Tiếng Dân
18-3-18

 

 

Ông Khải chết nhưng không mất, Ba Dũng thì ngược lại

Bá Tân

 

Sau hơn 80 năm nếm trải ở cõi trần, ông Phan Văn Khải đã lên đường về với tổ tiên. Nói theo học thuyết cộng sản, ông Khải (và những người có vai vế như ông) sau khi chết sẽ đến cùng nơi với cụ Các Mác, cụ Lê Nin.

Tôi và rất nhiều người như tôi tin rằng, sau khi từ giã cõi trần, ông Khải tìm về với tổ tiên. Ai cũng có tổ tiên của mình. Ở đó, ngoài các vị thủy tổ, mỗi người còn có ông bà, cha mẹ, anh chị em…

Sau khi chết về với tổ tiên là thuận với tự nhiên, là ước nguyện của mỗi người. Ông Phan Văn Khải cũng vậy. Tôi dám khẳng định điều này: khi sang thế giới bên kia, nếu có, ông Khải không đến với cụ Mác, cụ Lê Nin. Bởi vì, điều này ai cũng biết, cụ Mác, cụ Lê Nin không phải họ hàng bà con với ông Khải. Ông Khải không dại gì bỏ tổ tiên đến với những người xa lạ.

Lại còn lý do khác, điều này nhiều người biết, cái chủ nghĩa, cái con đường do cụ Mác, cụ Lê Nin để lại hiện thời trở nên cá biệt, bị người đời xa lánh. Chắc chắn ông Khải sẽ không đến nơi đang bị thiên hạ lánh xa.

Ông Khải là người kế nhiệm ông Kiệt và là tiền nhiệm của Nguyễn Tấn Dũng – “đồng chí X” – Ba Dũng.

Ông Khải kế nhiệm xuất sắc người tiền nhiệm. Ông Khải nối tiếp con đường do ông Kiệt khai phá. Cốt lõi tư tưởng và hành động của ông Kiệt và ông Khải là vì nước, vì dân.

Ông Kiệt, ông Khải (và những người như thế) chết nhưng vẫn còn, còn mãi danh tiếng lưu truyền trong lòng dân. Ngươi ta kính trọng khi nhắc đến các ông. Đó là cái còn lại của giá trị làm người

Nguyễn Tấn Dũng – đồng chí X – Ba Dũng là người kế nhiệm ông Phan Văn Khải. Ba Dũng chỉ kế nhiệm về mặt hành chính, thủ tục hành chính. Tư tưởng, hành động của Ba Dũng khác biệt về chất so với các bậc đàn anh.

Ba Dũng đứng đầu chính phủ, điều hành chính phủ theo kiểu đại ca, tạo thế lực trên nền tảng lợi ích nhóm. Trong 2 nhiệm kỳ do Ba Dũng đứng đầu, chính phủ y như là một băng đảng.

Trên hội trường, khi bắt tay nơi đông người, gọi nhau đồng chí. Thực chất thuộc cấp từ trung ương đến địa phương, đều chỉ là tôi tớ của Ba Dũng.

Sau khi về vườn, mặc dù còn sống nhăn răng, Ba Dũng coi như đã toi mạng trong lòng dân chúng.

Ông Khải (và những người như ông) chết nhưng không mất. Ba Dũng (và những kẻ như lão ta) hoàn toàn ngược lại. Đang sống nhăn răng, ăn uống khỏe như trâu, nhưng bọn họ đã mất, mất sạch trơn trong lòng dân chúng.

Trâu chết để lại da. Người ta chết để lại tiếng. Ba Dũng (và những kẻ tương tự) không chờ đến lúc chết, từ khi đang sống đã ngút trời tai tiếng. Vâng, là tai tiếng. Là tiếng dữ (tiếng dữ đồn xa).

Cái lò của bác Trọng càng ngày càng rực lửa. Gần như toàn bộ củi ném vào lò đều là tôi tớ chân tay đắc lực của ba Dũng. Nơi nọ nơi kia râm ran nguồn tin: Ba Dũng đang từng bước bị dịch chuyển đến sát miệng lò. Không phải ác ý, nguồn tin ấy xuất phát từ tâm nguyện của dân chúng dành cho Ba Dũng.

Gieo gì gặt nấy. Luật nhân quả đúng cho muôn đời. Trước khi từ nhiệm, vì lợi ích của dân của nước, ông Phan Văn Khải đề cử ông Vũ Khoan giữ chức thủ tướng chính phủ. Đề cử của ông Khải hợp lòng dân, nếu được chấp nhận, nền tảng nhân hòa sẽ thành một khối vững chắc.

Đề xuất của ông Khải hợp lòng dân nhưng không trúng ý đảng. Đảng chọn và trao cái ghế Thủ tướng Chính phủ cho Ba Dũng. Lỗi lầm ấy (nói thế còn quá nhẹ) không do thế lực thù địch, càng không phải do dân, mà là thuộc về…  “đảng quang vinh”.

Chết chưa phải là hết. Ông Phan Văn Khải chết nhưng hình ảnh và danh tiếng của ông vẫn còn lưu đọng lung linh trong lòng dân chúng.

Dù chưa chết, thậm chí vẫn còn cường tráng, ba Dũng đã trở thành bãi tha ma, ở đó luôn vọng lên tiếng kêu ai oán, báo tin dữ của cú vọ, tiếng gào thất thanh của bầy cáo tranh nhau miếng mồi

Gieo gì gặt nấy. Luật nhân quả muôn đời không sai.