Calitoday
3-6-18

Rất nghiêm trọng’: Trương Minh Tuấn bắt đầu ‘gặp’ Đinh La Thăng

Thiền Lâm

Nhân vật ‘kiên định cách mạng’ – Bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn có lẽ không còn cơ hội để giữ được tinh thần cách mạng nữa: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa kết luận vụ MobiFone mua AVG có những vi phạm của Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin – Truyền thông, trong đó nêu rõ vi phạm của các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng.

Kết luận trên được Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Trần Cẩm Tú – người vừa thay cho Trần Quốc Vượng làm chủ nhiệm cơ quan ‘cánh tay mặt’ này tại hội nghị trung ương 7 – phát ra dưới dạng thông cáo báo chí.

Rất đáng chú ý, có thể cho rằng đây là lần đầu tiên, hoặc một lần hiếm hoi mà một cơ quan luôn có truyền thống ‘bảo mật’ như Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại phát ra thông báo dưới dạng thông tin rộng rãi cho báo chí. Rất có thể động tác này xuất phát từ yêu cầu “công khai hóa’ mà Tổng bí thư Trọng có vẻ thiên về chủ trương này trong thời gian gần đây.

Vào lần này khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận kiểm tra với ‘án’ ở mức độ ‘rất nghiêm trọng’, liệu Ủy viên trung ương đảng Trương Minh Tuấn có phản ứng nhanh nhạy và quyết liệt như đã từng làm vào tháng Ba?

Chỉ cách đây vài tháng, sau cú phản đòn với văn bản phản bác kết luận thanh tra nhưng không thành công khi bị chính cấp trên ra lệnh gỡ văn bản đó khỏi mặt báo chí nhà nước, quyền tự do ngôn luận của “kẻ bịt miệng” báo chí nhà nước là Trương Minh Tuấn đã bị chính những đồng chí không đồng lòng của ông ta bịt miệng lại. Bi kịch này có nét khá giống với trường hợp của Đinh La Thăng khi ông Thăng còn là ủy viên bộ chính trị: vào cuối tháng Tư năm 2017 khi còn là bí thư thành ủy TP.HCM, Đinh La Thăng đã vội vã làm bản giải trình về trách nhiệm của ông ta khi còn là Chủ tịch hội đồng thanh viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sau đó chỉ đạo Văn phòng thành ủy gửi đến 200 ủy viên trung ương như một cách “minh bạch hóa thông tin” và phản bác kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương đối với những sai phạm bị xem là “rất nghiêm trọng” của ông Thăng. Nhưng ngay sau đó, Văn phòng trung ương đảng đã chỉ thị thu hồi toàn bộ bản giải trình của ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng. Thu thẳng tay từ những người còn chưa kịp bóc bao thư, không cần một sự tế nhị nào.

Còn giờ đây, Trương Minh Tuấn đang ‘ứng’ với Đinh La Thăng bởi tính chất ‘rất nghiêm trọng’ trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Theo nguyên tắc đảng trị, nếu đảng viên bị cơ quan kiểm tra đảng kết luận có sai phạm ở mức độ nhẹ thì bị khiển trách đảng nhưng vẫn có thể được cho tiếp tục giữ chức – mà minh họa gần đây và nổi bật nhất là trường hợp Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch Đà Nẵng – vẫn nghiễm nhiên ngự tọa sau khi bí thư thành phố này là Nguyễn Xuân Anh đã bị ‘cách mọi chức vụ’ trong cuộc chiến dữ dội giữa các nhóm quyền lực và lợi ích ở thủ phủ miền Trung. Còn nếu đảng viên vi phạm nghiêm trọng thì bị cảnh cáo và có thể bị cách chức hoặc bị điều chuyển sang vị trí khác thấp hơn. Nhưng nếu đảng viên sai phạm rất nghiêm trọng thì chắc chắn sẽ bị cách chức, bị khai trừ đảng và còn có thể bị khởi tố và truy tố.

Sau khi bị kết luận về sai phạm ‘rất nghiêm trọng’, Đinh La Thăng đã bị loại rất nhanh khỏi Bộ Chính trị vào tháng Năm năm 2018, bị hất khỏi cái ghế bí thư thành ủy TP.HCM và đưa về Ban Kinh tế trung ương nhằm ‘nhốt quyền lực vào lồng’ – một cách ví von mà tổng bí thư Trọng sính dùng theo lối giới chính trị gia mới nổi ở Trung Quốc.

Những tưởng cuộc đời Đinh La Thăng đã ‘hạ cánh an toàn’. Nhưng chỉ ít tháng sau, ông Thăng đã bị khởi tố, không những thế mà còn phải tra tay vào còng, và không chỉ tra tay vào còng mà còn bị truy tố trong một thời gian ngắn kỷ lục để cuối cùng phải nhận hai bản án tù với tổng cộng thời gian ‘bóc lịch’ đến 31 năm trời.

‘Đường đi’ của Trương Minh Tuấn lại đang khá giống với Đinh La Thăng.

Kết luận ‘rất nghiêm trọng’ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với hai quan chức cao cấp Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, cùng cái cách phát thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy áp lực dư luận đối với Nguyễn Phú Trọng trong vụ ‘Mobifone mua AVG’ là đủ lớn, để ông Trọng không thể chỉ ‘chống tham nhũng thời kỳ trước’ hay ‘chống tham nhũng một bên’, mà còn phải ‘chống tham nhũng cả phe ta’.

Do những điểm đồng dạng với vụ việc của Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn đang tràn đầy cơ hội để nhẹ nhất cũng phải rời khỏi cái ghế Bộ trưởng thông tin truyền thông đầy quyền lực và được biệt danh là ‘sát thủ báo chí’.

Vào tháng Năm năm 2018, Bộ Công an đã tiếp nhận bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ từ Thanh tra Chính phủ. Nếu vụ việc này được tiến hành ‘đúng quy trình’, sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ là phần việc của cơ quan điều tra, kiểm sát và tòa án.

Tức trong tương lai gần, Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vẫn có thể ‘theo chân’ Đinh La Thăng, để khi đó sẽ phải thốt lên tại tòa: ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người!’.