HUY ĐỨC
4-5-21

 https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/3816200165081803

Chị Mai, chị Trà sẽ chọn lối nào?

Trong số những người ngạc nhiên khi ông Nguyễn Hồng Diên được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Công thương có không ít người vẫn giữ tư duy bộ trưởng là “tư lệnh ngành”. Ngành được đào tạo chính quy của ông Diên là “Thanh vận” và ông chưa hề làm cái gì liên quan tới thương mại, điện lực hay sản xuất xe hơi (trừ bên gia đình vợ ông có sản xuất bia).

Tuy “tư lệnh ngành” được nói nhiều trong thập niên 1990s, nhưng tư duy đó có từ thời bao cấp, khi nền kinh tế còn phân chia công nghiệp nhẹ (với công nghiệp nặng), ngoại thương với nội thương. Công thương là một bộ được sáp nhập từ nhiều ngành (gốc từ ba bộ chính), nên không thể có ai biết đủ các chuyên môn để làm “tư lệnh”.

Bộ trưởng bây giờ là để làm chính sách chứ không phải để đứng đầu một ngành. Sản xuất xe hơi là việc của các ông VinFast, Thaco…; việc của ông Diên nên chỉ là ra chính sách để kiềm chế hay khuyến khích hai ông lớn ấy.

Tất nhiên, Chính phủ thường phải biết “thứ tự ưu tiên”, với việc chọn ông Lê Minh Hoan, các nhà quan sát có thể hiểu, Chính phủ muốn có cách tiếp cận mới trong chính sách nông nghiệp và nông thôn, còn chọn ông Diên thì không ai biết ông ấy sẽ làm gì với cái bộ nắm rất nhiều quyền lực ấy [theo tôi đứng đầu bộ Công thương lúc này nên là một nhà đàm phán].

Trong chế độ ta, bên cạnh các bộ còn có các “cơ quan to ngang bộ”. Công tác cán bộ vẫn sử dụng “hàm bộ trưởng” cho cả người lãnh đạo một cơ quan hoạch định chính sách và người đứng đầu một cơ quan thuần túy chuyên môn. Những báo Nhân Dân, TTX, đài Tiếng Nói Việt Nam… rất có thể cũng sẽ được lãnh đạo bằng một ông trung ương tay ngang như ông Nguyễn Hồng Diên.

Cách tiếp cận coi trọng phẩm hàm, đặc biệt, không tách bạch hành pháp chính trị với hành chính công vụ không những sẽ không bao giờ có được một nền hành chánh chuyên nghiệp, không lệ thuộc vào nhiệm kỳ mà còn không thể tránh được các nhầm lẫn cả về cấu trúc và nhân sự.

Sở dĩ, nhiệm vụ cam go nhất của Chính phủ Phan Văn Khải trong giai đoạn hậu Luật Doanh nghiệp là cắt bỏ các giấy phép con và chỉ trong các năm từ 2008 – 2014 Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng “đẻ” thêm hơn bảy nghìn điều kiện kinh doanh… là vì, các cơ quan ban hành chính sách có lợi ích khi duy trì các chính sách cần phải “xin – cho” nhiều như thế.

Nếu các quan chức trong một bộ khi ban hành chính sách (bao gồm các điều kiện kinh doanh và giấy phép con) không được can dự gì vào giai đoạn thực thi (cấp các giấy phép con đó) thì tiến trình ban hành chính sách vẫn phải đối diện với các nhóm lợi ích (lobby) nhưng không thể toan tính các lợi ích có thể trực thu như giá cả của từng giấy phép.

Chính phủ cần tái lập chức vụ Tổng thư ký (có từ thời Chính phủ Hồ Chí Minh) hoặc một phó thủ tưởng để cầm trịch phần “hành chính công vụ”). Các bộ cũng nên thiết lập một chức tương tự, giao cho một chuyên gia hành chính công trông coi một hoặc vài cục để hướng dẫn các địa phương thủ tục thi hành các chính sách của bộ mình hoặc trực tiếp giải quyết một số thủ tục hành chính của bộ mình (để địa phương không đẩy việc lên trên như Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa tuyên bố thì cấp bộ phải tiến tới không còn là cơ quan cấp phép).

Ông đứng đầu cơ quan hành chính này như ông “thủ từ”, rành rẽ chuyên môn và chức vụ không lệ thuộc nhiều vào nhiệm kỳ chính trị (careers).

Với phần hành pháp chính trị, tân chính phủ cũng như tân bộ trưởng, tùy thuộc vào tham vọng thay đổi chính sách, mà bổ nhiệm người vào những “ekip” thích hợp với lịch trình chính trị của mình. Những “ekip” này sẽ ra đi khi hoàn thành nhiệm vụ, khi bộ trưởng không còn sử dụng hoặc không tái nhiệm.

Sự tách bạch này sẽ giúp “công tác cán bộ” thiết kế chính xác các ngạch trật. Các chính trị gia (các ủy viên BCT, các ủy viên TƯ, đại biểu quốc hội…), qua tranh cử, qua vận động chính trị trong Đảng mà lên. Các bộ trưởng và các chức vụ tương đương (political appointees) do thủ tướng chọn, được bộ chính trị đồng ý và được quốc hội phê chuẩn.

Trước khi phê chuẩn cần yêu cầu các bộ trưởng trình bày kế hoạch hành động của mình trước các ủy ban của Quốc hội. Năm năm là rất ngắn, đó là thời gian để làm thay đổi đất nước chứ không phải để các bộ trưởng đi học nghề.

Các giám đốc sở ở địa phương cũng nên được coi là các political appointees. Không nên đòi hỏi tất cả phải là trung ương hay tỉnh ủy viên. Trong một số tình huống nên để cho Thủ tướng hay chủ tịch các UBND tìm những ông ngoài đảng hay đã về hưu, mà có sáng kiến về chính sách, mời ra đảm trách.

Tất cả những người trong hệ thống hành chánh công vụ (công chức), từ trung ương tới địa phương phải được đào tạo đầy đủ về chuyên môn và tuyển dụng phải qua thi cử. Họ là những người bằng lòng với một công việc suốt đời mẫn cán, tuân thủ một cách nghiêm khắc chứ không cần sự sáng tạo [khác với các chính trị gia và các viên chức chính trị bổ nhiệm, sự nghiệp có thể không phải suốt đời].

Không nên lãng phí nguồn nhân lực bằng cách đưa vào bộ máy hành chính công những người xuất sắc; và cũng không nên bắt họ phải lấy các chứng chỉ trong các học viện chính trị, mỗi khi triển khai các thủ tục hành chính mới, họ chỉ cần dự các lớp tập huấn của ngành.

Đừng bắt bộ trưởng phải lấy phiếu tín nhiệm ở nơi công tác. Những cải cách của bộ trưởng (cắt giảm phiền hà cho dân chúng) thường đánh vào lợi ích của bộ máy dưới quyền. Nơi bỏ phiểu tín nhiệm hay bất tín nhiệm bộ trưởng chỉ có thể là quốc hội.

Có những “cơ quan ngang bộ” nhưng thuần túy chỉ làm chuyên môn, cần nghiệp vụ sâu (như TTX, đài Tiếng Nói Việt Nam…) đừng đối xử như bộ rồi đưa về đó các chính trị gia. Những người được đưa từ bên ngoài vào mà ít hiểu biết chuyên môn lại không chí công thì thường chỉ quan tâm tới các lợi ích ngắn hạn và tạo lập phe cánh.

Nếu như “lấy phiếu tín nhiệm nơi công tác” với các bộ trưởng là sai về mặt nguyên lý thì tín nhiệm của các nhà báo đối với người lãnh đạo họ lại là yếu tố không thể thiếu, giúp họ đủ uy để dẫn dắt anh em.

Khi làm tổ chức, mối quan tâm lớn nhất thường là bố trí cán bộ, xây dựng lực lượng trên nền tảng hiện thời. Những cải cách chiến lược có thể phải chịu nhiều thách thức chính trị và ít có lợi ích cá nhân. Các nỗ lực cải cách cho dù cùng đích đến vẫn có nhiều bước đi. Chọn cách đi và xuất phát điểm từ tổ chức, cán bộ sẽ tạo được những thay đổi lâu dài, căn bản.

Công tác tổ chức, cán bộ nhiệm kỳ này được đặt lên vai hai người phụ nữ ít phải vướng bận riêng tư, đặc biệt là chị Trương Thị Mai (tôi chưa biết nhiều về chị Phạm Thị Thanh Trà). Hai chị lựa chọn bổng lộc hay thanh danh là quyết định không chỉ mang tính chất cá nhân mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới tương lai đất nước.