R. J. Heydarian:
This is how a
superpower commits suicide Người dịch: Huỳnh Hoa
Cách tự sát của một siêu cường
Richard Javad Heydarian
Richard Javad Heydaria là cây bút
chuyên về địa chính trị châu Á. Trước đây ông dạy khoa học chính trị tại
đại học De La Salle và đại học Ateneo De Manila, đồng thời là nhà tư vấn
chính sách cho Hạ viện Philippines.
Trong chuyến công du chính thức đầu tiên của tổng thống Donald Trump tại
châu Á, sự giảm sút nhanh chóng quyền bá chủ kéo dài nhiều thập niên của
Hoa Kỳ ở khu vực này đã trở nên rõ ràng một cách đau đớn. Đây
có phần là một sản phẩm phụ mang tính cơ cấu từ sự trỗi dậy nhanh chóng
của Trung Quốc, quốc gia đã công khai kêu gọi một trật tự khu vực mới
của thế kỷ 21 “châu Á của người châu Á”. Từ năm 2013, cường quốc châu Á
này đã đưa ra một gói các sáng kiến phát triển hấp dẫn, có tiềm năng sẽ
vẽ lại cảnh quan kinh tế của khu vực và xa hơn nữa. Khi Trung Quốc nổi
lên thành một cỗ máy kinh tế của thế giới, nước này cũng chủ động đòi
lại vị trí lịch sử của nó dưới ánh mặt trời.
Nhưng đây cũng là một phụ phẩm của tác động có tính chất phá hoại vị thế
của Hoa Kỳ ở châu Á trong nhiệm kỳ tổng thống đầy giông bão của ông
Trump. Cả các đồng minh và đối thủ trong khu vực đều bị xáo động bởi
chính sách đối ngoại “tân-biệt lập”
(neo-isolationist), gọi là
“Nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Hàng loạt những lời đả kích lúc nửa
đêm trên mạng Twitter, những cuộc tấn công thường trực vào trật tự tự do
quốc tế và sự hấp tấp rút khỏi hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái
Bình Dương (TPP) – gộp chung lại đã làm cho Hoa Kỳ bị cô lập ngay cả với
các đồng minh gần gũi nhất. Hồi
đầu năm nay, một quan chức từ một đối tác quan trọng của Mỹ nói với
người viết bài này: ”Liệu có phải đây là cách một siêu cường tự sát hay
không?” Câu trả lời dường như là “Phải”.
Trong khi Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì một lợi thế quân sự đáng kể so với
các đối thủ bằng vai phải lứa của mình, nước Mỹ đang dần thất bại trong
trận đánh chủ yếu xác định nên thế kỷ này: thương mại và đầu tư. Trong
khi đó, Trung Quốc đang bận rộn định hình lại thế giới theo hình ảnh của
chính họ, với sức mạnh và sự hăng hái. Trong một vòng xoáy siêu thực các
biến cố, giờ đây đã xảy ra điều tưởng là không thể: một chế độ cộng sản
lại nổi lên thành người bảo vệ công cuộc toàn cầu hóa và ngoại giao đa
phương.
Thảm họa quyền lực mềm Từ
ngày ông Trump lên nắm quyền, vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới đã trải
qua một tiến trình sụp đổ. Theo trung tâm nghiên cứu Pew, niềm tin quốc
tế vào sự lãnh đạo của Hoa Kỳ đã giảm sút đáng kể trong năm qua. Điều
này được cảm nhận rõ ràng nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trọng
tâm địa chính trị toàn cầu.
Trong số các đồng minh châu Á của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Nam Hàn và Nhật
Bản, niềm tin vào khả năng của tổng thống Mỹ trong việc đưa ra các phán
đoán đúng đắn đã bị giảm 71% và 54%. Ở Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn
nhất, nó đã giảm tới 41%. Đây quả là một thảm họa cho quyền lực mềm của
Mỹ. Bất
chấp những lời lẽ cứng rắn, ông Trump vẫn không giành được sự nhượng bộ
quan trọng nào trong chuyến công du Trung Quốc; Bắc Kinh vẫn không mảy
may lay động trong những lĩnh vực chủ yếu về kinh tế và địa chính trị mà
hai bên có sự bất đồng, đặc biệt là về Bắc Triều Tiên và Biển Đông. Thất
bại trong nỗ lực áp đặt ý chí của mình lên nước chủ nhà, ông Trump thậm
chí còn kết thúc bằng việc trao cho Bắc Kinh “niềm tin sâu sắc” vào khả
năng của nước này trong việc “lợi dụng một quốc gia khác vì lợi ích của
các công dân của mình”. Ông Trump đã đổ cho các chính phủ trước ông
trách nhiệm gây ra mất cân bằng thương mại đang phình lên với Trung
Quốc! Hoa
Kỳ rõ ràng bị cô lập tại hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương
(APEC) ở Việt Nam. Nước chủ nhà là một trong 11 quốc gia, gồm cả Nhật
Bản, Australia và Singapore, cảm thấy bị phản bội bởi quyết định của ông
Trump rút ra khỏi TPP. Các nước nhỏ ở Đông Nam Á xem hiệp định thương
mại này là cơ hội để có được quyền tiếp cận tốt hơn với thị trường Hoa
Kỳ, trong khi Nhật Bản và Australia coi nó là đối trọng hết sức thiết
yếu để cân bằng ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc ở khu vực. Các
đồng minh của Hoa Kỳ đã điều chỉnh và đặt tên lại cho hiệp định thương
mại này với hy vọng sẽ làm cho nó hồi sinh. Dù sao, nhiều chính phủ châu
Á đã chi tiêu rất nhiều vốn liếng chính trị để tán thành thỏa thuận TPP
nguyên thủy, bất chấp sự phản đối của cánh bảo hộ thị trường trong nước.
Tuy vậy, sự kiện này về cơ bản lại khiến cho Washington không còn sáng
kiến kinh tế nào để đem ra bàn thảo. Nói
ngắn gọn, các đồng minh đã thể hiện sự sẵn sàng vượt qua mặt Hoa Kỳ và
tích cực xây dựng một trật tự thế giới thời hậu-Hoa Kỳ
(post-America), một phần để
mở rộng thương mại khu vực cũng như để giữ cho ảnh hưởng đang lên của
Trung Quốc trong tầm kiểm soát. Tôi đã nói chuyện với một nhà đàm phán
thương mại lão làng của Hoa Kỳ và người này cho rằng có rất ít khả năng
nước Mỹ thời hậu ông Trump
(post-Trump America) sẽ đồng ý gia nhập hiệp định TPP với phiên bản
đã được điều chỉnh nhằm thay đổi căn bản cấu hình kinh tế của các nước
thành viên. Quốc hội Hoa Kỳ, theo luật và theo truyền thống chính trị,
sẽ không bao giờ đồng ý phê chuẩn một hiệp định thương mại mà các nhà
đàm phán Hoa Kỳ không giữ vai trò có tính chất bước ngoặt và liên tục
trong việc hình thành hiệp định ấy. Điều đó có nghĩa là, các đồng minh
hoặc sẽ phải quên đi sự tham gia của Hoa Kỳ vào cái gọi là “TPP 11” hoặc
đóng băng tất cả các cuộc đàm phán cho đến khi Washington thay đổi quyết
định. Thật là phí phạm thời gian và cơ hội chiến lược.
Nền hòa bình Trung Quốc
(Pax Sinica) Trái
ngược với Hoa Kỳ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu
tại APEC đã miêu tả toàn cầu hóa như “một xu thế lịch sử không thể đảo
ngược”. Ông ta khuyến khích một “cơ chế và thực tiễn thương mại đa
phương” nhằm giúp cho “các thành viên đang phát triển hưởng lợi nhiều
hơn từ thương mại và đầu tư quốc tế”. Những lời phát biểu này là tiếng
vọng của bài diễn văn nổi tiếng mà ông Tập đọc tại Diễn đàn Kinh tế thế
giới ở Davos, Thụy Sĩ hồi đầu năm nay, trong đó ông chính thức đề cao
Trung Quốc như là người đi tiên phong của trật tự kinh tế toàn cầu. Hồi
đó, ông Tập phê phán tất cả những ai “đổ trách nhiệm cho toàn cầu hóa
kinh tế về những vấn đề của thế giới”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc còn coi
toàn cầu hóa là “một đại dương lớn mà bạn không thể thoát ra khỏi được”,
đồng thời phê phán chủ nghĩa bảo hộ như là “tự soi gương trong phòng
tối”. Đây
không phải là những từ ngữ rỗng tuếch. Trung Quốc đang tiến về phía
trước, lôi kéo về phía mình cả khu vực và thế giới với một ý thức sâu
sắc về mục tiêu. Ông Tập đã giúp thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu
Á (AIIB) có trụ sở tại Bắc Kinh và Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) đặt
trụ sở tại Thượng Hải như là những định chế thay thế cho Ngân hàng Thế
giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do Mỹ cầm trịch, lẫn Ngân hàng
Phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản điều hành. Với
hiệp định TPP trong trạng thái đình trệ, khu vực châu Á-Thái Bình Dương
đang đặt cược vào hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực
(Regional Comprehensive Economic
Partnership – RCEP) do Trung Quốc hậu thuẫn. Hiệp định RCEP được cho
là một sự thay thế linh hoạt hơn, bao trùm hơn, không đặt ra nhiều yêu
cầu gay gắt cho các nước thành viên tương lai mà tập trung chủ yếu vào
việc giảm các rào cản thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt trong khu
vực. Nói
cho công bằng, còn lâu mới khẳng định được số phận của những sáng kiến
kinh tế do Trung Quốc dẫn dắt, cũng như số phận của hiệp định RCEP. Cho
đến nay, hồ sơ của Trung Quốc về đầu tư khắp khu vực gây ra những kết
quả lẫn lộn. Hơn thế nữa, công cuộc quảng bá một mô hình chuyên chế về
phát triển, cộng với sự can thiệp ngày càng trắng trợn vào công việc của
các quốc gia láng giềng, có thể đe dọa các nền dân chủ mới đâm chồi nẩy
lộc trong khu vực – chưa kể tới việc Trung Quốc trực tiếp thách thức
luật pháp quốc tế và an ninh khu vực bằng hành động hung hăng chiếm đóng
các vùng lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông, tuyến đường hàng hải quan
trọng nhất của thế giới. Rõ ràng, Bắc Kinh tìm cách mua chuộc sự phục
tùng của các nước láng giềng nhỏ hơn thông qua việc phân bổ mang tính
chiến lược các khoản hỗ trợ tài chính.
Nhưng, do Hoa Kỳ và các đồng minh không đưa ra được một phương án kinh
tế cụ thể để thay thế, ngày càng nhiều chính phủ trong khu vực sẽ không
có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận cuộc tấn công kinh tế của
Bắc Kinh. Không chỉ quyền bá chủ của Mỹ mà cả quyền tự chủ của các nước
nhỏ hơn cũng như sự sống còn của một trật tự dựa trên luật pháp ở châu Á
đang rơi vào tình thế đầy may rủi!
Nguồn:
https://www.washingtonpost.com/news/theworldpost/wp/2017/11/13/trump-china/?utm_term=.0360f47007cc
|