Bắt
Phạm Thành, Nguyễn Tường Thuỵ:
Những
giọt nước tràn ly
Lập Quyền Dân
Chiến dịch trấn áp thẳng tay các
nhà báo độc lập để “trong sạch hoá địa bàn”, chuẩn bị sàn đấu cho một
“Hoa sơn luận kiếm” tại đại hội 13 sắp tới hay đây là cuộc ra đòn cấp
tập để “vỗ mặt” các nhà đấu tranh dân chủ? Có thể là cả hai, vì trước
sau ĐCSVN cũng sao chép cái chủ trương mà Quốc hội Trung cộng đang thảo
luận về Luật An ninh cho Hong Kong trong những ngày nóng bức này.
Thật ra, họ có thể chờ cho Trung cộng thảo luận xong Bộ luật được coi là
“hồi chuông báo tử cho Hong Kong” rồi hẵng trong sạch hoá địa bàn. Đấy
là tiếng lóng của công an mỗi khi họ phát động chiến dịch đàn áp báo chí
tự do và xã hội dân sự nói chung. Nhưng họ đã không chờ được, vì họ biết
“thời gian và thuỷ triều không chờ đợi ai”. Có quá nhiều tình huống khẩn
cấp đang xuất hiện, họ họp bàn, hẳn nhiên cũng có tranh luận, nhưng rồi
họ đã lấy quyết định. Bắt Phạm Thành, Nguyễn Tường Thuỵ và nếu dư luận
“êm êm” thì có thể bắt tiếp một
số nhà báo, nhân sỹ và trí thức khác.
Để dễ hiểu, tạm hình dung có hai phái (trên thực tế có thể nhiều hơn).
Phái thứ nhất chủ trương bắt, triệt hạ tận gốc rễ xã hội dân sự, theo
đường lối của bác Mao, bác Đặng trước đây và nay đang hưởng lộc và hành
động theo chỉ thị của của bác Tập. Phái thứ hai giảo hoạt hơn, tuy đồng
ý, nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, đánh rắn phải đánh dập đầu, nhưng thời buổi
4.0 mà nền quản lý “công an trị” này mới ngoi ngóp ở hạng 0.4, thì cần
thận trọng hơn và thăm dò dư luận quốc tế một chút. Phái thứ hai này vừa
qua thắng thế. Quyết định “đánh”, quyết định “bắt” đã bị ngâm tôm suốt
trong nhiều tháng trời, từ hồi tháng 9/2019.
Nhưng rồi các tình huống nóng bỏng mới xuất hiện và đảng đã ra tay. Các
sới vật “lộ bài” quá nhiều. Nào là bộ đội đánh công an, viện kiểm sát
đánh toà án. Người dân lâu nay phải ngậm miệng nhưng họ biết từ rất lâu
chuyện các nhóm công an và chính quyền ở mọi cấp đã thông đồng cho Tàu
vào nắm các vùng đất hiểm yếu về an ninh quốc phòng. Nay nhân dịp cái
gọi là “tập hợp ý kiến cử tri”, người ta mới cho “bật mí” có đến hàng
ngàn ha đất – từ Tây Nguyên đến Sài Gòn, từ Đà Nẵng “đáng sống” đến các
địa phương “đang chết” sau mùa Virus Vũ Hán – đều đã thuộc chủ quyền của
Tàu ngay trên đất Việt.
Liên quan đến phiên giám đốc thẩm vụ án Cầu Voi, Viện trưởng VKSTC Lê
Minh Trí “choảng nhau” với chánh án TATC Nguyễn Hòa Bình làm cho Quốc
hội “mở mắt” trước nhiều điều trái luật. Cuộc chơi nhau giữa Viện và
Toà, giữa hai nhóm trung uỷ xem ra không ổn. Bây giờ mới nhận ra sự nguy
hiểm của việc không có Toà Bảo hiến thì quá muộn. Làm thế nào Quốc hội
có thể thay mặt nhân dân để bảo vệ công lý khi từ ban đầu, Việt Nam đã
không chấp nhận “tam quyền phân lập”. Mọi Toà đều xử các vụ theo tinh
thần “án bỏ túi”. Nghĩa là khi đảng đã quyết định ai đó là phạm nhân thì
đúng như chánh án Nguyễn Hoà Bình đã tuyên, dầu thủ tục tố tụng có sai
sót bao nhiêu, vẫn không làm thay đổi “bản chất” vụ án.
Khi dịch bệnh Covid-19 vừa tạm lắng ở Việt Nam, chính phủ lại bất ngờ
“đánh úp”, công bố thành lập Ban Quản lý khu kinh tế thí điểm Vân Đồn,
một khu vực nằm trong Dự luật Đặc khu Kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong,
Phú Quốc) đã bị dư luận cả nước phản đối từ năm 2018. Chuyên gia kinh tế
Phạm Chi Lan nói với BBC ngày 22/5/2020 rằng, bà không được ai tham vấn,
bà cũng hoàn toàn không biết và thực sự bị bất ngờ với việc thành lập và
đưa vào vận hành thí điểm khu kinh tế Vân Đồn của chính phủ Việt Nam.
Bà Chi Lan phát biểu: “Có những lợi ích người ta theo đuổi mà bị đông
đảo công chúng phản ứng, kể cả ở diễn đàn Quốc hội, thì người ta sẽ tìm
con đường đi lặng lẽ, kín đáo hơn, có thể gọi là đánh úp đối với xã
hội”. Bà Chi Lan cũng chỉ rõ, có thể có những cách vận động kín đáo hơn.
Trước đây với Dự luật Đặc khu, có thể họ đã quá tự tin về khả năng được
thông qua nên làm rất ồn ào, quảng bá rất hoành tráng. Nào là “lót ổ”
cho Phượng Hoàng, nào là đầu tư “một lãi mười, lãi trăm”. Đến khi dân
trong cả nước bác bỏ thì nay rút kinh nghiệm, họ rút vào bí mật. Trong
bối cảnh hỗn chiến như vậy mà để Hội nhà báo độc lập tung các bài phân
tích trên các cộng đồng mạng thì quá nguy hiểm.
Một nguyên nhân khác dẫn đến các vụ bắt ba nhà văn Nguyễn Đức Thạch,
Phạm Thành và Nguyễn Tường Thuỵ một phần có nhân tố đối ngoại, ủng hộ
cho phái chủ trương phải đẩy các cuộc bố ráp thành cao trào. Mở ngoài
nhưng phải cài trong. Trên bối cảnh các nước Đông Nam Á hiện đang có xu
hướng muốn đứng lên chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông.
Giáo sư Luật Quốc tế Raul Pedrozo trao đổi với BBC hôm 21/5/2020: “Giờ
là đến lúc các quốc gia Đông Nam Á phải lựa chọn giữa việc tiếp tục thỏa
hiệp hay cùng nhau đứng lên. Trung Quốc là kẻ bắt nạt. Cách duy nhất để
chống lại kẻ bắt nạt là đẩy lùi nó và đứng lên bảo vệ lợi quyền của
mình”.
Dư luận trong nước đang khấp khởi mừng thầm. Việt Nam có khả năng nay
mai sẽ là thành viên của “Bộ Tứ mở rộng” (Quad Plus). Tuy nhiên, bước
đầu chính quyền nhẹ nhàng và khôn khéo, nói gia nhập “Quad Plus” chỉ là
để phòng chống Covid-19. Nhưng ai cũng biết, Covid chỉ là tạm thời,
“chết dưới bàn tay Tàu cộng” (Sách của Peter Navarro và Greg Autry rất
nên đọc) mới là vĩnh viễn. Việt Nam đã được Hoa Kỳ mời cùng với 25
đồng minh và đối tác của Mỹ tham gia cuộc tập trận “Vành đai Thái
Bình Dương” (RIMPAC) lớn nhất hai năm một lần (Hẳn nhiên là Tàu cộng do
xấu chơi nên đã bị loại khỏi danh sách khách mời).
Việt Nam một mặt, buộc phải tính tiếp các bước hội nhập sâu hơn vào tiến
trình do Mỹ dẫn dắt, để giảm bớt sức ép của Trung cộng trên Biển Đông và
cả đất liền, đồng thời ghi điểm với dân chúng, chứ không phải
muốn dân chủ hoá đất nước. Mặt
khác, đảng vẫn không thể quay lưng lại quan thầy Bắc Kinh, buộc phải
khẳng định bản chất của thể chế là toàn trị và phản dân chủ, cần “dọn
bãi đáp” cho độc tài, bóp nghẹt mọi tiếng nói phản biện. Dù đó là phản
biện lành mạnh mà thỉnh thoảng trong cơn u mê vì uống quá nhiều “Mao
đài”, đảng cũng muốn lắng nghe, hoặc giả vờ lắng nghe. Nhưng không phải
lúc này! Đừng để xã hội coi nhờn chế độ, thấy đỏ tưởng chín. Giờ tuy
không thể hành động như thời Tố Hữu, nhưng phải nuôi dưỡng cái tinh thần
sắt máu ấy: “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ…/ cho đảng bền lâu,
cùng rập bước chung lòng/ thờ Mao Chủ tịch, thờ Stalin bất diệt”.
Trong thể chế “công an trị”, dân chúng kể cả nhân sỹ trí thức là những
người được coi có một số nguồn tin nội bộ cũng không bao giờ hiểu nổi tư
duy quái đản của dàn lãnh đạo hiện nay. Có ý kiến cho rằng, những vụ bắt
bớ này là để tâng công với Tổng chủ, nhưng ngược lại, cũng có đánh giá,
“yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”. Người ta đang vô hiệu hoá Tổng
chủ, vì thấy Tổng chủ có ý tham gia các thiết chế “khối thịnh vượng”
Quad Plus. Hẳn nhiên, như thường lệ, Tổng chủ phải đu dây. Vì chưa đủ
lực lượng, bản lĩnh, lại ăn theo “cái máng lợn” Tàu quá lâu, nên vẫn
phải đu dây. Chính thể không cho phép Phạm Thành viết sách và Nguyễn
Tường Thuỵ mở Blog chỉ trích Tổng chủ là người mà hai nhân sĩ này cho
rằng đã “làm tất cả những điều gì mà Trung Quốc mong muốn từ Việt Nam”.
Họ cũng gọi thẳng “Tập Cận Bình là kẻ xâm lược bẩn thỉu”.
Nhưng nếu chỉ vì những lý do trên thì sao đảng lại không bắt hai nhà dân
chủ ấy cách đây 9 tháng, lúc tập sách vừa ra đời? Câu trả lời chỉ có thể
là, trước mỗi dịp đại hội, đảng muốn chứng minh: CSVN không cần dân chủ
vẫn có thể trị quốc. Tin tưởng vào điều đảng cho là “tính ưu việt của
chế độ”, hoặc ít nhất thì cũng không ai được động đến “câu văn bia” đầy
hoang tưởng của Tổng chủ: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực
và vị thế như ngày nay”. Nhưng nhà văn Phạm Thành (68 tuổi), nhà báo-cựu
chiến binh 22 năm trong quân ngũ Nguyễn Tường Thuỵ (70 tuổi) lại là chủ
nhân những Blog xưa nay chuyên vạch trần bản chất thối nát và hư hỏng
của chính thể mà Nguyễn Phú Trọng và đồng đảng không ngớt lời ca ngợi là
“cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”.
Thay vì cùng đua với ASEAN, đặc biệt là với Indonesia để đón đầu làn
sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang chạy khỏi Trung Quốc, CSVN lại tập
trung toàn tâm toàn ý vào các sới vật. Từ nay cho tới khi đại hội 13
diễn ra, sẽ có hàng chục sới vật khác nhau mà ngay Tổng chủ cũng không
tài nào kiểm soát nổi. Các đợt bắt bớ nhiều khi chỉ là hệ quả ngẫu nhiên
của các đấu đá phe nhóm. Nếu các tổ chức dân sự không vận động toàn xã
hội phản kháng thích hợp trước làn sóng đàn áp, thì với đà này, Bộ luật
An ninh sắp được Bắc Kinh thông qua không chỉ bóp nghẹt dân chủ Hong
Kong, mà còn có thể được triển khai mạnh mẽ hơn ngay ở Việt Nam. Sau đại
dịch Covid-19, những tưởng sẽ tránh được “hàm cá mập” Trung cộng. Nhưng
với các đợt khủng bố ngày càng lan rộng, liệu Việt Nam có trở thành một
“nhà tù vĩ đại” ở châu Á, sau cả Bắc Kinh lẫn Bình Nhưỡng?
Tác giả gửi Viet-Studies ngày
24/5/2020 |