên
bố chung tại Bắc Kinh (4/2/2022) bai bên đã cam kết “hợp tác không có
giới hạn” (No limits and
forbidden zones in cooperation). Tập đã liên kết với Putin để đối
phó với Mỹ và đồng minh, nhưng tưởng Nga chỉ hù dọa chứ không đánh lớn
Theo New York Times, Bắc Kinh đã hiểu sai (misreading) ý đồ và tham vọng
của Putin, nên các tuyên bố của Trung Quốc tỏ ra thiếu nhất quán. Phía
Mỹ đã sáu lần tiếp xúc để chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm với phía
Trung Quốc rằng Nga đang chuẩn bị tấn công Ukraine. Ngoại trưởng Antony
Blinken đã hai lần trực tiếp chia sẻ thông tin tình báo với ngoại trưởng
Vương Nghị, nhưng Bắc Kinh đã coi thường, tưởng Nga sẽ không đánh lớn.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình đã hiểu sai ý đồ của Putin, cho
đến khi quá muộn.
Theo chuyên gia Bonnie Glaser (German Marshall Fund), các quan chức Mỹ
cố chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm với Bắc Kinh, vì không còn lựa
chọn nào khác, hy vọng Tập có thể thuyết phục Putin không đánh Ukraine.
Nhưng đáng tiếc, các quan chức Trung Quốc cho rằng Mỹ định chia rẽ Trung
Quốc với Nga, nên đã chia sẻ thông tin này với Nga. Có lẽ Tập đã tập
trung quyền lực quá lớn như hoàng đế, nên “các trợ lý của ông không dám
thông báo tin tức và phân tích trái ngược với chủ trương, sợ làm Tập bực
mình”. (Xi misreads Putin's
Ukraine gambit despite access to U.S. intel, Hiroyuki Akita, Nikkei,
March 1, 2022).
Nay Trung Quốc buộc phải xem xét lại lập trường của mình, trước “hệ quả
không định trước” tại Ukraine, với diễn biến và tổn thất của Nga tại
chiến trường. Nga đã thất bại trong việc “đánh nhanh thắng nhanh”, nên
buộc phải kéo dài cuộc chiến. Trong cuộc điện đàm (2/2/2022) với Putin,
Tập đã đề nghị Putin đàm phán với Ukraine về một giải pháp cho cuộc
chiến, và tôn trọng chủ quyền của Ukraine. Thế giới đang chờ xem liệu
Trung Quốc có thể kiềm chế được Nga và đóng góp cho một giải pháp ngừng
bắn công bằng hay không.
Giới phân tích cho rằng, nếu Trung Quốc quá gần gũi Nga vào lúc hệ trọng
này, thì uy tín và lợi ích toàn cầu của Trung Quốc bị tổn thất, vì hai
lý do. Một là mục tiêu thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới vào năm 2050 phải
lùi lại vô thời hạn. Hai là Trung Quốc có thể bị lên án vì liên kết chặt
chẽ với Nga. Phong trào phản đối Nga xâm lược Ukraine ngày càng mạnh
trên thế giới và trong nước. 370 nhà khoa học và nhà báo Nga đã ký tên
vào thư ngỏ phản đối chiến tranh. 163 nhà khoa học được giải Nobel đã ký
tên vào thư ngỏ phản đối.
Theo giáo sư Bernard Cole (National War College), “một bất ngờ lớn đối
với Nga, và bài học lớn cho Trung Quốc, là người dân Ukrainian sẵn sàng
chiến đấu đến cùng”. Kinh nghiệm tại Ukraine cho thấy phương Tây có thể
tập hợp nhanh một khối liên minh toàn cầu để đánh vào kinh tế của kẻ xâm
lược. Giới phân tích cho rằng so với nền kinh tế của Nga (GDP chỉ bằng
1/6 của Trung Quốc) thì nền kinh tế của Trung Quốc lớn hơn nhiều và đa
dạng hơn so với Nga, nên có thể chịu được sự trừng phạt kinh tế một cách
tốt hơn. Theo Jude Blanchette (CSIS) “nâng cấp đối tác với Nga trước cuộc xâm lược Ukraine là một sai lầm về ngoại giao của Tập Cận Bình” với cái giá mà Trung Quốc phải trả, bộc lộ giới hạn về chính sách của Tập. Theo Kurt Campbell (NSC coordinator for Indo-Pacific) “Lúc này, không thể phủ nhận là Trung Quốc ở vào thế khó xử khi họ cố duy trì quan hệ sâu sắc và cơ bản với Nga”. Mỹ đã hy vọng Trung Quốc có vai trò quan trọng để khuyên Putin nghĩ lại và không xâm lược Ukraine, nhưng họ đã không muốn làm như vậy.
Nói cách khác, những bài học kinh nghiệm về Ukraine là một cảnh báo đúng lúc đối với lãnh đạo Bắc Kinh về các kịch bản cho vấn đề Đài Loan. Đó là một cơ hội tốt để Trung Quốc điều chỉnh ý đồ xâm lược Đài Loan. Trung Quốc có thể đánh giá thấp Đài Loan. Giới quan sát cho rằng Trung quốc có thể hù dọa Đài Loan, nhưng nên nhân nhượng đừng đánh Đài Loan, để tránh khiêu khích người Đài Loan chống Trung Quốc. Tại Châu Á, eo biển Đài Loan là điểm dễ xảy ra xung đột (flashpoint) như thùng thuốc súng (tinderbox).
Lập trường của Trung Quốc thay đổi nhanh, chứng tỏ họ tìm cách phải nói
thế nào trước việc Nga xâm lược Ukraine. Trong cuộc điện đàm giữa ngoại
trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba,
Trung Quốc sẵn sàng làm trung gian hòa giải ngừng bắn ở Ukraine. Các nhà
hoạch định chính sách Trung Quốc phải xem lại lập trường của mình. Trung
Quốc ủng hộ Nga không phải là “không giới hạn”, mà bị Putin “bịt mắt”.
Chắc Trung Quốc phải nhận ra mục tiêu thống nhất Đài Loan khó có
thể diễn ra như họ tưởng. Trong khi đó, quan hệ Trung-Xô không phải là
“không giới hạn” mà là “đồng sàng dị mộng”. (Could
the Ukraine war save Taiwan? Rana Mitter, Spectaror, March 5,
2022).
Theo Francis Fukuyama (tác giả “the
End of History”), Putin muốn phục hưng “Nước Nga và Liên Xô vĩ đại”.
Nhưng Putin mắc sai lầm lớn và thất bại vì không khuất phục được
Ukraine. Nếu có một cuộc chiến tranh lạnh mới, phải để ý đến Trung Quốc.
Về lâu dài, Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn. Nếu không trừng phạt Nga
xâm lược Ukraine thì sẽ bất lợi cho Đài Loan. Trung Quốc sẽ theo dõi
chặt chẽ để điều chỉnh hành động. Nếu Nga bị sa lầy và tổn thương lớn,
thì Trung Quốc sẽ phải thận trọng hơn với Đài Loan. (Vladimir
Putin will fail at subduing Ukraine, Mikio Sugenno, Nikkei Asia
Review, March 1, 2022).
Các
nước khu vực
Trước mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc, các nước chủ chốt ở khu
vực Châu Á (như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Việt Nam và
ASEAN) đang tăng cường ngân sách quốc phòng trong cuộc chạy đua vũ trang
mới. Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã
cảnh báo: “môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang thay đổi với mức
độ chưa từng thấy... Trung Quốc tiếp tục đơn phương thay đổi nguyên
trạng”... (Asia's arms race:
China spurs military spending spree, Andrew Sharp, Nikkei, February
23, 2022).
Indonesia đã ký hợp đồng (2/2022) mua 6 máy bay Rafale của Pháp trong
tổng số 36 chiếc, và đã được Mỹ chấp thuận cho mua máy bay F-15. Gần
đây, Philippines đã hoàn tất thủ tục mua tên lửa siêu thanh BrahMos của
Ấn Độ. Việt Nam cũng từng bước tăng cường năng lực hàng hải. Úc là thành
viên của QUAD đã tham gia AUKUS (9/2021) cùng với Anh và Mỹ. Bộ trưởng
quốc phòng Úc Peter Dutton phát biểu (2/2022): “Úc và đồng minh sẽ để
mất một thập kỷ tới nếu không dám đứng lên chống lại Bắc Kinh ở Biển
Đông”.
Theo Hugh White (Đại học ANU), Mỹ không làm được như đã cam kết để đối
phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là về sức mạnh hải quân. Mỹ
nói nhiều về việc đối phó với Trung Quốc, từ thời Tổng thống Obama cách
đây hơn một thập kỷ, khi Mỹ xoay trục sang châu Á. “Nhưng chúng ta vẫn
chưa thấy có sự điều chỉnh cơ bản nào về tư thế quân sự của Mỹ ở châu
Á.” (no reorientation of
America's military posture in Asia).
Nga xâm lược Ukraine làm Việt Nam bất ngờ. Chưa biết Việt Nam sẽ làm thế
nào với chính sách ngoại giao đa phương mà họ theo đuổi, để thoát khỏi
khủng hoảng này. Những hệ lụy của khủng hoảng Ukraine có thể đem lại một
trật tự thế giới mới khó lường, bất lợi cho các nước vừa và nhỏ như Việt
Nam. Với Việt Nam, môi trường quốc tế hòa bình và ổn định đã giúp đất
nước hội nhập quốc tế sâu hơn, do đó có lợi từ đa phương hóa.
Theo Hương Le Thu (ASPI) thật thất vọng trước
thái độ im lặng của ASEAN khi Nga xâm lược Ukraine và tuyên bố chung của
các ngoại trưởng ASEAN chỉ kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Cố gắng
khách quan trước việc một nước ném bom thường dân không vũ trang của một
nước khác không thể biện minh cho nguyên tắc trung lập, mà là đánh lận
trắng đen. Lập trường của Singapore cho thấy hành động cứng rắn sẽ thúc
đẩy lợi ích dân tộc. Trong khi đó ASEAN muốn đối xử công bằng với cả hai
bên, không phải là trung lập mà có nguy cơ bị vô hiệu hóa vĩnh viễn
trong một trật tự thế giới đang thay đổi quá nhanh. (ASEAN
needs to uphold principles, not neutrality, in Ukraine war, Huong Le
Thu, Nikkei, March 2, 2022).
Các
biến số mới Theo sử gia Yuval
Harari, tuy “Putin có thể thắng nhiều trận đánh, nhưng sẽ thua cuộc
chiến tranh”. Putin độc
tài, nói dối đến mức hắn cũng tin như vậy: rằng Ukraine không phải là
một quốc gia thật sự và người Ukrainian không phải là một dân tộc. Putin
đã chơi một canh bạc đầy mạo hiểm, không tính tới một ẩn số lớn: chiếm
một đất nước thì dễ, nhưng giữ được nó rất khó.
Người Ukrainian đứng lên chống xâm lược với lòng quả cảm làm thế
giới khâm phục. “Không phải Gorbachev mà Putin sẽ ký giấy báo tử cho đế
quốc Nga”. (Why
Vladimir Putin has already lost this war,
Yuval
Harari, Guardian, February 27, 2022).
Nếu người Ukrainian dám tay không cản xe tăng
Nga, chính phủ Đức dám cung cấp vũ khí chống tăng cho họ, chính phủ Mỹ
dám loại Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, và người Nga dám
đứng lên phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa. Lòng quả cảm của
người Ukraine đã truyền cảm hứng. Harari nói “Cuộc chiến tại Ukraine sẽ
định hình tương lai của toàn thế giới. Nếu để độc tài xâm lược thắng,
thì tất cả chúng ta sẽ nhận lấy hậu quả. Không có lý do gì để đứng ngoài
quan sát. Đây là thời điểm đứng lên để dấn thân”.
Putin đại diện cho thế hệ “độc tài mới” mà đầu óc người phương Tây không
thể hiểu. Lòng tin rằng chủ nghĩa tự do cuối cùng sẽ thắng là một ảo
tưởng. Châu Âu phải bỏ lòng tin đó nếu muốn thắng cuộc chiến với Putin.
Trong thế giới của Putin, chiến tranh là một phần bất biến trong xã hội
loài người. Phương Tây ngạc nhiên khi Putin viện “giá trị tinh thần của
nước Nga” để biện minh cho xâm lược Ukraine nhằm phục hưng “Nước Nga
Thần thánh” (Holy Russia).
Trong khi nhiều người coi lòng tin đó là một thủ đoạn, thì người khác
coi canh bạc đó là điên rồ (insanity).
Phương Tây tin rằng cuộc chiến
Ukraine sẽ phản tác dụng.
Putin có thể nắm trong tay vận mệnh của châu Âu làm con tin. Nhưng sẽ
sai lầm nếu quá đề cao Putin như trung tâm của mọi mối lo hay ẩn số của
thời đại. Thắng lợi của chủ nghĩa tự do là một ảo tưởng. Trật tự dựa
trên ý tưởng tự do đã kết thúc. Sự chuyển đổi của kỷ nguyên mới mà Tony
Blair đề cập, không diễn ra. Thời đại của giả dối và ảo tưởng đã hết.
Alexis de Tocqueville đã viết vào thế kỷ 19: “thời kỳ nguy hiểm nhất cho
một chính phủ tồi là khi nó cải cách”. (The
new age of disorder,
John
Gray, New Statesman, March 2, 2022).
Cuộc xâm lược Ukraine lần thứ hai trong vòng tám năm qua được phương Tây
coi là một quyết định điên rồ. Đó là canh bạc cuối của một nhà độc tài
đã cầm quyền 25 năm, nay tính khí ngày càng thất thường. Kết cục của
cuộc chiến có thể là một thảm họa cho nước Nga, làm các nước phương Tây
gắn kết chặt chẽ hơn, theo cách chưa từng có trong nhiều thập niên. Hành
động xâm lược của Putin sẽ phản tác dụng, làm cho Nga trở thành một quốc
gia tội đồ, đứng về phía phản diện trong lịch sử. Các nước phương Tây
đang cung cấp vũ khí và đạn dược như súng chống tăng và chống máy bay,
và dụng cụ y tế cho Ukraine.
Một số lãnh đạo vốn có cảm tình với Putin như Victor Orbán của Hungary,
đã đứng về phía chống lại Putin. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố
một số biện pháp bao gồm tăng cường kinh phí quốc phòng và tăng cường dự
trữ nhiên liệu, được dư luận đánh giá cao như một bước ngoặt trong chính
sách đối ngoại của Đức. Ngay các nước khác như Thụy Sỹ và Phần lan cũng
đã thay đổi lập trường trung lập của họ. Không phải chỉ có Ấn Độ và Ả
Rập Thống Nhất mà cả Trung Quốc cũng đã bỏ phiếu trắng ở Liên Hiệp Quốc
đang lên án Nga xâm lược Ukraine, được dư luận hoan nghênh như một thắng
lợi của phương Tây.
Sau một tuần xâm lược Ukraine từ ba hướng, Nga vẫn chưa chiếm được Kiev
và chưa dựng được một chính phủ mới thân Nga, chứng tỏ Putin không thành
công như kế hoạch. Nhân dân Ukrainian có thể tiến hành một cuộc chiến
tranh du kích quyết liệt trong nhiều năm. Các nhà phân tích phương Tây
cũng không nghĩ cuộc chiến lại diễn ra như vậy. Họ tưởng Ukraine sẽ sụp
đổ và quân đội Nga sẽ tiến vào Kiev. Không phải Putin cai trị nước Nga
với quyền lực như Nga Hoàng, mà quyền lực của Putin cũng phải trả giá và
dễ đổ vỡ.
Nếu xâm lược Ukraine bị bế tắc, có khả năng giới tài phiệt Nga lo sợ
xung đột kéo dài tốn kém sẽ nhân cơ hội này đảo chính. Hàng ngàn người
Nga đã bị bắt vì xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh. Mấy trăm
nhà khoa học và nhà báo Nga đã ký tên vào thư ngỏ phản đối cuộc chiến
tranh phi nghĩa. Putin đã không thể “làm cho nước Nga vĩ đại”, mà ngược
lại đang đưa nước Nga vĩ đại đến bờ vực nguy hiểm. Phương Tây trừng phạt
và cô lập Nga cũng sẽ làm cho thị trường thế giới nhanh suy xụp và đảo
ngược toàn cầu hóa. Cuối tuần trước, Mỹ,
Anh và EU cùng các nước khác đã loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán
quốc tế SWIFT. Tuy chưa biết chi tiết và hệ lụy của nó, nhưng quyết định
này có ý nghĩa quan trọng vì nó chứng tỏ phương Tây đồng thuận trừng
phạt Nga bằng cách tách Nga ra khỏi cộng đồng quốc tế. Trong khi cuộc
chiến về quân sự đang diễn ra ngoài mặt trận, thì cuộc chiến về kinh tế
cũng bắt đầu được khởi động. Việc đóng băng các tài khoản của Ngân hàng
Trung ương Nga đẩy xung đột tới trung tâm hệ thống tài chính quốc tế.
Các kịch bản mới
Theo nhà báo Tom Friedman (NYT), có ba kịch bản kết thúc chiến tranh
Ukraine, xung đột nguy hiểm nhất thế giới từ sau khủng hoảng tên lửa
Cuba. Đó là: “thảm họa lớn” (full-blown
disaster); “thỏa hiệp bẩn thỉu” (dirty
compromise); và “cứu vãn” (salvation).
Thật đáng sợ nếu Putin chưa nghĩ đến cách kết thúc chiến tranh thế nào.
(I
See Three Scenarios for How This War Ends,
Thomas Friedman, New York Times, March 1, 2022).
Friedman cho rằng (1) Kịch bản “thảm họa” đang diễn ra. Nếu Putin không
dừng lại thì thế giới đang “đến gần cổng địa ngục”, vì Putin tuyệt vọng
có thể làm liều. (2) “Kịch bản thỏa hiệp” để ngừng bắn, cho Nga rút
quân, sát nhập hai tỉnh phía Đông, đổi lại Ukraine cam kết không vào
NATO, và phương Tây dỡ bỏ cấm vận. (3) “Kịch bản phế truất Putin” ít khả
năng, nhưng có thể hình dung các sỹ quan cao cấp sẽ họp kín để bàn về
việc này.
Theo Paul Poast (Đại học Chicago)
có
bốn kịch bản kết thúc chiến tranh ở Ukraine. Đó là:
(1) Nga bị sa lầy tại Ukraine; (2) Thay đổi chế độ tại Kiev (Nga
áp đặt); (3) Nga chiếm toàn bộ Ukraine (State
Death); (4) Đế quốc Nga thắng thế (imperial
overreach). Nếu Nga liều lĩnh tấn công một nước NATO (như Ba Lan),
sẽ kích hoạt “Điều 5” (tấn công một nước NATO là tấn công tất cả NATO),
Mỹ và các nước NATO khác sẽ bảo vệ đồng minh. (How
the Crisis in Ukraine May End, Derek Thompson, Atlantic,
February 27, 2022).
Để so sánh một cách dễ hiểu về tình thế của Nga, hãy nhớ lại sự kiện
“Trân Châu Cảng” (Pearl Harbor, 1941). Lúc đó Mỹ và đồng minh bao vây
cấm vận đã dồn Nhật vào tình thế tuyệt vọng (desperation), nên Nhật phải
chơi bài liều vì không còn đủ nguồn lực cho chiến tranh lâu dài. Liệu Mỹ
và đồng minh trừng phạt Nga có dồn Putin vào tình thế tuyệt vọng phải
chơi bài liều như Pearl Harbor? Theo Paul Poast, Chính quyền Biden đã có
quyết định đúng hướng khi điều quân đến Ba Lan và các nước Baltic để
phòng xa (kịch bản 4).
Các quyết định của Nga cho thấy Putin có dấu hiệu bất bình thường.
Theo Moisés Naím (tác giả “the
End of Power”), một thế hệ lãnh đạo mới nguy hiểm đang trỗi dậy trên
thế giới, gồm những nhà “độc tài mới” theo chủ nghĩa dân túy (như Donald
Trump hay Vladimir Putin). Họ tuyên truyền những điều dối trá mà nay
đang trở thành đức tin của những người mù quáng. Họ quảng bá về mình như
thần tượng của nhân dân, đấu tranh chống tham nhũng. Họ tập trung quyền
lực vào tay mình, tấn công các thể chế đã duy trì nền dân chủ, tuyên
chiến với báo chí, và bãi bỏ các luật lệ hạn chế quyền lực của họ.
(The
Dictator’s New Playbook: Why Democracy Is Losing the Fight,
Moisés Naím, Foreign Affairs, March/April
2022).
Nếu con số thương vong tại Ukraine là chính xác, thì Nga (và Ukraine) đã
mất hàng nghìn người. Trong các cuộc chiến tranh được khảo sát, nếu
thương vong 50 người/ngày còn chấp nhận được. Nhưng thương vong vượt quá
1,000 người, thì đó là một cuộc chiến khốc liệt. Với Nga, đó còn là nỗi
hổ thẹn lớn về tinh thần và thảm họa về kinh tế, có thể làm cho Putin
tuyệt vọng vì không còn lựa chọn nào khác, phải chơi bài liều (gambling
for resurrection). Otto von
Bismarck gọi đó là “tự sát vì sợ chết” (suicide
for fear of death).
Tham
khảo
1. Yuval Noah Harari argues that
what’s at stake in Ukraine is the direction of human history,
Yuval Harari, Economist, February 9, 2022
2. Asia's arms race: China spurs
military spending spree, Andrew Sharp, Nikkei, February 23, 2022
3. Why
Vladimir Putin has already lost this war,
Yuval
Harari, Guardian, February 27, 2022
4.
How
the Crisis in Ukraine May End,
Derek
Thompson, Atlantic, February 27, 2022
5. Xi misreads Putin's Ukraine
gambit despite access to U.S. intel, Hiroyuki Akita, Nikkei, March
1, 2022
6. Vladimir Putin will fail at
subduing Ukraine, Mikio Sugenno, Nikkei, March 1, 2022
7.
I See Three Scenarios for How This War Ends,
Thomas Friedman, New York Times,
March 1, 2022
8.
The new age of disorder,
John Gray,
New Statesman, March 2, 2022
9.
ASEAN needs to uphold principles, not
neutrality, in Ukraine war, Huong
Le Thu, Nikkei, March 2, 2022
10. Putin’s War Is Xi’s Worst
Nightmare, Craig Singleton, Foreign Policy, March 4, 2022)
11.
Could the Ukraine war save Taiwan?
Rana Mitter, Spectaror, March 5, 2022
12.
The Dictator’s New Playbook: Why Democracy Is
Losing the Fight, Moisés Naím,
Foreign Affairs, March/April 2022
NQD. 5/3/2022
|