Việt
Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ và FOIP
Đinh Hoàng Thắng
Chủ công chiến lược “Ấn Thái
Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP) là Hoa Kỳ, nhưng triển khai chiến lược
hẳn nhiên cần tới Bộ tứ (Quad). Đến lượt nó, Quad lại cần sự chống lưng
của các đồng minh và đối tác mới nổi. Trên tương quan ấy, một trong
những ý nghĩa nổi bật của chuyến thăm Đà Nẵng của mẫu hạm Theodore
Roosevelt là sự hội tụ lợi ích về Biển Đông giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Truyền thông Việt Nam dường như nhận được chủ trương thống nhất là hạ
thấp tầm quan trọng của sự kiện
tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt thăm cảng Đà Nẵng từ 5 – 9/3. Cho đến
hết đêm 6/3 (giờ Việt Nam), một vài trang mạng chủ chốt có đưa tin nhưng
tránh bình luận. Đặc biệt chương trình Truyền hình trung ương về
lễ đón nhóm tác chiến tàu sân
bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Hoa Kỳ thăm Việt Nam chiều 5/3
khá sơ sài. Phía dưới chương trình có dòng chữ “Mời quý độc giả
theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên
TV Online!” nhưng khi cho con trỏ vào đấy, ta nhận được một
chương trình khác (?) Điều này không hoàn toàn khó hiểu, vì chẳng ai dại
gì đi “chọc tức” Trung Quốc những ngày này…
Cách đây
hai năm, lúc mẫu hạm USS Carl Vinson vào Đà Nẵng, thì bốn ngày sau, khi
chiếc mẫu hạm ấy rời Đà Nẵng, Ngoại
trưởng Vương Nghị mới tố cáo “các thế lực bên ngoài tìm cách khuấy động
tình hình yên ổn của khu vực”. Ông Vương tuyên bố: “Việc phái một chiến
hạm với đầy đủ vũ khí và phi cơ đến để phô trương sức mạnh đã trở thành
nguyên do lớn nhất gây xáo trộn cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Còn lần này, USS Theodore
Roosevelt mới vào, chưa kịp tổ chức lễ đón, thì ngay ngày đầu tiên,
Giám đốc Trung tâm An ninh Hàng
hải Trung Quốc – ASEAN tại Đại học Dân tộc Quảng Tây Ge Junliang đã
nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik: “Mỹ
hy vọng Việt Nam có thể trở thành một thành phần quan trọng của chiến
lược Ấn Thái Dương”. Theo trang Sputnik, việc mở rộng sự hiện
diện quân sự của Mỹ ở khu vực khiến Trung Quốc lo lắng như một mối nguy
cơ đe dọa an ninh quốc gia và Trung Quốc có thể tính đến việc đáp trả.
Khác với chuyến cập cảng Đà Nẵng lần đầu tiên của mẫu hạm Carl Vinson
(ngày 5/3/2018), lần này tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71)
cùng với tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG 52) tháp tùng, ghé thăm Đà
Nẵng có nhiều ý nghĩa thời sự nóng hổi hơn trong quan hệ song phương lẫn
đa phương của Việt Nam. “Cuộc hôn nhân vì lợi” Việt – Mỹ diễn ra giữa
lúc Hoa Kỳ đang cần Biển Đông để vừa kiềm chế Trung Quốc, vừa khẳng định
cam kết của mình đối với an ninh và thịnh vượng ở khu vực, trong khi
Việt Nam cần sức mạnh của Mỹ để đối trọng với Trung Quốc. Ý nghĩa song
phương, đa phương cùng hội tụ trong sự giao thoa giữa những lợi ích
chiến lược này. Ngoài ra, chuyến thăm của hải quân Mỹ phần nào cũng nói
lên triển vọng của các mối bang giao “gắn kết” và “ thích ứng”. Quan hệ
đối tác toàn diện và hợp tác chặt chẽ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam từ nay có
thể dẫn đến các ý nghĩa và hệ quả:
Ý nghĩa
đầu tiên và quan trọng nhất, bang giao Việt – Mỹ có thể đi vào
khúc quanh mới. Nói như thế
này không phải để thổi phồng, mà là để thấy rõ hơn bối cảnh của chuyến
thăm giữa những biến động địa chính trị trong khu vực, trên toàn cầu và
những biến động đã/đang xẩy ra trong bang giao Việt – Trung, đặc biệt là
những tiến triển bất định và bất toàn về mọi mặt từ nay đến cuối năm.
Quả thật, chuyến thăm của mẫu hạm USS Theodore Roosevelt có thể mở ra
một giai đoạn “đột phá”, nếu hai nước tiếp tục giữ được nhịp độ cải
thiện quan hệ như hiện nay. Đặc biệt, hai bên Việt Mỹ bắt đầu coi trọng
hơn những lợi ích sát sườn cũng như những ưu tiên chiến lược của nhau.
Không chỉ trên ngôn ngữ ngoại giao mà quan hệ sẽ ngày càng đi vào thực
chất hơn. Mỹ cần triển khai mạnh mẽ sự hiện diện trên Biển Đông thông
qua các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP), còn Việt Nam cần giữ cho tình
hình Biển Đông đừng xấu hơn những năm qua. Mỹ có chiều hướng giảm nhẹ
phê phán Việt Nam, không như tinh thần ban đầu của Tổng thống Trump, còn
Việt Nam đã tích cực hơn trong quá trình làm cân bằng cán cân thương
mại…
Ý nghĩa
thứ hai nằm ở sự khác nhau trong chuyến thăm kỳ này của Hải quân Mỹ so
với lần 2018. Lần trước, Mỹ và Bộ tứ chỉ mới ra tuyên bố về chiến
lược Ấn Thái Dương (IPS), và chiến lược ấy được khai sinh tại Đà Nẵng
(ngày nay được đổi tên thành FOIP). Giờ đây FOIP đã được 28 tháng tuổi,
và các đối tác ASEAN đã thống nhất với nhau về nhận thức chung đối với
cấu trúc liên khu vực này thông qua AOIP (Quan niệm của ASEAN về FOIP)
để hình thành bộ khung về hội nhập. Lần trước, chưa có cuộc chiến thương
mại Mỹ – Trung (chỉ mới manh nha), chưa có tình hình hậu–Tư Chính và đặc
biệt là chưa diễn ra Covid 19 ở TQ cũng như trên toàn cầu. Tất cả những
nhân tố này làm cho cái vạc dầu ở khu vực đặc biệt trên Biển Đông tăng
thêm độ sôi. Vừa qua, do Covid 19 nên báo chí và dư luận hơi bị lơ là về
Biển Đông, trong khi tình hình ở đây rất đáng lo ngại. Không rõ là chính
quyền Trump đã đưa công hàm phản đối chính phủ Trung Quốc về vụ Trung
Quốc chiếu la-de vào máy bay của Mỹ trên vùng biển quốc tế chưa, nhưng
đây là dấu hiệu nguy hiểm trong quan hệ Trung – Mỹ.
Sau một thời gian dàn xếp, chuyến thăm lần này của mẫu hạm Roosevelt đến
Đà Nẵng gửi đi một thông điệp kép. Như giới nghiên cứu đã thống nhất với
nhau, đối với người Mỹ, thông điệp rõ ràng là Hà Nội không chỉ coi trọng
quan hệ song phương mà còn nghiêm túc trong việc phát triển quan hệ
chiến lược lâu dài với Hoa Kỳ. Không phải ngẫu nhiên mà chuyến thăm
trùng vào dịp đánh dấu kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Hà Nội –
Washington. Đối với Trung Quốc, sau hơn ba tháng căng thẳng trong quan
hệ Trung – Việt trên khu vực Bãi Tư Chính vào mùa hè năm ngoái, Hà Nội
lần này biểu thị một quyết tâm cao trong việc giữ vững lập trường về
Biển Đông. Nếu Trung Quốc tiếp tục áp đặt yêu sách của mình một cách
hung hăng, coi thường lợi ích của Việt Nam, thì Việt Nam sẵn sàng hành
động mạnh mẽ hơn, ngay cả khi điều này phải trả giá bằng mối quan hệ lâu
dài với Trung Quốc.
Với hai
ý nghĩa sát sườn như vừa phân tích ở trên, việc Việt Nam chấp thuận đón
đội tàu Hải quân Mỹ, phát lộ ra ý nghĩa thứ ba, đó là Hà Nội đã có một
động thái khá nhuẫn nhuyễn trong việc kết hợp giữa ngoại giao song
phương với đa phương. Một mặt, chuyến thăm lần này đã tạo được dấu
ấn nổi bật sau một phần tư thế kỷ (25 năm) trong mối quan hệ vừa duyên
vừa nợ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Mặt khác, trên bình diện khu vực, thậm
chí liên khu vực, so với các thành viên ASEAN khác, Việt Nam đã có bước
đi khá ngoạn mục. Bước đi chủ động này càng có ý nghĩa trong bối cảnh
quan hệ Mỹ – ASEAN, Việt Nam – ASEAN vừa qua không phải lúc nào “cơm
cũng lành canh cũng ngọt”. Philippines đang tính chuyện rút khỏi Hiệp
định Lực lượng Viếng thăm với Hoa Kỳ (VFA), Việt Nam và Malaysia tranh
chấp nhau ở vùng chồng lấn trên Biển Đông. Rồi chuyện chỉ có 3 nước
ASEAN gặp đoàn Mỹ ở Thái Lan, việc đình hoãn gặp cấp cao Mỹ – ASEAN tại
Las Vegas (Trước đó, chỉ có 5 nước trong khối cam kết qua Mỹ)…
Ý nghĩa
thứ tư, nếu như rồi đây Bộ Ngoại giao Việt Nam có kế hoạch thúc đẩy ý
tưởng xây dựng đất nước thành một cường quốc bậc trung, thì những động
thái song phương và đa phương quyện trong nhau như chuyến thăm Hải quân
Mỹ hiện nay sẽ mở ra viễn cảnh ngoại giao sáng sủa cho đất nước. Chữ
“nếu” ở đầu mệnh đề này muốn đề cập đến tính thận trọng của dự báo lạc
quan này. Bởi vì sự thành công của khung khổ quan hệ, cái pe-rơ-đam này
không chỉ tuỳ thuộc vào ngoại giao, mà nó còn được quyết định bởi nhiều
chiều kích khác. Trong các nhân tố ấy, tính tự cường, ý chí độc lập
trong quyết sách, “độ giãn Trung” của elite lãnh đạo, tư thế “đồng dẫn
dắt” các chuyển động tích cực trong khu vực (cùng trên tuyến đầu với các
thành viên ASEAN khác như Indonesia, Thái Lan, Mã Lai) có ý nghĩa quyết
định. Nhất là trong tình hình khủng hoảng nội bộ ở Mã Lai, Thái Lan,
Campuchia gia tăng, Việt Nam hy vọng nổi lên như một đối tác ổn định
tương đối.
Và ý
nghĩa thứ năm: Mỹ, Bộ tứ và ASEAN thấy rõ hơn chuyển biến bước đầu của
Việt Nam trong việc đáp ứng cái đón đợi của Bộ tứ, để rồi đây, khi các
điều kiện khác hội đủ, Việt Nam có cơ để trở thành một “thành viên theo
sát” (shadow member) của FOIP. Vào thời điểm hiện tại, nhiều người
có thể vẫn nghĩ điều này chỉ là ảo tưởng. Nhưng nếu ta nhìn lại 25 qua,
thì đúng như các nhà ngoại giao Việt Mỹ từng khẳng định nhiều lần qua
các hội thảo khoa học, nếu một khi cục diện địa-chiến lược đòi hỏi,
không gì là không thể trong quan hệ Mỹ – Việt. Trước đây, khi chưa có
khoa học vũ trụ, loài người đã từng có giấc mơ bay lên mặt trăng... Kết
luận lại một câu, chuyến thăm của tàu sân bay Theodore Roosevelt có thể
là quả ngọt đầu tiên trong năm nay của nền ngoại giao “gắn kết” và
“thích ứng”. Một bước tiến nữa trên con đường dài lâu “nối vòng tay
lớn”… Hẳn nhiên, nếu không có những vị chua và vị chát từ các sự kiện ở
Việt Nam vừa qua như vụ Đồng Tâm, vụ Thủ Thiêm hay những vấn đề liên
quan đến đám tang của Hoà thượng Thích Quảng Độ, thì quả ngọt của nền
ngoại giao “gắn kết” và “thích ứng” ấy sẽ còn phát huy mạnh mẽ và hiệu
quả hơn nữa, vì lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc.
----------------------------------
Mời tham khảo thêm tại:
Tàu hải quân
Hoa Kỳ thăm Đà Nẵng: Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát
sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
https://vtv.vn/trong-nuoc/tau-hai-quan-hoa-ky-tham-da-nang-2020030516593912.htm
TQ 'không thích thú
gì' về tàu chiến Mỹ thăm Việt Nam:
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51770024
Tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng: Bắc Kinh
tuyên bố Hà Nội phản bội, TQ sẽ đáp trả?
Tàu sân bay Mỹ rời Việt Nam, Bắc Kinh tỏ
ý bực tức về chuyến thăm:
Việt – Mỹ được gì khi tàu USS Theodore
Roosevelt thăm Đà Nẵng?
http://nghiencuuquocte.org/2020/03/06/viet-my-duoc-gi-khi-tau-uss-theodore-roosevelt-tham-da-nang/
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 5-3-20 |