SÀI GÒN NHỎ
Khi lãnh đạo không hề quan tâm dân có thể chết đói trước khi chết vì
COVID!
ĐÌNH NGỌC Tính
đến 5 giờ chiều ngày 21 Tháng Sáu, Sài Gòn có tới 469 điểm phải phong
tỏa vì có người nhiễm COVID-19. Sáng mai, chưa biết có thêm bao nhiêu
điểm nữa bị con coronavirus xâm nhập phải phong toả. Chỉ
tính riêng 6 khu phong tỏa ở khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc (quận Bình
Tân) và ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3, một phần ấp Thới Tây 1 (huyện Hóc
Môn), đã có tới 65,000 dân sẽ thuộc diện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Với
con số 469 điểm phong toả hiện nay, sẽ có hơn một triệu người Sài Gòn
không được bước chân ra khỏi ngõ. Có nơi, chính quyền còn đề nghị “không
ai đến nhà ai, không cho ai vào nhà mình.” Sài
Gòn trở bệnh thực sự, tình làng, nghĩa xóm giờ trở nên xa xỉ đến quặn
lòng. Không thể làm khác được nếu muốn sống, nếu muốn Sài Gòn khỏi bệnh. Tuy
nhiên, trong cách hành xử của lãnh đạo Sài Gòn, người ta dễ dàng nhìn
thấy một bức tường vô hình được dựng lên giữa họ và người dân. Trong
những quyết định hành chánh nhằm ngăn chặn sự lây lan COVID-19, người
dân không tìm thấy một dòng chữ nào bày tỏ mối quan tâm của lãnh đạo
thành phố đối đời sống của những người lao động nghèo, sống nhờ đường
phố, vỉa hè như người bán hàng rong, chạy xe ôm, mua ve chai, bán vé số…
Đã không quan tâm, nên chắc chắn họ cũng không hề có giải pháp cho dân. Theo
báo Tuổi Trẻ, tối ngày 19 Tháng Sáu, UBND Thành Phố ban hành chỉ thị
khẩn số 10, theo đó tăng cường thêm một số biện pháp phòng, chống dịch
bằng cách tạm ngưng một số hoạt động: chợ tự phát, xe bus, xe khách liên
tỉnh, taxi. Riêng “xe ôm công nghệ” (Grab) vẫn được hoạt động. Rõ
ràng lãnh đạo thành phố hình như cũng chẳng biết ra lệnh sao cho hợp lý,
bởi với xe ôm, tài xế và hành khách phải ngồi sát nhau, không thể giãn
cách theo qui định thì lại được hoạt động.
Trong một thông báo khác cũng của UBND Thành phố, chính quyền giao cho
các đơn vị liên quan bảo đảm công tác chống dịch, đồng thời phải “cung
ứng đầy đủ các nguồn nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho
người dân trong khu vực bị phong tỏa.” Mới
đọc qua, tưởng đâu chính quyền thành phố tổ chức phát lương thực cho
người nghèo, hỏi lại người dân thì nhận được mấy câu chửi đổng. Thì ra,
ý câu “cung ứng đầy đủ” có nghĩa là nếu người dân trong khu vực một con
hẻm bị phong tỏa chẳng hạn, cần mua thực phẩm, có thể nhờ người quen ở
nơi chưa bị phong tỏa mua giùm, mang lại đầu hẻm, chỗ trạm gác, rồi gọi
người trong nhà ra lấy. Nếu không có người quen, cũng có thể nhờ lực
lượng bảo vệ khu phố mua giùm. Khi ban hành lệnh cấm họp chợ, thực hiện
giãn cách xã hội, rồi phong tỏa từng khu vực, giới lãnh đạo thành phố
chưa bao giờ nghĩ đến hệ lụy sẽ xảy ra sau quyết định của họ. Hàng
triệu người sẽ rơi vào hoàn cảnh điêu đứng vì không thể làm ra tiền để
mua thực phẩm, đóng tiền nhà, mua sữa cho con, cùng hàng trăm chi phí
không tên khác của đời sống. Nếu
dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, phong tỏa gắt gao hơn, số phận dân
nghèo càng bi đát hơn. Họ đang chết dần, đúng nghĩa đen của từ này. Chỉ
có con đường để sống là cướp giật, trộm cắp. Trộm cắp thành công thì có
tiền mua thực phẩm, nếu lỡ bị bắt thì vào tù, dù sao cũng được nuôi cơm.
Còn nếu cứ đi lang thang rồi bị dương tính với COVID-19, được đưa vào
bệnh viện điều trị cũng là một giải pháp chống đói tạm thời cho họ.
Có lãnh đạo nào nghĩ đến những khả năng này không? Chắc
chắn là không! Có
nhiều người đã suy nghĩ vẩn vơ rằng, khi con coronavirus bị lãnh đạo
thành phố “tiêu diệt” thì trong ngày “ăn mừng chiến thắng” đó, ngoài
những chiếc khăn tang dành cho người chết vì COVID-19, Sài Gòn còn có
thể gồm cả khăn tang của những người chết vì đói! |