Gót chân Asin của Trung Quốc đã lộ rõ
Nguyễn Quang Dy
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung (đang leo thang) đã làm thị trường
chứng khoán Trung Quốc xuống dốc, đồng NDT mất giá, xuất khẩu giảm sút,
kinh tế phát triển chậm lại. Bên cạnh những hệ quả nhãn tiền đó, Trung
Quốc đang bộc lộ “gót chân Asin” (Achilles’ Heel), như một tiếng chuông
cảnh báo làm người Trung Quốc giật mình tỉnh ngộ. Tôi tin rằng nếu Trung
Quốc bị suy sụp thì không phải từ bên ngoài như Biển Đông, là nơi họ có
lợi thế so sánh tương đối, mà chính từ bên trong nơi họ dễ bị tổn thương
vì “gót chân Asin”.
Gót chân Asin
Cách đây hơn hai năm, khi tôi viết bài “Gót chân Asin của Trung Quốc: Cơ
hội thoát Trung” (Viet-studies, 12/2/2016) và bài “Nghịch lý Tập Cận
Bình: Dr Jekyll or Mr Hyde” (Viet-studies, 17/5/2016), chưa ai hình dung
được kết cục thế này. Tuy vẫn còn quá sớm để đánh giá và kết luận về
cuộc chiến tranh thương mại (chưa có điểm dừng) nhưng sẽ quá muộn nếu
không kịp thời rút ra bài học, để có đối sách thoát hiểm (trước khi quá
muộn). Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để điều chỉnh chiến lược, đổi mới
thể chế, và thoát Trung.
Trong các bài phân tích trước đây, tôi đã đề cập đến cảnh báo của các
học giả hàng đầu về Trung Quốc (như Paul Krugman, David Shambaugh,
Minxin Pei, Andrew Nathan). Về cơ bản, họ
đều cho rằng Trung Quốc có nhiều vấn đề nghiêm trọng, và không mạnh như
người ta tưởng. Trung Quốc có dấu hiệu sắp đổ vỡ, nhưng chưa biết khi
nào. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là một bước ngoặt mới, làm bộc lộ
“gót chân A-sin” như mở cái “hộp Pandora”, với những tử huyệt mà trước
đây người ta mới đồn đoán, nhưng nay thành sự thật.
Cách đây 5 năm, Paul Krugman (môt chuyên gia kinh tế hàng đầu, được giải
Nobel) đã nhận định rằng “Trung Quốc đang có vấn đề lớn” (China is in
big trouble) vì mô hình phát triển của họ đã kịch đường, đang đụng phải
bức tường lớn. Vấn đề chưa biết rõ là bao giờ Trung Quốc sẽ suy sụp. (Hitting
China’s Wall, Paul Krugman, NYT, July 18, 2013).
Cách đây 3 năm, David Shambaugh (một học giả hàng đầu về Trung Quốc)
cũng nhận định tương tự: “Trung Quốc sắp đổ vỡ” (crack
up). Theo Shambaugh, “màn chót của Trung Quốc đã điểm, các biện
pháp cứng rắn của Tập Cận Bình chỉ làm Trung Quốc tiến gần hơn đến chỗ
đổ vỡ (breaking point). (The
Coming Chinese Crackup,
WSJ, March 6, 2015).
Gần đây, trong một bài phân tích mới, Minxin Pei (một chuyên gia hàng
đầu về Trung Quôc) cũng nhận định rằng
chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang làm Trung Quốc bộc lộ các mặt yếu
kém như “một người khổng lồ chân bằng đất sét” (as a giant with feet of
clay). (China’s
Summer of Discontent,
Minxin Pei, Project Syndicate, August 2, 2018).
Biết mình biết người
Trong binh pháp, Tôn Tử từng răn “biết mình biết người, trăm trận trăm
thắng”. Nhưng những gì vừa diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm bộc lộ
một thực tế khó phủ nhận là Bắc Kinh không biết mình biết người. Hay nói
cách khác đó là “ngộ nhận chiến lược”. Bắc Kinh đã đánh giá thấp Trump,
tưởng ông là “tổng thống con buôn” (dealer) nên chắc chỉ dọa già để đàm
phán, chứ không dám đánh thuế thật. Vì vậy, khi Trump tuyên chiến và ra
đòn quyết liệt, Bắc Kinh đã bị bất ngờ (caught off guard) và đối phó bị
động và lúng túng.
Gần đây, khi các chuyên gia của Stratfor (một tổ chức nghiên cứu chiến
lược) đến Trung Quốc, họ cảm thấy có sự bất ổn (uncertainty). Người
Trung Quốc không còn nhắc đến “Made-in-China 2025” như trước, như có một
cuộc “rút lui chiến lược” (tuy đã quá muộn). Cuộc chiến thương mại với
Mỹ làm Bắc Kinh đau đầu, và nổ ra tranh luận về chính sách (đã bộc lộ
sai lầm), về vị thế của Tập Cận Bình (đang bị nội bộ chỉ trích), về vai
trò và tương lại của các cố vấn chủ chốt liên quan đến Mỹ, như Vương Kỳ
Sơn (Wang
Qishan)
phó chủ tịch nước, là cánh tay phải của Tập, và Lưu Hạc (Liu
He)
phó thủ tướng, phụ trách đàm phán với Mỹ. Nếu Trung Quốc bị thất thế và
thua cuộc thì sự nghiệp chính trị của họ cũng bị tổn thương.
Nay Tập Cận Bình nắm quyền lực tuyệt đối, như “Chủ tịch Mọi thứ”
(Chairman of Everything) hay “Hoàng đế Đỏ” (Red Emperor). Xung quanh Tập
không thiếu người tài, nhưng thể chế độc tài và tệ “sùng bái cá nhân”
đang làm thui chột sáng tạo và vô hiệu hóa tài năng, vì vua không chịu
lắng nghe, hoặc các quan không dám nói thật. Đó chính là nghịch lý Tập
Cận Bình và “gót chân Asin” của Trung Quốc (và một số nước khác). Muốn
khắc phục vấn nạn đó, phải thay đổi thể chế, vì chỉ thay người (như thay
áo) sẽ không giải quyết được vấn đề. Einstein đã từng nói: “không thể
giải quyết được vấn đề bằng chính tư duy đã tạo ra nó”.
Trung Quốc đã đi quá xa với tham vọng bành trướng ra toàn cầu để thách
thức Mỹ. Tuy đã quá muộn để quay lại theo lời răn của Đặng Tiểu Bình là
“dấu mình chờ thời”, nhưng “muộn còn hơn không”. Lúc này, dù Tập Cận
Bình vẫn có thể tránh né được chỉ trích trực tiếp, nhưng chắc không
tránh né được mãi. Các quyết định của Tập ẩn tàng rủi ro, vì ngộ nhận
hoặc do “hệ quả không định trước” (unintended consequences), đang làm
suy yếu quyền lực. Các quyết sách của Tập về kinh tế, đối ngoại, và quân
sự đang chịu sức ép lớn của dư luận trong và ngoài nước, vì những ngộ
nhận và nghịch lý đang làm Trung Quốc dễ bị tổn thương.
Trong khi chính quyền Trump điều chỉnh chiến lược để ngăn chặn Trung
Quốc trỗi dậy thách thức Mỹ, Bắc Kinh vẫn ngộ nhận và coi thường (như
dưới thời Obama). Vì vậy, khi Trump chuyển sang tấn công, Bắc Kinh đã sa
vào thế bị động và thiếu chuẩn bị để đối phó. Trong khi Bắc Kinh đang
tái cấu trúc nền kinh tế (để giảm núi nợ khổng lồ) nên dễ bị tổn thương
như “rắn đang lột xác”, bộ máy tuyên truyền vẫn hùng hổ thách thức Mỹ.
Nếu chiến tranh thương mại leo thang (như dự báo), Trung Quốc chắc càng
bất ổn về kinh tế, và Tập càng bị thách thức nhiều hơn về chính trị. Nay
dù Bắc Kinh có muốn xuống thang hay “rút lui chiến lược” cũng khó vì họ
đã đi quá xa. (Xi
Jinping’s Path for China, Stratfor, August 10, 2018).
Cao Biền dậy non
Trong bối cảnh Lưu Hạc thất bại (6/2018) không ngăn được Mỹ quyết định
đánh thuế 34 tỷ USD, nhiều người kỳ vọng Vương Kỳ Sơn sẽ vào cuộc như
“người chữa cháy số một” (fire fighter in chief). Tuy chưa rõ Vương Kỳ
Sơn thực sự không dính líu sâu vào quan hệ với Mỹ, hay ông cố tránh xa
quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi, nhưng chắc Vương không tham gia vào lúc
này vì Mỹ tiếp tục đánh thuế cao hơn, ông sợ
bị mất mặt. Nếu Lưu Hạc đã bị
bỏng bởi đám cháy, Vương Kỳ Sơn có thể bị bỏng còn nặng hơn. Tuy Vương
không tham gia lúc này là “dấu hiệu xấu trong quan hệ Mỹ-Trung”, nhưng
ông có thể là lá bài chiến lược để dành (cho nước cờ cuối). Đến nay, Bắc
Kinh vẫn chưa thực sự biết Washington muốn gì, vì các quan chức Mỹ tham
gia đàm phán chia rẽ sâu sắc, nên không có tiếng nói chung (reneging on
one’s words). (China-US trade
war: Vice-President Wang Qishan ‘the firefighter’ might not be sent to
front line, Shi Jiangtao, South China Morning Post, August 22,
2018).
Nhưng Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) lại là câu chuyện khác. Ông được coi
là “quốc sư” vì phục vụ ba đời Tổng Bí Thư, là bộ óc đằng sau các chủ
thuyết qua từng giai đoạn: Giang Trach Dân với thuyết “Ba Đại diện”, Hồ
Cẩm Đào với thuyết “Xã hội Khá giả”, và Tập Cận Bình với thuyết “Giấc
mộng Trung Hoa”. Tại Đại hội 19, Vương được Tập đưa vào thường vụ Bộ
Chính Trị, phụ trách tuyên truyền (thay Lưu Vân Sơn). Mô hình chuyên chế
có sức sống (authoritarian resilience) đã phát huy hiệu quả (sau Thiên
An Môn). Nhưng khi mô hình “chuyên chế tập thể”
biến thành “chuyên chế cá nhân”,
khoác cái áo tư bản nhà nước với “đặc sắc Trung Quốc”, nó đã bộc lộ “gót
chân Asin” khi bị Mỹ tấn công. Gần đây, Vương không xuất hiện, làm dấy
lên tin đồn là Vương đã thất sủng vì chủ trương tuyên truyền phản tác
dụng.
Thời xưa, Tào Tháo đã để lại một câu nổi tiếng: “ta thà phụ người còn
hơn để người phụ ta”. Thời nay, Đặng Tiểu Bình cũng quyền biến không
kém, khi trở mặt thí Triệu Tử Dương (là đệ tử của mình chủ trương cải
cách ôn hòa) và ủng hộ phe cực đoan xuống tay đàn áp đẫm máu sinh viên
tại quảng trường Thiên An Môn. Tuy buộc phải nhúng tay vào chàm để giữ
quyền lực, nhưng Đặng có lý khi để lại mấy lời răn nổi tiếng: “dấu mình
chờ thời”, “quyết không đi đầu”, “lãnh đạo tập thể” và “mèo trắng mèo
đen miễn là bắt được chuột”.
Nhưng đáng tiếc là Tập Cận Bình đã làm ngược lại các lời răn của Đặng
Tiểu Bình, vì chủ quan tin rằng đã đến lúc Trung Quốc không cần giấu
mình, sẵn sàng đi đầu, tập trung quyền lực tuyệt đối để trở thành độc
tài và “sùng bái cá nhân” như thời Mao Trạch Đông. Sau Đại hội 19, Tập
còn thay đổi hiến pháp để lãnh đạo suốt đời (như một hoàng đế Trung
Hoa). Đó là một nghịch lý, không chứng tỏ sức mạnh mà là điểm yếu như
“Cao Biền dậy non”. Đây là
một cuộc cách mạng lộn ngược trở về quá khứ (chẳng khác gì cách mạng Hồi
giáo Iran).
Cục diện tứ giác thương mại quốc tế Mỹ-Trung-Nhật-EU bắt đầu suy sụp với
tiếng chuông báo động của WTO, mở ra một giai đoạn mới của trật tự kinh
tế quốc tế, trong đó Trung Quốc đang bị các cường quốc khác cô lập. Lý
Khắc Cường đã đề nghị hợp tác với EU để chống lại Mỹ, nhưng đã bị EU từ
chối. Trong khoảng hai tháng qua, đồng tiền NDT đã liên tục mất giá
trong khi đồng USD vẫn đang mạnh lên. Nhưng điều làm cho Bắc Kinh lo
ngại nhất là các doanh nghiệp nước ngoài sẽ rút vốn ồ ạt ra khỏi Trung
Quốc, làm cho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh. Trong
hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối hiện nay, dự trữ ngoại hối khả dụng
không đến 50%, trong khi nợ nước ngoài khoảng 1.800 tỷ USD.
Lợi bất cập hại
Lãnh đạo Trung Quốc đã chủ quan tưởng rằng họ có thể thắng cuộc khi đối
đầu thương mại với Mỹ (trade standoff). Bắc Kinh tưởng Washington sẽ bị
mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại vì chịu sức ép của cử tri Mỹ đang bị
thua thiệt do thương mại bị đình đốn. Trên thực tế, Bắc Kinh dễ bị tổn
thương hơn, vì họ cần duy trì tăng trưởng kinh tế để có chính danh quyền
lực, và luôn bị ám ảnh bởi bất ổn xã hội. Trong khi Bắc Kinh tăng cường
bịt miệng những người bất đồng chính kiến, thì họ cũng bịt luôn những
“thông tin trái chiều” (nhưng là sự thật cần biết). Việc Tập nắm quyền
lãnh đạo độc tôn đã gây trở ngại cho việc hoạch định chính sách hiệu quả
khi các quan chức không dám nói thật, đùn đẩy trách nhiệm ra quyết sách
cho lãnh đạo, và thi hành mệnh lệnh một cách thụ động và máy móc (dù hệ
quả tốt hay xấu).
Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang (như dự báo) sẽ dẫn đến
những hệ quả khôn lường. Lòng tin của dân chúng vào nền kinh tế sẽ bị
suy sụp, làm cho đất nước đứng trước các thách thức mới còn nghiêm trọng
hơn nhiều so với xuất khẩu bị giảm sút. Theo quy luật, chiến tranh
thương mại thường kéo theo chiến tranh tiền tệ. Lúc đó, không chỉ đồng
tiền NDT sẽ tiếp tục phá giá, dẫn đến suy thoái, mà dòng vốn sẽ tháo
chạy khỏi Trung Quốc, bất chấp các biện pháp kiểm soát, dẫn đến các hệ
quả còn lớn hơn cả tài chính và kinh tế.
Một biện pháp truyền thống là bán nợ để đối phó với đòn trừng phạt thuế
quan trong đối đầu thương mại. Tháng 4/2018, Nga đã quyết định bán 84%
số công trái chính phủ Mỹ (US Treasury bonds) mà Nga đang nắm (trị giá
81 tỷ USD), để trả đũa và đối phó với Mỹ đánh thuế các hàng hóa của Nga
(như thép). Quyết định này tưởng sẽ tác động đến thị trường và kinh tế
Mỹ, nhưng lãi suất công trái 10 năm của Mỹ vẫn giữ ở mức 3%.
Số công trái trị giá 81 tỷ USD mà Nga bán ra chỉ như muối bỏ
biển, so với tổng số công trái Mỹ trị giá 21.000 tỷ USD.
Trung Quốc là nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ, trong đó có 1.200 tỷ USD công
trái (Treasury bonds), bằng 6% tổng số nợ (gấp 10 lần Nga). Nếu Bắc Kinh
bán số công trái chính phủ Mỹ (như Nga) sẽ là một quả bom kích hoạt cuộc
chiến tiền tệ, tác động đến thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu. Đó sẽ
là một cuộc chiến hủy diệt lẫn nhau (mutually assured destruction), nên
ít có khả năng Tập Cận Bình sẽ trả đũa bằng “quả bom công trái Mỹ” (như
dự đoán). Theo một tài liệu nghiên cứu của bộ Quốc phòng Mỹ (năm 2012),
về mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ vì Trung Quốc mua quá
nhiều công trái, đã kết luận rằng Trung Quốc không thể đem công trái Mỹ
ra bán hàng loạt, vì Trung Quốc sẽ là bên thiệt hại nhiều hơn.
Song song với chiến tranh thương mại (đang leo thang), ngày
13/8/2018, Tổng thống Trump đã ký “Luật Chuẩn chi Quốc phòng cho năm tài
chính 2019” (NDAA)
được Quốc hội thông qua (1/8/2018)
phê chuẩn ngân sách quốc phòng
716,3 tỷ USD (tăng 16 tỷ USD
so với năm trước). NDAA
nhằm ngăn chặn: (1) các hoạt động xâm chiếm lãnh thổ biển đảo của Trung
Quốc trong vùng biển Đông Nam Á; (2) các hoạt động gián điệp của Trung
Quốc chống lại Mỹ và quốc tế; (3) các kế hoạch của Trung Quốc nhằm làm
suy yếu Mỹ. Quốc hội nhấn mạnh “cạnh tranh chiến lược lâu dài với
Trung Quốc là ưu tiên chính của Mỹ”. NDAA cũng kêu gọi “xác định lại, mở
rộng và kéo dài” (redesignation, expansion, and extension) Sáng kiến
Hàng hải Đông Nam Á. (With
a wary eye on China’s maritime expansion the US is switching up gear in
the Indo Pacific, Emanuele Scimia, South China Morning Post,
August 23, 2018).
Trí thức trỗi dậy
Theo các nguồn tin từ Trung Quốc, gần đây có một số sự kiện đáng chú ý:
Giáo sư Hồ An Cương (Đại học Thanh Hoa) bị phê phán kịch liệt là tác giả
thuyết “Trung Quốc đã vượt Mỹ”; Bộ phim “Amazing China” bị ngừng phát
hành, sau mấy tháng gây sốt dư luận; Báo chí Trung Quốc được chỉ đạo
không còn nhắc đến kế hoạch “Made in China 2025”.
Ông Hồ An Cương đang bị dư luận Trung quốc phê phán, coi lý thuyết của
ông là thủ phạm và nguyên nhân trực tiếp làm Trump nổi giận, gây ra cuộc
Chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Trong một báo cáo (năm 2016) Hồ
An Cương khẳng định Trung Quốc đã trở thành nước chế tạo lớn nhất thế
giới, nước xuất nhập khẩu nhiều nhất và thực thể kinh tế lớn nhất thế
giới. Trong một báo cáo khác (tháng 4/2017) ông kết luận: “Trung Quốc đã
bước vào thời kỳ đuổi kịp và vượt qua toàn diện nước Mỹ, trong đó thực
lực kinh tế đã vượt Mỹ năm 2013, khoa học kỹ thuật đã vượt Mỹ năm 2015,
sức mạnh quốc gia tổng hợp đã vượt Mỹ năm 2012. Đến năm 2016, ba thực
lực trên so với Mỹ đã lớn gấp 1,15 lần về kinh tế, gấp 1,31 lần về khoa
học kỹ thuật và 1,36 lần về sức mạnh quốc gia tổng hợp, nên Trung Quốc
đứng đầu thế giới!”.
Gần đây, 27 học giả, nhà nghiên cứu, và cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa
đã ký tên vào một lá đơn yêu cầu Đại học Thanh Hoa cách chức Viện trưởng
và tước bỏ học hàm giáo sư của Hồ An Cương. Sau đó, lá đơn này đã được
1.000 cựu sinh viên của trường đại học danh tiếng này hưởng ứng ký tên.
Nội dung lá đơn tố cáo các nghiên cứu của Hồ An Cương đi ngược lại những
kiến thức thông thường, đẻ ra cái gọi là “báo cáo học thuật về sức mạnh
quốc gia tổng hợp của Trung Quốc đã vượt Mỹ”. Họ cho rằng Hồ An Cương
không chỉ làm ô danh trường Đại học Thanh Hoa mà về lâu dài còn làm hại
đất nước và nhân dân Trung Quốc.
Một sự kiện khác đáng chú ý là Giáo sư Tôn Lập Bình (Đại học Thanh Hoa)
đã viết bài trên mạng Weibo (được lan truyền khắp cả nước), chỉ trích
các hoạt động tuyên truyền nói trên là “vừa gây tai họa cho quốc gia,
vừa mang tai ương cho nhân dân”. Theo ông, các trường đại học danh tiếng
(Ivy League) và các cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Mỹ đã hội tụ được
các nhân tài giỏi nhất toàn cầu, kiên trì nghiên cứu cơ bản suốt mấy
chục năm nay, trong khi Trung Quốc chỉ mới trỗi dậy trong một thời gian
ngắn, nên đừng mong đuổi kịp Mỹ. Ông cảnh báo nếu người Trung quốc suốt
ngày tung hô kế hoạch “Made in China 2025”, và bộ phim “Amazing China”,
là “Đại quốc Trọng khí” (vật quý, quan trọng của nước lớn) thì chẳng
khác gì “gõ thanh la và đánh trống lôi người khác tỉnh dậy, để tìm cách
kiềm chế chúng ta”.
Ông Long Vĩnh Đồ (cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Trung Quốc) cũng phê
phán quan điểm của ông Hồ An Cương về “Trung Quốc đã vượt Mỹ về ba thực
lực”. Ông Long viết: “Mới đây, một báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện
trưởng Hồ An Cương ở Đại học Thanh Hoa cho rằng 6 thực lực phát triển
của Trung Quốc (kinh tế, khoa học kỹ thuật, sức mạnh tổng hợp, quốc
phòng, ảnh hưởng quốc tế và văn hóa mềm) đều đã bước vào thời kỳ đuổi
kịp và vượt Mỹ toàn diện, trong đó 3 thực lực đầu đã vượt Mỹ”. Theo ông,
từ trước đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ coi thực lực kinh tế vượt Mỹ
là tiền đề để xử lý quan hệ với Mỹ. Về thực lực phát triển, tố chất con
người, hay sức mạnh tổng hợp quốc gia đều còn khoảng cách rất xa so với
người Mỹ. Nhưng ông Hồ An Cương đã làm lãnh đạo và xã hội Trung Quốc lầm
lẫn.
Tuyên truyền ra sao
Trên Nhân dân Nhật báo (2/7/2018) có bài “Bàn về trào lưu thổi phồng tự
đại”, cũng chỉ trích “cách nói 3 thực lực của Trung Quốc đã đuổi kịp và
vượt Mỹ”. Bài báo phê phán một số bài viết tung hô “Trung Quốc đã dẫn
đầu thế giới về một số lĩnh vực, ai cũng khâm phục”, và “Trung Quốc hiện
là nền kinh tế số 1 thế giới”, hoặc “Mỹ đã sợ chúng ta, Nhật cũng sợ, và
châu Âu hối hận”. Những bài báo đó đã kích động tinh thần dân tộc cực
đoan, làm nhiều người tự cao tự đại, xã hội sa đà vào thông tin sai lạc,
vô tình cổ súy cho tư tưởng dân túy.
Sau khi nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, “Sự kiện ZTE” bị Mỹ trừng
phạt vì lấy cắp công nghệ Mỹ, trở thành một liều thuốc tỉnh ngủ, làm
người Trung Quốc giật mình. Nhiều chuyên gia Trung Quốc lên tiếng cảnh
báo cái gọi là “thành tựu trong lĩnh vực công nghệ cao” của Trung Quốc
không đúng như tuyên truyền. Trong khi Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố cấm các
công ty Mỹ trong vòng 7 năm không được bán linh kiện/cấu kiện cho công
ty ZTE để phát triển công nghệ 5G cho điện thoại thông minh, làm ZTE đối
mặt nguy cơ phá sản, bộ phim “Amazing China” lại tung hô công nghệ cao
Trung Quốc, với nhiều tình tiết có thể làm bằng chứng Trung Quốc đã lấy
cắp, dùng trộm và cưỡng bức chuyển giao công nghệ, làm các công ty công
nghệ khác (như Huawei và Alibaba) lo ngại sẽ là nạn nhân tiếp theo (như
ZTE).
Bộ phim “Amazing China” tràn ngập những hình ảnh về các “kỳ tích vượt
bậc, gây nức lòng người” trong lĩnh vực khoa học công nghệ (như máy bay
tàng hình J-20,
tàu sân bay Liêu Ninh,
cầu lớn vượt biển nối Hongkong với Ma Cao). Xuyên suốt bộ phim là những
lời ca ngợi sức mạnh Trung Quốc, bừng bừng khí thế yêu nước và lòng tự
hào dân tộc. Phim được mô tả là “tác phẩm truyền đi sức mạnh Trung Quốc”
gây cơn sốt cả trong nước và ngoài nước. Nhưng đến ngày 19/4/2018, bộ
phim đó đột nhiên được thông báo rút khỏi hệ thống các rạp, và gỡ khỏi
các trang phim trực tuyến, theo chỉ thị của Ban Tuyên truyền Trung ương.
Theo Tân Hoa Xã, ngày 25/7/2018, Tưởng Kiến Quốc (Phó ban Tuyên truyền
TW) đã đột ngột bị cách chức, và ngày 30/7/2018, Lỗ Vỹ (Phó Ban Tuyên
truyền TW), đã bị Tòa án đưa ra xét xử. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật TW đã
buộc tội ông với những lời lẽ nặng nề, như là người khởi xướng trào lưu
sùng bái cá nhân và lừa dối lãnh đạo. Nhiều người cho rằng việc chỉnh lý
công tác tuyên truyền phản ánh tình trạng Trung Quốc bị đòn đau trong
Chiến tranh thương mại.
Sai lầm về tuyên truyền dường như đã làm cho lãnh đạo bị bất ngờ (caught
off guard), nay họ nhận ra thì đã quá muộn. Công tác tuyên truyền gắn
với Tập Cận Bình, tuy vị thế chưa bi suy yếu, nhưng khả năng kiểm soát
quyền lực chắc bị giảm sút. (Trumps
trade war is rattling China’s leaders,
Keith Bradsher
&
Steven Lee Myers,
NYT, August 14, 2018).
Trong nghiên cứu người ta phải dựa trên sự thật, nhưng trong tuyên
truyền người ta có thể dựa vào “một nửa sự thật” (half truth) hay “sự
thật khác” (alternative facts), thậm chí “tin vịt” (fake news) để đạt
mục đích.
Nghiên cứu và tuyên truyền
tồn tại song song nên dễ làm người ta ngộ nhận và nhầm lẫn.
Joseph Goebbels (bộ trưởng tuyên truyền Đức) từng nói: “Nói dối một lần
chỉ là nói dối, nhưng nói dối một ngàn lần sẽ thành sự thật” (a
lie told once remains a lie, but a lie told a thousand times becomes the
truth).
Sử
gia Yuval Harari gọi xã hội loài người là “hậu sự thật” (post-truth) và
cho rằng fake news đã tồn tại từ lâu trước Facebook. (Humans
are a post-truth species,
Yuval Noah Harari,
the
Guardian, August 5, 2018).
Ngộ nhận và nhầm lẫn giữa nghiên cứu và tuyên truyền có thể gây tai họa.
Điều đó thường xảy ra dưới chế độ chuyên chế khi vua không chịu lắng
nghe sự thật và các quan không dám nói ra sự thật (vì sợ trái ý vua). Nó
không chỉ xảy ra trong lịch sử, mà đang xảy ra tại Bắc Kinh (và một số
nơi khác). Nhiều người đã nhận ra lãnh đạo Trung Quốc vừa qua bị bất ngờ
và bị động đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại, vì họ đã ngộ nhận
và nhầm lẫn lớn (hay còn gọi là “ngộ nhận chiến lược”). Không phải ì
Trung Quốc thiếu người tài để đối phó với Mỹ, mà họ đã bị thể chế làm
cho thui chột hoăc vô hiệu hóa. Muốn khắc phục vấn nạn này phải thay đổi
thể chế, vì chỉ thay người (như thay áo) không thể giải quyết được vấn
đề.
Thoát Trung thế nào
Trong khu vực, xu hướng “thoát Trung” và “theo Trung” xảy ra đồng thời,
phản ánh sự phân hóa của các nước (như ASEAN) dưới tác động của Trung
Quốc đang trỗi dậy, muốn thao túng khu vực này và Biển Đông (như cái ao
riêng của họ). Miến Điện là một trường hợp điển hình đã dám “tái cân
bằng” (rebalance) quan hệ với Trung Quốc. Nói cách khác, đó là quá trình
“thoát Trung”, để tránh bị “Hán hóa” (sinicization) về kinh tế và chính
trị thông qua “bẫy nợ” (debt trap). “Tái cân bằng” hay “thoát Trung”
không có nghĩa là bài Trung hay chống Trung Quốc, vì đó là một cường
quốc (láng giềng), có một nền văn hóa vĩ đại.
Quá trình “tái cân bằng” tại Miến Điện không phải ngẫu nhiên, mà do mấy
thập kỷ kinh nghiệm quan hệ Miến-Trung làm người Miến tỉnh ngộ, buộc
phải đảo ngược (push back), tuy họ vẫn phải giữ quạn hệ tốt với Trung
Quốc. Nay quá trình đó đang lặp lại tại Triều Tiên sau cấp cao Liên
Triều và Mỹ-Triều, tại Malaysia sau khi Mahathir Mohamad thắng Najib
Razak và lên làm thủ tướng, và sẽ diễn ra tại các nước khác như một xu
hướng mới. Trong khi quá trình “theo Trung” (như Cambodia, Lào,
Thailand, Philippines) là do hoàn cảnh, và có thể đảo ngược, thì quá
trình “thoát Trung” hầu như không thể đảo ngược (irreversible).
Một số học giả và nhà báo thiếu phê phán (uncritically) thường có quan
điểm thân Trung Quốc, do thấy đầu tư và ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng
tăng trong khu vực. Nhưng đầu tư của Trung Quốc trong mấy năm qua đã dẫn
đến phản ứng của dân chúng (public
backlash) làm quan hệ song phương dễ đổ vỡ (fragile). Tại Malaysia, thủ
tướng mới Mahathir Mohamad (93 tuổi) đang tái cân bằng (rebalance) quan
hệ với Trung Quốc như một ưu tiên hàng đầu. Ông đã quyết hủy hai dự án
lớn là tuyến đường sắt East Coast Rail Link (trị giá 20 tỷ USD) và đường
ống dẫn khí Sabah Gas Pipeline (trị giá hơn 2 tỷ USD). Đây là một phép
thử (litmus test) để xem Trung Quốc có mềm dẻo để tái cấu trúc quan hệ
trong tương lai hay không.
Tuy Thủ tướng Mahathir công khai chỉ trích quan hệ Trung-Mã dưới thời
Razak, nhưng trong chuyến thăm Trung Quốc (18-22/8/2018),
ông
đã khéo léo tránh đổ lỗi cho Trung Quốc, mà đổ trách nhiệm cho người
tiền nhiệm là Rajib Razak. Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Mahathir nói
rõ: “Chúng tôi luôn ghi nhớ trình độ phát triển của các nước không giống
nhau…Chúng tôi không muốn có tình trạng chủ nghĩa thực dân kiểu mới vì
các nước nghèo không thể cạnh tranh với các nước giàu. Vì vậy chúng tôi
cần thương mại công bằng”.
Tuy quyết định của ông Mahathir là một thất bại lớn (big blow) cho kế
hoạch “Vành đai & Con đường” của Trung Quốc tại khu vực, nhưng Tập Cận
Bình vẫn phải vui vẻ chấp nhận và tuyên bố “hài lòng sâu sắc” (deeply
satisfied) với chuyến thăm của thủ tướng Mahathir. Sau khi lên cầm
quyền, ông Mahathir đã quyết đảo ngược các chính sách của Rajib Razak đã
làm Malaysia nợ gần 250 tỷ USD do ký nhiều dự án bất lợi và vay Bắc Kinh
hàng tỷ USD để cứu quỹ đầu tư nhà nước khỏi phá sản. (Malaysia
cancels two big Chinese projects, fearing they will bankrupt the country,
Amada Erickson, Washington Post, August 21, 2018).
Tại Philippines, phản ứng trái chiều của dân chúng sẽ xảy ra khi làn gió
chính trị đổi chiều, hoặc khi sức khỏe của tổng thống có vấn đề. Duterte
có lần thú nhận ông là “tổng thống vịt què” (lame duck president) và
“sẵn sàng từ chức” nếu quân đội và cảnh sát tìm được người thay thế. Lào
và Campuchia cũng không phải ngoại lệ. Lào đang sa vào “bẫy nợ” của
Trung Quốc, với dự án đường sắt cao tốc (trị giá 6 tỷ USD). Tại
Campuchia, ngày càng nhiều người bất bình vì Hun Sen cho Trung Quốc thuê
cảng Sihanoukville and Koh Kong 99 năm, và một diện tích chiếm
20% bờ biển nước này. Tuy Hunsen
đàn áp đảng đối lập và công khai thân Trung quốc, nhưng con trai Hun Sen
lại học West Point (chứ không phải Thanh Hoa).
Đa dạng hóa quan hệ
Theo New York Times, các nước châu Á buôn bán với Trung Quôc nhiều hơn
với Mỹ (thường với tỷ lệ “hai trên một”). IMF dự báo Trung Quốc có thể
trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới vào năm 2030. Theo NDS,
“Trung Quốc muốn gạt Mỹ khỏi khu vực Indo-Pacific, mở rộng phạm vi mô
hình kinh tế nhà nước, và lập lại trật tự khu vực có lợi cho họ... Cạnh
tranh kiểu chiến tranh lạnh thường không thấy sự chênh lệch (imbalance)
về vùng ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc tại khu vực. Đây là hệ quả do Mỹ
đã lỡ bước (missteps) và do chính sách tùy tiện (ad hoc) dựa trên quan
hệ song phương của Trump tại Đông Nam Á. (Does
China really dominate Southeast Asia?,
David
Hunt, Asia Times, August 23, 2018).
Theo
CNBC (23/8/2018),
cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang tiếp tục “ăn miếng trả
miếng”, đánh thuế 25% số hàng hóa của nhau trị giá 16 tỷ USD, đưa tổng
số lên 50 tỷ USD (giai đoạn một, từ 6/7/2018), bất chấp đàm phán đang
diễn ra (ở cấp thứ trưởng).
Nếu đàm phán lần trước (6/2018) ở cấp bộ trưởng (với phó thủ tướng Lưu
Hạc) đã thất bại, đàm phán lần này càng khó thành công. Trump nói ông
“không hy vọng nhiều vào đàm phán”. Có nhiều khả năng
Mỹ sẽ tiếp tục đánh thuế trị
giá 200 tỷ USD (giai đoạn hai, từ 9/2018).
Nếu Trung Quốc vẫn không chịu thay đổi, Trump dọa sẽ đánh thuế trị giá
hơn
500 tỷ USD (giai đoạn ba) trên toàn bộ hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ năm
2017. Theo Wilbur Ross (bộ trưởng thương mại Mỹ): “Họ
sẽ không chịu thua một cách dễ dàng. Dĩ nhiên họ sẽ trả đũa đôi chút,
nhưng cuối cùng, chúng ta có nhiều đạn hơn họ. Họ biết điều đó. Nền kinh
tế của chúng ta mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc, họ cũng biết điều đó”.
(CNBC, 23/8/2018).
Theo một báo cáo của Hội Đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign
Relations), tuy Mỹ vẫn là đồng minh chính về an ninh của các nước khu
vực, nhưng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang gia tăng, càng thúc
đẩy các nước Đông Nam Á đa dạng hóa quan hệ đối tác chiến lược vượt ra
khỏi quỹ đạo với Bắc Kinh hay Washington. Tại Malaysia, sau khi lên cầm
quyền, Mahathir quyết định đi thăm Tokyo (chứ không phải Bắc Kinh hay
Washington), trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình. Mahathir có
thể quay lại chính sách “Hướng Đông” (Look East), vì ông tin rằng Nhật
Bản có vai trò quan trọng hơn tại khu vực này. Đó là quan điểm được
nhiều nước khác trong khu vực này chia sẻ (trong đó có Việt Nam).
Quá trình Hán hóa là chiến lược của Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ra
toàn cầu, nhằm cạnh tranh với Mỹ sau khi trỗi dậy thành cường quốc kinh
tế thứ hai thế giới, thông qua cho vay, đầu tư, xây dựng hạ tầng (theo
sáng kiến “Vành đai & Con đường”) và dùng ảnh hưởng văn hóa tư tưởng
(như Viện Khổng Tử và “Charm Offensive”). Đó là một loại chủ nghĩa thực
dân mới (neo-colonization) dùng “bẫy nợ” thay “ngoại giao pháo hạm”,
thường dễ thành công tại các nước có thể chế tương đồng (như độc tài,
tham nhũng), nhưng về lâu dài sẽ phản tác dụng khi chủ nghĩa dân tộc và
xu hướng dân chủ hóa tại các nước đó trỗi dậy để “thoát Trung”, chống
lại sự nô dịch kinh tế và văn hóa (economic and cultural coercion).
Tham vọng Hán hóa nhằm nô dịch về kinh tế và văn hóa có thể thành công
tại một số nước, nhưng thực tế chứng tỏ đó là một con dao hai lưỡi, có
thể trở thành “gót chân Asin” của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế, khi
Mỹ triển khai chiến tranh thương mại và chiến lược quốc phòng (NDS) nhằm
ngăn chặn Trung Quốc. Xu hướng dân chủ hóa và “thoát Trung” theo chủ
nghĩa dân tộc tại khu vực sẽ làm Trung Quốc bị cô lập. Những gì đang
diễn ra sẽ làm người Trung Quốc giật mình tỉnh ngộ vì họ đã “ngộ nhận
chiến lược”. Đó là một bài học lớn không chỉ cho người Trung Quốc, mà
còn cho các quốc gia khác chưa tỉnh ngộ.
Lời cuối
Gần đây, Patrick Cronin (senior advisor, Center for New American
Security) đã đưa ra một khái niệm mới để chỉ hành động của Trung Quốc
tại Biển Đông là “insurgency” (bạo động).
Theo Cronin,
luật pháp quốc tế trên biển có đứng vững được hay không còn phụ thuộc
vào lòng tin của người dân được tự do đi lại như thế nào và tới đâu mà
người ta muốn trong phạm vi quyền hạn của họ theo luật quốc tế. Mỹ phải
tư duy và hành động như “counterinsurgent” (chống bạo động) trên Biển
Đông, để phát huy ảnh hưởng của mình trước Trung Quốc là “insurgent” (kẻ
gây bạo động) để bảo vệ sự có mặt thường xuyên và liên tục của tàu bè
dân sự tại khu vực này. (China is waging
a Maritime insurgency in the South China Sea. It’s time for the United
States to counter it,
Patrick Cronin, National Interest, August 6, 2018).
Theo Cronin, Việt Nam là một đồng minh chủ chốt (key ally) của Mỹ tại
khu vực, trong khi Mỹ ủng hộ chủ quyền các nước tại Biển Đông, cung cấp
nhiều vũ khí, và coi việc ngăn chặn Trung Quốc là mục tiêu chính. Gần
đây, các quan chức cấp cao Mỹ đến thăm Việt Nam ngày càng nhiều, như
ngoại trưởng Mike Pompeo (cũng như Rex Tillerson), bộ trưởng quốc phòng
Jim Mattis, và Tổng thống Trump (11/2017). Việt Nam vẫn thân thiện với
Mỹ và lập trường này chắc không thay đổi… Đáng chú ý là gần đây đã nổ ra
nhiều cuộc biểu tình tại Việt Nam để phản đối luật đặc khu kinh tế, định
cho nước ngoài thuê đất 99 năm.
Tuy Quốc Hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh Mạng (12/6/2018), nhưng
lại hoãn thông qua Luật ba Đặc khu (ít nhất là đến hết năm). Diễn biến
này có thể liên quan đến những gì đang diễn ra tại Bắc Kinh cũng như
trong quan hệ Mỹ-Trung, như một “hệ quả không định trước” (unintended
consequence). Chắc phải có mối liên quan chặt chẽ giữa mục tiêu chiến
tranh thương mại Mỹ-Trung và mục tiêu chiến lược mới của Mỹ (NDS). Nếu
Trung quốc giật mình vì bộc lộ “gót chân Asin”, liệu Việt Nam có giật
mình tỉnh ngộ hay không?
Tham khảo
1. Hitting China’s Wall,
Paul Krugman, New York Times, July 18, 2013
2. The Coming Chinese Crackup,
Wall Street Journal, March 6, 2015
3. China’s Summer of Discontent,
Minxin Pei,
Project Syndicate, August 2, 2018
4.
Humans are a post-truth species,
Yuval Noah Harari,
the
Guardian, August 5, 2018
5.
China is waging a Maritime insurgency in the South China Sea. It’s time
for the United States to counter it,
Patrick Cronin, National Interest, August 6, 2018
6.
Xi Jinping’s Path for China,
Stratfor, August 10, 2018
7.
Trumps trade war is rattling China’s leaders,
Keith Bradsher
&
Steven Lee Myers,
New York Times, August 14, 2018
8.
Malaysia cancels two big Chinese projects, fearing they will bankrupt
the country,
Amada Erickson, Washington Post, August 21, 2018
9.
China-US trade war: Vice-President Wang Qishan ‘the firefighter’ might
not be sent to front line,
Shi Jiangtao, South China Morning Post, August 22, 2018
10.
Does China really dominate Southeast Asia?
David Hunt,
Asia Times, August 23, 2018
11.
With
a wary eye on China’s maritime expansion, the US is switching up gear in
the Indo- Pacific, Emanuele Scimia, South China Morning Post,
August 23, 2018
NQD. 25/8/2018 |