Steven Levitsky & Daniel Ziblatt: This is how democracies die Guardian, 21-1-2018
Người dịch: Huỳnh Hoa
Chế độ dân chủ chết như thế nào
Steven Levitsky và Daniel
Ziblatt
Chế độ độc tài trần trụi – dưới hình thức chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa
cộng sản hoặc chế độ quân quản – đã biến mất gần như khắp thế giới.
Những vụ đảo chính quân sự hoặc cướp chính quyền bằng bạo lực ít khi xảy
ra. Đa số các quốc gia đều tổ chức tuyển cử định kỳ. Các nền dân chủ
chết nhưng theo những cách thức khác.
Từ cuối cuộc Chiến tranh Lạnh, phần lớn những vụ sụp đổ của các chế độ
dân chủ đều không do các tướng lãnh và binh lính gây ra mà do chính các
chính phủ được bầu lên. Giống như ông Hugo Chávez ở Venezuela, các nhà
lãnh đạo được bầu lên đã làm băng hoại các thiết chế dân chủ
(democratic institutions) ở
Gruzia, Hungary, Nicaragua, Peru, Philippines, Ba Lan, Nga, Sri Lanka,
Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine.
Cuộc thoái trào của chế độ dân chủ hôm nay bắt đầu từ thùng phiếu. Con
đường bầu cử (electoral route)
dẫn tới sự sụp đổ của chế độ dân chủ có tính lừa dối một cách nguy hiểm.
Trong một cuộc đảo chính kiểu cổ điển, ví dụ như cuộc đảo chính của
Pinochet ở Chile, cái chết của nền dân chủ xảy ra tức thì và rõ ràng, ai
cũng nhìn thấy. Dinh tổng thống bị đốt cháy. Tổng thống bị hạ sát, bị
cầm tù hoặc bị lưu đày biệt xứ. Hiến pháp bị đình chỉ thi hành hoặc bị
hủy bỏ.
Những chuyện này không hề xảy ra trên con đường bầu cử. Không có xe tăng
trên đường phố. Hiến pháp và các thiết chế dân chủ về danh nghĩa vẫn còn
nguyên vẹn. Người dân vẫn đi bỏ phiếu. Các lãnh đạo chuyên chế được bầu
lên vẫn duy trì một lớp sơn dân chủ bề ngoài trong khi rút bỏ hết những
gì thực chất bên trong của chế độ dân chủ.
Nhiều nỗ lực của chính phủ nhằm làm băng hoại nền dân chủ là “hợp pháp”,
theo nghĩa là chúng được cơ quan lập pháp phê chuẩn hoặc được tòa án
chấp nhận. Thậm chí chúng còn được tô vẽ như là những nỗ lực nhằm cải
thiện chế độ dân chủ, làm cho hệ thống tư pháp hoạt động hiệu quả hơn,
đấu tranh chống nạn tham nhũng hoặc làm trong sạch tiến trình bầu cử.
Báo chí vẫn tiếp tục xuất bản, nhưng hoặc đã bị mua chuộc, hoặc bị đe
dọa phải thực hiện tự kiểm duyệt. Công dân tiếp tục phê bình chính phủ
để rồi nhận ra mình phải đối mặt với cáo buộc trốn thuế hoặc những rắc
rối pháp lý khác. Tình trạng này gieo rắc nỗi hoang mang trong công
chúng. Người dân không nhận ra ngay được điều gì đang diễn ra. Nhiều
người tin rằng mình vẫn đang sống trong một chế độ dân chủ.
Bởi vì không có một khoảnh khắc duy nhất nào cho thấy rõ ràng chế độ
đương quyền đã “bước qua lằn ranh” để trở thành chế độ độc tài – không
đảo chính, không ban bố lệnh giới nghiêm, không đình chỉ hiến pháp – nên
không có gì kích hoạt những chiếc chuông báo động của xã hội. Những
người tố cáo chính phủ lạm dụng quyền lực có thể bị bỏ qua như là những
kẻ gây hấn hoặc những người hay la lối om sòm. Đối với nhiều người, sự
xói mòn nền dân chủ hầu như không thể hình dung được!
**
Chế độ dân chủ của Hoa Kỳ dễ tổn thương tới mức nào với hình thức thoái
trào này? Những nền tảng của chế độ dân chủ Hoa Kỳ chắc chắn là vững
mạnh hơn so với Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Hungary. Nhưng chúng có đủ
vững chắc hay không?
Để trả lời một câu hỏi như vậy, chúng ta phải lùi ra khỏi những bản tin
thời sự hàng ngày, những cảnh báo tin sốt dẻo để mở rộng tầm nhìn, để
rút ra bài học từ trải nghiệm của các nền dân chủ khác trên khắp thế
giới trong suốt chiều dài lịch sử.
Một lối tiếp cận so sánh sẽ cho thấy bằng cách nào mà các chính trị gia
chuyên chế được bầu lên ở nhiều khu vực khác nhau của thế giới đã sử
dụng những chiến lược giống nhau một cách đáng chú ý để làm biến chất
các thiết chế dân chủ. Khi những khuôn mẫu này trở nên dễ thấy, những
bước đi tới sự sụp đổ cũng trở nên rõ ràng hơn – và dễ chống lại chúng
hơn. Hiểu biết những cách thức mà công dân các nền dân chủ khác đã phản
kháng thành công các chính trị gia chuyên chế được bầu lên, hoặc hiểu
được vì sao họ đã thất bại bi thảm trong công cuộc phản kháng của mình,
là điều thiết yếu cho những người đang tìm cách bảo vệ chế độ dân chủ
của Hoa Kỳ hôm nay.
Chúng ta biết rằng những chính trị gia mị dân
(demagogue) cực đoan thì thời
nào cũng có ở mọi xã hội, ngay cả trong những nền dân chủ lành mạnh. Hoa
Kỳ cũng có những kẻ như vậy, chẳng hạn như Henry Ford, Huey Long, Joseph
McCarthy và George Wallace.
Phép thử quyết định cho các nền dân chủ không nằm ở chỗ những kẻ mị dân
cực đoan như vậy có nổi lên hay không mà trước tiên là các nhà lãnh đạo
chính trị, đặc biệt là các đảng phái lớn, có ngăn chặn những kẻ đó thâu
tóm quyền lực hay không – bằng cách loại chúng ra khỏi các đảng chính
trị dòng chính, từ chối phê chuẩn hoặc đứng cùng phe với chúng và khi
cần thiết thì sẵn sàng chia sẻ lý tưởng với các đối thủ trong công cuộc
hỗ trợ các ứng cử viên dân chủ.
Để cô lập những kẻ cực đoan mị dân cần có lòng dũng cảm chính trị. Nhưng
khi nỗi sợ hãi, chủ nghĩa cơ hội hoặc tính toán sai lầm dẫn dắt các đảng
chính trị tới chỗ đưa những kẻ cực đoan vào dòng chính thì nền dân chủ
sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm.
Khi một người có khả năng biến thành nhà chính trị chuyên chế giành được
quyền lực, các nền dân chủ đối mặt với phép thử quyết định thứ hai: liệu
nhà lãnh đạo chuyên chế kia sẽ làm biến chất các thiết chế dân chủ hay
là ông ta sẽ bị các thiết chế ấy kiềm chế?
Chỉ riêng các thiết chế là không đủ để kiềm chế các lãnh đạo chuyên chế
được bầu lên. Hiến pháp phải được bảo vệ - bởi các đảng chính trị, các
tổ chức công dân, nhưng cũng bởi những quy tắc dân chủ. Không có những
quy tắc vững mạnh, cơ chế kiểm tra và cân bằng hiến định sẽ không thể
trở thành thành trì bảo vệ chế độ dân chủ như chúng ta hình dung. Các
thiết chế sẽ bị biến thành vũ khí chính trị mà những kẻ kiểm soát chúng
sử dụng một cách quyết liệt để chống lại những ai không kiểm soát được
chúng.
Đây là cách mà các nhà lãnh đạo chuyên chế làm băng hoại chế độ dân chủ
- cử người vào và “vũ khí hóa” hệ thống tòa án và những cơ quan trung
lập khác, mua chuộc báo chí truyền thông và khu vực kinh tế tư nhân
(hoặc đe dọa buộc họ phải im lặng) và viết lại những luật lệ chính trị
để làm cho sân chơi nghiêng về phía chống lại những người đối lập.
Nghịch lý bi thảm của con đường bầu cử tới chủ nghĩa độc tài chuyên chế
là ở chỗ, những kẻ ám sát nền dân chủ sử dụng chính những thiết chế dân
chủ để giết chết nó - dần dần, khéo léo và thậm chí hợp pháp nữa.
**
Nước Mỹ đã thất bại trong phép thử thứ nhất vào tháng 11 năm 2016 khi
bầu làm tổng thống một người mà lòng trung thành với các quy tắc dân chủ
là rất đáng ngờ.
Chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump sở dĩ xảy ra được không chỉ vì
nỗi bất mãn của công chúng mà còn bởi thất bại của đảng Cộng hòa trong
việc ngăn chặn một kẻ mị dân cực đoan trong hàng ngũ của mình giành được
sự đề cử [làm ứng cử viên tổng thống của đảng].
Giờ đây mối đe dọa này đã nghiêm trọng tới mức nào? Nhiều quan sát viên
thấy niềm an ủi ở hiến pháp Hoa Kỳ, vốn được thiết kế để ngăn chặn và
kiềm chế những kẻ mị dân như Trump. Hệ thống kiểm tra và cân bằng kiểu
Madison (**) đã bền bĩ trải qua hơn hai thế kỷ. Nó đã sống sót qua thời
nội chiến, thời đại suy thoái, Chiến tranh Lạnh và vụ bê bối Watergate
(***). Thế thì chắc chắn nó sẽ có khả năng sống sót lâu hơn Trump.
Không nên chắc chắn như vậy. Về mặt lịch sử, hệ thống kiểm tra và cân
bằng đã hoạt động tương đối tốt – nhưng không, hoặc không hoàn toàn nhờ
vào hệ thống hiến định được những nhà lập quốc thiết kế ra. Các nền dân
chủ hoạt động tốt nhất – và sống lâu hơn – khi hiến pháp được tăng cường
bởi những quy tắc dân chủ bất thành văn.
Hai quy tắc căn bản đã duy trì hệ thống kiểm tra và cân bằng của Hoa Kỳ
theo những cách thức mà chúng ta thường coi là hiển nhiên: sự dung nạp
lẫn nhau, hoặc hiểu biết rằng các đảng chính trị cạnh tranh phải chấp
nhận lẫn nhau như là những đối thủ hợp pháp và chính đáng; và sự độ
lượng, hoặc ý tưởng rằng các chính trị gia nên thực hành sự kiềm chế khi
sử dụng những đặc quyền mà thể chế ban cho họ.
Hai quy tắc này đã nâng đỡ nền dân chủ Hoa Kỳ trong phần lớn thế kỷ 20.
Các nhà lãnh đạo của hai đảng chính trị lớn chấp nhận lẫn nhau như là
những đối thủ chính danh và chống lại nỗi cám dỗ muốn sử dụng quyền kiểm
soát tạm thời những thiết chế hành pháp, lập pháp và tư pháp để khuếch
đại lợi thế của đảng mình. Những quy tắc về dung nạp và kiềm chế đã hoạt
động như những rào chắn mềm của nền dân chủ Hoa Kỳ, giúp nó tránh được
tình trạng các đảng phái đánh nhau chí chết từng hủy diệt các nền dân
chủ khắp nơi trên thế giới, kể cả ở châu Âu trong thập niên 1930 và ở
Nam Mỹ trong các thập niên 1960 và 1970.
Tuy vậy ngày nay những rào chắn của nền dân chủ Hoa Kỳ đang bị yếu đi.
Sự xói mòn các quy tắc dân chủ đã bắt đầu từ các thập niên 1980, 1990 và
tăng tốc trong thập niên 2000. Vào thời ông Barack Obama làm tổng thống,
nhiều người Cộng hòa đặc biệt đặt nghi vấn về tính chính danh của các
đối thủ đảng Dân chủ và đã từ bỏ sự độ lượng để theo đuổi chiến lược
giành chiến thắng bằng mọi phương tiện cần thiết.
Có lẽ ông Trump đã đẩy nhanh tiến trình này, nhưng ông không phải là
người tạo ra nó. Những thách thức mà nền dân chủ Hoa Kỳ phải đương đầu
thì sâu xa hơn nhiều. Sự yếu đi của các quy tắc dân chủ bắt rễ trong sự
phân cực đảng phái (partisan
polarisation) hết sức cực đoan – một sự chia rẽ vượt rất xa những
khác biệt về chính sách để trở thành mâu thuẫn sống còn về các vấn đề
văn hóa và chủng tộc.
Những nỗ lực của Hoa Kỳ để đạt tới sự bình đẳng về sắc tộc khi xã hội
trưởng thành và ngày càng đa dạng đã thôi thúc một phản ứng quỷ quyệt và
làm gia tăng sự phân cực. Và từ việc nghiên cứu những cuộc sụp đổ trong
lịch sử, có một điều hết sức rõ ràng là chính sự phân cực cùng cực có
thể giết chết các nền dân chủ.
Vì vậy, có nhiều lý do để báo động. Không chỉ người Mỹ vào năm 2016 đã
bầu lên một kẻ mị dân mà còn làm việc đó khi những quy tắc đã có thời
bảo vệ nền dân chủ đã không còn được bảo đảm nữa.
Nhưng nếu những trải nghiệm của các quốc gia khác có thể dạy chúng ta
rằng sự phân cực có thể giết chết các nền dân chủ thì chúng cũng dạy
chúng ta rằng sụp đổ không phải là tất yếu, không phải là không đảo
ngược được.
Nhiều người Mỹ đã lo sợ một cách chính đáng với những gì đang xảy ra
trên đất nước mình. Nhưng bảo vệ nền dân chủ đòi hỏi nhiều hơn là nỗi sợ
hãi hoặc cơn giận dữ. Chúng ta phải khiêm tốn và dũng cảm. Chúng ta phải
học từ những quốc gia khác để thấy những dấu hiệu cảnh báo – và phải
nhận ra những hồi chuông báo động sai. Chúng ta phải biết tới những bước
đi sai lầm mang tính định mệnh đã làm triệt tiêu nhiều nền dân chủ. Và
chúng ta phải thấy bằng cách nào các công dân đã đứng lên đối mặt với
những cuộc khủng hoảng lớn của chế độ dân chủ trong quá khứ, vượt qua
những sự chia rẽ thâm căn cố đế của chính họ để tránh sụp đổ.
Lịch sử không tự lặp lại chính nó. Nhưng lịch sử có nhịp điệu. Lời hứa
hẹn của lịch sử là ở chỗ chúng ta phải tìm thấy nhịp điệu của nó trước
khi quá trễ.
(*) Đây là trích đoạn từ sách
“How Democracies Die” của Steven Levitsky và Daniel Ziblatt, giáo sư
về chính quyền, trường Đại học Harvard, NXB Penguin Book.
(**) James Madison (1751-1836): Quốc phụ và tổng thống thứ tư của Hoa
Kỳ, cầm quyền hai nhiệm kỳ, từ 1809 đến 1817, kế nhiệm tổng thống Thomas
Jefferson. Ông Madison là người viết bản dự thảo đầu tiên của Hiến pháp
Hoa Kỳ và Tuyên ngôn Nhân quyền, từ đó ông có biệt danh “Cha đẻ của hiến
pháp”. Hiến pháp Hoa Kỳ xác lập các nguyên tắc nhà nước pháp quyền, tam
quyền phân lập – tạo nên cơ chế kiểm tra và cân bằng để giám sát quyền
lực nhà nước. Ông cùng với tổng thống T. Jefferson lập ra đảng Dân chủ –
đảng chính trị đối lập đầu tiên của Hoa Kỳ - năm 1792.
(***) Vụ bê bối Watergate xảy ra ngày 17/06/1972 đã buộc tổng thống
Richard Nixon phải từ chức năm 1974 và làm thay đổi vĩnh viễn nền chính
trị Hoa Kỳ, từ đó người dân Mỹ luôn đặt nghi vấn về các nhà lãnh đạo
chính trị của họ.
Nguồn:
https://www.theguardian.com/us-news/commentisfree/2018/jan/21/this-is-how-democracies-die |