Ryan Mitchell:
China's Crown Theorist Người dịch: Huỳnh Hoa
Nhà lý luận cung đình của Trung Quốc
Sự trỗi dậy của Vương Hỗ Ninh
Ryan Mitchell (*)
Ngày 25/10/2017 khi bảy người mặc âu phục đen bước lên sân khấu đại lễ
đường nhân dân ở Bắc Kinh để ra mắt các thành viên ủy ban thường vụ bộ
chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, chỉ có một khuôn mặt gây ngạc nhiên.
Đó là Vương Hỗ Ninh (Wang Huning)
– một lý thuyết gia lâu năm của đảng, một cựu giáo sư về chính trị quốc
tế trường đại học Phúc Đán
(Fudan) ở Thượng Hải. Ít người dự đoán được ông Vương sẽ thăng tiến
tới tầng cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng bây giờ, vị học
giả có thời ẩn dật, có tiếng trầm lặng và thận trọng, sẽ có uy quyền về
ý thức hệ chỉ sau chủ tịch Tập Cận Bình.
Việc bố trí ông Vương vào ủy ban thường vụ bộ
chính trị là một sự xa rời đáng ngạc nhiên với thực tế vài thập niên gần
đây. Theo truyền thống, ủy viên ủy ban thường vụ phải được chọn trong
các ủy viên bộ chính trị nổi bật, có kinh nghiệm làm bí thư các tỉnh
hoặc thành phố ngang cấp tỉnh. Ông Vương, trái lại, chỉ từ Văn phòng
nghiên cứu chính sách trung ương, nơi ông là giám đốc lâu năm, theo dõi
sự phát triển nền tảng ý thức hệ của đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước đây
chỉ có một trường hợp duy nhất mà một lý thuyết gia như ông Vương được
đưa vào ủy ban thường vụ là vào thời kỳ khởi xướng cuộc Cách mạng Văn
hóa năm 1966, khi ông Mao Trạch Đông đề bạt thư ký riêng của mình là
Trần Bá Đạt (Chen Boda).
Tình hình hiện nay của Trung Quốc tất nhiên có nhiều sự khác biệt căn
bản so với thập niên 1960. Nhưng cũng có thể có một sự tương đồng đầy ý
nghĩa: đó là những sự thay đổi trong vị thế của quốc gia và những quy
tắc của chính trị tinh hoa dường như lại một lần nữa đưa đảng Cộng sản
Trung Quốc tới điểm chuyển hóa. Sau khi trải qua một cao trào gia tăng
uy quyền cho đến khi được tấn phong làm lãnh tụ cốt lõi của đảng, gần
đây ông Tập Cận Bình đã khởi động nhiệm kỳ tổng bí thư thứ hai của mình
bằng việc công bố học thuyết về “Kỷ nguyên mới” của chủ nghĩa xã hội
mang đặc điểm Trung Quốc, cùng với nhu cầu bảo đảm sự ổn định xã hội và
tăng trưởng kinh tế chất lượng cao trong khi gia tăng toàn diện sức mạnh
của đất nước. Cũng trong thời gian này, ông Tập nhiều lần nhấn mạnh tới
mối nguy hiểm sống còn theo kiểu Xô viết mà đảng của ông sẽ rơi vào nếu
như đảng không thúc đẩy được một cách hiệu quả niềm tin và sự tin cậy
trong người dân Trung Quốc bình thường.
Nhiều chính sách của ông Tập – từ “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm thống nhất
khát vọng của người dân thường với mục tiêu của nhà nước thành một, cho
tới công cuộc triệt hạ tham nhũng quyết liệt và quy chế “Bốn Tự Tin” mà
mỗi cán bộ đảng phải thể hiện – đều nhắm vào công cuộc phục hồi và biện
minh cho quyền lực của đảng Cộng sản. Khi đảng ra tay củng cố quyền lực
thì sự thăng tiến của ông Vương Hỗ Ninh có thể nói gì về con đường tiến
lên của Trung Quốc trong “kỷ nguyên mới” của ông Tập?
TÌM KIẾM TRẬT TỰ
Trong những năm tháng theo sau cái chết của ông Mao năm 1976, khi Cách
mạng Văn hóa dần dần nhường chỗ cho thời kỳ cải cách, có vô số người dân
Trung Quốc bắt đầu theo đuổi những giấc mơ đã bị trì hoãn trong suốt một
thập niên đấu tranh chính trị. Vương dùng những năm tháng này để đọc
những trước tác chính trị có tuổi đời hàng thế kỷ về cái ác trong bản
tính của con người, về nguồn gốc của nhà nước, và nhu cầu phải có một
lãnh tụ đầy quyền năng để xử lý các xung đột xã hội.
Năm 1978, sau khi tốt nghiệp cử nhân tiếng Pháp, Vương vào trường đại
học Phúc Đán tiếp tục học và lấy bằng thạc sĩ về chính trị quốc tế năm
1981. Luận văn tốt nghiệp của ông, về quan niệm chủ quyền quốc gia trong
tư tưởng phương Tây, đã lần theo dòng phát triển ý tưởng về nhà nước có
chủ quyền hiện đại, từ sự miêu tả đầy đủ đầu tiên trong tác phẩm của
Jean Bodin - lý thuyết gia chính trị Pháp thế kỷ 16, người đề xuất một
quan niệm về “chủ quyền như là quyền lực tuyệt đối và liên tục của một
cộng đồng lợi ích chung”, cho đến những phân tích tỉ mỉ quan niệm này
trong các thời kỳ sau, rồi đến sự phủ nhận nó trong thế kỷ 20. Hơn 15
năm sau đó, trong các sách vở và bài báo của mình, Vương nhiều lần quay
lại chủ đề về chủ quyền khi ông leo dần lên các nấc thang nghề nghiệp để
đến năm 1989, ông trở thành giám đốc chương trình chính trị quốc tế mà
ông đã theo học.
Ý kiến căn bản của Vương về chủ quyền thống nhất ở nhiều khía cạnh quan
trọng với quan điểm của các nhà lý luận phương Tây. Đối với Vương, chủ
quyền đòi hỏi quyền lực chính trị phải có khả năng thực thi sự kiểm soát
hành chính thống nhất trên toàn bộ lãnh thổ mà không có mối đe dọa từ
bên ngoài hoặc sự phá hoại từ bên trong. Jean Bodin là người đầu tiên đề
ra một lý thuyết chính trị theo đó chỉ có nhà nước mới được nắm giữ thẩm
quyền này, loại trừ mọi thế lực chính trị, tôn giáo hoặc pháp lý khác.
Điểm cốt lõi của quan niệm này là giả thuyết rằng chủ quyền là bất khả
phân chia; cho dù một chính sách hoặc một quy tắc bất kỳ nào đó có thể
bị đem ra tranh cãi thì chính vai trò của chủ quyền là chấm dứt vụ tranh
cãi ấy. Như Bodin từng viết trong cuốn sách
“Six Books of the Commonwealth”
(Sáu cuốn sách về cộng đồng thịnh vượng) của ông: “Cũng như Chúa,
Đấng Tối thượng, không thể làm ra một đức Chúa bình đẳng với chính Ngài
bởi vì Ngài là vô tận, và theo quy luật tự nhiên, hai vô tận không thể
cùng tồn tại, vì thế chúng ta có thể nói rằng đấng quân vương mà chúng
ta coi là hình ảnh của Chúa không thể làm ra một thần dân bình đẳng với
chính ngài mà không hủy hoại quyền lực của ngài được”.
Đối với Vương, sự phát triển lịch sử của những ý tưởng như vậy là đặc
biệt quan trọng bởi vì nó cho thấy rằng trong buổi đầu của châu Âu hiện
đại, cũng như ở Trung Quốc thế kỷ 20, nhà nước hiện đại đã phải đấu
tranh để nổi lên giữa tình trạng hỗn loạn gây nên bởi những thế lực
phong kiến, những cuộc chia cắt lãnh thổ và xã hội. Những lý thuyết gia
vĩ đại của châu Âu về chủ quyền quốc gia, bao gồm cả Bodin, Thomas
Hobbles và Machiavelli (mà Vương coi như người đấu tranh để một nước Ý
bị chia rẽ thành “một nắm cát lỏng lẻo trong lòng bàn tay” được thống
nhất trở lại, giống như Trung Quốc sau này), đã từng đi trước thời đại
của mình khi nhìn ra nhu cầu phải có một hình thức tổ chức chính trị sao
cho có thể cung cấp sự thống nhất và trật tự, thoát khỏi sự hỗn mang và
yếu kém. Ở Trung Quốc hiện đại cũng như ở nước Ý thời Phục hưng, khuynh
hướng bẩm sinh của con người hướng tới chiến tranh và cách mạng, có
nghĩa là chỉ có sự tuân phục chung trước một quyền uy tối cao mới có thể
tạo thành nền tảng của sức mạnh và sự độc lập của quốc gia.
Tất nhiên những ý tưởng như vậy có một ý nghĩa đặc biệt ở Trung Quốc vào
cuối thập niên 1970, sau khi những thử nghiệm thảm khốc của cuộc Cách
mạng Văn hóa đã làm suy yếu nhà nước và đặt nghi vấn về những lý lẽ biện
minh về ý thức hệ cho quyền cai trị của nhà nước. Nhưng đối với Vương,
các nhà lý luận về chủ quyền ở phương Tây thời buổi đầu vẫn có một giá
trị vĩnh cửu bởi vì họ sử dụng một cách nhìn thực tế (hoặc “duy vật”) để
loại bỏ những tư tưởng kỳ quặc trong thời đại của họ và nắm bắt được
những gì mà xã hội thực sự cần có: một nhà cai trị mạnh mẽ, có khả năng
thống nhất, trung thành với nhân dân và không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào
của tôn giáo, ngoại bang hoặc chế độ phong kiến. Các nhà cai trị mạnh mẽ
này, đến lượt họ, lại tạo ra những nền tảng của nhà nước ổn định và độc
lập sẽ tiếp tục đưa phương Tây lên tột đỉnh của sự thống trị toàn cầu.
TRUNG QUỐC VÀ KẺ THÙ
Tuy nhiên sự vươn lên của phương Tây tới uy thế toàn cầu tự nó cũng thúc
đẩy nhiều sự thay đổi sâu xa hơn. Ông Vương đặc biệt giật mình bởi một
hiện tượng kỳ lạ. Tại sao, khi các quốc gia tư bản đã gần như thống trị
phần còn lại của thế giới, chúng lại dần dần quay lưng với kiểu nhà nước
có chủ quyền Westphalia (1) và hướng tới những tầm nhìn có tính phổ quát
về “sự quản trị toàn cầu” (global
governance), “nhân quyền” và những thứ tương tự? Vương lý giải hiện
tượng này trong luận văn tốt nghiệp, trong bài tiểu luận năm 1985 của
ông: “On New Developments in the
Modern Theory of Sovereignty” (Về những bước phát triển mới trong lý
thuyết hiện đại về chủ quyền), cũng như trong cuốn sách ông xuất bản năm
1987 “State Sovereignty” (Chủ
quyền quốc gia) và các tác phẩm khác hồi đầu thập niên 1990.
Vương cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia phương Tây đã phát
triển một nỗi chán ghét chủ quyền quốc gia, và hướng sự quan tâm tới các
ý tưởng phổ quát luận
(universalist ideas) đúng vào thời điểm họ tìm cách củng cố quyền
kiểm soát các đế quốc thuộc địa rộng lớn. Sau cuộc Chiến tranh Thế giới
lần thứ nhất, khi không còn đất đai để xâm chiếm nhưng lại có hàng loạt
những thuộc địa đã chiếm được, các thế lực thực dân đã phát triển các
thiết chế quốc tế mới, chẳng hạn như Hội Quốc liên (2) và những phương
thức mới để biện minh cho việc thực thi quyền kiểm soát kiểu thuộc địa
hoặc bán thuộc địa của họ trên những miền đất rộng lớn của thế giới, gồm
cả một phần nước Trung Quốc. Cũng trong thời gian này, lý tưởng về quyền
dân tộc tự quyết (3), vốn là bước tiến vĩ đại cuối cùng trong học thuyết
về chủ quyền quốc gia truyền thống, đã bị gạt ra bên lề nhằm duy trì
tình trạng hiện hữu của thế giới. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và
trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các quốc gia phương Tây hàng đầu
vẫn tiếp tục tìm cách hạn chế hoặc kiểm soát tiến trình giải thực
(decolonization), và thường
ra tay đàn áp những người, theo quan điểm của Vương, thật sự đại diện
cho ý chí chính trị của các dân tộc thuộc Thế giới thứ Ba. Từ quan điểm
này, có thể coi những nỗ lực kiên trì của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế Liên bang
Xô-viết là một phần trong truyền thống lâu dài những cố gắng của phương
Tây nhằm duy trì chủ quyền lên phần thế giới ngoài phương Tây, trong khi
phủ nhận quyền của các dân tộc ngoài phương Tây chống lại sự thống trị
này.
Và như vậy khi nhà khoa học chính trị Hoa Kỳ Samuel Huntington phát
triển luận đề “sự va chạm của các nền văn minh” của ông vào đầu thập
niên 1990 – cho rằng xung đột giữa các nhóm nền văn minh lớn như Khổng
giáo, Hồi giáo, thế giới phương Tây sẽ định hình địa chính trị của thế
kỷ 21 - thì ông Vương đã cố ý đưa vào ý tưởng đó một cách diễn dịch thân
thiện với đảng Cộng sản và có ảnh hưởng rộng. Theo ông, cái được cho là
những giá trị phổ quát của nền văn minh phương Tây chỉ là những hình
thức của “chủ nghĩa bành trướng văn hóa”
(cultural expansionism) được
sử dụng để thâm nhập vào xã hội Trung Quốc. Chỉ có thể chống lại sự thâm
nhập này bằng một đảng Cộng sản có khả năng khẳng định vững chắc “chủ
quyền văn hóa của chính mình – “chủ quyền quốc gia về văn hóa” là khái
niệm mà Vương tiếp nhận để đề cập tới khả năng của Trung Quốc trong việc
duy trì sự độc lập về ý thức hệ và sự thống nhất chính trị chống lại sự
phê phán của thế giới bên ngoài.
Những thảm kịch như là vụ bạo lực tiếp sau những cuộc biểu tình phản
kháng ở quảng trường Thiên An Môn
(Tiananmen) năm 1989, theo quan điểm của Vương, là kết quả tự nhiên
của việc cho phép công dân Trung Quốc bị mê hoặc bởi ảnh hưởng của ngoại
bang đến mức xói mòn quyền uy của nhà nước và cuối cùng đe dọa đưa Trung
Quốc trở lại tình trạng “nắm cát trong lòng bàn tay”. Như vậy cả chủ
quyền quốc gia đối ngoại của Trung Quốc, hoặc là tự do thoát khỏi vòng
kiểm soát trực tiếp của phương Tây lẫn chủ quyền quốc gia đối nội – tức
khả năng của nhà nước trong việc tổ chức xã hội và ngăn ngừa xung đột
giữa các giai cấp, các nhóm lợi ích – đều phụ thuộc vào khả năng của
đảng Cộng sản trong việc xác định và áp dụng các giá trị chính trị, thậm
chí cả giá trị đạo đức, theo giới hạn của đảng, và phải được tuân thủ.
Các lý lẽ của Vương về cơ bản là phủ định, đóng khung quanh việc ngăn
chặn các điều ác tiềm tàng hơn là hướng tới một tầm nhìn xác định nào.
Và mặc dù bản thân đảng Cộng sản Trung Quốc đã gia tăng tìm cách thâu
tóm những ngôn từ hùng biện của triết học truyền thống Trung Quốc, song
các trước tác của Vương rất ít khi bộc lộ một quan niệm mang tính dân
tộc vị chủng đặc biệt nào về nhà nước. Điều cốt lõi trong tư tưởng của
Vương không phải là các đặc điểm bản chất của Trung Quốc mà thay vì vậy
là năng lực của nhà nước và của người dân mà nhà nước ấy đại diện cho
quyền lợi của họ trong công cuộc trung lập hóa mọi thế lực có thể chia
rẽ và làm suy yếu khối nhân dân. Tương tự như vậy, mặc dù những bài viết
của Vương thời kỳ trước Thiên An Môn đôi khi tán thành những cuộc cải
cách ôn hòa, chúng vẫn luôn luôn đặt trong yêu cầu phục vụ và phụ thuộc
gần như hoàn toàn vào một mục đích lớn lao hơn là bảo vệ uy quyền của
nhà nước. Cuối cùng, ngay cả việc Vương áp dụng chủ nghĩa Marx cũng chỉ
thường xuyên tập trung vào việc biện minh cho sự ổn định quyền lực của
đảng hơn là hướng tới một xã hội đại đồng không tưởng, cái mà về danh
nghĩa quyền lực đó phải xây dựng được. Không một quan niệm trừu tượng
nào, cho dù đó là tự do, công lý, bình đẳng, xã hội hài hòa, lòng nhân
đức Khổng giáo, thậm chí cả chủ nghĩa duy vật biện chứng… được Vương
quan tâm nhiều như là những dữ kiện trần trụi về quyền uy, sự tuân phục
và trật tự.
NGÒI BÚT CỦA ĐẢNG
Mối bận tâm hàng đầu của Vương đối với vấn đề chủ quyền – và nỗi hoài
nghi của ông đối với cái gọi là sự xâm lấn văn hóa của phương Tây – xuất
hiện liên tục trong những bài viết của ông trong suốt thập niên 1980 và
1990. Năm 1995, tổng bí thư Giang Trạch Dân
(Jiang Zemin) và hai cộng sự
của ông ta là Tăng Khánh Hồng
(Zeng Qinghong) và Ngô Bang Quốc
(Wu Bangguo) mời ông Vương
tham gia Văn phòng nghiên cứu chính sách trung ương đảng Cộng sản Trung
Quốc để nghiên cứu các vấn đề ý thức hệ. Ở đó, Vương giúp thảo ra thuyết
“Ba Đại diện”, đóng góp về ý thức hệ của Giang vào cương lĩnh của đảng.
Thuyết này làm rõ một chức năng “đại diện” chính trị mới của đảng Cộng
sản Trung Quốc, biện minh cho việc kết nạp vào đảng những người thuộc
tầng lớp doanh nhân mới hình thành và người lao động chuyên nghiệp. Từ
đó trở về sau, ông Vương giữ vai trò dẫn dắt công cuộc phát triển những
lý thuyết mang dấu ấn riêng của các tổng bí thư kế tiếp nhau, gồm học
thuyết “Tầm nhìn khoa học về phát triển” của tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và
học thuyết “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm
Trung Quốc trong kỷ nguyên mới” vừa đề cập ở trên. Tập là lãnh tụ đầu
tiên sau Mao được đưa tên tuổi vào cương lĩnh chính trị của đảng, và ở
ông Tập, Vương dường như đã lần đầu tiên nhìn thấy một “đấng quân vương”
mạnh mẽ - kiểu lãnh tụ mà Machiavelli từng tìm kiếm – người có thể biến
thành hiện thực toàn bộ ý tưởng của Vương về bảo vệ chủ quyền quốc gia
của Trung Quốc và chống lại phương Tây.
Sự ủng hộ mà Vương dành cho Tập sẽ được thúc đẩy mạnh hơn nữa bởi thực
tế rằng Vương dường như vươn lên vị trí hiện thời không phải bằng uy
quyền cá nhân của mình mà hầu như dựa chủ yếu vào những mưu đồ của giới
chính trị tinh hoa Trung Quốc. Đặc biệt, theo một số người đã từng làm
việc gần gũi với ba nhà lãnh đạo Trung Quốc sau ông Đặng Tiểu Bình thì
Vương gần như là ủy viên bộ chính trị duy nhất mà cả ba ông Giang, Hồ và
Tập đều không coi là mối đe dọa cho quyền lực của họ, và do đó là vô
hại. Các nhà lý luận của đảng trước đây, gọi là những ngòi bút của đảng
(biganzi), từng leo lên tới
các vị trí đầy quyền lực – kể cả Trần Bá Đạt cũng như những người hoài
nghi cải cách sau này như Hồ Kiều Mô
(Hu Qiaomu) và Đặng Lập Quần
(Deng Liqun) – cũng từng lên
voi hoặc xuống chó tương tự tùy vào sự thay đổi trong giới tinh hoa bảo
trợ họ. Nhận thức của Vương về những tiền lệ này cho ông có thêm lý do
để bảo đảm rằng những đóng góp về ý thức hệ của Vương sẽ tiếp tục biện
minh cho quyền lực không thể bị phản đối của đảng và của lãnh tụ Tập.
Thật vậy, từ tháng 10 năm ngoái, Vương đã công khai kêu gọi các nhà báo
phải “kiên định đi theo đảng” và đã bình luận với các nhà lãnh đạo các
công ty công nghệ Trung Quốc và phương Tây về nhu cầu bảo vệ “chủ quyền
trên mạng internet” (cyber
sovereignty) của Trung Quốc.
Phân tích hiện thời về ảnh hưởng của Vương bị chia rẽ giữa những người
coi ông ta là tín đồ thật sự tin tưởng vào “chủ nghĩa chuyên chế mới”
(neo-authoritarianism) và
những người phát hiện ra một xúc cảm tự do thận trọng trong những lời
bình luận rải rác của ông về giá trị của nền dân chủ và pháp quyền đối
với nhà nước hiện đại. Nhưng sẽ là một sai lầm khi cố tìm xem ông này có
đặt tầm quan trọng tối hậu vào những mục đích cá nhân, dù được biểu lộ
công khai hay “tiềm ẩn”, hay không. Ngay cả khi ở gần đỉnh cao quyền
lực, Vương vẫn là người tuân thủ và phụ thuộc vào lợi ích của đảng Cộng
sản Trung Quốc. Trừ phi có một cuộc khủng hoảng nào đó chưa nhìn thấy
được, các công việc công cộng của ông ta vẫn sẽ tiếp tục phục vụ cho
đảng. Và do vậy, cái lý thuyết của chính Vương sẽ biện minh cho sự phụ
thuộc của ông ta.
(*) Ryan Mitchell là phó giáo sư
luật, đại học Trung Hoa ở Hong Kong.
Chú thích (của người dịch):
(1) Chủ quyền Westphalian, hoặc chủ quyền quốc gia, là nguyên tắc pháp
lý quốc tế có nguồn gốc từ hiệp định Westphalia ký kết giữa các quốc gia
châu Âu năm 1648 để chấm dứt cuộc Chiến tranh Ba Mươi Năm. Theo nguyên
tắc này mỗi quốc gia-nhà nước đều có chủ quyền đối với lãnh thổ và công
việc nội bộ của mình, loại trừ mọi thế lực bên ngoài, theo nguyên tắc
không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Mọi quốc gia, dù lớn
hay nhỏ, đều bình đẳng trước luật pháp quốc tế.
(2) Hội Quốc liên (The League of
Nations) – tiền thân của Liên hiệp quốc – là tổ chức liên chính phủ
đầu tiên được thành lập ngày 10/1/1920 theo quyết định của hội nghị hòa
bình Paris về chấm dứt Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (1914-1918).
Nhiệm vụ của Hội Quốc liên là bảo vệ hòa bình thế giới, ngăn ngừa chiến
tranh thông qua cơ chế an ninh tập thể, giải trừ quân bị và dàn xếp
tranh chấp quốc tế thông qua đối thoại. Vào thời đỉnh cao (1934-1935)
Hội có 58 quốc gia là thành viên, trong đó không có Hoa Kỳ. Tuy nhiên,
sự bùng nổ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai (1939-1945) cho thấy Hội
Quốc liên đã không hoàn thành được nhiệm vụ và hội đã giải thể sau 26
năm tồn tại. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Liên hiệp quốc được
thành lập để kế tục những nhiệm vụ của Hội Quốc liên với tổ chức chặt
chẽ hơn, rộng rãi hơn.
(3) Quyền tự quyết của các dân tộc
(national self-deternimation)
– quy định một dân tộc, dựa trên nguyên tắc bình đẳng về quyền và công
bằng về cơ hội, được tự do lựa chọn chủ quyền và vị thế chính trị quốc
tế mà không ai can thiệp được - là nguyên tắc căn bản nhất của luật pháp
quốc tế hiện đại, được khẳng định trong Hiến chương Liên hiệp quốc.
Được khởi xướng từ năm 1860, nguyên tắc dân tộc tự quyết được chính thức
tôn vinh tại hội nghị hòa bình Paris về chấm dứt Chiến tranh Thế giới
lần thứ nhất, trong tuyên ngôn 14 điểm ngày 8/1/1918. Tổng thống Hoa Kỳ
Woodrow Wilson tuyên bố: “Các khát vọng dân tộc phải được tôn trọng; giờ
đây người dân được thống trị và chỉ được cai trị theo sự ưng thuận của
họ. ‘Tự quyết’ không phải là lời nói suông mà là một nguyên tắc hành
động bắt buộc”. Nhân dịp này, nhóm người Việt Nam yêu nước tại Paris đã
gửi kiến nghị tới hội nghị, yêu cầu chính quyền thực dân Pháp trao trả
quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam. |