David Lampton:
Balancing US–China interests in the Trump–Xi era
Người dịch: Huỳnh Hoa
Cân bằng lợi ích Mỹ-Trung thời
Trump-Tập
David M Lampton (*)
Từ năm 1945 đến 2016, Hoa Kỳ sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự và hệ tư
tưởng để xây dựng các thiết chế, các liên minh và các chế độ, góp phần
vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tránh né một cuộc chiến tranh giữa
các cường quốc. Để làm được như vậy, Hoa Kỳ đã nuôi dưỡng sự trỗi dậy
của một “chòm sao” các cường quốc mới; trong đó đáng chú ý có Trung Quốc
– quốc gia mà giờ đây Hoa Kỳ phải thương lượng. Nếu Hoa Kỳ muốn lợi ích
của mình được đáp ứng, Washington phải giành được sự hợp tác của Bắc
Kinh hơn là thúc ép họ.
Khi lên nhậm chức, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tạm gác lại một số
vấn đề dễ gây bất đồng với Trung Quốc với hy vọng sẽ đạt được mục tiêu
đầu tiên của mình là giải trừ vũ khí hạt nhân ở Bắc Hàn. Khi nỗ lực đó
thất bại, những ưu tiên quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung lại trở nên
sôi động với những vấn đề trước kia bị nén lại.
Vài vấn đề như vậy – chẳng hạn như hoạt động bảo vệ tự do hàng hải của
Hoa Kỳ ở Biển Đông, câu chuyện về thuế suất áp lên mặt hàng thép và
nhôm, bán vũ khí cho Đài Loan, lời đe dọa siết chặt dòng chảy công nghệ
và đầu tư cũng như cấm vận một số công ty Trung Quốc – có nguy cơ sẽ trở
nên nghiêm trọng nếu không được xử lý một cách cẩn thận hơn là cách mà
chính phủ của ông Trump đang thể hiện.
Thế thì, đâu là điều hữu ích mà Hoa Kỳ có thể làm? Có ba vấn đề mà
Washington nên tập trung chú ý: nuôi dưỡng một sự cân bằng quyền lực
kinh tế ở châu Á để thúc đẩy sự ổn định khu vực, đạt tới sự tương hỗ
(reciprocity) lớn hơn nữa
trong quan hệ Mỹ-Trung và xử lý vấn đề vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn của
Bắc Hàn.
Phần trung tâm trong tầm nhìn địa chính trị của ông Tập là sự mở rộng
các mối liên kết khu vực và thúc đẩy đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế ở
các nước phụ cận Trung Quốc để biến Trung Quốc thành tâm điểm của khu
vực đang tăng trưởng nhanh này. Đối với Bắc Kinh, điều có có nghĩa là
xây dựng mối liên kết bắc-nam – có thể coi là những chuỗi cung ứng xuất
phát từ Trung Quốc, vươn tới Ấn Độ Dương, Đông Nam Á, biển Andaman, vịnh
Bengal và xa hơn nữa.
Trừ phi Washington muốn châu Á trở thành không gian đơn cực đầy ảnh
hưởng của Trung Quốc, Hoa Kỳ nên gắn bó nhiều hơn với việc xây dựng cơ
sở hạ tầng khu vực để nuôi dưỡng những mối liên kết, không chỉ theo
hướng bắc-nam [hợp tung] mà
cả theo hướng đông-tây [liên
hoành] từ Ấn Độ tới Việt Nam xuyên qua Miến Điện, Thái Lan và
Cambodia tới Nhật Bản và ra Thái Bình Dương rộng lớn.
Về tính tương hỗ, khi Trung Quốc được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế
giới (WTO) năm 2001, hoạt động ngoại thương và tài chính hải ngoại của
nước này tăng trưởng rất mạnh mẽ. Tương tự, thặng dư của Trung Quốc
trong giao dịch thương mại toàn cầu, và thương mại song phương với Hoa
Kỳ, cũng tăng trưởng rất mạnh. Chẳng bao lâu, Bắc Kinh đã có được công
nghệ, tiền vốn và năng lực để nắm lấy những cơ hội đang mở rộng ở nước
ngoài mà không phải cung cấp sự tiếp cận thị trường nội địa cho Hoa Kỳ
và các nước khác theo nguyên lý tương hỗ, có đi có lại.
Từ năm 2008 trở về sau, nhịp độ tự do hóa kinh tế nội địa, tài chính và
ngoại thương đã bị chậm lại. Các đối tác thương mại của Trung Quốc khắp
thế giới bắt đầu nhận ra rằng khi Trung Quốc lao ra nước ngoài để nắm
bắt cơ hội thì nước này vẫn không mở cửa thị trường theo nguyên lý tương
hỗ ở những lĩnh vực mà doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế so sánh. Hậu
quả là, vấn đề “tính tương hỗ” và “công bằng” đã nổi lên hàng đầu, trọng
tâm trong quan hệ Trung-Mỹ. Giờ đây, các công ty Hoa Kỳ phải tự hỏi, tại
sao doanh nhân Trung Quốc được tự do thâu tóm các doanh nghiệp công nghệ
và dịch vụ của Hoa Kỳ ở những lĩnh vực mà Trung Quốc cấm cửa doanh nhân
nước ngoài?
Trong khi nỗi căm ghét của người Mỹ dâng cao thì rất khó tìm ra những
phương cách thúc đẩy tính tương hỗ với Bắc Kinh sao cho không gây thiệt
hại cho người lao động Mỹ hoặc những người ngoài cuộc khác. Hạn chế vốn
đầu tư của Trung Quốc vào các doanh nghiệp tạo ra việc làm sẽ làm giảm
cơ hội có công việc của người Mỹ. Nhưng ngược lại, bỏ qua vấn đề này sẽ
kích thích những đề xuất cực đoan trong nội bộ Hoa Kỳ cũng như sự khinh
thường của Bắc Kinh.
Cuối cùng, vấn đề Bắc Hàn. Ông Trump nghĩ rằng những người tiền nhiệm
của ông đã đúng trong việc gây sức ép buộc Bắc Kinh phải gia tăng áp lực
lên Bắc Hàn và đánh giá rằng Bắc Kinh có đầy đủ phương tiện để làm như
vậy. Ông Trump tin rằng, chỗ sai lầm của những người tiền nhiệm là ở chỗ
trong khi gây sức ép cần thiết lại không nhân nhượng đủ để Bắc Kinh thấy
họ đáng làm như vậy.
Và thế là, ông Trmp đề nghị Washington sẽ nhượng bộ Bắc Kinh ở một số
lĩnh vực khác, trong đó có thương mại và Đài Loan – để đổi lấy việc Bắc
Kinh gia tăng áp lực lên Bắc Hàn. Trong số những lý do khiến cho cách
tiếp cận này đến nay vẫn không có hiệu quả (cho dù một số sự nhượng bộ
mà ông Trump đã hứa hoàn toàn có khả năng thực hiện được), thì lý do nổi
trội nhất là Bình Nhưỡng chống lại việc đi theo bất kỳ lời khuyên nào từ
bên ngoài, vì sợ rằng chúng sẽ đưa chế độ Bắc Hàn tới chỗ chết.
Kết quả là giờ đây chính phủ của ông Trump một mình đối mặt với những sự
lựa chọn khó khăn giống như các vị tiền nhiệm của ông, ngoại trừ chuyện
ông Trump đặt cược quá lớn vào vấn đề này và Bắc Hàn đã đi xa hơn trên
con đường phát triển vũ khí hạt nhân.
Đã đến lúc Washington (có sự tham vấn chặt chẽ với các đồng minh Nam Hàn
và Nhật Bản) nên thừa nhận rằng Bắc Hàn có một khả năng vũ khí hạt nhân
khiêm tốn, và Hoa Kỳ nên thay đổi mục tiêu, từ giải trừ vũ khí hạt nhân
sang phòng ngừa việc sử dụng và phổ biến rộng rãi hơn cái khả năng mới
này.
Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc đang đầy rẫy vấn đề khó và sẽ tiếp tục như vậy
trong một tương lai nhìn thấy được. Hoa Kỳ không còn đứng ở vị trí có
thể thúc ép Trung Quốc để buộc nước này phải hợp tác. Mọi sự thay đổi
chính sách ở Bắc Kinh phải được mang ra thương thảo và trong những vụ
thương thảo này Washington phải tìm được sự cân bằng quyền lực và lợi
ích.
(*) David M Lampton là giáo sư và
giám đốc trung tâm nghiên cứu Trung Quốc tại trường nghiên cứu quốc tế
cao cấp thuộc đại học Johns Hopkins. Cuốn sách mới gần đây của ông là
“Following the Leader: Ruling
China, from Deng Xiaoping to Xi Jinping” (Đi theo lãnh tụ: Cai trị
Trung Quốc từ Đặng Tiểu Bình tới Tập Cận Bình).
Nguồn:
www.eastasiaforum.org/2017/12/10/balancing-us-china-interests-in-the-trump-xi-era/ |