Calitoday
7-6-18

Đã qua rồi thời bọn bán nước muốn làm gì cũng được

 Sáng ngày 7/6, bên lề cuộc họp Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc-Thủ tướng Chính phủ CSVN đã khẳng định sẽ điều chỉnh thời gian cho thuê đất đặc khu làm sao cho hợp lý.

Đây là một động thái được cho là nhằm làm dịu những phản ứng gần đây của dân chúng, sau khi làn sóng phản đối dâng lên quá cao. Đặc biệt, trong sáng ngày 7/6, tại Thị trấn Phan Rí Cửa thuộc huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận), một cuộc biểu tình nhỏ của người dân ở đây đã nổ ra nhằm phản đối nhà cầm quyền CSVN “nhượng tô” lãnh thổ quốc gia 99 năm cho nước ngoài, mà người dân lo lắng sẽ lọt vào tay Trung Cộng.

Việc ông Nguyễn Xuân Phúc nói sẽ điều chỉnh thời gian cho thuê đất đặc khu được cho là động thái được dự đoán trước, sau khi làn sóng phản đối diễn ra ở khắp nơi. Những người phản đối đầy đủ mọi thành phần, không chỉ những người thuộc giới bất đồng chính kiến, mà ngay cả những đảng viên, cán bộ cao cấp, “trí thức” của đảng CSVN cũng lên tiếng.

Cho dù thời hạn cho thuê đất được điều chỉnh xuống ít hơn thì cũng không thay đổi được bản chất của vấn đề. Việc chính quyền CSVN cho xây dựng 3 đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) chính là nhượng địa. Mà, nhượng địa tức là làm mất đi chủ quyền quốc gia ngay trên phần lãnh thổ đó. Nói một cách thẳng thừng hơn là một phần lãnh thổ quốc gia rơi vào tay ngoại bang.

Có thể trong bối cảnh ngân sách cạn kiệt, nợ nần chồng chất, kinh tế bết bát không tìm được lối ra nên chính quyền CSVN đã nghĩ đến phương án nhượng địa để kiếm tiền nhằm duy trì chế độ cai trị độc tài. Với cách làm đó, chế độ CSVN đã tự phủ nhận tính chính danh của mình đối với nhân dân. Họ không đứng về phía người dân, mà cốt làm sao để cứu lấy chế độ kể cả việc bán một phần lãnh thổ.

 

Trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một văn bản của Ban Chấp hành đảng CSVN ra ngày 22/3/2017, trong đó khẳng định rằng, Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của đảng CSVN đã đồng ý xây dựng 3 đặc khu kinh tế. Nói rõ đây chính là “chủ trương lớn của đảng đã được thông qua nhiều kỳ đại hội”, do đó, cần phải quyết tâm triển khai, thực hiện.

Bộ Chính trị đảng CSVN cho thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng đặc khu và chỉ thị cho ông Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban chỉ đạo. Chưa hết, Bộ Chính trị còn giao cho Quốc hội xem xét để thông qua Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Như vậy, với quyết định của Bộ Chính trị đảng CSVN thì những cơ quan của đảng, như: Chính phủ, Quốc hội phải thừa hành. Việc Quốc hội hội họp để bàn về vấn đề đặc khu chỉ là hình thức mang tính thủ tục, làm tốn tiền người dân. Và, như bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói, Bộ Chính trị đã có quyết định, nhiệm vụ của Quốc hội chỉ là bàn để cho ra Luật Đặc khu.

Có một điều đặc biệt là văn bản của Bộ Chính trị đảng CSVN do ông Đinh Thế Huynh, lúc đó là Thường trực Bộ Chính trị ký. Và, chỉ 2 tháng sau, tức là vào tháng 5/2017, ông Huynh bị “bịnh nặng” phải sang Nhựt Bổn điều trị. Để rồi từ đó đến nay không xuất hiện trên bất kỳ phương tiện truyền thông báo chí nhà nước nào. Cách đây vài tháng, ông Huynh còn bị tước hết các chức vụ trong đảng. Chức Thường trực Bộ Chính trị đầy quyền lực cũng bị rơi vào tay ông Trần Quốc Vượng. Còn chức Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương của ông Huynh cũng rơi vào tay Nguyễn Xuân Thắng, một nhân vật đang lên. Mới đây, ông Thắng được bầu vào Ban Bí thư đảng CSVN. Chức vụ mà ông Đinh Thế Huynh vẫn còn giữ là Đại biểu Quốc hội, nhưng cũng từ lâu không còn thấy ông xuất hiện ở nghị trường.

Việc văn bản kết luận của Bộ Chính trị xuất hiện trên mạng Internet cho thấy rằng, chính quyền CSVN đã âm thầm bán đứng quốc gia từ lâu, và mọi thứ đều được thực hiện trong bí mật. Đến khi mọi chuyện vỡ ra thì đã rồi.

Cũng trong văn bản kết luật của Bộ Chính trị thì cơ quan này đã nghĩ đến việc phản ứng của dân chúng nên đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an “chủ động xây dựng các phương án nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự”. Nói cách khác, Bộ Chính trị yêu cầu quân đội và công an phải chủ động trước các tình huống để dập tắt mọi phản ứng của người dân.

Như đã lường trước phản ứng của dân chúng thông qua Internet, một nhóm nhà báo hơn 20 người đã được tài trợ bởi “thế lực lạ” cho đi tham quan đặc khu Thâm Quyến của Trung Quốc. Sau khi trở về, những người này viết những bài ca ngợi sự thành công của mô hình đặc khu, rồi quay ngược lại chửi những người phản đối là dốt đặc. Những kẻ được tài trợ trong chuyến đi đó không ai khác chính là những dư luận việc cấp cao vốn đã rất quen thuộc trên mạng Internet, như: Nguyễn Hùng Sơn-phó Tổng biên tập báo Ngày nay; Lê Kiên- phóng viên báo Tuổi Trẻ…

Ở Việt Nam, người dân thường có tâm lý khi đảng CSVN đã quyết thì mọi chuyện đã rồi. Cái tâm lý ấy hằn sâu, in đậm vào trong não của rất nhiều người, mà quên đi rằng, bằng phản ứng, bằng việc xuống đường phản đối sẽ khiến cho những kẻ đang mưu đồ bán đứng quốc gia phải chùng tay. Cuộc biểu tình nhỏ diễn ra ở Thị trấn Phan Rí Cửa tuy chỉ diễn ra trong vài phút nhưng nó có thể sẽ tạo nguồn cảm hứng, khi mà những lời kêu gọi xuống đường biểu tình phản đối cho thuê đất đặc khu đang lan tràn trên Facebook. Đã qua rồi thời mà những kẻ bán nước muốn làm gì cũng được. Việc cho thuê đất đặc khu 99 năm đã làm cho người dân tỉnh ngộ, nhận ra chân tướng của tập đoàn mãi quốc cầu vinh CSVN.

NGuoi Quan Sat