Người dịch: Huỳnh Hoa
Trung Quốc
trở về với sự cai trị độc tài Ý nghĩa vi ệc thâu tóm quyền lực của Tập Cận Bình
Bùi Mẫn Hân
Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu trong chính trị Trung Quốc. Vào ngày 24
tháng 10, khi đại hội toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc
hạ màn, các đại biểu của đảng đã sửa đổi điều lệ của tổ chức này để
thiêng hóa một nguyên tắc ý thức hệ có vai trò dẫn dắt mới: “Tư tưởng
Tập Cận Bình” (Xi Jinping). Ít có nhà quan sát nào biết chính xác học
thuyết này dẫn tới cái gì – đó là một tập hợp vô hình vô ảnh những ý
tưởng về duy trì nhà nước độc đảng của Trung Quốc và chuyển hóa đất nước
thành một cường quốc toàn cầu – nhưng đa số đều lập tức nắm được cái
biểu trưng chính trị trong sự ra đời học thuyết này. Đảng Cộng sản đã đề
cao những đóng góp về ý thức hệ của nhà lãnh đạo Trung Quốc lên ngang
tầm với những đóng góp của Mao Trạch Đông (Mao Zedong) và Đặng Tiểu Bình
(Deng Xiaoping), hai lãnh tụ đảng Cộng sản Trung Quốc duy nhất có ý
tưởng được thánh hóa như vậy.
Đây mới chỉ là dấu hiệu đầu tiên rằng ông Tập đã giành được một thắng
lợi chính trị quan trọng tại đại hội đảng. Quy mô thực sự của chiến
thắng của ông trở nên rõ ràng vào ngày hôm sau, khi các đại biểu đảng
chọn ra các ủy viên mới của ủy ban thường vụ bộ chính trị, cơ quan quyết
định cấp cao nhất của Trung Quốc. Ông Tập lấp đầy cái ủy ban bảy người
này bằng những người trung thành với ông, tất cả đều quá già để có thể
có cơ hội lên thay vị trí của ông trong đại hội đảng lần tới vào năm
2022. Kết quả là ông Tập sẽ cai trị 15 năm nữa và có thể lâu hơn.
Tuy có vẻ rất vững mạnh, giờ đây ông Tập phải có đủ vốn chính trị để bảo
đảm một nhiệm kỳ kéo dài trong tư cách lãnh tụ Trung Quốc. Trong thực
tế, ông sẽ cần thực hiện lời cam kết tái cân bằng và làm cho bền vững đà
tăng trưởng kinh tế và tái cơ cấu hệ thống tư pháp của Trung Quốc.
Sự gia tăng quyền lực của ông
Tập
Trong số bảy ủy viên thường trực bộ chính trị khóa trước của đảng Cộng
sản Trung Quốc, chỉ hai người còn tại nhiệm: ông Tập và người phó của
ông, thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang). Năm ủy viên khác của cơ quan
này là người mới và bốn trong số họ là thân tín của ông Tập.
Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), nhân vật thứ ba và mới của đảng, đã gây dựng
một tình bạn thân thiết với ông Tập hơn 30 năm về trước và là chánh văn
phòng của ông Tập trong nhiệm kỳ đầu của ông, từ năm 2007. Một thuộc hạ
trung thành khác, ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji) sẽ là người chỉ huy mới
của công cuộc chống tham nhũng, đóng vai người canh tay chủ lực thực
hành chỉ thị của ông Tập. Người lãnh đạo cũ của cơ quan này, ông Vương
Kỳ Sơn (Wang Qishan) đã giữ vai trò người xoay chuyển trong việc giúp
ông Tập loại bỏ các đối thủ và củng cố quyền lực trong nhiệm kỳ đầu.
Nhiều nhà quan sát Trung Quốc đã nhận ra hai gương mặt mới và khác trong
ủy ban thường vụ, ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) và Hàn Chính (Han
Zheng), là thành viên của cái gọi là Nhóm Thượng Hải – một nhóm đầu sỏ
câu kết với cựu chủ tịch Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) – một lối suy
nghĩ nhằm đặt nghi vấn về lòng trung thành của hai ông này đối với ông
Tập. Nhưng cách đánh giá như vậy là không chính xác. Ông Vương đã từng
là cố vấn chính về ý thức hệ cho cả ba đời lãnh tụ đảng – ông Giang, ông
Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) và ông Tập – và không có khả năng ông ta sẽ gắn
bó với nhóm của ông Giang để gây nguy hiểm cho mối quan hệ với ông Tập
sau khi nhóm ông Giang đã bị tiêu hao nhiều vì đòn phép chống tham nhũng
của ông Tập. Ông Hàn cũng vậy, ông ta là người có năng lực, một nhà kỹ
trị điềm tĩnh không có sự trung thành vĩnh viễn với Nhóm Thượng Hải.
Thực ra, khi ông Tập làm bí thư Thượng Hải trong các năm 2006-2007 thì
ông Hàn đã là thị trưởng thành phố và là cánh tay mặt của ông Tập. Ủy
viên thứ bảy trong ủy ban thường vụ là ông Uông Dương (Wang Yang), một
người có quan hệ với Nhóm Đoàn Thanh niên đối lập. Ông Uông sẽ trở thành
lãnh đạo của hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính
hiệp) – một cơ quan tư vấn của đảng.
Ông Tập cũng thành công trong việc lấp đầy bộ chính trị 25 thành viên
bằng những đồng minh của mình. Có ít nhất 11 trong số 15 thành viên mới
của bộ chính trị nằm trong nhóm của ông Tập. Kết quả là, giờ đây ông có
thể giành tới 18 phiếu trong bộ chính trị. Các quyết định của ông sẽ
được bộ chính trị và ủy ban thường vụ phê chuẩn với số phiếu áp đảo, từ
đó sẽ có quyền lực phi thường. Hơn thế nữa, các đồng minh của ông Tập
trong bộ chính trị, một số người còn khá trẻ, sẽ là những ứng viên mạnh
để được đưa vào ủy ban thường vụ trong đại hội đảng lần thứ 20 vào năm
2022.
Thắng lợi chính trị lớn lao nhất mà ông Tập giành được tại đại hội là sự
chấm dứt thông lệ của đảng, theo đó một nhà lãnh đạo mới sẽ được chính
thức đề bạt ít nhất 5 năm trước ngày nhận chuyển giao quyền lực. Truyền
thống này có từ năm 1992, khi ông Đặng chọn ông Hồ làm người kế tục ông
Giang mười năm trước ngày ông Hồ đảm nhiệm chức vụ. Tương tự như vậy năm
2007 đảng đã chọn ông Tập làm người kế nhiệm ông Hồ. Thông lệ này làm
giảm rủi ro tranh giành quyền kế tục trong đảng và giúp thực thi quy
định không chính thức về giới hạn số nhiệm kỳ của các lãnh đạo cấp cao
nhất là hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Nhưng đảng chưa bao giờ pháp
chế hóa những truyền thống này trong điều lệ của mình và một lãnh đạo
đương nhiệm muốn tìm cách kéo dài sự cai trị của mình sẽ luôn có thể
chấm dứt các truyền thống đó nếu như có đủ quyền lực.
Đây rõ ràng là trường hợp của ông Tập; ông và các đồng minh của ông đã
đi những nước cờ xuất sắc để thoát ra khỏi tiền lệ. Trước tiên, vào mùa
thu năm 2016, đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức phong ông Tập là “lãnh
tụ hạt nhân” (core leader)
của đảng, khiến ông là lãnh tụ duy nhất từ thời ông Đặng tự mình có được
cái danh hiệu đáng thèm muốn ấy và gửi một thông điệp cho các nhân vật
cao cấp khác rằng vị trí của ông Tập là bất khả xâm phạm. (Ông Giang
cũng được làm core leader
nhưng do ông Đặng phong, còn ông Hồ không bao giờ nhận được danh hiệu
này). Vài tháng sau đó, vào tháng Giêng năm nay, các đặc vụ an ninh
Trung Quốc đã bắt cóc nhà tài phiệt Tiểu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) tại một
căn hộ trong khu Four Seasons ở Hong Kong. Vụ bắt cóc nhằm ngăn chặn
những thách thức tiềm tàng đối với kế hoạch của ông Tập: là nhà tài
phiệt cung cấp tiền bạc cho nhiều lãnh đạo chóp bu Trung Quốc, ông Tiểu
có khả năng nắm giữ nhiều thông tin có thể dùng để buộc tội một số đối
thủ của Tập.
Tháng Bảy, Tập có thêm một động tác nữa: ra lệnh bắt giam bí thư đảng
thành phố Trùng Khánh Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) về tội tham nhũng. Vụ
hạ bệ ông Tôn có nhiều ý nghĩa, một phần vì ông này kết giao với nhóm
ông Giang và còn vì ông này còn trẻ đến mức nếu để cho ông ta yên thì
ông ta sẽ là một người kế nhiệm hợp lý của ông Tập. (Ủy viên bộ chính
trị nói chung phải dưới 55 tuổi thì mới đủ điều kiện xem xét làm người
kế tục tương lai). Giờ đây sau khi ông Tôn đã bị loại bỏ thì chỉ còn một
ủy viên bộ chính trị có tuổi đủ trẻ để có thể làm người kế nhiệm ông Tập
vào năm 2022: cựu bí thư tỉnh Quảng Đông Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua). Nhưng
ông Hồ 55 tuổi này vừa rồi không được đề bạt vào ủy ban thường vụ bộ
chính trị, rõ ràng ông ta không đủ điều kiện để kế nhiệm ông Tập vào năm
2022 nữa. Ông Hồ có khả năng sẽ được bố trí chức phó chủ tịch nặng tính
tượng trưng vào tháng Ba năm tới.
Với ít sự lựa chọn như vậy, ông Tập sẽ có cái cớ hoàn hảo để trì hoãn
việc đưa ra quyết định ai là người sẽ kế nhiệm ông. Sự thống trị của ông
trong bộ chính trị và ủy ban thường vụ sẽ giúp ông có đủ quyền lực để
làm như vậy, bảo đảm cho ông có thêm nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba tại đại
hội kế tiếp của đảng vào năm 2022.
Ông Tập sẽ sửa đổi điều lệ đảng và hiến pháp Trung Quốc để hợp pháp hóa
sự kéo dài quyền lực của ông. Chẳng hạn như ông có thể đảm nhiệm vị trí
chủ tịch đảng – khôi phục một chức vụ đã bị bãi bỏ trong điều lệ đảng –
và khởi động lại việc tính thời gian lãnh đạo đảng của ông. Còn đối với
giới hạn hai nhiệm kỳ ở chức vụ chủ tịch nhà nước Trung Quốc (thường
được nói tới “chức chủ tịch”
(presidency) trong tiếng Anh nhưng để phù hợp ra phải dịch là “chức
chủ tịch hội đồng” (chairmanship))
nó có thể được thay đổi chỉ với một sự điều chỉnh về ngữ nghĩa: các quan
chức có thể sửa đổi hiến pháp Trung Quốc để chức danh chính thức của ông
Tập trở thành “chủ tịch”
(president). Bằng việc bảo đảm thêm hai nhiệm kỳ 5 năm mới với tư
cách người đứng đầu cả đảng và nhà nước, ông Tập sẽ có thể cầm quyền cho
đến tận năm 2032.
Pháp trị
Những câu hỏi lớn nhất về kỷ nguyên mới của Trung Quốc đều xoay quanh
chương trình của ông Tập. Ít ai kỳ vọng ông Tập sẽ trở thành nhà cải
cách chính trị do những cuộc đàn áp xã hội dân sự và quyền tự do
internet trong suốt nhiệm kỳ đầu của ông. Nhưng những người lạc quan tin
rằng, quyền lực tối cao mới giành được của ông Tập sẽ khiến ông được tự
do theo đuổi những cuộc cải cách khác nữa, giới thiệu các cải cách kinh
tế thân thiện với thị trường và tái cơ cấu hệ thống tư pháp Trung Quốc
để bảo vệ quyền tư hữu và thúc đẩy phát triển một cách hiệu quả hơn.
Trong thực tế, ít có điều gì cho thấy rằng một làn sóng mới về cải tổ
kinh tế đang hình thành. Ông Tập đã thủ đắc quyền lực to lớn trong suốt
nhiệm kỳ đầu, năm 2013 ông đã đưa ra kế hoạch đầy tham vọng nhằm đại tu
nền kinh tế Trung Quốc để “[cho phép] các lực lượng thị trường đóng một
vai trò quyết định” như kế hoạch đã công bố. Nhưng từ ngày đó, ông chỉ
làm được vài bước tiến rất khiêm tốn. Nhờ chính sách tiền tệ lỏng lẻo,
mô hình tăng trưởng do đầu tư thúc đẩy và được tín dụng tiếp nhiên liệu
vẫn đứng vững, góp phần nâng tỷ lệ nợ so với tổng sản lượng GDP của
Trung Quốc từ mức 215% năm 2012 lên 242% năm 2016. Và mặc dù các doanh
nghiệp nhà nước nợ nần đầm đìa của Trung Quốc đang trì kéo nền kinh tế
quốc gia, chúng vẫn có một vị trí đặc biệt trong tầm nhìn tương lai của
ông Tập. Tháng 7-2016, ông lập luận rằng các doanh nghiệp này cần phải
trở nên “mạnh hơn, tốt hơn, lớn hơn, không có sự dè dặt nào”.
Niềm tin của các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào các chính sách hiện hành là
một lý do khác để các nhà quan sát không nên đặt quá nhiều hy vọng vào
cải cách kinh tế. Mặc dù đã có những lời cảnh báo rằng nợ nần không
chống đỡ được sẽ dẫn tới sụp đổ tài chính, nhưng Bắc Kinh vẫn chưa phải
trả một cái giá đắt cho việc bám chặt vào chiến lược bơm tín dụng để hỗ
trợ tăng trưởng. Thật vậy, hoạt động kinh tế gần đây của Trung Quốc –
tăng trưởng GDP chắc chắn sẽ vượt qua mục tiêu chính thức là từ 6,5-6,7%
trong năm nay – đã làm sâu sắc thêm niềm tin của các nhà hoạch định
chính sách vào mô hình hiện hành.
Cuối cùng, bởi vì tất cả các cuộc cải cách kinh tế mạnh mẽ trong quá khứ
đều được thôi thúc bởi những vụ khủng hoảng, những cú sốc nên các nhà
quan sát nên giảm nhẹ cái khả năng Bắc Kinh sẽ theo đuổi những sự cải tổ
sâu rộng một khi nền kinh tế vẫn đang vận hành tương đối tốt như ngày
hôm nay.
Thay vì vậy, ưu tiên chính trị hàng đầu của ông Tập trong tương lai gần
rất có thể là cải tổ toàn diện hệ thống tư pháp Trung Quốc, không phải
nhắm tới sự thiết lập nhà nước pháp quyền
(rule of law) thật sự mà là
thực hiện pháp trị (rule by law),
theo đó nhà nước sẽ dùng hệ thống tư pháp để duy trì sự kiểm soát về
chính trị, xã hội và kinh tế. Nếu như vậy thì kết quả rất có thể là sự
đàn áp chứ không phải là sự tiến bộ.
Có ba dấu hiệu cho thấy ông Tập sẽ tập trung vào cải cách tư pháp. Một
là, đại hội đảng đã phê chuẩn kế hoạch của ông Tập cải tổ hệ thống tư
pháp qua việc thành lập một “nhóm lãnh đạo về quản trị toàn diện đất
nước theo luật pháp”, một cơ quan mà ông Tập là người đứng đầu. Thứ đến,
ông Tập đã bổ nhiệm tay chân thân tín nhất của ông, ông Lật Chiến Thư,
làm chủ tịch Đại hội Nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, cơ
quan lập pháp của quốc gia, sẽ soạn thảo và thông qua các luật lệ thiết
yếu cho việc hiện thực hóa tầm nhìn của ông Tập. Cả hai biện pháp này
cho thấy rằng, chẳng bao lâu nữa, cải cách tư pháp sẽ nhận được rất
nhiều sự quan tâm ở cấp cao. Cuối cùng, ông Tập là người tin tưởng sâu
sắc vào truyền thống pháp trị của Trung Quốc và trọng tâm của nhóm lãnh
đạo mới về quản trị “toàn diện” phản ánh tham vọng đó.
Như đã thấy, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Tập đã ban hành một
số luật quan trọng nhằm kiểm soát xã hội, siết chặt hoạt động an ninh
mạng của Trung Quốc và hạn chế các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Nhưng để tái xác nhận quyền lực của đảng đối với xã hội và để cung cấp
nền tảng pháp lý vững chắc cho chế độ độc tài chuyên chế thì còn nhiều
chuyện phải làm. Ví dụ, Trung Quốc có thể áp đặt thêm nhiều hạn chế đối
với các tổ chức phi chính phủ nội địa, ban hành những luật lệ mới về
giáo dục tư tưởng trong các trường đại học, cao đẳng hoặc viết lại bộ
luật hình sự sao cho nó trở thành công cụ ngày càng hiệu quả trong việc
trấn áp sự phản kháng trong nước. Mục đích sẽ là biến đổi Trung Quốc từ
một chế độ tản quyền hậu toàn trị chủ nghĩa thành một chế độ độc tài
chuyên chế được cai trị bởi một đảng Leninist có kỷ luật.
Thói quan liêu
Trong ngắn hạn, các kế hoạch của ông Tập sẽ không gặp nhiều sự phản
kháng công khai. Cuộc đàn áp thẳng tay giới bất đồng chính kiến và xã
hội dân sự của ông đã có hiệu quả một cách đáng buồn, và đã xóa bỏ mọi
mối đe dọa đối với sự cai trị của chế độ trong tương lai gần. Giờ đây,
vai trò tối thượng của ông Tập trong đảng Cộng sản đã bao trùm tới mức
không thể hình dung được có đồng nghiệp nào của ông dám đứng ra thách
thức ông.
Sự phản kháng thật sự đối với tham vọng của ông Tập sẽ đến từ guồng máy
hành chính quan liêu to lớn của Trung Quốc. Các quan chức cấp thấp và
cấp trung của chế độ, số lượng lên tới hàng triệu người, là những con
người có tính tư lợi đầu tiên và cao nhất, và họ quan tâm nhiều tới
chuyện gia tăng đặc quyền và của cải của chính mình hơn là thúc đẩy
những mục tiêu ý thức hệ trừu tượng. Khi ông Tập giải thể cơ chế chia sẻ
quyền lực và bổng lộc từng là đặc trưng của trật tự ở Trung Quốc thời kỳ
sau biến cố Thiên An Môn, triển vọng về quyền lực và tiền bạc của những
cán bộ trong guồng máy quan liêu này cũng phai mờ dần. Đã không còn
những băng nhóm tinh hoa để họ nhập vào, cũng không có nhiều người đỡ
đầu để họ phục vụ. Ngày nay, mỗi quan chức đều phải cạnh tranh giành ân
huệ của một chế độ do một nhóm duy nhất thống trị, và có rất ít con
đường để thăng tiến so với thời kỳ trước khi ông Tập nắm quyền. Tệ hơn
nữa, công cuộc trấn áp tham nhũng của ông Tập đã xóa sổ những hành vi
hối lộ béo bở, những bổng lộc từng bảo đảm cho lối sống của giới cán bộ
trong suốt hai thập kỷ qua. Trừ phi ông Tập bớt nghiêm khắc và cho phép
đa số quan chức trong guồng máy được tiếp tục thu vén cho cá nhân họ,
lòng trung thành sẽ mất đi sức hấp dẫn của nó.
Tất nhiên phần lớn các cán bộ cấp thấp hơn sẽ không từ bỏ đảng Cộng sản
hoặc biểu lộ công khai sự bất mãn của họ. Thay vì vậy họ sẽ làm những gì
mà guồng máy quan lại Trung Hoa đã làm trong hàng ngàn năm qua: phản ứng
một cách thụ động với những mệnh lệnh từ cấp cao nhất. Mục tiêu của
những cán bộ này là làm cho ông Tập phải nhận ra giá trị của họ và tưởng
thưởng cho họ một cách tương xứng, có thể bằng cách chấm dứt cuộc trấn
áp tham nhũng và yêu cầu thắt lưng buộc bụng. Cách thức duy nhất để đạt
được điều này là thông qua sự tránh né, dối gạt của hệ thống quan liêu,
làm chậm lại vòng quay của guồng máy hành chính và làm trì trệ cỗ máy
kinh tế của Trung Quốc nhằm thu hút sự chú ý của ông Tập. Cho dù quyền
lực của ông Tập có sâu rộng đến đâu thì nó cũng bị xói mòn nhanh chóng
nếu tăng trưởng kinh tế bị trì trệ vài năm và giới quan chức Trung Quốc
biết rõ điều đó.
Ông Tập không phải là nhà lãnh đạo đầy quyền năng đầu tiên của Trung
Quốc phải đối mặt với guồng máy quan liêu cứng đầu cứng cổ. Ông Mao cũng
đã đương đầu với một thách thức tương tự vào đầu thập niên 1960, khi ông
nghĩ rằng các cán bộ đảng không có đủ nhiệt tình cách mạng. Một trong
những động cơ để ông Mao phát động cuộc Cách mạng Văn hóa là sử dụng
khủng bố của đám đông để đưa guồng máy quan liêu vào kỷ luật và phục hồi
tinh thần cách mạng.
Nhưng ông Tập không phải là người tin tưởng vào các phong trào quần
chúng và ông cũng không có cái uy tín tuyệt đối của ông Mao, người có
thể huy động hàng trăm triệu thường dân Trung Quốc vào một hành động
chung. Thay vì vậy, ông Tập phải tìm cách mở rộng phạm vi quyền lực của
ông từ cấp ủy ban trung ương xuống tới các tỉnh thành quận huyện. Đó là
một công việc nặng nhọc và tốn nhiều thời gian, chẳng hạn như nỗ lực xem
xét và tuyển dụng cán bộ có triển vọng ở cấp địa phương.
Nhiều viên chức cấp thấp và cấp trung sẽ gia nhập phe của ông Tập. Nhưng
khi cơ sở của ông mở rộng, nó cũng có thể gieo những hạt mầm tranh chấp
trong nội bộ đảng. Biết rằng trận chiến kế tiếp để giành quyền lực tối
thượng sẽ diễn ra trong 10, 15 năm nữa, khi ông Tập tiến tới ngày ra
khỏi quyền lực, những thủ hạ bề ngoài có vẻ trung thành của ông sẽ quan
tâm nhiều tới việc xây dựng quyền lực của riêng họ hơn là thực thi
chương trình của ông Tập. Đây là chuyện đã xảy ra trong thời Cách mạng
Văn hóa: sau khi Mao diệt xong các đối thủ thì những thủ hạ trung thành
của ông ta, nhóm Lâm Bưu (Lin Biao) và nhóm Tứ Nhân Bang
(Gang of Four) đã nhanh chóng
đối địch với nhau vì lo sợ rằng nhóm kia sẽ tự đặt mình vào vị thế nối
nghiệp vị chủ tịch già nua ấy.
Trong bàn tay của Tập
Trong những năm tháng sau khi Mao Trạch Đông qua đời, các nhà lãnh đạo
Trung Quốc bắt đầu hiểu rằng, tập trung quyền lực vào tay một nhân vật
đơn lẻ có thể gây thảm họa cho đảng. Đó là lý do tại sao những người
sống sót sau cuộc Cách mạng Văn hóa đã tập hợp lại trong thập niên 1980
để bảo đảm rằng không bao giờ một lãnh tụ như Mao lại có thể cai trị
Trung Quốc. Những sự thay đổi mà nhóm này đưa ra – chẳng hạn như cơ chế
lãnh đạo tập thể, những luật lệ không chính thức về sự kế nhiệm, và
những sự bảo đảm ngầm về an ninh cho các lãnh đạo cấp cao – đã sinh ra
một sự ổn định của giới tinh hoa trước đây chưa từng thấy trong lịch sử
của đảng. Chúng cũng giúp cho chế độ tránh được những sai lầm nguy hiểm
phát sinh từ sự giao phó quyền lực vào tay một cá nhân.
Các quan chức Trung Quốc dường như đã quên những bài học này. Giờ đây
đảng Cộng sản đã quay lại với sự cai trị chuyên chế của một nhà độc tài,
tương lai của nó sẽ phụ thuộc phần lớn vào phẩm chất những quyết định
của ông Tập. Sẽ có rất ít hạn chế về cách thức ông này đưa ra quyết
định. Lần cuối cùng mà đảng có một lãnh tụ với quyền lực không bị kiểm
soát như thế thì hậu quả là thảm họa. Chỉ có thể hy vọng rằng, lần này
các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết những gì mà họ đang làm – và rằng kết
quả sẽ không giống trước.
Nguồn: China’s Return to
Strongman Rule - Foreign Affairs, ngày 1-11-2017
|