FB Trương Huy San
Lịch Sử Chiến Tranh Việt Nam Qua Cuốn Sách Về Một Người Cha Huy Đức Điểm cuốn "Tướng Cao Văn Khánh - Hồi ức lịch sử" của Cao Bảo Vân, nxb Trí Thức, 2017
Chỉ là cuốn sách của con gái viết về cha nhưng
đọc kỹ và nhìn lại thì thấy chưa có một công trình nghiên cứu nào được
xuất bản ở Việt Nam trình bày lịch sử chiến tranh ở "bên thắng cuộc", cả
về chi tiết và mức độ khái quát, hấp dẫn và có quy mô như thế.
Có lẽ, vì người cha ấy, tướng Cao Văn Khánh, là một vị tướng tài ba, vừa
tham mưu ở tầm chiến lược vừa trực tiếp cầm quân ở những chiến dịch quan
trọng nhất; ông nằm trong số rất ít các vị tướng đóng vai trò quyết định
cho chiến thắng chung cục của QĐND VN trong cả hai cuộc chiến tranh:
chống pháp và thống nhất hai miền Nam - Bắc. Có lẽ, vì con gái ông,
PGS.TS Cao Bảo Vân, là một nhà khoa học thực sự (chị tốt nghiệp đại học
Sinh Hóa ở Lomonosov, thạc sỹ và tiến sỹ Dược khoa ở Pháp).
Lựa chọn thành công nhất của Cao Bảo Vân là dù rất yêu cha nhưng cuốn
sách không phải là một tự truyện hay chỉ viết về cha mà là một công
trình khảo cứu đồ sộ.
Chắc chị hiểu rằng, tầm vóc của tướng Cao Văn Khánh chỉ có thể được đánh
giá đúng khi đặt bên cạnh các chiến tướng khác. Vai trò của tướng Cao
Văn Khánh chỉ có thể được hiểu một cách đầy đủ khi "quan sát" ông trong
một lực lượng vũ trang, một lực lượng không chỉ gồm "34 chiến sỹ" ban
đầu của tướng Giáp mà còn được bổ sung bởi "43 học viên" của Trường
Thanh Niên Tiền Tuyến, trường quân sự đầu tiên của Việt Nam hiện đại, do
Chính phủ Trần Trọng Kim lập ra tháng 5-1945.
Có lẽ chưa ai cần mẫn đọc kho tư liệu về các cuộc chiến tranh được xuất
bản ở trong nước và ngoài nước như Cao Bảo Vân. Có lẽ ít ai thu thập
được các hồi ký, đặc biệt là các nhật ký, thư từ... của các sỹ quan QĐND
VN phong phú và giá trị như chị.
Không ngạc nhiên khi chị, người có kỹ năng của một nhà khoa học thực
chứng, đã xử lý rất thành công các tư liệu ấy. Nhưng rất ngạc nhiên, khi
cuốn sách còn cho thấy tác già là một người am tường lịch sử quân sự
cùng với khả năng tư duy hệ thống.
Cho dù, có không ít trường hợp tham lam (sẽ hợp lý hơn khi giữ ở mức 500
trang thay vì tới 800 trang); nhiều chỗ lặp lại những tư liệu không còn
tranh cãi và vẫn còn quá "chính thống" trong cách nhìn nhận một số
trường hợp lịch sử như khi nói về tổng thống Ngô Đình Diệm, về "tổng
tuyển cử" và về "Giáng sinh B52..."; Nhưng, cuốn sách vẫn rất thành công
nhờ cách tiếp cận với phần lớn các sự kiện là mới mẻ với nhiều tư liệu
được chính thức công bố lần đầu.
Bằng cách trích dẫn khéo léo, nhiều trường đoạn mới về các sự kiện lịch
sử được nói nhiều tới mức tưởng như đã vô cùng nhàm chán như Điện Biên
Phủ, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, vẫn được viết hấp dẫn khiến ta đọc
khó dừng lại được. Cuốn sách, tuy nói không nhiều nhưng vẫn làm sáng tỏ
một khúc quanh định mệnh trong lịch sử Việt Nam. Đó là thời kỳ sau
10-1949, Mao thắng Tưởng trong cuộc nội chiến giành quyền ở Trung Hoa
Đại Lục.
Sau chuyến đi bí mật của Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh và sau đó là sang
Moscow (1950), QĐND VN có thêm nhiều vũ khí. Nhưng, cùng với vũ khí là
làn sóng cố vấn Trung Quốc tràn sang, áp đặt các chuẩn mực cách mạng vô
lại của Mao, ở hậu phương thì các cuộc đấu tố phá vỡ các nền tảng đạo
đức gia đình, xã hội; ở trong quân đội thì chỉnh huấn làm hoang mang
không ít chỉ huy.
Vào thời điểm cuộc kháng chiến vẫn còn là "chống Pháp giành độc lập" ấy,
các chỉ huy lừng danh như Lê Trọng Tấn, Vương Thừa Vũ, Đặng Văn Việt...
đều có người nhà là nạn nhân của các cuộc đấu tố ở địa phương. Vợ của
nhà khoa học tự sản xuất được penecilin, bác sỹ Đặng Văn Ngữ, shock nặng
sau khi chỉnh huấn, bị tai biền rồi mất khi chồng cũng đang căng thẳng
trong một đợt chỉnh huấn ở xa khác. Nhiều sỹ quan thiện chiến "cứng đầu"
của quân đội thay vì ở chiến trường cũng bị giữ trong các lớp chỉnh huấn
như vậy.
Những tư liệu được Cao Bảo Vân trích dẫn cho thấy khá rõ "mục tiêu của
các cố vấn Tàu" là Tướng Giáp và những tư lệnh giỏi nhất có nguồn gốc
trí thức của ông. Chị cũng cho thấy vai trò của Nguyễn Chí Thanh trong
việc "mở cửa" áp dụng nguyên tắc "chính trị là thống soái" của Mao; giải
thích vì sao ông được phong đại tướng khi miền Bắc đã không còn chiến
tranh (1958-1959); giải thích vì sao các chỉ huy nông dân như Nguyễn Chí
Thanh, Chu Huy Mân, Lê Đức Anh... cho tới lúc đó, chiến tích không thể
so sánh với các tướng trí thức, tài ba và cho tới lúc đó, có người vẫn
chỉ tiến hành chiến tranh du kích, về sau lại đều trở thành "rường cột".
Cho dù đều là những "hùm xám" trên chiến trường, Đặng Văn Việt - từng
đồng cấp với Chu Huy Mân - vĩnh viễn đeo quân hàm trung tá; tướng Cao
Văn Khánh đeo quân hàm đại tá 26 năm... Những tướng lĩnh xuất thân trong
các danh gia vọng tộc, cho dù công trạng thế nào, đều phải nhường các vị
trí quan trọng cho những sỹ quan nông dân lớp 3, lớp 4.
Lần đầu tiên, trong cuốn sách của Cao Bảo Vân, một tư liệu rất quan
trọng về Quảng Trị đã được công bố.
Cuối tháng 4-1972, tướng Hoàng Nghĩa Khánh được tướng Văn Tiến Dũng cử
ra Hà Nội báo cáo, vừa ngồi với Tướng Giáp 5 phút thì bị triệu sang nhà
Lê Duẩn. "Lê Duẩn đặt cả bàn tay xuống bản đồ, trùm lên cả khu vực La
Vang, thị xã Quảng Trị đến cầu Mỹ Chánh và nói: Tôi đồng ý đánh ngay".
Hôm sau, Quân ủy họp đều phải "đồng ý đánh" kể cả tướng Giáp người từng
quyết định chuyển sang phòng ngự hoặc dùng "một con đường" đánh vu hồi
mà Văn Tiến Dũng (và trước đó là Trần Quý Hai) không thực hiện.
Từ đó cho đến 16-9-1972, bộ đội vẫn phải vượt sông Thạch Hãn "phản công"
mà không giành được chiến thắng nào... Mỗi ngày Mặt Trận phải bổ sung
vào Thành Cổ hơn trăm quân, chủ yếu là sinh viên mới vào từ Hà Nội, mà
không bù đủ số hy sinh của ngày hôm đó.
Dù cuốn sách khá ít chất văn vẫn có rất nhiều trang cảm động. Không chỉ
là những câu chuyện cảm động trong tình yêu của ông với một "tôn nữ" bỏ
Kinh thành Huế ra chiến khu. Mà còn thật sự cảm động trước khát vọng độc
lập, tình yêu đất nước của những người xuất thân là trí thức "thời Tây"
như Cao Văn Khánh, Đặng Văn Việt, Phan Tử Lăng..., của những người như
mấy chị em vợ ông, con cụ Thượng thư Tôn Thất Đàn, chịu bao cay đắng mà
vẫn hết lòng vì đất nước.
Những ngày tháng 8-1945 là thời điểm mà Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội
lịch sử, nhưng cũng đầy những tình huống oái ăm. Mãi tới 1949, tướng Cao
Văn Khánh mới vào đảng. Từ khi cầm súng, ông chỉ có ý định vì đất nước,
vì nhân dân. Ý thức hệ không chỉ chia cắt anh em ông (anh trai ông từng
là Phó chủ tịch quốc hội thời đệ Nhất Cộng hòa), chia cắt bạn bè ông...
Nhiều người xuất sắc nhất ở thế hệ ông đã theo kháng chiến bởi lòng yêu
nước vô điều kiện và khát khao độc lập. Việt Nam đã rất khác, nếu như
cuộc kháng chiến có được những người xuất sắc ấy chỉ chiến đấu vì một
mục tiêu duy nhất là cho Việt Nam tự do - độc lập |