Bản gốc của bài đăng trên báo Văn Nghệ (phiên bản trên báo Văn Nghệ không có 2 câu bôi vàng, xem dưới đây)
http://baovannghe.com.vn/noi-vong-tay-lon-kien-tao-cac-moi-quan-he-chien-luoc-dai-han-18191.html
Nối vòng
tay lớn, kiến tạo
các mối
quan hệ chiến lược dài hạn…
TS.
ĐINH HOÀNG THẮNG
“Rừng núi giang tay nối
lại biển xa…” Ban nhạc Hạm đội 7 Hoa Kỳ “phiêu” cùng người
dân Đà Nẵng dưới chân cầu Rồng. Một đêm nhạc không thể
nào xúc động hơn… được tổ chức trong không gian mở là khu
vực hoạt động văn hóa đã thu hút hàng trăm người dân
cỗ võ cho một tương lai mới mẻ đang hé chào. Những giọt nước mắt
tràn đầy hạnh phúc nhưng cũng thật cay đắng… Không biết khi sáng tác
ca từ này, “người hát rong” họ Trịnh thuở ấy có nghĩ rằng, rồi một
ngày… “Nối vòng tay lớn” sẽ được những người bạn từ bên kia Thái
Bình Dương, trình diễn ngay tại thành phố Đà Nẵng “có cứng mới đứng
đầu gió” này — một biểu tượng cho cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ
quyền, vì sự hội nhập toàn diện của Việt Nam bung ra với thế giới?
Những ngày “Tết Độc lập” năm nay, cả nước
tuy được tưới tắm các giá trị của hòa bình thật đấy, nhưng dấu ấn
của bất định và bất toàn vẫn còn đeo đẳng khôn nguôi. Từ Hội nghị
Ngoại giao lần trước (tháng 8/2016), Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã
khái quát các điều kiện quốc tế của ta: “Ở bên ngoài, môi trường
chiến lược của nước ta đã và đang nổi lên nhiều thách thức chưa từng
có, tác động trực tiếp đến các lợi ích an ninh và phát triển”[i].
Tại Hội nghị Ngoại giao lần này (tháng 8/2018), Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng tiếp tục đánh giá, trước đây ta nhận định tình hình thế
giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường, cho
đến nay nhận định ấy vẫn giữ nguyên giá trị; môi trường đối ngoại
trong những năm tới sẽ còn phức tạp, sẽ còn khó lường. Tổng Bí thư
chỉ thị cho đội ngũ làm công tác đối ngoại “cần thường xuyên theo
dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình
hình bên ngoài và nhất là đánh giá thật kỹ các tác động đến Việt
Nam, để không bị động, bất ngờ và có đối sách đúng”[ii].
Vòng tròn định mệnh…
Mãi mãi về sau,
các thế hệ người Việt sẽ còn nhắc lại cái thời khốn khó, cái thế
đứng chông chênh của những ngày tháng Tám năm ấy… “Ôn cố tri tân”
cũng là cách để góp phần giải bài toán hiện tại. Lịch sử ngoại giao
Việt Nam ghi nhận tầm nhìn xuyên không—thời gian của “những năm
tháng không thể quên” ấy khi chúng ta khẳng định chính sách ngoại
giao của nước Việt Nam mới là thân thiện với tất cả các nước. Riêng
đối với Trung Hoa và Mỹ, chúng ta có mối cảm tình đặc biệt. Trung
Hoa là nước gần gũi
ta nhất về địa thế, về sinh hoạt, kinh tế cũng như về văn hoá. Còn Mỹ là
nước dân chủ, không có tham vọng về đất đai mà lại có công nhất trong
việc đánh bại kẻ thù của ta nên ta coi Mỹ như một người bạn tốt[3].
Lịch sử cũng đã ghi nhận“Tạm ước
14/9/1946” vào thời điểm bấy giờ là một giải pháp chính trị linh
hoạt, tài tình nhằm cứu vãn Hội nghị Phôngtennơblô và kéo dài thêm
khoảng thời gian hòa bình quý giá, để củng cố chính quyền dân chủ nhân
dân, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Giai đoạn tiếp
sau đó, Hồ Chí Minh còn viết tới 8 lá thư gửi Tổng thống và Ngoại trưởng
Mỹ mà nội dung chủ yếu là yêu cầu Mỹ ủng hộ tinh thần cho nền độc lập
mới thu hồi của Việt Nam, nhưng rồi tất cả đều rơi vào im lặng. Hồ Chí
Minh buộc phải tìm một chọn lựa khác…
73 năm trôi qua, lịch sử lởn vởn cái nguy cơ
lặp lại “vòng xoáy định mệnh” tháng 8/1945. Đọc kỹ
“Địa-chính trị trong chiến tranh
Việt Nam” của James Burnham, chuyên gia phân tích từ Cơ quan Tình
báo Chiến lược (OSS), tiền thân của CIA ngày nay, có thể chiêm nghiệm
thêm cái “điềm báo” bất ổn năm nào. Hồi bấy giờ, Burnham từng coi chiến
tranh Việt Nam là một phần của cuộc tranh hùng để giành quyền kiểm soát
Đông Nam Á và chiếm thế thượng phong tại Tây Thái Bình Dương. Trong một
báo cáo đề ngày 20/11/1964, ông nhận xét:
“Cuộc
chiến tại Việt Nam không phải là vấn đề địa phương, không phải là vấn đề
cục bộ. Đó là một trận chiến quan trọng trong cuộc tranh giành châu Á,
Tây Thái Bình Dương và Biển Đông”[4].
Hơn nửa thế kỷ sau, Biển Đông lại dậy sóng dữ. Nhưng lần này, “các vai
diễn” đã được thay thế. Trung Quốc từ chỗ “chống lưng” cho Việt Nam
(trong kháng chiến) mà mục đích tối hậu cũng là mượn đường xuống Đông
Nam Á, thì nay vẫn kiên định mục tiêu bá quyền ấy, nhưng đã bước lên vũ
đài trong một tâm địa khác xưa. Với “giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc
quyết vượt đại dương để “ăn thua” với Hoa Kỳ, về lâu dài nhằm thay đổi
“Trật tự quốc tế” hiện nay. Điều trớ trêu là Việt Nam luôn nằm trên con
đường hành tiến của người Trung Quốc. Nói bang giao Việt—Mỹ là quan
trọng, nhưng nó luôn quan trọng vì nhân tố thứ ba là nhìn nhận từ cái
lăng kính địa—chính trị khắc nghiệt ấy.
Và giờ đây, kịch bản cũ hoàn toàn có thể xẩy
ra, nếu Việt Nam không nhanh chóng hoá giải được điều mà Tổng bí thư
cũng nhấn mạnh tại Hội nghị Ngoại giao năm nay:
“Trong
quan hệ với các đối tác quan trọng, nhất là các nước lớn, có những ‘điểm
nghẽn’ nào cần tháo gỡ hoặc khâu ‘đột phá’ nào cần mở ra?”[5]
Tổng bí thư nêu vấn đề một cách khá
sát sườn : “Các khuôn khổ quan hệ đã ký kết có tạo được
hiệu quả tương xứng với tên gọi hay còn mang nặng tính hình thức? Có
giúp xử lý một cách hiệu quả các vấn đề phát sinh không?”[6]
Đặt ra câu hỏi cũng là một cách trả lời. Thực tế vừa qua, khi Trung Quốc
ép Việt Nam không được khai thác các giếng dầu ngay trong thềm lục địa
và vùng đặc quyền kinh tế của mình, ấy vậy mà không một đối tác chiến
lược (ĐTCL) nào trong hơn hai chục ĐTCL đứng ra “chống lưng” góp phần
giúp Việt Nam “xử lý một cách hiệu quả” các vấn đề phát sinh ấy. Rõ
ràng, tình hình thật đáng đáng phải báo động.
Thời đại cuốn màn sương…
Lịch sử sẽ còn nhắc lại
tuyên bố nổi tiếng của Donald Trump tại Đà Nẵng (tháng 11/2017):
“Tôi đến đây, giữa trung tâm của
khu vực Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Từ cột mốc đáng nhớ
ấy, các hành động và phản-hành động đã liên tục diễn ra giữa hai nước
lớn Trung Mỹ, tình hình ngày một cẳng thẳng và chưa có điểm dừng. Liệu
xung đột thương mại Mỹ—Trung tới đây có lan ra Biển Đông hay không? Theo
một nghiên cứu của Deutsche Bank, nếu Mỹ thực hiện đến cùng việc đánh
thuế 10% nhằm vào hàng xuất khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc, thì
tăng trưởng GDP hàng năm của đại lục sẽ giảm từ 0,2— 0,3%. Tình trạng
bất ổn của xã hội Trung Quốc sẽ gia tăng. Chủ tịch Tập Cận Bình cho đến
nay vẫn giữ im lặng, thay vào đó, đẩy Lý Khắc Cường ra “đứng mũi chịu
sào”. Ông Tập, theo giới phân tích, đang “ủ mưu” cho cuộc chiến cùng lúc
trên cả hai mặt trận: đối phó với các vấn nạn thương mại—công nghiệp—tài
chính với Mỹ, đồng thời đối phó với làn sóng chỉ trích, thậm chí chống
lại tệ sùng bái cá nhân ông trong xã hội. Nếu cùng đường, khó loại trừ
khả năng Tập sẽ mở rộng xung đột với các nước trên Biển Đông như một
hướng “giải toả”, nhằm “chữa trị” các bấn loạn trong nước.
Mà các xung đột về ngoại
thương—công nghiệp—tài chính nói trên giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng có
thể lan ra Biển Đông theo một vec-tơ ngược lại. Theo những tin tức mới
nhất, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ—Trung vừa qua nặng về chi tiết
nhưng không đạt được mấy tiến bộ. Khi các nhà đàm phán Mỹ nêu ra những
trường hợp nhiều công ty Mỹ bị tổn hại bởi các tập tục của Trung Quốc
thì Trung Quốc lập luận rằng họ đã tuân thủ các nghĩa vụ của Tổ chức
Thương mại Thế giới (WTO). Hai ngày đàm phán ở Washington do các quan
chức cấp thứ trưởng dẫn đầu chẳng làm được gì mấy để giải quyết tranh
chấp thương mại—công nghiệp—tài chính ngày càng trầm trọng giữa hai nền
kinh tế lớn nhất thế giới. Các cuộc thương thuyết kết thúc vào ngày 23/8
mà không ra được thông cáo chung. Cuộc đàm phán lần thứ tư này được nối
lại vào lúc hai bên tiếp tục thực hiện lời đe dọa áp đặt thuế quan lên
hàng hóa của nhau. Bắc Kinh đã đệ đơn khiếu nại lên WTO về thuế quan của
Mỹ. Trong đàm phán, các nhà thương thuyết Trung Quốc nhiều lần viện dẫn
điều mà họ nói là Bắc Kinh tuân thủ các qui định của WTO, một lập luận
chẳng mấy gây ấn tượng đối với phía Mỹ. Một trong các nguồn tin mô tả
phản ứng của Mỹ: “Chúng tôi không quan tâm đến WTO chừng nào quí vị còn
cho phép tình trạng dư thừa sản lượng, phá hoại các ngành công nghiệp và
đánh cắp tài sản trí tuệ. Chúng tôi sẽ không chịu bó tay đâu”.
Tất nhiên, thương mại không
phải là nguồn gốc duy nhất dẫn đến sự căng thẳng giữa Washington và Bắc
Kinh. Trung Quốc gần đây đã tự thừa nhận các hoạt động quân sự hoá của
mình trên Biển Đông và Hoa Kỳ vẫn chưa có một chiến lược ngăn chặn hiệu
quả. Đạo luật về chi tiêu quốc phòng năm 2019 (mang tên TNS John Sidney
McCain III vừa qua đời sáng 26/8/2018), đã được Tổng thống Trump phê
duyệt, là một trong những nỗ lực mới nhất của Mỹ ngăn chặn các hành động
phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Liệu chính quyền Trump có kết
nối các vấn đề thương mại với các biện pháp hữu hiệu hơn nhằm góp phần
chống lại sự bành trướng trên các vùng biển đảo mà Bắc Kinh cưỡng chiếm
của Việt Nam hay không? Bởi vì, theo đạo luật mới, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ
công bố nhiều hơn các hành vi bức hiếp của Bắc Kinh ở Biển Đông. Các
hoạt động quân sự và bồi đắp đảo của Trung Quốc trong khu vực cũng phải
được thông báo ngay lập tức cho Quốc hội Mỹ và công bố rộng rãi để nắm
rõ hơn về hoạt động của Trung Quốc.
Tuy nhiên, vấn đề then chốt hơn, nghiêm trọng
hơn trong thời gian tới, chính là sư va chạm giữa hai quyết tâm chiến
lược: “Sáng kiến Vành đai, Con
đường” của Bắc Kinh (BRI), mà danh xưng lúc đầu là “Nhất đới
nhất lộ” (OBOR) và “Chiến lược Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” của “Bộ
tứ Kim cương” (OFIP từ
Nhật—Mỹ—Ấn—Úc). Phân tích về của cuộc đối đầu giữa BRI (hay OBOR)
với OFIP này, Ngoại trưởng Đức Gabriel tuyên bố tại Hội nghị An ninh
toàn cầu ở Munich ngày 17/2/2018:
“Trung Quốc đang dùng OBOR để gây ra cuộc chiến giữa chế độ dân chủ và độc tài”.
Còn Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris thì khẳng định:
“Khu
vực OFIP đang ở vào bước ngoặt lớn
khi chứng kiến cuộc cạnh tranh
địa-chính trị giữa tự do và áp bức”[7].
Trong một hàm ý gửi tới các quốc
gia hay các tổ chức muốn hưởng ứng, như một “thành viên sau hậu trường”
(shadow member) đối với OFIP, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis mới đây
tuyên bố: “Hoa Kỳ không gợi ý bất kỳ nước nào phải chọn giữa Mỹ hay
Trung Quốc… Hoa Kỳ
đề nghị mối quan hệ “đối tác
chiến lược”, chứ không phải lệ thuộc về chiến lược”; và ông Bộ trưởng
tiếp tục: “Chỉ khi các quốc gia trở nên độc lập, không bị chi phối và
trở nên vững mạnh thì mới giúp đỡ được nước khác, mới hỗ trợ được các
quốc gia khác”. Giúp bạn cũng là tự giúp mình! Nguyên tắc này chẳng mấy
xa lạ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đang
đặt ra cho Việt Nam những
nghĩa vụ và trách nhiệm mới trong tương lai không thể thoái thác.
“Ba đặc khu” là OBOR trá hình
Trong khi Mỹ ngày càng tỏ
ra không ngán đối đầu với sự bành trướng củaTrung
Quốc trên Biển Đông và nhiều nước,
điển hình mới đây nhất là Malaysia của Dr. Mahathir không còn muốn tham
gia vào OBOR của Trung Quốc thì ở nước ta, mùa hè qua, rộ lên câu chuyện
“Ba đặc khu”. Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước, sự phát triển
của cách mạng công nghiệp 4.0 chẳng những sẽ mang lại các công nghệ mới
trong sản xuất, liên kết và kinh doanh, xây dựng nên những mạng dịch vụ
chưa từng có, mà còn tạo ra những kết nối, tái cấu trúc các chuỗi cung
ứng, dịch vụ, các công cụ và phương thức trong huy động – phân bổ các nguồn
lực; bởi vậy mà vòng đời của sản phẩm thời CMCN 4.0 sẽ ngày càng ngắn
lại và càng sớm bị thay thế. Nói cách khác, CMCN 4.0
đang loại bỏ gần như hoàn toàn mô hình các đặc khu như đang dự
định hình thành. Đòi hỏi hàng đầu của Việt Nam hôm nay không phải là kéo
thêm lực từ bên ngoài vào bằng mọi giá! Nhất là khi tình hình của ta và
của khu vực đang tiềm ẩn nhiều mối nguy khó lường, vượt ra ngoài khả
năng kiểm soát rất yếu kém hiện nay của đội ngũ quản trị quốc gia. Cho
nên đi vào mô hình đặc khu là mắc bẫy OBOR, hay BRI trá hình, rất nguy
hiểm và đầy thảm hoạ.
Để
bắt đầu một tuần lao động mới, chúng ta nên xem lại các kinh nghiệm về
xây dựng đặc khu của quốc đảo Singapore nổi tiếng. Đừng quên một chi
tiết nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Nguyên Bộ trưởng Bộ tài chính Singapore
là người đã từng làm cố vấn cho Trung Quốc về việc xây dựng các đặc khu
kinh tế. Là nước phát triển kinh tế thị trường chậm hàng nửa thế kỷ so
với thế giới, tất cả các chính sách kinh tế-tài chính mà Việt Nam áp
dụng đều đã được hàng trăm quốc gia trên thế giới thực hiện rồi, tại sao
còn phải lo thực nghiệm? Và hãy cùng nhau đọc lại phiên bản tiếng Việt
cuốn “Hồi ký Lý Quang Diệu”.
Bởi vì, thật hiếm nguyên thủ quốc gia nào có thể cho bạn thấy nhiều góc
khuất đến thế của thế giới, thấy cả một giai đoạn rục rịch chuyển giao
của các nhà nước, qua giọng văn không kiêng nể. Thứ trưởng Ngoại giao
Đặng Đình Quý cho rằng, ông Lý Quang Diệu là nhà lãnh đạo huyền thoại
của châu Á, là nhân vật lập quốc của Singapore hiện đại. Rất nhiều lãnh
đạo Việt Nam, từ Tổng bí thư Đỗ Mười, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các
nhà lãnh đạo khác sau này đều coi Lý Quang Diệu là người bạn chân thành,
sâu sắc của bản thân các lãnh đạo và của Việt Nam nói chung. Theo các
nhà quan sát ở ta, trong tất cả các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Việt Nam
từ những lần đầu tiên vào những năm 1992 đến đầu những năm 2000, ông Lý
Quang Diệu đều đưa ra những nhận xét rất thẳng thắn, mà đến giờ đọc lại
những lời góp ý đó vẫn còn thấy giật mình.
Ông Lý Quang Diệu từng nói:
“Lẽ ra vị trí số một ở châu Á phải
là của Việt Nam”. Theo ông, vị trí địa lý chiến lược, tài nguyên
thiên nhiên phong phú là hai yếu tố hàng đầu có thể đưa Việt Nam trở
thành “con hổ ở
châu Á”; càng vì có vấn
đề Trung Quốc, Việt Nam càng phải trưởng thành lên như thế… Nhưng
đáng tiếc ngày nay, năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 1/15
của người Singapore, 1/5 của người Malaysia, 2/5 của người Thái. Theo
ông Lý, sự thành công của một quốc gia ngày nay bao gồm ba yếu tố chính
là: (i) điều kiện tự nhiên, như vị trí chiến lược và tài nguyên thiên
nhiên, (ii) con người và (iii) thời cơ; nhưng căn bản nhất vẫn là yếu tố
con người… Cũng do vậy, Lý Quang Diệu đã rất lấy làm hối tiếc, vì Việt
Nam không biết trọng dụng nhân tài, và cho rằng nhân tài của Việt Nam
phần lớn đã định cư ở nước ngoài hết rồi.
*
*
*
Cục diện khu vực và thế giới ngày nay đang đi vào một bước
ngoặt lớn; một dạng trật tự mới đang hình thành giống như cái bước ngoặt
đã từng xẩy ra sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Bước ngoặt sau năm 1945 là
mâu thuẫn “bất cộng đới thiên” giữa một bên là chủ nghĩa tư bản và một
bên là chủ nghĩa cộng sản.
Bước ngoặt 2018 hôm nay là
xung đột quyền lực “một mất một còn” chi phối thế giới thế kỷ 21 giữa
Trung Quốc và Mỹ. Sự giống nhau của hai “bước
ngoặt” này là nguy cơ đẻ ra từ tình huống “trâu bò húc nhau ruồi
muỗi chết”. Sự khác nhau giữa thời 2018 so với thời sau năm 1945 là các
nước “bên thứ ba” hôm nay có nhiều khả năng làm chủ tình hình hơn, nếu ý
thức được đầy đủ về quốc gia-dân tộc mình, về vai trò của đất nước mình
trong cái trật tự đang hình thành ngày càng rõ nét. Liên quan đến Việt
Nam, đất nước đã có quá nhiều trải nghiệm xương máu của cái thời bước
ngoặt sau 1945 cho đến tận hôm nay, chúng ta càng phải thấm thía bài học
khắc cốt ghi xương:
“Ta càng nhân
nhượng, kẻ muốn ăn thịt ta càng lấn tới” (lấy ý từ lời kêu gọi của Hồ
Chí Minh). Sau cách mạng Tháng Tám là như vậy, từ sau Hội nghị Thành Đô
đến nay lại càng như vậy! Điều hoàn toàn khác với thời 1945 là:
Việt Nam hôm nay không phải là một nước nhược tiểu! Điều Việt Nam hôm
nay cần làm và làm ngay: Phải ý thức được chính mình, sức mạnh của mình,
của cộng đồng mà mình là thành viên, ý chí quyết sống, ý thức về vai trò
và trách nhiệm của mình đối với khu vực, đối với thời đại!
[i]
http://baovannghe.com.vn/tu-hoi-nghi-ngoai-giao-lan-thu-29-suy-nghi-ve-van-nuoc-hom-nay-851.html
[ii]
http://baoquocte.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-ngoai-giao-30-7.html
[3]
http://hovuvovietnam.com/Dien-van-cua-Bo-truong-Bo-Noi-vu-Vo-Nguyen-Giap-tai-Le-doc-lap-2-9-1945.html
[4]
http://thediplomat.com/2015/02/the-geopolitics-of-the-vietnam-war/
“The Geopolitics of the Vietnam War”
[5]
&
[6]
http://baoquocte.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-ngoai-giao-30-7.html |