AUKUS và QUAD trong
chiến lược Indo-Pacific
Nguyễn Quang Dy
QUAD (“Bộ Tứ” gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) ra đời từ năm 2007 và hồi sinh vào
cuối năm 2017 (thời Donald Trump). Còn AUKUS (“Bộ Tam” gồm Úc, Anh, Mỹ)
vừa mới đầy tháng. Ngày 15/9/2021, nguyên thủ ba nước đã họp trực tuyến
và tuyên bố thành lập liên minh AUKUS.
Sự kiện này diễn ra chỉ mấy ngày sau khi Tổng thống Joe Biden điện đàm
với Chủ tịch Tập Cận Bình (10/9) và không lâu sau chuyến thăm Singapore
và Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (28/7) và Phó tổng
thống Kamala Harris (24/8).
Ngay sau khi AUKUS vừa ra đời, Tổng thống Mỹ
Joe Biden, Thủ tướng Úc
Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, và Thủ tướng Nhật
Yoshihide Suga đã họp trực tiếp tại Nhà
Trắng (24/9/2021) để “nâng cấp Bộ Tứ”, với những sáng kiến đầy tham
vọng. Có thể nói AUKUS và QUAD là “cặp bài trùng” trong tầm nhìn chiến
lược Indo-Pacific. Trong bài phân tích này, tôi sẽ lý giải để làm rõ
thêm các vấn đề vừa nói trên.
Phản
ứng với AUKUS
Quyết định thành lập AUKUS khá đột ngột như
một đợt sóng bất ngờ ập đến làm cho dự luận phản ứng khác nhau. Tuy Pháp
là một đồng minh phương Tây, nhưng phản ứng rất mạnh như con gà trống
Gô-Loa bị tổn thương nặng, đã triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Úc. Trong khi
đó, Trung Quốc là đối tượng chính tuy có lý do để phản ứng mạnh hơn,
nhưng đã phản ứng khá ôn hòa, có thể vì Trung Quốc cần thỏa hiệp với Mỹ
về vụ thả Mạnh Vãn Chu. (AUKUS:
Why Beijing didn’t go ballistic, Jia Deng,
Lowy
Interpreter, October
14, 2021).
Tuy trước mắt, Pháp phản ứng mạnh là dễ hiểu, không chỉ vì thiệt hại về
kinh tế do mất một hợp đồng lớn mấy chục tỷ USD, mà còn vì thể diện
chính trị trước tranh cử sắp tới. Nhưng về lâu dài, Pháp không thể quay
lưng với các nước đồng minh phương Tây chủ chốt (như Mỹ, Anh, Úc), vì
hợp tác ở Nam Thái Bình Dương. Tuy Pháp gọi AUKUS là “nhát dao đâm sau
lưng”, nhưng họ cũng cần tự trách mình đã chủ quan làm mất hợp đồng.
Trong khi đó, Trung Quốc đã không phản ứng mạnh vì những lý do nhất
thời, nhưng về lâu dài, AUKUS là một cục xương khó nuốt, làm Bắc Kinh
đau đầu. Có lẽ vì vậy mà Trung Quốc đã thông báo xin gia nhập CPTPP
(ngày 16/9) như một nước cờ để làm Mỹ khó xử và “tiến thoái lưỡng nan”.
Như phản ứng dây chuyền, Đài Loan cũng đã quyết định xin gia nhập CPTPP
(ngày 22/9), làm cho Bắc Kinh tức giận, phải lên tiếng phản đối.
AUKUS sẽ là một cơn ác mộng đối với Trung Quốc, vì đây có thể là tiền
thân của một “NATO châu Á” mà Bắc Kinh vốn lo ngại lâu nay.
Trong khi Mỹ muốn mở rộng nhóm “Ngũ Nhãn” (Five Eyes), gồm Mỹ, Anh, Úc,
Canada, Tân Tây Lan, để kết nạp thêm Nhật và Hàn Quốc, thì NATO tăng
cường quan hệ với bốn đối tác trong khu vực Indo-Pacific là Nhật, Hàn
Quốc, Úc và Tân Tây Lan. Trong khi AUKUS cụ thể hóa chuyển trục chiến
lược của Mỹ tới Indo-Pacific, thì nó giúp Anh khẳng định tầm nhìn
“Global Britain”.
AUKUS nằm trong chiến lược đối phó với Trung Quốc tại Indo-Pacific,
không chỉ gồm ba nước Úc, Anh, Mỹ, mà còn gồm nhiều nước khác. Vì vậy,
Trung Quốc chính là đối tượng mà QUAD và AUKUS nhắm tới. QUAD và AUKUS
không chỉ đơn thuần là một liên minh về an ninh mà còn gồm các lĩnh vực
khác như công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và tin học lượng tử.
Năm 2015, Bang Bắc Úc đã cho tập đoàn Landbridge của Trung Quốc thuê
cảng Darwin 99 năm, nhưng đã đến lúc Canberra cần chấm dứt hợp đồng này.
Phản ứng của ASEAN đối với AUKUS cũng khác nhau. Trong khi một số nước
ủng hộ (như Singapore, Philippines) và một số nước phản đối (như
Malaysia, Indonesia) vì lo ngại chạy đua vũ trang trong khu vực sẽ tăng
lên, thì Việt Nam bên ngoài tỏ ra rất thận trọng, nhưng bên trong ngầm
ủng hộ. Đợt sóng ngầm do AUKUS gây ra làm dư luận ồn ào với các cung bậc
cảm xúc khác nhau, đang lắng xuống như “phần nổi của tảng băng chìm”.
Theo báo chí Nhật, viêc AUKUS ra đời đã làm
thay đổi cuộc chơi, và là một tín hiệu mạnh về răn đe đối với Trung
Quốc. Với AUKUS, vị thế chiến lược của Úc sẽ tăng lên, tạo điều kiện cho
Canberra đóng một vai trò tích cực hơn để duy trì cân bằng quyền lực có
lợi tại Indo- Pacific. (AUKUS
shows beginnings of U.S. Indo-Pacific strategy, Susannah Patton,
Ashley Townshend and Tom Corben, Nikkei Asia Review, October 1, 2021).
Phản ứng của dư luận Úc tuy đa dạng, nhưng ngày càng tích cực hơn. AUKUS
là một bước ngoặt lớn để định vị chiến lược lâu dài, nhưng điều đó không
có nghĩa là Úc theo đuổi ngoại giao nước lớn mà coi nhẹ ngoại giao với
các nước trong khu vực như ASEAN. Ngược lại, vai trò của Úc như một quốc
gia bậc trung thực dụng, độc lập và tích cực ở khu vực Indo-Pacific sẽ
tiếp tục và tăng cường trong thập kỷ tới.
(The
future of Australia's middle-power diplomacy after AUKUS, Thomas
Parks,
Asia Link Insight, October 7, 2021).
AUKUS sẽ đi vào lịch sử, biến Úc thành quốc gia thứ 7 trên thế giới tham
gia “câu lạc bộ tàu ngầm hạt nhân” (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc,
Ấn Độ). Nó đe dọa làm thay đổi bàn cờ chiến lược tại khu vực
Indo-Pacific, gia tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy Nhật
Bản và Hàn Quốc theo đuổi trò chơi tốn kém này. Nói cách khác, AUKUS đã
biến điều không thể thành có thể, “làm thay đổi cuộc chơi” (game
changer).
Lợi
ích quốc gia Úc
Theo giáo sư Alexander Vuving (APCSS), trước mắt tuy AUKUS gây tranh
cãi, nhưng về lâu dài nó đặt Úc “vào đúng vị trí lịch sử” (on the right
side of history). Tranh chấp nước lớn Mỹ-Trung về cơ bản là cuộc đấu
tranh giữa trật tự quốc tế dựa trên luật pháp (ruled-based) và trật tự
quốc tế dựa trên thứ bậc (hierarchy-based).
Là thành viên của QUAD & AUKUS, Úc có quyền lựa chọn chỗ đứng cho mình
trong cuộc đấu tranh của thế kỷ này.
AUKUS trước mắt có thể làm tổn thương quan hệ
của Úc với một số đối tác ở Châu Âu (làm Pháp bất bình) và ở Đông Nam Á
(làm Indonesia và Malaysia lo ngại), nhưng về lâu dài, có nhiều lý do để
tin rằng AUKUS là sự lựa chọn đúng của Úc, vì lợi ích quốc gia của mình,
để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên pháp luật. (AUKUS
Is a Short-Term Mess but a Long-Term Win for Australia, Alexander
Vuving,
Foreign Policy, October 11, 2021).
Pháp có lý do bức xúc vì mất một hợp đồng lớn
trị giá mấy chục tỷ USD, nhưng lên án AUKUS là “nhát dao đâm sau lưng”
không thỏa đáng. AUKUS chủ yếu liên quan đến Trung Quốc chứ không phải
Pháp, tuy đáng tiếc là nó đụng đến sự nhạy cảm của Pháp. Úc đã phí mười
năm theo đuổi hợp đồng tàu ngầm với Pháp, vì ngay từ đầu có lẽ Úc đã
chọn nhầm phương án. Hợp đồng đã bị chậm, mắc nhiều lỗi, phải thiết kế
lại nhiều lần tốn kém. (AUKUS
Is Good for Australia, Simon Cowan,
American Conservative, September 24, 2021). Trị giá hợp đồng tàu ngầm với Pháp là 40 tỷ AUD
(năm 2012), sẽ bị đội vốn lên 100 tỷ AUD khi chiếc tàu đầu tiên sẽ được
hoàn thành năm 2040 (chậm10 năm). Vì vậy, AUKUS là quyết định đúng của
Úc cho chiến lược “phòng thủ từ xa” (forward defense). Tàu ngầm của Úc
phải vượt hơn 4,000 dặm để đến Biển Đông, ngoài tầm hoạt động của tàu
ngầm chạy bằng diesel, vì sau đó tàu ngầm chạy bằng diesel phải mất hàng
tuần để trở về Úc. Vì vậy, Úc cần hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng
lượng hạt nhân với công suất lớn hơn, vì lợi ích quốc gia, phù hợp với
lợi ích của đồng minh. Theo AUKUS, Mỹ và Anh sẽ giúp Úc có một hạm đội
tàu ngầm (dự kiến 8 chiếc) chạy bằng năng lượng hạt nhân, để thay thế kế
hoạch hợp tác với Pháp lập một đội tàu ngầm (gồm 12 chiếc) chạy bằng
diesel và điện. Lâu nay, Úc không thấy cần phải chọn phe trong tranh
chấp Mỹ-Trung, nhưng gần đây Úc bị Trung Quốc bắt nạt, buộc Canberra
phải có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Từ năm 2020, Trung Quốc đã trả đũa Úc vì kêu gọi điều tra nguồn gốc
virus Corona bằng cách cấm nhập hàng hóa Úc, trị giá 20 tỷ USD. Trung
Quốc sử dụng các biện pháp kinh tế, thương mại, và ngoại giao để trừng
phạt Úc, nhưng chỉ làm cho Úc cứng rắn hơn và “thoát Trung”. Sau gần một
năm tranh chấp, không chỉ Úc bị thiệt hại về kinh tế, mà Trung Quốc cũng
bị “gậy ông đập lưng ông”. Nay Trung Quốc đang liên minh với Nga, Iran,
và Pakistan để hình thành “Bộ Tứ” của Trung Quốc, nhằm đối phó với “Bộ
Tứ” của Mỹ.
Trong 18 tháng qua, hợp đồng tàu ngầm với Naval Group của Pháp đã gặp
nhiều trở ngại, vì đội vốn và kéo dài tiến độ. Tháng 6/2021, Úc đã dự
kiến “Kế hoạch B” nếu “Kế hoạch A” thất bại. Theo các nguồn tin thì Mỹ
và Anh phải hành động gấp vì lý do “an ninh quốc gia”. Đây là lần đầu
tiên sau 70 năm, Mỹ chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Úc, tạo
tiền lệ cho Nhật Bản và Hàn Quốc. AUKUS là một thông điệp mà Mỹ, Anh, Úc
muốn gửi đến Trung Quốc rằng liên minh AUKUS đã hình thành, và cuộc chơi
mới bắt đầu.
AUKUS rất quan trọng đối với Úc, không chỉ về địa chiến lược, mà còn vì
đặc thù về văn hóa và lịch sử. Thứ nhất, ý thức hệ của ba nước này giống
nhau. Thứ hai, Anh đã từng là “mẫu quốc” bảo hộ Úc cho đến khi Mỹ thay
thế, nay sẵn sàng “trở lại tương lai” để cùng với Mỹ bảo đảm an ninh cho
Úc. Thứ ba, cả ba nước này đều coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với khu
vực và thế giới. Sự hợp tác giữa ba nước này về tàu ngầm hạt nhân,
chuyển giao công nghệ cao và các nhu cầu an ninh quốc phòng khác, sẽ làm
thay đổi cuộc chơi.
Các đồng minh khả tín thường có chung văn hóa chính trị như một ưu thế
so với các đối thủ. Sức mạnh của liên minh QUAD và AUKUS sẽ tạo ra thế
cờ vây áp đảo đối phương (Trung Quốc, Nga, Iran, Pakistan). Nó có thể
làm thay đổi sâu sắc chính sách ngoại giao và quốc phòng của Úc, không
chỉ đối với Trung Quốc mà còn với khu vực và thế giới. Tham gia AUKUS,
Úc chỉ có con đường tiến, mà không còn đường lùi. (How
China Exports Authoritarianism, Charles Edel & David Shullman,
Foreign Affairs, September 16, 2021).
Đằng
sau QUAD và AUKUS
Tiếp theo cuộc họp cấp cao (trực tuyến) đầu
tiên của QUAD (12/3/2021) ra thông cáo chung về hai chủ đề chính là đối
phó với đại dịch và biến đổi khí hậu, là cuộc họp cấp cao (trực tiếp)
của QUAD (24/9/2021). Cuộc họp này đề xuất các sáng kiến quan trọng về
y tế (tài trợ sản xuất và phân phối
vaccine qua “Nhóm Chuyên gia Vaccine” và “Nỗ lực An toàn Y tế”); về
hạ tầng (khởi động “Nhóm Phối hợp Hạ tầng” để xây dựng “Hạ tầng Chất
lượng cao”); về biến đổi khí hậu (lập “Mạng lưới Tàu biển xanh” và “Đối
tác Năng lượng sạch”). AUKUS mang dấu ấn của Kurt Campbell (kiến trúc sư “Pivot”, và “Indo-Pacific Coordinator” tại NSC); Ely Ratner (nguyên cố vấn cho Biden, là trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, trưởng nhóm đặc nhiệm về chiến lược mới); Rush Doshi (tác giả “The Long Game”, là Giám đốc Trung Quốc tại NSC); Mira Rapp-Hooper, nguyên cố vấn về Trung Quốc tại Vụ Hoạch định Chính sách Bộ Ngoại giao, làm việc tại NSC. (China whisperers: The US advisers shaping the world’s great rivalry, Emily Tamkin, New Statesman,
Đây là một nhóm cựu quan chức và học giả về Châu Á tham gia “Team
Biden”, chủ trương đối phó với Trung Quốc như “thách thức lớn nhất” đối
với Mỹ. Họ đều là học giả tại các trường đại học danh tiếng (Ivy
League), cùng tham gia think tank (như CNAS), từng phục vụ trong các
chính quyền trước (Clinton và Obama). Họ đều nhận thấy Trung Quốc không
giống như người ta among đợi là “trỗi dậy hòa bình”, thông qua tham dự
có thể hòa nhập vào trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu, mà Trung Quốc ngày
càng quyết đoán và độc tài.
Nếu AUKUS chứng tỏ chủ trương “xoay trục” của Mỹ cuối cùng đang diễn ra,
thì vẫn còn thiếu “yếu tố kinh tế” (an economic component) như Kurt
Campbell đã từng nhấn mạnh. Tuy QUAD và AUKUS có thể đóng góp rất nhiều,
nhưng không thay thế được sự can dự thực tế của Mỹ ở khu vực. Tuy
Anthony Blinken đã hứa với lãnh đạo ASEAN (cuối tháng 9/2021) là Mỹ sẽ
có chiến lược toàn diện cho Đông Nam Á, nhưng vẫn chưa thấy. (Americas
doughnut-shaped Indo-Pacific strategy,
Henry
Storey, Diplomat, October 18, 2021).
Có nhiều lý do để Mỹ tham gia CPTPP, và Trung Quốc là nguyên nhân chính.
Nay Trung Quốc đã xin vào CPTPP, nên Mỹ tham gia CPTPP không chỉ vì lợi
ích kinh tế mà còn vì vai trò của Mỹ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Joe Biden tuyên bố đối phó với Trung Quốc là một trong các ưu tiên trong
chính sách đối ngoại, nên Mỹ cần một chính sách thương mại mạnh với khu
vực, nhưng vào CPTPP vẫn còn nhiều lực cản. (America
Must Return to the Trans Pacific Partnership,
Wendy
Cutler, New York Times, September 10, 2021).
Theo các chuyên gia chiến lược, hiện nay QUAD
và AUKUS vẫn còn thiếu các
“điều kiện thiết yếu” (critical ingredients) so với thời chiến tranh
lạnh, nên chưa đủ mạnh để ngăn chặn các tham vọng của Trung Quốc. AUKUS
mới chỉ là những tuyên bố về ý định trong khi nội hàm chính của AUKUS là
Úc sẽ mua 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng đàm phán cụ
thể về giá cả và tiến độ vẫn chưa rõ. (The
Gaps in the New Regional Security Architecture for the Indo-Pacific,
Hanns Maull, Diplomat, October 16, 2021).
Thành viên của AUKUS còn bất cập, do thiếu các đối tác quan trọng khác
như Canada, New Zealand (nhóm “Five Eyes”) hay Viêt Nam và Indonesia
(ASEAN). Anh tham gia AUKUS chủ yếu do ý chí chủ quan (wishful thinking)
và tượng trưng (symbolism), chứ chưa phải là cố gắng nghiêm túc (serious
effort). Khẩu hiệu “Nước Anh toàn cầu” (Global Britain) về cơ bản phản
ánh ý định của Thủ tướng Boris Johnson muốn đánh lạc hướng dư luận
(escapism) vì động cơ chính trị, chứ chưa chắc là chính sách an ninh khu
vực của Anh.
AUKUS và QUAD dù có được “nhất thể hóa” (integrated) thì cả hai thực thể
này còn thiếu khuôn khổ cần thiết để xây dựng cơ chế an ninh khu vực
Indo-Pacific đủ mạnh nhằm ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy. Trong khi Pháp
(một cường quốc Indo-Pacific) bị gạt ra ngoài, thì Ấn Độ (không liên
kết) vẫn chưa sẵn sàng tham gia một liên minh quân sự với Mỹ. Nói cách
khác, cấu trúc an ninh khu vực Indo-Pacific cần được làm sâu sắc hơn. Vì
vậy, câu chuyện QUAD và AUKUS chỉ là bước đầu, và là “phần nổi của tảng
băng chìm”.
Lời
cuối
Theo giáo sư Andrew Erickson (CMSI, Naval War
College), trong 5 năm tới, Trung Quốc phải quyết định có tấn công Đài
Loan hay không, vì quyền lực của Trung Quốc và Tập Cận Bình đã lên tới
đỉnh cao, trong khi Đài Loan như “quả táo chín dễ hái”, nếu bỏ qua sẽ
mất cơ hội vàng. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và phương
Tây đang đau đầu nghĩ cách đối phó với “thách thức lớn nhất của thế kỷ
21 về đối ngoại”. (A
Dangerous Decade of Chinese Power Is Here, Andrew Erickson, Foreign
Policy, October 18, 2021).
Trong cuốn “Hindsight, Insight, Foresight:
Thinking about Security in the Indo-Pacific” (APCSS, September 2020),
giáo sư Alexander Vuving cho rằng tuy tình hình Biển Đông rất nguy hiểm,
nhưng khó rơi vào “bẫy Thucydides” như giáo sư Graham Allison dự đoán,
vì nó theo quy luật “chicken game” (trọi gà) chứ không phải “Prisoner’s
dilemma” (nan đề tù nhân). Nhưng tình hình eo biển Đài Loan hiện nay lại
là một câu chuyện khác, và là một yếu tố hệ trọng trong bàn cờ
Indo-Pacific, mà AUKUS là một nước cờ thế.
Tham
khảo
1.
America Must Return to the Trans Pacific Partnership,
Wendy
Cutler, New York Times, September 10, 2021 2. China whisperers: The US advisers shaping the world’s great rivalry, Emily Tamkin, New Statesman,
Fact Sheet: Quad Leaders Summit,
The White House, September 24, 2021
4.
AUKUS
Is Good for Australia, Simon Cowan,
American Conservative, September 24, 2021
5.
SSN vs SSK,
Hugh White,
Lowy Interpreter, September 29, 2021
6.
AUKUS shows beginnings of U.S. Indo-Pacific
strategy, Susannah Patton, Ashley
Townshend and Tom Corben, Nikkei Asia Review, October 1, 2021 7.
The future of Australia's middle-power diplomacy after AUKUS, Thomas
Parks,
AsiaLink Insight, October 7, 2021
8.
AUKUS Is a Short-Term Mess but a Long-Term Win
for Australia, Alexander Vuving,
Foreign Policy, October 11, 2021
9.
AUKUS: Why Beijing
didn’t go ballistic,
Jia Deng,
Lowy
Interpreter,
October 14, 2021
10.
The Gaps in the New Regional Security
Architecture for the Indo-Pacific,
Hanns Maull, Diplomat, October 16, 2021
11.
America’s doughnut-shaped Indo-Pacific strategy,
Henry
Storey, Diplomat, October 18, 2021
12.
A Dangerous Decade of Chinese Power Is Here,
Andrew Erickson, Foreign Policy,
October 18, 2021
NQD. 19/10/2021
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 19-10-21
|